Sưu Khảo
TRỐNG ĐỒNG
VÀ BÔ LÃO,
NGƯỜI GIỮ THẦN THOẠI VIỆT
PHAN QUỐC SƠN
Cho đến trước thời biến động trên đất Việt vào tiền bán thế kỷ 20, hình ảnh êm đềm trong gia đình của làng xóm Việt Nam vẫn là: sau bữa cơm chiều sau một ngày đồng áng nương rẫy, con cháu quây quần quanh ông bà nghe kể chuyện đời xưa. Đây không những là nếp quen thuộc trong cuộc sống tổ tiên ta mà còn của tất cả những tộc người trên dãi đất Bách Việt. Câu tục ngữ "Ăn cơm mới, nói chuyện cũ" không phải của riêng người Việt mà còn phổ biến giữa các dân tộc anh em láng giềng. Sách Hoa Dương Quốc Chí của Thường Cừ vào thế kỷ thứ 4 là cuốn sách đầu tiên chép về các dân tộc tây nam Trung Hoa, viết: "Theo tục Nam Man, người có tài thuyết phục hơn người được gọi là Lão. Đó là người được quyền chủ trì các cuộc hội họp bàn bạc, trong đó họ thường kể chuyện ngụ ngôn, gọi là cổ tích di".
"Cổ tích di" chính là kho thần thoại Việt mà tác giả và người truyền tụng là các bô lão, già làng, là người lưu giữ bảo tồn Văn Hóa Dân Tộc để lại cho con cháu đời sau bằng nghệ thuật truyền khẩu.
Thần thoại cổ tích kể bởi bô lão không hẳn mục đích "mua vui", vì mỗi câu chuyện trong đó thường chứa một ẩn đề của tác giả. Những sự cố trong thời chưa có sử chỉ có thể sống còn trong tâm thức và hoài niệm của con người qua dạng thần thoại. Đối với người cổ, thần thoại là lịch sử. Và đây là một định nghĩa rất hay "Thần thoại là sự nói ra bằng ngôn ngữ thần bí: diễn tả những điều có thực nhưng không thấy được bằng phương tiện của những điều thấy được" (J. Schniewind 1953:47). Định nghĩa này rất gần gũi với quan điểm của giới khảo cổ học rằng huyền thoại là thần tích (sacred tale).
Đối với con người thời ban sơ, vạn vật trần gian mang mầu sắc huyền bí. Con người bỡ ngỡ trước cái hiện tượng thiên nhiên. Sấm chớp, giông bão, lụt lội, những cơn thịnh nộ thiên tai làm con người kinh sợ. Họ dùng trí tưởng tượng mà nhân cách hóa hoặc thần thánh hóa thiên nhiên, "tạo ra thần thánh qua hình ảnh con người" để tự lý giải bằng suy niệm con người. Họ dựa cái biết trong cuộc sống để sáng tạo nên cõi thế giới không thể biết của thần linh. Đang khi thế giới ấy tượng thành thì biết bao truyền thuyết linh dị được thêu dệt nên. Thần thoại ra đời như thế.
Thần Thoại Bách Việt
Tại địa bàn các dân tộc Việt cổ, một số lớn chuyện thần thoại còn được truyền đến các thế hệ con cháu ngày nay qua thuật truyền khẩu và có lịch sử rất xa xưa. Đa số là những truyền thuyết về thời nguyên thủy, thuở Trời và Đất được sáng thế, nhân loại được khai sinh, nguồn gốc muôn loài, hoặc gốc gác mỗi giống dân, đều được kể rất sống động bằng ngôn ngữ thần thoại.
Tổ tiên người Bách Việt cổ sáng tác đủ loại thần tích quanh nguồn gốc huyền bí của vũ trụ, sự phân hai của Trời và Đất. Theo huyền thuyết " Tổ phụ loài người" của người Nậm Tày kể rằng: "Ngày xưa lúc Trời và Đất chia đôi, vũ trụ là chất hơi màu xanh. Bỗng một hôm, một áng sáng rực rỡ loé lên cùng lúc phát ra âm thanh dịu dàng. Âm thanh hóa thành một vị thần cầm một quả trứng trắng. Trứng nở ra một con gà trắng. Con gà trắng này có mang theo 9 vị thần tạo lập ra Trời. Thế gian này được tạo dựng ra như thế. Thần thoại dân Nậm Tày làm ta liên tưởng đến một giấc chiêm bao huyễn ảo.
