Hôm nay,  

16. Bốn Dòng Xoáy Và Một Trung Tâm

11/05/201521:46:00(Xem: 14135)
Thế Giới 2015 khét lẹt

BỐN DÒNG XOÁY
VÀ MỘT TRUNG TÂM

TRẦN VĨNH KIẾN

Thế giới năm Mùi có mùi khét lẹt của trăm năm trước. Đó là khi Thế chiến I bùng nổ cũng vì các dòng cuồng lưu đều xoáy vào một chỗ. Lần trước là Âu Châu. Lần này là Đông Á.

Hợp lung tung và Liên hoành hành.

Việt báo xuân 2015Như hàng năm, chủ biên yêu cầu Trần Vĩnh Kiến đeo viễn kính viết một bài ngắn gọn mà vui về cả an ninh lẫn kinh tế toàn cầu trong năm dê. Khác mọi năm, năm nay ông còn "hạn vận" là khỏi nhắc đến vận hạn 1975 của Việt Nam vì mọi đồng nghiệp đều phải nói tới sau 40 năm tròn. Kết quả suy tư trằn trọc là một cuốn phim về bốn dòng xoáy của địa cầu. Ở giữa có một trung tâm trăn trở đầy nham nhở là... Trung Quốc.

Ảnh dẫn vào phim "Thế Giới Năm Mùi" là một đại doanh tư bản quy tụ nhiều trí tuệ cùng ngắm quả cầu xanh. Có tầm nhìn rất xa, họ tin là có thể nắm địa cầu trong lòng tay.

Xa như thế này: mùa Thu 2011 khởi sự chuyển động lớn là khi vàng tuột giá từ đỉnh ngàn tám: chỉ dấu của chu kỳ sụt giá thương phẩm.... Giá vàng tuột dốc trước, theo sau là đồng, thau, nhôm, bắt đầu mất giá từ năm 2012. Thế rồi, rầm một cái là giá dầu thô hơi nghiêng từ giữa năm 2014 bỗng ngả dốc khi nhân loại bóc lịch cuối năm, trong nửa năm mất hơn phân nửa giá.

Đây mới là cận cảnh của ống kính khi đô la lên giá với đà gia tốc như pháo thăng thiên vào năm 2014. Năm 2015 mở màn như vậy.

Rồi bị giáng hai trùy như búa tạ là vụ khủng bố tại Pháp làm 17 người chết trong hai ngày và một tuần sau, xứ Thụy Sĩ nhỏ xíu bứt neo cho đồng Phật lăng (ký hiệu là CHF) bay bổng và đẩy lãi suất vào cõi âm, làm các thị trường tài chánh đều chao đảo.

Xin chào mừng Ất Mùi trong hãi sợ, vì quả cầu xanh của nhân sinh sánh nước ra tứ phía.

*

Phía thứ nhất là dòng xoáy giữa hai nhóm xoay vần với nhau.

Khoác màu trắng muốt là các nước tôn trọng quyền dân, đôi khi phân vân vì lòng dân bất định. Đấy là tiêu biểu cho dân chủ, niềm ước mơ của nhiều người. Khoác màu hắc ám là ách độc tài, với một đảng nhân danh nhân dân hay đấng Tiên tri bắt thiên hạ cùng đi về một hướng.

Những năm biến động cho thấy các nước dân chủ bị động vì dân tình chín người mười ý, cái gì cũng thích nên nhà nước hết biết đường xoay, có tần tảo như nàng dâu thì vẫn bị dân quạt cho tắt bếp. Nhiều người cho đó là cái yếu của dân chủ vì ngược lại, xứ độc tài thì chả phân vân gì ráo. Cứ phăng phăng đi tới theo lối mạnh vì gạo bạo vì tiền. Cái khác là nơi đây dân chỉ ăn gạo hẩm, chứ tiền thì nhà nước nắm hết. Khi có biến thì tay chân nhà nước tẩu tán tài sản ra ngoài, bên trong họ khép cái cùm mồm và bắt hết ráo những ai bất đồng. Hà Nội có học được quỷ thuật đó.

Thời sự nông nổi thì ghi vậy - theo định nghĩa, thời sự là nông nổi vì dồn dập chạy theo biến cố - chứ hai dòng cuồng lan trắng đen ấy bỗng dưng toé máu đỏ lòm.

