Hôm nay,  

162. Mỹ Con Gốc Việt Nhìn 30 Tháng Tư

11/05/201521:45:00(Xem: 13458)
40 Năm người Việt ở Mỹ

MỸ CON GỐC VIỆT
NHÌN 30 THÁNG TƯ

NINA LÊ

Sách mới ThanhHà Lại:
Lắng Nghe, Từ Từ (Listen Slowly)
Phát Hành Hai Ngày Trước Tết Ất Mùi

Độc giả giải phẩm Xuân Việt Báo đã một lần gặp gỡ tác giả Thanh Hà Lại qua tiểu thuyết thơ "Từ Trong Ra Ngoài & Bắt Đầu Lại". Đây là tác phẩm đầu tay của tác giả, ở thể loại tiểu thuyết kể bằng thơ tự do, thắng giải National Book Award 2011, giải thưởng toàn quốc cho thể loại sách thiếu niên.

Việt báo xuân 2015Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Việt Báo vào tháng Mười Hai năm 2011 dành cho số báo xuân Nhâm Thìn, Thanh Hà Lại đã tiết lộ: "Tôi đã bắt đầu với cuốn sách thứ hai. Tôi đã có sẵn các nhân vật và cốt truyện, nhưng như thường lệ, tôi chưa tìm ra tiếng nói thực sự phù hợp. Khi tôi định rõ được tiếng nói này, mọi chuyện còn lại chỉ là tiếp tục công việc."

Cuốn sách thứ hai, tiểu thuyết thể loại sách thiếu niên "Listen, Slowly" ("Lắng Nghe, Từ Từ") đã tìm được tiếng nói rõ rệt, và được nhà xuất bản HarperCollins phát hành vào hai ngày trước Tết Ất Mùi, ngày 17 tháng Hai, 2015. Trở lại với bạn đọc báo xuân Việt Báo, Thanh Hà cho biết: "Tôi bắt đầu viết "Listen, Slowly" ba năm trước đây. Ba năm. Một năm dành để viết bản thảo. Một năm để sửa đổi và hoàn chỉnh. Và năm còn lại dành cho công việc biến câu chuyện thành một cuốn sách thật sự. Hai ngày trước Tết Ất Mùi, 2015, cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi sẽ được phát hành rộng rãi”.

Tóm lược về sách"Listen, Slowly", Thanh Hà cho biết: "Đây là câu chuyện của một cô bé 12 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Laguna Beach với cha mẹ người Việt.

Một mùa hè nọ, cô bé bị bắt buộc chia tay với bạn bè để đi cùng với Bà Nội về Việt Nam để Bà tìm hiểu về những gì đã xảy ra với người chồng mất tích trong chiến tranh. Đây là một mùa hè của sự chuyển hóa đối với một cô bé đã từng tuyên bố không muốn nhìn về gốc gác, chỉ để rồi nhận ra gốc gác này từ lâu đã ăn sâu, bám rễ trong chính Cô."

Là một cô bé ở tuổi dậy thì, Mai, nhân vật chính trong truyện mở đầu cuốn truyện với giọng điệu khó chịu, lạc lõng, thách thức cha mẹ và những ý định, kỳ vọng của họ dành cho cô: "Mình quay phắt đầu về phía cửa sổ máy bay ngay khi Bố ngồi xuống ghế bên cạnh. Chẳng có thứ gì để ngắm ngoài cửa sổ trừ những đám mây và những đám mây, dù sao đi nữa thì nhìn vào bất cứ thứ gì cũng còn hơn nhìn vào khuôn mặt làm bộ thương cảm "xin-lỗi-bố-gây-bất-bình-cho-con" giả tạo. Bố chờ mình quay mặt về phía Ông. Còn lâu. Chỉ một cái nhìn thoáng cũng đủ hàm ý khuyến khích khuyên mình hãy tìm về gốc rễ. Gốc rễ của Bố. Đâu phải của mình..."

Trong một đoạn khác: "Ông Nội mất tích khi Bố mới lên hai tuổi. CHIẾN TRANH còn tiếp tục kéo lê thê cho đến hồi cuối vào ngày 30 tháng Tư, 1975. Cha mẹ tôi đã khắc "tattoo" ngày này tháng này trong đầu óc tôi. Năm nào cũng vậy, họ đều cử hành lễ tưởng niệm cho Ngày Mất Sài Gòn. Đã ba mươi lăm năm qua rồi, mà vẫn vậy, những khuôn mặt trầm trọng, vẫn tiếp tục trầm trọng... Mình thật là ngạc nhiên họ đã không đặc tên mình là 30 tháng Tư, mà đặt tên Mai (ở nhà) / và Mia (ở trường). Bạn có tin không, họ vẫn còn vỗ vai nhau tự hào về sự chuyển chữ thông minh này. Văn hóa song đôi, họ nói và mặt họ sáng ngời, mình không nỡ nói với cha mẹ, mình chỉ duy nhất theo một nền văn hóa..."