Thần thoại của tộc người A Xương thuật rằng thuở ban đầu, vũ trụ ở trong tình trạng hỗn mang, không bóng tối không ánh sáng, không trên không dưới, không điểm tựa để dựa, không sức đẩy, không cương vực, phi giới tuyến. Mãi về sau, từ cõi hỗn mang ấy một tia sáng phát ra, từ đó bèn có sáng tối, mặt trời mặt trăng mới sinh ra. Ánh sáng và bóng tối đẻ ra ông Già Ba Mụ và vợ ông là bà Già Ba Mị, cùng với một đám gồm 30 thiên tướng và 30 thiên binh. Từ đó, thiên đế là ông Già Ba Mụ và thiên địa là bà Già Ba Mị sinh đẻ ra người trần. Trong lịch sử nhân loại, những dạng thần thoại tương tự như trên, đầy mầu sắc tưởng tượng, ta được nghe kể hay được đọc từ các dân tộc thiểu số, lần đầu nghe có vẻ hoang đường. Thật ra thì những truyền thuyết ấy phản ảnh những quan niệm chung của các người tộc cổ. Trời đất coi có vẻ nhỏ bé, nhưng tác dụng của trí tưởng tượng chứa đựng chúng của loài người quả là vô biên.
Những sắc dân Bách Việt khác còn có vô số các thần thoại khác về sự tích nguồn gốc loài người. Thần thoại của các Việt tộc như Thái, Mèo (Hmông), Đô Long kể rằng Thiên Đế lấy đất sét nặn thành loài người. Dân tộc Ngoã kể rằng con người tạo sinh từ trong hang núi. Dân Ky Nặc cho rằng con người sinh ra từ trong trái bầu. Thần thoại người Đức Ngang kể rằng Thiên Đế thổi một trận cuồng phong làm tung bay 120 chiếc lá. Lá đực và lá cái tìm đến nhau để sinh sản thành các tộc người.
Cho dù các sự tích về nguồn gốc loài người có khác nhau thế nào đi nữa, nhưng các thần thoại này thường mang chung một số các "mẫu thức" (motif) giống nhau: một trận đại hồng thủy, sự lấy nhau (loạn luân) giữa đôi trai gái ruột thịt để duy trì nòi giống loài người vì không còn ai khác sống sót sau cơn đại hồng thủy, và loài người dùng nỏ bắn rớt mặt trời mặt trăng. Ý của ông Trời luôn luôn xem ra chấp nhận cuộc hôn phối này nhằm mục đích sinh sản ra loài người. Các truyền thuyết về nguồn gốc loài người này có lẽ là chứng tích cái ký ức mờ nhạt về tổ tiên loài người thời viễn cổ, chấp nhận hôn nhân cùng huyết thống trong các bầy đoàn người cổ ít ỏi, tản mác đi khắp nơi, vì mục đích sinh tồn nối giõi. Mẫu thức "loạn luân" giữa trai gái ruột thịt qua hôn nhân, cũng như những truyền thuyết khác về nguồn gốc loài người, quả rất cần cho các nghiên cứu dân tộc học.
Trong quá trình loài người khắc phục thiên nhiên, những chuyện như gieo trồng, cày cấy, chăn nuôi cũng là đề tài chính. Những tập đoàn người thái cổ không biết nguồn gốc của hạt mầm và cầm thú, nhưng dùng khả năng tưởng tượng, họ cho đấy là lộc của thần linh ban phát. Nên đến thời đại về sau, con người mới có tập tục lễ nghi cúng tế lúa gạo cho thần, cầu đảo khi đến vụ mùa. Nhưng nếu vị thần được cầu tế từ chối không cho ra hạt lúa thì sao? Tộc người Bố Lang (có thể do chữ Hán phiên âm từ tiếng Việt cổ Bố Làng) còn tương truyền một sự tích về nghề nông gián tiếp đưa ra lời lý giải: Ngày xưa khi thần Ba A Thiên không ban cho dân Bố Lang hạt giống và gia súc nữa thì ông vua Lục Bố Oa sai đàn kiến trắng đục thủng thành trì của thần Ba A Thiên, thần thua trận nên kiến trắng tha về chiến lợi phẩm hạt ngũ cốc, gia cầm và lục súc cho dân. Đàn bà vốn khôn khéo và cẩn thận nên được giao cho việc nuôi gà, còn đàn ông thì được cho chăn trâu bò. Đàn ông vốn dại dột và lơ đễnh nên ngày nọ trâu bò trốn mất vào rừng. Thế nên từ đó về sau đàn ông phải lãnh việc mang cung tên nỏ vào rừng săn thú.
Ý nghĩa cổ tích này cho ta biết dù con người trong xã hội nông nghiệp xin thần ban cho hạt lúa và gia súc, nhưng loài người cũng tìm kế đánh bại thần nếu không nhận được lời cầu xin. Ở đây ta thấy con người đã đủ lòng tự tin, muốn làm chủ được số phận mình trong cuộc tranh đấu giữa Con Người và Thiên Nhiên. Và thần linh là phóng ảnh của Thiên Nhiên.
