Hôm nay,  

82. Nhà Từ Đường

11/05/201521:50:00(Xem: 13325)
Nhà Văn. Nhà giáo. Nhà Báo. Và...

NHÀ TỪ ĐƯỜNG

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Nhà văn, nhà giáo, nhà bao Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 7-7-137 tại Khánh Hoà.

Là nhà văn miền Nam, ông có hơn 10 tác phẩm đã in và được yêu mến. Ông cũng là Tổng Thư Ký tạp chí Văn tại Saigon, rồi Chủ nhiệm chủ bút tạp chí Văn tại Hoa Kỳ.

Là nha giáo, tại Saigon ông dạy triết tại Petrus Ký; Tại Hoa Kỳ, ông từng giảng vềvăn học Việt tại UC of Berkeley.

Là nhà báo, ông từng là Tổng thư ký nhật báo Người Việt ở Westminster; Tông thư ký tuần báo Việt Mercury News tại San Joe; Sau đó ông chủ trương báo Việt Tribune.

Sau một thời gian định cư tại San Jose, ông qua đời tại đây vào lúc 10:50 phút sáng thứ Bảy, ngày 13 tháng 9 năm 2014.

Hình bên: Bìa sách in tại Hoa Kỳ, nhà văn đẹp trai, và ông nhà báo chống gậy ở với nghề cho tới giờ cuối.

Trân Trọng Tưởng Nhớ.

Việt báo xuân 2015
Tôi trở về Nhà Từ Đường sau 15 năm đi xa. Thật ra con số 15 năm là không đúng. Nó chỉ đúng tính theo ngày tôi bỏ nước ra đi, chứ không đúng tính đến ngày tôi trở lại Nhà. Hồi còn ở trong nước chẳng mấy khi tôi lên ngôi Nhà Chung này.

Tôi thấy mình lúc nào cũng bị cái hiện tại lôi cuốn. Học hành, thi cử, bạn bè, nghề nghiệp, chiến tranh, tình yêu...

Hết Đà Lạt rồi Sài Gòn. Giữa hai thành phố ấy còn có Huế, Cần Thơ, Nha Trang, Mỹ Tho... Rạch Giá, U Minh, Long An, Biên Hòa... Trong cái mớ chằng chịt về con người và địa danh ấy, tôi thấy mình như một kẻ bị quấn cuốn giữa những chiếc vòi của con bạch tuộc.

A, anh hỏi tôi chuyện chiến tranh hả? Chiến tranh?

Ừ, thời của tôi ai mà chẳng bị chiến tranh chi phối.

Tuổi tôi chỉ là tuổi bản lề, thời của ông anh tôi là một cuộc chiến, và thời kề cận tôi là tiếp tục một cuộc chiến sắp tàn. Tuổi trẻ tôi cũng thở cái không khí sặc sụa mùi tử khí. May sao, thế hệ kế đó vừa mặc bộ treillis vào người thì chiến tranh cũng vừa kịp kết thúc. Anh nói anh không biết chiến tranh hả? Năm nay anh bao nhiêu rồi?

Mới hai mươi bảy à?

Phải. Anh nói anh mới hai mươi bảy, có nghĩa là anh quá trẻ để biết cuộc chiến Việt Nam.

Năm bằng tuổi anh, mặc dù không ra mặt trận như các bạn cùng lứa, tôi cũng đã biết thế nào là tù tội rồi.

Viết một truyện ngắn cho báo Vấn Đề của ông Vũ Khắc Khoan, tôi bị ra tòa vì đã ghi lại lời trong ca khúc Bà Mẹ Gio Linh của ông Phạm Duy. Anh nói lúc mẹ bế anh xuống tàu ở Bến Chương Dương, anh chưa đầy tháng tuổi phải không?

-Ừ. Tuổi ấy thì biết gì?

Nhưng anh có biết là anh đã chào đời trong những giây phút của một cuộc chiến sắp tàn chứ vẫn chưa tàn không?

Anh có biết là mẹ anh bế anh chạy trong khi ven đô súng còn nổ và cả thành phố Sài Gòn chìm trong cơn hỗn loạn không?

Còn bây giờ?

Trên cái đất nước tưởng là yên ổn này, hải đảo của hòa bình, thiên đàng của hoan lạc, có thật là chúng ta đang đứng bên ngoài cuộc chiến không? Sau cái vụ 911, nước Mỹ có thật sự bình yên không?

