Truyện Ngắn
HÒA ÂM MUỘN MÀNG
QUỲNH GIAO
Lời Giới Thiệu: Năm Giáp Ngọ vừa qua, Việt Báo đã mất một cây bút thường xuyên cộng tác trong Giai phẩm Xuân hàng năm là Nghệ sĩ Quỳnh Giao. Nếu lần giở trước đèn truyện cũ cho một tờ báo Xuân mới thì sự tích Trầu Cau có thể mang nhiều ý nghĩa. Vì vậy, xin độc giả đọc lại tích xưa qua một cái nhìn mới trong một truyện ngắn của Quỳnh Giao....
Isabella
Thành phố buổi trưa ồn ào như một tổ ong vỡ.
Nhìn lớp người lũ lượt qua lại vào bữa trưa, tôi lại nhớ đến tin tức dồn dập trên mặt báo từ mấy ngày nay. Liệu quân khủng bố có thể nào tấn công bất ngờ vào thành phố đông dân nhất Hoa Kỳ và ngay giữa buổi trưa náo nhiệt như hôm nay chăng? Một nhà bình luận đã viết là oanh tạc các căn cứ khủng bố mà không diệt được bộ phận đầu não của chúng thì cũng nguy hiểm như thọc tay vào tổ ong nhưng không giết được con ong chúa, vì sẽ bị đàn ong bay ra tấn công mà chẳng biết chống đỡ đằng nào.
Tôi nghĩ đến người miền Nam mình. Họ dùng ngôn từ của chiến tranh và gọi là "ong đánh" chứ không phải là ong đốt, ong chích. Ong đốt hay ong chích là trường hợp của từng con ong, ở đây là cả một tổ ong túa ra như một đám mây vo ve ập lên mình. Đã từng bị ong đốt hồi còn bé làm bàn tay sưng vù cả tuần, tôi không khỏi rùng mình nhớ lại cảm giác đau buốt đó. Chợt mỉm cười tôi thấy là những người đang lũ lượt từ các cao ốc xuống ăn trưa quả là hiền lành hơn nhiều.
Hiểu lầm nụ cười của tôi, Isabella kéo ghế ngồi xuống:
"Đúng thật, trông người ta qua lại vui mắt quá nhỉ? Mình dùng cái gì bây giờ đây?"
Tôi ngồi quay lưng ra ngoài đường phố và ngắm nhìn người bạn vừa gặp trong studio ra.
Tôi nhớ đến một câu của Võ Phiến, do một người nào khác kể lại, là người Mỹ dễ quen mà khó thân. Hình nh? Isabella lại không vậy. Câu chuyện xã giao với nàng về nhạc, về kỹ thuật thu âm và về những điều tôi chưa hiểu trong nghề của chính tôi ở trong xã hội Hoa Kỳ này, câu chuyện tưởng như sẽ dứt khi ra khỏi studio thì lại trở nên sôi nổi hơn khi hai chúng tôi chờ thang máy và nói về nhạc cận đại. Isabella là người đưa ra ý kiến đó:
"Hay là chúng mình đi ăn trưa ở dưới kia, nếu chị không bận? "
Tôi dịch là chị cho lịch sự, chứ hai chúng tôi cũng xuýt soát tuổi, dù Isabella có một vẻ hơi cổ trong lối ăn mặc làm cho mình già trước tuổi như một cô giáo người Anh. Tôi có cảm tưởng vậy có lẽ vì nghe kỹ thấy nàng có lối phát âm sang quý như người Anh với giọng mũi. Tôi không từ chối được ánh mắt như gặng hỏi trong lời mời đó, và hai chúng tôi đã tản bộ giữa rừng người hối hả, để đi tới một quán ăn hơi khuất trong một đường nhỏ. Một quán ăn trưa, nhưng lại toàn đặc sản của Ý Đại Lợi, theo như lời giới thiệu của người bạn gái mới quen này.
Tôi đến studio nhiều lần trong mấy ngày qua để hoàn tất phần phối âm cho đĩa nhạc của mình. Isabella cũng tới đó để thực hiện một project về nhạc, như nàng nói một cách mơ hồ.