Lạc Việt Trong Bách Việt
Dạng chữ Việt xưa nhất thấy chạm trên một mảnh gốm tìm được tại di chỉ văn hóa Đại Vấn Khẩu ở bán đảo Sơn Đông, tuổi khoảng năm hai ngàn trước công nguyên. Người ta đoán đây là một tước hiệu hoặc tên người.
Đến cuối đời nhà Thương, khoảng năm 1200 BC,thường thấy xuất hiện trên các dòng văn giáp cốt (chữ khắc trên xương hay mai rùa.) Theo học giả Nhật Shima Kumio, với sự tán đồng của học giả David Keightley (1983), đây là tên của một bộ tộc hay tên của một tù trưởng phía bắc nước Thương thời ấy. Còn theo Lefeuvre thì đây là tên người, một nhà vua tên Việt, và còn trích ra một câu cổ văn: "Đất của vua Việt". Thời bấy giờ Việt theo phe nhà Thương để chống lại các bộ lạc thiện chiến ở tận miền tây bắc. Khi nhà Tây Chu lên ngôi, rất hiếm khi nhắc đến nước Việt này. Chỉ đề cập vắn tắt một ông vua Việt ở vùng thuộc Hà Nam ngày nay. Thời về sau, sử sách có chép một nước Việt nhỏ vùng này
Hồi đầu thời Xuân Thu Chiến Quốc, tại phía nam sông Dương Tử, Việt là một nước hùng cường do Việt Câu Tiễn dựng nên tại Cối Kê (Chiết Giang). Nước này tồn tại từ thế kỷ thứ 7BC cho đến năm 337 BC
Vào đời Tần Hán (255 BC-221AD) tên "Việt" dùng để đặt cho các giống người Phi-Hoa, các sắc tộc đồng và dị sống ở toàn cõi miền tây nam đông nam Trung Quốc và Bắc bộ nước ta hiện nay, tên tiếp đầu ngữ để phân biệt mỗi dân tộc hoặc liên minh các bộ tộc như: Mân Việt, Điền Việt, Việt Tùy, Đông Việt, Âu Việt, Lạc Việt, La Việt (dân Xiêm La)… Vì sự đa chủng phúc tạp đó, nên đầu thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, chữ "Bách Việt" được dùng để gọi tên chung. Một thí dụ khác, chữ "Sơn Việt" đặt cho người sơn cước đông nam Trung Quốc, là một dân tộc anh dũng chống lại sự bành trướng của người Hoa suốt từ thế kỷ thứ 2 BC đến tận đời nhà Đường (618-907 AD). Tóm lại, tên "Việt" thời Chu-Hán chỉ chung toàn thể các giống người sống trên dãi đất bao la từ Giang Tô cho đến Bắc bộ nước ta. Khi nhà Tần thời Xuân Thu Chiến Quốc bành trướng về phương nam bằng cung kiếm thì cái tên "Việt" cũng đi theo. Như vậy, rõ ràng là tên "Việt" đó dùng để áp đặt cho các tộc người có nền văn hóa riêng sống ngay trên quê hương họ. Tên đó, chứ không phải tộc người đó, lan theo bước xâm lăng nam tiến. Cuối đời Tây Chu, "Dương Việt" là tên đặt cho bộ tộc mới ở ngang vùng trung du sông Dương Tử. Sang đến thời Chiến Quốc thì đã dừng ngang nước Chu. Đến đời Tần, thì chữ này đã xuống tận Lĩnh Nam. Đến nhà Hán thì đã ở tận Nhật Nam nước ta.
Đối với tộc người Hoa tự cho mình thượng đẳng, từ đời Xuân Thu Chiến Quốc đã coi mình là trung tâm vũ trụ, thì các giống mà họ áp đặt cái tên Việt là giống người man di, sống ngoài biên vực ánh sáng văn minh. Đến đời Tần Hán các tộc "Bách Việt" cũng bị xếp vào loài đó, tuy việc "giáo hóa cải tạo" bắt đầu tiến hành. Cuộc Nam tiến của tên "Việt" cứ tùy tiện đặt cho các tộc người ngoại chủng mà người Hán lần đầu chạm trán, dù các tộc đó khác nhau về nhân dáng, hệ ngôn ngữ, khác nhau về văn hóa vật chất và tinh thần, về cơ cấu xã hội… Riêng về dân tộc duy nhất còn giữ được tên Việt là nước ta ngày nay được chép rõ trong lịch sử.
