Hôm nay,  

29. 40 Năm VN Nhìn Từ Đài VOA

11/05/201521:38:00(Xem: 14604)
Mỹ-Việt 1975-2015

40 NĂM VIỆT NAM
NHÌN TỪ ĐÀI VOA

LÊ VĂN

Hôm 16 tháng tư 1975, chỉ 2 tuần lễ trước khi quân cộng sản Bắc Việt tiến vào Saigon, tôi đang sửa soạn tin tức bài vở cho chương trình phát thanh buổi trưa thì nhận được một cú điện thoại bất ngờ của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, lúc ấy là Tổng Trưởng Kế Hoạch trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Anh Hưng là bạn học với tôi từ những năm tiểu học, rồi trung học và đại học nên rất thân nhau. Anh nói vắn tắt:

-Moa vừa từ Saigon bay tới phi trường San Francisco và đang đợi chuyến bay kế tiếp sang Washington. Moa rất cần gặp toa để nói một vài chuyện quan trọng cho đất nước mình. Toa có thể sắp xếp ngay cho moa một cuộc phỏng vấn trên đài để moa trình bày với đồng bào trong nước về sứ mạng mà moa đang tiến hành tại Mỹ không? Moa hy vọng là những điều moa nói sẽ giúp nâng cao tinh thần quân dân ở bên nhà thêm phần nào chăng.

-Nếu là chuyện quan trọng như vậy thì được chứ sao không được. Ngày mai toa tới đây, bọn mình đi ăn cơm tối với nhau rồi bàn thêm chi tiết.

Hôm sau, trong bữa ăn, anh cho tôi biết Tổng Thống Thiệu gấp rút gửi anh qua Mỹ nhằm mục đích vận động với các thành viên trong ủy ban quân vụ thượng viện HK để họ đừng biểu quyết từ chối việc cấp khoản quân viện phụ trội cho VN, hoặc ít nhất thì cũng hoãn biểu quyết vì VN đang thử xin vay viện trợ của Mỹ rồi trả dần bằng tiền bán dầu hỏa vừa khai thác được chứ không xin Mỹ cho không nữa. Tôi hỏi lại anh:

-Toa cố gắng thuyết phục mà họ không chịu nghe thì sao?

Việt báo xuân 2015
Lê Văn, nguyên chủ biên Việt ngữ VOA

-Trước khi moa ra đi, ông Thiệu có trao tay cho moa một loạt những mật thư của các tổng thống Mỹ, từ Nixon cho đến Ford rồi cả ngoại trưởng Kissinger nữa, mạnh mẽ cam kết với ông Thiệu là nếu chính phủ của ông chịu ký kết hiệp định Paris, hòa bình được tái lập, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ để giữ vững VNCH chứ không bỏ rơi đồng minh. Và nếu phía cộng sản vi phạm hiệp định, thì Mỹ sẽ có phản ứng mạnh. Hứa hẹn như thế mà bây giờ bội ước thì moa sẽ trình bày cho các dân biểu nghị sĩ quốc hội coi những mật thư này và kêu gọi đến lương tâm của họ. Toa biết đó, người Mỹ vốn trọng cái tinh thần công bằng ngay thẳng, gọi là "fairness". Không lẽ chính phủ của họ cam kết như vậy để ép VNCH ký một hiệp định hết sức bất lợi rồi bây giờ trở mặt làm ngơ, bỏ rơi nhau giữa đường giống như trò Sở Khanh mà họ cũng chịu tán thành sao?

