Hôm nay,  

40. Quả Địa Cầu Của Mr. A

11/05/201523:09:00(Xem: 17110)
Sáng tác

QUẢ ĐỊA CẦU
CỦA MR. A

LÊ TẤT ĐIỀU

Công việc chưa xong nhưng đã vơi nhiều, tự thưởng cho mình một buổi trưa thanh thản. Ghé tiệm Mễ quen mua hai cái Taco cá rán rồi vào công viên, ngồi bên hồ số 4. Không thể bắt đầu óc trống rỗng tuyệt đối như các đại sư tọa thiền, nhưng nhất định trưa nay chỉ nghĩ những chuyện vui vui.

Ngày thường. cuối thu, hơi lạnh, công viên vắng. Đám câu cá tụ cả ở hồ số 2, số 3, lâu lâu mới vẳng lên tiếng người. Hòn đảo giữa hồ, chim đậu kín những cây cao. Toàn những con mỏ dài, chân dài khẳng khiu như cò như vạc. Không hạc vàng, chỉ lác đác cò trắng, lũ bói cá lông xám nhạt, và loài chim mầu đen tuyền như quạ.

Trời nặng mây xám, thỉnh thoảng lọt xuống chút nắng. Phương Tây, sau rặng núi thấp, mây đen kịt, có lẽ mưa đang đổ xuống khắp vùng ven biển, lan tới bên kia chân núi. Những con chim từ phương Tây bay đến hòn đảo giữa hồ, đôi cánh như hơi trĩu xuống, sướt mướt. Cây trụi lá, chim đậu ủ rũ, trời âm u, gợi nhớ cảnh hoang tàn thê lương sau một trận bão làm xơ xác thị xã Hà Đông thủa nào, từng làm mình buồn mênh mang từ thời thơ ấu. Thế mà khi mây xám trôi qua, nắng tràn tới, mặt hồ sáng lên, trong vắt, cỏ cây trên đảo đột nhiên sống lại, tưng bừng. Chim đậu mất vẻ ủ rũ. Chim xòe cánh bay đến, bay đi, chỉ thấy rộn ràng, nhộn nhịp. Càng thêm thấm thía sự mầu nhiệm của nắng vàng.

Việt báo xuân 2015Đàn vịt đang lững lờ trước mặt, thình lình gọi nhau, cuống quýt bơi về phía ghế bên cạnh. Hai ghế không xa nhau lắm, nhưng một thân cây ở giữa che khuất anh ta. Bây giờ anh khom người hơi chồm tới, thẩy bánh mì vụn cho lũ vịt, mới thấy những nét quen quen. Đầu tiên là mái tóc cắt kiểu lạ, như cái mũ nồi màu vàng đậm chụp lên đầu. Rồi bên vai phải nhô cao, hơi lệch, cái áo choàng xanh đậm, cổ áo lật lên, che kín gáy, và khuôn mặt nhìn nghiêng giống tài tử Ryan Gosling. Đúng là Mr. A. đã gặp gỡ trò chuyện một lần, cách đây có lẽ hơn nửa năm.

Hôm đó, phải đưa thằng cháu cưng đi xin việc. Nó muốn làm cho công ty sản xuất trò chơi đúng ngành nó chọn học và đã tốt nghiệp. Nhưng muốn kiếm việc như ý thì phải lên Irvine, Los Angeles. Mẹ nó sợ cô đơn, ép con ráng kiếm việc gần nhà. Sau bốn tháng thất nghiệp, thằng nhỏ bắt đầu tỏ thái độ. Nó trở nên ít nói, cả ngày cố thủ trong phòng chơi "ghêm". Mẹ nó sợ, nhờ bác kiếm việc cho nó làm tạm, để khỏi mụ người.

Ông bạn giám đốc một hãng chế tạo những bộ phận dùng trong kỹ nghệ khai thác năng lượng mặt trời nhận nó vào toán phát triển trang quảng cáo trên mạng. Nghe tin vui mặt nó lạnh như tiền, chắc giận mẹ và hận luôn cả ông bác hay xía vô đời tư người khác.