Còn tình hình Trung Đông hiện nay, vùng đất ngày nào cũng khét nghẹt thuốc súng, ngày nào cũng có khủng bố và người chết.

Và Iraq? Và bán đảo Triều Tiên? Và trước đó không lâu là A Phú Hãn. Liệu nước Mỹ có tấn công Iraq không?

Liệu nước Mỹ có còn bị khủng bố chơi những đòn nặng như vụ Tháp-Đôi 911 ở New York nữa hay không?

Và liệu rồi đây con cái của anh có phải ra trận không?

Chiến tranh là ngu dốt. Nhưng liệu khi người ta muốn hòa bình thì có hòa bình được không?

Có lẽ, không một người Việt Nam nào không có kinh nghiệm về chiến tranh. Người Sài Gòn hay người Hà Nội có chiến tranh theo cách riêng của họ. Những cuộc xuống đường. Những trái hỏa châu chiếu sáng khu ngoại ô hằng đêm. Lựu đạn cay trên đường phố. Mìn nổ ở một quán ăn. Bom phá sập một cao ốc. Và Hà Nội những ngày hoảng hốt vì bom Mỹ. Những lo sợ của người dân trước cuộc chiến leo thang.

Đường mòn Hồ Chí Minh. Đường Trường Sơn "ào ào lá đổ"... "Lấy chồng đời chiến chinh mấy người đi trở lại?" Hoặc "Em hỏi anh bao giờ trở lại?

Anh trả lời mai mốt anh về!...

Anh trở về bằng chiếc băng-ca trên trực thăng sơn màu tang trắng..."

Thật ra chưa cần nhích chân ra khỏi vòng đai thành phố người ta cũng đã biết được thế nào là khói lửa và súng đạn.

Mới năm tuổi, tôi đã biết thế nào là chiến tranh. Những người lính Nhật đã trói Cha tôi bắt ông đi đâu mất.

Má tôi bồng em tôi đi tìm chồng. Anh tôi đã vào rừng đi kháng chiến. Tôi đi suốt từ căn nhà này đến căn nhà khác gõ cửa tìm mẹ và xin ăn. Đôi khi người ta cho ăn (đôi khi người ta đuổi đi)...

Mỗi ngày tôi đi xa vào các làng quê. Tôi có khóc nhiều không lúc đó? Chiến tranh chỉ có chết chóc và đói khổ.

Người ta đói khổ đã nhiều, người ta không muốn gánh thêm một miệng ăn và nỗi khổ nào nữa, dù rất nhỏ.

Hãy tưởng tượng một đứa bé 5 tuổi đi bơ vơ trong một vùng khô cằn, nhà cửa thưa thớt, và chiến tranh đi qua những xác người...

Hãy tưởng tượng năm tôi vừa 5 tuổi bụng luôn luôn đói và không một người thân. Hãy tưởng tượng...

Trong một cuộc hành quân của lính Pháp, một người lính Lê-dương già nhặt được tôi ở một mép rừng mang về nuôi.

Đó là thời gian tôi có gần với súng đạn và chết chóc hơn, bởi vì cha nuôi tôi mà tôi gọi là papa Chopin là một sĩ quan phụ trách vũ khí và cả bataillon luôn luôn di động.

Cho đến ngày ông chết trong một trận phục kích, tôi lại bơ vơ. May sao, một người thông ngôn giúp tôi tìm lại được gia đình. Một cuộc trùng phùng đầy nước mắt. Má tôi ôm tôi khóc rấm rức. "Má tưởng không bao giờ gặp lại con". Mái tóc bà có những sợi bạc. Hai gò má hóp. Hai đứa em gái tôi ngồi hai bên cũng khóc.

Sao hồi đó tôi không khóc, tôi nhớ như vậy! Đôi mắt má tôi luôn nheo lại, như lúc nào cũng cười, nhưng là một nụ cười buồn bã, và cái dáng đi của má sao mà tất bật, vất vả.

Quê má tôi xa hơn quê cha tôi nhiều. Đó là khoảng cách của hai thành phố. Hai ngọn đèo.

Hai dân tộc. Tại sao hai dân tộc?

Dì tôi bà chị của má tôi, như những người Hoa trong vùng cắt tóc bôm-bê nói tiếng Hoa và ở trong ngôi nhà gạch rộng thuộc loại dư ăn dư để trong cái thị trấn heo hút nghèo nàn.