Ông quan nhà Tần tên Triệu Đà thừa cơ loạn lạc thay ngôi đổi họ ở Hoa bắc, dùng vũ lực và kế ngoại giao dụ dỗ thôn tính các nước nhỏ ở bản địa, tự xưng đế, dựng nên một nước tên là "Nam Việt Quốc" trong đó có nước ta, chiếm đoạt từ nước Âu Lạc của Vua An Dương Vương. Trọng Thủy, con trai Triệu Đà, một nhân vật chính trong "Truyện Kim Qui" của Lĩnh Nam Chích Quái, là sự huyền thoại hóa lịch sử và con người có thật. Sử Tàu chép Triệu Đà truyền ngôi cho cháu đích tôn là Hồ, chứ không nhắc gì đến con trai là người mà sử Việt chép rõ tên Trọng Thủy, cho biết đã chết vì tự tử theo nàng Mỵ Châu tại Loa Thành. Năm 1983, mộ Văn Vương cháu Triệu Đà đã được tìm thấy tại núi Tượng Cang, Quảng Châu tức Phiên Phung đời nhà Triệu. Nhưng sửa cái sai về tên người chép trong sử: tên là Triệu Mạt chứ không phải Triệu Hồ. Riêng về mộ Triệu Đà, tương truyền Tôn Quyền, vua nước Ngô thời Tam Quốc (220-265 AD) đem vài ngàn tướng sĩ xuống phương nam sục sạo tìm mộ Triệu Đà để đoạt của báu. Năm 226 mộ Triệu Đà được đào lên tại núi Phiên Sơn, nhưng mộ trống rỗng. Có lẽ đã bị đào trộm trước đó, hoặc là mộ giả che mắt người đời sau. Vì sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc có chép tương truyền tại núi Võ Ninh (tức Tản Viên) ở An Nam có mộ Triệu Đà.
Chúng tôi tìm được một tư liệu rất quý về người con trai (Trọng Thủy) của Triệu Đà do Vương Dự Chi chép trong quyển Dư Địa Kỷ Thắng (năm 1849, đời Đạo Quang): mồ hoàng tử, con Triệu Đà, được binh lính nhà Ngô tìm thấy cùng năm 226AD có di hài liệm trong áo kết ngọc (giống Triệu Mạt năm 1983) cùng chôn theo 36 ấn vàng và nhiều đồ tế liệm quý báu.
Hồng Bàng, Dương Điểu, Chu Diên, Bạch Hạc, Chu Tước, Diên Hồng, Việt Điểu, Bạch Trĩ, Việt Trĩ… là những Biểu Hiệu Của Người Lạc Việt (Đông Sơn) và Bách Việt.
Hình ảnh con chim mặt trời (Dương Điểu) xuất hiện xưa nhất trong một nền văn hóa mà nay được các nhà khảo cổ học xem là khởi thủy văn hóa Bách Việt là văn hóa Lương Chử, được phát hiện năm 1936 tại Giang Tô phía nam sông Dương Tử. Một nền văn hóa cuối thời Đá Mới, tuổi cách nay từ 3900 năm đến 4900 năm. Di vật văn hóa Lương Chử để lại đa số mỹ thuật chạm ngọc chôn theo mồ táng, qua đó người ta suy ra đây là nền văn hóa xưa nhất Việt cổ, là dân tộc phát minh ra chữ viết, quan niệm trời tròn đất vuông qua hình dạng ngọc Bích và ngọc Tông, dân tộc biết trồng lúa nước, biết lễ nghi tế tự tôn giáo qua hình ảnh một vị thần (?) có đôi mắt thú, hoặc hình đầu lâu đội mão lông chim. Đặc biệt, văn hóa Lương Chử còn để lại số lượng hết sức phong phú các rìu (Việt) ngọc hình thang mài bén một cạnh, như một biểu hiệu của quân quyền, của chiến tranh giữa người với người, hay biểu tượng khí cụ của con người chinh phục thiên nhiên. Đặc biệt hình tròn ngọc bích có lổ ở trung tâm, chứng tỏ quan niệm cổ đại của Việt Lương Chữ là trời tròn, hình tròn tượng thành vòng tròn quĩ đạo mặt trời.
Chiếc ngọc Bích Lương Chử tại bảo tàng Mỹ Freer Gallery, một mặt chạm hình một con chim đậu trên một cái đế thờ có hình chiếc rìu vai, cạnh của vòng tròn ngọc Bích chia làm bốn phần đều nhau, cách khoảng đều nhau có hình hai chim hai cá bay và lội theo vòng kim đồng hồ (khác với hình chim trống đồng Đông Sơn bay ngược kim đồng hồ.) Chiếc ngọc Bích thứ hai tại viện Bảo Tàng Cố Cung ở Đài Loan, thì cạnh lại chạm hình ba con chim chia ba khoảng đều nhau, cũng bay vòng theo chiều kim đồng hồ. Người Việt cổ ở vùng Hoa Nam tin rằng chim là sứ giả của mặt trời và trên trời có rất nhiều mặt trời. Như đã chép trong thiên "Đại Hoàng Đông Kinh" của sách "Sơn Hải Kinh": "Mặt trời này biến đi thì mặt trời khác hiện ra."
