Hôm nay,  

Mùa Xuân Cho Cuba

15/02/199900:00:00(Xem: 9601)
Mùa Xuân Cho Cuba

VŨ QUANG NINH

LTS: Ông Vũ Quang Ninh, Tổng Giám Đốc Little Saigon Radio, thường
có những bài bình luận sắc bén về các biến cố, các sự kiện thời
sự hay các nhân vật quốc tế trên chính trường. Nhân dịp Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm Cuba, ông đã nhận định về chuyến
đi lịch sử này như một mùa xuân đem đến cho Cuba.
Tòa soạn Tạp Chí Văn Hóa trân
trọng giới thiệu bài viết sau đây của ông Vũ Quang Ninh, như một
lời tiên đoán lạc quan cần thiết để bạn đọc có một viễn kiến, một
khi Đức Giáo Hoàng có thể thăm viếng Việt Nam trong những ngày sắp
tới. (VH)


Để trình bầy bối cảnh lịch sử của chuyến viếng thăm Cuba
của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,chúng ta cần nhắc lại biến cố
xảy ra đúng 100 năm trước đã ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Hoa
Kỳ và Cuba.
Đó là cuộc chiến giữa Mỹ đại cường đang lên với đế quốc Tây
Ban Nha đang tới hồi suy bại. Trong vụ này, Mỹ đã hỗ trợ lực
lượng chiếm Cuba đánh lại đế quốc thực dân từ Âu Châu qua. Nhưng
sau khi chiến thắng, họ lại không giúp dân Cuba xây dựng nền độc
lập y như Hoa Kỳ đã dành lại độc lập từ đế quốc Anh. Kể từ đó
quan hệ đôi bên đã đi vào những mâu thuẫn đáng tiếc, mà cao điểm
là chế độ Cộng Sản Castro đã ngả vể phe Liên Xô, để bị Mỹ phong
tỏa từ gần 40 năm nay. Giờ đây chế độ độc tài mà bất lực đó đang
đi vào số tận cùng với tuổi già của lãnh tụ Castro, khi chủ nghĩa
cộng sản đã phá sản ở mọi nơi....
Điều gì sẽ xẩy ra sau đó cho
dân tộc Cuba là mối quan tâm của Đức Thánh Cha dù sức khỏe của
ngài đã suy yếu rất nhiều.
Với lòng bác ái của một bậc lãnh đạo
tôn giáo, và tầm nhìn quảng đại của một lãnh tụ, ngài muốn sang
tận nơi để chuẩn bị cho Cuba một tương lai hậu cộng sản không dổ
máu hay đại loạn. Mặc dầu chuyến thăm viếng mang tính chất lịch
sử của ngài trên đất Cuba đã bị truyền thông Mỹ bỏ ngang khi dư
luận Mỹ xôn xao về vụ Monica Lewinsky, chúng ta cũng cần nhận
định cho rõ ảnh hưởng lâu dài của chuyến thăm viếng đó.
Trước hết, về thành quả gọi là xây dựng xã hội chủ nghĩa
của Fidel Castro, ta thấy là như ở mọi xứ cộng sản khác, thành
quả đó là con số không. Khi đế quốc Liên Xô không còn nữa để có
thể nâng đỡ tiền đồn cộng sản này trên vùng Trung Nam Mỹ và ở
ngay ngoài khơi Florida của Hoa Kỳ, ta biết rằng chế độ Castro sẽ
không thể tồn tại. Nó sẽ sụp đổ trên chính nó, vì sự kiệt quệ đến
tận cùng của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Vì ách chuyên chính vô
sản, khi mà Cuba không còn bất cứ một lực lượng xã hội hay chính
trị nào có đủ uy tín và tổ chức để hướng dẫn xã hội vượt qua khúc
quanh đầy hiểm nghèo sắp tới, câu hỏi đặt ra là ai sẽ lãnh đạo


