Hôm nay,  

135. Miến Điện Sẽ Qua Mặt VN?

11/05/201521:40:00(Xem: 11982)
Mỹ xoay trục về Đông Á

MIẾN ĐIỆN SẼ
QUA MẶT VN?

VŨ LINH

Chẳng biết do duyên hay nợ, người viết có mặt ở Yangon đúng vào lúc các màn hình ảnh trên đây đang khai diễn. Thấy người ta vui vẻ mà tức. Làm gì bây giờ?

Trước hết nhìn về Việt Nam ta.

Phải nói ngay, quan hệ Mỹ-Việt chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ, kể từ ngày một tàu hải quân Mỹ cập bến Hội An dưới thời vua Tự Đức hay Thiệu Trị gì đó. Xin thưa ngay với quý độc giả, quý vị không đọc lộn đâu. Quan hệ Mỹ - Việt bây giờ đầm ấm như môi với răng vậy.

Dưới thời Bảo Đại thì dĩ nhiên ông vua tây con này không thể ngoan ngoãn với bác Sam được. Qua thời ông quan lại gàn bướng họ Ngô thì quý vị đều đã rõ ông quan cứng đầu này đã có kết quả như thế nào rồi. Đến thời các tướng Thiệu Kỳ cũng vậy, tay nhận bạc triệu trong khi lính Mỹ chết như rạ để bảo vệ Việt Nam, vậy mà mấy ông tướng này, cứ xểnh ra là lại lên tiếng chửi Mỹ. Thỉnh thoảng lại còn xúi báo trong nước viết bài chửi Mỹ nữa. Hết sức khó dạy.

Bây giờ thì quan hệ tốt đẹp hơn nhiều.

Đố quý vị kiếm ra được một bài báo sỉ vả đế quốc Mỹ trong nước bây giờ.

Việt báo xuân 2015
Hình ảnh xuất hiện trong các cửa tiệm ở Yangon, mầu sắc diễn xuất coi xôm tụ Miến Điện hơn cả bích chương tranh cử.

Đố quý vị kiếm ra được hình ảnh một quan chức Mỹ nào đi Việt Nam mà không được đón rước như ông hoàng của Thiên triều đi kinh lý. Đừng nói quan chức, cái anh Zuckenberg chế ra trang Facebook, qua VN, được Nhà Nước cấp trực thăng quân đội đưa đi chơi Sapa, sử dụng phi trường quân sự Lào Cai cho có an ninh, khỏi bị mấy em ào ào bu lại đón rước, quấy rầy.

Đố quý vị kiếm ra được một quan lớn Việt Nam nào không có con du học ở Mỹ, từ đại học lớn đến đại học hàm thụ.

Đố quý vị kiếm ra được một công tử đỏ nào mà trong túi không có vài xấp đô-la xanh để tối đi phòng trà với mấy em.

Đố quý vị kiếm được một anh chị bán hàng nào ở Việt Nam chê không nhận đô-la xanh đế quốc mà chỉ nhận Rúp Nga hay Nhân Dân Tệ.

Đố quý vị kiếm ra được một đại gia hay quan lớn nào mà trong sa-lông không có một bức hình nhe răng cười chụp tại Las Vegas hay Nữu Ước hay Washington DC.

Đố quý vị kiếm ra được một quan lớn nào không có mua nhà trả cash tại Anaheim hay Irvine hay Bolsa, để dành cho ngày về vui thú điền viên.

Năm xưa, các tổng thống Mỹ như Clinton hay Bush còn phải đi viếng thăm Việt Nam, gọi là cho phải phép để đáp lễ các Chủ Tịch Nước qua triều cống. Nhưng ngày nay, TT Obama sáu năm qua không buồn tới, đợi khi thành "vịt què", chả còn làm ăn quyết định được trò trống gì thì mới tính ghé qua gọi là có dịp cho bà vợ đi du lịch thêm một nước.

Lý do sao TT Obama không viếng thăm VN sớm hơn hơi khó hiểu. Nể mặt bác Tập khi bác đang đặt giàn khoan đầu này, xây phi đạo đầu kia tại Hoàng Sa? Tránh né cuộc tranh chấp trong tam đầu chế tài Hà Nội? Chả ăn cái giải gì với VN? Sợ dân ta không tiếp đón vồn vã như đối với Clinton? Thật tình, khó có vị tổng thống Mỹ nào được dân ta hoan nghênh như Clinton khi ông ta xuống xe chui vào làm tô phở tái. Ngoại trừ TT Obama muốn chơi trội, làm một bữa ... cờ tây? Hơi khó có hy vọng. Dù sao thì bất cứ lúc nào bác Obama đến cũng sẽ được đầy đủ tiểu yến, đại yến linh đình. Chỉ một chút chiếu cố tượng trưng là các lãnh đạo ta vui rồi.

