Hôm nay,  

234. Hoa Cũ Người Xưa

11/05/201523:29:00(Xem: 12734)
Viết Về Nước Mỹ 2015

HOA CŨ
NGƯỜI XƯA

BỘI TRÂN

Giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết Về Nước Mỹ 2009

Sáng thứ Sáu, tôi đang ngồi làm việc thì Thảo gọi, bảo:

- Bác Lạc mới kêu lên, hỏi thứ Bẩy này mình có đi xuống Bolsa không thì ghé bác. Bác cho cây mai vàng VN. Anh nói mình sẽ xuống.

Tôi mừng rỡ:

- Hoa mai VN hả, nhất định phải xuống chứ, em cũng cần đi chợ trời Golden West mua hoa lài Arabian nữa.

Việt báo xuân 2015Thứ Bẩy, hai vợ chồng tôi dậy sớm. Uống café, ăn sáng xong là chúng tôi trực chỉ chợ trời Golden West để đi tìm cây. Từ lâu, tôi đã cố công đi tìm loại hoa lài Arabian, có những đóa hoa nhỏ mang hình dáng những đóa hoa hồng, hoa lan... Tôi đã mua loại hoa này mấy lần rồi, nhưng không hiểu sao, chỉ qua 1 mùa hoa là chúng trở về với cát bụi. Tôi đã đến lại nơi tôi đã mua chúng, cộng thêm đi lùng hết mấy cái chợ trời chung quanh vùng tôi ở, nhưng tìm mãi cũng chẳng thấy tăm hơi. Nghe nói chợ trời Golden West có nhiều người Việt mình chuyên bán những loại cây vùng nhiệt đới, biết đâu chừng tôi có thể tìm được nó.

Quả nhiên, tôi đã tìm được cây hoa lài có những đóa hoa với hình dáng hoa hồng tôi muốn. Đang nhìn quanh quất xem còn có gì để mua không thì tôi chợt thấy một chậu hoa mai nằm trên bàn, trong một góc tận cùng của hàng cây. Cây mai cao chừng khoảng 3 feet thôi, nhưng trên những cái cành mảnh khảnh của nó đầy đặc những nụ hoa xanh còn ngậm, và chỉ duy nhất có 1 đóa hoa vừa nở. Tôi lấy cái ipad trong ví ra chụp vội mấy tấm hình rồi ríu rít gọi Thảo đang đứng nhìn ông đi qua, bà đi lại ở bên ngoài quán hàng:

- Anh, vào đây xem có phải loại mai này là cây mai mà bác Lạc sẽ cho mình không?

Thảo bước vào nhìn đóa hoa vàng đang kiêu hãnh khoe mình trong nắng đáp:

- Chắc là nó rồi.

Chỉ cần nghe nói thế là tôi kéo tay Thảo rời hàng hoa, nhanh chân ra xe đi đến nhà bác Lạc. Bác dẫn chúng tôi ra vườn, chỉ cho xem 1 cây mai thấp bé, có mấy nụ hoa vàng nói:

- Bác mua cây này về, để mãi cũng chẳng thấy lá, thấy hoa đâu. Bác gọi cho cô bán hàng thì cô bảo phải đem nó ra tắm nước, tắm nắng. Bác làm theo được vài tuần thì nó đâm nhánh, mọc lá non, và bây giờ thì mới có hoa. Bác ra ngoài cửa hàng đó mua thêm 1 cây nữa, biếu anh chị, vì hồi bác còn ở bên nhà, mỗi độ Tết về, thể nào em Loan cũng nhắc đến chị và cây mai chị cho năm nào, và bảo, ở bên đó không có mai vàng chắc chị Mai nhớ lắm.

Tôi cám ơn bác Lạc, đem cây mai về nhà. Cây hoa mai nho nhỏ của tôi có đúng 10 cái nụ, còn xanh, rất xanh. Thảo đem "dú" cái chậu xuống đất ở một chỗ có nắng sáng trong vườn, chờ nó khỏe hẳn rồi mới trồng vào chậu đẹp. Tôi hân hoan săm soi, nhìn ngắm màu vàng tươi của những nụ hoa từ từ nhú ra khỏi cái đài xanh nhỏ của nó. Mỗi ngày trước khi đi làm tôi đều ra thăm chúng và không quên dặn Thảo phải canh chừng, hễ thấy cái hoa nào nở là chụp hình cái hoa đó giùm cho tôi.