Cuba để đưa người dân ra khỏi thực tại đầy lầm than và một tương
lai đầy loạn lạc đó"
Chúng tôi tin rằng không chỉ có Đức Giáo Hoàng mới âu lo
về vấn đề đó. Chính Castro cũng biết rằng một khi mình nằm xuống,
người em Raul sẽ khó bảo vệ nổi chế độ, và nếu hốt hoảng đàn áp
thì đại loạn sẽ xẩy ra cùng đại họa tàn sát. Có lẽ chính Castro
cùng mong ước sự chuyển biến ôn hòa vào lúc giao thời, và một
giải pháp có tính chất xã hội hơn sau đó, để xây lại xứ Cuba của ông.
Giải pháp đó, có lẽ người dân Công giáo Cuba có thể tham gia vì
những chủ trương xã hội tiến bộ và vốn là căn bản của nguời Công
giáo. Hiểu như vậy, Castro mới tìm cách tiếp xúc với Tòa Thánh
Vatican từ 5 năm nay và bản thân ông đã xin diện kiến Đức Thánh
Cha vào mùa thu năm kia, đưa tới việc ông mời ngài qua thăm Cuba.
Vì Castro hy vọng Vatican có thể là một giải pháp chuyển tiếp từ
Cộng Sản sang Tự Do, từ độc tài sang dân chủ không đổ máu, không đại
loạn.
Trong chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha đã không nể nang
Castro khi nói rằng dân Cuba thiếu tự do và kêu gọi chế độ tôn
trọng nhân quyền và cả tự do kinh tế. Nhưng, ngài cũng đồng thời
vạch ra một con đường khác cho cả Cuba và Hoa Kỳ khi đề nghị
chính quyền Mỹ chấm dứt phong tỏa kinh tế, để dân chúng có cuộc
sống dễ thở hơn và để chế độ từ từ khôi phục lại sinh hoạt bình
thường cho dân chúng Cuba. Khi một lời khuyên lại bị cả hai
phe công kích, ta có thể tin là lời khuyên đó ít nhiều phản ảnh
sự thật nằm bên ngoài giới tuyến chính trị. Đức Thánh Cha đã nói
về sự thật đó với chính dân Cuba, kể cả dân tị nạn ở tại Mỹ, rằng
họ phải nghĩ đến hạnh phúc lâu dài của xứ sở và tiến tới một giải
pháp xây dựng tích cực, ngài đã không gặp phản ứng của người dân
tị nạn Cuba ở Hoa Kỳ, vì họ cũng nhìn ra ưu điểm của giải pháp ôn
hòa.
Lời kêu gọi đó cũng không
gây khó chịu cho chế độ Castro, ngay cả khi hàng giáo phẩm và dân
Cuba hô to khẩu hiệu Tự Do! Tự Do! cùng lới ứng khẩu kêu gọi tự
do của ngài. Điều người ta để ý nhất là đêm giã từ, Đức Thánh Cha
đang yếu ớt lên máy bay dưới con mưa, Castro đã rưng rưng nước
mắt. Chúng tôi cũng rưng rưng nước mắt khi thấy ngài hết sức cố
gắng gây lại mầm sống cho dân tộc Cuba, và tin rằng ngài đã
nguyện cầu rất mãnh liệt cho tương lai của mảnh đất này. Nếu Mùa
Xuân tái hiện trên đất Cuba, ta sẽ không thể quên những bước chân
yếu ớt vất vả của ngài vào đêm giã từ đó, sau một chuyến viếng
thăm đầy hy vọng.
Qua cuộc công du Cuba của Đức Thánh Cha, chúng tôi xin
kết luận: Ước nguyện của Đức Thánh Cha cũng là ước nguyện của
chúng ta, bao giờ Đức Thánh Cha đến thăm Quê Hương của chúng ta
như ngài đã đặt chân lên Havana"

VŨ QUANG NINH

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.