Hôm nay,  

179. Tôi Biết Mùi

11/05/201523:23:00(Xem: 13846)
Chúc mừng năm Mùi

TÔI BIẾT MÙI

PHAN

Có lẽ chữ "Qúy Mùi" đầu tiên tôi biết là lúc còn chạy rông trong xóm kiếm bạn chơi đã nghe máy hát của nhà hàng xóm hát ra rả. "mười hai con giáp em đây cầm tinh qúy mùi..." tới chừng được thấy nghệ sĩ Hùng Cường trên tivi hào hoa phong nhã, và nét nhí nhảnh của Mai Lệ Huyền thì tôi nhớ mãi con gái tuổi qúy mùi là vậy đó! Nhưng vậy đó là vậy đó, là tôi lớn lên thì cô Mai... đã cổ thụ! Tôi chỉ giữ lại sự nhí nhảnh rất dễ thương của lão Mai ngày xưa để thấy con gái nhí nhảnh là khoái. Cho tới hôm trúng gió vì đá banh, tắm sông suốt ngày. Lúc tỉnh lại thì tôi lại sợ con nhỏ nhí nhảnh nhất xóm vì nó cứ cà tưng, nhảy múa suốt trong cơn sốt làm tôi muốn điên!

Việt báo xuân 2015Qúy mùi thôi hết nhí nhảnh nên tôi hiểu qúy là qúy hiếm, mùi là thịt dê. Nghĩa là một loại thịt ngon, (mồi bắt) vừa lúc biết uống bia.

Bắt đầu từ cư xá Lữ gia, cứ chiều chiều đá banh với đám Bách khoa, Kinh tế, Kiến trúc, Sư phạm... ở sân Phú Thọ, tới trời xụp tối thì anh em hùn hạp vô Lâm Ký trong cư xá Lữ gia. Chẳng biết ông Tàu đó có phép thuật gì mà chiều nào cũng vét sạch những đồng tiền ít ỏi của chúng tôi. Cái lẩu dê thì thơm mùi thuốc bắc, toàn thịt đầu lâu với xương xẩu của sư phụ. Nhưng nhai da dê nghe phê phê, mấy miếng củ sen trắng giòn ngọt lịm, mì sợi vàng ươm mà chan nước lẩu thì bao nhiêu cho đủ đổ đầy bao tử thanh niên. Chỉ những hôm có tiền thì anh em mới dám rớ tới những món có thịt như dê cuốn mỡ chài, sườn dê nướng. Nhưng có tiền là có hơn tiền mua cái lẩu thôi, chứ dê cuốn mỡ chài với sườn dê nướng thuở ấy chỉ đủ nhét kẽ răng đám trai trẻ chúng tôi. Và có lẽ là không được ăn thỏa chí tuổi trẻ nên nhớ hoài... phải không những người bạn không còn trẻ nữa?

Khi chúng tôi đã không còn gặp nhau chiều chiều ở sân Phú Thọ, vì ra trường cửa trước hay cửa sau thì các trường đại học trong Sài gòn cũng chán chúng tôi rồi. Chắc các bạn tôi có được những bữa thịt dê không phải đếm tiền, nhưng có ngon không, hay chỉ ngậm mà nghe nỗi nhớ bạn bè lúc còn cùng khổ. Đó là lúc tôi hưởng phước buồn tênh vì thiếu bạn bè ở quán Hiệp sĩ say, ở tận mũi Nhà bè.

Ông này là lính Nghĩa quân ngày trước, sau hòa bình, mở quán cóc với tự tin tay nghề về chế biến thịt dê. Anh tên Hiệp, nên chúng tôi đặt cho anh cái biệt hiệu là Hiệp sĩ say vì từ sáng anh đã mổ dê, lai rai ba sợi vừa làm vừa uống, lai rai tới trưa là đã có khách lưa thưa. Cái quán nghèo nên chủ kháchnhư người nhà. Anh Hiệp đủ sống, chúng tôi đủ tiền trả cho những bữa nhậu nghèo.

