Hôm nay,  

250. Wushu Xưa Và Nay Võ Sư

11/05/201521:58:00(Xem: 17367)
Võ Thuật

WUSHU XƯA & NAY

Võ sư NGUYỄN LÂM

Việt Nam Kiến An Võ Đạo

Việt báo xuân 2015Wushu không gì khác hơn là võ thuật, có nghĩa đơn giản là phương pháp vận động sức mạnh một cách khôn khéo, có kỹ thuật.

Từ thời Chiến quốc bên Trung Hoa (403 221 trước Công nguyên) Wushu đã có tầm quan trọng đặc biệt. Binh thư Tôn Tử, cuốn sách về chiến sự ra đời sớm nhất cũng nêu rõ: "Luyện tập võ thuật làm tăng sức mạnh chiến sĩ". Trải qua quá trình phát triển, khoảng thập niên 1920, Wushu có lúc đã được đổi tên là Kuoshu (Quốc thuật); nhưng sau đó đến nay ở Trung quốc và trên thế giới, môn võ này đã đổi lại tên Wushu và đang phát triển. Wushu bao gồm nhiều trường phái và nhiều bài quyền khuôn mẫu tập luyện đều đặn, không chỉ tốt cho cơ bắp, gân xương mà còn rất hữu ích cho hệ thần kinh, hô hấp và tim mạch, do đó Wushu được nhiều người xem như một phương pháp tập luyện để giữ gìn sức khỏe và điều trị một số bệnh kinh niên.

Wushu là môn võ thiên về kỹ năng hơn cường lực, mạnh mẽ mà không thô bạo, chủ yếu là linh hoạt, nhu nhuyễn, bay nhảy nhào lộn khéo léo, có đường nét hoa mỹ như vũ điệu. Trên bình diện chuyên môn, Wushu cũng có nhiều đặc trưng lôi cuốn, vừa mang đậm nét dũng mãnh, tốc độ và sôi nổi của Thiếu Lâm trường quyền, vững vàng chắc chắn và biến hóa của Nam quyền, vừa bàng bạc dáng dấp ôn nhu, nhẹ nhàng của Thái cực quyền, Bát quái chưởng, Địa đàng quyền v.v... Do vậy, ngoài công dụng rèn luyện thân thể và chiến đấu, Wushu còn được xem như một môn võ nghệ thuật. Nhiều chiêu thức, đường nét Wushu được kết hợp trong các vở vũ kịch hiện đại, vũ ba lê và thể dục nghệ thuật, tạo ra một phong cách múa đặc thù. Wushu hiện đại chia thành ba thể loại chính: khống quyền (võ tay không), binh khí và chiến. Trong các cuộc tranh tài Wushu ngày nay, người ta thường tổ chức thi đấu với 2 nội dung chính:

Việt báo xuân 2015
Đại Đao Đại Nghĩa: Đao như mãnh hổ và các môn sinh Kiến An Võ Đạo với Phi long cước.

- Sanshou: Còn gọi là Sanda, Tán thủ hay Đả lôi đài (đấu đối kháng quyền cước trên sàn đài).

- Taolu: Thảo lộ hoặc Thảo bộ gồm biểu diễn bài quyền và binh khí (trường quyền, nam quyền, đao thuật, côn thuật, kiếm thuật và thương thuật).

1. Tán thủ Sanda hay Sanshou:

Là môn đấu đối kháng quyền cước, tựa như Kich boxing hoặc Muay Thai nhưng phong phú hơn với các đòn cầm nã, trì níu và vật đối thủ. Các đấu thủ thi đấu đối kháng tán thủ trong Wushu được chia 10 hạng cân chính thức, mỗi trận đấu gồm 3 hiệp x 2 phút, lấy 2 hiệp thắng. Giữa mỗi hiệp có 1 phút nghỉ. Võ sĩ Wushu thượng đài thi đấu tán thủ đều phải được trang bị mũ che đầu, áo giáp, bảo hiểm hạ bộ (cô ki), ghệt bao ống chân và mu bàn chân (đi chân trần), bị trăng và găng tay. Sàn đấu bằng gỗ dài 8m, rộng 8m và cao 0,6m, trên mặt lót mút mềm và được phủ trên bằng một tấm vải nhựa. Giữa lôi đài vẽ một hình tròn âm dương thái cực, có đường kính 1m. Xung quanh đài được kẻ một vạch đỏ, rộng 5cm. Cách mép đài 0,9m là một đường cảnh giới màu vàng rộng 10cm. Bốn phía quanh đài có phủ nệm mút dày 0,4m, rộng 2m để đảm bảo an toàn cho võ sĩ.