Việt báo xuân 2015
Nha Trang, Quy Nhơn hay Đà Nẵng? Không, là Yangon, ngay trên con đường chính dẫn ra phi trường

Xét cho cùng, ta không nên trách lãnh đạo Việt Nam về chuyện bây giờ tương tư Mỹ như vậy. Các lãnh tụ CSVN thời nay thường có đầu óc thực dụng, hết giáo điều từ lâu lắm rồi. Mất hai ông hộ pháp Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh từ lâu lắm rồi. Ngày xưa theo bác Mao nhắm mắt nhắm mũi "giải phóng Miền Nam đang bị đế quốc hành hạ", khiến cả đám sinh bắc tử nam vô duyên. Bây giờ theo bác Đặng, giàu có là huy hoàng, "to berich is glorious", thấy hấp dẫn hơn nhiều. Bác Đặng đã nói như vậy, bây giờ chẳng lẽ ta lại bảo hoàng hơn vua, chống lại chuyện làm giàu sao? Thôi thì ta hy vọng cai thuyết nhỏ giọt "trickle down" của TT Reagan nếu không áp dụng được ở Mỹ thì cũng xài được ở Việt Nam: các quan làm giàu, người dân hưởng ké chút của dư tiền thừa. Vẫn hơn là chia nhau chén bo bo.

Dĩ nhiên còn mấy anh bờ-lốc-gơ ồn ào rắc rối sự đời nữa. Không thành vấn đề. Nhà Nước ta thộp cổ, tuyên án vài ba năm tù, rồi bác Sam mau mắn đón về Mỹ, quậy tung cộng đồng tỵ nạn với phe hoan hô, phe chửi bới cãi nhau ỏm tỏi, phe đón bằng cờ vàng phe đưa bằng cà chua đỏ. Nhà Nước rung đùi ngồi coi cộng đồng tranh nhau xem ai là vô địch chống cộng. Rồi khoe "thấy không, chúng tôi đâu có đàn áp đối lập đâu? Đối lập được tự do qua Mỹ hành xử quyền tự do ngôn luận đó".

Nhất định ngày nào TT Obama đến tham quan nước ta, ta sẽ phải tiếp đón cho ra trò. Cho xứng đồng tiền ta nhận được từ cái xứ đế quốc này. Đâu cả chục tỷ đô một năm chứ ít sao? Dù sao thì muốn "thoát Trung", nhìn qua nhìn lại, không có tam thập lục chước gì hết mà chỉ có ngũ thập tinh tú là cứu cánh thôi.

Đành chờ chú Sam vậy.

Tư duy Miến Điện

Đó cũng là "tư duy" của các tướng tá Miến Điện.

Sau một nửa thế kỷ ăn mì gói Trung Cộng, các tướng tá này khám phá ra mì gói vừa khó tiêu, sinh ra táo bón, mà lại không làm cho thân thể cường tráng, mập mạp gì hơn cả. Bèn binh đường "thoát Trung", bỏ mì gói kiếm gà rán KFC.

So với Việt Nam ta, đây là quyết định khó khăn hơn nhiều vì hết sức can đảm? Gần như thí mạng cùi? Miến Điện cho đến ngày nay, vẫn chịu ảnh hưởng cực kỳ lớn của Trung Cộng. Hầu hết các dự án lớn dở dang như thủy điện, xa lộ, bến tàu, phi trường- vẫn còn do Trung Cộng đài thọ và quản lý. Cộng đồng người Hoa hầu hết là thân Bắc Kinh, còn rất đông và rất mạnh. Khu phố Tầu của Yangon lớn hơn Chợ Lớn của ta ngày xưa, trong khi tại cố đô Mandalay, một nửa thành phố là phố Tầu. Trung Cộng cũng là đối tác mậu dịch lớn nhất của Miến.