Anh Bảy, con dì tôi, cao lớn khỏe mạnh, tóc quăn, có một chiếc răng vàng, làm chủ một tiệm chạp phô, nói tiếng Việt bằng cái giọng lơ lớ.

Thỉnh thoảng, tôi nghe anh nói tiếng Hoa với má tôi, thứ tiếng mà bà không bao giờ nói với các con một lần nào.

Tôi trở về gặp mẹ, nhưng không gặp Cha. Cha tôi ở đâu?

Bà nói suốt mấy năm nay, ông đã đi tìm tôi và giờ đây, ông đang ở trong một căn chòi dưới chân Hòn Lớn, một ngọn núi khá cao, cách xa nhà cả một ngày đường.

Anh tôi thời đó như những thanh niên cùng lứa tuổi đã vào chiến khu chống Pháp.

Và mãi đến khi ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống cha tôi mới xuống đồng bằng.

Và anh tôi, một buổi sáng cả nhà hay tin anh vừa bị bắt đi Thủ Đức. Nhiều năm sau tôi rời Nha Trang vào Sài Gòn học tiếp...

Chiến tranh có lúc như lắng xuống, nhưng có lúc ồ ạt...

Chiến tranh là không khí của thành phố, chiến trận là không khí của thôn quê. Bạn tôi, nhiều đứa hôm trước còn ngồi với tôi nói nói cười cười, tháng sau, tuần sau, hôm sau đã không còn thấy mặt nữa, không bao giờ trở về nữa.

rở về Việt Nam sau 15 năm, tôi quyết định trở lại nhà Từ Đường.

Tại sao à? Bởi vì giờ đây, mộ cha tôi, và mộ anh tôi đã dời về đó. Hai ngôi mộ song đôi, nằm giữa một vườn cây xanh lá.

Việt báo xuân 2015
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng-Trương Gia Diệu Trữ

Trong một buổi sáng tháng Tám nắng vừa lên, tôi ngồi bên mộ Cha và Anh, nghe tiếng chim hót trong bụi cây, tưởng như thấy lại khuôn mặt khắc khổ của Cha, cái vẻ lặng lẽ lầm lì suốt ngày không nói một lời của ông. Và khi ông phải nói, tôi nghe rõ cái âm thanh sấm sét mang theo hơi rượu nồng nặc từ miệng ông phả ra trong cơn bùng nổ của một hỏa diệm sơn.

Tôi cũng thấy lại anh tôi, người đàn ông to lớn, khỏe mạnh, cười to, ăn mạnh, nói lớn, lúc nào cũng giam chật trong bộ quần áo trận. Một người đàn ông khỏe mạnh và quyết liệt, nhưng cũng tình cảm và lãng mạn biết là chừng nào. Anh yêu những người lính của anh như anh yêu gia đình mình.

Và anh yêu những người nghèo khổ khốn cùng như anh yêu chính bản thân anh. Tôi chưa thấy ai có một trái tim phóng khoáng và quảng đại như anh. Ba đứa em của anh, không một đứa nào có được một chút lòng quảng đại và tính lãng mạn của anh.

Mộ Anh nằm cạnh mộ Cha, dưới bóng mát của những tàng cây chôm chôm. Đứa con trai lớn của anh từ trại tù cải tạo về, được nhà nước báo cho biết khu nghĩa trang trên lưng một ngọn đồi gần đèo Rù Rì phải giải tỏa, đã mang hài cốt ba cháu về chôn cạnh mộ ông nội trong vườn Nhà Từ Đường.

Còn hài cốt má, vốn được chôn cất cạnh bên đứa con trai, sau cùng theo ý nguyện của bà phải đưa về Ninh Hòa để nằm bên cạnh những người chị em của bà. Khi sống cha và má tôi là hai người khắc khẩu, và lúc ra đi, mỗi người trở lại với nơi chốn riêng của mình.

Sau 15 năm trở lại ngôi Nhà Từ Đường, thăm lại mộ Cha và mộ Anh, tôi mới nhìn ra cái ngôi nhà đầy ánh nắng, lúc nào cũng ấm tiếng cười kia nay sao mà lạnh lẽo!

