Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

73. Quân Phiệt Cộng Sản & Chuyện Tình Péron

11/05/201523:12:00(Xem: 24133)
Trò truyện từ Argentina

QUÂN PHIỆT-CỘNG SẢN
& CHUYỆN TÌNH PÉRON

MAI KIM NGỌC

Ernesto nhìn vào phiếu học viên của tôi và hỏi:

"Văn hóa hay ngôn ngữ?"

Tôi biết anh vừa đọc lời tôi khai với ông giám học về ước vọng của mình khi ghi tên học tại trường 'Đệ Nhất Sinh Ngữ La-tinh'. Hôm đó thấy tên trường có tính chất phô trương, tôi đã theo đà mà đại ngôn rằng, xuống đây là tôi muốn đắm mình trong cuộc sống Á Căn Đình để một lúc lãnh hội được cả văn hóa và ngôn ngữ.

Làm như không bắt được dụng ý tinh nghịch của anh, tôi nghiêm chỉnh trả lời:

"Hôm nay, ta nên làm một tổng quan về văn hóa Á Căn Đình."

Anh nói:

Việt báo xuân 2015
Mặt Trời trên quốc kỳ Argentina
"Đúng. Và tiếp theo, anh có thể bẻ tổng quan đó thành những đề tài nhỏ mà anh tự do chọn lựa."

Nhớ đến chuyện nhà nước kiểm duyệt thường thường khe khắt tại châu Mỹ la-tinh, tôi hỏi lại:

"Tự do bao nhiêu?"

Anh nói:

"Tự do thật đấy. Tôi không biết tự do tại các đại học bắc Mỹ như thế nào. Nhưng khi nói tự do, tôi muốn nói tự do hoàn toàn trong giới hạn của sự cung cách, với sự kính trọng chính quyền như muốn chính quyền kính trọng mình..."

Câu nói mơ hồ, hiểu làm sao cũng được, xem như đôi chút di căn từ thủa quân phiệt độc tài. Tôi đang suy nghĩ thì anh nói tiếp là khoảng mươi mười lăm năm trước, thời chính phủ quân nhân và phần nào thời chuyển tiếp sang dân sự, khá nhiều chuyện khi nói phải nhìn trước nhìn sau. Danh sách những vấn đề cấm kỵ bấy giờ dài như một cuốn trung thiên tiểu thuyết. Nhưng đó là quá khứ.

1. Chuyện mấy ông quân phiệt

Nắm lấy cơ hội tôi đưa ra vài nhận xét tiền đề để dựng câu hỏi về sau:

"Nước tôi và nước anh có một quá khứ cận sử bất an khá giống nhau. Các anh phải phục hồi từ chính phủ quân phiệt, còn nước tôi từ chế độ cộng sản. Độc tài có điểm chung là chỗ nào cũng thấy kẻ thù ẩn nấp, ai cũng có thể bị coi là mối hiểm họa tương lai. Họ có thể tùy nghi bắt bớ từ nhân sĩ, chính trị gia, sinh viên, giáo sư đại học, văn nghệ sĩ vân vân... Tóm lại họ bỏ tù bất cứ lúc nào bất cứ ai mà trong cơn hoang tưởng họ cho là đe dọa đến quyền hành của họ."

Anh đồng ý:

"Anh nói đúng. Tuy là chuyện đã trên 30 năm trước khi tôi mới là đứa trẻ, nhưng bây giờ đọc lại những điều đã phanh phui ra mà còn hãi hùng. Tất cả hệ thống tư pháp, công lực, cảnh sát vân vân trên thực tế có thời được thay thế bằng nha An Ninh Quân Đội do một đại tá về sau vinh thăng thiếu tướng chỉ huy. Ông ta là thẩm quyền tư pháp tối cao, và tay chân đàn em ông bao biện công việc của biện lý, quan tòa, luật sư và tất nhiên là quản ngục..."

Chính quyền quân nhân thẳng tay đàn áp đối lập, nhưng vẫn không cấm cản được làn sóng bất mãn ngầm lan tràn trong dân chúng. Nội bộ quân nhân cũng chia rẽ trầm trọng, mỗi ông tướng định nghĩa độc tài và ái quốc khác nhau, và có khi hội đồng sĩ chấp chánh thiếu một nhân vật trội hẳn lên để cầm cân nẩy mực. Rồi kinh tế càng ngày càng sa lầy.

Bị dồn vào chân tường, các ngài tái khám phá ra công dụng của chiến tranh. Khi an ninh quốc gia bị đe dọa bởi ngoại bang, dân sẽ tạm quên gian khổ và đoàn kết với nhà nước để bảo vệ quê hương, dù là một nhà nước bất tài và độc tài.

Và các ông gây chiến với Anh quốc về một vấn đề không thiết thực là chủ quyền quần đảo Malvinas. Mấy hòn đảo này tọa lạc dưới nam Đại Tây Dương, dân chúng thưa thớt phần đông gốc Anh, chủ yếu là làm ruộng hay nuôi cừu. Mảnh đất nhỏ bé giữa đại dương lẽ ra của Á Căn Đình nhưng không có tầm quan trọng thực tế gì để phải đổ máu.

Các ông tướng mang đại quân tới chiếm đảo, chóng vánh khắc phục được đám lính già của hoàng gia Anh mà mấy thập niên qua phận sự duy nhất là sáng thổi kèn thượng cờ tối thổi kèn hạ cờ, rảnh rang thì lau chùi mấy khẩu súng cổ.

Hạ được đám lính kiểng của Anh, các ông tướng ca khúc khải hoàn, ngày ngày duyệt binh tối tối bắn pháo bông. Họ nghĩ thế là xong, Anh quốc xa xôi sẽ không luyến tiếc gì mấy hòn đảo hẻo lánh nơi góc biển chân trời mà mở cuộc viễn chinh để lấy lại.

