Hôm nay,  

217. Hồi Ký Thuyền Nhân Chuyện Hai Năm Mùi

11/05/201523:27:00(Xem: 15859)
Viết Về Nước Mỹ 2015

HỒI KÝ THUYỀN NHÂN
CHUYỆN HAI NĂM MÙI

TRIỀU PHONG TPN

Viết để tri ân những người, những tổ chức Viêt Nam cũng như quốc tế, những quốc gia thứ hai, thứ ba, đã giúp đỡ cưu mang tôi nói riêng, thuyền nhân Việt Nam nói chung, suốt mấy thập kỷ qua trên đường vượt thoát chủ nghĩa cộng sản tìm tự do.

1. Kỷ Mùi 1979, ghe vượt biển bị băn

Giọng thằng Đức ca vang bài ca vọng cổ "cây Bằng Lăng trổ bông" bên ngoài mũi ghe cùng với tiếng nước vỗ róc rách vào mạn thuyền đều đều như hoạ đàn khiến tôi vô cùng buồn ngủ mà không dám nhắm mắt.

Đêm qua tôi lặng lẽ xuống chiếc ghe đang đậu sẳn này tại chân Cầu Mật, là một cây cầu nhỏ ở bên Quận Tám, Sàigòn, cùng với anh em thằng Tùng thì đã thấy có hai phụ nữ ngồi nơi đó rồi. Mọi người im lặng, đầu óc căng thẳng. Trong khi ấy thì thằng Đức cứ thủng thẳng nổ máy rồi bình thản nắm lấy cây cần dài, đẩy cái "đuôi tôm" đằng sau và như mọi ngày, nó nhẹ nhàng tách ghe ra khỏi bờ, chạy tà tà trên sông trong màn đêm đen tối mà dù lật ngửa bàn tay lại cũng không thể trông thấy được gì!

Giống mọi đêm, Đức cho ghe chạy suốt gần tới sáng đoạn tấp vào đây, neo ghe lại. Không bao lâu thì bình minh bắt đầu ló dạng. Những tia nắng nhỏ, đỏ tía xuyên qua các kẻ lá của mui ghe dọi vào trong dần dà lớn hơn khi chuyển sang đỏ cam và cuối cùng vàng sáng hẳn lên.

Tôi nghiêng đầu nhìn ra bên ngoài, gió đùa mặt nước reo vui, gợn sóng lăn tăn. Nắng ban mai nhuộm hồng cả một vùng rộng lớn ở phiá bờ bên kia đủ để tôi thấy được khói sóng quyện từng cuộn, lãng đãng trôi và tan dần trong không gian. Trước mặt tôi con sông cái bao la, nước mênh mông trắng xoá. Xa xa một rừng dừa nước chạy dài tít tắp, các tàu lá xanh rì rung rinh theo gió, vẽ nên một cảnh trí thật nên thơ, thanh bình đầu ngày của miền quê sông hồ mà tôi chẳng biết là mình đang ở đâu và con sông này tên là gì?

Cứ thế, năm người bên trong ngồi yên lặng. Sự tù túng làm ai cũng bực bội nhưng vì viễn ảnh của một ngày mai được tự do nên chẳng ai dám ta thán lấy một lời. Phía ngoài, thằng Đức lâu lâu lại men theo mép ghe đi lên đi xuống khiến cho chiếc ghe tròng trành lắc lư.

Vượt biển vô tù. Ra tù vượt biển. Cứ vậy, dòng dã hơn 10 năm. Tới được đảo khi trại tị nạn đã đóng cửa, thuyền nhân bị hồi hương, kẹt lại Phi thêm mười một năm nữa mới vào được nước Mỹ. Đó là trường hợp Triều Phong TPN. Ông hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2014, và nhân dịp này, đã cùng gia đình trải qua tám giờ bay để về dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2014 và thăm Little Sàigòn. Hình: Triều Phong nhận giải từ Trương Ngọc Bảo Xuân.

Nắng càng lúc càng lên cao nhưng không làm giảm bớt cái lạnh cuối năm. Lúc này thì tôi có thể trông rõ dung mạo của hai người phụ nữ đồng hành. Một già, một trẻ, có lẽ là mẹ con. Nhưng không, tôi đã lầm đó là hai dì cháu. Tôi biết được điều đó qua cách họ xưng hô khi nói chuyện nho nhỏ nhưng cũng đủ để tôi nghe được. Người đàn bà lớn tuổi áng chừng trên dưới bốn mươi, khá đẹp và đài các với mái tóc dài quá vai, có lẽ ngày xưa cũng thuộc gia đình quyền quí. Còn cô bé chừng mười sáu hoặc mười bảy, mắt to tròn, long lanh đen láy, đôi chân mày cong vút, mũi cao, môi mọng đỏ chúm chím với làn da trắng mịn. Gương mặt trái xoan ấy nằm e ấp cùng mái tóc cắt theo kiểu Sylvie Vartan, rất ưa nhìn. Tôi đoán chừng nàng nhỏ hơn tôi một hai tuổi chứ không nhiều.

Việt báo xuân 2015
Vượt biển vô tù. Ra tù vượt biển. Cứ vậy, dòng dã hơn 10 năm.
Tới được đảo khi trại tị nạn đã đóng cửa, thuyền nhân
bị hồi hương, kẹt lại Phi thêm mười một năm nữa mới vào
được nước Mỹ. Đó là trường hợp Triều Phong TPN. Ông hiện
hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo
học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau
Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong
đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2014, và nhân dịp này,
đã cùng gia đình trải qua tám giờ bay để về dự họp mặt
Viết Về Nước Mỹ 2014 và thăm Little Sàigòn. Hình: Triều
Phong nhận giải từ Trương Ngọc Bảo Xuân.
Khúc sông này vắng vẻ vì từ sáng tới giờ chẳng thấy ghe tàu nào qua lại. Trưa đến, trời nắng gắt, rọi ánh chói chang xuống dòng sông khiến tôi phải nheo mắt nhíu mày mỗi khi nhìn ra ngoài. Đúng lúc đó chợt có tiếng máy ghe từ đâu vọng tới. Thằng Đức đang nằm nghêu ngao ca hát vội nín bặt, ngồi bật dậy, nghễnh tai nghe ngóng. Tiếng máy mỗi lúc một to dần.