Việt báo xuân 2015
Từ góc Hồi giáo xuất hiện mươi lực lượng cùng núp sau đấng Muhammad mà nã đạn lung tung. Gần giáp Tết, Tổng trưởng Nội an Hoa Kỳ, gốc là thẩm phán, phán ngay: "đang có làn sóng mới của khủng bố toàn cầu". Trật rồi ông ơi! Khủng bố chỉ là phương pháp ban đầu trong nhiều phương pháp đấu tranh. Mà làn sóng ấy có từ khi ông Jeh Johnson này còn là phó biện lý tại Khu Nam New York hơn 20 năm trước và đã cho điều tra nhiều tổ khủng bố Hồi giáo.

Cái gốc của sự biến là từ Hồi giáo có nhiều nhóm muốn phát huy ưu điểm tôn giáo mình bằng bạo lực để chế ngự thế giới. Tôn giáo, bạo lực và chế ngự, ba yếu tố phản ảnh sự toàn diện của cuộc chiến giữa các nền văn minh để tái phân lãnh thổ. Các nhóm khủng bố không có quân đội và quân phục, chưa có lãnh địa để lập quốc, nhưng ráo riết tấn công cả dân chủ lẫn độc tài để tìm lãnh thổ cho một đấng Tiên tri không có mặt. Họ tàn sát cả triệu người Hồi giáo thì ít ai thấy, chứ tấn công vào xứ dân chủ thì cả thế giới hoang mang.

Khúc phim Thế Giới Năm Mùi chuyển đoạn ở đó: một cuộc chiến toàn cầu, Mỹ Tầu, Âu Ấn gì thì cũng lâm cuộc!

*

Qua chuyển đoạn hai, cuốn phim chiếu vào dòng xoáy "tiền rừng bạc biển" trùm lên hai nhóm quốc gia như những con thuyền tròng trành.

Việt báo xuân 2015
Nhóm đầu tiên là mấy xứ đã bơm tiền như nước để cứu nguy kinh tế và nay tát nước ra để khỏi chết đuối trong khoang. Trong nhóm này, oai nghiêm hùng dũng nhất là Hoa Kỳ, khi biện pháp "Kiu Y" tạm có kết quả và được chấm dứt để sẽ bẻ lái kinh tế ra khỏi dòng xoáy bằng cách nâng lãi suất khỏi sàn tầu. Đi sau là Anh quốc.

Nhóm thứ hai là các nước vẫn hỳ hục bơm tiền, như Nhật, hoặc sẽ phải bơm sau khi lần lữa mãi, như Liên Âu. Lý do của tình trạng đa đoan bất thường ấy là kinh tế chưa bình thường. Hậu quả là tiền Âu tiền Nhật đều mất giá nữa, làm tiền Mỹ càng thêm khấm khá.

Nhưng ở ngoài dòng xoáy đó, xứ nào lỡ vay đô la đều mắc cạn. Hay chết chìm vì tiền Mỹ lên giá. Họ bám vào tờ lịch mới để khỏi trôi vào trôn ốc. Đấy là khi phim rọi cảnh Thụy Sĩ bứt neo sau ba năm giàng đồng bạc vào Euro, lại còn hạ lãi suất dưới số không để trừng phạt những ai muốn mua đồng Phật lăng. Mục đích là cho đồng bạc khỏi lên giá như diều.

Hóa ra giữa cơn giông bão bạc tiền, nhiều kẻ có tiền cứ trú ẩn vào hầm bạc của Thụy Sĩ khiến xứ chết ngộp. Vì vậy, họ đuổi tiền ra ngoài - là điều khán giả không hiểu nổi!

Trong cơn loạn, ngân hàng trung ương các nước đều tự cứu bằng quái chiêu, bất chấp ảnh hưởng cho xứ khác. Thí dụ như nhiều nước Đông Âu vừa bị chìm vì quyết định của Thụy Sĩ. Người ta gọi đó bằng chữ dễ hiểu: cuộc chiến hối đoái toàn cầu.

Thế Giới Năm Mùi là khi cuộc chiến giữa các nền văn minh chống lại sự chế ngự của Hồi giáo cực đoan mà lại bị xoáy vào cuộc chiến tiền tệ. "Mất tiền còn hơn mất mạng" là phương châm xử thế? Đấy là lúc khúc phim chuyển qua màn ba.