Nhưng niềm vui chiến thắng không bền. Thủ tướng Thatcher của Anh được phép lập nội các chiến tranh để nghiêm túc đối phó, và chẳng mấy chốc hạm đội Anh có mặt tại vùng biển đang sóng gió chiến trường. Kết quả ngã ngũ 72 ngày sau những phát súng đầu tiên của Á Căn Đình bắn vào các đồn bảo vệ đảo, với chiến thắng về tay Anh quốc. Người Anh vừa chết vừa bị thương 1000 binh sĩ, với hơn 100 bị bắt làm tù binh. Tổn thất của Á Căn Đình bội phần nặng hơn, vừa chết vừa bị thương tới gần 2.500 binh sĩ; hơn 11.000 bị bắt làm tù binh, tóm lại toàn thể đại quân đã đổ bộ lên đảo, bao gồm khoảng một tá sĩ quan cấp tướng và tá thuộc các binh chủng đủ loại.

Chính phủ quân nhân phải giải tán sau sự bại trận nhục nhã. Vậy mà các ông tướng trước khi trả quyền cho dân chính cũng mặc cả được với tân chính phủ một đạo luật miễn tố về những tội ác họ vi phạm khi cầm quyền. Về sau khám ra tội ác ấy không nhỏ với gần 30.000 người bị mất tích, quốc hội dân cử tức thời hủy bỏ mấy đạo luật khoan dung cho các hung thần đã bắt bớ, tra tấn, hãm hiếp, để sau cùng bí mật thủ tiêu những người dân mà họ không ưa... Không biết công lý muộn màng có giải oan được cho ai, nhưng dù sao đất nước nói chung cũng đã bình thường trở lại...

2. Từ A Căn Đình nhớ Việt Nam: Khác biệt cung cách và tư cách

Anh vô tình dàn sẵn bối cảnh cho câu hỏi tôi dành cho buổi học hôm nay. Bắt lấy lời anh vừa nói, tôi hỏi:

"Loạn lạc như nhau, nhưng tại sao cung cách sống của người Á Căn Đình xem ra không bị sứt mẻ bao nhiêu. Nguyên do nào làm nước anh miễn nhiễm với sự suy thoái tư cách con người khi xã hội và thời thế nhiễu nhương."

Anh nghe chăm chú, rồi nói:

"Chữ cung cách sống và chữ tư cách con người của anh quá rộng. Có cách nào định nghĩa chính xác hơn không?"

Tôi chỉ đợi câu hỏi ấy để kể ra những chuyện mắt thấy tai nghe sau mươi ngày sống tại Á Căn Đình. Tôi nói:

"Bắt đầu bằng chuyện đi ăn tiệm..."

Tôi kể tối hôm mới tới ra coi phố phường, tôi tìm tiệm ăn El Cid được sách du lịch ca ngợi. Khi biết chúng tôi lầm địa chỉ, một nhân viên đứng ra đích thân dẫn chúng tôi đến đúng tiệm muốn tìm. Dọc đường anh tự giới thiệu là con trai út của chủ, kỳ này ra cửa hàng học nghề để thay thế cha già muốn nghỉ hưu. Tới tiệm El Cid, trước khi mở cửa cho tôi vào, anh khen tôi đã khéo chọn nhà hàng mà chính anh cũng cho là ngon. Nhưng anh nói thêm: "Tiệm chúng tôi nấu cũng ngon lắm, bữa khác ông tới ăn thử nhé."

Chuyện thứ hai về một anh tài xế tắc-xi. Anh đang lái xe thì điện thoại di động cài dưới đồng hồ tốc độ bỗng reng. Anh xin phép dừng xe lại để trả lời vợ ở bên kia đầu giây. Sự thể là con anh đi học về vấp thềm cửa chung cư bị ngã sướt da trán. Vết thương không nặng đến mức phải gọi xe hồng thập tự, nhưng có những điều anh phải căn dặn vợ để canh chừng và nếu cần thì gọi anh lại. Bà hàng xóm nguyên y tá làng nhanh nhẩu bôi thuốc trụ sinh vào vết thương cho con anh và giúp trông coi mấy đứa em nó ở nhà để hai mẹ con đi bệnh xá gần đấy chích thuốc ngừa sài uốn ván... Câu chuyện chính về tai nạn và câu chuyện phụ về bà hàng xóm tốt làm cuộc điện đàm kéo dài khoảng trên dưới mười phút, và tôi thở phào vì đã không có gì nguy hiểm cho em bé.

Nhưng khi chạy tiếp anh taxi cài lại đồng hồ tính tiền, làm tôi biết anh đã tắt nó đi khi điện thoại reng. "Tại sao lúc nãy tắt đi để bây giờ phải mở lại ấy ư?", anh nhắc lại câu tôi hỏi, rồi giải thích là nói chuyện với vợ không phải là phục vụ cho khách, và tính tiền như vậy không đúng...

Chuyện thứ ba là bà chủ trọ ở Salta một thị trấn gần núi Andes của Argentina tôi đã ghé lại trước khi về Buenos Aires. Hôm đầu internet không chạy, bà cho anh quản lý đến sửa cũng không xong. Đến hôm thứ hai bà cho thay cái router mới mạnh hơn, và mọi chuyện tốt lành như mong muốn. Ngoài internet ra, tất cả tiện nghi khác của căn hộ như máy giặt, máy xấy, tủ lạnh, bếp núc đều đâu ra đấy. Vậy mà khi tính tiền, bà tự động bớt cho chúng tôi một ngày tiền nhà vì điện toán trục trặc.

Tránh dềnh dàng, tôi không kể thêm chuyện thứ tư, thứ năm, thứ sáu vân vân... Tuy không trực tiếp can hệ đến tôi, nhưng vẫn là cái lương thiện và cung cách tử tế khi người Á Căn Đình xếp hàng đợi xe buýt ngoài phố, lên thang máy, hay rảo bộ trên vỉa hè... Người mua nhã nhặn khi trả tiền món hàng, người bán nhã nhặn khi thối lại tiền lẻ, họ nhã nhặn khi tiếp xúc nhau, va chạm nhau, chào hỏi nhau, đợi đèn giao thông tại ngã tư với nhau, hay giúp bà cụ lụ khụ chống gậy qua đường... Tất cả những chuyện ấy, họ làm với nụ cười, với những xin lỗi hay cám ơn, với sự nhường nhịn. Xem ra vất vả gian khổ với sự hà hiếp của chính quyền quân nhân khá thông thường thế kỷ qua, với cuộc sống vất vả vì kinh tế thăng trầm, với đồng bạc phá giá, vân vân đã không làm xứt mẻ nổi cái tốt lành của người dân xứ này. Anh nói:

"Nếu anh gọi đó là cung cách sống lịch lãm, thì tôi chắc không nước nào trên thế giới lại thiếu cái khoản này."

