Hôm nay,  

78. Quốc Phục & Lễ Phục Truyền Thống Việt

11/05/201521:49:00(Xem: 18271)
Văn Hoá Trang Phục

QUỐC PHỤC & LỄ PHỤC
TRUYỀN THỐNG VIỆT

TRỊNH BÁCH

Người dân và chính phủ của các nước có nền tảng văn hóa cổ truyền vững chãi vẫn thường hãnh diện về quốc phục của mình. Điển hình là trong kỳ họp thượng đỉnh APEC 2009 ở Hàn Quốc, các nguyên thủ quốc gia đã vừa thích thú, vừa trân trọng khi khoác lên người những bộ durumagi, tức là quốc phục hanbok nam giới truyền thống của quốc gia chủ nhà. Và báo chí Hàn Quốc xem đây là điểm son lớn cho quốc thể của họ.

Trong khi đó thì giới ngoại giao, văn hóa của nhiều quốc gia cho đến nay vẫn không hiểu người Trung Quốc, nước chủ nhà của APEC 2001, đã cho nguyên thủ của họ mặc trang phục gì. Ban tổ chức ở Thượng Hải giải thích rằng cái áo jacket họ thiết kế năm đó “có phong cách” truyền thống Trung Hoa, dù không có tên gọi.

Cả thế giới đều biết đến quốc phục của các nước, thí dụ như cái váy Kilt của nam giới xứ Scotland, áo Kimono Montsuki của giới mày râu Nhật Bản, áo choàng Besht của người Ả Rập, hoặc áo Kebayacủa Indonesia…

Việt báo xuân 2015
Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà tiếp Vua Thái Lan

Bên Tây Âu và Mỹ không có quốc phục, nhưng họ rất kỹ lưỡng về lễ phục. Trong các quốc yến, quốc lễ, đại lễ họ mặc lễ phục nơ trắng (white-tie), tức loại trang phục người Việt gọi là áo đuôi tôm. Trong các dịp riêng tư nhưng trọng thể, thí dụ như đám cưới, tang lễ hay các tiệc gia đình quan trọng, người ta mặc trang phục nơ đen (black-tie), hay còn gọi là Tuxedo. Giới thượng lưu Việt Nam bên Âu, Mỹ rất sính loại trang phục này.

Mỗi loại trang phục kể trên khi mặc đều phải tuân thủ các lề lối và phụ kiện nghiêm ngặt, từ mũ, cổ áo, đai bụng, khuy áo, tất, giầy, v.v. Còn ở văn phòng, ở các buổi hội họp hàng ngày, hoặc trong các dịp ăn uống gia đình, bè bạn thoải mái thì nam giới mặc loại trang phục làm việc (business suit) mà chúng ta hay gọi là Com lê (complet), hay bộ đồ vét (veston).

Từ những năm trong thập niên 1960, báo chí trên thế giới khi nhắc đến quốc phục các nước thì áo dài bao giờ cũng được lấy làm tiêu biểu cho Việt Nam. Thậm chí áo dài đã trở thành một thuật ngữ trong các bách khoa tự điển trên thế giới.

Quốc phục nam giới theo truyền thống Việt Nam

Việt báo xuân 2015
Hình từ trái: Thái tử Bảo Long với
áo dài năm thân và Đại Nam Long
Tinh (dự quốc yến của triều đình
Anh Quốc năm 1952)
Trong quyển sách “Relation de la Nouvelle Mission des Peres de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine,” xuất bản tại Lille năm 1631, Giáo sỹ Cristoforo Borri đã tả rõ về cách ăn mặc của người Việt ở đầu thế kỷ 17. Theo ông thì đàn ông Việt Nam thời bấy giờ mặc áo giống như trang phục của các giáo sỹ Công giáo giòng Benoit, tức là giống cái áo dài đen của người Việt bây giờ. Giáo sỹ Borri cho biết phần lớn đàn ông Việt hồi đầu thế kỷ 17, nhất là giới sỹ tử, đều mặc một cái áo dài bằng vải lụa hay lương mầu đen phủ ra ngoài các áo khác. Và, “…đàn ông cũng như đàn bà đều để tóc dài và vấn khăn.”