Một tuần lễ sau, những đóa hoa mai vàng của tôi hé nở, liên tiếp nhau, mỗi ngày một đóa. Đóa hoa đầu tiên có 5 cánh, rồi những đóa hoa kế tiếp là 6 cánh, 7 cánh. Ông chồng tôi đem máy ra chụp, rồi gửi hình cho bà con Sakura, cho nhóm nhỏ của chúng tôi xem. Còn tôi thì cũng gửi hình khoe với nhóm 12C1, nhóm Bát Tiên. Không ai tin là mai vàng nở giữa mùa hè. Cô em Thất Tiên của tôi nghi ngờ:

- Tháng 7 mà có mai nở sao? Mai nở muộn hay là nở sớm đó?

Và không ai tin là ở Mỹ mà tôi có được cây mai vàng 7 cánh. Ông Tám Sakura email hỏi:

- Có xài super glue gắn thêm cánh không?

Tôi bỏ ngoài tai những lời "đàm tiếu", vì thời buổi này, kỹ thuật photo shop đã tiến bộ lắm, "gắn" thêm vài cánh hoa vào cành, vào nhánh là chuyện dễ dàng thôi. Tôi chỉ biết là tôi rất hạnh phúc khi nhìn những đóa mai vàng của tôi vừa nở.

Đến khi nhìn đóa hoa 8 cánh nở tung ra thì tôi muốn khóc. Tôi nhớ lại những đóa hoa mai vàng 8 cánh của năm nào, và người bạn thân thiết của ngày xưa.

Ngày xưa đó...

Ở quê nhà, tôi có một mảnh vườn nho nhỏ. Sau này khi lấy chồng rồi, tôi hay nói về mảnh vườn và hoa lá trong vườn của tôi đến nỗi ông chồng tôi đã nghi ngờ đến cái trí tưởng tượng phong phú của tôi.

Thật tình thì tôi không thêu hoa, vẽ lá, vì tôi đã có đủ những thứ cây mà tôi đã kể trong vườn. Tôi có cây me đậu phộng, tôi gọi như vậy vì trái nó nhỏ như những trái đậu phộng. Nó có mặt từ lúc nào tôi cũng không biết, có thể là một trong mấy chị em tôi ăn me rồi vứt hột trong vườn, mọc thành cây. Thấy cái cây có những trái nho nhỏ, hay hay, ăn cũng ngọt nên ông nội đã để yên cho nó đứng vững trong 1 góc vườn. Cách nó không xa, ở gần nhà hơn là cây ổi ruột đỏ, rất sai, trái lớn đầy cành xà nằm dài trên nóc nhà.

Phần đất gần hàng rào phía ngoài đường, bên hông trái, cạnh nhà "anh hàng xóm" của tôi là giàn hoa thiên lý, trĩu nặng với những bông hoa vàng nhạt đong đưa theo gió, nhờ đó mà nhà tôi được thưởng thức canh thiên lý nấu với giò sống quanh năm. Dưới giàn hoa này là những cây hoa dừa tím, những bụi hoa cúc vàng nho nhỏ. Bên hông phải cái vườn, sát nhà của cô hàng xóm Bích Loan, học chung ở Gia Long với tôi là một giàn hoa giấy đỏ chi chít hoa, bố đã đóng 1 băng ghế dài bên dưới giàn hoa, rất hữu ích cho những ngày trưa hè ra sân nằm ngủ.

Tôi còn có 3 chậu mai vàng trong góc sân. Những cây mai vàng của tôi có những đóa hoa đơn, hoa kép, và những đóa hoa kép này có nhiều nhất là 8 cánh hoa. Năm nào cũng thế, hễ sau Noel là mấy cô cháu, chị em tôi cùng nhau ngắt lá cho nụ mai có sức lớn mạnh, chắc nhờ thế mà năm nào 3 cây mai vàng của chúng tôi cũng trĩu nặng với hoa.