Tôi nói:

"Không chắc hẳn vậy..."

Ernesto lại đòi bằng chứng. Đúng là đã qua những năm huấn luyện tại đại học sư phạm, tinh thần lập luận chính xác đã thành thói quen nơi anh.

Tôi không muốn làm tác giả thêm một tác phẩm kiểu vạch áo cho người xem lưng loại "Người Việt Nam Xấu Xí" của mình hay "Người Trung Hoa Xấu Xí" của đám hàng xóm phía bắc, do các nhà văn cộng sản trước tác khi gần đây họ muốn tỏ ra tiêu cực về chế độ nước họ.

Tuy nhiên tài liệu dẫn chứng không thiếu gì. Các nhà văn Việt như Nguyễn Khải, Trần Đĩnh, Tô Hải vân vân... cũng đã đóng góp khá nhiều những nét không tốt đẹp khi ghi lại bức tranh xã hội cộng sản, quá khứ cũng như hiện tại... Ấy là chưa kể những tác giả ít nổi danh hơn thường xuyên viết lách trên mạng về loại đề tài này.

Tôi tóm tắt cho Ernesto những điều họ kể, đại khái đói khổ lâu ngày người ta xoay ra mạnh ai nấy sống. Cái đẹp của cuộc đời thoái hóa đi, và lần hồi bị sa thải như món trang trí phù phiếm không ích lợi gì về chuyện cốt lõi là no bụng hay ấm thân. Cuộc sống bị giản tiện đến mức trần trụi cứng cỏi xác xơ. Thiếu thốn, người ta phải du di...

Mới đầu là du di ngôn ngữ giao tế hàng ngày, những từ cảm ơn và xin lỗi biến đi như những nạn nhân đầu tiên của lối sống xô bồ. Nối tiếp theo ngôn ngữ là cung cách xử sự tại các dịch vụ công cộng như quầy bán vé tại ga xe lửa hay bến xe đò. Nhường nhịn trả chỗ cho dành giật chen lấn, thậm chí chửi nhau đánh nhau. Khi phương tiện giao thông thường xuyên quá tải, bạn đồng hành trở thành những đối thủ sẵn sàng hành động thô bạo ăn nói tục tằn để dành giật một chút tiện nghi cơ bản như chỗ ngồi gần hay xa cửa sổ, như chỗ ruỗi chân chật hay rộng... mỗi chuyến đi trở thành một kinh nghiệm hãi hùng, khi về nhà tưởng có nước mưa mà tắm cả chục lần cũng không tẩy hết bụi đường theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Chuyện thực phẩm lại càng thê thảm, khi lạng đường, hộp sữa, hay 100 gram thịt trở thành những món xa xỉ phẩm hiếm quý, chỉ kể lại sự sỗ sàng của người bán lẫn người mua ta cũng đã ngượng miệng. Còn chuyện trên mạng của một cựu sinh viên du học Đồng Âu về mục kích trên chuyến tàu xuyên Việt ghi lại khi vì túng đói, quần chúng đã đạt tới thiên đỉnh của chai sạn; chuyến tàu ấy, một em bé đánh đổ rổ tép khô, hành khách xúm lại vơ vét những mớ tép rơi trên sàn tầu không phải để trả lại em bé mà để bỏ vào túi mình...

Rồi những mấu chốt quan trọng nhất một đời người, như tang tế hôn nhân cũng theo áp lực của nghèo đói và quản trị không lương thiện và thiếu nghiêm minh của nhà nước mà cũng giảm thiểu chất lượng đến cốt lõi. Trai gái lấy nhau không cần tiền cheo tiền cưới, không cần thúng xôi vò và con lợn béo. Không dềnh dàng với chạm ngõ và ăn hỏi, đám cưới có thể giản tiện bằng cái gọi là tiệc trà, với quan viên hai họ mỗi người được chiếc kẹo lạc ỉu và điếu thuốc lá quấn tay... Xuống đến bữa ăn hàng ngày, người ta không còn mời mọc hay nhường nhịn nhau. Ăn trông nồi ngồi trông hướng không còn là cung cách ẩm thực thông thường và đã nhường chỗ cho những động tác thực tế nhất để đưa thực phẩm vào thân xác. Tình gia đình không phải là cái thành trì hữu hiệu để chống lại sự tha hóa ấy. Con cái lừa cha mẹ già để cướp đoạt nhà cửa, anh em lường gạt nhau khi làm ăn chung, vân vân... Chuyện tiêu cực có thể ở đâu cũng có, nhưng không bao giờ ở mức trầm trọng như tại các nước cộng sản Á châu...

Để cho mức thô bạo thấm đậm vào con người và xã hội như vậy, thì trở lại đời sống văn minh cũ không phải là chuyện dễ dàng gì. Điều kiện kinh tế chính trị xã hội có thể cải thiện, nhưng cung cách sống luôn luôn cần lâu hơn mới phục hồi. Gần bốn mươi năm rồi tiếng súng đã im mà các nhà văn Việt Cộng vẫn còn khốn khổ vì cung cách sống đáng xấu hổ của đồng bào cũng như của các cán bộ đồng liêu. Tôi kết luận:

"Tóm tắt lại là đã qua những kinh nghiệm như vậy, thì được gặp anh con trai chủ tiệm ăn trả lại khách cho tiệm bạn, hay bác tài tắc-xi không tính tiền khi nói điện thoại để xứ lý việc nhà, hay bà chủ nhà không lấy tiền thuê phòng cái ngày mà internet của bà không chạy, người ta sung sướng như gặp lại những sinh vật hay hoa cỏ tưởng như đã tuyệt chủng. "

Và tôi nhắc lại câu hỏi cho Ernesto:

"Nên chi tôi thắc mắc là bí quyết nào đã làm cho người Á Căn Đình vẫn lịch sự, ân cần và chu đáo với mọi người, mặc dầu đã trải qua thời quân phiệt chưa xa, với những thiếu thốn trầm trọng, lại nhiều oan khiên như bắt bớ, tra tấn, hãm hiếp, và thủ tiêu."

