Hôm nay,  

5. 70 Năm Oan Khuất VN Và Sức Bật Năm Mùi

11/05/201521:35:00(Xem: 16304)
Sử Việt 1945-2015

70 NĂM OAN KHUẤT VIỆT NAM
VÀ SỨC BẬT NĂM MÙI

NGUYỄN-XUÂN NGHĨA

Bài này chính là thư toà soạn, “Xuân Việt Báo Mừng Tết Ất Mùi”. Càng nhìn xa hơn về quá khứ, ta càng hy vọng thấy tương lai rõ hơn. Quy tắc ấy khiến cho từ cả chục năm nay, báo xuân Việt Báo luôn đào bới lịch sử. Đón Ất Mùi 2015, để có thể suy nghiệm về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà năm 1975, không thể chỉ cắm cái mốc đơn giản, giới hạn 40 năm. Phải xa hơn, sâu hơn.

Đó là tinh thần Xuân Việt Báo năm nay.

Việt báo xuân 2015
Năm 1945, Tháng Ba, “Tuyên Cáo Việt Nam độc lập” được chính thức ban hành bởi vua Bảo Đại. Tháng Tư, ngày 19, nội các Trần Trọng Kim chính thức ra mắt quốc dân.

70 năm, lịch sử trớ trêu

Đó là năm 1945, năm kết thúc thế chiến II. Ngay từ đầu năm, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất đã chính thức khai sinh:

- Tháng Ba, ngày 11, "Tuyên cáo Việt Nam độc lập" được ký và ban hành bởi vua Bảo Đại, vị vua chính thống của triều Nguyễn.

- Tháng Tư, ngày 17, nội các Trần Trọng Kim được thành lập và chính thức ra mắt quốc dân ngày 19 tháng Tư, tiến hành thống nhất được đất nước. Đây là nội các đầu tiên của nước Việt Nam độc lập thống nhất. Chính danh và hợp pháp.

Đây cũng là nội các đầu tiên xoá bỏ tàn tích đô hộ của thực dân Pháp: Ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam kỳ được gom về một mối; Toàn bộ nền hành chánh và chương trình giáo dục quốc gia dứt khoát thực hiện bằng tiếng Việt, chữ Việt. Dấu ấn lịch sử này vĩnh viễn không ai dập xoá nổi.

Đó là những kỳ tích mà nội các Trần Trọng Kim đạt được, chỉ trong vòng 126 ngày cầm quyền, từ 19 Tháng Tư đến 23 Tháng Tám năm 1945.

Bóc tờ lịch ghi năm Ất Mùi 2015, đối chiếu lịch ta 12 con giáp với lịch tây thập phân, sẽ thấy lịch sử nhiều trớ trêu oan khuất, nhưng vượt lên tất cả, có thể vững tin vào sức bật năm Mùi.

Trước hết, xin nhớ về năm sinh vị thủ tướng đầu tiên của lịch sử Việt Nam.

Trần Trọng Kim, nhân vật sinh Năm Mùi

Việt báo xuân 2015Học giả Trần Trọng Kim, bút hiệu Lệ Thần, sinh năm Quí Mùi 1883, tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trước khi thành nhân vật lịch sử, ông đã là nhà giáo dục, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, tôn giáo Việt Nam.

Lịch sử cận đại của Việt Nam, giai đoạn 1945-1975 là thời nhiễu nhương nhất. Học giả Trần Trọng Kim thấy điều ấy trước khá nhiều người khác. Nhắc đến ông thì không thể quên cuốn hồi ký "Một Cơn Gió Bụi" được ông viết về giai đoạn rất ngắn từ 1942 đến 1945. Trong sách này, người tuổi Quý Mùi Trần Trọng Kim viết về đất nước vào năm Quý Mùi 1943:

"Năm Quý Mùi (1943) là năm trăng mờ gió thảm, tiếng chiến tranh inh ỏi khắp hoàn cầu, toàn xứ Đông Dương bị quân Nhật Bản tràn vào, họa chiến tranh mỗi ngày một lan rộng. Dân Việt Nam bị đói kém đau khổ đủ mọi đường, lại căm tức về nỗi nước nhà suy nhược phải bị đè nén dưới cuộc bảo hộ trong sáu bẩy mươi năm, cho nên ai cũng muốn nhân cơ hội ấy mà gây lại nền độc lập đã mong mỏi từ bao lâu.”