Nhưng từ hôm anh sáng chế ra món gỏi dê, với tôi là vô địch thiên hạ từ đó cho tới tận hôm nay, chưa ai làm được món gỏi dê ngon hơn Hiệp sĩ say. Chỉ tiếc cái hạnh phúc ngắn ngủi vì quán bình dân của cánh thầy giáo chả mấy chốc bị đám hải quan, công an quận cảng Sài gòn, và giới con ông cháu cha biết được món gỏi dê nổi tiếng ở mũi Nhà bè, thì xe hơi không chỗ đậu, còn đâu chỗ cho chúng tôi dựa mấy cái xe đạp cà tàng; Rượu tây, bia ngoại, tắm mỹ nữ không hết thì ai còn bán rượu quốc lủi với bia lên cơn. Gái chân dài tụ về điểm hẹn để ly cao ly đầy với các công tử đỏ, các đại gia đi tàu dầu, tàu viễn dương... trở thành những người hùng bao quán cả ngày không cho ai vô để chứng minh sự giàu tiền lắm thú.

Có hôm, mấy thằng thầy giáo xách chai nước mắt quê hương ra bụi chuối ngồi nhậu để nhường bàn cho anh Hiệp sĩ làm ăn. Nhưng Hiệp sĩ của thời hàn vi đã chết vì không còn nhớ ngoài bụi chuối sau hè có đám bạn ghèo...

Từ đó, quán trở thành cơ ngơi nhà ngang dãy dọc của gã Hiệp thông cùng bọn đỏ. Tước Hiệp sĩ đã theo chúng tôi biến mất khỏi mảnh vườn quê. Nghe nói sau này, quán là điểm hẹn của những đại gia ở Sài gòn khi muốn ra chơi ngoại thành.

Nhiều khi nhớ về quê cũ, bạn bè, một đoạn đời... Thói đời đâu có gì để nặng lòng, nhưng tâm hồn ăn uống sao quên được những mùi hương lẫn cả vào trong mơ. Nhiều năm cơm tây, cơm tàu nhưng giấc mơ còn đó như nỗi nhớ bạn bè và một thời mù mịt với tương lai. Thì anh Năm, là bếp trưởng của tiệm phở 21 ở Arlington. Anh làm tôi trở lại được quán Hiệp sĩ say với bạn bè ngày nào với món dê nướng độc đáo. Tay nghề của anh Năm được xếp vào bậc thầy về chuyên trị thịt dê... (Món dê áp chảo của anh Năm cũng rêm mé đìu hiu lắm!)

Kể ra thịt dê có vị trí khả kính trong làng thịt, vì dân gian ta có câu, "sống ở đời ăn miếng thịt chó/chết đi rồi biết có mà ăn". Thịt chó đi vào dân gian truyền miệng như thánh thịt. Nhưng mới là thánh con vì trên còn có thánh cha là thịt dê. Bởi câu, "treo dê bán chó". Không hơn sao người ta phải giở trò lường gạt ấy chứ?

Nhưng đi sâu quá vào thị trường ăn nhậu thì sư phụ không vui lắm vì ngoài cái phàm đó, sư phụ có giá trị tinh thần riêng, giá trị y học đặc biệt của thầy. Dù dân gian Việt nam hỗn hào gọi thầy là tên dê xồm, thằng ba lăm (35). Sang Mỹ, số đề có khác nên thầy mang số 69 trên sân king size, sofa... so good, vì lật ngược, lật xuôi gì thì cũng một con xấp, một con ngửa!