Ernesto suy nghĩ ra đều lung lắm. Anh ấp úng, vừa nói vừa tìm chữ, như ngạc nhiên vì chưa bao giờ phân tích đề tài này. Sau cùng anh nói:

"Phải chăng anh mới tới đây thăm viếng ít ngày, mọi chuyện như cưỡi ngựa xem hoa, chưa thấy được chiều sâu hay mặt trái con người nơi chúng tôi. Tôi không chủ quan mà cho là đồng bào tôi tốt hơn mọi người trên thế giới. Nhưng tôi nghĩ chưa chín, chưa giải đáp được lý do nào mà chúng tôi ở châu Mỹ La-tinh này phản ứng của với thời cuộc khác với các anh ở Việt Nam hay Trung Hoa... Tuy nhiên tôi sẽ tìm câu trả lời chuẩn hơn và sẽ trìnhbày với anh bữa học tới."

3. Chuyện người hùng Peron Cương lĩnh và đàn bà

Phản ánh những năm đại học sư phạm, Ernesto không quên lời hứa với học viên. Bữa học sau, anh nói:

"Đêm qua tôi nằm ôn lại câu chuyện chúng mình bàn lúc ban ngày về sự khác nhau giữa quân phiệt và cộng sản. Tôi cũng ôn lại kinh nghiệm những năm còn là sinh viên của tôi với đám bạn học Bôn Sê Vích Á Căn Đình. Tôi kết luận bản chất của quân nhân không xấu, chế độ quân quản có thể xấu khi gặp một ông tướng kém cỏi, nhưng với một ông tướng ra người thì có thể cũng tốt thôi. Thật ra độc tài một chút cũng cần cho thời loạn, ngay cả tại một nước có truyền thống dân chủ tây phương. Thí dụ như nội các chiến tranh của Churchill trong thế chiến thứ II, hay của Thatcher trong cuộc xung đột 72 ngày với Á Căn Đình về chủ quyền hải đảo.

Việt báo xuân 2015
Cây gậy phù thuỷ của ông Tổng Thống 48 tuổi biến nàng 24 tuổi thành nữ anh hùng. Cho tới nay, Juan Peron và Evita vẫn là hình ảnh lớn của Đảng Peronism khi tụ họp.

"Tôi phải khoe ngay với anh một quân nhân kiêm chính khách phi thường của Á Căn Đình. Đó là một đại tá không những anh hùng mà còn thông minh và có tài kinh bang tế thế. Thật ra ông không là một anh hùng, mà là một siêu nhân của Á Căn Đình. Đó là Juan Domingo Péron."

Ernesto như thuộc lòng tiểu sử vị siêu nhân của mình. Péron tốt nghiệp quân trường năm 1913 với lon thiếu úy. Đến cuộc đảo chính không đổ máu của tướng Rawson lật đổ tổng thống Castilli vào những năm 40, ông đã leo lên đến chức đại tá và dự phần vào vận mệnh quốc gia. Như các đại tá mới làm chính trị chưa kịp có thành tích, ông không nhắm ngay chức nguyên thủ quốc gia mà bằng lòng làm quân sư dưới trướng của một ông tướng đã đầy đủ lông cánh.

Quan thầy của Péron mới đầu là tướng Farrell. Khi đảo chính thời 40 thành công, Farrell được tướng Ramirez phong cho chức phó tổng thống kiêm tổng trưởng bộ chiến tranh. Đến lần Farrell thưởng công đàn em, Péron được giao cho sở lao động, một chức vụ mà không ai trong nội các muốn.

Nhưng Péron làm được chuyện phi thường ở đây nhờ tài năng và bản tính bao che cho người dưới. Thời cầm quân, ông đã nổi tiếng thương lính và không cách biệt với binh sĩ như các các sĩ quan con nhà giàu hay quý tộc. Coi sở lao động, Péron đem lòng thương lính ấy sang thương thợ thuyền. Các nghiệp đoàn coi ông như anh hùng của họ, và thanh thế Péron một ngày một lớn.

Rồi hội đồng quân lực truất phế tướng Ramirez để lập tướng Farrell làm tổng thống. Như lần trước, cuộc đảo chánh này cũng có bàn tay xắp xếp và cái đầu kế hoạch của đại tá Péron. Tân tổng thống biết ơn nâng quân sư lên chức phó tổng thống kiêm bộ trường quốc phòng mà chính ông đã bỏ trống khi thành nguyên thủ quốc gia.

Ngay khi còn giữ chức phận phó tổng thống, Péron khai triển lý thuyết cai trị của ông thành cái mà về sau lịch sử gọi là cương lĩnh Péronism. Đảng Péronism dựng trên cương lĩnh ấy đã giúp cho Péron ba lần trúng cử tổng thống. Ngay bây giờ nữtổng thống xinh đẹp và tài ba Cristina Elisabet Fernández de Kirchner cũng thuộc về đảng này.

Khi lập thuyết, Péron lấy lòng yêu nước và tình đoàn kết để làm động lực để cải thiện xã hội và bảo vệ đất nước, thay vì xúi dục giai cấp này tranh cướp quyền lợi với giai cấp khác.

Với sự ủng hộ của quần chúng, ông càng ngày càng mạnh, và tướng Farrell kiêm tổng thống phạm phải lỗi lầm lớn là có lần vì áp lực của phe nhóm nội bộ, đã buông rơi ân nhân của mình. Tức thì lao động xuống đường để phản đối chính phủ đã biếm chức người hùng của họ. Thủ đô bị tê liệt và Farrell phải nhượng bộ mời Péron về lại nội các. Phó tổng thống Péron vẫn chức cũ nhưng đã trở thành một nhân vật mới bội phần mạnh hơn trước cái ngày bị biếm chức. Tiếp theo, dưới áp lực của sinh viên và thợ thuyền Farrell đành tổ chức bầu cử. Péron ra ứng cử và đắc cử tổng thống vẻ vang.

