Hôm nay,  

112. Qua Đêm

11/05/201523:15:00(Xem: 14009)
Việt Nam 1954 - 1963

QUA ĐÊM

DƯƠNG NGHIỄM MẬU

Người nữ y tá đứng tuổi nhẹ nhàng trong cử chỉ nói và chỉ cho chúng tôi cách để tay, giữ đầu để đưa cha tôi vào trong phòng. Cha tôi nằm bất động trên bàn mổ, hai chân duỗi thẳng, hai tay buông xuôi, một bên mắt bị băng lại, một bên nhắm nghiền, chỉ còn có hơi thở lên xuống nơi ngực cho biết cha tôi còn sống. Tôi đọc thấy nỗi lo âu của những đứa em tôi đứng nơi bên người cha già. Sau ba giờ trong phòng giải phẫu, bây giờ cha tôi vẫn còn ở trong cơn mê. Với người y tá chúng tôi đưa cha tôi về nằm trong gian phòng nhỏ, trên chiếc giường nệm trắng.

Người y tá sửa lại thế nằm cho ngay ngắn rồi bà căn dặn chúng tôi một vài điều cần thiết: Việc cho uống thuốc, cách cho ăn, việc giữ gìn thế nằm và canh chừng cha tôi tỉnh lại. Tôi đứng im lắng nghe sau đó cảm ơn trước khi bà bước ra khỏi phòng.

Chúng tôi ngồi im trên chiếc ghế dài bằng gỗ đã cũ, lúc sau đứa em trai lớn mở cửa bước vào, nó vừa từ sở làm trở về, đầu còn đội chiếc mũ nhựa nhàu nhượi, nó ngồi xuống bên hỏi tôi sức khỏe của cha tôi, tôi nói tốt nhưng còn đang mê vì thuốc. Nó ngồi im lấy thuốc ra châm hút. Tất cả chúng tôi đều ngồi im như thế không ai nói với ai điều gì, chúng tôi cùng chăm chú nhìn cha tôi nằm im với nhịp thở đều hòa báo hiệu nơi lồng ngực được phủ chiếc chăn đơn màu hồng nhạt, một bên má cha tôi đỏ au dưới ánh đèn vẻ khỏe mạnh, mái tóc dài những sợi bạc ánh lên. Mở cửa sổ nhìn ra bầu trời đã tối, tôi giục mấy đứa em trở về nhà, tôi căn dặn đứa em gái một vài việc lặt vặt, cháo ăn vào ngày mai cùng với quần áo lót, thu xếp việc ở nhà cho mấy đứa em nhỏ. Mấy đứa em nán lại một lúc mới ra về, dì tôi dặn tôi ở lại săn sóc trông nom.

Cơn bão rớt thổi qua thành phố mang theo những trận mưa lớn về đêm cùng với hơi lạnh, cơn bão cũng mang theo khí hậu những ngày đầu thu của miền Bắc, quê hương đã xa của tôi, nơi tôi được sinh ra lớn lên.

Việt báo xuân 2015
Nhà văn Dương Nghiễm Mậu Ảnh Trần Cao Lĩnh
Trước đây khoảng nửa năm, cha tôi thấy đôi mắt như kém hẳn, không còn đọc được báo chí một cách dễ dàng, cha tôi nói: con dẫn thầy đi thử một cái kính. Chúng tôi lên thử kính, người bán kính quen thuộc vất vả với những cố gắng cuối cùng đã nhận thấy mắt của cha tôi không có kính nào hợp, không phải là cận, viễn hay loạn thị, mắt cha tôi có một cái màng, thế là cha tôi phải đến thăm một vị bác sĩ chuyên về nhãn khoa. Ông cho thuốc, coi sóc và nói cha tôi chờ đợi tới một lúc có thể giải phẫu được vì hiện nay cái màng chưa đến độ giúp cho công việc giải phẫu được thuận lợi. Cùng với thời gian mắt cha tôi mỗi lúc một kém đi, trông dáng đi của ông chúng tôi hiểu mắt ông đã kém và chúng tôi đều lo ngại. Cha tôi mỗi khi nói đến đôi mắt lại nhắc điều mà ông tin là nguyên nhân khiến một bên mắt bị kém, đó là lần đau mắt vào một vụ mùa trước năm 1945, vào tháng mười, giữa vụ gặt cha tôi bị đau mắt nhưng phải lo coi sóc công việc gặt nên mắt cha tôi bị đau mãi mới khỏi. Nói tới lần đau mắt ấy thường cha tôi cho chúng tôi, nhất là những đứa em nhỏ của tôi hiểu phần nào những ngày tháng cũ trong đời sống của ông, đời sống của một nông dân chân lấm tay bùn đến ốm đau cũng không bỏ được những công việc chờ đợi họ. Nói lại các điều đó với các em tôi vẫn là một điều kỳ lạ. Phần tôi, tôi thấu hiểu những gì mà cha tôi cùng người nơi làng quê đã sống. Và ngày nay, sau bao nhiêu năm, thỉnh thoảng, trong những cơ hội tình cờ nào đấy, cha tôi nói lại cho chúng tôi nghe.