Đức thò đầu vào trong bảo mọi người im lặng. Tất cả hồi hộp nín thở. Rồi tiếng máy bỗng im bặt và hình như nó cặp vào ghe tôi vì chúng tôi bị lắc khá mạnh bởi một cú va chạm. Tiếng thằng Đức vang vang:

- Sao lâu vậy?

- Ừ, phải chờ dì Sáu về tao mới đi được chứ.

Giọng một người thanh niên khác vang lên bên ngoài, rồi tiếng hai người nói chuyện nhỏ dần cuối cùng không còn nghe được gì nữa. Một chặp sau máy của ghe kia lại nổ và nó tách ra giữa dòng rồi biến mất. Thằng Đức chui hẳn vào trong, đưa chúng tôi một ít bánh tét nhưn mặn có, nhưn ngọt có, với bánh bò, bánh tiêu cả bánh mì thịt nữa cùng một ca nước đá. Đang đói, năm người chúng tôi vội chia nhau số bánh vừa được mang đến và ăn uống một cách ngon lành.

Một đỗi sau mọi người bắt đầu chợp mắt, thiu thiu ngủ trong cái nóng hừng hực bốc lên từ nước sông. Mặt trời ngã dần về hướng tây, tiêng lao xao của hai dì cháu đầu kia làm tôi thức giấc. Nhìn vẻ mặt căng thẳng của họ tôi biết có chuyện nhưng không biết là việc gì rồi đột nhiên người dì ló đầu ra khỏi mui nói gì đó mà thằng Đức thò người vào trợn mắt:

- Dì nói giỡn. Dì cháu bà mà ra ngoài đó thì chỉ có chết cả đám!

- Vậy cháu có cách gì không giúp giùm dì đi? Người đàn bà khẩn khoản.

Thằng Đức gãi đầu, gãi tai nhăn nhó, than thở:

- Chở đàn bà đi khổ quá!

Nói xong nó trở ra ngoài, một lát sau chui vào trên tay cầm cái thau nhỏ màu đỏ bảo:

- Đây! Mấy người "tiểu" vào đây đi rồi đưa tui đổ xuống sông!

Lới nói bộc trực của người dân quê làm dì bẽn lẽn lén nhìn tôi với hai thằng nhỏ và nhẹ nhàng đỡ lấy cái thau mà chưa biết phải làm sao trong khi thằng Đức đã bỏ ra sau đuôi ghe ngồi. Cô gái ghé tai nói nhỏ với người dì thế nào nhưng chỉ thấy bà lắc đầu quầy quậy gắt:

- Con có "nhịn" nỗi tới tối không?

Cô gái liếc tôi rồi cúi gầm mặt xuống lườn ghe, bộ dạng vô cùng khó xữ. Phần tôi cũng ngượng quá mà chưa biết phải làm sao? Giá mà lúc này bọn con trai chúng tôi ra được bên ngoài thì tiện quá! Thú thực trong đời thanh niên của tôi thì tôi cũng chưa khi nào lâm vào hoàn cảnh này bao giờ nên tôi cũng vô cùng phân vân dù là không phải việc của mình.

Đang còn lúng túng trước tình thế nan giải ấy bỗng tôi sực nhớ đến cái áo mưa "pasdessus" đen nằm trong giỏ, tôi lẹ làng lấy ra đưa cho người dì đoạn ra hiệu cho anh em thằng Tùng cùng tôi ngồi xoay mặt ra ngoài trả lại cho hai người phụ nữ kia một khoảng không gian nhỏ nhưng an toàn ở mức tối thiểu có thể được. Đây là cái áo mưa cuối cùng của Tây còn lại mà ba tôi rất quý và giữ gìn cẩn thận. Trong đời đi vượt biên tôi đã làm mất cả hai cái áo mưa quý báu ấy của ông!

Nhìn con sông êm ả trôi lặng lờ trong trời chiều, tôi chợt nhận thức thêm nỗi thống khổ của người phụ nữ Việt Nam trên đường vượt biển tìm tự do. Nếu người đàn ông đối mặt với nguy hiễm mười thì đàn bà con gái chịu khó khăn, hy sinh gấp bội đó là chưa nói tới chuyện lỡ chẳng may đụng phải hải tặc Thái Lan thì cuộc đời kể như tàn. Đúng là thân gái dặm trường mà chỉ "ai có qua cầu mới hay!"

Mãi nghĩ ngợi mông lung tôi đã quên mất những gì đang xảy ra xung quanh cho tới lúc người di đưa lại tôi cái áo mưa với lời cám ơn chân thành thì tôi mới biết họ đã xong. Cô gái thì mặt đỏ ửng không dám nhìn tôi mà ngó lơ ra ngoài. Bầu không khí như đọng lại nặng nề hơn.

Khi màn đêm buông xuống, bóng tối phủ trùm mọi vật, thằng Đức bỗng trờ nên nhanh như sóc. Nó không còn năm lên nằm xuống, lờ đờ như cả ngày vừa qua mà loáng một cái nó đã nổ máy chộp lấy cần lái cho ghe ra xa bờ. Nó chạy ra Kinh Nước Mặn hướng về cửa biển Cần Giờ.

Đến khuya, nó tắp vô bờ, chờ đợi! Lại chờ đợi! Lợi dụng thời gian này tôi lần lần vạt áo lấy ra cái bọc nylon đựng nữa tờ giấy tiền năm trăm đồng cũ có in hình Ngân Hàng Quốc Gia của Việt Nam Cộng Hòa hồi trước nhét vào túi quần. Đó là mật mã của hai cha con tôi!