*

Nói xấu con dê trong dân gian ta khác với nói xấu những con vật khác như: ngu như bò, ăn như heo, lười như mèo... người Việt nói xấu con dê không cụ thể đặc trưng như nói bò, heo, mèo. Mà nói bóng gió, để hiểu ngầm là người nói ghen tỵ với con dê, bởi không bằng, không được như dê nên nói xấu, nói không bằng chứng nên đành nói xa nói gần. Đàn ông nào không dê, nhưng dê sao lại sư phụ nên để lòng tức tối mà phun ra lời tiểu nhân.

Việt báo xuân 2015Thử hỏi có ông vua nào không sơn hào hải vị ấp lẫm, nhưng có ông vua nào sống thọ nổi với tam cung lục viện toàn mỹ nữ; trong khi sư phụ tỉnh bơ đứng ở cửa chuồng, sáng nào cũng đóng dấu di truyền cho từng mỹ nữ trước khi ra đồng ăn cỏ. Dê chúa cứ be he lên một tiếng là xong một em với củ triện xuất qủy nhập thần. Cứ nhìn mặt mấy ả dê đê mê sau khi được thị thực buổi sáng, thì thường đinh nào chả ganh tỵ với sư phụ, vua chúa nào không tức. Lại không cam tâm thua sớm cho cao cờ, nên sinh ra nói xấu...

Trả lại công bằng cho sư phụ với năm dê đã về. Theo tài liệu trong Bildschromik der Welt Geschichte của nhà xuất bản Coventgarden dẫn chứng loài dê Bezoarziegen có cách đây 50.000 năm. Thời đồ đá loài người săn bắn dê làm thực phẩm. Dê sống trên đồi núi hoang dã ở Á châu, Âu châu và Phi châu. Được con người thuần hóa thành gia súc, nên có mặt trong lục súc: dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu.

Riêng dê là loài gia súc có ý nghĩa tinh thần trong văn hóa phương Đông, là một trong 12 con giáp - chi Mùi. Trong văn hóa phương Tây, dê nằm trong 12 cung Hoàng đạo, dê còn xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp, Bắc Âu và trong cả Kitô giáo với hình tượng con dê gánh tội, con dê tế thần.

Dê là loài động vật nhai lại, chân có móng, lông mịn phủ toàn thân, sống thành bầy đàn... được con người thuần hoá khá sớm để khai thác những giá trị có từ dê.

Dê đực tượng trưng cho mãnh lực và tính dục, dê cái là hình ảnh yêu thương trong các huyền thoại phương Tây, tượng trưng cho sự sinh sản phồn thịnh, là nghĩa mẫu của thần Zeus, mang bóng dáng con người gian nan vượt núi trèo non để sinh tồn.

Theo truyền thuyết Hy Lạp, khi vị thần dê Pan bị tấn công bởi con quái vật Typhon, ông ngâm mình xuống sông Nin, phần phía trên mặt nước vẫn là dê, nhưng phần ở dưới nước đã hóa thành cá. Vì thế hình ảnh con dê đực là hình tượng của thần Pan, thủy tổ của mục đồng, ngày xưa là kẻ chăn dê, Pan sống trên non cao, thổi sáo làm bằng ống sậy để tưởng nhớ giọng nói của người yêu đã lẫn hồn vào lau lách. Ông là con của thần Hermes và một nữ thần rừng (Nymph).

Trong văn hóa Babylon, Capricorn hay dê biển (Seagoat) là hình ảnh của nam thần xứ Babylon, đầy quyền năng tên là Ea. Ông có nửa dưới cơ thể là cá, đầu và mình dê. Là vị thần sống trong đại dương nhưng mỗi ngày đều ngoi lên để canh giữ đất liền.

Thần thoại Hy lạp, La mã ghi lại Zeus- Jupiter chúa tể các vị thần, lúc sinh ra bú sữa dê pha với mật ong. Nên khi tế thần người ta phải dâng dê, bò thui đốt. Tế thần Hecmet cũng phải có mật ong, bánh ngọt, heo và dê con.