Mười giờ hơn, người nữ y tá trở lại phòng bệnh, bà ta đo nhiệt độ, đo huyết áp, bà ta hỏi tôi:

- Cụ nhà năm nay bao nhiêu?

Tôi nói:

- Cụ tôi năm nay 58 sắp vào tuổi 59 rồi.

Bà y tá lặng lẽ ghi chép, trên tờ giấy ghi nhiệt độ, bà lấy thuốc và chích cho cha tôi. Lúc sửa soạn trở ra bà nhìn tôi nói:

- Anh ngủ ở đây coi chừng khi ông cụ thức dậy, nếu bình thường không có gì thì anh cho cụ uống sữa được, anh nên coi cho cụ nằm im, tránh động mạnh.

Tôi nói cám ơn trước khi bà y tá rời khỏi phòng, bàn tay trắng nhỏ khép cánh cửa lại một cách nhẹ nhàng khéo léo. Tôi bỏ màn ngủ xuống, giắt lại các mép màn một cách cẩn thận, tắt bỏ bớt một ngọn đèn, bật ngọn đèn xanh nhỏ nơi đầu giường rồi tôi ngả người xuống ghế dài nhỏ vừa cho một người nằm, mùi thuốc phảng phất khó chịu, tiếng động của xe cộ vẳng từ ngoài đường vào, bên phòng kế thỉnh thoảng có tiếng khóc của đứa trẻ nhỏ, ngoài hành lang đã im lặng tiếng di chuyển. Những lo âu quanh quẩn từ buổi chiều vẫn chưa tan trong tâm trí tôi. Những lo âu của một người con với người cha già mà chừng như ba mươi năm nay đây là lần đầu tiên đến với tôi. Những sợi tóc bạc, bước đi chậm lại, đôi mắt kém đi, tôi hiểu rằng cha tôi đã già, đã yếu, điều mà trong nhiều năm nay tôi không nghĩ đến, như thế có nghĩa mình đã lớn.

Thời gian trôi thật chậm, tôi bỏ phòng ra ngoài hiên dưỡng đường nhìn sinh hoạt của con phố. Đêm đã xuống heo hắt với những hạt mưa bụi, con đường nhựa láng bóng từng khoảng với ánh điện, những cành lá ướt nước sáng long lanh. Con phố vắng lặng với những chuyến xe chạy vút qua. Rạp chiếu bóng cửa đã khép lại chờ xuất hát cuối cùng vãn, một chiếc xe bán bánh mì đậu sát vào những bậc thềm trong rạp hát, phía đầu đường nơi ngã sau, đèn sáng và sinh hoạt có vẻ nhộn nhịp hơn. Khí hậu làm nhớ ngoài quê. Tối qua trong bữa cơm tối, tôi nghe chị tôi nói câu đó với giọng nhớ thương tha thiết nơi quê nhà. Người y tá trựctừ trong đi ra vẻ vội vàng khi người bán chè bột khoai đến ngang cửa. Anh ta nói đùa với cô gái và ngồi xuống bậc thềm bưng chè ăn. Anh ta mời tôi, tôi từ chối không thích của ngọt.

Khoảng nửa khuya cha tôi tỉnh dậy, ông lặng lẽ đưa tay lên sờ nơi mắt bị băng, một bàn chân ngọn goạy, tôi ngồi vào nơi mép giường cầm lấy cổ tay ông, làn da mềm ấm bình thường, tôi hỏi:

- Thầy khát nước không?