Tôi nói rất thẳng thắn với anh Hưng rằng căn cứ theo những diễn biến trên chính trường Hoa Kỳ mà tôi nhận thấy vào lúc ấy, và theo những những cuộc phỏng vấn, tiếp xúc của đài VOA với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, thì chẳng mấy ai còn muốn tiếp tục hỗ trợ cho VNCH tồn tại. Cuộc chiến kéo dài đã quá lâu, phí tổn quá lớn làm lũng đoạn ngân sách, hơn 50 ngàn lính Mỹ đã tử trận mà hy vọng hòa bình cho miền Nam VN cứ tiêu tán dần vì phe cộng sản vẫn dốc toàn lực đánh phá, dù bản hiệp định Paris còn chưa ráo mực. Nhân dân Mỹ đã nản lòng, phong trào phản chiến ngày càng lan rộng. Với tình thế đó, các chính trị gia Mỹ không còn dám mạnh mẽ bênh vực đồng minh VN như trước nữa. Dù chính phủ Thiệu có cho công bố những mật thư cam kết của các tổng thống Mỹ thì họ cũng sẽ lờ đi thôi. Mình có gắng sức vận động đến mấy cũng chỉ là "Dã Tràng xe cát biển đông".

Anh Hưng trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu rồi mới nói:

-Thôi thì còn nước còn tát. Toa cứ sắp xếp cho moa một cuộc phỏng vấn trên đài để moa nói lên những nỗ lực thuyết phục quốc hội Mỹ cho dân chúng ở VN biết.

Tôi hẹn anh Hưng lúc 12 giờ trưa ngày hôm sau, 18 tháng tư ở đài VOA và chính tôi sẽ phỏng vấn anh trong phòng vi âm. Anh đến 15 phút trước giờ hẹn với một hồ sơ cầm sẵn trên tay, dường như đã được chuẩn bị kỹ càng. Vừa gặp nhau, tôi đã nói ngay với anh là chỉ mới mấy phút trước đó, tôi vừa nhận được tin từ quốc hội gửi về cho biết Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã bỏ phiếu chống việc cấp thêm khoản quân viện phụ trội cho VNCH! Mặt khác, Ủy ban Bang giao Quốc tế của Thượng viện cũng vừa chấp thuận việc ban quyền cho tổng thống Ford xử dụng quân đội Hoa Kỳ để di tản người Mỹ ra khỏi VN. Tôi nói:

-Hôm qua, toa bảo moa là "còn nước còn tát" nhưng bây giờ moa thấy ngay cả một chút nước cũng không còn thì tát cái nỗi gì? Họ đang bắt đầu việc di tản người Mỹ ra khỏi VN, chỉ để lạirất ít nhân viên thiết yếu làm việc cho đến phút chót. Không hề có kế hoạch di tản dân Việt, hoặc nếu có thì cũng chỉ là một số những người Việt trực tiếp liên hệ với các cơ quan chính phủ Mỹ mà thôi. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như vậy, toa có còn muốn báo cáo về sứ mệnh của toa ở bên Mỹ nữa không? Giờ thâu thanh cuộc phỏng vấn đã sẵn sàng, nhưng vấn đề là toa sẽ nói gì bây giờ?

Hưng lặng người trước những biến chuyển mau lẹ đến mức bất ngờ đó rồi lắc đầu ngao ngán bảo tôi:

-Thế là kế hoạch của moa tan ra mây khói. Thôi, moa nghĩ cũng không cần phải nói gì thêm nữa.

Trong 2 tuần lễ tiếp theo sau đó, các biến chuyển chính trị và quân sự ngày càng bất lợi cho VNCH, đưa tới sự sụp đổ hoàn toàn vào những ngày cuối tháng tư 1975 thì mọi người đều đã biết và rất nhiều tác giả cũng đã thuật lại trong những cuốn sách và những bài viết của họ. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, nhiều bạn bè trong giới truyền thông vẫn muốn phỏng vấn tôi để tìm hiểu quan điểm của một người từ bên ngoài nhìn vào tình hình trong nước, chứ không phải chỉ nhận xét từ bên trong như phần đông các tác giả đó. Đại khái, họ hỏi:

-Trong khoảng thời gian trước ngày mất nước, ông đang làm việc cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, có nhiều cơ hội tiếp cận với các giới chức hoạch định chính sách trong chính phủ Mỹ để loan báo tin tức về VN. Chắc ông đã tiên liệu được là Mỹ sẽ bỏ rơi VNCH. Vậy ông thấy rõ điều đó từ lúc nào?