2. Thảo bộ (Taolu):

Là môn thi đấu biểu diễn khống quyền và binh khí:

a. Khống quyền:

Theo tàng thư lịch sử võ học, từ đời Tống, Wushu đã thịnh hành nhiều bài tập tiêu chuẩn khống quyền. Đến đời Minh, khống quyền chia ra hai trường phái: Nội gia chủ về phòng vệ và Ngoại gia chủ về tấn công. Ngày nay, có hàng trăm thể loại khống quyền với những đặc trưng khác nhau, trong đó các thể loại chính là:

Việt báo xuân 2015
TRƯỜNG QUYỀN: Là môn quyền cước thịnh hành thường thấy nhất trong Wushu như Hoa quyền, Hồng quyền và Thiếu Lâm quyền. Đặc trưng của trường quyền là thân pháp cực nhanh, nhảy cao, đá cao, thủ pháp trải rộng, đòn tay và đòn chân đều có uy lực cương mãnh. Với nét đẹp mạnh mẽ, trường quyền rất được giới trẻ hâm mộ.

NAM QUYỀN: Nét nổi bật của nam quyền là tấn pháp vững chắc, thân pháp thấp nhưng rất nhanh, thủ pháp biến hóa khôn lường, lối đánh hay, nhập nội tiếp cận, kết hợp động tác mạnh mẽ, thỉnh thoảng tung một đòn đánh sấm sét cộng với tiếng hét lớn để tăng uy lực. Trong 12 thể loại chính của Khống quyền, có lẽ Nam quyền là đa dạng và phong phú nhất. Nổi trội ở Nam quyền là Hồng gia quyền, Thái Lý Phật và Vịnh Xuân quyền.


THÁI CỰC QUYỀN: Có động tác dịu dàng theo đường vòng tròn, thường thích hợp với người có sức khỏe yếu. Bài tập Thái cực quyền nhẹ nhàng, dễ chịu nhưng có ích cho sức khỏe và rèn luyện sự khéo léo. Cho đến bây giờ, thịnh hành và được ưa chuộng nhất có lẽ là Dương gia Thái cực quyền, được giản lược hóa thành 24 chiêu thức (The 24 Simplified Yang style Taichichuan).

HẦU QUYỀN: Hầu quyền là môn võ dựa theo động tác loài khỉ, lối đánh tựa chú khỉ đang nô đùa, giúp người tập linh hoạt, nhanh nhẹn và khéo léo.

BÔN THỦ QUYỀN: Chiêu thức Bôn thủ quyền dựa trên 8 tư thế căn bản, xuất thủ nhanh và liên tiếp như sấm chớp.

XÀ QUYỀN: Có lối đánh dựa theo loài rắn: người đi quyền chụm bàn tay lại, động tác, chiêu thức kết hợp "cương" và "nhu", tạo hình một con rắn khi thì uốn éo vặn mình, khi thì cuộn mình quanh gốc cây, lại có khi ngóc cao đầu thách thức đối thủ

ĐƯỜNG LANG QUYỀN: Được sáng tạo vào khoảng thế kỷ 17, dựa theo kỹ thuật căn bản của trường phái Thiếu Lâm, có lối đánh mô phỏng động tác của con bọ ngựa, tiêu biểu là những đòn tấn công, bung bật liên tiếp rất nhanh, kể cả cánh tay và chân.

HÌNH Ý QUYỀN: "Hình ý quyền" bao gồm "hình thái và ý chí" với tất cả thao tác của cơ thể được chỉ đạo bởi ý chí, các chiêu thức mô phỏng động tác của nhiều loài rồng, cọp, khỉ, gà, gấu... Hình ý quyền đặt trọng tâm vào sự kết cấu chắc chắn, kình lực, sự đơn giản và tốc độ.