Cha tôi hơi gật đầu, tôi bổ trái cam làm hai vắt nước rồi dùng muỗng cà phê đổ vào miệng cho ông. Tôi nói với cha tôi những điều mà vị bác sĩ và người y tá căn dặn, phải nằm im, không được cử động mạnh, tôi cũng nói là cha tôi rất khỏe, khiến cho ông không bị nôn như người y tá lo ngại. Cha tôi như nhớ lại lời bác sĩ nói trước đó: mai ăn cháo. Ông nói để nhắc tôi việc ngày mai. Lúc sau, cha tôi thiếp ngủ trở lại yên lành. Đêm mỗi lúc một sâu, bỏ mình nằm trên chiếc ghế dài với những ý nghĩ mông lung...

Cha tôi sinh năm Sửu, tuổi của vua Bảo Đại, lúc mẹ tôi còn sống, lâu lâu nói đến điều này mẹ tôi lại cười, cha tôi cũng cười và nói đùa là mình cùng tuổi với vua mà sống đúng là một con trâu cày. Sinh ra làm con đầu lòng trong một gia đình nông dân, ông nội tôi dù vậy cũng đã có thể nuôi cho cha tôi theo học ngoài Hà Nội. Cha tôi nói cho chúng tôi biết tình cảnh mà ông bà tôi đã phải sống để nuôi cha tôi, làm ruộng, không có tiền, hàng tháng ông tôi phải gánh gạo ra tỉnh trả tiền học cho con nơi một gia đình bề thế có học ở Hà Nội. Gia đình này sau có một người con thứ làm tới bộ trưởng trong chính phủ Việt Minh, còn người con cả thì điên và có thời gian về sống trong gia đình tôi. Tới năm 16 tuổi cha tôi lập gia đình, cưới con gái lớn của một ông Kép ở làng bên.

Ông ngoại tôi là một người lều trõng hai lần tới trường thi chỉ đậu tới tú tài liên tiếp trong hai khóa thi, vì thế dân chúng gọi là cụ Kép Dương, sau thời gian học ở Hà Nội, cha tôi theo học ông ngoại tôi và trở thành con rể. Cha tôi kém mẹ tôi sáu tuổi. Sau này, nói lại ngày nhỏ đó, mẹ tôi thường nói là cha tôi khi ấy rất bé, người như tàu lá, có lần xuống thăm quê ngoại, khi đi trên đường đê cao đã bị gió thổi ngã xuống chân đê. Cha tôi nghe nói chỉ cười. Làm rể ông tôi, cha tôi theo cha vợ đi đây đi đó, vì ông tôi dạy học ở nhiều nơi và đồng thời trở thành một thầy địa lý tài tử, lâu lâu coi đất cho một vài người quen thuộc thân quý trong cuộc giao linh. Bà ngoại tôi lo chăm tằm dệt cửi sống đời sống đạm bạc của vợ một thầy đồ nghèo trong sự giúp đỡ của đám môn sinh.

Ông nội tôi xuất thân là một tá điền, với phong cách đó ảnh hưởng tới đời sống cha tôi. Là một tá điền nhưng ông nội tôi cũng đã theo học chữ Nho, đọc và viết được, trong những năm về già ông nội tôi có làm thơ và thường có những lần ngâm vịnh với ông ngoại tôi một cách tương đắc. Với ông nội tôi, một tờ giấy có chữ Hán rơi trên nền nhà là một điều không thể tha thứ được, vì với ông, đó là chữ thánh hiền phải coi trọng.