Tôi phải trả lời rằng thực ra cho đến bây giờ không ai ấn định được chính xác đâu là thời kỳ dứt điểm. Một số sử gia và học giả viết sách cho rằng số phận của VNCH đã được định đoạt ngay từ khoảng 1971, khi ông Henry Kissinger, lúc ấy còn là cố vấn an ninh của TT Nixon, lén lút sang Bắc Kinh qua ngả Ấn Độ để gặp Mao Trạch Đông. Đây là một cuộc đi đêm mà khá lâu sau đó mới được tiết lộ. Trong lần gặp gỡ ấy, họ đã mặc cả trao đổi với nhau nhiều điều, và người ta nghi ngờ là Kissinger đã bán đứng miền Nam VN cho cộng sản để đổi lấy việc Trung Cộng chịu mở cửa thị trường khổng lồ của họ cho tư bản Mỹ vào buôn bán.

Có tác giả còn cho rằng Kissinger, một người Mỹ gốc Do Thái, đã tìm cách chấm dứt chiến tranh VN để có thể chuyển đưa số quân viện khổng lồ của Mỹ sang cho Israel hầu cứu nguy nước này trước mối đe dọa của khối Ả Rập thùng hịch. Chính vì thế mà từ sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, ông ta đã cố gắng ép buộc chính phủ Nguyễn Văn Thiệu phải ký kết hiệp định Paris với những điều khoản vô cùng bất lợi cho VNCH, mở đường cho cộng quân dễ dàng đánh chiếm sau đó.

Một số khác lại nói rằng với làn sóng phản chiến mạnh mẽ lan tràn khắp nơi trên nước Mỹ, với những hình ảnh trên TV cho thấy quan tài của lính Mỹ tử trận ở VN được ùn ùn đưa về hết đợt này đến đợt khác, thì việc Hoa Kỳ quyết định rút quân ra khỏi VN là điều bắt buộc phải xảy ra. Và nếu như TT Nixon không vấp phải vụ Watergate khiến cho tòa Bạch Ốc bị tê liệt không còn khả năng điều hành công việc đối ngoại một cách hữu hiệu, thì chính sách Việt Nam hóa cuộc chiến tranh do ông đề xướng có thể đã thành công.

Những giả thuyết đó hư thực ra sao tôi không biết chắc. Tôi chỉ có thể nói căn cứ theo kinh nghiệm bản thân của mình qua công việc hằng ngày trong đài mà thôi. Đài VOA là một cơ quan truyền thông độc lập, do quốc hội HK lập nên, với một bản hiến chương rõ rệt, tuy không phải nhận chỉ thị từ hành pháp nhưng dĩ nhiên không muốn có tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược nên vẫn liên lạc thường xuyên với tòa Bạch Ốc trong những lời tuyên bố chính sách quan trọng.

Tôi nhớ vào tháng giêng năm 1975, chỉ ít hôm sau mùa nghỉ lễ Christmas và New Year, tòa Bạch Ốc yêu cầu chúng tôi gởi người sang đó họp với Policy Office, tức cơ quan có nhiệm vụ viết các bài bình luận phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ mà chúng tôi vẫn phát thanh hằng ngày. Tôi được đài VOA cử tới tham dự. Người phụ trách buổi họp nói đại khái rằng từ trước tới nay chúng ta vẫn kiên trì tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ và sát cánh chiến đấu với đồng minh VNCH, nhưng bây giờ thì xin các bạn tạm ngưng tất cả những lời lẽ đó để chờ xem tân quốc hội quyết định ra sao về việc xin thêm khoản quân viện phụ trội cho VNCH.

Lúc ấy là thời điểm mà nhiều sư đoàn bộ binh Bắc Việt, có xe tăng yểm trợ, đang đẩy mạnh các cuộc tấn công ở nhiều vùng trên cao nguyên cũng như ở các tỉnh miền Trung, khiến quân đội VNCH phải gắng sức chống trả bằng cách xử dụng rất nhiều đạn pháo. Số bom đạn dự trữ tiêu hao mau lẹ, khiến các viên chỉ huy chiến trường phải ra lệnh cho lính tiết kiệm đạn dược xuống mức tối thiểu. Nếu không được tăng viện, VNCH sẽ lâm vào tình trạng hết đạn, hết xăng, không sao đương cự lại với quân thù.