Gặp nhau lần thứ nhì tại hành lang bên ngoài các phòng thâu thì nàng ra hiệu đã nhận ra tôi bằng cái gật đầu niềm nở. Chúng tôi thăm hỏi nhau như vậy, đối với tôi thì chỉ là lối xã giao thông thường mà thôi. Tôi vốn ít khi làm quen với người lạ. Nhưng sau ba lần gặp gỡ trong mấy ngày liền, và cùng đi ăn trưa vào hôm đó, chúng tôi đã trở thành bạn, dù ở cách xa nhau tới mấy giờ xe hơi.
Trong bữa ăn, Isabella hỏi tôi về nhạc, và tôi rất thích khi nàng ít tò mò hỏi về xuất xứ Á Đông hay đòi tôi so sánh âm nhạc Đông phương của mình với nhạc Tây phương. Nàng nói về nhạc như một nghệ thuật trừu tượng không biên giới và ngôn ngữ. Nàng nói nhiều về - tôi phải diễn tả làm sao đây- về tâm hồn của nhạc, về cái thần của nhạc. Tôi thú vị với những nhận xét của Isabella về hòa âm và hoà tấu, nên bắt đầu chăm chú nói truyện và để ý tới cái portfolio bằng da khá lớn nàng đặt trên ghế. Nó lớn như cặp da để họa đồ hay tập nhạc của các nhà soạn nhạc mà lại có vẻ khá nặng. Tôi liếc nhìn cái cặp định hỏi thì Isabella đã đón trước:
"Báu vật của tôi đấy. Bao giờ hoàn tất thì chị sẽ biết."
Trên đường đưa tôi về nhà đứa cháu gái đang làm ký giả cho tờ Marie Claire tại Nữu Ước, Isabella nhắc lại số điện thoại và địa chỉ của tôi để cho thấy là nàng không quên. Chúc tôi thành công với đĩa nhạc mới, lần đầu thực hiện ở miền Đông như tôi giới thiệu, Isabella hẹn sẽ có ngày gặp lại, và sẽ điện thoại trước.
Sau đó, nàng giữ đúng lời và ghé thăm tôi hai lần, ở tại vùng tôi ở. Mãi mãi sau này, tôi sẽ không quên bữa ăn trưa trong quán Ý Đại Lợi với Isabella. Vì từ đó, tôi đã gặp một chuyện tình thật đẹp. Isabella là người kể cho tôi nghe câu chuyện đó, và câu chuyện xảy ra từ đã lâu.
Anton và Chistopher
Thời đó, ở xứ mình, tôi thực không biết nhiều về thế giới âm nhạc Hoa Kỳ, ngoài các ca khúc được nghe trong phim ảnh và một số nhà soạn nhạc đã thành danh. Cho nên, thời đó, tức là thời mộng mơ của những người thuộc thế hệ cha mẹ mình, mà tôi hay gọi một cách rất mơ hồ co giãn là "thời tiền chiến", thế giới nhạc cổ điển tại Mỹ đã biết tới hai anh em Anton và Christopher Crown. Họ là anh em sinh đôi, một người chơi dương cầm một người vĩ cầm, và thường xuất hiện trong các buổi song tấu của giới thanh lịch Hoa Kỳ hơn nửa thế kỷ về trước.
Isabella đã có lần moi từ trong cặp ra cho tôi coi tấm poster ngả màu vàng mà nàng cẩn thận kẹp giữa hai lớp nhựa dày. Tấm bích chương quảng cáo một buổi trình diễn của hai người, cách đây hơn nửa thế kỷ, làm tôi nhớ lại những bức hình đen trắng của các minh tinh màn bạc đã được treo thật cao trong các rạp Eden hay Majestic ở nhà. Tôi chỉ để ý tới hai vương miện lồng vào nhau như biểu hiệu của hai anh em Crown. Lớp kim nhũ nguyên thủy đã phai hết, chỉ còn màu nâu úa vàng trên giấy cứng.
Họ là hai danh cầm trong các buổi trình diễn nhạc thính phòng. Trong danh mục những bài được giới thiệu, tôi thấy cả những tác phẩm thời lãng mạn tới các nhạc khúc cận kim với kỹ thuật của phái ấn tượng và một số ca khúc hiện đại. Và họ giống nhau như hai giọt nước, với mái tóc đen chải láng, phảng phất vẻ đẹp của Tyrone Power.
Tôi không giấu gì Isabella cảm nghĩ của mình.
