Hôm nay,  

Mạn Đàm Với Luật Sư Lâm Lễ Trinh Việt Nam Đi Vào Thế Kỷ 21 Bằng Những Bước Thụt Lùi

15/02/199900:00:00(Xem: 9282)
LTS : Ngày 17 tháng giêng vừa qua, trong chương trình mệnh danh
" Diễn Đàn Tự Do Dân Chủ Cho VN ", Đài TIẾNG NÓI VIỆT NAM HẢI NGOẠI,
New Orleans, phát thanh tại Louisiana, Washington D.C, Atlanta,
Philadelphia và Dallas, , đã phỏng vấn LS LÂM LỄ TRINH, nguyên Bộ
trưởng Nội Vụ và Đại sứ tại Trung Đông thời Đệ nhất Cộng Hoà,
hiện Chủ bút Tạp chí Pháp - Anh Droits de l' Homme/ Human Rights
phát hành tại Paris , về một số vấn đề nóng bỏng tại Việt Nam trước
ngưỡng cửa Thế kỷ 21.
Sau đây là cuộc mạn đàm có ghi âm giữa ông
VƯƠNG KỲ SƠN (VKS), Giám đốc Đài, với LS LÂM LỄ TRINH.


VƯƠNG KỲ SƠN : Trước hết, xin Luật sư vui lòng phác hoạ
một cách đại cương tình trạng của Việt Nam trước ngưỡng cửa Thế kỷ 21 .

LÂM LỄ TRINH: Chỉ còn 11 tháng nữa thì thế giới sẽ bước vào một
thiên niên kỷ mới. Trong những thập niên chót của thế kỷ 20, trên
2 triệu rưỡi người Việt đã sống một cơn ác mộng vì phải bỏ nước ra
đi. CS Bắc Việt chiếm Miền Nam bằng võ lực. Đây cũng là chiến thắng
cuối cùng của Xã hội Chủ nghĩa.
Đúng thế, Chiến Tranh Lạnh chấm dứt với sự
sụp đổ của bức tường Bá linh năm 1989, tiếp theo đó các nước CS
Đông Âu tan rã và chế độ mác xít của đế quốc Sô viết bị giải tán
sau khi Yeltsin thay thế Gorbatchev cuối tháng chạp 1991. Ngày
12.6.1998, Chương trình Phát triển UNDP của Liên Hiệp Quốc kết
thúc bản phúc trình bằng nhận xét:"Sau ngày lý thuyết CS tan rã,
chỉ còn ý thức hệ kinh tế duy nhứt trên mặt chánh trị".

Kinh tế thị trường - chủ trương tự do mậu dịch và do khối tư bản
đề xướng - hiện chi phối mạnh thế giới. Bốn xứ CS còn sót lại là
Trung hoa, Việt Nam, Cuba và Bắc hàn, không kháng cự nổi xu hướng
toàn cầu hoá này vì quá kiệt quệ. Kinh tế thị trường đặt ra những
quy tắc chung về giá cả, cạnh tranh, lợi nhuận, quyền sở hữu trí
tuệ, cách đối xử với giới lao động,v.v... và đòi hỏi một số tự do
căn bản tối thiểu, hay nói cách khác, mở đường cho Dân chủ . Muốn
nhập cuộc và nhận tài trợ bên ngoài, phải chấp nhận luật chơi,
không thể tránh né. Tại Việt Nam, nhà cầm quyền CS - để tồn tại -
đem ra áp dụng kế hoạch "Đổi Mới Theo Đường Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa"
năm 1986. Chánh sách này canh tân kinh tế nửa vời và ù lì bảo thủ
về chánh trị. Đến nay, chánh phủ Hà Nội vẫn tuyên bố trung thành
với chủ nghĩa lỗi thời Mác Lê và tư tưởng lạc hậu của Hồ Chí Minh.
Kết quả trông thấy rõ: Đất nước sa lầy và chánh quyền càng ngày
lún sâu vào một cuộc khủng hoảng toàn diện không lối thoát, về tư
duy, nhân sự lãnh đạo, kinh tế và xã hội. Tình trạng thêm nguy kịch
vì khối ASEAN láng giềng đang xuống dốc trên mọi mặt từ gần hai
năm nay.