Nội các Trần Trọng Kim thường bị lãng quên, thậm chí bị xuyên tạc là bù nhìn hoặc bất lực. Thật ra, sau 60 năm mất chủ quyền, đây là nội các duy nhất quy tụ những người hiểu biết và có lòng từ nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, không thuộc thành phần "xôi thịt" hoặc đã từng làm quan cho Pháp.

Từ Quý Mùi 1883, Việt Nam đã bị chia ba, với miền Nam có quy chế là thuộc địa - thuộc Pháp - hai miền kia là đất bảo hộ. Khi quyết liệt vận động người Nhật trao trả độc lập cho một nước thống nhất, Nội các Trần Trọng Kim và bản thân nhân vật năm Mùi này đã biết ưu tiên là gì.

Trong một thời gian ngắn ngủi có vài tháng, và giữa những xáo trộn liên miên, mà xây dựng nền móng giáo dục cho một nước Việt Nam độc lập, từ việc chuyển ngữ đến giáo trình, công lao về văn hóa của Nội các Trần Trọng Kim phải được ghi nhận. Người Việt chúng ta tự hào về hệ thống giáo dục của miền Nam trong có 21 năm ngắn ngủi nếu so sánh với miền Bắc. Ưu điểm ấy, nhờ nội các Trần Trọng Kim mà có.

Và đây là hình ảnh “cái cũi” mà Trần Trọng Kim đã cảnh báo. Rất sớm. Và đúng cho cả nước.

Việt báo xuân 2015
Đệ nhất Cộng Hoà tại miền Nam: TT Diệm khánh thành xa lộ Biên Hoà năm 1961.

Việt báo xuân 2015
Đệ nhị Cộng Hoà tại miền Nam, 1967: Thời chiến, vẫn phổ thông đầu phiếu.

Việt báo xuân 2015
Hải chiến Trường Sa 1974: Hài quân VNCH bắn chìm soái hạm chở đề đốc tư lệnh phó hải quân Hoa Nam.

"Người cộng sản, khi đã hành động, hay dùng đến chữ giải phóng.

Theo việc làm của họ, tôi vẫn chưa hiểu rõ nghĩa hai chữ ấy. Có phải trước kia có cái cũi giam người, bây giờ họ đem cái cũi kiểu mới đến bên cạnh rồi bảo người ta chạy sang cái cũi mới ấy, thế gọi là giải phóng không? Nếu cái nghĩa giải phóng là thế, thì cũi cũ hay cũi mới cũng vẫn là cái cũi, chứ có hơn gì?”

Khi Việt Minh manh nha cướp chính quyền, cũng chính Trần Trọng Kim lại từ chối để nghị của Nhật giúp tiêu diệt Việt Minh. Người Việt không mượn người ngoài làm dân Việt đổ máu.

Nội các của người quôc gia Trần Trọng Kim lấy dân tộc làm gốc, coi đất nước thống nhất là mục tiêu hàng đầu và vẫn đạt được điều này dù tay không trong cảnh khó khăn.

Về phía những người cộng sản miền Bắc thì sau khi cướp chính quyền năm 1945, cái họ đạt được sau 9 năm chiến tranh là đất nước bị tàn phá, chia cắt, miền Bắc bị hoạ cải cách ruộng đất kiểu Tầu, hàng trăm ngàn dân oan bị thảm sát.

Nền Cộng Hoà tuổi Mùi: 60 năm oan khuất

Tại miền Nam sau khi đất nước bị chia cắt, phía quốc gia dành lại được toàn bộ chủ quyền. Đúng vào năm Ất Mùi 1955, Đệ nhất Cộng Hoà ra đời bằng trưng cầu dân ý. Đất nước không còn bóng lính Pháp, cũng chẳng có lính Mỹ. Chính Cộng sản miền Bắc tái phát động chiến tranh - nói theo thơ Chế Lan Viên: “Phương Nam nguyện hái hoa mầu lửa / Cho thoả lòng mơ bạn Bắc Kinh.” Vì chiến tranh leo thang mà Mỹ phải tham chiến.