Viên chức tòa Bạch Ốc giải thích tiếp: Khoản xin thêm cũng tương đối nhỏ thôi, chỉ có 300 triệu so với ngân sách quân viện hằng năm lên tới nhiều tỷ đô la. Nếu được tân quốc hội chấp thuận thì đó là dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn còn muốn giữ vững chứ không tháo chạy khỏi VN. Chừng đó chúng ta sẽ tiếp tục nói mạnh. Nhưng nếu quốc hội khước từ, tức là họ đã quyết định bỏ rơi đồng minh hoàn toàn. Chúng ta không được hứa hẹn gì thêm nữa, nếu không sẽ mất hết uy tín. Quả nhiên sau đó quốc hội đã khước từ, và nếu ai theo dõi sát các buổi phát thanh của đài VOA thì sẽ thấy là từ đầu năm 1975, không còn có một lời cam kết mạnh mẽ nào của Mỹ được đưa ra thêm nữa.

Tôi trở về đài làm việc mà lòng nặng trĩu những ưu tư vì thấy cái viễn ảnh mất nước khó lòng tránh khỏi. Nhưng vào lúc ấy, bạn bè, thân nhân của tôi ở quê nhà cũng như ở bên Mỹ chẳng ai tin là Mỹ sẽ bỏ rơi VN. Họ lý luận rằng Hoa Kỳ đã chi phí hàng trăm tỷ đô la, đã hy sinh hơn 50 ngàn lính Mỹ để bảo vệ miền Nam như một tiền đồnng ăn chặn làn sóng đỏ khỏi lan tràn khắp Đông Nam Á thì làm sao có thể bỗng nhiên tháo chạy? Siêu cường quốc Hoa Kỳ từng bách chiến bách thắng đời nào chịu nhận thua anh cộng sản Bắc Việt tí hon?

Tuy nhiên, các giới chức cao cấp và các cố vấn thân cận của TT Thiệu thì đã sớm nhận thức được cái nguy cơ bị đồng minh phụ bạc. Họ cố tìm mọi cách để có thể tự lực tự cường, không cần đến viện trợ của Mỹ mà vẫn có đủ quân nhu khí giới để chiến đấu bảo vệ lãnh thổ. Cách duy nhất là đi vay tiền của ngoại quốc rồi hứa sẽ trả nợ dần bằng lợi tức vừa kiếm được qua việc khai thác các mỏ dầu ở thềm lục địa ngoài khơi bờ biển VN. Tổng trưởng ngoại giao Vương Văn Bắc công du sang Saudi Arabia với sứ mạng thuyết phục quốc vương Faisal của nước này cho vay dài hạn. Quốc vương tỏ ra rất có thiện cảm với VNCH và thủ tục cho vay đang được tiến hành thì ngài bị ám sát chết. Cả nước lâm vào tình trạng khủng hoảng chính trị, chẳng ai lo đến chuyện cho VN vay tiền nữa. Chính phủ Thiệu vô cùng thất vọng.

Việt báo xuân 2015
John Kerry đứng cạnh Jean Fonda chờ phát biểu phản chiến. 1975, không muốn nhận tị nạn Việt Nam

Khoảng giữa tháng 3, tôi loan báo những tin đó trên đài nhưng nghĩ bụng rằng dù có được cho vay thì số tiền mấy trăm triệu hay hàng tỷ đô la cũng chỉ như muối bỏ biển, không thể cung ứng dài hạn cho VNCH chống lại đội quân hùng mạnh của Bắc Việt được Liên Sô và Trung Cộng liên tục viện trợ vô hạn định. Chuyện tự lực tự cường xem ra chỉ là điều mơ ước viển vông. Rồi đến gần cuối tháng tư anh Hưng sang Mỹ gặp tôi và tôi đã đưa ra những nhận xét bi quan như đã nói ở đoạn mở đầu.