Năm 1819, khi thuyền trưởng Mỹ John White đến thăm Sài Gòn, cách ăn mặc ở đây vẫn giống như giáo sỹ Borri đã thấy ở Thuận Quảng từ hơn hai thế kỷ trước đó. Ông White cũng cho biết rằng đàn ông, đàn bà Sài Gòn khi ấy ăn mặc giống nhau, với vài lớp áo dài khác mầu. Tuy nhiên, giống như bây giờ, theo Thuyền trưởng White thì lối ăn mặc đỏm đáng kể trên chỉ dành cho tầng lớp phong lưu, thời thượng. Còn phục trang của đại đa số dân chúng vẫn nghiêm cẩn hơn, với áo dài sẫm mầu.

Áo dài nam giới ở nước ta hầu như không thay đổi mấy từ nhiều thế kỷ nay. Áo dài nam giới truyền thống rất nghiêm cận và nam tính. Trong khi cổ áo dài phụ nữ có thể khi cao khi thấp, thì áo dài đàn ông bao giờ cũng có cổ khép kín với bề cao độ 3,5 cm. Gấu áo dài đến ngay phần dưới đầu gối. Áo có đeo xẻ không để hở da thịt. Vạt ao rộng trên dưới 70 cm. Tay áo nam không bao giờ được cắt kiểu chéo vai Raglan, mà phải cắt theo kiểu nối tay. Cách cắt vai để nâng ngực phụ nữ chỉ mới xuất hiện thời gần cuô´i thập niên 1960, khi phong trào Hippydu nhập vào miền Nam Việt Nam. Áo dài của một hoàng đế trong cung cũng được may giống y như áo dài của một anh khóa ngoài làng. Có khác chăng là chất lượng và mầu sắc vải. Tiếc rằng vì thiếu hiểu biết, hay vì sở nguyện cá nhân, mà ngày nay áo dài nam giới nhiều khi bị đồng hoá với áo dài nữ hiện đại để trở nên ẻo lả.

Trong những dịp lễ trọng như cúng lễ cưới hỏi, đàn ông nước ta khoác thêm ra ngoài áo dài một cái áo lễ may thụng tay, gọi là áo bào, áo cổ nở trong cung; hay gọi là áo tấc, áo rộng ngoài hương, phố. Các áo lễ này có cổ chéo (giao lĩnh), cổ đứng hay cổ tròn (bàn lĩnh) tùy theo trường hợp. Tay áo lễ được may rất rộng và dài. Khoảng cách giữa hai đầu tay áo bào trung bình là hai mét rưỡi. Các loại áo lễ này rất bất tiện, và chỉ được khoác phủ ra ngoài áo dài khi hành lễ. Còn trước và sau lễ, cũng như trong tất cả mọi dịp trang trọng khác, người Việt bao giờ cũng chỉ mặc áo dài. Có thể chắc chắn là áo dài vẫn được người nước ta dùng một cách đa dạng từ lâu lắm rồi.

Việt báo xuân 2015
Một hoàng phi của triều Nguyễn
trong áo tấc nữ.
Ngày xưa phần lớn các áo dài, áo rộng đều được may kép, tức là may với lớp lót đính liền vào lớp áo ngoài. Dưới thời Lê Trung Hưng, Các quan trong triều mặc thêm một áo lót, phần nhiều mầu trắng, bên trong áo lễ. A´o lót này ngắn hay dài tùy cấp bậc của người mặc. Phong tục mặc áo lót mầu trắng dưới áo dài được kéo dài cho đến gần đây cũng tương tự như cách mặc áo sơ mi trắng bên trong áo veston của phương Tây, và như trong hầu hết lễ phục của các quốc gia Âu, Á. Ở những tình huống bình thường, thí dụ như khi tiếp khách đến thăm bất ngờ, người Việt hàng phố thường khoác vội cái áo dài ra ngoài bất cứ áo nào đang mặc trên người.