Được bác chở đi xin việc nó rầu rĩ ra mặt. Ngồi trong xe, quyết tịnh khẩu, bị hỏi han thì đáp nhát gừng. Nói chuyện giễu chọc nó cười, nó nhất định không nhếch mép, để tỏ lòng căm phẫn.

Ông bạn dặn dò trước khi dẫn đến văn phòng của Jason Turtland, người sẽ phỏng vấn thằng cháu: "Jason rất giỏi. Luôn luôn có những sáng kiến hay lạ. Nghiên cứu, đọc sách tối ngày. Nó là trưởng toán kỹ sư nhưng tôi coi như phụ tá, nhờ làm gì cũng xong. Chỉ tiếc tính tình hơi bất thường. Nó ít giận, nhưng đã giận ai là thôi, coi như hết hòa giải, coi người ta là kẻ thù suốt đời. Lát nữa, trong cuộc phỏng vấn, nếu nó vặn vẹo, hỏi những câu hóc búa thì cứ kệ nó... tôi đã dàn xếp xong rồi..."

Gần đến văn phòng của Jason, ông bạn lại mỉm cười, thêm:

- Ở đây, mọi người thường gọi thằng nhỏ là Mr.A.

Tôi đoán: "Mr. Toàn Hảo? Làm gì cũng được điểm A? Mr. toàn điểm A?"

"Không phải vậy? A ở đây là At... , hắn thuộc phe kịch liệt bảo vệ môi sinh" Tôi nghe không rõ cái tên, thấy tôi hơi ngớ ra, bạn giảng thêm: "Ông đội đá vá trời ấy mà".

Giới thiệu chúng tôi với Jason xong, ông bạn bỏ đi. Mr. A tiếp đón không vồn vã, nhưng cũng có chút gì ấm áp hơn phép lịch sự thông thường. Anh chỉ phỏng vấn thằng cháu vài câu, rồi cho nó ra một bàn nhỏ ở góc phòng, điền hồ sơ nhân viên. Anh đưa tôi một xấp những quảng cáo, sách mỏng nói về sản phẩm của hãng và ba tờ tạp chí. Giúp khách đỡ buồn nản, lại khéo léo tránh cho mình một cuộc chuyện trò vô bổ.

Nhưng mắt tôi đã bị hút vào hai món trên kệ sách sau lưng anh ta: Tấm hình gia đình phóng lớn, đóng khung, và một quả địa cầu.

Hình có lẽ chụp trong một buổi picnic. Cha mẹ ngồi. Giữa hai người là bé gái nhỏ xinh như búp bê, đứng ngả đầu về phía mẹ, cười rất điệu. Bốn con trai đứng sau. Jason thấp nhất, đứng hơi tách ra, tay cầm cây gậy ngắn bị nhòe vì ngọ ngoạy đúng lúc máy thâu hình. Mọi người đều tươi cười, long trọng. Riêng Jason mặt mũi sớn sác, như đang chơi đùa, bị kéo cổ vào chụp hình, chưa kịp giữ thế đứng nghiêm trang, nụ cười thích hợp.

Quả địa cầu thuộc loại thường thấy, nhưng khác thường vì có những vùng bị khoanh lại, tô màu đậm nhạt, nham nhở, trông như bản đồ hành quân. Tôi nhổm dậy định đến gần nhìn cho rõ thì Jason đã ngả người về phía sau, với lấy quả cầu, đặt giữa bàn.

"Tôi khoanh vùng, tô mầu nó đấy, để nó diễn tả chính xác tình trạng sức khỏe hiện nay của trái đất."

Tôi suýt kêu trời, mừng như trúng số. Đang truy tầm bọn gian ác gây ô nhiễm môi sinh lại vớ được người chủ quả địa cầu ghi đầy thương tích, in hằn dấu vết bị tàn phá! Chắc Chúa ban phước lành hoặc Phật Bà tưới cho tí nước Cam Lồ mới hên đến thế này. Nếu không có bàn tay các đấng thiêng liêng nhúng vào thì nhất định là anh chàng này và tôi từ nhiều kiếp trước đã cật lực "vác ngà voi", và hẹn hò nhau ghê lắm mới có duyên gặp lại đúng thời đang vác một món nặng ký hơn ở kiếp này.

