Hôm nay,  

11. Gặp Nhau Ở Saigon Sau 30 Tháng 4 Năm 1975

11/05/201521:44:00(Xem: 16843)
Chuyện 40 năm trước

GẶP NHAU Ở SAIGON
SAU 30 THÁNG TƯ 1975

NHÃ CA

Đêm Không Ngủ
nghe Thái Thanh hát.

Hội họp ở nhà 203 Hiền Vương
Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền

Hai năm bị công an lùng bắt,
Mai Thảo vẫn ung dung
trong nhà..

Việt báo xuân 2015Danh ca Thái Thanh tại California

Lời giới thiệu. Ất Mùi 2015, bốn mươi năm sau ngày mât Sàigòn, đúng lúc để đọc một cuôn sách đã in từ năm Mùi 1991. Sách in ra bán hết từ lâu, chưa tài bản, nên có đi tìm cũng không ra. Đó là cuôn Nhã Ca Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng, viết về Sàigòn sau 30 tháng Tư 1975.

Khi sách ấn hành lần đầu năm 1991, nhiều nhân vật trong hồi ký là các văn nghệ sĩ, còn đang sống trong nước,. như Doãn Quôc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Như Phong, Mặc Thu, Khuât Duy Trác... Vì an toàn của nhân vật đang sống, người viết hồi ký chỉ lướt qua sự việc mà không nêu đích danh.

Báo xuân Việt Báo năm nay mời bạn đọc một phần nhỏ của Hồi Ký Nhã Ca kể về các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ của miền Nam trong sinh hoạt bằng hữu sau ba mươi tháng Tư 1975. Trong đó có chuyện nhà văn Mai Thảo, người duy nhất lọt lưới trong vụ bắt giam hàng trăm nhà văn nhà báo miền Nam, sau hai năm bị công an truy tầm gay gắt, đã ẩn lánh trong căn nhà của gia đình Nhã Ca, và an toàn vượt biển.

Việt báo xuân 2015
Hoài Bắc Phạm Đình Chương (1929 - 1991)

Tới được đất Mỹ, Mai Thảo thường kể chuyện này với bằng hữu. Và cười cười, giải thích cho quí vị công an cộng sản vì sao họ không tìm ra ông: “Bà con miền Nam, nhà văn miền Nam, chúng tôi ăn ở với nhau khác. Làm sao các anh hình dung được.” Tuy cảm khái, nhưng vì sự an toàn của người còn ở lại, vẫn phải chờ thêm 10 năm sau, Mai Thảo mới có thể công khai viết bài kể sự thật trong tạp chí Văn số đặc biệt “Chào Mừng Trần Dạ Tư-Nhã Ca tới vùng đất tự do.”

Việt báo xuân 2015
Hoạ sĩ Phạm Văn Đôn (1918- 2000)

Phần trích hồi ký Nhã Ca bắt đầu bằng chuyện gặp gỡ và một “đêm không ngủ” trong ngôi nhà số 203 đường Hiền Vương, là địa chỉ Sàigòn cũ của người chủ biên báo xuân Việt Báo. Hôm đó, mọi người thưởng thức món gà quay kiểu tây của đầu bếp Nguyễn Xuân Nghĩa, rôi nghe Trần Dạ Từ đọc thơ Thanh Tâm Tuyền làm các nghệ sĩ Hà Nội có mặt chới với. Hồi ký Nhã Ca 21 năm trước không nêu tên. Nay, người quá vãng khỏi cần ngại công an, nên chủ biên báo xuân xin phép bổ túc chi tiết và hình ảnh hai vị khách đặc biệt ngày ấy. Đó là người anh họ của nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương và danh ca Thái Thanh:

Việt báo xuân 2015
Điêu khắc gia Nguyễn Thị Kim (1957-1978)

- Họa sĩ Phạm Văn Đôn, tốt nghiệp Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương khoá XIII (1939-1944). Chủ nhiệm khoa tại chức Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam, ông được Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam; Huy chương Chiến sĩ Văn hoá.

- Phu nhân của họa sĩ Phạm Văn Đôn, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim (1918-2011) là người đầu tiên nặn tượng Hồ Chí Minh năm 1946.

Hai vợ chồng đều là nghệ sĩ con cưng của chế độ cộng sản Hà Nội. Mời đọc.

Sàigon sau 30 Tháng Tư
Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền
Đêm không ngủ nghe Thái Thanh hát

Ít lâu sau ngày có lại mẹ bên cạnh, Sớm Mai lăn ra sốt. Mỗi lúc một nặng. Mấy bữa thì mê sảng. Con bé mười bốn tuổi lả trên tay mẹ. Thương hàn đã tới hồi nhập nội.

Toàn, Bẩy, mấy ông chú trong "công ty tiêu tùng" giúp tìm xe, chở Sớm Mai đi cùng khắp các bệnh viện trong thành phố. Mọi nơi chỉ có chung một câu trả lời: Phải có giấy giới thiệu của phường. Thứ giấy kỳ quái này lại không thể xin được. Sớm Mai càng lúc càng thoi thóp. Đã tưởng bó tay thì điện thoại reo. Bố Nguyễn Xuân Nghĩa của con bé gọi lại, biết chuyện, la muốn vỡ ống nghe:

"Lại Viễn ngay. Ô hay, hồn vía bà để đâu vậy? Ông Viễn bà Như cùng dân ở Tự Do cả, bà chạy sang chỉ có mấy bước. Ông Viễn cũng mới học tập về, không hành nghề bác sĩ nữa, nhưng thế nào cũng có thuốc men cứu cấp. Ủa, bà Như ngồi ngay cạnh bà với cô Tám suốt đêm Giáng Sinh ở nhà đó thôi. Bộ cả buổi nhậu đêm ấy bà cũng không nhớ nữa?"