Trong truyền thuyết Hy Lạp còn có kể về quái vật dê - Yale, tức là con dê núi, với những đặc điểm của thân hình một con dê nhưng mang hàm lợn, có cặp sừng lớn và sức mạnh phi thường. Dê núi to như con hà mã, sừng của loài Yale này có khả năng quay lại, và thay đổi hướng để tấn công con mồi và đối thủ ở bất cứ phương hướng nào.

Vào thời cổ La Mã, trong lễ hội Lupercalia cử hành vào ngày 15 tháng Giêng đầu năm, các thầy tế dâng lên thần linh một con dê và một con chó để cầu cho mưa thuận gió hòa và mọi người được sạch tội. Da dê sau đó được chia ra từng mảnh nhỏ để các chàng trai mang trong mình như lá bùa giúp mùa màng tươi tốt. Phụ nữ La Mã cũng tìm đủ cách để chạm được tay vào miếng da dê tế thần vì họ tin tưởng rằng làm như vậy sẽ sinh nở dễ dàng hơn. Vì vậy, sau hội Lupercania, nhiều đôi trai gái nên duyên nhờ miếng da dê.

Trong thần thoại Bắc Âu, Thần Thor cưỡi trên một cỗ xe được kéo bởi hai con dê đực, mỗi khi người Bắc Âu cổ xưa nghe tiếng sấm, họ sẽ nói rằng thần Thor đang cưỡi cỗ xe của ông đến. Khi Thor cưỡi cỗ xe dê đến đấu trường, tên khổng lồ đá nhưng nhát gan bỏ chạy. Thor quăng búa sét đánh Hrungnir, còn tên khổng lồ quăng một cặp sừng lên đánh Thor. Chiếc búa đụng phải cái sừng văng mất, nhưng một mảnh vỡ của cái sừng đánh trúng đầu Thor.

Trong Kitô giáo, hình ảnh con chiên, con dê rất gần gũi với người Do Thái. Đức Chúa Giêsu chào đời trong máng cỏ tại một hang có nhiều dê, chiên, lừa... thở hơi ấm. Ngoài ra, hình ảnh con chiên, con dê hy sinh, nhận lãnh làm của đền tội cho dân Do Thái không một lời than van, ngầm mang hình ảnh của Chúa Giêsu gánh nhận trên vai mọi tội lỗi của nhân loại, như lời tiên tri Isaia đã nói trước 700 năm: "Người đã gánh mọi tội ác, mọi yếu đuối trên mình". Cũng chính vì điều này mà hàng ngày các giáo dân thường cầu nguyện "Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con..."

Trong ngày lễ Sa-bát của người Do thái, thường tiến dâng hai con dê đực trước bàn thờ Chúa. Một con làm lễ tạ tội cho toàn dân với Chúa. Một con gánh hết lỗi lầm của toàn dân, được thả vào sa mạc...

Trong văn hóa phương Đông với thuyết 12 con giáp thì dê là con giáp địa chi: Mùi - mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn riêng: Giờ Mùi kéo dài từ 13 đến 15 giờ. Trong 12 con giáp, Dê được xem là biểu tượng của tính ôn hòa, thuần hậu nhưng cũng không kém phần thông minh.

Ở Trung Hoa xưa có nhiều điển tích gắn liền với con dê, như điển tích Dương xa (tức xe dê kéo), cụ thể là vua Tấn Võ Đế thường dùng xe dê kéo đi mỗi đêm trong cung cấm, hễ dê dừng ở cửa phòng cung phi nào thì vua sẽ ngủ với cung phi đó. Nên hàng trăm cung phi mỗi đêm tìm lá dâu non đặt trước cửa phòng mình để dê kéo xe bị cám dỗ mà dừng lại. Tựa như Cung oán ngâm khúc có nói về tích này,

Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào
Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ
Dấu dương xa đám cỏ quanh co

Việt báo xuân 2015Điển tích chăn dê trong kho tàng văn hoá dân gian Trung Hoa xưa thì nhiều vô số với Tô Vũ,

Bá Lý Hề, Tử Cống muốn bỏ hẳn lễ Cốc sóc - tế dê, nhưng Khổng Tử lại bảo: Ngươi tiếc con dê còn ta thì tiếc cái lễ. Ngầm nói rằng triều vua bây giờ đã suy, bỏ mất lễ Cốc sóc nhưng vẫn giữ tục nộp dê thì người ta vẫn nhớ đến lễ ấy và lễ Cốc sóc không mất hẳn.