Thấy tôi tròn mắt, hớn hở nhìn quả cầu, có lẽ Jason cũng cảm thấy đã gặp tri kỷ. Anh đáp ứng sự tò mò của tôi rất nhanh, như chúng tôi đang hào hứng nói tiếp một câu chuyện đã bắt đầu từ lâu lắm rồi. Anh xoay quả cầu nhè nhẹ, chỉ vào một vùng bị tô mầu nâu nhạt ở Bắc Cực, "Băng đá chỗ này đang tan dần, đã mất 4.47 triệu dậm vuông, một diện tích rộng hơn nước Mỹ."

Tôi chỉ vào những chấm đen cũng ở Bắc Cực, hỏi: "Còn những chấm đen lớn này?..." Jason giải thích: "Nhân loại càng văn minh thì càng lắm rác rưởi, từ nhiều thập niên rồi, chúng ta đã trút một khối lượng khổng lồ chất thải phóng xạ xuống vùng biển ấy. Nga mới đóng góp thêm cặn bã của 17 lò nguyên tử nữa. Bây giờ lại thêm cái họa rác plastic Jason chỉ vào những chấm màu tím xậm rải rác khắp đáy biển. Ông biết không? Bắc cực đã biến thành bãi rác vĩ đại của thế giới rồi. Rác nguyên tử phóng xạ ở trong thùng đóng kín, được báo cáo hàng năm là chưa rò rỉ. Nhưng plastic thì lẫn vào môi trường sống của sinh vật dưới đáy nước, bắt đầu tác hại. Lòng biển ô nhiễm mà bầu trời cũng không còn lành mạnh nữa. Hàng năm có khoảng 50 ngàn chuyến phi cơ thương mại bay ngang qua, đường bay ở đúng cao độ của vùng khí quyển rất ổn định nên khói tuôn ra tích tụ mãi không tan, làm đỉnh trái đất bị nạn "nóng" tệ hại hơn những vùng khác. Băng tan càng ngày càng nhanh vì thế..."

Tôi hỏi: "Còn Nam Cực ít khói máy bay, không là bãi rác, sao cũng bị tô màu?"

"Màu nâu nhạt thôi. Vùng biển Nam Bán Cầu đang bị nạn cường độ acid carbonic tăng lên. Khoa học gia Geraint Taring và nhóm nghiên cứu của ông thấy nguồn lương thực của chim cá biển là loài ốc nhỏ xíu pteropods nay đang bị nước có nồng độ cường toan cao xâm hại. Mầu nâu nhạt ông thấy ở Nam Cực cũng được tôi tô dọc theo bờ biển đông tây, nhất là những chỗ gần các thành phố lớn. Riêng bờ biển tiểu bang Washington thì tôi cho một chút màu xanh hy vọng vì Thống Đốc tiểu bang đã đối phó nghiêm chỉnh với tình trạng acid trong nước biển. Ông ta đang cố cứu vùng sinh thái của những hải sản có vỏ như nghêu, sò, ốc, hến...

Việt báo xuân 2015
Mà ông biết át xít ở đâu ra không? Khói xe đấy. Thán khí ta thải ra mỗi ngày, 70 phần trăm bay lên trời, 30 phần trăm nhiễm vào nước biển tác hại môi trường sống, phá hủy dần nguồn dinh dưỡng của hải sinh vật. Bốn biển luân lưu, nhiều thành phố nhỏ ven biển ở Alaska, xe cộ chẳng có bao nhiêu, cũng chia phần tai họa!"

Jason say sưa nói, tôi ngẩn ra nghe.

Quả cầu xoay chầm chậm, thỉnh thoảng ngừng. Như ngồi trên vệ tinh nhìn xuống, tôi chỉ tay, hoặc chỉ cần nhìn chăm chú vào một chỗ là Jason giảng ngay về ý nghĩa của màu sắc anh tô lên chỗ ấy. Anh giảng rõ ràng, minh bạch và hào hứng như một hướng dẫn viên du lịch.