Bích Loan, một người bạn thân học chung với tôi từ lớp luyện thi vào đệ thất ở một ngôi trường nhỏ trong chợ Hòa Hưng, có một ông thầy chuyên môn đánh học trò bằng roi mây. (Thầy xử dụng mây nhiều đến nỗi phải mua từng xe ba gác. Nhưng cũng nhờ những trận đòn roi mây đó mà học trò trong những lớp luyện thi của thầy đậu nhiều, và đậu rất cao, đậu thủ khoa vào những trường trung học lớn.) Tôi và Bích Loan cùng thi đậu vào Gia Long, và cùng học chung một lớp Thất 3 cho đến khi chia ban.

Những năm học Đệ Thất, Đệ Lục thì chúng tôi mải mê cột hai vạt áo dài lên nhẩy dây, nhẩy lò cò nên không có gì đáng nói. Qua tới năm Đệ Ngũ, tôi và Bích Loan chuyển sang một trò chơi mới, tập tành làm văn sĩ, thi sĩ. Giáo sư hướng dẫn lớp Ngũ 3 của năm đó là cô Phương Nghi. Cô dạy chúng tôi môn Việt Văn. Cô hay khuyến khích học trò làm thơ, viết văn gửi đăng trên những trang báo dành cho lứa tuổi ô mai. Cô cổ động mấy đứa học trò làm bích báo mỗi tháng thay vì phải chờ đợi đến cuối năm để làm báo Tết. Bích báo của lớp tôi dán đầy trên những bờ tường của lớp học, và bài vở của tôi với Bích Loan cũng chiếm đa số trên những tờ bích báo này. Khéo làm sao mà chúng tôi chọn được hai cái bút hiệu, với những chữ đầu tên hoán chuyển, đã trở thành những chữ đầu tên của hai người bạn tri âm. Thấy chúng tôi thân thiết bên nhau nên bạn bè trong lớp hay gọi chúng tôi bằng những cái tên Bá Nha, Tử Kỳ thay cho tên, hiệu thật.


Việt báo xuân 2015
Qua đến năm Đệ Tứ, máu văn nghệ còn "sôi sục" trong người, hai chúng tôi lại "dụ dỗ" bạn bè trong lớp góp tiền làm báo. Thế là chúng tôi lại có thêm những ngày Chủ Nhật bận rộn với nhau, cặm cụi chép lại văn thơ của bạn bè trên những tờ stencil thơm mùi mực, rồi lại có những chiều đi học về chầu chực bên ngoài phòng đợi của nhà in, hân hoan ôm những chồng "Tuyển Tập Tứ 3" về để ngày hôm sau phát lại cho bạn bè đọc.

Đến năm chia ban, Bích Loan theo ban A, nghe lời bố để mai này có thể chọn một ngành nghề cứu nhân độ thế. Còn tôi thì toán không thông, gạo bài không thuộc, nên đành phải theo ban C, cái ban mà đã bị "chê" là chơi nhiều hơn học. Tuy hai đứa chia hai ban khác nhau, nhưng vì ở gần nhà nên mỗi sáng chúng tôi vẫn hẹn nhau ở góc đường Hòa Hưng để cùng đi bộ đến trường. Buổi trưa về thì không nhất thiết phải chờ nhau, nếu một trong hai đứa có những bận bịu riêng tư.

Bích Loan cũng mê cỏ cây hoa lá không kém gì tôi, nhưng nhà Bích Loan ở ngay mặt đường, nên không có được mảnh vườn như nhà tôi, Bích Loan phải trồng hoa trên sân thượng. Cô bạn nhỏ của tôi có vài chậu hoa hồng trong sân, nhưng khi nhìn thấy những chậu mai vàng của tôi ngày Tết bạn đã ước ao có được một cây mai vàng nho nhỏ để bên cạnh nữa. Và tôi đã hứa là sẽ ươm cho bạn 1 cây.

