Hôm nay,  

164. Nikola Tesla Đổi Thay Thế Giới

11/05/201521:53:00(Xem: 15654)
Nước Mỹ và Di Dân

NIKOLA TESLA
ĐỔI THAY THẾ GIỚI

NINA LÊ

Giới thiệu, trích dịch

Thiên tài của nước Mỹ Thomas Edison tạo ra điện. Nhưng chỉ mới là dòng điện một chiều DC. Loại điện thế thấp này rất khó tải điện đi xa, truyền điện vào máy. Cũng không thể biến thành làn sóng điện, thành quang tuyến X, thành tia Laser...

Phải chờ thêm một chàng di dân mới: thiên tài Nikola Tesla. Dòng điện hai chiều AC do Tesla phát minh, cho phép các máy quay bánh xe, nguồn gốc của đèn điện, tần điện, xe điện, thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời. Việc tạo ra dòng điện cao thế, điện năng lớn, có thể biến điện thành quang tuyến X., tia Laser khám bệnh trị bệnh, đồng thời có thể tạo sấm sét, làm vũ khí laser nghênh cản hoả tiễn. Nhờ có thể cách không truyền điện, tạo ra làn sóng điện, vô tuyến điện, điều khiển từ xa... Nói gọn, nhờ Tesla mà có đèn điện, rồi máy vô tuyến điện, cell phone, tầu thuỷ máy bay hoả tiễn xe hơi không người lái, xạc pin khỏi cắm ổ... Mai mốt cột đèn đường không dây, có thể dẫn điện ngoài không gian về mặt đất, và trăm thứ bà rằn khác đang ồ ạt hiện ra.

Việt báo xuân 2015
Đêm Nikola Tesla chào đời

Việt báo xuân 2015Sau đây là chuyện về Tesla và dòng điện hai chiều AC, lược dịch từ nguyêntác “Electrical Wizard” của Elizabeth Rusch, tranh vẽ của Oliver Dominguez. Như một chuyện cổ tích mà hiện đại, lạ lùng mà dễ hiểu.

Bầu trời vần vũ cuồn cuộn sấm sét. Nhiều năm sau đó, những tiếng sấm nổ đã lôi kéo cậu bé nghèo người Serb mò đến khung cửa sổ trong căn nhà nhỏ của cậu. Nikola chăm chú mê hoặc nhìn những luồng điện tóe sáng khắp bầu trời.

Vào một buổi chiều khi cậu lên ba, Nikola vuốt lông chú mèo Macak. Lông mèo bật lên những tia chớp tí ti. "Cái gì thế?" Nikola tự hỏi. Cái gì mà thần thông thế?

"Điện," ba của cậu giảng nghĩa, "cũng giống như thứ mà con nhìn thấy xuyên qua hàng cây trong cơn bão."

Hứng khởi với những tia sáng này, tay cậu đưa lên cao, Nikola tự hỏi liệu mình còn có thể biến hóa những điều kỳ diệu nào khác.

Khi lên năm tuổi, Nikola sờ tay vào một dòng suối. Sao dòng nước chảy nhanh đến thế! Dòng nước đẩy bàn tay cậu mạnh biết bao! Nikola nảy ra một ý kiến. Cậu tìm ra một đĩa gỗ cây tròn xoe từ một bụi cây. Cậu đâm lỗ ở giữa, thọt một cây gỗ vào chính giữa, rồi giữ thăng bằng đặt bánh xe gỗ ngay trên dòng nước. Bánh xe gỗ xoay vòng và xoay vòng như thể bị dòng nước làm phép.

Nikola bắt đầu chú ý tới những nguồn năng lượng vô hình từ khắp nơi. Ngay cả khi côn trùng bay cũng tỏa ra điện năng. Khi lên chín tuổi, cậu chế ra chiếc chong chóng quay bằng sức bay của những con bọ tháng Sáu. "Một khi đã bắt đầu", cậu thốt lên kinh ngạc,"nó sẽ tiếp tục xoay hàng giờ."