Để được làm khách đi chuyến này, ba tôi đã đưa người môi giới một cây vàng, gọi là đặt cọc giữ chỗ. Khi nào lên "cá lớn*" tôi sẽ giao mật mã cho phía chủ tàu. Họ sẽ mang mật mã này vể đưa ba tôi để lấy thêm một cây vàng nữa. Ba tôi đã xé tờ giấy bạc năm trăm ngày xưa mà ba tôi còn giữ được ra đưa cho tôi với ý nghĩ là khi nhận được nữa tờ giấy tiền của tôi thì ông sẽ ráp lại với phân nữa tờ mà ông đang giữ. Nếu nó khớp và đúng dãy số thứ tự (serial) in trên tấm giấy bạc thì có nghĩa là tôi đã thuận buồm xuôi gió, bình an ra khơi, ông sẽ giao bên chủ tàu một cây nữa và chờ tin. Khi nào được điện tín của tôi từ đảo gửi về thì ông sẽ liên lạc với thân nhân bên Mỹ trả tiếp cho người nhà của chủ tàu bên đó sáu ngàn đô nữa. Nếu quy ra vàng ở Việt Nam thì vị chi phí tổn cho chuyến đi là cỡ tám cây vàng! Ấy là cách chủ tàu cho trả một phần bên Mỹ còn trả hết bên nhà thì chỉ sáu cây vàng cho mỗi chuyến đi thôi.

Trả cách này tuy có mắc hơn hai cây nhưng đỡ cho mình về tài chánh vì nhờ có sự giúp đỡ của người thân tuy nhiên các chuyến đi như vầy rất khó kiếm bởi thường chủ tàu chỉ muốn lấy hết tại Việt Nam khi ghe tới được đảo, thứ hai là họ cũng phải có người thân ở nước ngoài rồi hai bên liên lạc, tìm cách thoả thuận với nhau về phương thức giao tiền, quan trọng hơn cả là làm sao họ có thể tin được nhau như chúng tôi đã tin nhau? Ngày ấy tìm được một "đường dây" tốt để trốn ra khơi không phải là dễ!

Khoảng tiếng đồng hồ sau, một chiếc tàu lớn lù lù xuất hiện giữa sông. Sau khi thấy ánh đèn pin nhá lên hai ngắn một dài từ trên tàu nọ, thằng Đức biết đó là cá lớn mà nó đang mong ngóng nên liền nổ máy xã hết tốc lực phóng ra về hướng đó. Trước sức gió lồng lộng chiếc mui ghe bật tung bay về phiá sau, rơi xuống sông, biến mất trong đêm đen.

Nước từ hai bên ghe văng lên, ướt cả người. Nhiều chiếc "taxi**" từ khắp các nơi khác trong bờ cũng tiến ra và chạy nhanh về cá lớn. Lúc ghe chúng tôi cặp bên hông cá lớn thì đã có hai người đứng trên nắm tay từng người lôi lên, miệng hối thúc:

- Mật mã đâu?

Đã chuẩn bị xong xuôi nên tôi lẹ làng móc ra đưa họ.

- Chui xuông hầm nhanh lên!

Vừa nói họ vừa đẩy tôi chúi ngã vào trong hầm mà tôi chẳng thấy gì cả. Tiếng ồn ào, lao xao, tiếng người đôn đốc của ban tổ chức, tiếng khách đi vượt biên kêu réo vì lạc thân nhân và tiếng các taxi tụ lại phá vỡ sự im lặng ban đêm, ồn ào một khúc sông. Có tiếng ai đó vang lên:

- Nhanh nhanh lên đi. Nói nhỏ nhỏ thôi, làm gì la lớn thế!

Lời người đó chưa kịp dứt bỗng có nhiều ánh đèn pha bật lên, chiếu sáng cả một vùng kèm theo những tiếng quát đặc sệt giọng Miền Bắc sau năm 1975:

- Ghe kia "nàm" gì đó? Vượt biên phải không?

- Chết mẹ công an. Bể rồi! Chạy, chạy!

Một người nào đó ra lệnh. Cá lớn của chúng tôi nổ máy ình ình, mũi ghe ngóc cao lên rồi rớt xuống mặt nước một cái đùng và vọt thẳng tới trước bỏ lại một số khách chưa kịp lên. Mấy chiếc taxi kia cũng trở đầu, mỗi chiếc chạy một hướng khác nhau như đàn ong vỡ tổ.

Trong khoang hầm, tôi nghe tiếng hô lớn bên ngoài:

- Địt mẹ, đứng "nại," đứng "nại"...không ông bắn bỏ mẹ!

Rồi tiếng M16 nổ thánh thót phá tan màn đêm. Tiếng đạn bay véo véo, cắm vào thân ghe:

- Bụp! Bụp...phụp...phụp!

Theo một phản xạ tự nhiên, tôi lấy hai tay ôm đầu. Nhiều tiếng khóc, tiếng la, tiếng thét phát ra trong ghe. Tiếng người run rẫy đọc kinh cầu nguyện Mẹ Maria. Ai đó lập cập niệm Nam Mô A Di Đà Phật trong hốt hoảng.

- Chết mẹ, công an biên phòng ngoài biển chạy vô kìa.

Có người la trên boong, tiếng hét vừa dứt, từng tràng đạn bắn chát chúa, ghim "bặt, bặt" vào thân tàu, tôi điếng người nghĩ bụng chuyến này chắc chết rồi.

- Tắp vô bờ đi! Hồn ai nấy giữ nha!

Và con cá lớn xã hết ga lạng lách, chạy "zig zag" mặc cho đạn bắn thật rát.

- Đ.m....đại liên M 60 !

Giọng người nào đó hô nho nhỏ trong bóng đêm. Nhiều loạt đạn đại liên tuôn tràn, xé toạc màn đêm. Tiếng đạn bay vèo vèo, găm xuống nước kêu xẹt xẹt nghe lạnh xương sống. Khi chiếc ghe ủi vào bờ, tôi vụt đứng dậy, người vừa chồm qua miệng hầm chưa kịp đóng thì đã bị hất một cái thật mạnh và văng tuốt lên bờ lúc nó lật nghiêng qua một bên.

Tiếng la rú thất thanh, tiếng khóc, tiếng thét vang khắp mọi nơi. Huyên náo, hỗn độn! Riêng tôi, thật nhanh, nương theo cú bị liệng đó chạy thụt mạng về phía trước dù chẳng thấy gì. Sau lưng tôi hình như cũng có nhiều tiếng chân chạy bịch bịch kèm theo tiếng quát tháo và tiếng súng AK47 bắn tới tấp, giòn giả trong ánh đèn pin quét loang loáng qua lại.

