
KHAN YUNIS, GAZA - 15 tháng 10: Trẻ em Palestine sau các cuộc tấn công của Israel vào ngày 15 tháng 10 năm 2023 tại Khan Yunis, Gaza. Nhiều công dân Gazan đã chạy trốn về phía nam sau những cảnh báo từ chính phủ Israel. Israel đã phong tỏa Gaza và tiến hành các cuộc không kích trả đũa kéo dài, khiến ít nhất 1,400 người thiệt mạng và hơn 300,000 người phải di tản, sau cuộc tấn công quy mô lớn của Hamas vào ngày 7 tháng 10, nhóm chiến binh Palestine Hamas đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel từ Gaza bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, khiến hơn 1,300 người thiệt mạng và khoảng 2,800 người bị thương. Binh lính và dân thường Israel cũng bị Hamas bắt làm con tin và chuyển đến Gaza. Cuộc tấn công đã khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên chiến và thông báo về một chính phủ khẩn cấp trong thời chiến. (Ảnh của Ahmad Hasaballah/Getty Images)
Giống như hầu hết mọi thứ liên quan đến cuộc xung đột này, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào người quý vị hỏi là ai.
Một số sẽ cho là tất cả bắt đầu với người La Mã. Một số khác sẽ cho rằng nó bắt đầu với cuộc di cư của người Do Thái đến Đế chế Ottoman vào cuối thế kỷ 19 – để thoát khỏi các cuộc tàn sát và đàn áp ở Đông Âu – và sự trỗi dậy của chủ nghĩa và phong trào phục quốc Do Thái (Zionism). Hay Tuyên Bố Balfour (Balfour Declaration) của chính phủ Anh năm 1917, ủng hộ thành lập một “quốc gia cho dân tộc Do Thái” ở Palestine và những xung đột nối tiếp về sau với cộng đồng Ả Rập ở đó.
Nhưng đối với nhiều người, khởi đầu của những xung đột này sẽ là cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc vào năm 1947 để phân chia vùng đất do Anh ủy trị ở Palestine thành hai quốc gia – một của Do Thái, một của Ả Rập – sau khi phần lớn dân Do Thái bị tàn sát ở Châu Âu trong thảm trạng Holocaust.
Cả Palestine lẫn các nước Ả Rập láng giềng đều không chấp nhận việc thành lập nhà nước Israel ngày nay. Giao tranh giữa các nhóm vũ trang Do Thái, một số bị Anh coi là tổ chức khủng bố, và người Palestine leo thang. Các nước Ai Cập, Iraq, Transjordan và Syria mang quân xâm lược Israel ngay sau khi nước này tuyên bố thành lập vào tháng 5 năm 1948.
Kết quả là Israel giành chiến thắng. Với hiệp định đình chiến năm 1949, nhà nước Do Thái non trẻ không chỉ giữ được phần lãnh thổ được phân chia cho họ theo kế hoạch của LHQ mà còn chiếm thêm được một vùng lãnh thổ đáng kể.
Điều gì đã xảy ra với những người Palestine đang sống ở đó?
Khoảng 700,000 người Palestine – tương đương 85% dân số Ả Rập trên lãnh thổ bị Israel chiếm giữ – đã bị trục xuất hoặc bỏ trốn và không bao giờ được phép quay trở lại.
Người Palestine gọi sự kiện xóa sổ và cuộc di cư này là Nakba, có nghĩa là “thảm họa,” và nó vẫn là ‘vết thương còn rỉ máu’ trong lịch sử hiện đại của họ.
Những người Ả Rập còn ở lại Israel sẽ phải chịu đựng sự công khai phân biệt đối xử. Họ sống dưới quyền cai trị của quân đội trong gần hai thập niên, bị tước đoạt nhiều quyền công dân cơ bản. Phần lớn nhà cửa, đất đai của họ đều bị tịch thu. Các cộng đồng người Israel gốc Ả Rập bị dồn ép vào cảnh nghèo đói và không được hỗ trợ gì.
Tổ Chức Giải Phóng Palestine (Palestine Liberation Organisation) là gì?
Năm 1964, một liên minh các nhóm người Palestine đã thành lập Tổ Chức Giải Phóng Palestine (Palestine Liberation Organisation – PLO) dưới sự lãnh đạo của Yasser Arafat, nhằm theo đuổi đấu tranh vũ trang và thành lập một nhà nước Ả Rập thay thế Israel. PLO đã thu hút sự chú ý của quốc tế với nhiều vụ tấn công và không tặc khét tiếng.
Các vùng lãnh thổ bị chiếm của người Palestine đã bị giành lại như thế nào?
Năm 1967, các nước Ả Rập lên kế hoạch tấn công Israel lần thứ hai, để ‘tiên hạ thủ vi cường,’ Israel đã mở một chiến dịch tấn công phủ đầu vào cả ba nước Jordan, Ai Cập và Syria, dẫn đến sự bùng nổ của Cuộc Chiến Sáu Ngày.