Khi những đóa hoa vàng của tôi tàn úa, hột rơi xuống mọc thành cây, thì tôi lựa cây mạnh nhất đem cho bạn tôi. Một, hai tháng trước mùa nghỉ Tết, tôi nhắc bạn là nhớ ngắt lá mai cho ngày Xuân hoa nở rộ. Tôi còn nói cho Loan nghe thói quen cố hữu của tôi, dù đôi khi trời có hơi se lạnh, nhưng tôi cũng đã khoác thêm lên người chiếc áo len mỏng để ra vườn, thăm hoa mai ngày đầu năm mới, ngắm hoa khoe màu dưới lớp bụi sương trong. Cô bạn của tôi bảo sẽ bắt chước theo tôi, và chúng tôi sẽ thì thầm lời chúc lành gửi theo gió sớm đến cho nhau.

Cũng ở trong một góc vườn có 3 chậu mai này, ngày mùng một Tết của năm đầu tiên vào Đệ Nhị Cấp, tôi đã nép mình lẩn tránh, khi nhìn thấy bóng dáng Trần xuất hiện trước cổng nhà. Nhưng những cành mai mỏng manh này không che khuất được tôi, nên tôi đón mùa Xuân với nụ cười: "Mừng em mùa Xuân mới". Nghỉ Tết vào, kể chuyện cho nhóm Ngũ Long Công Chúa của tôi nghe, tôi lại được nghe chúng trêu: "Ngày Xuân, có chàng đến viếng..."

Sau này khi ở nước ngoài, tôi chỉ trồng được mỗi một loài hoa tứ quý, mai "Mickey Mouse", có những cánh hoa tròn rũ xuống, và tôi còn có được 1 giàn hoa "Jasmin" Nhật Bản, mà 1 người bạn tôi gọi là "Liễu Mai", vì cành hoa rũ mềm xuống như nhánh liễu. Cây Jasmin này cũng có những đóa hoa màu vàng giống như hoa mai. Mùa Xuân, có mấy cây mai này nên tôi đỡ nhớ những cây mai vàng năm cũ của tôi.

Năm 2004, nhân chuyến đi thăm cô em ở Thái Lan, tôi ghé về Việt Nam "thám thính" 5 ngày. Gọi là "thám thính" vì mùa hè năm sau cậu út của tôi sẽ về VN trong một học bổng "du học" hai tháng của Bộ Giáo Dục Mỹ dành cho 12 sinh viên đại học toàn quốc, có trình độ từ năm thứ nhất đến cao học, và có khả năng... nói và viết tiếng Việt Nam. Tôi phải đi tìm hiểu trước để xem có an lòng cho một thằng Mỹ con đi "du học" ở Việt Nam không. Tôi email và gọi phone cho nhóm Ngũ Long Công Chúa của tôi, báo tin tôi sẽ về thăm. Tôi đã gặp lại các bạn ngày đầu tiên trở lại Sài Gòn và chúng tôi đã có một buổi tối ấm cúng ở quán Ngon. Thảo có đưa tôi về thăm ngôi trường cũ nhưng hôm đó nhằm cuối tuần nên tôi chỉ có thể ngóng cổ nhìn được một khung quanh cảnh hoang tàn xuyên qua những song sắt hàng rào và khung cửa khóa. Tôi cũng trở về thăm lại căn nhà thời thơ ấu, thăm gia đình anh hàng xóm ngày xưa. Tôi đã rơi nước mắt khi nhìn thấy mảnh vườn nhỏ của mình đã bị người chủ mới san bằng, lát gạch hoa láng bóng.

Trên đường về khách sạn tôi đã ghé lại con đường Hòa Hưng cũ thăm Loan. Bích Loan dẫn tôi lên sân thượng, mảnh sân con ngày xưa chúng tôi đã ngồi chụp hình với nhau trong ngày sinh nhật 18 của Loan, để ngắm vườn hoa mới của cô nàng. Sau này, khi những cây hoa hồng và cây mai vàng không còn nữa Loan đã cho bọc lưới, che nắng mảnh sân này để trồng những loài hoa lan lạ lẫm mà Loan đã cấy được trong phòng thí nghiệm.