Một điều thắc mắc mà nhiều người nêu lên với tôi hồi sau này là phải chăng vì BBC và VOA loan tin quá sớm về sự thất thủ liên tiếp các tỉnh miền Trung mà đã có cuộc tháo chạy ồ ạt xuống phía Nam? Họ nói Quảng Trị còn chưa mất mà các đài ngoại quốc đã báo cáo là mất rồi, khiến cho Huế, Đà Nẵng rồi Hội An ùn ùn bỏ chạy, gây tắc nghẽn đường xá, làm trở ngại việc rút lui có trật tự, trong khi vẫn chưa thấy bóng dáng địch quân đâu cả?


Tôi trả lời rằng bên BBC phát thanh theo tiêu chuẩn nào và dựa trên những dữ kiện gì thì tôi không biết rõ, nhưng tin tức của ban Việt ngữ đài VOA thì chính tôi là một trong những người lựa chọn. Nguyên tắc chỉ đạo là khi nhận được tin chấn động, có thể gây ảnh hưởng lớn, thì cần phải kiểm chứng lại bằng ít nhất là 2 nguồn tin độc lập khác nhau trước khi cho phát thanh. Tin tức của VOA thường chậm trễ hơn BBC là vì thế. Không thể có chuyện một tỉnh chưa mất mà chúng tôi đã vội vã nói là mất rồi.

Một câu hỏi nữa là đài VOA có biết trước về kế hoạch di tản người Việt tị nạn sang Hoa Kỳ không? Nếu có thì sao không loan báo sớm để khỏi xảy ra tình trạng hoảng loạn xô đẩy nhau chạy khỏi VN trong những ngày cuối tháng tư đen?

Xin thưa là như đã nói ở trên, chính phủ Hoa Kỳ lúc ấy chỉ lo di tản người Mỹ mà thôi, không hề có kế hoạch nào đưa người Việt tị nạn sang Mỹ cả. Cho đến gần giờ chót mới có những quyết định vội vã từ tòa Bạch Ốc, cho phép dùng mọi phương tiện sẵn có để tiếp cứu những người Việt lánh nạn cộng sản ra khỏi VN, nhưng chưa chắc đã đón nhận họ vào nước Mỹ. Bởi vậy cho nên mới có những trại tạm cư được vội vã thiết lập ngay tại một số quốc gia Đông Nam Á kế cận như Thái Lan, Malaysia, Philippines và trên một vài hòn đảo của Mỹ trong Thái Bình Dương. Chỉ một số tương đối ít được đưa thẳng tới một trong 3 trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại Mỹ là Ft.Chafee ở Arkansas, Camp Pendleton ở California và Indiantown Gap ở Pennsylvania.

-Đám dân biểu nghị sĩ phản chiến tại quốc hội, kể cả ông John Kerry, đương kim ngoại trưởng Hoa Kỳ, còn không muốn cho những tị nạn Việt này được định cư vĩnh viễn ở Mỹ nữa. Họ chỉ bằng lòng cấp cho dân Việt tị nạn quy chế tạm dung (parolees) giống như những tù nhân được tạm tha, rồi sẽ tìm cách tống xuất đi nơi khác. (Nhạc sĩ Phạm Duy lúc ấy đã cay đắng sáng tác một bài hát nhan đề là Hát Trên Đường Tạm Dung với những lời ca: "Ta đi trên đường tạm dung, trời Cali quanh năm nắng ấm, mà lòng người ly hương vẫn thấy lạnh lùng" ).

Nhưng sau khi bọn nón cối dép râu tự nhận là "quân cách mạng vào giải phóng miền Nam", thì dân chúng cứ lũ lượt rủ nhau vượt biển chạy trốn bằng những chiếc thuyền ọp ẹp, bất chấp sóng to gió lớn và nạn hải tặc, khiến nhiều người thiệt mạng. Hằng ngày tôi đau xót loan tin về những cuộc hành trình đầy nguy hiểm của đám thuyền nhân đó cũng như những nỗ lực nhân đạo của hải quân Hoa Kỳ và các thương thuyền quốc tế tiếp cứu họ đến những trại tị nạn an toàn. Tôi không hề biết là nhiều người vượt biển đã đem theo radio transistor để nghe tin tức từ các đài VOA, BBC với hy vọng được hướng dẫn đến những nơi có nhiều tàu ngoại quốc đi qua. Một số những người này sau khi được tiếp cứu và đưa tới Hoa Kỳ đã thuật lại với phóng viên báo chí rằng nhờ nghe đài mà họ tìm tới được những con tàu cứu vớt họ.