Trong khi đó thì Âu Mỹ vẫn chưa chịu vào, vẫn ngồi ngoài trông chờ. Âu Châu đã chấm dứt hầu hết các biện pháp phong tỏa kinh tế, nhưng Mỹ vẫn bị vướng mắc vào những đòi hỏi nhân quyền, dân quyền, tự do bầu cử, đối lập, v.v... Đối với Mỹ, vấn đề khá giản dị: không cần biết tình hình dân trí, kinh tế, chính trị gì ráo, xứ nào cũng phải theo mô thức tự do dân chủ tuyệt đối của bác Sam mới là dân văn minh đáng nói chuyện. Đó chính là nền tảng của mọi quan hệ với Mỹ.

Nghe thì hay lắm. Nhưng thực tế, cái thuyết đó được áp dụng khá linh động. Đại khái, những nước lớn, có triển vọng mua hàng của Mỹ nhiều hơn như Trung Cộng hay Việt Cộng thì bác Sam sẵn sàng ... nhắm một mắt. Nếu cần, nhắm cả hai mắt cũng được. Với anh thằn lằn con Miến Điện này thì vẫn còn cơ hội đòi hỏi áp dụng những "giá trị Mỹ".

Dù vậy, so với lãnh đạo đại tài nước ta, các tướng tá Miến có vẻ dứt khoát rõ ràng. Không có chuyện kinh tế thị trường với đuôi thằn lằn định hướng vớ vẩn gì hết. Xã Hội Chủ Nghiã Myanmar đã bị quăng vào thùng rác lịch sử rồi.

Họ muốn đi mau hơn các đồng chí VN ta. Báo chí được tự do, hết kiểm duyệt, tuy nói quá cũng vẫn có thể bị tóm gáy, nhưng vẫn nói mạnh bạo gấp ngàn lần các tờ lá cải Tuổi Trẻ, Thanh Niên,... Quốc hội có đa đảng, họp hành cãi nhau thật sự còn hơn hàng tôm hàng cá, nhưng ít ra không thấy có cả đám ngủ gật nghiêng ngả như trong một quốc hội kỷ luật bỏ phiếu theo chỉ thị.

Không biết có phải là rút kinh nghiệm VN hay không, nhưng trên phương diện kinh tế đối ngoại, đã mở cửa một cách rất dè đặt. Đầu tư ngoại quốc còn chịu nhiều luật lệ gay gắt. Ngân hàng ngoại quốc giữa năm nay mới được giấy phép hoạt động, nhưng chỉ được hoạt động giới hạn trong các ngành đầu tư, tài trợ ngoại thương, chưa được tự do thu tiền tiết kiệm hay cho vay kinh doanh thả giàn như VN. Lãi xuất và điều kiện vay mượn vẫn còn bị kiểm soát kỹ.


Tóm lại, về chính trị, họ đi mau hơn VN, nhưng về kinh tế, lại dè đặt hơn. Trong khi tại VN, kinh tế bay vút như diều gặp bão trong khi chính trị thì vẫn ... đảng ta quang vinh muôn năm.

Việt Nam nhìn Miến Điện

VN ngày nay nhìn Miến Điện như VN những ngày mới "đổi mới". Một cái rừng hoang mà anh nào nhanh tay lẹ chân, mánh mung giỏi sẽ thành triệu phú qua đêm. Đại gia đỏ VN ào ào nhẩy vào Miến Điện.

Trên đại lộ chính từ Yangon ra phi trường quốc tế, có một khu trung tâm kinh doanh vĩ đại, vừa trung tâm thương mại, vừa cao ốc văn phòng, vừa chung cư "cao cấp", xây được chừng 10%, với cái bảng tên dài gần 100 thước ngoài mặt đại lộ: Hoàng Anh Gia Lai. Cực kỳ "hoành tráng". Nghe nói dự án có vốn tơi 500 triệu đô la. Cho đến khi nằm ì ra đó, chờ cai gì,aj biết?

VN gần đây có tổ chức một buổi chợ phiên triển lãm hàng hoá VN tại Yangon. Đi coi mà thấy buồn năm phút. Ba chục gian hàng, phần lớn là bán quần áo chợ trời, vắng như chùa Bà Đanh vì hầu hết dân Miến chỉ quấn xà ròng mặc áo thung trắng. Ngoài ra lác đác vài quầy bán ... xà bông, bột giặt, bàn chải đánh răng, khăn giấy, dép cao su rẻ tiền. Thậm chí có cả một gian hàng bán... băng vệ sinh mà bà cô nào nhìn thấy cũng đỏ mặt đi qua cho thật nhanh. Toàn là những sản phẩm bình dân vừa thô vừa rẻ nhất mà khu phố Tầu ở đây bán một cho ba. Gian hàng đông nhất? Đó là gian bán ... bánh mì thịt nguội, tính ra gần một đô một ổ, bánh mì "tây" nóng hổi, thơm phức.