Ở tuổi vị thành niên, Nikola mê hoặc ngắm một tấm ảnh thác nước Niagara Falls. Nhớ lại bánh xe nước ở dòng suối bé nhỏ của mình, một ý nghĩ bật lên trong đầu. Cậu tưởng tượng ra một bánh xe khổng lồ, được sức nước của tháp Niagara bơm dồn dập, xoay vòng xoay vòng không ngưng nghỉ.

Nikola cam đoan: Một ngày nào đó, tôi sẽ biến sức mạnh của thác Niagara Falls thành điện lực.

Vào đại học, Nikola hăng say theo dõi sự chuyển động của một máy điện mới. Giáo sư kéo cần quay vòng vòng - tạo ra một dòng điện xoay chiều đẩy tới rồi đẩy lui. Một tiếng xì xẹt bung ra từ những tia chớp lẹt xẹt - dòng điện sau đó bị bắt buộc phải di chuyển qua một sợi dây theo một chiều mà thôi để đẩy cho động cơ chạy.

Một ý tưởng lại lóe sáng.

Nikola nhận thấy rằng động cơ không cần phải chạy bằng dòng điện một chiều. Dòng điện xoay chiều, như loại dòng điện được phát sinh từ cần quay, cũng có thể dùng để bơm điện cho động cơ. Sử dụng dòng điện xoay chiều sẽ đơn giản hơn là phải biến chuyển sang dòng điện một chiều - và điều này còn loại trừ cả tia chớp đáng sợ đó.

Nikola nêu ý kiến này trong lớp.

Thầy giáo chế giễu. Rất nhiều người đã cố gắng làm máy chạy bằng điện xoay chiều. Mọi người đều thất bại. Thầy giáo tuyên bố: "Chàng Tesla sau này sẽ thành đạt, nhưng chắc chắn rằng chàng sẽ không bao giờ đạt được điều này."

Nhưng chỉ vài ngày sau đó, Nikola quả quyết sự chắc chắn. Anh sẽ phải tìm ra một cách thức để khai thác sức mạnh của dòng điện xoay chiều.

Vấn đề của dòng điện xoay chiều cứ ám ảnh Nikola. Anh nhận công việc leo cột điện thoại ở Budapest và tưởng tượng hình ảnh dòng điện cứ chạy qua chạy lại, chạy qua chạy lại.

Anh chế ra một cái loa dùng cho điện thoại và tưởng tượng dòng điện chạy qua chạy lại, chạy qua chạy lại. Anh dọn nhà đến Paris, tại đây anh làm việc với những thiết bị điện được thiết kế bởi nhà phát minh Hoa Kỳ Thomas Edison - gồm máy phát điện, động cơ, cầu chì, và công -tắc điện - và tưởng tượng hình ảnh dòng điện chạy qua chạy lại, chạy qua chạy lại.

Vào một ngày ở tuổi hai mươi sáu, Nikola đi bộ với một người bạn. Mặt trời lặn đỏ ối như ngọn lửa cháy sáng. Ý tưởng lại lóe sáng trong đầu Nikola như một tia chớp.

Việt báo xuân 2015
Anh nhặt một cây gỗ, vẫy nó như vẫy cây đũa thần. "Thấy nó chạy êm ru không?" anh hít hơi thật mạnh. "Chẳng hề chớp lóe."

Thình lình anh hiểu rõ phải làm thế nào để bơm điện cho một động cơ sử dụng dòng điện xoay chiều! Anh thấy rõ hình ảnh này trong đầu.

Anh nhặt một cây gỗ, vẫy nó như vẫy cây đũa thần. "Thấy nó chạy êm ru không?" anh hít hơi thật mạnh. "Chẳng hề chớp lóe."

"Mình không thấy gì hết," người bạn trả lời. "Mặt trời đâu có chớp lóe. Bạn có sao không?"

Nikola quỳ xuống và bắt đầu vẽ một biểu đồ trên đất. Cuối cùng thì người bạn cũng hiểu được làm thế nào mà dòng điện xoay chiều có thể xoay một động cơ qua việc sử dụng nam châm có những cực chuyển qua chuyển lại, chuyển qua chuyển lại.