Với tư cách nguyên thủ quốc gia qua lá phiếu, Péron đẩy mạnh những cải tổ chính trị và xã hội ông đã bắt đầu từ thời còn làm phó cho tướng Farrell. Như đã nói, kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất là nhờ nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Với lợi nhuận dư thừa nhờ xuất cảng thịt bò và các nông phẩm khác như thịt gia súc các loại, lúa mì, rượu nho vân vân, Péron có vốn để canh tân kỹ nghệ và thi hành một chính sách xã hội nhân đạo và hào phóng mà không cần phải tước đoạt tài sản hay quyền lợi của một giai cấp nào. Ông bảo đảm lương tối thiểu cho thợ cày thợ cấy, tăng lương cho lao động mọi ngành, ban hành quyền nghỉ phép hàng năm... thậm chí thợ thuyền đi nghỉ hè có khách sạn không phải trả tiền. Ông cải tổ y tế với bệnh viện miễn phí cho mọi người. Kèm theo y tế, giáo dục được mở mang, cũng miễn phí cho đến cấp đại học.


Quốc sách của Péron dựa vào tình đoàn kết dân tộc và lòng yêu nước của mọi người. Có lẽ cũng như nhiều người ngoại quốc cũng như ngoài cuộc, tôi đã nghĩ cương lĩnh Péronism chỉ là những khẩu hiệu mị dân của một cuộc biểu tình thân chính quyền không ngiêm túc tại một nền dân chủ không nghiêm túc mà báo chí hay gọi đùa là Cộng Hòa Chuối. Nhưng cương lãnh ấy đã đuổi được đám Bôn Sê Vích trước tiên ra khỏi các nghiệp đoàn sau cùng ra khỏi chính trường, và sau cùng hết ra khỏi hiệu đoàn sinh viên học sinh. Péron đáng được ghi nhận là chính khách độc nhất không cho cộng sản sự hậu thuẫn của thợ thuyền và thanh niên. Trong tất cả các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, trong thập niên 40, không ai làm được chuyện này.

Đúng như lời nói đã thành khuôn sáo, đằng sau người đàn ông thành công có người đàn bà đặc biệt. Người đàn bà này là Eva Duarte. Bà luôn luôn đứng bên Péron để hổ trợ, với tư cách nhân tình lúc ông còn là bộ trưởng, rồi với tư cách đệ nhất phu nhân sau khi chồng đắc cử và dọn vào dinh tổng thống.

Người đàn bà này tới từ một quỹ đạo khác, thủa hàn vi phải phấn đấu cho bản thân bằng nhan sắc, đầu óc, và tấm lòng thương xót những kẻ thiệt thòi trong xã hội. Bà có gan chấp nhận những gian khổ cũng như thân phận tầm thường khi còn chờ thời. Tiểu sử của bà không là chuyện bí mật, nhưng tôi nhờ được kể bởi Ernesto nên thấy được chân dung của một người đàn bà đặc biệt mà một người kể chuyện phải nhậy cảm mới ghi nhận được.

Eva là con tư sinh của một ông chủ đồn điền. Con gái chị bếp ngủ với chủ, tuổi thiếu thời cô gái có lẽ chỉ được cùng mẹ và các em đồng cảnh luẩn quẩn trong khu gia nhân. Đời sống nhung lụa của bố là câu chuyện nhà trên.

Việt báo xuân 2015
Hồi hai: Cô vũ nữ 34 tuổi được biến thàn Nữ
Tổng Thống Isabel Peron
Nhưng Eva không phải là đứa bé nhút nhát, mà cũng không sinh ra để sống âm thầm rồi chết đi như một người đàn bà vô danh trong đám nô bộc đồn điền. Tinh hoa sớm phát xuất, mười hai tuổi trong chương trình văn nghệ học đường, Eva đã dám cầm máy phóng thanh đọc thơ của mình cho thầy cô và bạn bè nghe. Cô nghiền những tạp chí điện ảnh và thành thạo về cuộc đời các đào kép nổi tiếng. Và cô mơ chính mình trở thành minh tinh. Mơ ước này có lúc xa vời như chuyện một tinh cầu khác khi số phận tiếp tục bạc đãi cô bé, nhất là về sau cả mấy mẹ con bị đuổi ra khỏi đồn điền và phải sống qua ngày nhờ may thuê vá mướn.

Nhưng Eva không thụ động. Mười sáu tuổi, cô bỏ nhà lên thủ đô thử tài vận trong ngành điện ảnh. Cô chấp nhận con đường tiến thân thông thường bấy giờ của cô gái tỉnh nhỏ phiêu lưu lên thủ đô cầu may, là ngủ với những cường hào ác bá trong nghề để được vai nọ vai kia của một cuốn phim đang thực hiện. Thủa ấy, diễn viên điện ảnh hay kịch nghệ ở Buenos Aires bị coi thường, tư thế xã hội chỉ xem xém hơn đám con gái ăn sương hạng sang một chút. Ernesto nói:

"Nhờ những vai tuồng ngày một khá hơn của những cuốn phim nghiêm túc hơn, cô tài tử điện ảnh tập sự dần dà bước vào thế giới vàng son của những người đàn ông quyền thế. Vào mùa Giáng Sinh 1943, Eva cô diễn viên đang lên đã gặp đại tá kiêm chính khách sáng giá Juan Péron đương kim phụ tá cho tổng thống Farrell. Péron lúc ấy vừa góa vợ và cặp trai tài gái sắc thành đôi nhân tình nổi tiếng của thủ đô. Nàng mới 24, còn chàng đã 48 tuổi..."

Nghe chuyện Ernesto, tôi tưởng tượng ra cảnh Từ Hải gặp Thúy Kiều. Péron tất nhiên biết Eva là ai, nhưng đại lượng mà không nề hà lấy cô gái làm nhân tình chính thức. Và ông cũng thấy ngay cái thông minh và tầm nhìn rộng của người đàn bà, mà những lời khuyên khôn ngoan đã giúp ông thành công trong chính trường khi phải đối phó với những kẻ thù khác nhau... Eva cũng đắc lực gia tăng lòng tin yêu của đám cùng đinh không áo chân đất dành cho Péron. Có lẽ Eva còn khôn ngoan hơn Kiều vì bà không khuyên chồng những việc dại khờ để rơi vào cảnh chết đứng khi đối phương trở mặt.