Cứ thế tôi cắm đầu cắm cổ chạy bán mạng. Tôi té ngã trên những miếng ruộng đầy bùn sình, rồi lại lóp ngóp đứng dậy chạy tiếp muốn hụt hơi.

Thình lình:

- Ùm!

Khi nghe một cái "ầm," tôi hoảng hồn là người đã loi ngoi trong giòng nước. Cái mát lạnh của nước làm đầu óc tôi tỉnh táo hẳn ra và biết là mình đã rơi xuống sông sâu. Trong lúc quá sợ hãi ấy tôi cứ cố bơi về phía trước. Và thật may con sông ấy không lớn nên chỉ một lát sau tôi đã sang tới bờ bên kia lúc tay chạm phải một gốc cây nhỏ cở bằng cùm chân em bé. Dùng cả sức bình sinh tôi chộp lậy thân cây đó đu lên được tới trên bờ. Nằm im nghỉ mệt và thở dốc ít phút, mắt tôi mới quen dần với bóng tối và thấy chung quanh là cả một màn đêm dày đặc. Không còn nghe tiếng la hét, tiếng chửi bới, ánh đèn pin dọi tìm nữa. Tôi mừng thầm vì nghĩ là mình đã chạy được khá xa.

Nằm yên nghe ngóng tình hình một đổi, tôi mới ngồi dậy bò từ từ một lúc nữa mới dám lom khom chạy tiếp. Tôi cố gắng chạy thật nhanh, càng xa chiếc ghe càng tốt. Tiếng cóc nhái, bù tọt thỉnh thoảng phát ra trên đồng ruộng làm cho cảnh vật thêm cô liêu rờn rợn. Rồi tiếng chó sủa văng vẳng từ xa vọng lại làm tôi sơ, dừng bước xem xét động tịnh.

Đoạn tôi quyết định lần theo hướng chó vừa sủa mà bước tới vì biết là đã sắp tời nhà dân và đường lộ chắc chắn gần đó nhưng dĩ nhiên là chẳng dám tới gần làng xóm ấy vì sẽ rất dễ bị phát giác.

Thời gian trôi không biết bao lâu, có ánh đèn dầu le lói xa xa. Một cái nhà nhỏ ẩn hiện trong đêm nếu nhìn kỹ. Tôi lách dần ra khi đến gần, đột nhiên có tiếng vịt kêu "cạp, cạp" như sợ hãi và đi dồn lại với nhau làm tôi hoảng sợ. Té ra là vì mãi mê tránh ánh đèn, tôi không để ý mà tới gần chuồng vịt cách nhà này không bao xa.

Tôi nín thở, bò sang chỗ khác và nằm ép sát vào bờ ruộng khi nghe tiếng dép kêu lẹp xẹp. Bóng một người đàn ông xách cái đèn dầu bước ra, đứng yên lặng chỗ cửa như nghe ngóng ít phút sau ông ta trở vào nhà. Đột nhiên có tiếng đàn ông phát ra:

- Thôi vô đi!

Trong lúc tôi còn ngạc nhiên, không hiểu ai bảo ai thì dường như đợi thêm một tí không thấy động tịnh gì, người đàn ông lại lên tiếng:

- Vào nhà đi, cửa không có đóng chứ ở ngoài đó một hồi thì du kích nó đi lùng...sẽ bị bắt đấy!

Nghe đến đây thì tôi hiễu đích thị là ông ta nói với mình rồi. Đắn đo suy nghĩ một chặp tôi thấy lời ông ta có thể không sai, bèn đứng dậy rón rén đi vô. Ngồi bên cái bàn nhỏ với chiếc đèn dầu, ông ta khẻ ngước nhìn tôi nhỏ nhẹ:

- Thay bộ đồ ướt ra rồi mặc cái này và rửa chân cho thật sạch đi

Vừa nói ông vừa đứng dậy bỏ vào trong rồi một hồi trở ra mang theo một bộ đồ nhà quê mà tôi mặc khá vừa vặn, kế tiếp theo sự chỉ dẫn của ông, tôi đi rửa hết bùn trên chân. Khi tôi trở lại, ông bảo:

- Cháu có đồ đạc gì thì lấy ra đi, bộ đồ này không mặc được nữa đâu.

Nhìn ông một thoáng, tôi lặng lẽ móc hết xấp tiền ướt sủng nước ra. Ông cầm lấy bộ đồ ướt mang đem giấu bên ngoài. Một lát sau ông trở vào dẫn tôi đến bên cái mùng đang mắc sẳn:

- Cháu bao nhiêu tuổi?

- Dạ, mười chín.

- Vô đây ngủ với thằng Tèo nha. Nếu có ai tới cứ nằm yên đó đừng ra. Lỡ mà tụi nó gọi hỏi giấy tờ thì cứ trả lời là cháu chỉ mới mười lăm tuổi thôi nên chưa có giấy tờ tùy thân gì cả. Nhớ tên của cháu là Tí con bà Tám Thơm ở Xã Long Hựu Đông, Huyện Cần Đước mới sang đây sáng hôm qua thăm cậu là Cậu Sáu Cao nghe hông.

Tôi gật đầu trả lời nhỏ và chui vô trong thì thấy có một thiếu niên đang ngủ, ngáy khò khò. Nằm cạnh nó nhưng tôi chẳng tài nào chợp mắt được, luôn nghe ngóng động tịnh xung quanh, lòng lo lắng bất an. Nhưng rồi vì mấy hôm nay thức riết tôi mệt quá ngủ quên lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, nắng len qua khe cửa cái, rọi qua cửa sổ, rơi trên nóc mùng và nền đất từng vệt dài, đánh thức tôi dậy. Thằng Tèo đã biến mất tự khi nào. Tôi chui ra khỏi mùng thấy ồng Sáu Cao đang ngồi uống trà. Bây giờ tôi mới được dịp nhìn ông rõ hơn. Tuổi ông khoảng bốn mươi ngoài, da đen sạm, dáng người khỏe mạnh. Đôi tai giảo tạo cho gương mặt ông nét tinh anh và hiền lành phúc hậu. Ông lên tiêng bảo khi thấy tôi luc đục tháo mùng:

- Cứ để đó cho thằng Tèo. Cháu ra lu nước mưa bên ngoài rửa mặt, súc miệng đi rồi vào đây uống trà.