Câu chuyện được khai triển theo cô bé qua cuộc hành trình về Việt Nam, một miền đất rất đỗi "xa lạ" đối với Mai. Ngoài việc hầu như không nói được tiếng Việt, Mai còn không biết gì về địa lý, phong tục, kể cả họ hàng xa gần. Những ngày hè ở với bà ngoại trên quê hương của Bà đã thay đổi cái nhìn và tình cảm của cô bé giúp cô hiểu ra giá trị thực sự của gia đình và người thân. Một điều đáng chú ý là trong sách "Listen, Slowly", tác giả đã viết rất nhiều câu cú, địa danh, tên tuổi trong truyện bằng tiếng Việt có dấu. Nhân vật cô bé 12 tuổi trong truyện học hỏi và thích ứng, tìm về cội nguồn. Người đọc không khỏi so sánh nhân vật và chính tác giả, khi ở cuốn sách thứ hai tác giả đã viết dấu vào tên của chính mình: ThanhHà Lại. Cấu trúc đại cương của Listen, Slowly có thể là hư cấu, nhưng chắc rằng những nhân vật và chi tiết đó đây phảng phất ảnh hưởng gia đình, bạn bè và gốc rễ của tác giả như chính tác giả đã có lần tâm tình: "Ngày 30 tháng Tư 1975, người miền Bắc thắng trận, nên cả gia đình tôi [trừ ông bố đã mất tích trong chiến tranh] chen nhau lên một con tàu hải quân và sau đó định cư ở Montgomery, Alabama".

Nếu cuổn sách đầu tay "Inside Out and Back Again" nói về những khó khăn thích ứng của cô bé 10 tuổi từ Việt Nam sang Mỹ, không biết nói tiếng Anh "và chưa lần nào trong đời ăn bánh mì kẹp hot dog", thì cuốn sách thứ hai vẽ nên bức tranh đảo ngược của cô bé Mỹ-Việt cố gắng mò óc tìm chữ "sorry" bằng tiếng Việt. Đọc Listen Slowly, độc giả sẽ hiểu được một đoạn trong bài thơ Chiến Tranh và Hòa Bình của tác giả ở cuốn sách trước:

"...Sẽ không ai tin rằng
có những lúc tôi thà
sống trong
thời chiến ở Sàigòn
hơn
thời bình ở Alabama."

Trả lời câu hỏi về sự nghiệp khởi đầu viết sách thiếu niên của mình, ThanhHà cho biết: "Tôi tốt nghiệp Cử Nhân Báo Chí từ trường đại học University of Texas ở Austin. Tôi cũng đã dọn về phía Tây và làm việc cho tờ Orange County Register từ năm 1988 đến 1990. Sau đó, tôi ngứa tay thèm viết tiểu thuyết nên tôi dời về lại miền Đông đến Boston, và sau đó dọn về New York City, nơi tôi tốt nghiệp cao học MFA chuyên về Văn Chương Sáng Tạo từ Đại Học New York University. Tôi bỏ ra 15 năm để viết truyện cho người lớn mà chẳng đi đến đâu. Bỗng một ngày tôi ôn lại các hình ảnh những ngày cuối ở Sài Gòn, và những hình ảnh này chuyển biến trở thành hình thể thực thụ của chúng, thành một thể thức thật đẹp mà người ta gọi là thơ. Tôi không phải là một nhà thơ, nhưng tôi biết rằng văn bản chặt chẽ, hình ảnh nhanh gọn có sức phát nổ thành những nguyên liệu, cảm xúc thật sự là cách duy nhất để có thể bước vào tâm trí một bé gái 10 tuổi có suy nghĩ bằng tiếng Việt, không suy nghĩ bằng tiếng Anh."

Cuối cùng, ThanhHà trân trọng gửi lời chúc Tết đến quí vị độc giả : Tôi kính chúc quý độc giả một năm mới tràn đầy những khoảnh khắc yên bình và những ước mơ toại nguyện. Xin được cảm ơn từng độc giả đã đọc cuốn tiểu thuyết Từ Trong Ra Ngoài và Bắt Đầu Lại của tôi. Tôi luôn nghĩ đến các bạn khi tôi viết. Tôi giờ đây đã có website riêng: thanhhalai.com.