Thời đó, có lẽ chúng ta chỉ biết tới Hoa Kỳ qua màn bạc và chân dung các tài tử điện ảnh, tức là rất đơn giản và có khi hời hợt ở tiền trường sân khấu. Hình như là Isabella lại có vẻ thích thú với sự hiểu biết rất xa xôi đó của tôi. Có lẽ, đối với nàng, tôi là người thực sự "ngoại cuộc", và nàng có thể an toàn kể chuyện, như chúng ta có thể kể cho nhau nghe một truyện phim xảy ra ở nơi khác, vào thời khác. Xong rồi, mọi người đều thoải mái ra về không chút vướng bận.
Tôi không được hỏi nhiều về nhạc, là bộ môn mình yêu thích và muốn tìm hiểu, vì Isabella chỉ nói về tình yêu.
Anton và Christopher là anh em sinh đôi, giống nhau như hai giọt nước, mỗi người sở trường một nhạc khí và đều có chân tài. Nhưng, về tánh tình thì hai người khác hẳn nhau. Hôm đi ăn trưa lần đầu với nhau, nhân nói chuyện về trường hợp song sinh và những truyện mà bọn người hiếu kỳ chúng ta hay kể về hai anh em, tôi bỗng nêu nhận xét rất vu vơ. Là dường như trong các gia đình hai anh em, và nhất là trong trường hợp sinh đôi, luôn luôn ta thấy một người xông xáo năng động, một người hiền lành trầm lặng. Thế mà, không hiểu sao, cái anh chàng xông xáo lao vào đời thì lại hay bị tai họa, không vì tình vì tiền thì vì rượu hay cờ bạc, và cuối cùng con người trầm lặng có vẻ như hiền lành ở nhà lại phải vươn ra ngoài cứu vớt hoặc giúp đỡ người kia.
Isabella trợn tròn đôi mắt đặt lại ly rượu trắng lên mặt bàn và hỏi lại tôi:
"Đúng vậy, mà sao chị biết?"
Tôi có biết gì đâu! Thì cứ ngẫm thấy sao là nói vậy. Nhưng Isabella trầm ngâm một chốc và nhìn tôi với ánh mắt khác. Nàng đưa ly rượu lên cụng với ly trà của tôi và gật gù. Mình phải gặp nhau mới được.
"Thế mình đã chẳng đang gặp nhau rồi ư?" Tôi mỉm cười hỏi lại mà không ngờ là đã vô tình đi vào một ngõ ngách thâm sâu nào đó trong tâm tư của cô bạn Hoa Kỳ này.
Isabella không thuộc cùng giới với tôi, nàng không ở trong ngành âm nhạc mà làm kế toán trong một công ty bảo hiểm. Nàng ăn mặc hơi bảo thủ, với những màu nâu và xanh lục thật xẫm và ít trang điểm nhưng vẫn có nét quyến rũ kín đáo bên trong cái vẻ nghiêm nghị hơi già. Tôi nghĩ đến một cô giáo hơn là một người làm kế toán. Nhưng, điều làm tôi do dự là nét quyến rũ và sự sôi nổi ẩn hiện trong ánh mắt và cái lối hất tóc rất cổ. Tôi nghĩ mãi chưa ra cử chỉ hất tóc trông quen quen như đã thấy ở đâu đó.
Khi gặp lại nhau và nhìn tấm bích chương quảng cáo anh em Anton và Christopher, tôi chợt nghĩ tới anh em Cain và Abel trong Thánh Kinh mà không nói ra, vì cảm thấy là giữa hai người nghệ sĩ này và Isabella có một mối liên hệ rất mật thiết.
Sau này, Isabella kể cho tôi nghe về mối liên hệ đó:
"Quả như chị nhận xét tháng trước, trong hai người, Anton là tay xông xáo nóng nẩy, trong khi Christopher lại điềm đạm thâm trầm."
Điều thú vị cho khán giả thời đó, Isabella kể tiếp, là khi họ xuất hiện. Khán giả không biết ai là ai, cho đến khi một người tiến tới đàn dương cầm. Nhiều khi họ còn đùa khán giả. Anton kẹp cây vĩ cầm nơi tay cùng Christopher bước ra chào trong bộ quần áo đen, may cắt hoàn toàn giống nhau. Mãi lúc cuối Anton mới đưa đàn cho anh, còn mình thì ngồi nơi dương cầm trước tiếng cười thú vị của khán giả.