Rón rén đi làm vệ sinh cá nhân xong, tôi vô ngồi cạnh ông. Vói tay lấy cái ly, rót cho tôi một ly trà nóng còn bốc khói và đẩy về phía tôi, ông hất hàm:

- Uống đi.

- Dạ.

Hóp trà nóng làm tôi tỉnh táo hơn. Ấp úng giây lâu, tôi ngó ông Sáu Cao:

- Cháu cám ơn chú đã giúp đỡ đêm qua...

Ông khoát tay và ra dấu cho tôi im lặng:

- Đêm qua chú nghe súng nổ là biết có chuyến vượt biên bị bể rồi. Chừng nghe vịt kêu là tao biết có người chạy đến đây.

Ông dừng lại một chút rồi tiếp:

- Nhà cháu ở đâu? Thiệt khổ quá, thời thế gì mà khiến người ta ai cũng muốn bỏ xứ trốn đi hết chẳng ai muốn ở lại là sao? Bến xe ở gần đây nhưng bây giờ cháu chưa ra đó về được đâu vì du kích, công an nó đang canh bắt nguội mấy người trốn thoát đêm hôm, đầy ngoài đó. Chú biểu thằng Tèo chạy ra đó dò thử rồi. Cháu cứ ở đây nghỉ ngơi, ăn cơm đi để lát nữa nó về xem sao?

Không bao lâu sau bóng dáng thằng Tèo thấp thoáng ngoài đầu ngõ. Nó dựa chiếc xe đạp không có vè, hai bàn đạp (pedales) chỉ còn là hai cái cùi bắp trơ trọi bằng sắt bóng loáng, vô cây bình bát trước sân rồi bước vào trên tay cầm theo một bó hành lá với một bình nước mắm bốn lít. Đó là một cậu thiếu niên tuổi chừng mười lăm hay mười sáu gì đó, rất lanh lơi và vui vẻ vì lúc nào trên môi của cậu ta cũng nở nụ cười. Thấy tôi, Tèo gật đầu chào và quay sang ông Sáu Cao liếng thoáng:

- Đông lắm cha. Tụi nó đứng đầy bến xe, công an, du kích đầy đủ. Có cả thằng Tư Thẹo con bà Hai trên xóm trên nữa. Nó đeo súng kè kè trên vai, mặt vênh váo trông hách dịch lắm cha.

- Tao biết "thứ" đó mà. Thằng này mà ra đó lớ quớ là bị "lượm" liền.

Nghe hai cha con ông nói tôi chột dạ. Thế là tôi ở lại đó suốt buổi sáng. Và trong lúc Tèo lui cui nấu cơm tôi lặng lẽ lấy mớ tiền còn ướt nhẹp ra hong cho khô bên bếp lửa. Thấy vậy ông Sáu cất giọng:

- Cháu đi mấy lần rồi?

- Dạ, đây là lần thứ nhất.

Tôi nói dối. Ông không hỏi thêm mà chỉ nói trỏng:

- Chà, mới đi mà kinh nghiệm dữ há!

Tôi ngượng ngùng nhưng làm thinh không cải chính. Trưa hôm đó ông Sáu Cao cho tôi ăn cơm mắm cá sặc rằng với bông súng, canh chua cá rô nấu với bông sua đũa thật ngon. Đó là bữa cơm nhà quê mang năng ơn nghĩa mà hơn ba mươi năm đã trôi qua cho tới hôm nay dù nhiều lần đi dự dạ tiệc cùng vô số cao lương mỹ vị, tôi vẫn không quên và còn nhớ mãi buổi cơm ngày xưa với cha con ông Sáu, lòng đầy xúc động, cảm khái mỗi khi nghĩ tới. Ân tình của cha con ông Sáu Cao giúp đỡ cho tôi ngày ấy tựa trời bể.

Đến xế chiều, lối gần ba giờ ông sai Tèo chở tôi ra bến xe. Lúc bước ra khỏi cửa tôi quay lại nắm tay ông cám ơn lần nữa lòng không khỏi bồi hồi cảm kích rồi hối hả leo lên yên xe (portebagages) sau lưng Tèo. Trên đường đi, tôi quan sát cảnh vật hai bên đường để đề phòng bất trắc. Bến xe lúc ấy chỉ lưa thưa người. Tèo mua vé cho tôi và đưa tôi tới tận chỗ ngồi. Khi xe khách lăn bánh ra khỏi cổng, ngó qua vai người bên cạnh tôi thấy Tèo vẫn còn đứng đó trông theo khiến cuống họng tôi như ngen lại. Tôi quả là vô cùng có phước vì kỳ này gặp được "quế nhân" cứu mạng!...

Ba tôi ngồi lặng yên lắng nghe khi tôi kể lại toàn bộ sự việc của chuyến đi, những thớ thịt trên mặt ông co giật liên hồi. Sau cùng ông bảo tôi tới bàn Phật thắp nhang tạ ơn Trời Phật.

Khoảng tuần lễ sau, vào một buổi chiều khi tôi từ Chợ lớn về, lúc vừa bước vào nhà tôi đã thấy má con Tùng đang ngồi nói chuyện với ba tôi ở phòng khách. Chúng tôi vui mùng găp lại nhau. Anh em nó vì mới chỉ có mười hai, mười ba nên được thả sớm. Ba tôi ngó tôi nói ra điều như chưa tin được:

- Ê, nè N. Tụi nó nói hôm đó ghe con có người bị bắn chết đó!

Tôi hết hồn, ngó trân trối hai anh em nó chờ đợi:

- Anh ơi, ông tài công ghe mình bị bắn văng xuống sông chết liền tại chỗ đêm hôm đó, đó anh. Lúc nó vớt lên người ổng gần đứt làm hai vì bụng nát bết ghê lắm.

Thằng Tuấn em Tùng miệng nhanh nhẩu, tay chân múa loạn xa lúc cất tiếng.

- À, hai dì cháu đi chung ghe nhỏ với mình nữa anh nhớ hôn? Cái chị nhỏ cũng trúng đạn chết luôn rồi anh!

- Trời ơi!

Tôi thảng thốt, sững sờ cơ hồ không tin vào lỗ tai mình. Ba tôi chép miệng:

- Tội nghiệp, nghe đâu ông tài công là trung uý hải quân, sĩ quan hải hành gì đó mới đi cải tạo về được chừng một tháng thôi đó chứ.