Một "motif" đặc sắc khác chạm trên mặt chiếu ngọc Bích này là hình một con chim ngẩng đầu đậu trên một cây gậy, dưới đáy gậy có bốn hình tròn giống như trứng chim, làm nhớ lại thần thoại nguồn gốc con người từ trứng nở ra như chép ở thiên "Thượng Tụng" sách Thi Kinh, và thiên "Ân Bản Kỷ" sách Sử Ký, chuyện bà Âu Cơ đẻ trăm trứng của Việt Nam. Bên dưới những cái trứng đó là một bàn thờ "Dương Điểu" tức chim mặt trời. Chim bay xõa đôi cánh, đầu đội mão với hình mặt trời trên lưng chim. Chữ "Dương Điểu" thấy chép trong thiên "Vũ Cống" của Sử Ký của Tư Mã Thiên là loài chim vật tổ của các tộc Việt cổ ở hạ lưu sông Dương Tử. Có lẽ thừa hưởng di sản văn hóa của Lương Chử. Cũng như từ đời Ân, Thương có lẽ mượn thần tích này kể rằng tổ phụ của loài người sinh ra từ trứng chim Huyền Điểu, tức là một giống chim (đen) tượng trưng cho Phương Bắc (Huyền) đối lại Dương Điểu (chim mặt đỏ mặt trời phương nam.) Môn vũ trụ địa lý chép lại từ đời nhà Chu, sách Lễ Ký và Chu Lễ chia vũ trụ ra làm Thiên (trên) Địa (dưới đất) ở giữa (trung, là màu vàng) hướng bắc là màu đen (tượng trưng bằng con rùa đen, huyền vũ), hướng đông là màu xanh (tượng trưng con rồng xanh, thanh long), hướng tây màu trắng (tượng trưng con hổ trắng, bạch hổ), hướng nam là màu đỏ (con chim sẻ đỏ, chu tước). Nhà Hán khôi phục hoàn toàn lễ nghi, phong tục đời nhà Chu trong sự thiết lập nền cai trị nên trong hoàng thành kinh đô Tràng An thời Hán có xây bốn cổng: Huyền Vũ xoay về hướng bắc, Thanh Long về hướng đông, Bạch Hổ về hướng tây, Chu Tước về hướng nam. Các phái bộ các nước ngoại di vào triều cống phải đi qua một trong bốn cửa này để vào trung tâm triều đình, tùy phương hướng nước mình đến. Sử ta thường ghi các phái bộ trước ta đều phải đi cống qua cửa Chu Tước vào thời Hán, Đường, Tống…
Nhưng tại sao chim "Dương Điểu" kỳ vĩ lại biến thành con chim bé mọn yếu ớt "Chu Tước" là con chim se sẻ màu đỏ phương nam?
Truyện mở đầu sách Lĩnh Nam Chích Quái của dân tộc ta là truyện "Họ Hồng Bàng". Đây là truyện kể về Âu Cơ lấy Lạc Long Quân đẻ một trăm trứng, nở một trăm con. Con số này có lẽ biểu tượng trăm Việt (Bách Việt) vì sách kết truyện kết thúc bằng câu "Bách nam là thủy tổ của Bách Việt vậy." Cũng như nói về bờ cõi nước Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến Động Đình Hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (nay là nước Chiêm Thành). Các nhà chú giải đời xưa không hiểu biểu tượng ẩn dụ nên cho là hoang đường, nước Văn Lang đâu mà rộng lớn thế. Nhưng thật ra lời mô tả ấy đúng là địa bàn của trăm Việt (Bách Việt) chứ không phải Văn Lang.
Nếu ta để ý: Âu Cơ cùng năm mươi người con trai đóng đô ở Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc) và trong nước mười lăm bộ Văn Lang có bộ Chu Diên. Ở đây tác giả câu chuyện này đã lịch sử hóa thần thoại. Bạch Hạc (con cò trắng), Chu Diên (con diều đỏ) tuy lần đầu xuất hiện qua cái tên Hán Việt nhưng để chỉ một ý nghĩa biểu hiệu nào trước thời nhà Hán đô hộ? Chữ Chu Diên cũng lập lại cho biết là quê của Thi Sách, chồng Trưng Trắc trong truyện thứ 30 Trinh Linh Nhị Trưng Phu Nhân, trong LNCQ và cho biết Trưng Vương đóng đô ở thành Ô Diên (con diều đen). Tên các loài chim này là chứng tích văn tự biểu tượng nguồn gốc chim của Việt cổ.
Trước nay người ta không để ý cứ tưởng họ Hồng Bàng là tính danh thị tộc, tên người, nhưng thật ra phải hiểu nghĩa Hồng Bàng chính xác theo tự ngữ: là một loài chim lớn ở phương nam (nàu đỏ, hồng) như trong chữ chim đại bàng.