Cuộc tấn công xảy ra hoàn toàn bất ngờ và Israel nhanh chóng giành chiến thắng, chiếm bán đảo Sinai và Dải Gaza từ Ai Cập, Cao nguyên Golan từ Syria, Bờ Tây và Đông Jerusalem từ Jordan. Cuộc Chiến Sáu Ngày là một thành công quân sự ngoạn mục của Israel. Việc chiếm được toàn bộ Jerusalem và nắm quyền kiểm soát đối với các vùng đất này đã mở đường cho Israel xây dựng các khu định cư cho người Do Thái ở Bờ Tây (trong Kinh thánh khu vực này có tên là Judea và Samaria). Nơi đây cũng đã trở thành trung tâm của cuộc xung đột.
Người Ả Rập ở Bờ Tây cũng sống dưới quyền cai trị của quân đội Israel cho đến ngày nay.
Hamas xuất hiện khi nào?
PLO là một tổ chức được mô phỏng theo các phong trào du kích cánh tả khác vào thời điểm đó, dù hầu hết những người ủng hộ tổ chức này là người Hồi giáo.
Các nhóm Hồi giáo như Muslim Brotherhood trước đây đã tránh xung đột vũ trang và cống hiến hết mình cho một xã hội sùng đạo hơn. Nhưng quan điểm đó đã thay đổi dưới sự lãnh đạo của Sheikh Ahmed Yassin, một người bị liệt tứ chi và có sức ảnh hưởng lớn, đã giúp thành lập một số tổ chức Hồi Giáo ở Gaza, trong đó có Mujama al-Islamiya.
Ngay sau khi bùng nổ ‘intifada’ đầu tiên (intifada là một biến thể của động từ tiếng Ả Rập, nghĩa là “làm rung chuyển,” có thể hiểu là một cuộc nổi dậy của người dân), Yassin đã tận dụng sự ủng hộ dành cho Mujama al-Islamiya làm nền tảng cho việc thành lập Hamas vào năm 1987. Sự ra đời của Hamas được coi như một thay thế cho PLO. Yassin và các nhà hoạt động khác có quan hệ với Tổ chức Muslim Brotherhood, tổ chức đối lập chính trị lớn nhất ở nhiều nước Ả Rập, đã tạo ra một mạng lưới các tổ chức từ thiện, trường học và trạm y tế ở Bờ Tây của Jordan và Gaza trong những năm 1960, 1970 và 1980.
Israel luôn phủ nhận việc khuyến khích sự trỗi dậy của phong trào Hồi Giáo ở Gaza, nhưng coi các nhóm này là cách làm suy yếu sự ủng hộ dành cho PLO, và công nhận Mujama al-Islamiya là một tổ chức từ thiện, cho phép họ hoạt động tự do. Israel cũng chuẩn thuận cho thành lập Islamic University of Gaza, nơi trở thành mảnh đất ươm mầm sự ủng hộ cho Hamas.
Intifada đầu tiên là gì?
Israel coi dân Palestine dưới sự kiểm soát của mình phần lớn là ‘thấp cổ bé miệng’ ngay cả khi họ tiếp tục mở rộng các khu định cư của người Do Thái ở Dải Gaza và Bờ Tây cũng như tước đoạt đất đai của người Ả Rập. Người Palestine cũng bị coi là nguồn lao động chân tay rẻ tiền ở Israel.
Ảo tưởng đó đã bị đập tan khi thanh niên Palestine vùng lên vào năm 1987. Sự kiện được đánh dấu bằng các vụ biểu tình ném đá hàng loạt. Quân đội Israel ra tay đàn áp với các vụ bắt giữ quy mô lớn và trừng phạt tập thể.
Intifada được đông đảo người Palestine công nhận là một thành công của họ, giúp họ khẳng định bản sắc của mình một cách độc lập với các quốc gia Ả Rập láng giềng và buộc Israel phải đàm phán, đồng thời củng cố quyền lực của Arafat trong việc đạt được những thỏa hiệp với Israel, bao gồm cả vấn đề áp dụng giải pháp hai-nhà nước (two-state solution).
Điều gì đã xảy ra với tiến trình hòa bình?
Khi phong trào intifada đầu tiên kết thúc vào năm 1993, tiến trình hòa bình ở Oslo bắt đầu bằng các cuộc đàm phán bí mật giữa Israel và PLO. Thủ tướng Israel khi đó là Yitzhak Rabin đã ký một thỏa thuận với Arafat nhằm cho người Palestine có một số “quyền tự quyết” dù không chấp nhận nhà nước Palestine.
Hiệp định Oslo đã thành lập Chính quyền Quốc gia Palestine (Palestinian National Authority), trao cho họ một số quyền tự quản đối với các khu vực ở Bờ Tây và Dải Gaza. Các cuộc đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ tập trung giải quyết các vấn đề như tình trạng của Jerusalem, tương lai của các khu định cư của Israel và quyền hồi hương của hàng triệu người Palestine, vốn vẫn đang được coi là dân tị nạn.