Tôi lần lượt thấy những vùng đất mênh mông đang khô kiệt dần ở Nam Bán Cầu bao gồm châu Úc, châu Phi, Nam Mỹ. Thấy hơn phân nửa nước Mỹ bị hạn hán. Thấy những vùng bờ biển sẽ chìm xuống nước trong thập niên tới vì giông bão và mực nước biển dâng lên. Thấy phần quốc lộ số 1 của Louisiana đang được dân chúng yêu cầu liên bang giúp đỡ nâng cao, vì trong một tương lai không xa, sẽ bị ngập khi nước biển dâng lên tràn vào, cắt đứt đường xe vận tải dầu xăng đi cung cấp cho cả nước.

Thấy Mỹ được Jason chú ý săn sóc tô mầu nhiều mà lục địa Trung Hoa bị lơ là, ít mầu sắc, tôi hào hứng mượn bút tô vàng những vùng đang bị hạn hán và vẽ một đường đen đậm ngoằn ngoèo trên sông Hoàng Hà và nhiều khúc sông Dương Tử, Hán giang đã nhiễm độc. Có khoảng 30 thành phố không khí bị ô nhiễm nặng, chỉ nhớ được bốn cái tên, tôi khoanh tròn tất cả cùng với Bắc Kinh bằng mầu xám xịt. Riêng Thượng Hải đã ô nhiễm lại còn thêm nạn thiếu nước, bảy năm nữa thôi là hàng triệu cư dân không có đủ nước dùng, bèn khoanh luôn một đường đen kịt. Jason thấy khách thực tâm khoái nghe, lại có tí kiến thức về chuyện môi sinh, chịu quá, mỉm cười.

Trước đó, anh nghiêm trang và như hơi buồn rầu. Ngồi kể bệnh tật địa cầu tất nhiên khó vui, nhưng trong giọng anh có thoáng chút trách móc, bực bội. Trách những kẻ làm hại trái đất và bực mình luôn với cả ông già ngồi trước mặt có vẻ ngây ngô, chẳng biết gì nhiều về những tai họa đang trút xuống căn nhà chung của muôn loài. Chính thái độ ấy làm tôi chợt hiểu ra cái biệt danh của Jason, lúc nãy ông bạn nói nghe không rõ: "Mr. Atlas", ông thần, theo truyền thuyết dân gian, đã còng lưng gánh trên vai cả quả địa cầu.


Ông bạn trở lại, thấy tôi ngồi nghệt ra nghe Mr. A thuyết trình, giữa chúng tôi là quả cầu xanh đỏ lòe loẹt, chắc nghi tôi là nạn nhân của anh chàng "môi sinh quá khích", vội cứu bồ bằng cách mời tôi đi ăn trưa. Ông đâu biết tôi đang cảm tạ Chúa Phật đã ban cho cuộc gặp gỡ này. Định kêu "ăn trưa giờ này quá sớm" thì Mr. A đã xếp gọn hồ sơ, vừa để quả cầu vào chỗ cũ vừa nói "Ý kiến hay! Ta đi ăn trưa."

Không có quả cầu, suốt buổi trưa, Mr. A nói về những tai họa đang và sẽ xẩy ra. Trong vòng nửa thế kỷ, môi trường sống của loài Sư Tử Phi Châu tiêu tùng mất 75 phần trăm nên "dân số" cũng nhỏ lại từ khoảng 100 ngàn con bây giờ rút xuống còn 32 ngàn. Gấu Bắc Cực còn khoảng 20,000 con, trong những thập niên tới, mùa hè, băng tan, sẽ thiếu thực phẩm, nếu không được tiếp cứu là nguy. Những đại thụ, tuổi từ 100 đến 300 năm, bỗng dưng chết hàng loạt ở khắp nơi. Chim muông mất nơi cư ngụ, cũng khốn đốn.