Nhớ rồi.

Anh chị Viễn-Như tới với tấm lòng và túi thuốc. Sớm Mai được cứu sống.

*

Giáng Sinh 1975. Các kho rượu trong thành phố đang vỡ, đổ ra bán đầy lề đường. Tiệm Brodard vẫn còn tiếp tục nhận cung cấp món gà tây cho bữa ăn nửa đêm.

"Sẽ chẳng bao giờ đông đủ thế này nữa đâu."

Đám bạn hữu còn sót lại ở Sàigòn bảo nhau. Vậy là đêm không ngủ với bạn hữu ở ngôi nhà 203 Hiền Vương của Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau bữa ăn ngoài vườn, khi vài chục bạn hữu dồn hết vào trong phòng, bỗng có người đòi hát. Đã có ly rượu trên tay Hoài Bắc lại ngất ngưởng: "Đàn đâu?" Mai Thảo nghiêm trang: "Ờ, phải hát chớ nhỉ?" Thái Thanh cũng cao hứng: "Hát thì hát. Sợ thằng chó nào?"

Nhà không có đàn. Từ với Nghĩa phải chở nhau tới đập cửa một tiệm đàn quen vào lúc nửa đêm. (Tiệm đàn Đức Thắng góc đường Nguyễn Thiện Thuật-Phan Thanh Giản, anh chị Đức Thắng là chỗ thân tình, từ hồi mơi di cư đã thân quí với Tư, tình thân đủ để dám đập cửa vào luc nửa đêm Kết quả, mới mang về được một cây ghi ta cà khổ. Vậy là tiếng hát Thái Thanh lịm tắt từ 30 tháng Tư, lại lảnh lót vang lên như không bao giờ ngừng. Tất cả ngồi bên nhau cùng lặng lẽ nuốt. Nuốt tiếng hát. Nuốt tiếng đàn. Nuốt xuống chính mình. Cứ vậy cho tới lúc bỗng có tiếng ly vỡ và Thái Thanh òa khóc.

Từ trước 1970, Nghĩa là chủ tịch hội sinh viên Việt Nam du học ở Pháp, cùng Đặng Hùng Anh, từng xô xát với cánh thân cộng Grenoble. Nội vụ có lúc ầm ĩ, ra cả tòa án Tây.

Ra trường, về nước, Nghĩa làm ngân hàng rồi phụ tá cho ông Phó Thủ Tướng Kinh tế tài chánh, tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, đặc trách coi về quan thuế và thuế vụ bên Bộ Tài Chánh.

Tháng Tư 1975, ông Hảo lên Tivi hứa với quốc dân tôi sẽ ở lại với đồng bào, dù có biến chuyển gì đi nữa. Chẳng hiểu lời hứa của ông Phó Thủ Tướng có phải do chính Nghĩa viết ra không, nhưng cả gia đình di tản rồi, mình Nghĩa kẹt lại cùng ê kíp.

Ít tháng sau đổi đời, Nghĩa chán ê kíp, suốt ngày nhập bọn với mấy anh em văn nghệ còn lại. Đâu chỉ Giáng Sinh 1975, cả sinh nhật lần cuối củaTừ ở khu nhà cũ, Hoài Bắc, Thái Thanh mang rượu xuống, họp mặt bên nhau, cũng có Nghĩa.

Một lần, đang ở nhà Nghĩa, bỗng có bạn đưa thân nhân là một số nhân vật văn nghệ miền Bắc ghé thăm.

Vui chuyện, khách văn nghệ miền Bắc đòi nghe thơ miền Nam. Anh Mai Thảo bảo:

"Cho nghe Thanh Tâm Tuyền. Từ thuộc mà. Đọc đi."

Thơ được đọc là bài Trưởng Thành:

Anh biết vì sao cộng-sản thủ tiêu Khái Hưng
mỗi lần hoàng hôn tôi bước cùng đám đông
lòng khẩn cầu cách mạng

anh biết vì sao cộng-sản thủ tiêu Phan-văn-Hùm
mỗi lần hoàng hôn tôi chạm mặt từng người
có phải chúng ta đang sửa soạn

anh biết vì sao cộng-sản thủ tiêu Tạ-thu-Thâu
mỗi lần hoàng hôn tôi cố thở cho nhiều
các anh nhớ tôi còn sống
quờ quạng tay dan díu
cách mạng nổ trong sự nín thinh

anh biết vì sao cộng-sản thủ tiêu
vì sao cộng-sản thủ tiêu
vì sao cộng-sản thủ tiêu

Mỗi lần hoàng hôn
tôi chỉ là người văn nghệ bé nhỏ
hoặc tôi câm mồm hoặc tôi thét la
mặc chúng dụ dỗ mặc chúng doạ nạt
chúng sợ cách mạng vô cùng

cộng-sản thủ tiêu Hưng Hùm Thâu
mỗi lần hoàng hôn chúng tôi tìm gặp nhau
những người văn nghệ yếu đuối
mê cách mạng năng lực tựa thiên thần
tôi còn Trọng Lang ba lần cộng-sản giết hụt
tôi còn Mai Thảo yêu vỡ Hànội khi về
tôi còn Duy Thanh màu mai nghẹt thở
tôi còn Thanh Hiệp đau khổ bằng ông cụ già
một ông cụ già bất mãn và khó tính
tôi còn Quốc Sỹ sạch và trong hơn ngọn suối
của những chuyện thần tiên
tôi còn Sỹ Tế bén nhậy điềm tĩnh
như cuộc đấu tranh
ngày mai qua bao nhiêu hình ảnh

mỗi lần hoàng hôn
tôi đốt lửa người tôi tới trước
và các bạn tôi
nghĩa là điệp điệp trùng trùng
có ngã xuống còn kịp nói với nhau
chúng mình chết tự do quá chừng.