Đó là những sản phẩm mà VN dùng để "mang chuông đi đánh xứ người sao"? Vắng bóng là những sản phẩm có giá trị của VN như lụa Hà Đông, thủ công nghệ, tranh sơn mài, hay vải thêu,... Không ai hiểu tại sao. Chắc chê dân Miến nghèo chưa đủ tiền mua hàng xa xỉ? Nhưng mục đích của triển lãm là gì: quảng bá cho nước ta? Hay bán ba cái bàn chải đánh răng?

Việt báo xuân 2015
Nhìn vào anh Miến Điện cho kỹ, nhiều người tin anh này sinh sau đẻ muộn thật, nhưng có cơ hội lớn nhanh và chạy lẹ hơn các đỉnh cao trí tuệ của ta nhiều. Không chắc vì thông minh hơn dân ta, nhưng vì có thành tâm và thiện ý hơn thôi. Bằng cớ la ...

Yangon lại đón Obama

Ngay trong năm con ngựa tháng 11, TT Mỹ qua Bắc Kinh, Myanmar, rồi Úc Châu.

Hai cuộc họp ở Bắc Kinh và Úc Châu là những loại họp hàng năm, nơi các chính khách đến ăn yến tiệc, lải nhải vài bài diễn văn trống rỗng. Cuộc viếng thăm ở Miến Điện mang ý nghiã nhiều hơn.

Tại đây TT Obama khiêm tốn đến tận nhà riêng của bà Aung San Suu Ky, người hùng Miến Điện. Trên danh nghiã, đây là chuyện tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền của dân Miến, và nhất là để giúp bà ra tranh cử tổng thống.

Thành phố Yangon thay đổi không khí. Tự nhiên nóng rực. Vừa đúng lúc bước vào mùa khô ráo hết mưa, nóng bức, vừa sôi sục vì tin TT Obama đến Yangon lần thứ hai. Aó thung với hình Obama cười toe toét và khẩu hiệu "Yes, We Can" được lôi từ nhà kho ra, giặt ủi lại, bán như tôm tươi. Sinh viên Miến, không được nổi tiếng là sáng tạo lắm, giăng biểu ngữ "Yes, We Can Too". Miến Điện đi sau thế giới vài năm thôi, nên thông cảm nếu những tin "No, We Cannot" chưa tới được Yangon.

Gặp sinh viên Miến có thể gọi là gãi đúng chỗ ngứa của TT Obama. Ông là chuyên viên ăn to nói lớn, với những hứa mây hẹn biển, mà sinh viên nghe là mặt cứ đớ ra ngay. Sinh viên Harvard còn đớ nói chi tới sinh viên Yangon, là những sinh viên chưa bao giờ biết mùi thảo luận dân chủ với những vị lãnh đạo. Dân Miến từ nửa thế kỷ nay chỉ biết nghe chỉ thị của các tướng tá vô hình, bây giờ gặp được vị lãnh đạo của cả thế giới, đứng cách có vài thước, sắn tay áo, nói chuyện thân mật như bạn nhậu, tha hồ hỏi những câu hỏi lẩm cẩm chẳng nghiã lý gì. Chẳng nghiã lý gì vì có cả chục anh công an Miến cũng mặc quần áo sinh viên đang đứng nghe các câu hỏi và ghi sổ. TV cũng thu hình ngay mặt người đặt câu hỏi, cho nên phải uốn lưỡi 7 lần trước khi đặt câu hỏi kẻo sẽ bị sờ gáy sau đó. Nhìn TV trực tiếp, thấy mặt mấy anh chị sinh viên, mặt nào cũng nghệt ra như đang nhìn một ông thần ông thánh nào giáng trần vậy. Cả nước theo dõi TV trực tiếp.

Ông vừa nói chuyện xong là cả nửa thành phố Yangon tắt TV, tràn xuống đường ra đợi ông đi ngang qua trên những đoạn đường ra phi trường đi Úc. Cảnh sát và lính đông hơn dân.