Giới quyền lực Palestine coi hiệp định này là một hình thức đầu hàng, trong khi những người Israel cánh hữu phản đối việc bỏ các khu định cư hoặc cắt đất. Oslo phải đối mặt với hàng loạt những lời chỉ trích và buộc tội, dẫn đầu bởi Ariel Sharon và Benjamin Netanyahu. Ông bị ám sát vào năm 1995.
Điều gì gây ra intifada thứ hai?
Các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra suôn sẻ cho đến khi nỗ lực của Bill Clinton làm trung gian trong một thỏa thuận cuối cùng tại Camp David thất bại vào năm 2000. Phong trào intifada thứ hai bùng nổ. Lần này, những cuộc nổi dậy khác biệt rõ rệt so với intifada đầu tiên, Hamas và các nhóm khác phát động nhiều vụ đánh bom liều chết hơn nhằm vào thường dân Israel, quy mô trả đũa của quân đội Israel cũng mở rộng hơn và mạnh tay hơn.
Vào thời điểm intifada thứ hai kết thúc vào năm 2005, hơn 3,000 người Palestine và 1,000 người Israel đã thiệt mạng.
Sự phân nhánh chính trị của intifada có ý nghĩa rất lớn. Nó khiến cho dân Israel cứng rắn và quyết tâm hơn trong việc xây dựng hàng rào Bờ Tây. Nhưng sau đó, cũng khiến thủ tướng Ariel Sharon nói rằng Israel không thể tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine – dù ông không nói giải pháp thay thế sẽ là để cho Palestine có một nhà nước độc lập.
Gaza vẫn bị chiếm đóng?
Một hậu quả của phong trào intifada thứ hai là Sharon quyết định “rút lui” từ năm 2005 với việc cho đóng cửa các khu định cư của người Israel ở Gaza và một phần phía bắc Bờ Tây. Nhưng chỉ một năm sau, ông bị đột quỵ và hôn mê.
Tình trạng của Gaza kể từ đó đến nay đang là vấn đề gây tranh cãi dữ dội. Israel cho biết họ không còn chiếm đóng khu vực này nữa. Liên Hiệp Quốc lại không nói vậy, vì Israel vẫn còn kiểm soát không phận và lãnh hải, đồng thời tiếp cận lãnh thổ này cùng với Ai Cập. Israel cũng đã phong tỏa khu vực này kể từ khi Hamas lên nắm quyền vào năm 2006.
Thêm vào đó, nhiều người Palestine ở Gaza không coi nơi đây là một phần tách biệt với phần lãnh thổ còn lại của họ ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, vậy nên họ cho rằng về tổng thể thì lãnh thổ của họ vẫn còn bị chiếm đóng.
Tại sao Hamas kiểm soát Gaza?
Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp Palestine năm 2006, một phần nhờ phản ứng quyết liệt trước nạn tham nhũng và sự trì trệ chính trị của đảng Fatah. Lãnh đạo Hamas Ismail Haniya được bổ nhiệm làm thủ tướng. Israel bắt đầu bắt giữ các thành viên Hamas trong Quốc Hội Palestine và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Gaza.
Mối quan hệ giữa Hamas và Fatah ngày càng xấu đi, dẫn đến bạo lực lên ngôi. Thỏa thuận thành lập một chính phủ đoàn kết đã sụp đổ, và Hamas tiếp quản Gaza bằng vũ lực còn Fatah tiếp tục kiểm soát Chính quyền Palestine ở Bờ Tây. Không có bất kỳ một cuộc bầu cử nào kể từ đó.
Từ Gaza, Hamas tiếp tục tấn công Israel, chủ yếu sử dụng hỏa tiễn. Tình hình cứ như thế leo thang cho đến vụ tấn công đẫm máu mới đây. Israel vẫn duy trì phong tỏa chặt chẽ khu vực này, làm cho điều kiện sống ngày càng xấu đi và tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng.
Tình hình hiện nay ra sao?
Mặc dù các chính phủ phương Tây vẫn thường nói về giải pháp hai nhà nước, nhưng vẫn chưa có tiến triển nào hướng tới một thỏa thuận dưới thời Benjamin Netanyahu, thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Israel. Rất nhiều lần thủ tướng Netanyahu nói rằng sẽ không bao giờ chấp nhận một nhà nước Palestine.
Chính quyền của Netanyahu hiện nay bao gồm các đảng cực hữu, công khai ủng hộ việc sáp nhập toàn bộ hoặc một phần Bờ Tây vào tay Israel và tiếp tục kiểm soát người Palestine và không cho họ có đầy đủ quyền công dân hoặc quyền bỏ phiếu. Các nhóm nhân quyền của Israel và quốc gia khác cho rằng hình thức phân biệt chủng tộc mà Israel tạo ra ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ngày càng sâu đậm.
Với vụ Hamas sát hại hơn 1,200 người Israel, rồi hơn 2,300 người Palestine thiệt mạng trong các cuộc không kích trả đũa của Israel vào Dải Gaza, cuộc xung đột giờ đây nằm trong một tương lai mờ mịt và khó lường.
Nguồn: “What are the roots of the Israel-Palestine conflict?” được đăng trên trang Theguardian.com.
Gửi ý kiến của bạn