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, dù chiến tranh toàn diện, Đệ Nhị Cộng Hoà vẫn ra đời bằng phổ thông đầu phiếu năm 1967, lại thêm một năm Mùi, Đinh Mùi. Cho tới sau hiệp định đình chiến Paris năm 1973, dù quân Mỹ đã triệt thoái, quân dân miền Nam vẫn đứng vững và bảo vệ chủ quyền đất nước khi Tầu cộng xâm lăng. Trận Hoàng Sa 1974 cho thấy điều đó.

Chúng ta đều nhớ năm 1975, khi Việt Nam Cộng Hoà bị bức tử vã những gì xảy ra sau đó. Dù hàng triệu người bị đầy ải trong nhà tù cộng sản hay chết chìm dưới biển, người dân miền Nam vẫn liên tục vượt thoát khỏi chế độ cộng sản. Chính cuộc vượt thoát lớn lao này đã tạo ra một sức mạnh chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Từ số không, cộng đồng Việt tại Mỹ nay đã trên 2 triệu trong tổng số 5 triệu người Việt hải ngoại.

Sức mạnh giải oan

Việt báo xuân 2015Sức mạnh của người Việt hải ngoại, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã thấy được từ 20 năm trước, khi quyết định bang giao với Mỹ. Hơn 100 tỷ mỹ kim đã được chuyển về giúp bà con trong nước.. Riêng năm 2014 đã hơn 13 tỷ và sẽ còn hơn nữa. Khoản viện trợ không hoàn lại này đượcgọi là “kiều hối”. Một lãnh đạo Hà Nội nói “kiều hối chính là phao cứu sinh”. Không sai. Sự trớ trêu lịch sử khó tin mà có thật: Chính những người bị nhà nước cộng sản coi là kẻ thù đang cứu đất nước ấy khỏi bị chết đuối.

Sức mạnh này tất nhiên cũng đã được nhìn thấy ngay trên đất Mỹ. Sự thành công của cộng đồng Việt tị nạn có làm cho dư luận Mỹ nhìn ra giá trị của miền Nam, là nơi xuất phát làn sóng di dân Việt mà cũng là nơi bị phỉ báng nhiều nhất.

Hãy nhớ lại phương cách truyền thông Hoa Kỳ viết về Sàigon và Hà Nội ngày xưa, ta có thể thấy ra sự thiên lệch. Cay đắng biêt bao khi con em người Việt tị nạn cộng sản phải học những giờ sử sai lạc về ý nghĩa cuộc chiên Việt Nam.


Chính cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và những cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam đã góp phần điều chỉnh sự lệch lạc ấy.

Hình bên là sử gia Keith W. Taylor trong Phân khoa Nghiên cứu Á châu của Đại học Cornell.

Là một cựu chiến binh Mỹ và là học giả am hiểu về Việt Nam, ba mươi năm sau cuộc chiến, ông lên tiếng về việc phải “Xét Lại Cách Dạy về Chiến Tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ". Mười năm trước đây, Việt Báo đã trực tiếp liên lạc với Keith và được phép phổ biến bản dịch Việt ngữ bài nói chuyện của ông trong báo Xuân Giáp Ngọ 2005.

Keith Taylor đã bác bỏ cả ba định đề mà cánh phản chiến khuynh tả tại Mỹ áp đặt vào chương trình dạy về chiến tranh Việt Nam. Ông nhận định, “Yếu tố dẫn liên minh Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đến thất bại không phải là sự thiếu kém ý chí và quyết tâm, mà là vì cả một loạt quyết định sai lầm của các chính quyền Kennedy và Johnson, khiến chiến tranh kéo quá dài, vượt giới hạn kiên nhẫn của nhân dân Hoa Kỳ.”

Những oan khuất của cả hai nền cộng hoà tại miền Nam VN được ông chỉ rõ: “Hoa Kỳ ủng hộ việc đảo chánh ông Diệm chính vì ông không là tay sai và đã chống lại ảnh hưởng Mỹ trong chính phủ của ông. Ông ta bị làm vật tế thần cho nỗi ẩn ức của Mỹ, và đã bị chính phủ Mỹ phản bội; Số phận của ông báo hiệu số phận của tất cả những người Việt không muốn chế độ cộng sản.”