Về sau này áo ngoài, cả áo dài lẫn áo rộng, thường được may đơn giản không có áo trong hay lớp lót. Nhưng nếu áo được may bằng các loại vải nhìn xuyên qua được như sa, the thì bên trong phải được may đệm một lớp lót cho kín đáo.

Đi cùng với áo dài ở Việt Nam ngày xưa là khăn vấn. Khăn của văn ban vấn theo kiểu chữ nhân và khăn của võ phái vấn kiểu chữ nhất, bao giờ cũng mầu đen. Sau phong trào xóa bỏ búi tóc năm 1927, đàn ông Việt đội lên đầu tóc ngắn của mình một loại khăn đã được vấn sẵn gọi là khăn đóng hay khăn xếp. Từ những năm giữa thập kỷ 1930, giới trí thức trẻ và các công tử thành thị trong đời sống thường nhật không đội khăn xếp nữa. Thay vào đấy họ đội các loại mũ Tây phương. Nhưng thông thươ`ng họ để đầu trần và tóc được chải mượt với kem brillantine. Chỉ trong ca´c dịp lễ trọng hay đám cưới ngươ`i ta mơ´i đội khăn đóng. Cũng tương tự như ở Việt Nam, ngoại trừ đàn ông Indonesia ngày nay vẫn đội mũ cổ truyền Songkok, hay người Ả Rập đội khăn Agal, nam giới ở các nước A´ châu còn giữ được trang phục truyền thống dân tộc như Nhật, Hàn Quốc, Campuchia, v.v, khi mặc quốc phục thường để đầu trần khi không hành đại lễ.

Cũng từ khi khăn vấn bị loại bỏ, các loại quần lĩnh không còn được nam giới nước ta mặc cùng áo dài nữa, mà thay vào đấy người ta mặc quần Âu may bằng vải trắng các loại và đi giầy Tây, giầy Hạ (Hạ châu) hay còn được gọi là giầy Gia Định, hoặc dép da. Nhưng áo dài trắng, đen, hoặc hai lớp trắng đen vẫn luôn phổ biến.

Cho đến bây giờ, bô lão ở các làng xã vẫn còn giữ được phong tục truyền thống ở nước ta vẫn mặc áo dài vào những dịp trọng đại. Họ cũng khoác thêm áo thụng trong lúc tế lễ. Nhưng không ai có thể chối cãi được rằng cái áo dài chính là bộ quốc phục trang trọng, kiêu hãnh, đa năng và thông dụng của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.

Lễ phục truyền thống Việt Nam

Lễ phục và trang phục truyền thống của mỗi dân tộc luôn được hình thành sau một quá trình lịch sử lâu dài; và bao giờ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc về phong tục, lễ nghi, văn hóa bản địa. Ngoài ra các yếu tố thẩm mỹ dựa theo nhân dáng cũng như đức tính đặc thù của dân tộc đó cũng phải được tôn trọng. Các nguyên tắc này gần như bất biến và được truyền nối, kế thừa qua các triều đại và thời đại.

Ở nước ta, sự kế tiếp truyền nối trải dài từ thời Đinh, Lý lập quốc được thể hiện cho đến triều Nguyễn, trước khi nó bị chặn đứng bởi nền văn hóa ngoại lai do thực dân Tây phương áp đặt lên chúng ta từ cuối thế kỷ 19. Trang phục và chữ viết theo lối Tây phương quả có nhiều thuận tiện. Nhưng người Nhật vẫn được cả thế giới kính nể vì những tiến bộ về kinh tế, khoa học, song song với văn hóa truyền thống của họ, mà họ đâu có cần mẫu tự La Tinh. Và người Nhật rất tự hào với lễ phục truyền thống nghìn năm tuổi rất rườm rà, nhưng được cả thế giới hâm mộ của mình.

Trước nay cũng đã có nhiều dự định sáng tạo ra lễ phục, hay ít nhất là trang phục phổ thông, trên thế giới. Tỷ dụ như áo đại cán của Trung Quốc, hay áo Nehru ở Ấn Độ. Nhưng chúng thường chỉ xuất hiện thoảng qua rồi đi vào thất sủng vì không hợp với hồn dân tộc hay thẩm mỹ.