Vì duyên số hay nợ nần gì đó, tôi cũng có mặt tại Yangon ngày đó. Được một em lôi xềnh xệch ra đường xem "your President". Tổng thống của tôi? Lần cuối tôi bầu tổng thống đã bỏ phiếu cho cụ McCain, bây giờ đang ngủ gật trong Thượng Viện, đâu phải ông này.

Chờ dài người, cả tiếng sau mới thấy một đoàn hai ba chục xe SUV đen khổng lồ đúng là chính hiệu xe Mỹ, chạy như bay giữa đại lộ trống trơn, dẫn đầu và bọc hậu là vài chiếc xe jeep xót lại thời Đệ Nhị Thế Chiến với mấy anh lính Miến mặt hầm hầm chiả đại liên về phiá dân hai bên đường. Không ai dám hắt xì hơi luôn. Đi khoảng giữa là hai chiếc cadillac đen to tướng giống hệt nhau, đều mang cờ Mỹ và Miến, chạy song song với nhau, kính đen thui, không nhìn thấy gì ở trong hết. Thiên hạ la hét om sòm, "Ủa xe nào có tổng thống vậy?". "Sao biết được, bí mật an ninh mà!". Dù vậy, một chị sinh viên mặt mày vẫn hớn hở "vui quá". "Vui chuyện gì?". "Tôi thấy được xe của TT Obama rồi!". Tôi nói "chị muốn thấy rõ hơn, chị vào Google có đầy đủ hình ảnh đủ kiểu mà". Chị ta lườm tôi không nói tiếng nào nữa.

Vài anh sinh viên ra vẻ hiểu đời hơn hân hoan la hét "Chúng ta sắp có dân chủ được đi bỏ phiếu rồi! Hoan hô TT Obama!". Đúng một tuần sau, quốc hội Miến biểu quyết bác bỏ việc thay đổi Hiến Pháp để cho phép bà Suu Ky ra tranh cử tổng thống mùa thu năm 2015. Bà Suu Ky vừa mới ôm hôn TT Obama xong, lên gân ngay, yêu cầu họp riêng với TT Thein Sein. Ông này từ chối. Bà chỉ là dân biểu, có chuyện gì, khi họp tại quốc hội cứ nói. Con đường dân chủ của dân Miến còn rất dài. Ta hãy chờ xem.

Dân Miến thất vọng, có cảm tưởng như "Hy Vọng Mà Chúng Ta Có Thể Tin Được" của TT Obama mang đến cho họ đã đi theo ông về Mỹ lại rồi. Dân Miến không phải dân duy nhất hay đầu tiên nếm được mùi hy vọng của TT Obama.

Hy vọng hay không thì không biết, chỉ biết chuyến viếng thăm hai ngày của TT Obama đã đi vào lịch sử Miến như hai ngày xáo trộn nhất.

Cả nửa thành phố Yangon bị phong toả, cấm xe chạy, xe cộ tắc nghẽn cả cây số. Miến mới có internet được hơn hai năm, hệ thống còn thô sơ. Đoàn tùy tùng và an ninh của TT Obama, cùng với mấy trăm nhà báo ký giả theo đuôi, đến nơi, chiếm hết 80% hệ thống. Xa lộ internet kẹt cứng. Cả nước mở internet, có quyền đi pha cà phê, hút hết hai điếu thuốc thì trang mạng đầu tiên mới được mở. Mỗi lần qua trang, lại tốn thêm một điếu thuốc.

Điện thoại di động cũng không khá hơn. Cách đây 5 năm, muốn có một cái thẻ sim, phải làm đơn xin Bộ An Ninh mất ba tháng, điều tra lý lịch bốn đời, và trả 4.000 đô. Quý độc giả không đọc lộn đâu: bốn ngàn đô-la Mỹ một cái thẻ sim, chưa kể tiền mỗi phút điện đàm, trong khi một cái điện thoại di động hiệu "Mặt Trời Phương Đông" chỉ bán có 10 đô, tuy kê gần tai quá sẽ có nguy cơ ung thư màng nhĩ. Bây giờ khá hơn nhiều rồi, nhưng chuyến viếng thăm của TT Obama cũng khiến hệ thống điện thoại cả nước gần như tê liệt hoàn toàn. Bấm số chỉ nghe te-te-te, đường giây bận.

TT Obama ra về, cả nước thở phào nhẹ nhõm. Cám ơn TT Obama đã mang hy vọng đến. Cám ơn TT Obama đã đi về sớm.

Vũ Linh137

Xích lô xe đạp ở Miến coi nhẹ hơn xích lô Saigon.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.