Việt báo xuân 2015
Về nhìn đất nước Việt dần nhận ra cái đẹp và nguồn gốc

Mình có lẽ đã ngủ gật, mặt úp vào ghế da trong xe. Thật là hay dữ! Lỗ tai của mình là thứ tỉnh dậy đầu tiên khi nghe hàng trăm tiếng beep beep. Đã vào đến thành phố. Những tòa nhà cao. Dây điện chằn chịt. Bao nhiêu là xe gắn máy đan bện giữa những chiếc xe hơi và xe buýt. Tài xế nào cũng bấm còi. Ai sẽ là người có thể vượt lên trên dòng giao thông chứ. Chẳng có chỗ trống nào để xe lái tới. Chúng tôi bò từng chút, thắng lại, bò tới, thắng lại. Bà giữ chặt một bao ny-lông trước miệng. Mình cũng có lẽ sắp cần đến.

Cũng có vạch chia đường, nhưng tài xế phát minh ra đường zíc-zắc riêng của họ khi len lỏi vào từng khe kẹt. Một chiếc xe mo-ped lái ngược đường để quẹo trái nhanh hơn. Tài xế là một cô gái tóc dài buông thẳng. Cô có một cái túi có chú chó nhỏ đưa đầu ra trước, sủa um sùm như thể mới bị bắt cóc. Một chiếc xe moped khác nhảy lên lề đường, chen giữa đủ thứ gánh hàng rong: trái cây, mền chiếu, dừa tươi, đồ chơi bằng nhựa, chậu cây, cờ quạt. Wow, một chú heo khổng lồ, chết với hai mắt mở bự ngồi chòm hỏm trong chiếc xe xích lô, bác tài xế ráng sức đạp. Chú heo có hàng lông mi bạch kim dài. Bố nói rằng bác tài xế đang nôn nóng chở chú heo vừa bị làm thịt ra chợ, nơi đó chú heo sẽ bị cắt ra và bán cho người mua. Mình không chắc mình có muốn biết nhiều chi tiết về những nơi thịt đưa đến hay không nữa.

Ngay cả những đường dây điện giăng qua ngả tư đường cũng rối tung như dòng xe chạy. Chỉ trông sự rối loạn lung tung như thế cũng làm mọi thứ náo động hơn. Thật là đủ thứ mùi: cá, hoa, chanh, thịt, bắp nướng, bột chiên, trái cây chín. Mỗi mùi chõi nhau trong lỗ mũi của mình.

Đây chính là Việt Nam mà mình hằng tưởng tượng rồi.

"Tháp máy bay trực thăng ở đâu vậy Bố?"

"Tháp gì?"

"Bố biết mà, nơi mà người ta dành giựt xô đẩy để được thoát thân vào những ngày cuối đó."

"Đó là ở trong Sài Gòn, chúng ta đang ở Hà Nội mà."

Bố cáu gắt vì mất kiên nhẫn, nhưng mình tiếp tục hỏi. "Tại sao chúng ta không vào Sài Gòn?"

"Bà muốn mình đến thăm làng của bà," Bố trả lời, hệt như cách trả lời cáu bẩn lúc đang bận làm nhiều việc vậy. " Chúng ta sẽ gặp thám tử tại một khách sạn ở đây, rồi mình đi tới làng của bà."

"Sài Gòn không phải làng quê của bà sao?"

"Con thật là chưa tìm hiểu điều gì về Việt Nam cả?"

Thật bố chẳng hiểu mình đang hỏi gì? Nước Nga chăng? Có lý gì mà Bố nỗi giận cơ chứ. Bố mới chính là người đã từng suy nghĩ về Việt Nam và những thứ rắc rối của xứ sở này lâu hơn mình nhiều. "Cái cổng mà Việt Cộng ủi sập tiến vào ở đâu?"

"Con nghĩ Sài Gòn ở đâu?" Bố lớntiếng. "Không ai dùng chữ Việt Cộng ở ngoài bắc. Đừng nói bất cứ điều gì về chính trị nghe chưa."

Bây giờ bố mới nói. Chúng tôi đang ở ngoài Bắc, ở một phi trường hoàn toàn khác, ở ngay trung tâm của những người Cộng Sản, Ố! "Họ có bắt chúng tôi không? Họ biết Bố vào nam và chiến đấu cho miền Nam?"

Bố nhìn tôi, như thể cuối cùng Ông đã hiểu ra rằng tôi thực sự chẳng biết gì cả. "Nhiều người miền bắc cũng làm như vậy," giọng ông dịu xuống. "Nhưng bây giờ chẳng còn ai quan tâm. Chỉ đừng nhắc đến chuyện đó nữa."

Ngay lúc Bố dịu xuống, không biết tại sao, tôi lại buồn rầu. "Bố à! Đâu là bãi biển xanh? Bờ biển cát trắng đó?"

"Chúng ta không phải là du khách."

Bố lại đổi bộ mặc kỳ cục.

"Con làm ơn đừng có làm phiền nữa"

Hmm, ai làm phiền ai chứ?....

...

(Trích đoạn từ Lắng Nghe, Từ Tư Mời tìm đọc)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.