Ngoài ra cũng có trường hợp muốn tạo ra trang phục tổng hợp cho các dân tộc, nhưng chưa thấy trường hợp nào đạt kết quả. Điển hình là nỗ lực của Hoàng hậu “Sissi” Elizabeth (1854-1898) của Áo.

Từ năm 1867, Elizabeth được phong làm nữ vương của Hungary, Bohemia và Croatia. Bà thật sự yêu mến các dân tộc này, và muốn hòa đồng với tất cả bằng cách tạo ra một trang phục chung có đủ tinh thần của cả bốn nước, để tiện cho các dịp lễ trong toàn thể Đế quốc Áo-Hung. Nhưng chuyện không thành vì trang phục truyền thống của các nước đó đều khác biệt rõ nét. Và các dân tộc này rất hãnh diện với nền văn hóa riêng của họ, vì thế nếu áp đặt sẽ dễ gây hận thù, nguy hiểm. Dự định của Nữ hoàng Sissi kéo dài được mấy năm rồi đành phải bỏ lửng.

Trước đó Người Mãn Thanh cũng không thành công trong công việc dung hòa quần áo Hán, Mãn. Và ở Việt Nam thì sau bao năm Vua Minh Mạng vẫn không khiến được dân đàng Ngoài ăn mặc theo lối đàng Trong, và các triều vua sau đành bỏ qua việc này. Để cho đến mấy mươi năm trước đây phụ nữ Bắc bộ vẫn còn thung dung với “quần không đáy” và áo tứ thân.

Việc cố gắng thay đổi quan niệm trang phục truyền thống lâu đời của một dân tộc thường không đạt kết quả. Lấy thí dụ ở áo dài Việt Nam. Từ thời Pháp thuộc cho đến nay đã có không biết bao nhiêu người cố gắng thay đổi cái áo dài phụ nữ, nhưng phần nhiều vì không hiểu các quy tắc về tâm hồn Việt, cũng như thiếu quan tâm về vấn đề nhân dáng, mỹ thuật mà đã không thành công.

Các cụ ta ngày xưa luôn tôn trọng tính kín đáo của phụ nữ Việt, và các cụ cũng hiểu rất rõ về các ưu và khuyết điểm trong nhân dáng của người mình. Tóc luôn phải che dấu trong khăn và cổ vì phong tục mà phải che kín đấy, nhưng các cụ biến khăn cuộn tóc thành nhỏ gọn để khoe gáy, trong khi cổ áo rất thấp và ôm cổ. Như thế để cho cái cổ thường không cao của phụ nữ Việt trông cao và thanh tú hơn khi mặc áo dài. Cách cắt tay áo và ngực ôm trong khi eo và tà buông thả của áo dài cổ truyền cũng để cho người phụ nữ già trẻ, béo gầy hay cao thấp khi mặc vào trông cũng đều trang nhã. Một người béo bụng nhưng vì không hiểu biết mà muốn mặc áo dài bó eo chặt thì thật phản cảm, mất thẩm mỹ.

Cũng vì lý do này mà dù cố gắng nhiều, nhưng các đại phu nhân họ Tống của thời Dân Quốc đầu thập niên 1920 bên Trung Hoa cũng không thành công trong việc quảng bá áo xường xám của họ lâu dài vào lịch sử trang phục Trung Quốc. Chân phụ nữ Trung Hoa phần lớn không thon dài đủ để được khoe ra như thế. Trong khi cổ của họ cũng không cao đủ để chịu đựng cái cổ áo cao, cứng ngắc đó. Áo xường xám vì thế chưa bao giờ được giới sành điệu trên thế giới để ý, và luôn bị cho là một phiên bản không thành công từ áo dài Việt Nam.