Những tháng sau đó, Nikola sắp xếp ý tưởng về mọi thành phần của một hệ thống điện sử dụng điện xoay chiều. Suy nghĩ suốt đêm suốt ngày, Nikola hình dung ra cái máy điện, thiết kế, thử nghiệm, và sửa đổi những vấn đề anh có thể thấy trước mắt. Anh không phải viết xuống một điều gì. Tất cả đều rõ nét trong tâm trí.

Nikola đi khắp Châu Âu để tìm tài trợ cho cái máy điện AC của mình. Anh thấy mình giống như một ông thầy bói. Thời đại của ánh nến, đèn dầu, và điện một chiều đã qua rồi, anh nói với những nhà đầu tư. Điện xoay chiều không chỉ thắp sáng đèn và làm chạy máy động cơ, mà dòng điện này còn di chuyển đi xa rẻ hơn và hữu hiệu hơn so với điện một chiều. Nó có thể thắp sáng từng ngôi nhà, mọi cơ sở thương mại, từ những ngọn đèn nhỏ bé đến các hãng xưởng khổng lồ.

Không một ai tin anh.

Vì vậy anh lên thuyền đi Hoa Kỳ, nơi anh biết ít nhất có một người sẽ chú ý đến ý tưởng của mình: Thomas Edison.

Hai ngày sau khi đặt chân lên đất liền ở thành phố New York, Nikola Tesla bước vào văn phòng làm việc của người hùng của mình. Nikola đưa cho Edison một lá thư giới thiệu, viết cho ông từ một người bạn chung. Lá thơ viết rằng:

Tôi biết hai người vĩ đại và anh chính là một trong hai người này. Người còn lại chính là chàng trai trẻ trước mặt anh.

"Tôi có thể làm gì? Edison hỏi.

Nikola liền diễn tả làm thế nào điện xoay chiều có thể ứng dụng để cung cấp điện cho toàn thế giới.

Việt báo xuân 2015
Thomas Alva Edison (1-02-1847 – 18-10-1931) Tượng bên cầu xe lửa tại Port Huron, Michigan

"Vô lý." Edison gắt. "Chúng ta đã sắp đặt hệ thống điện một chiều ở Hoa Kỳ. Mọi người đều thích, và đó là thứ duy nhất mà tôi đặt tâm trí vào đó."

Thay vì trở thành người hợp tác với Nikola để cung cấp điện cho toàn thế giới, Edison trở thành kể đối nghịch lớn nhất với Anh.

Nikola xoay sở một cách tuyệt vọng tìm số tiền cần để chế tạo ra phát minh của mình. Anh mời các ngân hàng, những nhà thương mại, và những người có địa vị như Mark Twain đến phòng thí nghiệm tối của mình để trình bày sự kỳ diệu của dòng điện xoay chiều.

Khi trình diễn, Nikola đưa tay nắm một ống kính đơn giản.

Rồi anh dùng bàn tay thứ hai nắm lấy một sợi dây. "Tôi dùng thân thể tôi chạm vào một sợi dây có luồng điện xoay chiều..."

Khán giả lắc đầu với ý nghĩ sợ điện giật.

Khi tay của Nikola chạm vào dây điện, ống kính tỏa sáng!

Nikola xoay từ từ cho mọi người đều có thể nhìn thấy luồng điện đi ngang qua thân hể của anh truyền đến ống kính.

Sau đó Nikola thả sợi dây ra và bước đi. Ống kính vẫn còn sáng.

Khán giả há hốc kinh ngạc: Làm thế nào điện có thể vào ống kính mà không cần sợi dây nào?

"Chưa hết đâu, tôi xin quả quyết, có thể có một cuộc nghiên cứu lý thú hơn nữa về dòng điện xoay chiều. Anh thuyết phục khán giả của mình.