Như vậy họ Hồng Bàng có nghĩa là tộc người có biểu hiệu (emblem) con chim lớn của phương nam. Cũng có thể gọi đó là "to-tem" của người Việt cổ. Chữ Hồng Bàng có thể do người Việt thời ấy dùng chữ Hán để gọi tên giòng giống Việt, đó cũng là con diều đỏ (Chu Diên) là loài chim hùng mạnh nhất trong các loài chim, biểu tượng sức mạnh quân quyền, đồng nghĩa với "Diên Hồng" thời Lý Trần. Đối lại với chim "Bạch Hạc", con cò trắng hiền lành của sông nước đồng bằng nước Việt. Đó là những loài chim mặt trời "Dương Điểu" trong cổ thư Trung Hoa nói về giống Việt.
Người thời cổ có lẽ hiểu loài vật hơn chúng ta thời nay. Họ quan sát giống chim ưng, ó hay gọi là diều khi bắt mồi, chúng lựa ngày săn mồi có ánh nắng mặt trời để bay dưới bóng mặt trời, làm các con mồi dưới đất khi nhìn lên thì bị lóe mắt không thấy được kẻ bắt mình. Tâm thức người cổ liên kết hình ảnh con chim đó với mặt trời nên mới gọi là Dương Điểu, chim mặt trời.
Nhiều thần tích của các tộc Bách Việt, chắc cũng của người Lạc Việt thời đại Đông Sơn, coi chim mặt trời là đấng sáng tạo ra vũ trụ, mặt trời, mặt trăng và tinh tú. Như trong thần thoại người Mèo (H'Mong) tóm tắt như sau: "Thuở xưa, trên trời không mặt trời mặt trăng. Mặt đất bị bóng tối che phủ, suốt năm hơi lạnh bao trùm, chim Dương Điều tinh khôn tạo ra chín phiến đá và biến chúng ra thành chín mặt trời để tạo ánh sáng và nắng ấm. Rồi chim lấy tám phiến đá tạo ra tám mặt trăng. Rồi chim vận dụng hết sức để nâng treo chúng lên trời. Từ đó chín mặt trời tám mặt trăng liên hồi đuổi nhau trên bầu trời. Lần hồi, nắng của nhiều mặt trời nung nóng mặt đất, làm đồng nội núi rừng cỏ cây khô héo. Chỉ còn sống sót duy nhất một cây đay. Chim Dương Điểu bèn chặt lấy cây đay, lấy thân làm nỏ, lấy cành làm mũi tên, rồi ra sức bắn một loạt tên lên bầy mặt trời mặt trăng. Thoáng chốc hàng loạt các mặt trời mặt trăng rơi rụng vỡ tan như những chiếc dĩa vàng dĩa bạc. Chỉ còn lại một mặt trời một mặt trăng hoảng sợ vụt chạy trốn trong càc đám mây…"
Thần thoại tộc người Lô Lô, người Đô Long cũng có những "motif" con người lấy cung nỏ bắn rơi bớt mặt trời mặt trăng tương tự như thế. Ta nhớ lại cổ tích Việt "Nàng Hằng Nga, Chú Cuội (cái tên nôm hoàn toàn Việt) và chàng Hậu Nghệ là người cùng tên nỏ bắn hạ mặt trời…" trong truyện về rằm tháng tám. Ở đây ta lại thấy loài người sử dụng phương tiện do mình chế tạo (cung nỏ) để chế ngự thiên nhiên (mặt trời mặt trăng)
Ngày xưa, có loài chim "Trách Cô" sống rất nhiều tại bình nguyên sông Dương Tử, nhưng nhiều nhất là tại Lĩnh Nam. Qua hình ảnh biểu hiện và huyền thoại, chim Trách Cô là loài chim sợ sương tuyết, là loài chim thích bay về phía mặt trời ấm áp, "Trách Cô" được gọi là chim "Việt Trĩ" và đường bay của nó về hướng nam. Ngay đến tiếng kêu buồn bã của nó nghe ra như "về nam, bỏ bắc"
Còn tại Ấn Độ, chim này tên là Chakor hay Chikur (tức là chim đa đa) từ đó người Tàu phiên âm là Trách Cô, lại là loài chim uống ánh trăng (Pelliot, 231-232). Hình ảnh chim ánh trăng Ấn Độ này dường như ảnh hưởng lan sang tư duy của người Tàu xưa: nhưng từ ánh trăng đổi ra thành mặt trời. Đời sống chim Đa Đa này vận hành theo tuần hoàn mặt trời. Nó chỉ bay một lần vào đầu tháng giêng, còn ở yên trong tổ những tháng sau đó cho đến tháng cuối năm, bay ra 12 lần.