Chiến tranh đâu còn nữa. Nhưng cái gì làm cho ngôi nhà kia âm u, khu vườn cây ăn trái kia trở nên buồn bã?

Ngôi Nhà Từ Đường ấy, mặc dù vẫn còn cái sân tráng xi-măng nằm dưới dàn cây thanh long, và vườn sau nhà là những cây mãng cầu Xiêm, cam và bưởi, tôi nhìn thấy nó đang xuống cấp. Cái vẻ lạnh lùng và ảm đạm của ngôi nhà quạnh hiu không còn chút sức sống như thân thể của một người già máu đã rút dần ra khỏi thân xác, chờ ngày chia tay...

Ông chú bà thiếm tôi cũng đã ra đi. Những người con của chú thiếm cũng đã người ở Úc, người ở Pháp.

Ngôi nhà bây giờ trao lại cho hai vợ chồng người cháu gái, người phụ nữ trẻ đứng trước mặt tôi phải nhắc mãi tôi mới nhớ ra ngày xưa chị chính là con bé tóc ngắn, mặt mũi trắng trẻo xinh đẹp đứng thập thò bên chại nước mưa hái cho tôi những chùm chôm chôm.

Chiến tranh Việt Nam đã qua rồi.

(Qua thật chưa?)

Cha tôi nếu còn sống, chắc thuốc lá và rượu cũng sẽ giết ông. Và anh tôi, một người cương trực, ghét sự ác, yêu cái thiện, người tranh đấu không hề mỏi mệt cho những bất công xã hội.

Và một con người như thế vốn là một sinh vật hiếm hoi trong thế giới loài người.

Này anh bạn, anh có bao giờ nhìn thấy cảnh một chiếc cối xay nước to tưới cho cả một cánh đồng chưa? Chưa bao giờ thấy à? Nếu anh có dịp xem phim Chúng Tôi Muốn Sống anh sẽ thấy cối xay nước đó. Nó nằm trên thửa ruộng thuộc Nhà Từ Đường của dòng họ nhà tôi.

Từ thành phố Nha Trang, muốn lên Nhà Từ Đường của họ nhà tôi nếu đi xe đò, cũng phải mất cả tiếng đồng hồ.

Xe bỏ anh ở một góc đường đầy ổ gà và bụi. Anh phải xuống xe đi bộ một quãng nữa.

Băng qua những bờ ruộng và sau cùng là một con đường mòn nhỏ giữa những hàng rào, những bụi cây. Tốt nhất là anh nên đi xe gắn máy hay xe đạp.

Hồi trước, người trông coi Nhà Từ Đường là chút hiếm tôi. Ông là một người đàn ông nho nhã, khuôn mặt trắng hồng, môi đỏ, dáng dấp nhẹ nhàng như một thầy đồ; còn bà thiếm tôi là một phụ nữ cao lớn, da ngâm đen, khuôn mặt có những nét thô cứng.

Bà có vẻ khó tính, nhưng là một phụ nữ tốt bụng và quán xuyến.

Tôi có cảm tưởng tất cả chuyện trong nhà ngoài ngõ đều do một bàn tay bà. Ngôi Nhà Từ Đường ba gian. Những cây cột to lên nước đen bóng. Mái ngói đỏ, cửa lớn rộng, chạm trổ những hoa văn kỳ lạ. Có lần chú bảo tôi, lẽ ra cha mày phải là người trông coi Nhà Từ Đường, nhưng ổng đã không làm công việc đó.

Chú không nói cha tôi bỏ làng ra đi từ hồi nào?

Ông giang hồ bốn phương tám hướng, trong làng từ lâu không ai nghe tên ông. Ông quen má tôi và cưới bà trong trường hợp nào, và tại sao ông không đưa bà về quê, không ai trong nhà biết chuyện đó.

Tôi tưởng tượng ra cảnh một người đàn ông giang hồ, một hôm lạc vào một thị trấn nhỏ, gặp cô thiếu nữ xinh đẹp con một nhà buôn người Hoa, anh chàng phải lòng nàng dừng chân ở lại. Nhà gái chắc là không ưng chàng rể vì nó là người Ố-Nàm, và đặc biệt nó không có vẻ gì là con nhà làm ăn buôn bán.

Chắc má tôi phải yêu lắm sự ngang tàng của ông mới chịu lấy ông. Và bên ngoại tôi chắc cũng không cho của hồi môn. Chúng mày yêu nhau thì ráng mà sống với nhau như thế cho biết đá biết vàng. Như thế cha tôi không đưa má tôi về Nhà Từ Đường.