Anton đàn dương cầm và Christopher kéo vĩ cầm. Khán giả chỉ có thể phân biệt vào lúc đó mà thôi. Nhưng, hai anh em nổi tiếng vì tài nghệ hơn là vì giống nhau như đúc. Khán giả thời đó đã trả tiền khá đắt để nghe hơn là để xem trò lạ mắt. Họ xuất sắc thật, theo như những bài phê bình âm nhạc thời đó mà Isabella đưa cho tôi xem trong từng cuốn album dày cộm.
Để tôi ngồi xem những bài báo và hình ảnh nàng trịnh trọng đặt lên mặt bàn, Isabella tự nhiên vào bếp lục lọi nước cam hay sữa tươi trong tủ lạnh của tôi. Nàng tỏ vẻ thích thú khi thấy tôi hỏi vọng từ phòng ngoài về từng chi tiết của các buổi hòa nhạc, về những tác giả mà hai người thường trình tấu. Tôi bàn với nàng về từng giai thoại của hai tay danh cầm này và Isabella thành thạo nói về họ như những người thân.
Theo như lời nàng kể, Anton có vẻ hoạt bát và duyên dáng trong khi Christopher ít nói và cũng ít cười. Chàng để ý đến từng chi tiết của mỗi buổi hòa nhạc và chăm lo cho Anton, mà theo phong tục xứ này thì được coi là em vì sinh trước mươi phút, chứ không giống phong tục xứ mình.
Đáng lý, Anton sẽ không là một danh cầm vì từ bé đã ham chơi và ít chịu học, trong khi Christopher lại là con ngoan trong nhà. Họ sinh ra sau thời khủng hoảng, gia đình không lấy chi làm khá giả nhưng cha mẹ vẫn dồn công sức cho cả hai theo học âm nhạc và khi Christopher ngoan ngoãn đi nhà thờ thì Anton đạp xe đi cắm trại hay bẫy chồn ngoài đồng. Chiều về, Anton yên tâm là có Christopher nhắc mình xếp sách hôm sau đi học. Trong khi Christopher đọc kinh thì Anton lật tung chồng sách ra tìm bài làm cho ngày mai.
Cuối cùng, đứa trẻ ưa bay nhảy lại được cha mẹ bắt học dương cầm "để cột chân nó lại" theo như lời kể của báo chí thời đó. Và đứa trẻ thầm lặng trong nhà được ôm cây vĩ cầm nhẹ tênh đi học. Rồi cả hai đều thành công với âm nhạc, lãnh vực đã giữ họ lại với nhau ngoài cái tình ruột thịt của hai người song sinh.
Anton là người đề nghị với em (hay là anh, tôi tự hỏi) về cách chuyển từ nhạc cổ điển qua nhạc mới, nhạc jazz. Hỏi rồi, Anton lướt trên phím ngà một giai điệu lôi cuốn và tân kỳ. Christopher trầm ngâm giây lâu rồi mỉm cười ứng tấu bằng tiếng vĩ cầm như bay lượn trên cung bậc dương cầm của anh. Họ đã vài lần nổi hứng như vậy, trong những dịp khán giả vỗ tay yêu cầu encore khi màn đã hạ. Anton là người gõ những nốt dìu dặt như dạo vào nhạc Debussy rồi chuyển thành nhịp điệu jazz hoàn toàn mới. Christopher đưa đàn lên ra dấu vỗ tay và bắt vào nhịp để rồi cả hai cùng hòa tấu theo cảm hứng của mình.
Những lúc đó, chỉ mình Christopher và người sành jazz mới biết là Anton chơi rất vững. Chàng kéo em vào cuộc vui, như một món quà cho chính họ hơn là cho khán giả ở dưới. Nhưng khi tiếng vĩ cầm của Christopher cất lên thì dương cầm Anton lui về giữ nhịp tiết làm nền cho tiếng đàn của em.
Lúc đó, trên giai điệu của Fauré hay Ravel, họ đổi nhịp và trình bày theo cảm hứng rất mới, rất swing, nói theo ngôn ngữ thời đó. Trong một bài phỏng vấn, chính Anton đã giải thích là loại nhạc ấn tượng của cuối thế kỷ trước có cái "khí hậu" rất gợi cảm và có âm sắc rất tiện cho lối nghịch ngợm phá cách của họ. Nhưng, Christopher nói tiếp, dù sao cũng chỉ là sự nghịch ngợm của hai anh em. Chúng tôi không có tham vọng làm mới bất cứ cái gì....
Hai anh em tưởng như là sống đời với nhau, vì cả hai đều đã kết hôn với âm nhạc. Cho tới khi Gloria xuất hiện.