Lê Quí Đôn trích sách Quảng Đông Tân Ngữ của Khuất Đại Nguyên đời Thanh: "Chim Trách Cô tục gọi là chim Đa Đa, hay Gà Gô là loài chim trĩ." Theo mặt trời của nước Việt (Tùy Dương Việt Trĩ). Khi nó bay, tất theo hướng mặt trời, cứ mỗi lần bay của nó là theo số tháng thứ mấy. Như: tháng giêng nó chỉ bay một lần. Người miền núi cứ lần nó bay là tính tháng. Người ta hỏi tháng này là tháng thứ mấy, thì trả lời: "Chim Trách Cô đã bay mấy lần rồi" (LQĐ, 219).
Như thế những di ngữ tiền nhân để lại chúng ta, Việt: Hồng Bàng, Chu Diên, Bạch Hạc, Bạch Trĩ, Diên Hồng - Hán: Dương Điểu, Việt Điểu, Việt Trĩ, Chu Tước… chính xác là miêu tả biểu hiệu của nguồn gốc văn hóa những tộc Việt: chim phương nam. Riêng với người Việt chúng ta, đã tìm được nguồn gốc của mình qua những chiếc trống đồng báu vật với những đồ án chim bay quanh vòng quỷ đạo mặt trời (hay mặt trăng). Có lẽ giống như trong thần thoại Việt cổ mang tàn tích Đông Sơn: Chim đã tạo sinh ra vũ trụ, mặt trời, mặt trăng…
Đó chẳng phải là người Việt cổ thờ mặt trời, hoặc nhất định những con chim bay đó chẳng phải là chim ta thường quen gọi là chim Lạc. Từ nay ta phải gọi cho đúng tên những chiếc trống đồng Đông Sơn là: trống Hồng Bàng, trống Diên Hồng, trống Bạch Hạc, trống Chu Diên, trống Dương Điểu, trống Bạch Trĩ, trống Việt Điểu… "Sơn Hải Kinh" là sách địa lý chí xưa nhất viết từ thế kỷ thứ nhất đời nhà Hán nay còn truyền, chép về một nước hải ngoại ở phương nam tên gọi "Vũ Nhân Quốc" (Nước Người Lông Chim). Có phải đó là những người mặc trang phục lông chim trên trống đồng Đông Sơn? Trang phục này mặc bởi người nước lông chim có thể là kiểu "lễ phục" của ngày hội tưởng niệm quốc tổ "chim Hồng Bàng" của riêng người Lạc Việt. Vì hoạt cảnh người lông chim hoàn toàn không hề thấy qua các hình tượng đồng diễn tả sinh hoạt dân Điền Việt trên nắp thạp và trống đồng của văn hóa Điền tìm thấy ở Tấn Ninh, Vân nam
Chúng ta trở lại câu hỏi ở trên: thế thì tại sao đang là loài chim kỳ vĩ Hồng Bàng và dũng mãnh như Chu Diên lại trở thành một con chim Chu Tước se sẻ bé nhỏ tầm thường?
Đó là chứng tích lưu lại tự ngàn xưa cái tâm địa cậy mạnh hiếp yếu của Đại Hán. Qua sử liệu, ta biết rằng Mã Viện và Gia Cát Lượng đi tịch thu trống đồng cốt để hủy diệt nguồn cội tâm linh của nòi giống Việt diễn tả trên mặt trống đồng, rồi từ chim thần tổ Hồng Bàng hạ giá thành loài se sẻ Chu Tước tầm thường trong văn hóa của kẻ thống trị.
Đó cũng để trả lời câu hỏi: "không biết vì sao người Nam bỏ tiền ra rất mắc mua trống đồng cổ đem chôn vào núi" của một tác giả phương bắc đời xưa.
Thanh Gươm Ngọc Của Hùng Vương?
Với một hiệu quả chừng mực nào đó, khai quật khảo cổ học là truy tìm trong các tầng đất văn hóa để vén tấm màn huyền thoại che lấp cốt lõi dấu vết thực của con người quá khứ. Cũng có nghĩa là giải ảo cho lịch sử.
Dỡ những trang đầu văn sử nước ta thời lịch sử còn ở trong bóng tối của đêm dài mông muội, ẩn hiện thấp thoáng là hình bóng huyền thoại: Sách Việt Sử Lược chép về ông Hoàng Đế cổ đại Trung Hoa cho rằng Giao Chỉ còn ở ngoài cõi Bách Việt xa xôi, không thể thống thuộc được, bèn phân giới hạn ở cõi tây nam, có 15 bộ lạc… Còn Sách Lĩnh Nam Chích Quái như thể lịch sử hóa thần thoại về gốc tích Hùng Vương: là cháu vua Xích Quỹ Quốc Kinh Dương Vương, là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, nở ra từ một trăm trứng.