Chắc má tôi phải yêu lắm sự ngang tàng của ông mới chịu lấy ông. Và bên ngoại tôi chắc cũng không cho của hồi môn.

Chúng mày yêu nhau thì ráng mà sống với nhau như thế cho biết đá biết vàng. Như thế cha tôi không đưa má tôi về Nhà Từ Đường.

Hai người quyết sống với nhau như thế bất cần mọi thứ trên đời coi có chết con giáp nào không. Không ai nói cha tôi là con một ông Kinh lược của triều đình.

Cũng không ai nói với tôi rằng má tôi là con một chức sắc ngoại giao người Bắc Kinh làm việc ở Luân Đôn, vì đâu lưu lạc đến một vùng quê nghèo khổ nhất miền Trung Việt Nam làm ăn buôn bán?

Phải chăng đó chỉ là một câu chuyện hoang tưởng do cái đầu óc không được khỏe mạnh của tôi bịa đặt ra.

Mười lăm năm sau ngày ra khỏi nước, tôi trở lại thăm nhà, thăm lại khu vườn nơi chôn cất cha tôi và anh tôi.

Hai ngôi mộ nằm sát nhau, được xây cất rất sơ sài. Vôi hồ gạch đã vữa nát. Đất giữa mộ đã chìm xuống, lá cây rơi ngập, úa nhão nhớp nhúa không ai dọn dẹp. Những dòng chữ trên mộ bia màu đỏ kia đã phai.

Tôi đọc được ngày sanh ngày mất của Cha và Anh. Tôi tưởng tượng mỗi ngày Cha và Anh trò chuyện với nhau như hai người bạn. Có lẽ Anh sẽ là người được Cha tâm sự nhiều nhất. Anh là người biết rõ mối tình của Cha, biết rõ người phụ nữ xinh đẹp gốc Hoa kia vì sao chịu lấy một anh chàng Việt Nam không một đồng xu dính túi, đi lang thang như một tên du thủ du thực, không ngày mai.

Và tôi tưởng tượng một ngày nào đó khi tôi ra đi, liệu tôi có được một chỗ bên cạnh cha và anh tôi không? Thật ra tôi có được cái quyền ấy không? Khi người ta không làm được điều chi tốt đẹp trong cuộc sống, người ta không thể đòi cuộc sống một điều chi hết. Khi người ta không nợ nần nhau, người ta không phải trả.

Mười lăm năm sau khi ra khỏi Việt Nam, tôi đã trở về thăm lại ngôi nhà xưa, ngôi nhà mà lẽ ra cha tôi phải ngồi đó thay mặt cho cả một dòng họ, nhưng ông đã bỏ đi giang hồ khi ông vừa mới lớn.

Ông đã xuống tàu viễn dương đi khắp năm châu bốn bể như một thủy thủ, đã sống ở Pháp những năm của tuổi trẻ, đã có con với một người phụ nữ bản xứ, đã đi lính Pháp, đã bị Nhật bắt, đã vào rừng sống như một Lỗ Bình Sơn thời chiến, đã yêu một phụ nữ Trung Hoa, đã đẻ ra một bầy con, và sau cùng đã trở về ngôi nhà của tổ tiên khi hai tay ông đã buông xuôi...

Mười lăm năm sau ngày ra khỏi nước, tôi quay trở về như một người xa lạ. Thành phố tôi đã ở thời tuổi nhỏ như nhỏ lại, những con đường quen đã xa lạ, tiếng sóng biển vọng lại âm thanh đều đặn kỳ quái của một vùng biển chết nào.

Bãi cát không còn cái màu của thời tôi mới lớn và rừng dương đã bị xóa khỏi bản đồ của trái tim.

Tôi nhớ những trận mưa bão thổi mù trời, nước dội xuống ngập thành phố, những hàng cây trụ điện gẫy gục, và sóng biển thổi táp lên tận nhà hàng Frégate, nơi có cô bé đầm lai tên Odette chờ tôi mỗi khi tan lớp ra về.