*

Qua một dòng xoáy đen xì đặc quánh của Vàng Đen là dầu thô.

Việt báo xuân 2015
Trong dòng đen ngòm ấy, khán giả cũng thấy hai nhóm quốc gia. Các nước bỏ tiền mua dầu thì reo hò ở trên nhờ trả tiền xăng dầu ít hơn khi dầu thô sụt nửa giá trong sáu tháng. Mấy nước bán dầu ở dưới thì mặt mày xám ngoét vì số thu bị xén nên cãi cọ về cách giữ giá dầu khỏi tụt đáy.

Nhưng cả hai nhóm đều bơi chung dòng nước: dầu mà mất giá quá nhiều thì lượng tiền từ kẻ bán qua người mua cũng cạn. Và người mua chưa kịp hưởng lợi thì kinh tế đã suy trầm, suy sụp - làm toàn cầu cùng suy thoái.

Đứng giữa hai nhóm như trong mắt bão là Hoa Kỳ, quốc gia đào dầu mà vẫn mua dầu, một trong mấy nguyên nhân của vụ dầu thô tuột giá. Nếu giá sụt mạnh như vậy thì đào thêm dầu làm chi? Trong mấy năm hoạn nạn, chính khu vực năng lượng mới tạo thêm việc làm và góp phần tăng trưởng cho cả nước khi mà các khu vực kia đều sa sút. Bây giờ, dầu chảy nước rút thì có khi lại kéo Mỹ vào dòng xoáy. Vì thế dầu càng sụt giá thì chứng khoán càng liểng xiểng! Và tổ hợp chuyên đào dầu của Mỹ là Schlumberger vừa quyết định sa thải chín ngàn nhân viên.

Cứ tưởng dầu giảm, xăng rẻ là mọi người vui vẻ đi chơi. Khi đón năm Mùi, ai giải thích đượccho khán giả cái nghịch lý ấy?

Nhưng ta chưa đủ nhức đầu nếu nhớ lại hai dòng xoáy kia, Hồi giáo và Tiền tệ. Người ta cứ kết tội Mỹ can thiệp và khuynh đảo Trung Đông là chỉ vì dầu nên gây ra nạn khủng bố Hồi giáo. Bây giờ, Mỹ chiếm dần ngôi đệ nhất sản lượng dầu, sau khi đứng đầu về khí, lại cứ khoanh tay thả nổi chuyện Trung Đông thì thiên hạ lo âu. Và lại bấm số 911 gọi Cảnh sát Mỹ. Còn trong trận chiến ngoại tệ, Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc, có khi còn châm dầu vào lửa nếu tăng lãi suất vào đầu Thu làm các ngân hàng trung ương kia càng thêm liểng xiểng.

Thế Giới Năm Mùi là khi các thầy dùi xúi Mỹ lâm trận để hạ hỏa cho toàn cầu.

*

Màn bốn của cuốn phim là một dòng đục ngầu khói lửa.

Việt báo xuân 2015
Thời sự đầu năm rọi vào xứ Lithuania chênh vênh bé mọn trên biển Baltic, trong tầm đạn và dưới gót giầy đinh của Liên bang Nga từ căn cứ Kaliningrad. Bị Liên bang Xô viết thôn tính và sát nhập từ năm 1940, dân Lithuania chỉ giành lại độc lập vào năm 1991 khi Liên Xô tan rã, nay lại vừa có lệnh chuẩn bị kháng chiến chống Nga. Nhà nhà đều phải xây hầm trú ẩn và mở mạng giao liên bằng Facebook và Twitter....

Theo nghệ thuật hồi tưởng, Giáp Ngọ mở màn với việc Nga xén bán đảo Crimea của Ukraine, sau đó, Tầu cắm dàn khoan Hải Dương 981 của Tổng công ty CNOOC tại khu vực Trường Sa của Việt Nam. Giữa cảnh Đông-Tây đều loạn như vậy lại xuất hiện lực lượng xưng danh "Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Syria". Nhóm ISIL hay ISIS hay IS này đổi tên xoành xoạch nên ta cứ gọi là Ai-Xin cho tiện! Khi Ai-Xin tung hoành tứ tán thì Tổng thống Barack Obama ra giọng dè bĩu: "đám tay mơ như đội banh học sinh!" Đúng là tay mơ.