Chuyện làm Mr. A lo âu nhất là tình trạng năng lượng và thực phẩm cạn dần. Anh nói: Giáo sư Stephen Mayfield, Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu năng lượng rêu, cho biết năng lượng lỏng xăng dầu trong lòng đất cỡ 37 năm nữa sẽ cạn, thêm được 40 năm than đá, cứ tính rộng rãi là đủ dùng cho một trăm năm. Nhưng nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng ghê lắm, khó đoán. Hiện nay, Mỹ với 5% dân số thế giới, xài 25% năng lượng. Nhưng Trung Cộng, Ấn Độ với đà phát triển chóng mặt bây giờ sẽ tiến tới chỗ có nhu cầu bằng hoặc nhiều hơn Mỹ rất nhanh. Nạn hạn hán thì càng ngày càng trầm trọng. Đất đai khô cằn vắng bóng cỏ cây, ngưng cung cấp thực phẩm cho mọi sinh vật. Các khoa học gia dự đoán từ nay tới 2020 sẽ có 50 triệu người phải di cư để tránh nạn đói.

Việt báo xuân 2015Tranh giành nguồn năng lượng sẽ dẫn tới chiến tranh. Tranh giành thực phẩm, nước uống sẽ dẫn tới sự hủy hoại văn minh, đạo đức, đẩy loài người đến chỗ tàn nhẫn, rồi tàn bạo với nhau...

Sợ câu chuyện càng lúc càng bi quan, nhân anh nhắc tới giáo sư Mayfield, tôi đổi đề tài sang năng lượng sạch. Quả nhiên Mr. A vui vẻ, hào hứng ngay. Tôi cũng có chút kiến thức về vụ này nên vội đem ra ba hoa để yểm trợ tinh thần chiến sĩ.

Mr. Atlas của tôi không chỉ vác trên vai quả địa cầu dơ dáy mà còn quyết tâm làm sạch nó.

Gặp người đồng chí hướng, một hiệp sĩ bảo vệ trái đất như Mr. A thì phải túm chặt lấy, liên lạc thường xuyên, gặp gỡ đều đều để bàn đại sự... Chúa Phật phải thương mình lắm mới cho cơ duyên gặp gỡ này. Điên gì mà bỏ lỡ!

Vậy mà tôi đành phụ lòng các đấng thiêng liêng, không dám thân thiết với người tri kỷ, ít nhất là trong thời gian này. Chỉ vì một khoảnh khắc, một câu nói ngắn của Mr. A dài không tới mười giây.

Lúc còn trò chuyện ở văn phòng, khi tôi chú ý đến những khoanh tròn mầu tím xậm quanh các thành phố Los Angeles, St. Louis, Chicago, Cleveland, Pittsburgh và Houston, Mr. A giải thích: "Mấy thành phố này không khí bị ô nhiễm muội khói khá nặng. Xe cộ nhiều quá mà. Tôi thù ghét loại ô nhiễm này vì muội khói thấm vào phổi, sinh bệnh, làm trẻ con người già khó thở..." Anh hất ngón tay cái, chỉ về phía bức hình gia đình: "Suzanne, em gái duy nhất của tôi, chết vì bệnh xuyễn, đúng vào phiên tôi canh chừng nó".

Ba tiếng "on my watch" anh nói với giọng bình thường, tự nhiên, nhưng nổ ra vang rền như tiếng sấm làm tôi chới với, bàng hoàng. Bệnh xuyễn ở Mỹ không giết người dễ dàng, đột ngột. Chắc phải có chuyện kinh khủng lắm. Thằng Jason mải chơi, lơ là nhiệm vụ trông em, bỏ mặc con Suzanne ngạt thở? Hay vì nó thích phiêu lưu dẫn em vào vùng khí hậu ô nhiễm ở mức nguy hiểm? Hay em nó chết vì một chứng bệnh khác kèm với biến chứng của xuyễn, nhưng nó bị người lớn trừng phạt, đổ hết lỗi cho nó?