Trang Tử có kể chuyện về người bán thịt dê nước Sở, có công phò vua, nhưng từ chối công khanh. Sách Liệt Tử, cùng thời, kể chuyện một con dê mất, nhiều người đi tìm, nhưng không kiếm ra vì đường đời vạn nẻo...

Đối với người Việt, dê cũng có giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hoá của người Việt. Sách Lĩnh Nam Chích Quái ở chương đầu tiên, về họ Hồng Bàng, đã kể lại rằng từ thời xa xưa, người Việt trong hôn nhân, đã biết giết trâu, dê làm đồ lễ, con dê đã được nuôi làm gia súc và sử dụng vào việc tế lễ.

Vào giữa thế kỷ 16, trong bài Đào Nguyên Hành thì Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã tả cảnh nông thôn Việt Nam là, Trâu bò, gà lợn, dê ngan/ Đầy lũ đầy đàn rong thả khắp nơi. Vào thời nhà Nguyễn, con dê chỉ được sử dụng trong việc tế lễ: Dê vốn thật thuộc loài tế lễ/... Để hòng khi tế thánh tế thần/... Hễ có việc lấy dê làm trước/Dê dâng vào người mới lạy sau. Theo Đại Nam Thực lục Chính Biên, dưới triều vua Minh Mạng, mùa Đông năm Minh Mạng thứ 17 - 1836, nhà vua tế lễ Nam Giao bằng 20 con dê đực tại đàn Thượng có thịt dê ướp dương hải.

Dê đi vào thơ văn Việt. Trong tác phẩm Hịch Tướng sĩ, Trần Hưng Đạo cũng có nhắc đến hình ảnh con dê và coi đó là biểu hiện của bọn sứ giả Mông Cổ chỉ bằng loài dê chó nhưng hống hách, ngạo mạn: Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình/ Đem thân dê chó mà ngạo mạn tể tướng... Đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu cũng có lời chê trách người cộng tác với thực dân: Hai vầng nhật nguyệt chói loà/ Đâu dung lũ treo dê bán chó/ Mùi tinh chiên vấy đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.

Nhà thơ từng chăn dê Bùi Giáng cũng để lại cho đời bài thơ cảm khái với mấy em dê của ông. Báo xuân Việt Báo năm nay có đăng lại cả thơ và chuyện, với chân dung thi sĩ dê tuyệt vời do Duy Thanh nguệch ngoạc, quí vị nhơ coi.

Trong ca dao, hình ảnh con dê cũng rất nhiều: Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi/ Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân ! Trẻ em nhà quê khi chơi trò dung dăng dung dẻ thường thuộc lòng bài đồng dao vui nhộn: Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Cho Cháu về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà bới bếp. Hay: Ru em buồn ngủ buồn nghê/ Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi/ Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi/ Con dê chín mùi làm thịt em ăn.

Hình ảnh dê trở nên sinh động, gần gũi hơn qua những trò chơi trong lễ hội. Nếu như ở phương Tây có trò chơi đếm cừu thì ở Việt Nam có trò bịt mắt bắt dê, thường được tổ chức trong các Hội đầu xuân, Trung thu... Đối với trẻ nhỏ, trò chơi là thú vui hồn nhiên, nhưng đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ là dịp... vượt qua ranh giới nam nữ của phong kiến.