Bỗng một hôm, tôi được ông tổng giám đốc đài VOA gọi tới cho biết là quốc hội Mỹ muốn hỏi xem ban Việt ngữ chúng tôi nói những gì mà khiến cho người Việt cứ đổ xô nhau vượt biển khiến cho tính mạng họ bị lâm nguy? Phải chăng chúng tôi khuyến khích họ hễ ra đến ngoài khơi là sẽ được tàu Mỹ tiếp cứu? Tôi trả lời rằng chúng tôi là một cơ quan thông tin, chỉ loan báo những sự kiện xảy ra một cách trung thực không thêm bớt, không bình luận. Phần bình luận hoàn toàn riêng biệt và chẳng bao giờ khuyến khích ai ra biển. Nói thì nói vậy nhưng tôi vẫn ngấm ngầm ao ước là những thông tin mình loan tải sẽ có thể giúp ích phần nào cho đồng bào mình tìm được tới những lộ trình trên biển, nơi có nhiều tàu bè qua lại để được tiếp cứu.

Mặc dầu chúng tôi đã giải thích, bên quốc hội vẫn yêu cầu ban Việt ngữ chuyển dịch sang tiếng Anh tất cả những tin tức bài vở đã phát thanh trong vòng một tuần lễ vừa qua làm tiêu biểu để họ kiểm soát lại xem có đúng thế hay không. Báo hại chúng tôi đã thiếu nhân viên mà còn phải mất thì giờ làm công việc dịch lại đó. Trong thâm tâm, tôi nghĩ rằng mấy ông bà phản chiến bên quốc hội chẳng phải vì lo lắng cho sinh mạng của người vượt biển mà chỉ vì họ không muốn đón nhận thêm dân Việt tị nạn vào nước họ, sợ là sẽ tạo thêm gánh nặng cho quỹ xã hội phải đài thọ những người này. Bây giờ, với những đóng góp lớn lao của người Mỹ gốc Việt cho đất nước này trong 40 năm qua, chắc họ đã thấy là họ nhầm lẫn biết bao nhiêu!

Vào tháng tư năm 2000, The Gerald R. Ford Presidential Library, thư viện của cựu tổng thống Ford, người đang cầm quyền vào lúc VNCH sụp đổ, đã tổ chức một cuộc hội thảo kéo dài 3 ngày, quy tụ các giới chức cao cấp nhất trong chính phủ và quân lực Mỹ hồi 1975, cùng với các ký giả báo chí, các phóng viên trên chiến trường VN hồi đó tới gặp nhau tại University of Michigan, nơi thư viện tọa lạc, để ôn lại các sự việc, tìm hiểu nguyên nhân thất bại và rút tỉa những bài học kinh nghiệm. Tôi được đài VOA phái tới tham dự và viết bài tường thuật để phát thanh về VN.

Ngày đầu họp về chính trị. Tôi thấy có sự hiện diện của đông đảo các giới chức cao cấp thời chiến tranh VN, kể cả ông cựu bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld và nhiều bộ trưởng khác trong các chính phủ Nixon và Ford, nhưng cựu ngoại trưởng Henry Kissinger thì lúc đầu hứa sẽ đến dự nhưng cuối cùng thoái thác không đến.

Ngày thứ nhì họp về quân sự. Hầu hết các tướng lãnh chỉ huy quân đội Mỹ trên chiến trường VN như tướng William Westmoreland, tướng Frederick Weyand đều tới họp và nói lên sự bực bội phẫn uất của họ khi sang chiến đấu bên VN mà cứ bị trói một tay sau lưng vì những hạn chế do giới chính trị ở Washington áp đặt.