Việt báo xuân 2015
Hoạ sĩ Lê Tài Điển có mặt đêm không ngủ 1975

Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền với chúng tôi vốn ít giao tình. Nhưng cũng chỉ mới đây thôi, anh cùng anh Mai Thảo đạp xe tới nhà, xách theo chai rượu, đặt xuống cái bàn nhỏ ngoài vườn. Anh Mai Thảo nói: "Nào, nhậu. Mai, ông Tâm đi trình diện học tập."

Bài thơ được viết từ hai mươi năm trước. Mỗi lần hoàng hôn chúng tôi tìm gặp nhau… Vẫn vậy thôi. Nhưng cả nước đã thành thứ hoàng hôn đỏ lòm. Gặp nhau chỉ để chờ tai họa. Nhà thơ đã đi tù. Khách nghe thơ lại là người cộng sản miền Bắc đang ở thế đắc thắng. Từng câu hỏi trong thơ, "vì sao cộng sản thủ tiêu" đọc lên giữa cảnh này, nghe có vẻ gì khác thường. Tất cả chỉ còn biết lặng lẽ. Nghĩa nhìn nhân vật văn nghệ miền Bắc, rồi nhìn tôi, cười cười.

Khi khách miền Bắc về rồi, mấy anh em còn lại bỗng như thấy nặng nề. Nghĩa nói:

"Đã có lúc tôi nghĩ mình tìm thấy một mẫu người trí thức hành động. Mới đây, tôi còn nói với ông ta, rằng ông là người của miền Nam, ông đủ điều kiện để chúng ta dựng cờ làm lại. Có thể tôi là thằng ngây thơ, nhưng không lẽ cứ là trí thức thì không dám hành động?"

"Có im mà uống đi không nào."

Căng quá rồi. Tôi nạt. Mọi người đều cười.

Chúng tôi đi tù, bố Nghĩa mang cho cháu Sớm Mai con cọp lớn nhồi bông, bảo:

"Con ôm nó ngủ, trong những ngày không có hơi ấm của Bố Mẹ."

Còn biết bao nhiêu chuyện để nhớ. Đâu chỉ riêng đêm giáng sinh không ngủ. Nhờ Nghĩa, tôi có bà bạn hàng xóm gốc ngụy đầu tiên ở khu Tự Do, thường lui tới khi vui buồn, hoạn nạn.

Việt báo xuân 2015
Mai Thảo nói về “Hồi Ký Nhã Ca” tại California, 1991

Chị Như, cháu gọi anh Mai Thảo bằng chú, từ đây, trở thành chị lớn. Bọn nhỏ kêu chị là "mẫu hậu". Mấy căn phòng tiện nghi của mẫu hậu trên lầu được kêu là "hoàng cung".

Ít lâu sau, thêm láng giềng gốc ngụy thứ hai là cô bạn luật sư Đặng Thị Tám:

"Hóa ra Nhã Ca ở đây à? Từ nay, bọn mình là hàng xóm đấy. Có gì kêu nhau, nghe."

Tám là cô út nhà họ Đặng, có cửa hàng thêu nổi tiếng nhiều năm ở Tự Do, phía bên kia ngã tư LêThánh Tôn.

Học hành đâu bên Tây bên Mỹ về, Tám mở văn phòng luật sư. Trước 1975, chuyên viên phò tá Linh mục Trần Hữu Thanh xuống đường chống tham nhũng. Linh Mục Thanh đã bị liệt chân từ hồi sang Chí Hòa, không biết giờ này đang ở nhà tù nào.

Luật pháp chả còn chỗ trong xã hội mới. Cô luật sư đóng cửa văn phòng, về lại cửa hàng cũ, nối nghiệp nhà kim chỉ thêu thùa, coi bộ khấm khá.

Lại thêm gia đình đôi bạn Trương Hữu Lương-Vân Khanh, ở phía Hai Bà Trưng. Dân ngoại giao chuyên nghiệp từ Tây về, kẹt lại. "Nhỏ" Vân Khanh dễ thương, tứ tuần rồi vẫn lộng lẫy, nhõng nhẽo. Giữa thời Saigon ăn khoai mì, thỉnh thoảng nhỏ ta vẫn diễn màn chà đồ nhôm chôm đồ nhà, xài bảnh:

"Ê bồ. Lại kéo bọn bà Như đi bún bò với tui. Bồ không đi, tui nằm vạ à. Bọn mình người Việt gốc ngụy mà. Mặt mũi gì mà căng thẳng vậy, có ngày điên mất. Kệ cha bác cháu nhà chúng nó. Cười lên. Cười nào."

Thì cười. Vậy đó. Nhà tù nhỏ. Nhà tù lớn. Vẫn còn có nụ cười đấy chứ.



Không yên đâu. Ông bạn văn độc miệng mà đúng. Sẽ còn đủ thứ tai vạ, oan trái rình rập căn nhà này. Nhưng cũng nhờ nó, mà sẽ có không ít kỳ ngộ.

"Ồ, chị Nhã. Bọn này nghe nói chị về. Ở ngay đây. Nhân đi qua, ghé thăm."

Đó là lời ấm áp thường được nghe, ngay những ngày đầu vừa ra tù, từ đủ thứ bạn quen thân, sơ, kể cả giới tài tử giai nhân thời trước: Ngọc Giầu, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Lan, Bích Sơn, Bạch Lý, Trần Quang, Phi Thoàn, Kim Cương… Cậu em tài tử xi nê Huy Cường bạt mạng còn xách tới chai rượu:

"Chị Nhã. Em nghe các anh ấy kể chuyện chị trong tù, phải tới thăm chị. Chị thay anh Từ, uống với em một ly."

Thì uống. Cậu em vẫn chưa hài lòng.