Tôi là con trưởng, nhưng là người con thứ ba trong gia đình, trước đó có một người anh trai hữu sinh vô dưỡng, sau đó là chị gái tôi, bà hơn tôi hai tuổi, cho đến khi tôi hiểu biết, cha tôi không còn đi xa, ông ở lại trông nom gia đình, nuôi ông bà nội. Trong năm 1942, cha tôi đã phải qua một thời gian dài cực nhọc trong việc chạy chữa thuốc thang cho bà nội tôi. Tôi nhớ được năm này nhờ hàng chữ ghi trên bờ giếng của xóm tôi, giếng được hoàn thành năm bà nội tôi qua đời. Trước khi bà tôi mất, cơn bệnh kéo dài một năm, cha tôi mỗi ngày thức dậy mang cơm nắm lên đường vào trong thành cắt thuốc, đường dài tôi không hiểu, nhưng ra đi từ tờ mờ sáng cho mãi tới tối mới trở về. Sau này, theo cha tôi nói: bà tôi bị ung thư, bà tôi mất sớm khiến cho tôi ngày nay cũng không còn nhớ mặt bà, lúc bấy giờ là thời gian cha tôi đang làm ăn thành công.


Cũng với thời gian này, cha tôi có những hoạt động kín đáo, lâu lâu vắng nhà một thời gian, công việc ở nhà do mẹ tôi trông nom, thời gian này, với những công việc cha tôi làm, ông nội tôi không bằng lòng. Tôi nhớ, chừng như có một vài lần, ông tôi lớn tiếng nơi nhà trên với cha tôi, mẹ tôi chỉ khóc, chúng tôi không biết gì về việc làm của những người lớn...

Thời cuộc đổi thay với những biến cố, khi những người lính Nhật xuất hiện trong làng tôi, thì cũng là lúc cha tôi có mặt trong nhà như một bóng ma. Rồi cách mạng tháng 8, cha tôi có mặt trong ủy ban Liên Việt Huyện. Tôi hiểu rằng cha tôi có tham gia vào những hoạt động chính trị, nhưng sau này nếu chúng tôi có gợi lại những điều đó thì cha tôi cũng lảng đi không nhắc lại. Điều này tôi hiểu như một thời gian cha tôi không hài lòng.

Bỏ làng quê ra đi trong những ngày quê tôi sống tranh tối tranh sáng, rồi mẹ tôi chết hiu quạnh nơi quê nhà... Hai năm sau khi mẹ tôi mất, chúng tôi mới lại được sống bên cha tôi, khung cảnh của một cuộc sống tỉnh thành hoàn toàn đổi mới. Chị tôi ở lại quê trông nom ông nội cùng chú thím, tôi bắt đầu những năm được cắp sách đến trường, buổi chiều tôi cõng đứa em nhỏ chạy chơi trên con đê Yên Phụ, nhà chúng tôi ở ngó ra bến Nứa hoang tàn bên kia là khu Phúc Xá còn hoàn toàn hoang vắng, chúng tôi sống giữa những người làng ra tỉnh mưu sinh trong một căn gác lầu ba một ngôi nhà không chủ, tháng tháng người chủ trương thu tiền đóng cho tòa thị chính. Cha tôi đã không còn là một nông dân nữa, với những chữ nghĩa học được, cha tôi trở thành một công chức công nhật cho tòa án.

Khoảng ba giờ sáng, trong cơn thiếp ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng cha tôi ho, tôi ngồi trở dậy, vén màn ngồi xuống bên giữ lấy tay cha tôi. Cha tôi đã tỉnh lại hoàn toàn, tôi pha nửa ly sữa nhỏ và đổ cho ông. Ông sờ tay lên đầu và hỏi tôi cái gối, tôi nói bác sĩ không cho gối, cha tôi bỏ tay xuống nằm im, tôi hỏi về nơi giải phẫu, cha tôi nói tốt. Ông cũng muốn trở mình nằm nghiêng người nhưng tôi cũng phải nói về điều căn dặn của bác sĩ bắt cha giữ nguyên thế nằm cho tới hôm sau. Tôi thấy rõ sự khó chịu của cơ thể ông trong thế nằm nhất định. Tuổi già và những ngày tháng tranh sống, với 58 tuổi, làm sao để cho người ta còn có thể đứng lâu, ngồi lâu, nằm lâu trong một thế bắt buộc?