Ngày thứ ba mới lại càng hào hứng vì đó là cuộc họp của giới truyền thông báo chí Mỹ. Giới này thường bị cáo buộc là khuynh tả. Những bài tường thuật của họ trên báo chí, những hình ảnh mà họ chiếu trên TV phần nhiều đều có lợi cho đối phương và có hại cho đồng minh VNCH. Họ được tự do ra Côn Đảo, tới xem nơi giam giữ tù binh Việt cộng trong những chỗ gọi là chuồng cọp, rồi chụp hình làm phóng sự đăng báo khiến cho người Mỹ có cảm tưởng rằng VNCH là tàn ác còn VC là nạn nhân. Nhưng có bao giờ họ được VC cho vào các mật khu của chúng để thấy những nơi chúng giam giữ tù binh VNCH đâu! Chính họ đã vô tình giúp cho phong trào phản chiến lan rộng khắp nơi trên nước Mỹ và làm mất VNCH ngay từ trước khi bộ đội Bắc Việt khởi sự cuộc tổng tấn công.

Các ký giả nổi tiếng hoạt động ở VNCH thời ấy như David Halberstam, Peter Arnett, những người từng được giải thưởng cao qúy Pulitzer vì các bài tường thuật sắc bén của họ từ VN gửi về, đã lên tiếng bênh vực cho báo giới Mỹ. Họ nói các phóng viên chiến trường đã chỉ thấy sao viết vậy, rất trung thực chứ có bịa đặt gì đâu. Tại sao lại buộc tội oan cho họ là làm mất VN ngay trên đất Mỹ? Tuy nhiên nếu đọc lại những bài tường thuật của họ, ta thấy ngay giọng điệu thiên vị, dành thiện cảm cho phe địch mà ngấm ngầm chỉ trích phe ta.

Dĩ nhiên bài diễn văn được chú ý nhiều nhất trong 3 ngày hội thảo là của chính cựu tổng thống Gerald Ford, trong đó ông đã mạnh mẽ biện minh rằng không phải chính phủ Ford để mất VN vào tay cộng sản mà vì tình thế lúc ấy không cho phép ông làm gì khác được. Sau đó tôi đã được ông Ford dành cho một buổi phỏng vấn trực tiếp với ông. Có lẽ vì biết rằng những điều ông nói sẽ được phát thanh về VN cho dân chúng nghe nên ông đã kể lại rất chi tiết những hoạt động của ông trong những ngày cuối tháng tư đen và những nỗ lực vào phút chót để di tản càng nhiều người Việt tị nạn ra khỏi VN càng hay.

John Kerry đứng cạnh Jean Fonda chờ phát biểu phản chiến.1975, không muốn nhận tị nạn Việt Nam

Tiếp theo đó, ông còn thân hành dẫn tôi sang phòng triển lãm tại thư viện Gerald Ford và cho tôi coi chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi nóc tòa đại sứ Mỹ ở Saigon, cùng với những bức hình chụp mấy người hốt hoảng cố bám theo chân chiếc trực thăng này. Ông nói ông đã phải mất nhiều công vận động với bộ quốc phòng Hoa Kỳ mới có được chiếc thăng này để trưng bày tại thư viện của ông như một bằng chứng cho thấy những cố gắng tối đa của ông cho đến giờ phút chót để cứu người tị nạn.

Việt báo xuân 2015
Trung Tá Hải quân Cao Hùng

Thực ra, căn cứ theo những điện văn qua lại giữa tòa đại sứ Mỹ tại Saigon và bộ ngoại giao ở Washington vào những ngày chót đó thì cái công vận động để chính phủ Mỹ cho phép di tản đông đảo người tị nạn ra khỏi VN là của ông đại sứ Martin, một người rất có cảm tình với VN. TT Ford chỉ chấp thuận những lời thỉnh cầu khẩn thiết của ông mà thôi.