Thêm vài lần giao động trên chính trường, Péron luôn luôn sống sót nhờ mưu lược hai cái đầu gom lại. Rồi ông tổng thống không thể kéo dài tình trạng già nhân ngãi non vợ chồng với người mình yêu, Péron làm phép cưới với cô nhân tình trẻ đẹp. Eva dọn vào phủ tổng thống với danh xưng Eva Péron, vợ của người đàn ông nhiều quyền hành nhất quốc gia và một lãnh tụ quan trọng của Nam bán cầu. Thật ra cô có tên mới là Evita Péron, như đã được quần chúng kính yêu đặt cho. Vẫn dong dỏng cao, khuôn nặt trái soan với mái tóc nhuộm màu lúa chín, Evita đẹp và sang và tốt như một nữ thần.

Evita không đóng vai một đệ nhất phu nhân thụ động. Được giao cho bộ xã hội, bà hăng say lo thực hiện sứ mệnh mà bà đã phụng sự cả cuộc đời là sự no ấm và hạnh phúc của đàn bà, trẻ em, và dân nghèo. Bà tranh đấu cho phụ nữ được đi bầu, và tuy không đứng ra kể công, bà là linh hồn tất cả những thành quả xã hội tích cực lớn lao của chồng. Không quên những ngày gian khổ thủa 16 lưu lạc lên thủ đô kiếm sống, bà lập ký túc xá có người lớn chăm non và bảo vệ cho các em gái đồng cảnh như cô bé Eva ngày xưa.

Với giọng nói điêu luyện và kinh nghiệm phát ngôn viên kiêm ca sĩ hồi còn hàn vi, bà thường xuyên lên đài nhắc nhở thợ thuyền và nhân dân công lao của vị cứu tinh Péron đã cải thiện đời sống của họ và đưa tổ quốc tới vinh quang thịnh vượng.

Cả thiểu số đối lập lúc sinh thời cũng như về sau có cố gắng mà không phá hoại được lòng yêu kính quần chúng dành cho Evita, bằng cách moi móc thời hàn vi của người đàn bà. Vì cả Evita và Juan Péron đều không giâu giếm quãng đời gian khổ của đệ nhất phu nhân. Có lẽ đây là đặc tính của người Á Căn Đình, luôn trung thành với sự thật, dù có thể vì vậy mà mất thể diện.

Câu chuyện dí dỏm ở đây là khi nghị sĩ Sammartino thuộc nhóm độc lập ở quốc hội khi nói khích các đồng viện phải đứng lên chống đối độc tài, cũng chỉ dám gọi Evita là Pompadour Phu Nhân tân thời của Á Căn Đình. Sự ví von cũng không hoàn toàn có tính cách lăng mạ, vì cô nhân tình của vua Louis XV được vua cho nhiều quyền hành nhưng cũng biết dùng quyền hành mà làm được chuyện ích quốc lợi dân.... Ví Péron với Louis XV và Evita với Pompadour phu nhân thực ra không phủ nhận công đức của cặp uyên ương tâm đắc này. Tất nhiên nghị sĩ Sammartino đã cẩn thận bỏ nước dọn sang Uraguay cho yên thân hơn. Nhưng gia đình tổng thống không cho người theo để bắt cóc hay trả thù.

Chung cuộc, Eva thành Evita của toàn dân, và khi qua đời đã để lại biết bao thương tiếc. Hai triệu dân chúng đi đưa đám bà. Đáng chú ý là ở cái đất nước ngoan đạo này đã xuất hiện một phong trào khá mạnh nhằm vận động với La Mã phong thánh cho bà, nhưng tiếc rằng giáo hoàng Pius XII không có ý định ấy. Tuy nhiên nếu tượng bà không được dựng trong nhà thờ, thì miếu đền cho bà cũng đã có sẵn ngay trong lòng người dân Á Căn Đình.

Ernesto ngưng một giây để trịnh trọng nói sang một biệt tài khác của Péron. Anh bảo người đàn ông này như có chiêc đũa thần để biến đổi những người đàn bà gặp ông thành những nhân vật lịch sử. Bằng chứng thứ nhất là Evita. Nếu thọ hơn một thập niên nữa, có lẽ Evita đã được Juan Péron uốn nắn thêm để kế vị chồng như nữ tổng thống đầu tiên của Á Căn Đình. Nếu cô con gái tư sinh của ông chủ đồn điền với bà bếp cũng như cô diễn viên điện ảnh kiêm phát ngôn viên hạng B là vật liệu, thì ảnh hưởng của Péron bằng tình vợ chồng tâm đắc phải mạnh lắm mới tạo thành một mẫu đàn bà tốt đẹp hơn là lý tưởng như Evita sau này.

Với Isabel Péron cô thư ký trẻ sau thành vợ thứ ba của Péron và sau cùng thành nữ tổng thống Á Căn Đình, vật liệu nhân sự lại càng tầm thường hơn. Cô mới tốt nghiệp tiểu học, vũ nữ kiểu go-go dancer trong một gánh chuyên trình diễn những tuồng kiểu Burlesque của Baltimore. Cô mới 34 khi Péron đã gần 70. Có lẽ vì tầm thường quá nên cô không thực hiện được gì đáng kể mặc dầu được ngồi ghế tổng thống một thời gian.

Một người nữ còn trẻ hơn nữa đã bước vào quỹ đạo của Péron là cô bé 14 tuổi tên Nelly Rivas. Cô là hội viên của một trong những câu lạc bộ thể thao Péron đã cho tạo ra để chứng tỏ mình là lãnh tụ của tuổi trẻ. Riêng câu lạc bộ nhi nữ của cô được Péron đặc biệt ưu đãi cho phép hội họp ngay trong dinh tổng thống, được chơi những môn thể thao thượng lưu đắt tiền như đánh kiếm, cỡi ngựa, và lái xe bình bịch.