"Chỉ một hớp nhỏ vậy à. Ôi, bà chị yếu quá. Mà phải rồi. Chị còn các cháu. Em có một mình. Bạn bè đi tù hết trơn. Em cũng khoái đi tù đây. Thôi, để em đi. Chị ngồi đây coi nhé, em ra giữa đường, em chửi chúng nó thay cho chị…"

Chai rượu cặp nách, Huy Cường bước ra đường, mặt mũi nghênh ngang, nhái kiểu Bắc Kỳ mới, chửi tục: "Địt mẹ Đảng. Địt mẹ Bác. Địt mẹ thằng già. Địt mẹ chúng mày. Nhìn gì. Bắt tao đi…"

Đến khổ. Cứ cái giọng khác người ấy, nghe đâu Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, hai nhà thơ khác thường của miền Nam, đã ăn đòn công an tới gẫy xương sườn. Vài người qua đường tò mò quay lại nhìn rồi vội vã lảng xa. Huy Cường vẫn an toàn qua đường.

"Hú hồn. Chắc không có tên công an nào rảnh tay. Nhưng cứ mửng này, thế nào cũng có phen lãnh đủ."

Nhìn cậu em tài tử đẹp trai, thời trước từng được bạn bè gọi đùa là "con yêu râu xanh", khuất dần bên kia đường, tôi đã nghĩ vậy.

Đâu tưởng tượng nổi, sau này, Huy Cường sẽ bị xe bộ đội công an gì đó cán chết.



Bác Ba Mai Thảo của bọn nhỏ
bị lùng bắt vẫn ung dung như thường

Suốt buổi trưa, con hẻm phía sau nhà, tiếng người la, tiếng chân chạy rần rần. Bố ráp. Bà Ngọai chỉ huy mấy đứa nhỏ, đem đủ thứ đồ lỉnh khỉnh, chặn cứng bên trong cánh cửa sau.

Chín căn phố lầu, cạnh khách sạn Continental trên đường Tự Do cũ, mỗi nhà đều có cửa sau, mở ra một con hẻm chung, kế cận hãng xe hơi Citroen, ăn ra phía đường Lê Thánh Tôn.

Đầu thập niên sáu mươi, nhà cuối con hẻm, số 138 là Câu lạc bộ văn hóa của anh Phạm Xuân Thái, nơi lui tới của văn giới Sài Gòn. Anh Thái là Tổng Trưởng Thông Tin dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm, hiện đang đi tù đâu ở Bảo Lộc. Ngôi nhà đã đổi chủ từ lâu. Trước 1975, vợ chồng Cung Tiến cũng có thời đóng đô ở đấy. Con hẻm bao năm đầy hình bóng bạn hữu, bỗng chốc đổi đời, thành sào huyệt của xì ke, ma túy.

Dân chích chóac, chả biết từ bao giờ, chiếm hết con hẻm. Cửa sau nhà nào cũng có lần bị cậy, bị trộm. Đành phải nèn chặt. Tuần nào cũng thấy vài xác chết nằm chèo queo trong hẻm bị kéo ra đường. Công an phường đã cố dẹp nhiều lần, chẳng ăn thua gì. Bên này đường Lê Thánh Tôn là lãnh thổ phường chin. Bên kia đường, khu công viên Chi Lăng, vương quốc của dân bụi đời, lại thuộc phường tám. Trước đây, khi bị công an đuổi, chỉ cần băng qua đường là huề.

Hai căn phố kế cận, lâu nay cửa đóng im ỉm, vừa có chủ mới. Một cô cụt tay, nữ tướng, xếp lớn bên thành đòan. Một bà bề thế, nghe đâu là con đẻ của anh hùng Lý Chiến Thắng (tên mới của đường Yên Đỗ), con nuôi Tổng bí thư Lê Duẩn, lại có cha ghẻ đương thời là Thiếu tướng Trần Hải Phụng, tư lệnh Quân khu 7. Con ruột, con nuôi, con ghẻ. Thế gia vọng tộc kiểu mới, dây mơ rễ má tùm lum. Thêm ông Xích Điểu, chủ nhiệm nhật báo Sàigòn Giải Phóng, bạn thiết của "đồng chí bí thư thành ủy" Nguyễn Văn Linh, vừa dọn vào khu bin đinh cuối dẫy.

Tòan thứ dữ cả. An ninh con hẻm có cơ thành mục tiêu bắt buộc. Cuộc bố ráp lần này, quyết liệt ra mặt.

Anh Mai Thảo xuất hiện đúng buổi trưa căng thẳng ấy.

Người cháu tên Chấn, dò đường từ hôm qua.

"Dò hỏi hết ngả rồi. Căng lắm. Chỉ còn cô thôi."

Thì đến. Còn băn khoăn gì nữa.

Phải nhờ một cậu em ngồi canh sẵn ngòai cửa. Chờ.

Hai chú cháu đi như người dạo phố, thình lình, lách vô nhà thật nhanh. Mũ xụp, kính đen mở ra. Phong độ lại ung dung, chững chạc.

"Từ ra sao rồi?"

Anh Mai Thảo hỏi.

"Đưa lên trại Gia Trung trên Kontum. Hơn hai tháng rồi. Cả anh Tế, anh Sỹ, Trịnh Viết Thành… Đang lo đi thăm Từ lần nữa."


"Tôi tạm ít ngày. Chờ ý kiến Từ."

"Chúng ta đều biết Từ thế nào. Anh đừng bận tâm."

Tôi nói.

"ít bữa cháu sẽ trở lại.'

Ngừơi cháu tên Chấn đứng lên chào. Tôi bảo: "Không cần đâu. Thỉnh thỏang thôi. Chúng theo dõi đấy. Cẩn thận."