Càng ngày Nikola càng nổi tiếng hơn, cho đến khi anh tìm đủ tài trợ để chế tạo máy phát điện AC và động cơ. Tesla nhanh chóng bắt tay vào việc. Anh tái chế tạo các thứ máy hệt như anh đã từng tưởng tượng trong đầu. Và như anh tiên đoán, chúng đều chạy tốt.

Nhưng niềm vui sướng của Tesla rất ngắn ngủi. Kẻ đối nghịch của mình, Thomas Edison, người đã dựng nên hàng chục trạm điện sử dụng dòng điện một chiều, đã nhanh chóng đè bẹp kẻ cạnh tranh. Ông phủ kín New York với những tờ thông tin. Ông cảnh báo mọi người, dòng điện xoay chiều rất nguy hiểm, nguy hiểm đến tính mạng. Để chứng minh lời mình, những người cộng tác với Edison đã dùng dòng điện xoay chiều giựt điện gây tử thương chó, ngựa, kể cả voi. Dòng điện một chiều cũng nguy hiểm hệt như thế, chỉ có điều không ai nhắc đến điều đó. Edison không ngừng tấn công cho đến khi nào các nhà đầu tư và công chúng sợ hãi tránh xa kỹ thuật của Nikola.

Việt báo xuân 2015
Giữa thời kỳ cao điểm của "cuộc chiến tranh dòng điện", thách thức điện lực lớn nhất trong lịch sử đã đến. Hội Chợ Thế Giới Chicago Word's Fair lần đầu tiên chưa từng có là hội chợ được điện thắp sáng.

Người ta đều tưởng rằng Edison sẽ được giao cho trọng trách bắt điện cho hội chợ. Nhưng ai cũng ngạc nhiên, công ty Westinghouse, một công sử dụng phát minh của Nikola, được chọn thầu công trình này.

Liệu họ có thể thực hiện điều này hay không? Liệu phát minh bí ẩn của Nikola có thể cung cấp an toàn số lượng điện lớn lao dễ gây hỏa hoạn hay gây nổ cả hội chợ?

Ngày hội chợ khai trương, người ta ào ạt kéo đến khuôn viên. Họ tản bộ ngang qua những tòa nhà đá trắng, nhìn ngắm Vòng Quay Ferris đầu tiên, rồi lòng vòng đi ăn hàng:

Bên trong Sảnh Đường Điện Lực, người ta kinh ngạc nhìn những bóng đèn sáng, thang máy, quạt máy, máy may, lò, và máy giặt, tất cả đều hoạt động với dòng điện xoay chiều.


Nhưng cuộc biểu diễn điện lực thật sự sẽ xảy ra vào khi mặt trời lặn. Trong khi ngày tắt dần và màn đêm bao phủ bầu trời, Tổng Thống Hoa Kỳ, Grover Cleveland, mở chiếc chìa khóa vàng...

Tất cả cùng một lúc, 100,000 bóng đèn cháy sáng rực rỡ toàn hội chợ, tạo nên một cảnh tượng sáng chói chưa bao giờ được thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đám đông hết hồn.

Phép lạ màu nhiệm!

Trở lại bên trong của Sảnh Đường Điện Lực, Nikola bước lên sân khấu. Cao lớn, lịch lãm, tự hào, Anh nắm một đầu dây điện và mở một công tắc. Trên 250,000 volts điện chuyền vào thân thể Anh, rung động bắp thịt. Đám đông lùi lại cảnh giác, tưởng là anh sẽ cháy bỏng, ngay cả tử nạn.

Nhưng Nikola vẫn sống nhăn răng. Lấp lánh trong một vầng hào quang của tia sáng, anh hớp hồn tất cả mọi người. "Phải chăng chúng ta đều đã thấy rõ điều lạ lùng khó giải thích dưới một ánh sáng khác," Nikola tuyên bố.

Hội chợ là một chiến thắng lớn, nhưng Nikola lại sắn tay áo cho màn ảo thuật thần kỳ hơn nữa. Hình ảnh của dòng nước nguồn chảy xiết của thác Niagara Falls đã luôn hiện diện trong tâm trí anh bao nhiêu năm nay. Anh không thể nào quên được hình ảnh sức nước mạnh mẽ của thác Niaga ra dồn vào bánh xe, đủ sức quay lượng nam châm khổng lồ, phát điện cho hàng ngàn căn nhà.