Và Keith Taylor giải oan cho quân dân miền Nam thời Đệ Nhị Cộng Hoà: “Miền Nam Việt Nam bị bỏ rơi để chiến đấu đơn độc với kẻ thù mà không được sự giúp đỡ của bất cứ một đồng minh nào. Tôi tin là chúng ta có thể nói rằng ngay sau năm 1968, ta vẫn còn có khả năng bảo vệ một chính thể không cộng sản tại Sàigòn.

Và sức bật từ Ất Mùi 2015

Mười năm sau, nhiều yếu tố cho thấy tại Hoa Kỳ, những oan khuất trong cái từng được gọi là “hội chứng Việt Nam” đã thực sự giải độc.

Việt báo xuân 2015
1945, chính biệt kích Mỹ cứu mạng Hồ Chí Minh, huấn luyện quân Việt Minh. Đại đội đầu tiên mang tên “Bộ đội Việt Mỹ” . Hình Hồ Chí Minh, Vo Nguyên Giáp ngồi với biệt kích Mỹ. Chuyện cũ vừa được Hà Nội hâm nóng bằng phim “Cơ hội Bị Bỏ Lỡ”.

Các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, nhiều người không quên được các chiến hữu Việt Nam. Họ tiếp xúc và ra sức yểm trợ các chiến hữu cũ của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, đến nay còn lập hội thiện để quyên tiền và đem về trao tận tay cho các thương phế binh của miền Nam. Một thí dụ là sáng hội "Vietnam Healing Foundation Helping the Forgotten" (thevhf.org) bắt đầu thành hình từ 10 năm về trước.

Cái mốc thời gian 10 năm này thật ra dễ nhớ.

Nhiều cựu chiến binh, không ít người đã trở thành doanh gia thành công hoặc giáo sư đại học, đã cùng nhìn lại lịch sử và bảo vệ sự thật về cuộc chiến và giá trị của quân dân miền Nam. Sử sách và cách dạy sử đang được chấn chỉnh, để các thế hệ về sau của nước Mỹ không còn hiểu lầm về quá khứ. Nhiều đại học Hoa Kỳ đã kết hợp những đóng góp ấy vào chương trình giảng dạy về VN. Tồ chức "Vietnam Veterans for Factual History" cũng là một thí dụ (http://www.vvfh.org). Đây là một nguồn tham khảo cho những ai muốn vượt qua màn khói của huyền thoại để tìm ra sự thật về một cuộc chiến thảm khốc cho Việt Nam và thảm nhục cho nước Mỹ. Nhiều cựu chiến binh và học giả Việt Nam có đóng góp cho công trình khôi phục sự thật này.

Nhiều người xưa kia có cảm tình với chế độ Hà Nội hoặc thuộc về phe tả đã khách quan nhìn lại chuyện cũ và trình bày sự thể Việt Nam một cách trung thực. Một thí dụ là phim tài liệu "Last Days In Vietnam" của Rory Kennedy đang được trình chiếu. Bà là con gái út của Nghị sĩ Robert Kennedy, người em trai và Tổng trưởng Tư pháp của Tổng thống John Kennedy....

Xuân Việt Báo Giáp Ngọ 2014 có giới thiệu một học giả Hoa Kỳ là Tiến sĩ Olga Dror. Là một trí thức gốc Do Thái sinh tại Nga thời Liên bang Sô viết, Olgar Dror đang giảng dạy về lịch sử tại Đại học Texas A&M University.

Trong năm qua, Olga Dror hoàn tất việc nghiên cứu và phiên dịch ra Anh ngữ cuốn "Giải Khăn Sô Cho Huế", bút ký của Nhã Ca về vụ Tổng tấn công Huế Tết Mậu Thân 1968. Xuất bản lần đầu tại Sàigo nnăm 1969, cuốn sách trình bày cái nhìn của một người miền Nam. Sau 1975, sách bị đóng đinh, nhà văn đi tù. Với ấn bản Anh ngữ "Mourning Headband For Hue / An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968", do Đại học Indiana xuất bản, tác phẩm vào danh mục sách giáo khoa Mỹ về trận Mậu Thân Huế. Ngay sau Tết Ất Mùi một tuần, dịch giả Olga Dror và Nhã Ca sẽ cùng xuất hiện tại đại học Berkeley.