Tại quê hương được xem là của các vua Hùng, trong thập niên 60 của thế kỷ trước các nhà khảo cổ Việt Nam đã tìm ra được di chỉ văn hóa Phùng Nguyên là tên một thôn tại xã Kinh Kệ, Phong Châu. Các di tích kiểu Phùng Nguyên phân bố tập trung trong khu vực ven sông Hồng, sông Thao, sông Đà, sông Đáy nằm giữa hai dãy núi Ba Vì và Tam Đảo. Đây là vùng mà các sách cũ gọi là đất Phong Châu hay Văn Lang. Người dân các làng xã ở đây còn giữ nhiều truyền thuyết thời Hùng Vương, tự nhận mình là con cháu các vua Hùng.
Khi khai quật các ngôi mộ có chôn theo hiện vật ở xóm Rền, Khu Đường và đặc biệt ở Lũng Hòa, có chôn theo rìu đá, bàn mài, dọi se sợi, vòng, khoen trang sức, bình bát, chạc gốm… chứng tỏ thời ấy người Việt cổ đã có quan niệm khi chết đi con người vẫn sinh hoạt ở cõi âm giống như thời còn sống. Văn hóa Phùng Nguyên có niên đại 4000-4500 năm trước.
Tại Lũng Hòa, người ta đã tìm được 12 mồ táng, đào thật sâu 5.2m, và có lót chèn thân cây. Đặc biệt tại mộ số 9, tìm được hiện vật một binh khí hình cái qua bằng đá ngọc, hình dáng rất giống chiếc qua ngọc tìm được tại di chỉ Phúc Tân xứ Phiên Ngung cũ, tức Quảng Châu nay. Tương tự như thế, đây là thể loại qua ngọc tìm thấy rất dồi dào, hình dạng kích thước lớn hơn tại di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi ở Tứ Xuyên (Ba Thục) mà chủ nhân của nó có giao tiếp với các di chỉ văn hóa cuối đời nhà Thương tại thung lũng sông Hoàng Hà, bắc Trung Hoa, nơi đây lưu lại rất nhiều hình dạng loại qua này,bằng ngọc và đồng. Nhà khảo cổ học Murrowchick (1989) cho rằng sự hiện hữu của các hiện vật đồng thời đại như vậy, có nguồn gốc không phải chế tác tại bản địa, mà nhập vào từ những cuộc trao đổi với phương xa, di chứng chiếc qua đá ngọc Lũng Hòa. Nhưng đây không phải hiện vật duy nhất chứng minh có sự giao tiếp giữa văn hóa Phùng Nguyên Việt Nam và đời nhà Thương Trung Hoa. Nhà khảo cổ học Việt Nam Hà Văn Tấn (1993) mô tả một số cái gươm bằng ngọc, mà người Hán gọi là "Nha Chương" (kiếm ngọc có chạm hình răng) hoặc "Nghi Trượng" (chiếc kiếm lễ nghi) tìm được tại di chỉ thôn Phùng Nguyên và xóm Rền. Những thanh gươm ngọc này có kiểu thức và chất liệu y hệt các kiểu tìm được tại vùng tam giác Chu Giang, tại ba di chỉ thuộc Tam Tinh Đôi (Tứ Xuyên), Nhị Lí Đầu (trung lưu sông Hoàng Hà) và vùng kinh đô cuối thời nhà Thương, và chắc chắn nhập vào từ văn hóa thung lũng sông Hoàng Hà (Tang Chung 1994). Sự xác định niên đại bằng carbon 14 của ba vùng này trùng hợp với di chỉ Phùng Nguyên.
Tuổi từ 4000- 4500 năm trước.
Trong sách Việt Tuyệt Thư có chép cuộc đối thoại giữa Phong Hồ Tử và vua Chu Vương, cho biết: "thời Hoàng Đế có làm ra ngọc binh khí". Có lẽ các hiện vật ngọc binh khí này làm ra từ thời đại đó. Ngọc qua và ngọc Nha Chương tìm được tại đất Phong Châu cũ của các vua Hùng, và đây là các hiện vật dành cho các bậc quân trưởng, tượng trưng cho quyền uy thủ lĩnh. Niên đại văn hóa Phùng Nguyên và các hiện vật ngọc khí này trùng với niên đại 4000 năm mà người Việt ta thường gọi là "lịch sử 4000 năm văn hiến".
Như thế chiếc qua và thanh gươm ngọc này là báu vật tượng trưng cho thời đại hình thành dân tộc Việt, có lẽ chủ nhân của chúng là vị quân trưởng có thật, mà huyền thoại hay lịch sử gọi là Hùng Vương?
Phan Quốc Sơn
Gửi ý kiến của bạn