Chấn rút lẹ ra vỉa hè. Tôi bảo anh Mai Thảo:

"Lên lầu, anh ạ. Giang san anh em mình với các cháu trên ấy."

Cúp điện. Phía trong nhà như cái ống tối thui. Cầu thang xoắn ốc lên lầu nằm tít mãi phía trong, sát cánh cửa mở ra hẻm. Phía ngoài, thình lình có tiếng la, tiếng chân chạy, tiếng đập cửa. Tôi đẩy anh dồn bước.

Lên hết cầu thang, qua dẫy hành lang tới căn lầu phía trước mặt tiền Tự Do, mới có thể giải thích.

"Không sao đâu. Công an bố ráp lục bắt mấy người xì ke sau hẻm."

Cửa sổ lớn mở ra vòm me xanh. Phía dưới là phố xá. Thấy anh dợm bước, muốn nhìn rồi lại vội thối lui, tôi nói thêm:

"Yên tâm. Cửa kính dán sẵn giấy phản chiếu. Trong nhìn ra phố được, mà ngòai nhìn vô không thấy đâu."

"Nhà cửa gớm nhỉ?"

Hang cọp mà. Nhớ lần bị công an hù là họ đã bắt được Mai Thảo, tôi nhìn anh. Cười.

Từ đây, trong nhà, anh trở thành bác Ba thân thiết của các cháu.

. . .

Lại đêm. Đập cửa khẩn cấp. Bật dậy. Chụm đầu. Nghe ngóng. Thì thầm.

"Khoan. Đừng xuống vội. Bình tĩnh."

Anh Mai Thảo nói.

Lầu giữa, phía sau phòng khách, có khoảnh sân trống. Sớm Mai nhanh nhẹn mở cửa sổ cho bác leo lên mái nhà.

"Gài kỹ chốt cửa lại. Cứ thong thả."

Cửa sắt cuốn dưới mặt tiền căn phố bị nện kêu rầm rầm.

"Bật đèn lên được rồi, con." Tôi bảo Sớm Mai. Ngọn điện bật sáng.

"Mở cửa. Kiểm tra hộ khẩu."

Tiếng quát giật giọng từ dưới đường vang lên.

Đã tính toán sẵn, trừ bà ngoại và vài đứa lớn, tất cả đều trở về chỗ nằm, đâu đó vẫn phải như đang ngủ.

"Hai chị em xuống mở cửa cho chúng. Không việc gì phải sợ."

Tôi bảo đứa cháu lớn trong nhà, rồi về phòng.

Có nên thay áo không? Tôi đang khoác cái áo ngủ nhầu nát. Thây kệ.

Chờ.

Vậy là điều lo lắng, hồi hộp hai ngày nay đã tới.

Đêm hôm kia, anh Mai Thảo về khuya. Cửa sau, mấy đứa cháu trong nhà quên việc mở chốt sẵn. Trong hẻm lại có người, cũng chỉ dân giang hồ đi tìm xó tối làm ăn thôi, nhưng cũng không thể kêu cửa ầm ĩ. Đành vòng ra phía Tự Do, thấy cửa trước còn đèn, đang tính vô thì đụng ngay tổ trưởng dân phố.

"Thấy nó dắt đứa con đi tới, tôi vội làm bộ dạo phố, chỉ dừng lại châm thuốc. Ai dè nó lại nhận ra mình. Còn lên tiếng chào hỏi thăm anh khỏe không nữa chứ. Thế mới bố khỉ. Phải ờ ờ ậm ừ làm bộ băng qua đường, mới thoát. Nhã liệu coi chừng nghe. Có thể nguy đấy."

Khi vô được nhà roi, anh Mai Thảo kể vậy.

Tổ trưởng dân phố là Nguyễn Thanh Bình, một nhạc sĩ cũ, hình như là tác giả bài ca Những nẻo đường Việt Nam thường được hát trên Đài Phát Thanh Saigon thời mới di cư 1954. Hai cha con ông ta sống tá túc, vất vưởng ở một căn gác xép trên đường Tự Do.

Ngay sáng hôm sau, đã thấy ông ta ghé vô nhà:

"Người ta đồn Mai Thảo đi thoát rồi, chị có tin không?"

"Ai biết đâu đấy."

"Này, lạ lắm, chị Nhã Ca. Đêm qua, lúc khuya, tôi thấy Mai Thảo trên đường này, ngay trước cửa nhà chị."

"Anh có quáng gà không? Ông Mai Thảo, ông Hoài Bắc, ông Anh Ngọc, ba ông vua đi chơi đêm đều ngất ngưởng giống nhau. Anh gặp cả ba hay một ông?"

"Tôi biết họ mà. Gặp mình Mai Thảo thôi. Chắc không sai đâu."

"Gặp, sao anh không kêu hỏi coi?"

"Có chớ sao không. Tôi chào, hỏi thăm, nhưng anh ta vội vã bỏ đi, coi khả nghi lắm."

"Uổng chưa. Anh la lên, bắt được anh ta mang nạp cho công an là có thành tích rồi."

"Bậy nào. Có lẽ lầm thật. Chắc là Anh Ngọc đấy, không phải Mai Thảo đâu. Lâu quá, tôi không gặp lại họ."

Ông nhạc sĩ yên lặng vài giây, rổi nhỏ giọng hơn:

"Chị Nhã Ca. Tôi chỉ kể với chị cho vui thôi. Bộ chị tưởng tôi làm tổ trưởng rồi thành giống chó à?"

Tôi đã rán tin ông ta nói thật. Vậy mà, đó, cầu thang sát cửa phòng đang rầm rập bước chân.

"Lục soát kỹ các phòng. Tìm cho ra nó."

Tên chỉ huy ra lệnh.

Thôi rồi, đúng là chúng đã được báo cáo.