Cô Ba, má của anh em Tùng xen vào:

- Mà không hiểu tại sao người ta chết rồi còn cạo đầu làm gì hỗng biết nữa anh Ba?

- Họ nói mình là tù và tù thì phải bị cạo đầu dù chết cũng cạo! Họ cạo đầu hai người xong là chôn luôn ngay tại bờ biển trước khi bắt tụi con dẫn đi. Thằng Tùng giải thích.

- Thứ gì ác ghê nơi! Cô Ba chắt lưỡi.

Riêng tôi thì lúc ấy tôi không còn nghe được gì nữa cả vì đầu óc mãi bận tâm với hình ảnh cô bé dễ thương có đôi mắt to tròn, mái tóc nghệ sĩ hôm nào.

Chừng nữa tháng sau, theo sự chỉ dẫn của tôi, ba tôi mua một mớ quà cáp tới nhà ông Sáu để cám ơn. Ông Sáu Cao rất vui khi biết tôi được bình an. Nhìn gia cảnh nghèo mà giàu lòng hảo tâm của ông Sáu, ba tôi lại trở xuống lần nữa với các thứ cần thiết cho nhà nông như ra chơ Bình Tây mua một số bao Basudin là loại phân U-Rê rất tốt và thông dụng thời ấy để ông Sáu bón ruộng, mua quần áo cho Tèo, mua cho nó một chiếc xe đạp mới... để gọi là chút tình đền đáp. Tôi còn nhớ khoảng thời gian đó là tháng mười hai năm 1979 tức năm Kỷ Mùi.

Suốt mười năm kế tiếp, tôi đã bao phen ra khơi nhưng bất thành và phải chịu tù đày gần sáu năm qua T20, T30 tới các trại cưỡng bức lao động Lần thứ mười chin sau ba mươi ba ngày lênh đênh trên biển với đói khát, gian khổ, ngỡ đã chết trên đại dường mênh mông ai ngờ cuối cùng ghe tôi lại bị đội lưới Hoàng Khơi của công an biên phòng Việt Nam dẫn độ về lại.

Tháng Sáu năm 1989 tôi đến được Phi Luật Tân. Bến mơ của Tự Do! Đời ngỡ đã lên hương, nhưng đã tới lúc quốc tế quyêt định kết thúc phong trào thuyền nhân bằng mọi giá: Cưỡng bách hồi hương, đóng cửa trại tị nạn...

2. Tân Mùi 1991: Trại tị nạn dọn bụi núi lửa

Sáng sớm một hôm, trong lúc tôi còn đang lui cui đánh răng rửa mặt để chuẩn bị đi uống cà-phê như thường lệ thì nghe tiếng chú Minh sang sảng từ bên ngoài:

- N. ơi, ra coi cái này lạ lắm nè.

Tôi lật đật bước ra trước nhà, chú Minh đang phân trần với mấy người ở chung quanh. Ông đưa cánh tay lên cho tôi xem:

- Mày coi nè, có cái gì rớt xuống nhu tro nè thấy hông?

Nói rồi chú đưa tay chỉ lên trời. Ngó cánh tay chú chìa ra tôi thấy những hạt xám nhỏ li ti như bột và khi mình lấy ngón tay quẹt ngang thì nó tan mất. Bấy giờ tôi mới để ý sáng hôm nay bầu trời không giống như mọi ngày. Chẳng có ánh mặt trời và xám ngoẹt. Khi tôi ngước nhìn lên theo ngón tay của chú Minh thì thấy rất nhiều những hột nho nhỏ, lấm tấm rớt xuống và sền sệt như tro. Lúc này tất cả dân chúng trong trại đã hay có chuyện lạ xãy ra nhưng chưa ai biết đó là điều gì?

Việt báo xuân 2015
Núi lửa Pinatubo ở tỉnh Zambales thuộc đảo Luzon bất ngờ họat động trở lại sau sáu trăm năm ngủ yên. gây thảm hoạ môi sinh cho cả vùng. Tro bụi tữ Phi bay sang tận Đà Nẵng.

Khi tôi và chú Minh lên quán chị Hương ở đầu Khu Một uống cà phê như mỗi buổi sáng thì chúng tôi không thể ngồi bên ngoài được vì tro bụi xuống càng lúc càng nhiều hơn. Chẳng mấy chốc, các cây bông sứ trước sân Chùa Vạn Đức ở bên kia con lộ chính của trại đã phủ đầy một màu xám trắng. Một số người ở các khu thích thú mặc đồ lạnh, quấn khăn choàng tới chụp hình khiến mấy người thợ chụp hình như anh Khôi, chú Thăng bỗng dưng đắt khách. Trong lúc bà con còn đang làm dáng thì Sister Carina của cơ quan CADP (The Center Assistance for Displaced Persons) đi lễ nhà thờ ra và bảo mọi người về nhà vì đó là tro bụi của núi lửa Pinatubo vừa phát nổ.

Ít phút sau, thông báo của Hội Đồng Đại Diện Nhiệm Kỳ 31 phát đi trên loa truyền thanh, yêu cầu đồng bào nên ở trong nhà đừng ra đường vì nước Phi đang trải qua thiên tai khủng khiếp do ngọn núi lửa Pinatubo ở tỉnh Zambales thuộc đảo Luzon bất ngờ họat động trở lại sau sáu trăm năm ngủ yên và hiện tro bụi đang theo gió di chuyển trong không khí tới đây.

Dù ở cách xa núi lửa nhưng do tro bụi của ngọn núi phun ra sau khi phát nổ quá nhiều khiến cho không phải chỉ có Palawan mà rất nhiều đảo ở các vùng lân cận cũng bị ảnh hưởng.

Tới trưa thì tro bụi xuống dày đặc. Lúc này khỏi cần ai bảo thì mọi người đều phải trốn trong nhà và bắt đầu cảm thấy sơ hãi thiên tai. Rồi ngày hôm đó mọi người không có lương thực ăn vì nhà thầu không thể vận chuyển được. Trong nhà lúc này tối mịt phải đốt đèn dầu vì điện đã bị mất. Thỉnh thoảng tôi hé hé cửa sổ nhìn ra ngoài thì thấy trời tối ui ui, mái nhà "unaccompany minor girls" đối diện trắng xám làm cho cảnh vật vô cùng ảm đạm. Cây cỏ đường sá xám ngắt, lạnh lùng, xấu xí hẳn đi.