Lễ phục truyền thống Việt Nam khá đa dạng. Các loại trang phục này được phân loại theo hình dạng. Nhưng cách phổ biến hơn là gọi tên theo cách cắt của cổ áo. Theo cách này thì ngày xưa nước ta có ba dạng lễ phục: giao lĩnh, trực lĩnh và bàn lĩnh.

1) Giao lĩnh, có cổ cắt vạt chéo cài sang bên phải. Đây là lễ phục cao cấp nhất, được mặc trong các lễ tế. Trang trọng hơn cả của loại này là áo cổn ở trong cung, may bằng đoạn thất thể rất quý hiếm, thường được vua, quan mặc trong lễ tế Giao. Trong triều còn loại giao lĩnh gọi là phổ phục, hay bổ phục, là loại áo giao lĩnh may bằng vải thanh cát để mặc trong các lễ thường, và những buổi tập dượt cho các kỳ đại tế. Khi mặc bổ phục phải đeo bổ tử (tức là khuôn vải hình vuông trên có thêu các hình tượng ấn định cấp bậc người đeo) ở trước ngực và sau lưng. Ngoài hương phố thì loại lễ phục này được gọi đơn giản là áo giao lĩnh, áo thụng, được mặc ở các lễ tế đình, miếu. Khi mặc giao lĩnh thì trên đầu phải đội mũ, miện. Áo may rất rộng, xẻ bên hông. Áo thường được may bằng vải thanh cát bằng sợi bông, gai; hay bằng đoạn tơ tầm đơn sắc mầu lam các loại. Tay áo cắt thụng, khi buông xuống dài bằng gấu áo. Các nước Đồng văn trọng Khổng giáo ở Á châu như Trung Quốc, Nhật, Hàn và Việt Nam đều có áo này. Dưới thời Nguyễn ở Việt Nam phụ nữ không mặc giao lĩnh. Hiện nay trong nhiều lễ tế đình ở các làng, xã, người mình vẫn mặc áo giao lĩnh.

Việt báo xuân 2015
Lễ phục Bàn lĩnh cổ đứng và giầy Hạ. ảnh Trịnh Bách

2) Trực lĩnh, tức là áo có vạt xẻ dọc ở giữa thân trước. Lễ phục trực lĩnh trong cung thời nguyễn dành riêng cho các bà và gọi là áo mệnh phụ. Áo này không được vua quan, nam phái trong triều đình Việt Nam xử dụng. Trong khi đó các nam đạo sỹ Lão giáo bên Trung Quốc lại có mặc áo được cắt y hệt như áo mệnh phụ của phụ nữ Việt. Áo nhật bình của các sư sãi trong nước cũng thuộc dạng trực lĩnh. Lễ phục trực lĩnh cũng may rộng, xẻ bên, và có tay cắt thụng dài bằng gấu. Áo được xẻ vạt bên hông. Áo trực lĩnh phổ thông nhất ngoài dân gian nước ta là áo dài tứ thân của phụ nữ miền quê Bắc bộ, nhưng áo này không thuộc chủng loại lễ phục.

3) Bàn lĩnh, tức áo cắt cổ tròn, có hay không có cổ đứng đính liền, vạt cài sang phải. Lễ phục bàn lĩnh phổ thông nhất ở nước ta trước đây. Ở trong cung áo này được cả nam lẫn nữ phái xử dụng dưới dạng long, phượng, và mãng bào; cho lần lượt vua, hậu phi, và các vương công, quan lại mặc trong đại lễ. Các áo bào này được may bằng gấm thất thể quý hiếm, và có cổ tròn nhưng không đính cổ đứng. Áo rất rộng, xẻ bên, tay cắt thụng dài bằng gấu áo. Áo được mặc trong các lễ đại triều, triều yến.

Nhưng lễ phục bàn lĩnh phổ thông nhất ngày xưa của người Việt, cả ở trong cung lẫn ngoài phố, là bàn lĩnh có cổ đứng, gọi là áo rộng hay áo tấc. Áo cũng cắt rộng, xẻ bên, với tay thụng dài bằng gấu, cài khuy phải như áo dài. Áo rộng đi đôi với khăn vấn cho cả nam lẫn nữ, và sau này là khăn xếp cho đàn ông. Áo này rất thông dụng, được mặc trong các lễ yết miếu, từ đường, việc hỷ như cưới xin, cũng như các việc thăm viếng quan trọng.