Gloria
Lối hòa nhạc nghiêm túc mà kết thúc trong đùa nghịch đó của Anton và Christopher Crown đã khiến một người để ý.
Thời đó còn hiếm thấy các ca sĩ da trắng trong loại nhạc blues, loại nhạc mà người ta cho là Thượng Đế riêng tặng người da đen vì những tai ương của họ. Nhưng, Gloria MacKenzie đã có chỗ đứng vững vàng và là niềm hãnh diện của người Mỹ da trắng trong cõi nhạc do người da đen ngự trị với tầm hồn vừa sầu bi đa cảm vừa thánh thiện của họ. Nàng đã hát trong nhiều ban nhạc lừng danh, đa số là da đen, từ dàn nhạc lớn loại Big Band tới loại thính phòng trong quán nhỏ. Không hiểu vì sao, trên tột đỉnh nghệ thuật của mình Gloria lại muốn thử bước qua một loại nhạc khác.
Theo như lời kể của Isabella, Gloria muốn khai triển được hết tiếng hát với âm vực rất rộng từ nốt thấp nhất đến nốt cao nhất. Nàng tìm đến loại nhạc cổ điển và thu thử một chục bài thì thấy chưa hài lòng lắm với phần nhạc đệm.
Trong một buổi nghe nhạc tại Nữu Ước, Gloria thấy hai anh em Crown trang trọng cúi chào khán gia, và vào lúc encore, Anton dạo lên một giai điệu dương cầm réo rắt như suối reo của Grieg để Christopher bất ngờ chuyển sang một chuỗi âm thanh khêu gợi chảy dài như dòng sữa đục. Ngồi ở dưới, Gloria muốn bấm lên đùi để xua đuổi một cảm giác rất lạ.
Đối với nàng, hai anh em đang mô tả một nàng tiên cánh trắng ở bên suối, và kết thúc bằng một màn vũ khi ánh trăng bị khuất sau đám mây. Dòng suối hiền hòa đã thành thác ghềnh tràn ngập lên rừng hoa trắng vì vũ điệu ngày càng dậm dật của nàng tiên.
Cảm giác rạo rực đó khiến nàng muốn gặp họ.
Nghe câu hỏi của tôi, Isabella gật đầu kể tiếp. Đúng, chị đoán đúng, Gloria MacKenzie có dòng máu Ái Nhĩ Lan bướng bỉnh pha trộn với máu Ý Đại Lợi đầy đam mê. Và sự xuất hiện của nàng khiến cặp song tấu song sinh kia chia tay.
Không biết là Anton hay Christopher ai là người bị xúc động trước vì vẻ đẹp và sự thông minh của Gloria. Chính Gloria MacKenzie cũng không biết là mình yêu ai trong hai người.
Anton là người hay nôn nóng, nên nói ra cái điều con tim mình cảm thấy, bằng những món quà đầu tiên mà chàng chọn rất khéo. Nhưng Gloria đã thấy ngay trong ánh mắt Christopher điều Anton nghĩ tới. Thực ra, họ gặp nhau để nghiêm chỉnh nói về một dự tính do Gloria đưa ra. Đó là kết hợp dương cầm Anton với vĩ cầm Christopher cùng tiếng hát Gloria, trong một số ca khúc mà chúng ta giờ đây cứ gọi đại là bán cổ điển Tây phương.
Qua nhiều bài viết của tờ New York Times với tên tuổi của các nhà soạn nhạc, tôi đoán là Gloria muốn hát lo?i thơ phổ nhạc thời cận kim, những đoản ca với nhạc của Poulenc, Duparc hay Copland mà chưa tìm ra người chơi đàn vừa ý. Họ say mê với ý tưởng đó và sôi nổi bàn tính về hòa âm, về cách trình bày. Họ thành một bộ ba ít khi rời nhau. Khi Gloria hát tại phòng trà ngập ngụa khói thuốc và tiếng kèn đồng nức nở với dàn basse thầm thì, hai anh em Crown ngồi nghe ở bên dưới như nghe một bản thánh ca. Và khi hai anh em trình tấu tại rạp Pleyel ở Paris, người ta cũng thấy Gloria qua tận nơi để thưởng thức.
Isabella cho tôi biết là chính nàng cũng không rõ là ai trong hai người đã lấy quyết định.