TÚY QUYỀN: Có lối đánh tạo dáng người say đang lâm chiến, khi thì đong đưa thụp né đòn tấn công, khi thì giả vờ nhằm hướng trái mà đánh bên phải, có khi lại như loạng choạng té ngửa để rồi bật dậy tung một đòn chân cực mạnh vào đối phương.

ĐỊA ĐÀNG QUYỀN: Có nhiều phương thức phóng người, ngã té, lăn cuộn người và nhào lộn có kỹ thuật. Phương pháp nhào lộn, phóng té này xem như hư chiêu để dụ địch thủ.

PHÁCH THỦ QUYỀN: Đây là môn quyền thuật thiên về động tác xoay vòng cánh tay, xuất hiện từ đời Minh (Trung Quốc). Phách thủ quyền hàm chứa chiêu thức áp dụng xoay chuyển cánh tay và bàn tay theo đường vòng cầu. Các phương cách tránh né đòn và sức công thủ - phản kích vô cùng mau lẹ. Các bài tập luyện này cần điều phối hô hấp để tập trung nội lực và khí.

Việt báo xuân 2015
Khống quyền -võ tay không- và binh khí: Thương tựa cuồng phong (Nguyễn Lâm Hùng Anh)

BÁT QUÁI CHƯỞNG: Là môn võ ứng dụng bộ pháp di chuyển theo đồ hình tám hướng (bát quái) một cách nhẹ nhàng và uyển chuyển. Yếu tố quyết định ở đây là người đấu phải "chuyển động như rồng rẽ sóng, nhãn quan cẩn trọng như loài khỉ, tấn công như cọp thu mình, xoay trở thân pháp như chim ưng vỗ cánh bay lượn".

b. Binh khí:

Wushu sử dụng hàng chục loại binh khí cổ có giá trị nghệ thuật và tác dụng cao, cơ bản gồm:

Binh khí dài: thương, trường côn và đại đao được sử dụng chủ yếu.

Wushu sử dụng hàng chục loại binh khí cổ có giá trị nghệ thuật và tác dụng cao, cơ bản gồm:

Binh khí dài: thương, trường côn và đại đao được sử dụng chủ yếu.

Binh khí ngắn: kiếm, đoản đao và dao găm. Giới võ lâm thường quan niệm đao phải mạnh như cọp, thương phải nhanh như gió lốc (Đao như mãnh hổ, thương tựa cuồng phong).

Phụ chú: Wushu, vũ thuật hay võ thuật (âm Nam Việt) hoặc mủ tsuật (âm Quảng Đông, Trung Hoa) đều cùng một nghĩa như nhau, nhưng ngày nay dường như tất cả người Việt (Trung, Nam, Bắc) đều nói là Võ Thuật, hiểu theo Anh ngữ là Martial Arts, Pháp Ngữ là Les Arts Martiaux. Thuật ngữ Võ Thuật gồm hai chữ gốc Hán đã Việt hóa:

Vũ hay Võ: mạnh mẽ, chỉ về việc làm dùng đến sức mạnh, dựa trên sức mạnh. Vũ hay Võ còn có nghĩa chỉ việc quân sự, chinh chiến: vũ bị, vũ khoa, vũ trang, vũ khí (ngày nay ta thường đọc võ bị, võ khoa, võ trang, võ khí...).

Thuật: Tài năng khôn khéo, phương pháp, cách thức.

Vậy Wushu hay Võ Thuật là phương thức vận dụng tài năng cộng với sức mạnh một cách khôn khéo để chiến thắng đối thủ. Thật vậy, một người có sức mạnh, chỉ dùng sức mạnh không thôi mà không có kỹ thuật, không khôn khéo, khó mà thắng được đối thủ yếu hơn nhưng có kỹ thuật và biết vận dụng sức mạnh (dù yếu hơn) một cách hợp lý, chính xác, khôn khéo, có phản xạ nhanh nhẹn biến hóa do tập luyện (võ thuật).

Võ sư Nguyễn Lâm

Võ sư Nguyễn Văn Thành Nhân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.