Péron cư xử đứng đắn với đám con nít nói chung, trừ với Nelly Rivas. Có lẽ cô bé không hẳn ngây thơ ngoan ngoãn như nàng Bạch Tuyết của bảy chú lùn, nhưng xinh đẹp và trông già dặn hơn tuổi qua các tấm ảnh còn sót lại. Mới đầu cô lân la giúp việc nội thất lặt vặt trong dinh, có nhiệm vụ hàng ngày là dắt mấy con chó của tổng thống đi dạo. Rồi cô ở lại đêm, rồi sau cùng dọn vào dinh tổng thống. Péron cho cô ngủ trong phòng của Evita ngày xưa, thỉnh thoảng tặng cô một món nữ trang Evita để lại. Để bào chữa khi những đồn đãi bất lợi, Péron tổ chức những cuộc chạy xe bình bịch tập thể trên đại lộ trước dinh với tất cả đám nhi nữ của câu lạc bộ thể thao cỡi bình bịch theo ông, như để biểu diễn lòng ông quý cả đám con nít và không có gì đặc biệt với cô bé. Nhưng cố gắng của tổng thống không thuyết phục được ai. Cuối đời Péron có lần bị đảo chánh phải trốn vào tòa đại sứ Paragua. Khi đợi trốn ra nước ngoài ông viết lá thư giã từ Nelly, ký tên là “Ba của Con.” Lá thư không đến tay cô gái. Sự liên hệ với Péron quá ngắn để ảnh hưởng của ông kịp biến cô thành một người nữ đặc biệt như trường hợp Evita và Isabel. Tôi hỏi:

"Anh không có gì phê phán Péron và Evita sao?" Ernesto nói:

"Tôi vừa nói đến cái tánh đào hoa quá đáng của tổng thống của tôi. Nhưng tôi nghĩ cái tội đào hoa được đàn ông nói chung âm thầm chấp nhận, có khi còn kín đáo khâm phục. Có lẽ khó bào chữa là cái tội dính dáng đến trẻ con. Điểm này đã bị phe đối lập chỉ trích nặng nề, thậm chí họ đã toan đưa ông ra tòa về tội hiếp dâm theo luật định (vì Nelly mới 14 tuổi)... Cô Nelly vừa qua đời mấy năm tuổi thọ vào khoảng thất thập, và luật sư của cô vừa cho xuất bản cuốn sách về cuộc đời thiếu may mắn của cô bé tinh hoa phát xuất ra ngoài quá sớm. Khôngcó chuyện cưỡng ép, chỉ có điều là sự thuận tình của cô bé vị thành niên không có giá trị pháp lý để che chở cho Péron nếu ông rơi vào tay đối phương."

Ernesto nói cuốn sách có nhiều đoạn có thể gọi là cảm động. Như lá thư Péron gửi cho Nelly trên chiến hạm của Paraguay trên đường trốn ra ngoại quốc, Péron rằng "Giờ này, ta không còn có gì trong tay mà cũng không còn ai thân thiết trên đời..." Một lá thư khác thực tế hơn căn dặn "Ta để lại cho em 400.000 pesos, và ít đồ trang sức của Evita... Hy vọng em sống tạm cho đến ngày mọi việc bình thường trở lại..." Hay một đoạn hồi ký của cô gái về thời gian chưa dọn vào dinh, kể những buổi tối chào tạm biệt, "Tổng thống ân cần bảo tôi, em cho mấy con chó vào chuồng đi mà về kẻo tối...". Về sau an ninh quân đội đột xuất khám nhà cô gái, tịch thu mọi tang chứng, từ thư từ, nhật ký, tiền bạc cho đến những món nữ trang của Evita mà Péron đem đi cho cô bé con... Những tài liệu rất riêng tư của hai người xuất hiện trên báo chí, điều làm cô bé khốn khổ vì bị Péron hiểu lầm là cô đã bán những tài liệu ấy. Nhân tâm thật là phức tạp, ngay trong trường hợp một cuộc hiếp dâm theo pháp lý, công tội con người, ngay con người của một tổng thống không hẳn trắng đen rõ rệt.

Ernesto lại nói, "Có lẽ tôi cũng nên nhắc lại một số ý kiến, là Péron gặp may vì thành công của ông là nhờ canh nông thời ấy rất thịnh vượng. Thịt bò và các nông phẩm khác của Á Căn Đình tràn ngập thị trường Âu châu, lợi tức quốc gia dư thừa cho Péron thi hành những chương trình xã hội và kinh tế vỹ mô... Một khi đã đạt được ân tình với thợ thuyền, Péron đã làm được những chuyện phi thường là loại cộng sản ra khỏi lao động Á Căn Đình kể như vĩnh viễn, và cho đến hôm nay đám Bôn Sê Vích chưa trở lại được chính trường nước ông. Bản thân ông ra vào chính trường dễ dàng, và đã trúng cử tổng thống tất cả 3 lần. Lý thuyết của Péron cho đến bây giờ vẫn là kim chỉ nam cho nhiều chính khách.

4. Bệnh ngoài da và bệnh ung thư

Tôi cảm ơn Ernnesto vì câu chuyện về hai ông bà Péron rất lý thú. Nhưng biết chính Ernesto là con trai một đại tá về hưu, tôi hỏi chuyện đó có ảnh hưởng tới ý kiến của anh về Péron không. Anh nói theo khoa học mà nói thì chắc có, nhưng chuyện đó hạ hồi phân giải trong tương lai với nhiều cuộc đối thoại giữa chúng tôi.

Tôi cũng nhắc anh câu hỏi mà anh chưa trả lời là tại sao đồng bào anh đã phục hồi mau chóng, để bây giờ có những người dân có tư cách như cậu con chủ tiệm ăn đã không trộm khách của El Cid vì lầm địa chỉ mà lạc vào tiệm mình; như người taxi không tính tiền khách thời gian anh nghe điện thoại lo chuyện riêng; như bà nha sĩ có căn phố cho mướn đã miễn cho khách tiền nhà cái ngày mà wirefly của bà không chạy... cũng như trình độ chung về công dân giáo dục cao của người ngoài phố.

Việt báo xuân 2015
Và hồi ba: Nelly Rivas, cô nhóc 14 tuổi của Đại Lão Tổng Thống Chưa kịp hô biến thì đảo chính, hạ màn.

Anh nói anh tưởng đã cắt nghĩa phần nào câu hỏi ấy khi khai triển triết lý của Péron khi trị nước. Nước anh không ai dùng căm thù làm động lực để xã hội tiến bộ. Có lẽ vì vậy mà văn hóa Á Căn Đình mà cái trình độ công dân giáo dục không bị loạn ly soi mòn đi. Nhưng mà phân tích ráo riết thì tôi phải chịu khó cùng với anh ôn lại kinh tế 101, nghĩa là ở trình độ nhập môn của vấn đề. Ernest nói:

"Hồi sinh viên phải đấu lý với tụi Bôn Sê Vích thì tôi không ngại. Chỉ sợ bây giờ anh sẽ nhàm chán nếu phải nghe lại câu chuyện kinh tế 101?"