Biến mất trên ánh đèn sân khấu, Nikola ẩn dật suốt hai năm để biến viễn cảnh quay bánh xe trong đầu mình thành một công trình điện lực vĩ đại chưa từng được thử qua.

Cuối cùng thì máy phát điện khổng lồ đầu tiên đã sẵn sàng. Với một cái phất tay, một kỹ sư chuyển hướng dòng nước Niagara ào ạt về hướng tua-bin. Một nhà máy kim loại ầm ầm chào đời.

Một năm sau đó, nhiều tua-bin và máy phát điện khác gia nhập vào đây. Nhà nhà lấp lánh ánh đèn. Điện lực đến với Buffalo, New York, suốt hơn hai mươi hai dặm chu vi. Những chiếc xe điện không ngừng phát triển.

Những phát minh tuyệt diệu của Nikola nhanh chóng cung cấp điện cho xe điện, xe sub ways, vàcác tòa nhà cao tầng của New York - đến cả tấm màn điện của Broadway. Và chẳng bao lâu sau đó, điện tràn đến mọi nhà mọi cơ sở thương mại khắp nơi trên nước Mỹ.

Sau cùng, chiếc đũa thần điện lực của Nikola Tesla thắp sáng cả thế giới.

Và tất cả bắt đầu từ một tia chớp lóe.

Việt báo xuân 2015
Nikola Tesla (10-07-1856--07-01-1943). Vẽ bởi Vilma Lwoff-Parlaghy, công chúa Hung.

Tranh chấp Edison- Tesla

Khi Thomas Edison và Nikola Tesla gặp nhau vào năm 1884, nhà phát minh Hoa Kỳ này đã có đến mười tám trạm điện sản xuất dòng điện một chiều ở New york, Boston, Philadelphia, và New Orleans - và đang lập kế hoạch cho hàng trăm trạm nữa.

Nikola Tesla lúc bấy giờ chỉ là chàng thợ điện không ai biết đến với một giọng nói tiếng Anh trọ trọe và một phát minh vô hình chỉ hiện hữu trong đầu. Và ý tưởng về dòng điện xoay chiều của Tesla lại không phải là một sự cải tiến của hệ thống dòng điện một chiều, mà ngược lại là một sự cạnh tranh trực tiếp.

Mặc dù Edison đã dẹp bỏ ý tưởng của Tesla về dòng điện xoay chiều, ông lại mướn chàng kỹ sư trẻ này. Trong suốt một năm, Nikola làm việc cho Edison, thường từ 10 giờ rưỡi sáng đến năm giờ sáng ngày hôm sau. Edison nói với anh, "Tôi có rất nhiều người trợ việc làm việc tận lực, nhưng anh là người sẽ được trọng đãi." Edison hứa tặng Tesla $50,000 nếu anh cải tiến máy móc sử dụng điện một chiều của ông. Telsa đã thực hiện điều này, nhưng khi đòi tiền công, Edison cười xòa, "Tesla, anh chả hiều gì về lối hài hước của người Mỹ cả."

Nikola giận giữ rời văn phòng của Edison. Chàng kỹ sư trẻ khó nhọc vật lộn với hoàn cảnh tài chánh của mình bao tháng trời, thậm chí phải đào mương để nuôi thân. Khi Tesla tìm ra đầu tư để phát triển hệ thống điện xoay chiều của mình, Edison tung ra tập tài liệu bìa đỏ với dòng chữ CẢNH CÁO dòng điện xoay chiều nguy hiểmđến tính mạng.