Thế rồi fastforward vào cuối năm Ngọ này: Nga bị khủng hoảng nên đòi chơi bậy làm Lithuania báo động, dàn khoan Tầu lại tái xuất hiện và Ai Xin gửi đặc công vào tận Afghanistan và Pakistan, có khi nháng lửa với lực lượng Taliban ở đó!

Dòng xoáy thứ tư của phim "Thế Giới Năm Mùi" cho thấy sự phân vân của các nước về phép cương nhu. Các nước hung đồ như Nga và Tầu thì cương đại và chẳng khác gì khủng bố Hồi giáo, họ không ngại chơi bạo khi thế giới đang có loạn năm Ngọ. Các nước dân chủ kia thì nói giọng ôn nhu về quyền lực mềm. Học thói Âu Châu, Hoa Kỳ dưới triều Obama cũng muốn đánh đòn mềm, tới độ mềm oặt. Đến cuối năm thì Âu Châu bị thấu phổi và kêu gọi tổng động viên. Từ Hoa Kỳ, nhiều người cũng nghĩ vậy, khi Obama lại đối diện với một Quốc hội Cộng Hoà.

Vì thế, chuyện năm Mùi sẽ lại "nghe ầm vang lên tiếng chiến chinh", khi bạc tiền mất giá....

Đấy là lúc ta trở về với quốc gia tự xưng là trung tâm thế giới. Không phải Hoa Kỳ mà là Trung Quốc! Đấy mới là đoạn kết bất ngờ của "Thế Giới Năm Mùi"

*

Vì đòi làm trung tâm thế giới, Trung Quốc bị cuốn vào vòng xoáy của thiên hạ bốn phương!

Nói về thương phẩm bạc tiền, khi khủng hoảng tài chánh bùng nổ tại Mỹ năm 2008 thì Bắc Kinh cứu nguy kinh tế bằng cách... tiêu tiền như Mỹ và chất lên một núi nợ sẽ đổ mà kinh tế vẫn suy sụp và chỉ làm thương phẩm và dầu thô càng xuống giá. Khi đô la lên giá và thế giới lao vào trận chiến hối đoái thì đồng Nhân dân tệ sẽ trôi vào chỗ tệ nhất, dưới gầm bàn.

Vì thế, qua năm Mùi, kinh tế Trung Quốc lâm nạn lớn. Khúc phim nghẹt thở chiếu vào nhiều trái bóng sẽ bể trong năm dê.

Suốt năm Ngọ, khi thế giới luận về cương nhu như Chiến quốc sách thì Trung Quốc đánh tài xỉu, để ăn cả hai cửa: giở giọng ôn nhu để kiếm khách theo kiểu hợp tung mà hách dịch với lân bang theo thế liên hoành của cường Tần để cướp đất. Nào ngờ, đấy là lúc khủng bố Hồi giáo từ Trung Á lẻn vào sân sau và trổ tài ngay tại Bắc Kinh.

Việt báo xuân 2015
Nếu Paris còn có loạn thì Trung Quốc năm Mùi sẽ nhiều phần hốc hác. Bắc Kinh có thể khép cửa Charlie Hebdo chứ không ngăn được những kẻ sẵn sàng tuẫn đạo cho đấng Tiên tri. Núp sau các nước Tây phương lâm nạn, Thiên triều đầu tư mạnh vào Afghanistan, Iraq hay Libya để kiếm lời nên lại nối mạch dẫn cho dòng điện Thánh Chiến nháng lửa vào các khu vực hoang vu bát ngát trong lãnh thổ.

Ở bên ngoài, Nhật lại tăng ngân sách quốc phòng trong tiếng ca ứng chiến. Mà Nhật không là Lithuania bên nước Nga vì đã từng khuất phục Trung Quốc vào một năm Ất Mùi, 1895.

Cho nên, đoạn kết của cuốn phim chấm dứt với Lời bạt: Thế giới năm Mùi có mùi khét lẹt của trăm năm trước. Đó là khi Thế chiến I bùng nổ cũng vì các dòng cuồng lưu đều xoáy vào một chỗ. Lần trước là Âu Châu. Lần này là Đông Á.

Trần Vĩnh Kiến

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.