Việt báo xuân 2015
Khoa học gia gốc Việt, Tiến Sĩ Nguyễn Định

Thoáng chốc mà 40 năm đã trôi qua. Cuộc di tản đầy gian nan khổ cực của hàng trăm ngàn rồi hàng triệu người Việt lánh nạn cộng sản hồi ấy tưởng chừng như là một đại họa bất ngờ xảy tới. Nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy trong cái họa lại ngầm chứa cái phúc, hệt như chuyện "tái ông thất mã". Nhờ vượt thoát ra khỏi chế độ cai trị áp bức tàn bạo của cộng sản mà người Việt hải ngoại có đầy đủ cơ hội thi thố tài năng để thành công vượt bực trong đủ mọi lãnh vực của xã hội Hoa Kỳ. Trí thông minh, óc sáng tạo, tài quản trị của dân ta đâu có thua kém gì dân Nam Hàn, Singapore hay Thái Lan, Malaysia. 40 năm trước các nước đó còn thua kém chúng ta xa. Vậy mà bây giờ họ hơn ta gấp bội chỉ vì họ được sống trong một chính thể tự do dân chủ với một nền giáo dục đàng hoàng.

Việt báo xuân 2015
Jacqueline Nguyễn Thẩm phán Liên bang

Trong môi trường thuận lợi ở Hoa Kỳ, những trường hợp thành công rực rỡ của người Việt tỵ nạn nhiều không kể xiết. Chỉ trong vòng 10 năm đầu tiên, ký giả Trọng Minh đã có thể sưu tập và xuất bản liên tiếp mấy cuốn sách với tựa đề "Vẻ Vang Dân Việt" nêu rõ những trường hợp thành công đáng ca ngợi đó. Và chỉ sau 40 năm sinh hoạt ở nơi được gọi là "miền đất của những cơ hội", cộng đồng người Việt đã vượt xa các cộng đồng bạn mới nhập cư vào nước Mỹ sau này. Chỉ xin kể vài ba trường hợp làm tiêu biểu:

-Tháng Tư năm 1975, cậu bé Lương Xuân Việt mới 10 tuổi theo gia đình tị nạn cộng sản sang Hoa Kỳ. Chưa đầy 40 năm sau, cậu đã trở thành vị tướng lãnh người Mỹ gốc Việt đầu tiên trong quân đội Hoa Kỳ.

-Cũng tị nạn sang Mỹ vào năm 10 tuổi như Lương Xuân Việt, cô bé Nguyễn Thị Hồng Ngọc (Jacqueline Nguyen) ngơ ngác đến trại tạm cư ở Camp Pendleton sau biến cố tháng tư đen 1975. Ngày nay Jacqueline Nguyen đã là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm chức thẩm phán tòa kháng án liên bang Hoa Kỳ.

-Trung Tá Hải quân Cao Hùng, cậu bé được bố mẹ đưa sang Mỹ tị nạn, hiện là Chỉ huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Người Nhái và Trục Vớt thuộc Hải Quân Hoa Kỳ.

- Một khoa học gia gốc Việt, Tiến Sĩ Nguyễn Định, hiện là trưởng công trình nghiên cứu chế tạo loại vũ khí mới mang tên Free Electron Laser (FEL).

Việt báo xuân 2015
Đại tá James Van Thạch và Tướng Lương Xuân Việt.

Nhìn vào những thành đạt vẻ vang của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ, đặc biệt là lớp người trẻ sinh trưởng tại nước Mỹ, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh, khoa học gia không gian nổi tiếng thế giới đã viết: "Tôi viết tặng các bạn trẻ, lòng những mong rằng thế hệ của tôi chỉ là lớp người đi trước, đặt những viên đá sơ sài lót đường... Sau này các bạn sẽ đạt được những thành công rực rỡ, xây thành một đại lộ thênh thang cho toàn thể những người Việt cùng tiến bước, cho non sông được mở mặt với đời."

Chuyện ấy cũng dễ thôi. Với khả năng thiên phú đã được chứng tỏ của người Việt, chúng ta sẽ tiến bước không thua gì bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới, miễn là quê hương ta sớm thoát khỏi ách độc tài cộng sản. Chừng đó thì mọi người trong nước đều có thể phát triển tài năng của mình mà không cần phải tị nạn di tản đi đâu hết.

Lê Văn
Houston, Xuân 2015

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.