Ngay cả sau khi Edison mất hợp đồng cung cấp điện cho hội chợ World's Fair, ông tiếp tục gây chuyện. Ông cấm công ty Westinghouse sử dụng bóng đèn huỳnh quang do ông thiết kế ở hội chợ. Trong lúc bận rộn lắp đặt hệ thống ánh sáng lớn nhất trong lịch sử, công ty Westinghouse đã sáng chế ra bóng đèn mới, xây một nhà máy kiếng, và sản xuất ra một phần tư triệu bóng đèn mới. Mặc kệ mọi ngăn cản của Edison, Telsa và công ty Westminghouse thành công rực rỡ.

Một sự việc sau đó cho thấy sự tôn trọng ngầm giữa hai nhà phát minh. Năm 1895, phòng thí nghiệm của Nikola Tesla bị hỏa hoạn cháy rụi. Edison để cho Tesla sử dụng thiết bị và làm việc trong phòng thí nghiệm của ông trong vài tuần cho đến khi phòng thí nghiệm của Tesla được trang bị trở lại.

Năm 1917, Nikola Tesla được ban thưởng một giải thưởng danh giá nhất trong ngành kỹ sư điện tử, huy chương Edison Medal. Đầu tiên Nikola từ chối. "Các bạn không tôn vinh danh dự cho Tesla," anh viết, "mà cho Edison, người trước đây đã chia xẻ vinh quang từ những người nhận huy chương này." Nhưng sau, nghĩ lại, Tesla đồng ý nhận. Trong đêm trao giải thưởng, một người bạn giới thiệu Nikola Tesla: "nếu chúng ta bỏ qua và loại trừ kết quả công trình phát minh của Tesla trong thế giới công nghiệp, bánh xe công nghiệp sẽ quay ngược lại, xe điện và tàu lửa sẽ ngừng chạy, thành phố của chúng ta sẽ chìm vào bóng tối."

Trong khi Thomas Edison chưa bao giờ chịu công khai công nhận tài ba của Nikola Tesla, nhưng giải danh dự mang tên ông đã công nhận điều này.

Nina Lê

Ghi chú kỹ thuật

Khác biệt hai dòng điện DC và AC

Việt báo xuân 2015Dòng điện là sự chuyển động của các điện tử [là những phân tử của nguyên tử chuyển động chung quanh hạt nhân có điện tích âm] qua một dây điện. Trong dòng điện một chiều, các điện tử di chuyển qua một dây điện trong một chiều duy nhất.

Dòng điện đổi chiều, hay xoay chiều, ngược lại, là những điện tử chuyển động trước hết theo một chiều và rồi theo chiều khác, sự đảo ngược chiều cứ thế lập đi lập lại. Khi điện tử di chuyển qua dây điện, điện trở tạo ra nhiệt lượng. Nhiệt lượng này phung phí năng lượng. Sử dụng điện thế cao hơn làm giảm những mất mát này. Nhưng điện thế cao cũng nguy hiểm, đây là lý do tại sao các căn nhà dung điện thế tương đối thấp (khoảng 120 vôn).

Điện thế DC không thể dễ dàng thay đổi: Bất cứ mức độ [điện thế] nào được tạo ra đều phải được sử dụng ở đầu bên kia. Trong khi đó, dòng điện xoay chiều có thể được chuyển từ điện thế thấp sang điện thế cao để di chuyển qua hàng trăm dặm một cách thuận tiện và rồi dễ dàng được chuyển nữa sang bất cứ điện thế nào cần thiết.

Điều gì xảy ra với con mèo của Makak

Việt báo xuân 2015Mọi thứ đều do nguyên tử tạo ra, với điện tử chạy chunh quanh lề. Hầu hết mọi lúc, điện tử ở với nguyên tử của nó, nhưng đôi khi chúng rời bỏ một nguyên tử này và nhảy sang nguyên tử khác. Sự chuyển động này của điện tử là điện.

Sự phát tia điện của Macak đến từ dòng tĩnh điện. Khi Macak lăn trên sàn nhà, nó nhận lấy điện tử dư thừa từ tấm thảm. Khi Nikola với tới con mèo cưng của ông ấy, điện tử nhanh chóng chạy từ lông con Macak sang tay Nikola. Cú đánh!

Bằng cách xoay tay ra điện?