Áo dài năm thân cổ đứng cũng thuộc dạng bàn lĩnh. Gọi là năm thân, hay năm tà, vì áo được gép bằng 5 mảnh vải. Mỗi thân trước, sau gồm 2 mảnh nối lại với nhau dọc giữa thân. Thêm vào đó là tà phụ bên phải trong vạt trước cho kín đáo. Phải cắt như thế vì khổ vải ngày xưa rất hẹp. Sau này từ thời vải Tây phương nhập vào với khổ rộng cho nên hai tà trước không phải nối, và áo dài trở thành 3 thân như ngày nay. Cũng vì khổ vải xưa hẹp cho nên tay áo dài năm thân phải nối ở gần khuỷu tay. Cổ áo năm thân phụ nữ xưa thấp khoảng 2 đến 2,5 cm. Cổ áo nam cao khoảng 3,5 cm. Áo dài nam có gấu ngắn đến phần dưới đầu gối, trong khi áo phụ nữ dài đến chỗ dưới bắp chân. Gấu áo rộng trên 70 cm để ôm tà, và gấu áo trước được cắt võng. Áo dài cắt raglan, tức là may nối chéo vai, lúc đầu chỉ dành riêng cho thiếu nữ và được du nhập vào Việt Nam từ khoảng giữa thập kỷ 1960, theo phong trào Hyppy. Cắt thế vừa để nâng ngực phụ nữ, để đỡ nhăn vai, và vừa đỡ tốn vải. Áo dài mini, vai raglan, thời ấy chỉ dài đến đầu gối.

Áo dài năm thân cũng được kể là lễ phục, vì được mặc vào trong tất cả các loại áo bào kể trên khi làm lễ. Thường trong các buổi lễ người ta mặc áo dài, và chỉ khoác áo bào vào khi hành lễ. Hành lễ xong lại chỉ mặc áo dài. Trong các tiếp tân, lễ lạc thường, người nước ta mặc áo dài. Vào các dịp tiếp tân trọng đại trong triều đình người ta đeo thêm các huân, huy chương, hay bội tinh với giải đeo, lên áo dài. Ở ngoài phố, khi kó khách đến thăm bất ngờ thì chủ nhà cũng chỉ khoác vội lên người cái áo dài là xong.

Các áo lễ mùa thu, đông (từ tháng 10 đến tháng 02 âm lịch) được may bằng các loại vải dầy như gấm, đoạn. Từ tháng 02 đến tháng 10, tức xuân, hạ, thì may bằng vải mỏng như sa, the. Áo lễ dài hơn áo dài bên trong khoảng 2 cm, cho cả nam lẫn nữ. Ngoài ra còn một chi tiết rất quan trọng trong quy định về lễ, triều phục ngày xưa, là khi mặc áo lễ không được để lộ cho thấy quần. Đây là để thể hiện tính kín đáo của ông cha mình. Cho nên trong các loại áo bào phải có cái xiêm kín hai sườn mặc trong áo bào để che quần. Nếu trong khi hành lễ mà bị lộ quần thì vua sẽ bị các ngự sử, và quan thì bị đô sát, đàn hặc. Điều này dĩ nhiên nay đã được bãi bỏ, nhưng các nhà làm phim nên biết khi muốn dựng phim tài liệu cổ trang cho chính xác.

Áo tấc (bàn lĩnh) với cổ đứng và áo dài là 2 loại lễ phục đặc trưng Việt. Tự cổ chí kim không nước nào khác trên thế giới có hai loại trang phục này ngoài nước ta. Tiếc rằng ngày nay cả áo dài lẫn khăn xếp nam phái ở nước ta thường bị nữ hóa để trở nên lòe loẹt, thõng thượt, mất hết sự trang trọng và vẻ nam tính.

Trịnh Bách

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.