Chúng ta nhớ các đại học Mỹ trước đây là đầu tầu của phong trào phản chiến. Sự phối hợp của bốn Đại học Mỹ -Cornell, Texas A&M, Indiana, và U.C. Berkeley trong việc giới thiệu "Giải Khăn Sô Cho Huế" cho thấy sự chuyển hóa trong cái nhìn của giới hàn lâm Hoa Kỳ. Từ đó, chương trình giảng dạy về Việt Nam trong các trường học Mỹ đang thực sự thay đổi.

Còn chính nước Việt Nam sẽ thay đổi ra sao?

Việt báo xuân 2015Mời đọc bài của Vũ Linh trong trong báo xuân năm nay. Ông bạn này có mặt tại Yangon khi đón TT Obama. Ganh với Miến Điện, ông cố chứng minh quan hệ Mỹ-Việt mới thực sự là tốt. Chỉ xin bổ túc thêm điều này: Hà Nội vừa phát giải bông sen gì đó cho một cuốn phim mang tên “Cơ hội bị bỏ lỡ”. Đây là phim xào nấu một chuyện cũ.

Ngày 16 tháng Bẩy 1945, thời còn chiến tranh với Nhật tại Đông Dương, có mấy chàng biệt kích American OSS officer -OSS là tiền thân của CIA nhẩytoán xuống làng Kim Lung tức là ngay vùng Tân Trào. Biệt danh của toán này là Deer Team-biệt đội con nai.

Thời ấy, Hồ Chí Minh 55 tuổi, đang nằm trong hang Pác Pó, vừa sốt rét vừa kiết lị gần chết, được viên y sĩ của biệt đội con nai là Paul Hoagland vào hang cứu mạng bằng thuốc Mỹ.

Cũng thời ấy, chính Võ Nguyên Giáp chưa biết ném lựu đạn, nói gì việc lập đại đội xung phong. Chính toán con nai-do Thiếu Tá OSS Maj. Allison Thomas chỉ huy- vừa dạy Giáp ném lụu đạn, vừa huấn luyện cả đại đội. Lễ xuất quân của đại đội này được ông Hồ đặt tên là “Bộ Đội Việt-Mỹ.”

Chuyện cũ sách báo Mỹ viết từ lâu, bao năm để yên, nay được làm phim hâm nóng, mấy ông điệp viên OSS về già được quay phim phỏng vấn.

Cơ hội bị bỏ lỡ, tên của cuốn phim, nói lên quyết tâm mới: Lỡ nhiều rồi. Cơ hội 20 năm bang giao Việt Mỹ lần này, nhất định không lỡ nữa.

Kết luận của bài này là gì?

Việt báo xuân 2015Chừng nào nước Việt Nam thay đổi? Xin mời trở lại với lẽ sinh diệt của năm Mùi, tự trả lời câu hỏi.

- Karl Marx chết vào năm Quí Mùi 1883, cùng năm sinh của vị Thủ tướng Việt Nam đầu tiên Trần Trọng Kim.

- Nhà nước Sô Viết của “LêNin vĩ đại” tan hàng năm Tân Mùi 1991, tuổi thọ 73, tính từ 1917, năm cướp được chính quyền.

- Năm Ất Mùi 2015, kỷ niệm 20 năm bang giao Mỹ Việt tại Hà Nội đang chờ TT Obama. Tuổi thọ nhà nước kiểu vĩ đại cũng vừa chẵn 70.

Những nhắc nhở từ 1945 đến nay cũng có thể giúp ta nhìn lại cho sáng hơn, ”cơ hội bị bỏ lơ” từ 1975 và vai trò nhiều mặt của nước Mỹ.

Việt Nam có tự do, dân chủ và bảo vệ được nền độc lập hay chăng, điều ấy không thuộc về Hoa Kỳ. Niềm ước mơ đó, người Việt phải tự thực hiện lấy. Những biến đổi dồn dập trong trật tự thế giới ngày nay có thể là cơ hội.

Bài này xin kết bằng thơ xuân Phan Bội Châu:

Thấy xuân qua xin bày tỏ đôi lời
Xuân có biết cái đời nô lệ
Trải mấy lần xuân, dân vẫn thế
Biết bao nhiêu tết, nết còn xưa
Giấc mộng xanh đã tỉnh dậy hay chưa?...

Nguyễn Xuân Nghĩa, chủ biên
và Ban Biên Tập Xuân Việt Báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.