Máy điện mà Nikola Telsa thấy trong đại học thường là máy phát điện làm chuyển động việc xoay cần quay để tạo ra điện. Đây là cách nó hoạt động: Nam châm chuyển động gần sợi dây điện tạo ra điện tử chạy bên trong dây điện. Điều này được gọi là việc tạo ra dòng điện.

Máy phát điện đầu tiên đặt trưng những nam châm đứng yên. Việc quay cần quay đã xoay vòng dây điện trong khoảng giữa hai nam châm.

Việt báo xuân 2015
Việc xoay vòng dây điện qua vùng nam châm cố định tạo ra điện tử trong sợi dây điện để chạy theo một chiều, gây ra dòng điện.

Khi vòng dây điện tiếp tục quay, chiều của điện tử chạy bị đảo ngược. Với mỗi nửa vòng quay của vòng dây điện, dòng điện đổi ngược chiều, tạo ra điều được gọi là dòng điện xoay chiều.

Đông cơ AC kỳ diệu

Việt báo xuân 2015Động cơ AC của Tesla dùng những nam châm điện được gắn trong đó và một nam châm bình thường cho phép quay được. Khi nam châm này quay, nó làm chuyển động động cơ. Trước hết cực bắc của nam châm động cơ được kéo về phía cực nam của nam châm điện trong khi cực nam của nam châm động cơ thì được kéo về phía cực phiá bắc của nam châm điện khác. Nam châm bên trong chuyển động cho tới khi cực bắc thẳng hàng với vùng nam châm được tạo ra bởi các cực nam của nam châm điện.

Rồi, dòng điện đảo ngược chạy qua các nam châm điện quấn quanh các cực. Đột nhiên các vùng nam châm được thẳng hàng với cực bắc này tới cực bắc khác (N-N) và cực nam này tới cực nam khác (S-S). Các cực giống nhau (N-N, S-S), như thế chúng đẩy nhau ra, làm động cơ tiếp tục quay. Có thể làm cho việc quay động cơ nhanh và êm bằng cách dùng 3 hay nhiều hơn nam châm điện với cực của chúng canh giờ để kéo nam châm quay vào đúng lúc.

Thắp sáng bóng đèn trên bàn tay

Đầu tiên là một cái máy gọi là Tesla Coil, có thể nhận dòng điện mà thường xuyên đổi chiều 50 hay 60 lần một giây và bắt nó thay đổi hàng ngàn hay ngay cả hàng triệu lần mỗi giây. Dòng điện thay đổi cao thế này đã tạo ra một vùng điện không nguy hiểm trong không khí.

Việt báo xuân 2015
Thứ hai là trong bóng đèn bằng kiếng -- trống rỗng ngoại trừ một ít khí -- được trét lên lớp bột đặc biệt. Điện chạy qua bóng đèn kích thích khí gas bên trong, làm cho lớp bột trét thắp sáng lên. Trong cuộc biểu diễn, Tesla trước hết điều khiển điện từ dây điện, xuyên qua cơ thể của ông, tới bóng đèn. Nhưng ông không thực sự cần dây điện. Khi Tesla buông dây điện, ông điều khiển dạng thức điện trong không khí tới bóng đèn. Nhưng Tesla không cần cầm bóng đèn! Trong khi trong vùng điện, các bóng đèn màu vàng có thể thắp sáng mà không cần ai cầm chúng.

Sống sót với dòng điện 250,000 vols

Dòng điện đảo chiều chạy qua dây điện tới Tesla đang thay đổi chiều ở tần số rất cao (hàng triệu lần mỗi giây). Dòng điện cao thế có điều kỳ dị làm cho Tesla an toàn: Dòng điện cao thế chạy dọc theo bên ngoài các đồ vật thay vì vào bên trong chúng. Như thế thay vì nói chạy khắp cơ thể của Tesla, dòng điện cao thế là chạy vòng vòng trên bề mặt da của ông ấy. Điều đó đã bảo vệ trái tim ông ấy, mà trái tim đó có thể bị bóp chết chỉ bằng một dòng điện nhỏ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.