Tôi nói:

"Anh đã là giảng cho tôi về văn phạm Tây Ban Nha và văn hóa Á Căn Đình, bây giờ thêm vào đề tài kinh tế cộng sản đối chiếu với kinh tế Péronista thì cũng nằm trong tinh thần nghiệp vụ cao của một giáo chức thôi."

Anh ôn lại bài thuyết trình của anh trong buổi hội thảo sinh viên ngày trước. Anh nhận định tiến bộ kỹ nghệ và khoa học thế kỷ 19 dẫn tới sự nhảy vọt về sản xuất của mọi mặt hàng. Sự phồn vinh ấy đặt vấn đề chia sẻ phúc lợi, bao nhiêu cho lao động và bao nhiêu cho tư bản. Thời ấy phần tư bản thường lớn bao nhiêu thì phần lao động nhỏ thường nhỏ. Hai giai cấp chủ và thợ đối lập nhau về quyền lợi là một khám phá quan trọng của nhiều triết gia kiêm kinh tế gia đầu thế kỷ trước, trong đó có Marx và Engels.

Vấn đề là như vậy, nhưng giải pháp lại là hoàn toàn chuyện khác. Với đám Bôn Sê Vích bạn anh ngày xưa, giai cấp đấu tranh không những là một hiện tượng kinh tế xã hội, mà còn là một giải pháp để thực hiện công bằng xã hội. Muốn lao động không còn bị đám tư bản bóc lột, giải pháp trực tiếp là dùng bạo lực mà triệt hạ chúng... Đám cộng sản tài tử này thật ra gốc gác trung lưu, có đứa thượng lưu, thật ra chỉ hiểu căm hờn giai cấp như là một ý niệm, không bao giờ chúng có thể cầm dao hay cầm súng giết ai. Ernesto gọi chúng là cách mạng xa-lông, lãng mạn và ngây thơ, không chịu nghĩ là nếu cộng sản thành công thì bản thân chúng cũng như cha mẹ chúng sẽ là phần tử bị đào thải tức thì.

Nhưng chính Ernesto, phải đợi tới lúc phải đi tìm tài liệu để trả lời câu hỏi của tôi, anh mới khám phá ra hết cái tàn nhẫn ghê gớm của cộng sản thứ thiệt bên Tàu khi họ thi hành đấu tranh giai cấp. Không ở đâu ngoài Trung cộng mà căm hờn trở thành quốc sách. Mà không nước nào ngoài nước chính phủ lại có thể lươn lẹo thủ đoạn với dân chúng một cách vô liêm sỉ.

Người cộng sản Trung quốc mánh lới lươn lẹo khi cần các toàn dân để kháng Nhật, họ không ngần ngại khai thác lòng yêu nước của mọi người; nhưng khi Nhật thua (1945), nhu cầu đoàn kết không còn, họ liền phát động cải cách ruộng đất. Chính sách chấm dứt 1953, sau khi đã giết hàng trăm ngàn nhân mạng. Rồi họ như những đám phù thủy ngồi luyện thuốc độc, thỉnh thoảng sợ nồi thuốc bớt độc họ lại phải bỏ thêm căm thù vào công thức. Quả thật, Trung quốc đã nối tiếp kế hoạch cải cách ruộng đất bằng cuộc cách mạng văn hóa đẫm máu không kém vào những năm 70.

Ernesto thú nhận là anh cũng thấy rất kỳ lạc huyện Việt cộng đã bắt chước Trung cộng từng ly từng tý. Khi cần đánh Pháp, họ cũng hô hào toàn dân đoàn kết, nhưng khi Pháp sắp thua (1952) thì cũng vội vã thi hành giai cấp đấu tranh. Đấu tố bắt đầu tại Việt Nam từ 1953 khi cải cách ruộng đất Trung quốc vừa chấm dứt, để kéo dài tới cuối 1956. Trung thành với bài bản từ Trung quốc mang về, họ có những đội đấu tố đi gây căm thù trong quần chúng để sửa soạn cho những bản án tử hình trong những phiên xử tiếp theo để thanh toán những ai bị quy vào thành phần địa chủ. Con số nạn nhân vẫn còn bí mật, nên không biết Việt cộng có vượt nổi chỉ tiêu của đàn anh phía bắc không. Chỉ tạm mừng là đến bây giờ Việt cộng chưa bắt chước mà phát động một chiến dịch khủng bố tương đương với cuộc cách mạng văn hóa của Trung cộng.

Sống trong sự tàn bạo ấy, người ta phải nói dối để yên thân. Từ cán bộ đến quần chúng ai cũng phải dối trá để sống, lâu ngày thành nết. Bây giờ thì anh không còn ngạc nhiên với tin tức về những cô chiêu Việt cộng, những quan chức tòa đại sứ vân vân, vẫn còn tật nhón hàng tại các siêu thị khi ra ngoại quốc, hay những nhân viên hàng không dân sự không lái được chuyến bay hồi hương vì bị cảnh sát địa phương bỏ tù vì ăn cắp...

Ernesto công nhận là diễm phúc cho Á Căn Đình là vì Bôn Sê Vích đã thua ở nước anh. Nếu không, tính lương thiện và trình độ công dân giáo dục cao của người Á Căn Đình chắc không còn nữa, và những chuyện mát mắt tôi kể cho anh khi mở đầu lớp học này đã không còn xảy ra cho du khách chứng kiến.

Kết luận là những tội tham nhũng hay hủ hóa hay tàn bạo của chính khách này nọ của Á Căn Đình, hay của mọi nơi trên thế giới, kể cả cái tội ác đã thủ tiêu 3 vạn người vô tội của đám hội đồng tướng lãnh Buenos Aires cuối cùng, tất cả những tệ hại ấy thật ra cũng chỉ là cái bệnh ngoài da. Chúng chả là gì cả so với cái ung thư tâm hồn cộng sản có thể mang vào một đất nước như họ đã làm tại Á châu.

Mai Kim Ngọc

Trích Argentina! Argentica!

Tựa đề và tiểu tựa do Việt Báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.