Bọn công an lố nhố tràn ngập hành lang. Súng ống gườm gườm khắp nhà. Hai phòng nhỏ sát hành lang thành mục tiêu đầu tiên.

"Lên nhà trên. Chị đi theo tôi."

Một gã lạ mặt mặc thường phục, tay cầm cái đèn pin lớn, không thấy mang súng, bảo tôi.

Từ hành lang, bước lên vài bậc cấp, là phòng khách lớn trên lầu. Dưới cửa sổ, kê cái khung ghế dựa bằng gỗ đã mất nệm. Ngay dưới ghế, hỡi ôi, còn nguyên đôi dép anh Mai Thảo bỏ lại, khi trèo lên mái nhà. Nhà toàn đàn bà trẻ con, đôi dép đàn ông to tướng nằm chình ình ngay đó, còn chối nghả nào nữa.

Không nói không rằng, gã lạ mặt xăm xăm đi thẳng lại phía đó, bước lên ghế, mở chốt, đẩy tung cánh cửa sổ. Thêm một bước nữa, hắn đứng cả hai chân lên thành ghế, nhoài nửa người ra ngoài.

Cửa sổ không chấn song. Chỉ cần đu người lên thành cửa, rồi với tay lên cây đà gỗ đỡ mái ngói, đứng thẳng, nhìn lui, hắn sẽ thấy anh Mai Thảo đang núp phía sau bể chứa nước.

Hẳn hắn đã nhìn thấy đôi dép? Sao không thấy hạch hỏi? Cũng có thể hắn chưa nhìn. Đi tới. Thử coi.

"Đu mạnh lên mái nhà được đấy. Anh lên kiểm soát đi. Khỏi sợ té. Tôi giữ ghế cho."

Tay vịn thành ghế, tôi hất chân, đẩy nhẹ đôi dép vô gầm khuất. Đèn pin từ tay gã quét ra phía ngoài những lằn sáng ngang dọc. Lại có tiếng chân rầm rập ngoài hành lang. Thay vì đu mình lên, gã nhẩy xuống, cửa sổ vẫn mở toang.

Tên chỉ huy vào, hất hàm:

"Xét kỹ trên mái chưa?"

"Báo cáo, xong. Không có gì?"

"Chị biết điều thì tự giác đưa nó ra đi. Chị giấu nó ở đâu?"

"Anh bảo tôi giấu ai?"

"Thằng Lê Phương Đông. Đừng đùa với pháp lệnh nhà nước. Ngoan cố che giấu, chị sẽ bị xử tội tòng phạm."

"Lê Phương Đông? Nó làm cái gì? Cái gì mà tòng phạm?"

Tôi thật sự ngạc nhiên.

"Đừng có vờ vịt, ngoan cố. Con trai chị trốn nghĩa vụ quân sự. Chị giấu nó thì chị là tòng phạm. Chị dẫn nó ra ngay."

"Vâng. Tôi dẫn nó ra cho các anh coi liền bây giờ."

Có thể cười được rồi. Thằng con trai 11 tuổi, mặt còn ngái ngủ, mặc xà lỏn, ở trần, được dẫn ra trình diện. Tên chỉ huy nhăn mặt:

"Chị đưa hộ khẩu đây."

Đọc đi dò lại. Kiểm mặt từng người.

"Lê Phương Đông. Sinh ngày 7 tháng Hai 1966."

Bấm đốt tay tính tuổi. Ít ra phải sáu bẩy năm nữa mới có thể bắt thằng bé đi lính. Cả bọn nhìn nhau. Một gã cằn nhằn:

"Bố láo bố lếu. Có cái năm sinh người ta mà cũng báo cáo lộn."

"Lần sau, cần thêm đứa nào các anh cứ hỏi sớm." Tôi nói.

"Đi."

Tên chỉ huy ra lệnh. Lại rầm rộ súng ống rút lui, không thèm thêm một lời.

Thở phào. Ông nhạc sĩ Thanh Bình có lý. Làm tổ trưởng dân phố hay cái gì đi nữa, không chắc đã thành chó.

"Thôi, bây giờ an tâm ngủ, anh ạ. Không đến nỗi nào." Tôi bảo anh Mai Thảo.

Lại sắp tới kỳ thăm nuôi Từ.

Hai tháng một lần. Còn ba tuần lễ nữa.

. . .

Xe đò vào thành phố lúc bốn giờ sáng. Phải giờ giấc đó, mấy bao than của chủ xe, cả lô tay buôn hàng chuyến khác nữa, may lắm mới thoát được cảnh xào xáo của trạm kiểm soát đầu xa lộ.

Việt báo xuân 2015
Chân dung Nhã Ca, sơn dầu Nguyễn Trung 1976 Tranh vẽ bằng ký ưc khi người còn trong tù

"Em ăn di."

"Chị ăn đi."

Hai chị em, hai ngày dọc đường về, nhường nhau cái bánh chưng. Bây giờ thì cắt đôi được rồi. Rõ khéo. Cả bình nước mang theo cũng vừa cạn.

Bị nêm chặt một chỗ trên xe lâu quá, khi bước xuống, hai chân thành khúc gỗ, hết cục cựa nổi. Chỉ có mấy cái giỏ tre, bị lát đựng keo hũ nhựa không, vừa lấy từ mấy ông chồng trên trại tù về, chị Hồ Văn Đồng và tôi cũng phải khó nhọc mới leo nổi lên được chiếc xích lô máy. Gió sớm xổ tung cả tóc tai. Tỉnh ngủ. Xe tới góc nhà thờ Huyện Sĩ, chị Đồng xuôg trước. Chị vẫn phải lê từng bước cà nhắc.