Hôm sau tin tức từ Manila đưa về, chúng tôi được biết chính phủ đã báo động toàn quốc về thiên tai này. Thiệt hại chưa thể ước lượng được nhưng dự đoán rất là khủng khiếp vì hiện Clark Air Force Base của Hoa Kỳ ở gần đó đã bị tàn phá gần như hoàn toàn do tro bụi phủ đến nỗi mái nhà của căn cứ không chịu nỗi sức nặng đã đổ sụp. Tổn thất nhân mạng hiện nay chưa ai đếm được vì người ta còn đang khẩn cấp lo di tản. Nhà cửa làng mạc của dân cư gần đó bị chôn vùi vô số kể.

Rồi những tổ chức nhân đạo cùng thiện nguyện viên các nước ở khắp nơi trên thế giới vội vã sang Phi Luật Tân giúp đỡ chính phủ và nhân dân xứ này vì tầm ảnh hưởng của nó đã lan rộng khắp thế giới. Của cải vật chất được quốc tế viện trợ ào ạt vào Phi. Có thể nói biến cố Pinatubo đã làm thay đổi khí hậu thế giới, ảnh hưởng mạnh mẽ đế vấn đề môi trường môi sinh của nhân loại cho đến tận ngày nay.

Trong khi ấy ở trại tỵ nạn PFAC đời sống của thuyền nhân trở nên tồi tệ, thê thảm không kém, vì trời mưa tầm tã ngày đêm lại kéo dài từ ngày này sang ngày khác nên đã ba ngày rồi mà dân chúng không có lương thực ăn. Sông ngòi bị tro bụi lấp đầy, biển cả thì nỗi sóng to gió lớn tàu bè không đi lại được, phi đạo của phi trường Puerto Princesa phủ đầy tro và bị mắc mưa khiến đường băng trơn trượt máy bay không thể lên xuống. Lúc đó những người từng có thân nhân ở nước ngoài giúp đỡ thì còn có thể lây lất được qua ngày chứ như tôi con "bà Sơ" thì cái đói đã lỡn vỡn đến gần. Mặt khác, thời gian này tro bụi lại rớt nhiều, khí hậu thay đổi, nhiệt độ xuống thấp hơn bình thường và nhà luôn luôn đóng kín các cửa khiến cho không khí ẩm thấp, ngột ngạt, thiếu oxygen làm chứng bịnh suyễn của tôi đột ngột tái phát, vô cùng khổ sở. Anh em trong nhà phải đưa tôi lên bệnh xá IOM (The International Organization for Migrants) cấp cứu. Tại đây tôi được bác sĩ Sabine cho một lọ Sabutamol là loại "sprayer" dùng để bơm thuốc vào cơ thể qua cuống họng nhằm hạ suyển cấp kỳ lúc lên cơn. Bấy giờ thì mọi người đã biết thế nào là cơ cực và hiễm nguy của thiên tai chứ không còn thích thú như ngày đầu nữa.

Nhà tôi đang ở khi ấy có gia đình chị Bảy sống chung. Không biết gia cảnh chị ở Việt Nam thế nào mà chị "bồng trống" cả năm đứa con vượt biển tới đây mà chẳng thấy chồng đâu cả? Chị bảo tôi quê chị ở Nha Trang đi ra nữa nhưng tôi không rành ngoài đó nên chẳng biết là chỗ nào tuy nhiên tôi chỉ thấy hơi là lạ là người chỗ chị luôn gọi cha mẹ là "ông ba, bà má." Nghe kỳ kỳ mà cũng thấy vui vui !

Chị Bảy rất hiền và dễ mến, lúc nào cũng thấy chị cười và nụ cười của chị thật tươi tắn. Chị hơn tôi một tuổi. Con trai lớn nhất của chị tên là Thanh, năm đó vừa đúng mười tuổi, thường phải phụ mẹ xách nước, lãnh lương thực hay trông em. Nhiều khi tôi thấy nó phải ẳm đứa em gái út mới một tuổi suốt ngày thật là tội. Nhưng cũng như chị Bảy, nó luôn cười hề hề và tỏ ra thích thú với cuộc sống tỵ nạn này.

Còn nhớ một bữa trưa trong lúc chị Bảy đang nấu ăn ngoài cái chái thì chị gọi nó lấy rổ đậu phộng để trên kệ ra cho chị. Mãi coi chúng tôi đánh cờ tướng, nó xớn xác mang bịch đậu đen ra đưa chị vừa đi vừa ra bộ vừa nhại bài hát "máu nhuộm Bến Thượng Hải" đang làm say mê mọi người mà Ban Truyền Thông Văn Hoá chiếu hằng đêm ngoài Sân Khấu Trung Tâm cho đồng bào xem.

- "Đậu xanh...tăng tăng tăng... đậu nành... tằng tằng tằng. Tằng tăng tắng tăng tăng tằng tắng tang. Tăng tắng tăng, tăng tăng tắng tằng..."

Có lẽ trưa nóng, người bực bội và nấu ăn mệt nên chị tức quá dằn lấy cái bịch trên tay nó rồi chị vớ lấy chiếc đũa bếp khỏ lên đầu nó nghiến răng trèo trẹo trong miệng:

- Nè đậu xanh! Nè đậu nành! Biểu lấy rổ đậu phộng mà đi lấy bịch đậu đen. Tao đánh cho mày chết luôn.

Thằng Thanh khóc thét bỏ chạy ra ngoài trong lúc đám thanh niên nhà tôi cười nắc nẻ thì chợt thấy bà Sơ ở văn phòng CADP dẫn nó vào. Chẳng là bà tình cờ đi ngang thấy thằng Thanh bị chị đánh chạy ra, bà giữ nó lại dắt trở vô nhà và la rày chị Bảy một chặp. Ở ngoại quốc dạy con mà đánh thế là khộng được!