Tôi ngồi bên lấy hai tay nắm hai ống chân cho cha tôi, tôi nói cho cha tôi nghe một vài câu chuyện thời sự, thời tiết của trận bão đưa đến, tôi cũng kể tới bệnh tình của một người cũng mở mắt như cha tôi nằm ở bên kia hành lang, tôi nói thời gian khoảng một tuần lễ của một người giải phẫu mắt phải chịu đựng. Tôi cũng nói tới vị bác sĩ giải phẫu cho cha tôi, những điều tôi nhận xét về ông và những điều mà người ta nói về ông này: ông là một người có lòng với kẻ nghèo khó, ông không ưa những hỏi han dài dòng về bệnh tình... Lúc sau cha tôi nói: con ngủ đi mai còn đi làm và cha tôi nằm im như cố gắng ngủ lại dù tôi biết chắc cha tôi đang khó chịu vì mỏi lưng và cổ...

Việt báo xuân 2015
Sách Dương Nghiễm Mậu, Văn Mới xuất bản Liên lạcPO
Box 287 Gardena, CA 90248 ĐT. (310)366-6867
Tiếng đứa trẻ phòng bên lại khóc từng hồi, tiếng ru của một giọng miền nam ngọt ngào. Không khí nơi bệnh viện, những người bệnh chung quanh cho tôi một xã hội thu hẹp. Với bảy giường bệnh thì có bảy hoàn cảnh bệnh tật, gia đình, đời sống khác nhau. Phòng ngoài cùng là một người đàn bà nhà quê mổ ruột thừa, người chồng và người em gái trông nom. Phòng kế là ông già sáu mươi tuổi, bà vợ già trông nom, người này cũng mổ mắt như cha tôi nhưng bệnh nặng, có đau, bà cụ nói về tình cảnh của mình, hai ông bà cụ chỉ có một người con đã có bốn cháu nội là lính đóng ở xa, ông cụ trước đây còn làm cho một sở Mỹ trên Tây Ninh. Trước khi tới đây ông cụ đã nằm trong bệnh viện bình dân hết mười ngày, mỗi ngày được nhỏ một giọt thuốc, không thể chờ đợi được, bà cụ tìm bác sĩ và đưa ông cụ tới đây. Bà cụ nói với tôi về tình cảnh của mình, nước mắt lưng tròng nghẹn ngào. Phòng kế đó, bên hành lang đối diện với phòng của cha tôi là một bà cụ bị ung thư, buổi chiều tôi nghe bà cụ rên thành tiếng rất thảm thiết. Bà cụ có một ông chồng tóc đã bạc đi chiếc honda tới, vào buổi chiều tôi thấy ông cụ khỏe mạnh khi dựng xe và cẩn thận khóa chiếc xe trước khi vào, căn phòng lúc nào cũng ríu rít chuyện trò. Bà cụ đã có nhiều cháu và đã ở dưỡng đường cả hơn một tháng nay. Tôi nhận thấy những con cháu của bà cụ thân thiết cả với những người y tá, lao công của dưỡng đường. Phòng còn lại trong bốn phòng ở dưới nhà với phòng của cha tôi là một người đàn bà mới sinh, vì bệnh phải đưa cả đứa con nhỏ vào trong phòng, phòng này có một người giúp việc trông nom và tôi không gặp người nào vào thăm.

Qua một khoảng sân nhỏ, ở trên phòng giải phẫu là hai phòng ở trên lầu, có máy lạnh, giá tiền gấp đôi những phòng ở dưới, tôi biết có hai ông cụ nằm, một ông thuộc gia đình giàu có nhiều con cái ăn mặc thời trang và đi xe hơi lại thăm nom, còn lại thì một ông già mổ ruột chỉ có một cô gái nhỏ là con trông nom. Tôi có gặp cô vào lúc chập tối khi xuống nhà tìm người y tá để hỏi về bệnh tình của cha khi ông cụ kêu đau và không chịu uống sữa...

Những người nằm bệnh, những người nuôi bệnh, những y tá và bác sĩ ngay trong dưỡng đường tạo thành một không khí, một sinh hoạt riêng, ở đó cũng là một thế giới, một xã hội thu hẹp và cùng đó biểu trưng một mặt của kiếp sống: sống và chết cùng bệnh tật, phiền lụy. Tôi nghĩ đến những đứa trẻ đã ra đời và những người già trút hơi thở cuối cùng. Những mở ra và đóng lại của một đời người. Mọi người, những hạn định nào đó.