Giả vờ bịt mắt bắt dê
Để cho cô cậu dễ bề... với nhau.

Trò chơi dân gian bịt mắt bắt dê được thể hiện tinh xảo qua tranh Đông Hồ (Bắc Ninh).

Trong ngôn ngữ Việt, hình ảnh dê xuất hiện đầy ngụ ý, ở nhiều lĩnh vực... "Bán bò tậu ruộng mua dê về cày", là chê cách thức làm ăn không biết tính. "Cà kê dê ngỗng" đánh giá thấp sự kể lể dài dòng." Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng" là kinh nghiệm phù hợp với năng lực, hoàn cảnh... Thuật ngữ "treo đầu dê, bán thịt chó" ám chỉ người nói một nơi, làm một nẻo. Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết, "Lận thế treo dê mang bán chó/ Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền"; "Dương chất hổ bì - mình dê da cọp" - chê trách người bề ngoài giả dối để che đậy thực chất bên trong. Trong binh pháp cũng có kế: "Thuận thủ khiên dương - tiện tay dắt dê". Hay thuật ngữ "xua dê cừu đi đấu với hổ báo" - nói lên sự không tương sức.

Về tự nhiên, với bản tính giao phối và sinh sản rất mạnh nên dê được gán cho hình tượng của sự dâm đãng, điều này là điểm tương đồng trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Chính vì khả năng sinh lý của mình, con dê gắn liền với nhiều thành kiến. Người ta hay dùng từ "máu dê" để chỉ những người không kiểm soát được hành vi giới tính, thói dê khái quát bản tính ham chinh phục người khác giới hay sự dâm tiện, dê cụ hay dê già chỉ kẻ dâm đãng, dê xồm cũng có nghĩa tương tự, nhưng chú mục vào bộ râu nhọn, quặp... của ai đó. Tiếng kêu be he của con dê... cũng làm người ta liên tưởng tới sự sàm sỡ. "Tuổi Mùi là con dê chà/ có sừng, có gạc, râu ra um sùm".

Tục ngữ Việt nam cũng phong phú dê, "bươm bướm mà đậu cành bông/ đã dê con chị lại bồng con em". Nên, "phượng hoàng đậu nhánh sa kê/ ông thần ổng hổng vật mấy thằng dê cho rồi". Nhưng tuổi mùi thường thọ nên người Việt ác mồm trù tiếp, "dê sồm ăn lá khổ qua/ ăn nhiều sâu rọm chết cha dê xồm".

Trong Lục Vân Tiên. Bùi Kiệm đã từng giở trò trơ trẽn với Kiều Nguyệt Nga, khiến Nguyễn tiên sinh hạ bút, "con người Bùi Kiệm máu dê/ ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu".

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương tả dê ẩn dụ hơn, "ong non ngứa nọc châm hoa rữa/ dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa"...

*

Con dê. Nhìn lại từ khi loài người thuần dưỡng chúng thành thú nuôi. Con dê chỉ mang lại lợi ích cho con người, từ: da, lông, thịt, sữa... chúng ăn cỏ và hiền lành. Chỉ bởi trời sinh loài dê có sức sinh sản nhanh, mạnh, mà người đời ghen tức nên gán ghép cho dê những đức tính không hay của người háo sắc, ham muốn tính dục hơn bình thường. Há chẳng phải là thói xấu của con người chứ không phải con dê. Vậy người tuổi dê (Mùi) chả có gì để chê trách. Mà ngược lại nên xem là người có lợi ích nhiều cho người khác mới phải.

Năm Mùi lại về, đặc biệt là Qúy Mùi. Hãy mong đợi một thế hệ mới duyên dáng, thùy mị, đoan trang... và thông minh. Đừng để nặng lòng những ác cảm với loài vật dễ thương và những người mang tuổi mùi dễ bị thành kiến cổ hũ che lấp tài năng và sự duyên dáng của họ.

Phan

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.