Thương bé Suzanne và cũng thương thằng nhỏ Jason vô cùng. Thằng nhỏ mặt mũi sớn sác trong hình, tay còn quơ gậy, đã khốn khổ, đau đớn biết chừng nào! Người lớn mắng chửi nó xong, dồn tất cả tâm trí vào con Suzanne xấu số, nó hoặc đứng ì ra, hoặc thút thít khóc, một mình gánh chịu niềm ân hận nặng nghìn cân. Nó gánh chịu một mình như thế suốt thời thơ ấu cho đến lúc trở thành Mr. A. Rồi mai mốt già nua, lên chức cụ A. chắc cũng không thoát. Tôi cũng đang mang một niềm ân hận như vậy, nhưng nhẹ hơn nhiều. Không có lỗi gì trong cái chết của em G., chỉ can tội thủa bé là thằng anh ích kỷ, bắt nạt nó khiến có lần nó chạy vào xó nhà đứng khóc. Lớn lên, anh em ngồi nhắc chuyện cũ, cùng cười. Thế mà sau khi nó qua đời, hình ảnh con bé đứng quay mặt vào góc nhà khóc sướt mướt thỉnh thoảng lại hiện về hành tôi tơi tả.

"On my wacth", có lẽ anh đã nói như thế hàng trăm lần với giọng bình thường, không nhấn mạnh. Nhưng kể về cái chết của Suzanne, luôn luôn đính kèm ba tiếng ấy, là một sự nhấn mạnh kinh khủng rồi, sự nhấn mạnh làm nhói tim, nghẹn thở, nước mắt lưng tròng.

Niềm ân hận đè lên vai Mr. A có thể nặng hơn trái đất trên vai ông thần Atlas.

Cùng lo cho sức khỏe địa cầu, anh giúp kỹ nghệ khai thác năng lượng sạch, tôi cặm cụi viết lời báo động, thôi thì hãy cứ mỗi người một phương trời. Gặp nhau, vô tình lại khiến anh bật lên ba tiếng ai oán "on my wacth", anh nhớ phút lâm chung của em Suzanne, tôi thương thằng bé Jason, rồi liên tưởng tới em mình, tuổi già dễ xúc động, bi lụy, sẽ xót thương, ân hận tê tái cả người, chẳng ích lợi gì.

*

Tình cờ ngồi gần nhau bên hồ, mừng quá, tôi quên bẵng những tính toán khôn ngoan, định đến tay bắt mặt mừng, yêu cầu anh cập nhật cho về tình trạng sức khỏe địa cầu. May chợt nghĩ có thể Mr. A cũng đang cần một buổi trưa thanh thản, mới dừng lại kịp thời.

Có tiếng chào từ sau lưng chúng tôi. Trên con đường dành cho người đi bộ, một em bé, ngồi trong xe do mẹ đẩy, đang khoa tay hướng về phía Mr. A miệng nói "Hi", trước nhỏ, sau to dần. Tiếng ồn do lũ vịt khiến Mr. A đến tiếng "Hi" thứ tư thứ năm, mới biết. Anh vội vã quay lại, xin lỗi rối rít, "Hi" đáp lễ, rồi hỏi thăm vài câu. Bà mẹ trả lời thay con vì em bé, khoái trí đã làm cho Mr. A hơi giật mình, đang bận cười khanh khách. Chắc vừa học được phép giao dịch truyền thông căn bản, em bé thấy hay quá. Phóng một tiếng "Hi" vào ai là người đó lập tức phải chú ý đến mình, và thường cùng phản ứng một kiểu. Tiếng "Hi" có quyền lực lớn hơn, ngộ hơn cả cái nút bấm làm các rô bô, người máy phải nói năng, cử động!

Thấy vui lây ngay. Tiếng cười trẻ thơ, như những bông hoa bừng nở trong nắng mai, thổi đầy lòng ta niềm rung động hân hoan, rộn rã nhẹ nhàng.

Chiếc xe tiếp tục tiến tới, rồi em bé nhìn về phía tôi.