Khu phố đang thức giấc. Xích lô máy đổ trước nhà, nổ máy ầm ầm. Chó hàng xóm sủa rân. Cô cán bộ hàng xóm, đứng sẵn trên lề đường, hỏi thăm:

"Khỏe. Cám ơn Năm. Đi đâu sớm vậy?"

Nữ lãnh tụ Đoàn Thanh Niên thành phố. Cụt một cánh tay. Áo bốn túi mầu đen. Gậy sắt. Một mình chiếm cả căn phố lầu cạnh nhà, khi biến khi hiện, không rõ lúc nào có ở nhà, lúc nào không. Bây giờ thì cười cười:

"Đâu có. Em cũng vừa về mà, chị Tư."

Khỏi cần đập cửa, mấy đứa nhỏ đã ùa ra.

Lên lầu, anh Mai Thảo chờ sẵn nơi cửa.

Sớm Mai:

"Bác không chịu ngủ. Cứ đứng nhìn xuống đường từ lúc nủa đêm. Chờ mẹ."

"Mẹ chậm mất một ngày. Đăng ký xe đò vất vả quá. Móc ngoặc đủ kiểu mới có vé về tới hôm nay."

"Từ và các bạn thế nào?" Anh Mai Thảo hỏi.

"Khỏe cả. Có gì vậy, anh?"

"Nhã về kịp. May quá. Tôi sốt ruột đến điên lên được. Anh Lý cho biết trưa nay đi." Anh Lý là Nguyễn Chánh Lý, nguyên Tổng giám đốc Kỹ Thương Ngân Hàng, người bạn quí, giúp chúng tôi lo cho anh Mai Thảo vượt biển.

"Còn sớm mà. Anh cho Nhã tắm táp cái đã rồi nói chuyện. Người đầy phân heo, nước đái heo. Có ngủ ngáy gì đâu."

Vội. Không kịp sấy khô tóc. Túm đại lên. Mấy bác cháu đang ngồi ở phòng giữa, nơi có cái kệ sách không còn cuốn nào.

"Mấy giờ anh Lý tới, anh?"

Hẹn sáng nay. Nhưng xế trưa mới đi. Có kêu Toàn với Bẩy lại nữa."

Tất cả các bạn văn cũ, vẫn thường ghé nhà. Không ai biết anh Mai Thảo đang ở ngay trên lầu, đôi khi nghe được cả chuyện đùa rỡn của họ phía dưới. Chỉ có hai cậu em thân tín là biết rõ có anh, thỉnh thoảng còn phụ giúp vô việc liên lạc.

"Anh lên thăm mộ cụ được chưa?"

"Rôi. Đi với Chấn. Hai cậu cháu cùng đi. Đúng hôm trời mưa lớn. Ao mưa, mũ mãng trùm kín người. An toàn."

Ít hôm sau chuyến đi hụt, có tin Cụ thân sinh anh Mai Thảo tạ thế. Nhận tin, anh không nói năng gì, một mình đứng lặng trong góc nhà cả giờ. Chấn tới, đưa cho ông cậu coi hình đám tang. Anh Mai Thảo bảo tôi: "Phải lên thăm mộ cụ, rồi mới đi nổi." Muốn có vậy thôi, làm được chẳng dễ. Nghĩ mà xót. Nghe anh đã thăm được, tôi mừng.

"Vậy là được rồi. Lần đi này, được cụ phù hộ, anh chắc chắn sẽ thoát."

"Bà cụ tôi cũng bảo vậy. Chấn kể bà đêm nào cũng hươmg đèn khấn vái. Tội nghiệp bà cụ."

"Anh có gì cần dặn dò lại, Nhã sẽ nhắn Chấn. Bây giờ coi xem còn thiếu gì nữa không?"

"Không có gì đâu. Cứ thế này thôi." Anh lại nhấc nhấc cái túi vải. "Đâu vào đó cả. Xong từ khuya."

Trò chuyện thêm một lát, anh dặn:

"Còn tí việc nữa, Nhã ạ. Lâu rồi, tôi có nhờ anh Thuận lo dùm một chỗ đi. Có gửi trước anh ấy một khoản tiền đặt cọc. Nếu tôi thoát được lần này, Nhã gặp anh Thuận, hỏi lấy lại dùm. Còn được khoản nào, nhờ Nhã liên lạc đưa cho bà cụ tôi."

"Anh yên tâm. Nhã sẽ gặp anh Thuận. Còn gì nữa nào?"

"Hết chuyên. Phải không con?"

Anh Mai Thảo thình lình cao giọng, ôm và hỏi cháu Vành Khuyên 4 tuổi, đang ngồi bên cạnh. Rồi mới quay sang tôi:

"Nhã nghỉ một lát, xong lo cho bác cháu tôi ăn với nhau bữa chót."

Nghỉ ngơi gì. Anh Lý tới. Lũ trẻ con lại ca như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ba bàn tay lại đặt lên nhau. Vậy thôi, lần này không ai nói gì nữa.

Buông tay. Bàn tính. Anh Lý lập lại các chi tiết trước khi đứng lên:

"Đúng một giờ trưa. Anh ra hẻm sau, băng qua đường Lê Thánh Tôn. Sang Tự Do, anh đi theo hướng nhà thờ Đức Bà. Nhớ giữ lề mặt bên phía công viên. Nhớ lề bên mặt nghe. Không phải tôi. Anh Thành đón anh. Đón bằng xe vespa. Sau đó sẽ còn nhiều trạm nữa. Chính tôi sẽ lo việc liên lạc, kiểm soát các trạm."

Chia tay. Hai người đàn ông ngó nhau. Không một lời chúc may mắn. Không cả cái bắt tay gừ giã.

Toàn và Bẩy tới.

"Cơm thường thôi à? Phải làm một cái gì chứ nhỉ, cho đừng giống lần trước. Ra chợ cũ đi."