*

Thầy sẽ đi Nam, mợ và các con đứa nào đi thì đi, đứa nào ở lại thì ở. Tôi nhớ lại điều cha tôi nói sau khi đất nước chia đôi. Cha tôi ngồi uống rượu, đôi mắt đỏ và vẻ ngả nghiêng. Chúng tôi không ai nói gì, dì tôi khóc. Bốn năm sau khi mẹ tôi mất, cha tôi lập gia đình thứ hai. Bấy giờ chúng tôi có hai đứa em nhỏ, một đứa hai tuổi và đứa em trai mới được mấy ngày.

Khi lên đường vào Nam, vào một buổi sáng tháng 8 thì đứa em mới chẵn hai mươi ngày, trong giấy khai sinh của nó ghi nơi sinh là Hà Nội. Cha tôi quyết định đi Nam, công việc ở lại quê giao lại cho chú tôi, người mà cha tôi vẫn thương là số không được sung sướng. Cha tôi muốn ông nội tôi vào Nam, ông tôi không đi nói với cha tôi: ông còn sống chẳng được bao lâu, ông muốn nằm xuống ở quê nhà. Trước khi đi Nam cha tôi viết thư từ tạ với nước mắt chảy trên hai gò má. Đi Nam, nhưng ngay từ Hà Nội, cha tôi đã xin được phục vụ tại Huế, như cha tôi nói đó là đất vua ở, có lúc tôi vẫn nghĩ: cha tôi vẫn bị cái ám ảnh về tuổi của vua Bảo Đại mà cha tôi là đồng niên.

Rời Hà Nội, bỏ lại miền Bắc những sản nghiệp dựng lên bằng mồ hôi nước mắt, cha tôi như đã bỏ lại quê hương đời sống của mình, cha tôi đi Nam với hy vọng về con cái, về đời sống về sau. Sống ở Huế, rồi Nha Trang, cuối cùng chúng tôi lại dừng chân ở Saigon. Cha tôi sống chìm xuống như một người nhẫn nại, khuyên bảo và nuôi nấng con cái lớn lên với trông chờ. Lâu lâu ông có những người bạn cũ gặp lại hàn huyên tưởng không biết chán.

Trong những năm tôi học ở Saigon, cha tôi ở Nha Trang, ông trông tôi mỗi Tết trở về nhà giúp ông gói bánh, làm cỗ Tết. Tôi cũng không bao giờ quên được ngày tôi mang va-ly rời Nha Trang đi Saigon khởi đầu cuộc sống, cha tôi đạp xe đạp ra ga cho tôi ba trăm bạc, gia tài cho tôi bắt đầu cuộc sống. Ngày đó, trên chuyến xe lửa tốc hành chạy qua những rừng, núi và những ven biển, tôi đã khóc và nhìn về một ngày mai nhiều lo âu. Trong cuộc sống, bao nhiêu năm luân lạc, có lúc tôi như đứa con hoang toàng, lêu lỏng, có điều ngay trong cả những thời gian dài sống không gia đình, tôi vẫn chẳng thể quên những điều gì đó vô cùng quý giá, những điều mà cha tôi vẫn nhắc nhở chúng tôi...

Bây giờ chị tôi đã có sáu người cháu, cha tôi có hai người con lớn đều ở trong quân đội, đứa em nhỏ nhất đang học lớp ba. Chúng tôi sống quây quần bên nhau, cũng là lúc mà chúng tôi nhận thấy: cha tôi đã già, sắp bước qua tuổi 60. Trong bao nhiêu năm nay, mối hy vọng lớn lao của cha tôi là hòa bình, là trở về quê hương. Đã 60 tuổi, với tôi nghĩ, liệu tôi có được trông thấy một ngày như thế không?

Tôi thức dậy lúc trời còn mờ sáng, tôi đổ sữa cho cha tôi, tôi hỏi ông có dễ chịu không, cha tôi gật đầu vẻ hài lòng, tôi trở ra ngoài phố ngồi uống một ly cà- phê, hàng tít lớn trên tờ báo với hai chữ HÒA BÌNH. Tôi nhớ lại điều tôi nói với cha tôi hồi trong năm: năm tới có hòa bình con sẽ lập gia đình...Tôi mỉm cười và nhớ thương nôn nao người tình yêu dấu...

Dương Nghiễm Mậu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.