Bèn quyết tâm tham dự trò chơi của em. Không thể bị tấn công bất ngờ như Mr. A, quân ta nhất định dàn trận cẩn thận để phục kích lại. Mặt hướng về phía đàn vịt, nhưng mắt thì liếc xéo theo dõi từng cử động của em bé. Ngay khi em vừa giơ tay lên là quân ta quay phắt lại "Hi" cho cu cậu một phát nhanh như chớp. Em bé hình như ngạc nhiên chút xíu, nhưng vẫn hào hứng, khoa tay "Hi" lại, rồi cười khoái trí.

Tưởng thế là xong, tôi quay nhìn ra hồ thì lại nghe một tiếng "Hi" nữa phóng trúng lưng. Ngoảnh lại, thấy em vẫn hướng về mình, khoa tay "Hi" thêm quả nữa, tôi vội "Hi" đáp lễ. Thế rồi như hai băng đảng ôm súng liên thanh, nhả đạn về phía địch, chúng tôi vừa khoa tay vừa "Hi" qua "Hi" lại ào ào. Trên một đoạn đường dài không quá mười phít, ngồi trong chiến xa do má đẩy, em bé phóng về phía tôi cả triệu phát "Hi". Tôi bắn cũng nhanh lắm, nhưng đạn "Hi" tuôn ra không đủ triệu vì tốn mất vài chục giây tự ý tạm đơn phương ngưng chiến để nói mấy câu thăm hỏi với bà mẹ. Cuối cùng, chính bà mẹ đóng xuất sắc vai trò Liên Hiệp Quốc, bắt em bé ngưng bắn. Em tuân lệnh, ngồi im, hướng về phía trước, tìm mục tiêu mới.

Thế mà tôi vừa quay đi, hưởng hòa bình chưa quá mười giây thì thình lình em bé ngoảnh lại, hét lên, phóng thêm vào lưng tôi một quả "Hi" to đùng.

Bấy giờ thì không sao đáp lễ được nữa vì buồn cười quá. Chỉ kịp giả bộ giật mình, phóng đại sự thua trận của mình, cho em thắng lớn. Bà mẹ cũng bật cười và em bé thì đứng hẳn lên, hai tay bám thành xe, nhấp nhổm, phấn khích, cười ré lên. Trong khoảnh khắc đó, trên khắp thế gian, chắc không thể có ai vui tươi, hồn nhiên, hạnh phúc bằng ba chúng tôi.

Bà mẹ ấn đầu con bắt ngồi xuống, rồi vừa chúc tôi "một ngày đẹp" vừa rảo bước đẩy xe nhanh hơn, mở rộng khoảng cách giữa hai phe lâm chiến. Em bé đã ra ngoài tầm bắn hiệu quả, không còn có thể pháo kích, quấy nhiễu nữa, tôi vẫn còn cười.

Mr. A chú tâm vào việc ném vụn bánh mì cho lũ vịt, hình như không biết tới trận chiến chào nhau khốc liệt diễn ra sau lưng, lỡ cơ hội chứng kiến cuộc gặp gỡ tình cờ kỳ diệu, đầy tiếng cười bên hồ trưa nay. Cũng chẳng hề biết chính sự hiện diện của anh ở đây đã tạo ra một khoảnh khắc kỳ diệu khác.

Khi em bé giơ tay phóng tiếng "Hi" đầu tiên về phía Mr. A thì sau lưng em là bà mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ em và cho em một tương lai đẹp đẽ, trước mặt em là Mr. Atlas đang đem hết tài năng, sức lực ra giữ sạch đất trời. Trong khoảnh khắc đặc biệt ấy, em bé lọt vào vị trí an toàn nhất trên thế gian.

Thần trí thanh thản, vui vui, chợt nẩy sinh mơ ước lớn. Ước mong rằng mai đây trái đất sẽ có được vị trí an toàn như thế. Trước mặt nó là hàng hàng lớp lớp hiệp sĩ chiến đấu chống bọn khủng bố, phá hoại, và sau lưng nó, các nhà lãnh đạo khắp thế giới đều là những hiền giả khôn ngoan vừa đẩy nó vào tương lai vừa bảo vệ, săn sóc nó với tấm lòng của một bà mẹ.

Lê Tất Điều

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.