Theo như nàng hiểu, Anton về sau thành bẳn gắt và ít nói hơn, trong khi Christopher lại tươi tắn vui vẻ hơn và cả hai đều nhường nhịn nhau từng chút nhưng đều có những phút ngại ngần khi chỉ còn hai người với nhau. May là chiến tranh bùng nổ và cả hai anh em đều có được vài năm gián đoạn để suy nghĩ, mỗi người ở một nơi.
"Thế Gloria?" Tôi không nhịn nổi sự tò mò của mình. "Nàng có biết mình yêu ai trong hai anh em không?"
"Có chứ. Gloria yêu cả hai. Vì thấy cả hai người đều hợp tính tình, và thực ra, có lẽ chính Gloria cũng khó phân biệt. Có lẽ, nàng mê vẻ sắc xảo lịch lãm của Anton, nhưng cũng yêu tính thâm trầm sâu sắc của Christopher, và biết là cả hai người đều yêu mình say đắm qua những lá thư họ gửi từ chiến trường Âu Châu về."
'Khổ thật, như vậy thì làm sao chịu được?"
"Thì vậy... "
Hôm đó, chúng tôi đủng đỉnh dạo phố rồi Isabella rủ tôi đưa nàng về nhà cho thoải mái. Nàng chậm buồn kể tiếp câu chuyện và từ phòng khách nhìn ra ngôi vườn phía sau, hai tay cầm ly nàng nước uống từng hụm nhỏ. Khi câu chuyện tiến tới chỗ éo le, tôi biết là nàng đang muốn tâm sự nên lặng lẽ ngồi yên, để nàng tự nhiên cân nhắc.
Giây lát, Isabella ngửng lên nhìn tôi:
"Thế như chị là người Á Đông, gặp cảnh đó thì chị nghĩ là mình nên làm gì?"
Tôi hơi giật mình về câu hỏi. Người Hoa Kỳ hay đường đột như vậy làm mình cũng lúng túng. Tôi nghĩ tới truyện cổ xứ mình, không biết dân ta đã có trong tiềm thức từ thời nào rồi....
"Ở xứ chúng tôi, đây là tôi cứ theo truyện xưa mà nói, tôi ngập ngừng trả lời như vậy. Ở xứ tôi, một là chiến tranh có thể sẽ giải quyết được vấn đề cho con người. Qua cái điều mà ta gọi là định mệnh, tức là cái chết, nếu đó là một câu truyện hay một vở kịch. Bằng không, có lẽ sẽ là một cảnh chia tay, dù có bi thảm vẫn là đẹp. Ngẫm nghĩ lại, tôi e rằng chúng tôi coi trọng cái đẹp hơn cái sống.... Hoặc chúng tôi nghĩ đến cái đẹp cũng là một niềm hạnh phúc. Chứ còn ở đây, tôi thú thật không biết là ở đây người ta sẽ xử trí ra sao, nhất là vào thời đó, theo tôi hiểu một cách khá hời hợt, xã hội Hoa Kỳ vẫn còn khá cổ. Tôi muốn nói rằng thời nay hình như cũng đã khác."
"Chị nói đúng. Chia tay vẫn là cách đẹp nhất. Nhưng, họ chia tay quá trễ... sau khi chiến tranh kết thúc, họ đã đoàn tụ và thấy rằng mọi việc vẫn như xưa, và có lẽ họ còn đắm đu? i hơn xưa. Cuối cùng, hình như là người quyết định ra đi lại là Christopher, như chị có nói hôm trước."
Isabella đòi tôi để một đĩa nhạc cổ điển. Nghe nhạc một chốc nàng mới kể tiếp là Christopher đã bỏ qua Paris đàn dương cầm cho một ban hòa tấu Pháp. Và con người ưa thích bay nhảy là Anton thì lại ở lại Hoa Kỳ. Từ đó, không bao giờ họ xuất hiện với nhau nữa.
Theo chỗ tôi hiểu qua cách trình bày cũng ngập ngừng của Isabella, hình như Christopher đã muốn hy sinh khi thấy Gloria không quyết được. Hai người có lúc gặp nhau tại Pháp khi Anton qua đó, căn cứ trên tấm hình của hai người có ghi rõ ngày tháng mà Isabella đưa cho tôi xem.
Nhưng sau đó, chàng lại quay về một mình, và dí dỏm chơi chữ với báo chí. Hai vương miện, hay Crown, nay đã ngự trị ở hai nơi.