Tôi nhớ bà dì của bạn T.T.L. người thường xuyên cho tôi được đến nhà hàng của dì "ăn cho bõ những ngày cơ cực". Tôi nhớ tôi là đứa học trò không có sách cầm tay, đi lang thang từ nhà ông chú này đến nhà bà cô khác. Ngồi ăn một mình dưới ngọn đèn điện tối ám hơn cả ngọn nến leo lắt nhất của ai đốt trên ngôi mộ nghĩa địa.

Tôi là một đứa trẻ lớn lên không có tình yêu. Và tôi hiểu tại sao tôi yêu tất cả mọi người, kể cả những người không yêu tôi.

Mười lăm năm sau trở lại thăm thành phố, nơi đã nhìn tôi lớn lên như một thứ cỏ cây, tôi muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao tôi đã không đập phá nổi loạn thời gian đó?

Tại sao tôi đã không nắm dao đâm thẳng vào những kẻ quyền thế hà hiếp kẻ khốn cùng? Tại sao tôi đã không cầm súng lia vào cái đám hãnh tiến khốn nạn vẫn thường vênh váo, dửng dưng trước nỗi đau của người khác?

Tại sao tôi đã không cho nổ tan xác cái bọn phè phỡn trong khi những bà mẹ những bà chị những người em còng lưng trên những gánh hàng rong suốt ngày, suốt đêm, suốt đời vẫn không đủ tiền nuôi nổi một miệng ăn...

Tại sao tôi đã không là một tên du đãng?

Mười lăm năm sau ngày ra đi khỏi nước, tôi trở về nhìn lại biển xưa thấy không còn lại chút dấu vết nào của những ngày trốn học, những buổi trưa hạnh phúc nằm trên bãi cát, gối đầu lên hai cánh tay, đắp mặt bằng cành lá dừa, ngủ một giấc chờ đến giờ tan học lủi thủi trở về... Trở về nhưng không biết về đâu. Nhà ông chú hay nhà bà cô. Và ngôi nhà nào sẽ mở cửa cho tôi bước chân vào?

Mười lăm năm sau trở lại Nha Trang thăm lại người Thầy cũ, tác giả Le Fils de la Baleine, người Thầy mà tôi từng mơ ước được một lần ngồi xuống hỏi ông rằng "làm cách nào con có thể đừng chán sống mỗi phút mỗi giây, làm cách nào con có thể ném tất cả mọi thứ phù phiếm để sống như một con người không bị cây kim đồng hồ níu kéo, làm thế nào để cái không gian không ngự trị trên suy nghĩ của mình, làm thế nào để sống mà như đã chết rồi?"

Căn nhà của Thầy Cung Giũ Nguyên nằm trên con đường nhiều bóng tối, lởm chởm sỏi đá. Thầy già và gầy đi rất nhiều. Phòng khách lạnh, trơ trụi. Nhưng phòng làm việc của Thầy với chiếc computer thời hiện đại là bằng chứng của một tinh thần vẫn còn khỏe mạnh.

Cuốn tiểu thuyết viết bằng Pháp ngữ Le Boujoum* của ông do Trương Vũ tặng tôi mới đây là câu trả lời rất thuyết phục.

Mười lăm năm sau trở lại quê hương, tôi thấy mình giống như một du khách, mặc dù trái tim tôi không ngừng đập về một cơn gió của mùa Thu cũ đang chạy trên con đường xưa kia tôi đã từng đi.

Nhà Từ Đường của tôi không còn sáng dưới ánh nắng màu vàng ấm mà tôi mơ tưởng khi còn ngồi trên máy bay cất cánh từ thành phố San Jose, hình dung khi vừa bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất, hồi hộp khi bước đi trên con lộ dẫn qua hàng rào dâm bụt ngày xưa...

Tôi đã trở về một nơi không ai nhìn ra tôi.

Nguyễn Xuân Hoàng

* Nhân tình thế thái (1931), Nợ văn chương (1934) hay Kẻ thừa tự của ông Nam Hải (Le Fils de laBaleine) (1956).

*Tiểu thuyết Le Boujoum được viết bằng tiếng Pháp, bản thảo hoàn tất năm 1980, nhưng đến năm 2002 mới được chính thức xuất bản tại Texas-Hoa Kỳ, do Cunggiunguyen Center ấn hành. Năm 1994, tác phẩm được chính tác giả chuyển ngữ dưới nhan đề Thái huyền, nhưng bản Việt ngữ này chỉ dừng lại ở phần I của tiểu thuyết.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.