Hai đứa trở vào căn phòng ngày xưa của Bích Loan, bây giờ là phòng của cô con gái. Cây đàn tranh ngày xưa của Bích Loan vẫn còn đó, bây giờ là bầu bạn của con. Bích Loan nói lâu ngày không đàn, nhưng mừng vì gặp lại bạn xưa, nên cô bạn của tôi đã so giây, nắn phím, và đàn cho tôi nghe bản nhạc Làng Tôi. Qua bao nhiêu năm mà tiếng đàn của bạn tôi vẫn còn réo rắt làm hồn tôi chơi vơi. Thật cô bạn tôi chẳng hổ danh là học sinh ưu tú của trường Quốc Gia Âm Nhạc.

Nghe Loan đàn xong, tôi hồ hởi nói tôi cũng sẽ đi học đàn tranh. Tưởng nói cho vui, nhưng không ngờ vài tháng sau cô bạn tôi đã cầy cục đi tìm đàn làm bằng gỗ cây ngô đồng, có khảm hình Mai Lan Cúc Trúc, để dành chờ có dịp gửi cho tôi. Nhân dịp má tôi về thăm mộ bà ngoại, Bích Loan nhờ má tôi đem sang Mỹ. Bích Loan còn gửi thư kèm theo nói là Bích Loan vừa điều chỉnh giấy tờ cha mẹ bảo lãnh, chắc chỉ trong vòng 3 năm là sẽ gặp lại tôi trên đất Mỹ. Cô nàng căn dặn tôi phải chăm chỉ học đàn, vì Loan sẽ đem theo cây đàn nguyệt để cùng tôi hòa đàn.

Thế là tôi phải cầy cục tìm thầy học đàn.

Năm sau cậu út của tôi về Việt Nam. Tôi gửi hình... tôi cho con cầm theo để làm bằng. Trước khi con đi, tôi gửi sang cho Bích Loan vài hàng thơ, gửi gấm...

Dẫu biết bạn có quá nhiều bận rộn

Tôi ngại ngùng nhưng vẫn phải mở lời

Bích Loan đã đến tìm Don ở khách sạn chiều hôm sau, lúc con tôi vừa đi học về. Loan đưa cho nó một cái phone, chỉ cách mua thêm thẻ khi hết phút, và dặn dò những điều con tôi phải để ý trong những ngày "du học" tại VN. Bích Loan cũng ghi sẵn số phone của Loan cho Don và dặn... "Gọi ngay cho cô Loan khi cần thiết."

Ngày con tôi trở về Mỹ mưa rơi tầm tã, nhưng Bích Loan đã đưa Don và các bạn cùng "du học" với nó ra tận phi trường. Trước khi bước vào khung cửa cách ly, Don đưa điện thoại lại cho Loan nói chuyện với tôi. Khi nghe bạn nói: "Cháu Don đã check in rồi, sắp vào phòng đợi. Loan đã xong trách nhiệm, Loan và cháu Huy về đây", nhìn đồng hồ World Clock trên máy computer, giờ địa phương chỉ đúng 4 giờ sáng, tôi đã khóc.

Hai tháng sau đó Loan mất trong giấc ngủ, nhẹn hàng không trăn trối. Tôi khóc âm thầm đêm nhận được hung tin. Buổi sáng hôm sau đi làm, mở computer lên tôi chỉ thấy được hình ảnh cái email của Thúy Ái gửi sang nhạt nhòa qua làn nước mắt..."

Nhất Khanh mất rồi, mới tối hôm qua..."

Tôi bỏ học đàn, vì sẽ không còn ai cùng tôi hòa đàn chung bản nhạc... Làng Tôi.

*

Trời Cali tháng 7 nắng chang chang, tôi ngồi đây nhìn những cánh mai vàng khoe tươi trong nắng mới, không có gió sớm của mùa Xuân cho tôi gởi đến bạn lời chúc lành như những ngày thân ái một ngày đầu năm nữa. Hoa vàng của ngày cũ bây giờ tôi đã gặp, nhưng người của ngày xưa giờ đã mãi mãi... xa vời.

Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.