"Còn Gloria, sau này ra sao?"
"Gloria đi qua Anh, mới đầu còn hát cho một jazz club của Anh, sau đó ôm con đi nơi khác và từ đó báo chí lẫn dư luận không ai nói tới bà ta nữa."
"Ôm... con?"
"Vâng, tôi sinh tại Anh, mãi tới 16 tuổi mới cùng mẹ trở về đây, người mới mất cách đây không lâu." Tôi bàng hoàng nhìn Isabella và bắt đầu hiểu ra nét khắc khổ và cái chất Âu Châu của nàng.
"Tất cả những hình ảnh và tài liệu mà chị đã coi đều là do người sưu tầm và giữ mãi cho tới ngày nay, kể cả những đĩa nhạc của ba người."
"Nhưng, tôi chưa hiểu, Gloria, bà ấy yêu ai."
"Như tôi nói đó, chính mẹ tôi cũng không biết. Mùa Xuân năm đó, bà lần lượt gặp cả hai người với rất nhiều nước mắt, theo như lời người kể lại cho tôi sau này. Nỗi ân hận của bà là để hai anh em đều cùng hy sinh mà cuối cùng chẳng ai được hạnh phúc. Bà sống như vậy mãi, y như Anton và Christopher. Nay thì chỉ còn tôi ở nơi đây thôi."
"Và chị là con của..." tôi nói đến đây thì đã thấy mình đường đột tò mò như dân bản xứ nên đứng dậy vặn nhỏ đĩa nhạc để giấu vẻ bối rối.
"Tôi không biết, mẹ tôi cũng không biết. Tôi nghĩ rằng mình là con gái của cả hai, theo như tôi đoán ra từ từng chi tiết của câu truyện bà kể lại. Tôi không phàn nàn gì về điều đó cả, mà chỉ thương mẹ là không có một dịp cùng hát với hai người mình yêu thương và ngưỡng mộ nhất. Đối với một nghệ sĩ yêu nhạc như bà, có lẽ đây cũng là một thiệt thòi, một điều ân hận..."
Ngoảnh nhìn chung quanh, Isabella chợt đứng dậy cầm lấy ví. Chúng tôi quen nhau như vậy đã bốn tháng, thực ra chưa đủ để nói là thân, nhưng, nàng có một người để tâm sự. Nhìn nàng nổ máy xe ra về qua một đoạn đường khá xa, tôi chợt nhớ đến một thế giới đã mất.
Ba ngày sau, Isabella gọi điện thoại tôi từ thật xa:
"Dự án của tôi đã xong, và chị là người sẽ được thưởng thức đầu tiên, tôi đã gửi rồi."
*
Dự án của nàng là sưu tập lại từ những đĩa cả 33 vòng lẫn 78 vòng cổ lỗ sĩ một số nhạc khúc của Anton và Christopher cùng những bài hát thuộc loại cổ điển của Gloria MacKenzie.
Nàng thuê studio dùng kỹ thuật tối tân nhất về âm thanh và điện tử để lọc ra và điều chỉnh tiếng dương cầm của Anton, vĩ cầm của Christopher cùng lời ca của Gloria MacKenzie mẹ nàng, rồi hòa lại thành một tác phâm mới do ba người trình bày với nhau trong một đĩa gọn. Tôi thật ngạc nhiên về kỹ thuật mới ở nơi đây và tự nhiên thấy quý mến Isabella MacKenzie vô cùng.
Hôm sau, tôi nhận được trong phong bì Federal Express do Isabella gửi cho cái tác phẩm âm nhạc hy hữu này, với hình bìa là một bóng mờ xuất hiện giữa hai nhạc sĩ giống nhau như hai giọt nước. Tôi nghe đi nghe lại mãi sự hội ngộ muộn màng của họ. Ở một nơi nào đó, chắc là họ đã gặp nhau, và tôi đang cảm thấy điều đó bằng nhĩ quan của mình. Tôi lẩm nhẩm hát theo mà thấy ứa nước mắt. Đối với tôi, đây là một trong những đĩa nhạc hay nhất mà cũng đắt đỏ nhất mình đã nghe. Nó là sự tan vỡ của ba tâm hồn để tạo nên một giấc mơ bằng âm thanh.
Tự nhiên tôi muốn gọi đĩa nhạc này là Trầu Cau...
Quỳnh Giao
Gửi ý kiến của bạn