Còn tí tiền dự phòng, anh Mai Thảo dốc túi, mấy chị em bù thêm.

Thịt heo quay. Cả một con vịt quay nữa. Coi chừng, mùi thơm bay sang nhà hàng xóm. Đóng thật kín mọi thứ cửa. Mấy anh em, bẩy đứa nhỏ, xúm xít quanh bữa ăn sang trọng hiếm có.

Sẵn có lô thuốc hút cho anh Mai Thảo, khói thuốc mù mịt trong phòng kín. Mắt mũi cả nhà cay xè. Toàn, cậu em vượt biên hụt, từng tù cùng phòng một dạo với Từ ở T.20, bỗng long trọng tuyên bố:

"Em có chuyện này phải kể cho anh Mai Thảo nghe, trước khi anh lên đường."

"Lại chuyện dài vượt biên đường bộ của mày với ông Mai Bá Trác, ông họa sĩ Trần Văn Tây, chớ gì. Nghe mãi rồi. Dẹp."

Tôi nạt. Toàn nhe răng cười.

"Kể lấy hên mà, chị. Hên lắm. Cam đoan chuyện này chưa có ai nghe qua."

"Cho nó kể đi, Nhã. Nào, kể."

Anh Mai Thảo nói. Toàn kể:

"Hồi vượt biên đường bộ sang Cam Bu Chia, trước khi bọn em lên đường, con bồ em nó cho em một cái khăn mặt. Nó kêu cái khăn là "khăn hên." Nó bắt em phải buộc khăn nơi cổ, rồi nói giữ kỹ cái khăn hên là sẽ được che chở, may mắn, có tai họa gì cũng qua khỏi."

"Hên dữ. Không phải tự chui đầu vô ổ du kích cho nó bắt cả bọn đi tù ngon ơ đó sao?"

Bẩy chọc.

"Thì tù. Tù mà vẫn hên. Con bồ nói là nó đã biểu em phải buộc khăn nơi cổ, em không nghe nên mới bị bắt. Nó nói đúng đấy. Tù ở Plây-bông, có khâu vàng em đã giấu trong lỗ đít, bọn nó cũng rình lột mất. Nhiều phen tưởng chết. Em thường nắm chặt cái khăn mặt trong tay, khấn thầm với nó rằng nếu mày đúng là "khăn hên" thì giúp tao qua khỏi trận này, giúp tao ra tù sớm. Quả nhiên, tất cả đều qua khỏi. Bao nhiêu người còn tù, mình em ra sớm nhất. Vây là hên chớ gì? Đồ đạc hồi vượt biên mất sạch, vậy mà cái "khăn hên" bao lâu nay vẫn ở bên mình em. Anh Mai Thảo, hôm nay, anh lên đường, em biếu cái khăn hên của em ..."

"Thằng này được. Được đấy. Đưa khăn hên đây."

Anh Mai Thảo chìa tay. Toàn lôi trong người ra cái khăn mặt cũ mèm, trịnh trọng trao cho anh. Không ai dám cười.

Đúng giờ. Hai cậu em lững thững ra cửa trước, inh ỏi nài nhau đãi cà phê. Cửa sau lại mở chốt cho bọn nhỏ chạy đuổi. Ra được.

"Tôi đi nhé, Nhã."

Một tay vòng qua vai cháu nhỏ, một tay cầm tay tôi, anh nói ngắn gọn rồi bước ra. Khác lần trước, cửa không xập kín mà còn hé nhìn theo. Con hẻm năng gắt. Không nhìn lui. Quẹo trái. Khuất.

Lát sau hai cậu em và Sớm Mai trở vào. Tốt đẹp.

"Thấy bác Lý dọt xe ngang qua, rồi vespa chú Thành tới, đón bác Ba theo sau." Con bé nháy mắt: "Con đạp xe một vòng, nghe mẹ."

Ba bốn buổi chiều, bọn nhỏ chia nhau rải chơi các góc đường. Anh Lý báo tin cuối:

"Cá lớn ra an toàn. Bây giờ là phần của trời đất."

. . .

Một tháng sau, điện tín về: mẹ tròn con vuông.

Hàng họ ế meo. Không sao, vẫn có thể ăn mừng như thường. Chị Hoàng Anh Tuấn mới sai cháu đem sang cho một cái "buche Noel cải tiến", chế biến bằng khoai mì.

Anh Thuận, người bạn tốt, nghe tin anh Mai Thảo thoát được, vui vẻ thu xếp hoàn lại khoản tiền lỡ đặt cọc. Không gặp Chấn, tôi nhờ một người bạn thân của anh Mai Thảo đưa lại nguyên vẹn tới cụ bà. Cụ nhận đủ, một mình đi bộ tới thăm mấy mẹ con. Nhiều lần cụ tự tay mua cam, bắt tôi phải mang lên trại tù cho Từ.

Ông tổ trưởng gốc nhạc sĩ có lần đi ngang, ghé.

"Này, bà Nhã Ca. Bọn nó nghe đài. Mai Thảo ở bên Mỹ rồi."

"Hồi nào? Ông mới gặp đó thôi. Coi lại xem mắt quáng gà hay là tai nghễnh ngãng."

"Chắc quáng gà thôi. Mình già đầu rồi. Quáng gà một tí mà tốt hơn nghễnh ngãng, bà Nhã Ca ạ."

(Ông tổ trưởng của khu phố Tự Do thời đổi đời chính là chàng nhạc sĩ tác giả ca khúc “Những nẻo đường Việt Nam” thường được hát trên đài Sàigòn thời mới di cư, nay đã không còn nữa. Cám ơn anh. Cám ơn bà con khu phố cũ tử tế. )

Nhã Ca

(Hôi ký Một Người Mất Ngày Tháng)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.