Hôm nay nhìn thấy anh em tụi nó đói. Đứa nằm, đứa ngồi, cú rủ như gà ướt mưa, tôi thấy tội quá. Một ý tưởng nảy ra trong đầu, thế là tôi rủ anh em trong nhà đi ra vườn dừa cạnh trại. Từ hôm đó, ngày nào thằng Thanh cũng theo chúng tôi đi hái được một mớ dừa về ăn. Mấy đứa con của chị Bảy thích lăm vì có nước dừa uống, cơm dừa nhai lạch xạch suốt ngày đỡ đói. Những người sống gần đấy thấy vậy cũng bắt chước đi theo. Trời sáng tinh mơ là bọn tôi kéo đi cả bầy. Thật nhộn nhịp!

Sang ngày thứ tư khi chúng tôi tới vườn dừa và chuẩn bị trèo lên thì tự nhiên nghe nhiều tiêng quát. Kèm theo các tiếng la hét là bóng dáng những người Phi núp sau thân cây dừa nhảy ra, đầu chít khăn đen đỏ, tay cầm mã tấu dài, sáng loáng, ở trần người đen trùng trục, nhắm bọn tôi xông tới làm cả đám "hoảng tía hồn kinh," quay lưng ù té bỏ chạy về tới cổng họ mới thôi không truy sát tiếp vì có lính gác cổng. Nhờ những người lính Bộ Tư Lệnh Miện Tây này mà hiểu làm giữa chúng tôi mới được giải tỏa. Tụi tôi ngỏ lời xin lỗi khi biết họ là chủ vườn dừa ngoài kia bởi mấy hôm nay tụi tôi cứ tưởng là rừng dừa hoang vì ở Phi chỗ nào cũng thấy dừa bạt ngàn nên cứ tự tiện hái chứ đâu có xin phép ai đâu?

Nhưng khi thấy hoàn cảnh khó khăn của người tỵ nạn chúng tôi, họ thông cảm tha thứ, bỏ qua không bắt tội và chẳng những thế mà sau này còn trở thành bạn thân nữa chứ. Do là nhà tôi ở Khu Một, sát bờ tường bao ngăn trại với bên ngoài và bãi biển nên thỉnh thoảng họ đi đánh cá được con nào to bự thi hay đứng ngoài vườn dừa "hú" tụi tôi ra. Với con cá thu to hay vài con cá ngừ thật tươi xanh ấy, người Phi ngừời Việt bọn tôi nướng lên bằng các tàu lá dừa khô rồi chấm muối tiêu chanh uống với "ác quỹ" trong khung cảnh hoang sơ, sóng vỗ rì rào, biển cả mênh mông, đất trời lồng lộng, gió ru hữu tình ấy thì "đất say đất cũng lăn quay, trời say mặt cũng đỏ gay ai cười?" ***

Ác quỹ là một loại rượu đế màu trắng có tên là Ginebra S. Miguel rất ngon nhưng mạnh vì nồng độ cồn cao, và nỗi tiếng của Phi. Sỡ dĩ chúng tôi gọi nó là ác quỷ vì trên chai có dán cái nhãn hình đầu một con quỷ đang nhe nanh múa vuốt trong vô cùng hung tợn. Nhiều hôm không có tiền dân tỵ nạn chúng tôi chỉ cần "change rice" để có vài pesos mua một chai ác quỷ rồi bỏ vào đó một viên xí muội, vắt thêm vài giọt chanh, mồi là các trái cốc lớn bằng ngón chân cái, thế là xong. Đủ để quên nỗi buồn tỵ nạn không lối thoát, "ru đời vào quên lãng," thôi mộng mị!

Rồi không còn dừa ăn, tôi nghĩ ra cách khác. Tôi bàn với anh em trong nhà tháo mùng cá nhân ra đan lại làm thành một tấm lưới thật to, dài đoạn mang ra biển căng rộng như cánh cung xong cả đám bẻ những nhánh cây làm chà rồi từ các hướng vừa chạy vừa đập xuống nước "lùa cá." Sau vài bận thì hai thằng đứng ở hai đầu giở lên và túm lại. Nhìn mấy con cá dìa dính lưới nhảy tứ tung làm ánh nắng lấp lánh bạc thật đã! Cứ thế, chúng tôi đổi cá lấy tiền mua gạo. mua thức ăn, đôi khi luộc cá tươi ấy chấm muối ăn trừ cơm vẫn ngon như thường!

Hơn tuần lễ sau, tro bụi thôi không còn rơi rớt nữa và theo sự kêu gọi của văn phòng Ban Quản Đốc (OIC) trại, tôi cùng rất nhiều thanh niên trong các khu tham gia với lính thủy quân lục chiến của Bộ Tư Lệnh Miền Tây dọn sạch phi đạo để máy bay chở lương thực tiếp tế tới cho thành phố Puerto Princesa. Chúng tôi được cấp phát "masks," chổi, vật dụng hốt tro bụi như khiêng, ky... Người tỵ nạn đã thể hiện sự cần cù, vượt khó, tinh thần hợp tác và phục vụ vô vị lợi với quân đội điạ phưong để vượt qua thiên tai. Đó là những ngày khốn khó năm Tân Mùi, 1991, của tôi ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân.

Đời tôi khổ cực như thế, nhưng sau cùng vẫn đến được Mỹ vào cuối năm 1999 kể ra là cũng "tiền hung hậu kiết". Bởi tuy muộn màng nhưng xem ra vẫn may mắn hơn nhiều người vì tự do nhưng đi không bao giờ tới. Họ chết trên biển, bỏ mạng trong rừng, trong trại cải tạo hay không còn cơ hội ra đi nữa mà đành ở lại với cộng sản hay như mới đây có hai mươi tám thuyền nhân phải mất một phần tư thế kỷ ở Thái Lan mới tới được bến tự do, Canada. Thế mà họ vẫn chưa là các ngừời cuối vì hiện vẫn còn gần bảy mươi người đang chờ tiếp tục lên đường.

Triều Phong (TPN)

Chú thích:

*: là ghe dùng để đi biển, cách nói long người ta dùng trong thời kỳ vượt biên.

**: ám chỉ mấy chiếc ghe nhỏ chở một hay vài ba người ra ghe lớn.

***: trích thơ Cao Bá Quát.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.