VKS: Yêu cầu Luật sư giải thích thêm vì sao cuộc khủng hoảng hiện
nay (tại VN) lan rộng. Cuộc khủng hoảng biểu hiện dưới hình thức
nào "

LLT: Tham nhũng và tệ đoan ô dù bè phái ở mọi cấp chánh quyền đã
trở thành quốc nạn, vô phương cứu chữa. Hàng ngũ lãnh đạo chia rẽ
và thiếu viễn kiến. "Quân đội Nhân dân" chuyên làm kinh tài và
kiểm soát các xí nghiệp quốc doanh béo bở . Vì thế VN bước qua
thế kỷ 21 bằng cách đi thụt lùi. CS đang mất dân. Dân hết còn khiếp
sợ CS như trước. Dân xuống đường biểu tình phản đối nhà chức trách
từ Bắc vào Nam, tại Thái Bình, Uy Nổ, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Cẩm
Thủy, Hố Nai, v..v...Mặt khác, một số cán bộ cao cấp, trước có công
với CS, đã lớn tiếng phê bình nhóm lãnh đạo sai lầm và hủ hoá:
Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Hoàng Hữu Nhân, La Văn Liếm, Nguyễn Văn
Trấn, Nguyễn Hộ, Nguyễn Khắc Viện... Giới trí thức, văn hoá và nhà
báo như Dương Thu Hương, Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng
Tiến, Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Hoàng Linh....
cũng không ngán chỉ trích chế dộ. Phong trào làm đơn tố cáo
tham nhũng và đòi lại quyền con người rầm rộ nổi lên khắp nơi. Một
số cán bộ lão thành bất mản đã gởi ngày 1.5. 1998 Huyết tâm thơ
cho Bộ Chánh trị, Chánh phủ và Quốc hội để khiếu nại thẳng thừng
hành vi thâm lạm của Phạm Thế Duyệt (trong Ban Thường vụ Trung
ương), cựu Tổng bí thơ Đổ Mười và người con rể. Nông dân và công
nhân - hai "thành trì" cốt cán của Đảng - bị Đảng bỏ quên và phản
bội . Theo dư luận quần chúng, Đảng chỉ còn đại diện cho 2 triệu
2 đảng viên trong tổng số dân 74 triệu. Đúng và tệ hơn, đại diện
cho nhóm mafia chễm chệ thụ hưởng tại Bắc Bộ Phủ. Đảng viên liên
kết để giử đặc quyền ăn trên, ngồi trước. Bởi thế họ nhứt quyết
không chấp nhận đa nguyên và bầu cử tự do. Họ viện lý do cần "ổn
định chánh trị" trước. Chánh phủ VN không phải là chánh phủ của dân,
bởi dân và vì dân. Lịch sử sẽ xem CS là những kẻ tiếm quyền, Cách
mạng chỉ đẹp trong bóng tối. Cách mạng, khi thành công, để lộ bộ
mặt thật, phỉnh gạt và mị dân. CS hiện bị động vì thụ động quá lâu.
Chánh sách "đà điểu chôn đầu dưới cát" và "đợi nước đến chân mới
nhảy "đem lại sự thất bại cho CSVN.

VKS: Lúc nãy, ở phần trên, Luật sư có dùng cụm từ "chính sách
canh tân kinh tế nửa vời ". Thế nào là "canh tân nửa vời""

LLT: Kế hoạch cải tổ kinh tế của Hà nội là một quái thai, đầu Nga,
mình Hoa. Trước đây, nhiều người tưởng Đổi Mới là sáng kiến của
Tổng bí thơ Nguyễn Văn Linh. Năm 1985, Gorbatchev nắm quyền tại
Nga, đưa ra chủ trương Glasnost - Perestroika. Trong Đại hội 6 vào
tháng chạp 1986 của đảng CSVN, theo lịnh của Gorbatchev, Tổng bí
thơ Trường Chinh (đã một lần mất chức này năm 1952 sau vụ Cải Cách
Ruộng đất thời Hồ Chí Minh), trình ra chương trình Đổi Mới gồm có
một số cải cách về tư duy. Sau Đại hội 6, Liên Xô tan rã, Lê Duẩn
(thuộc phái thủ cựu) thay Trường Chinh. Tháng 2. 1997, báo Nhân
Dân đăng bài của Hoàng Tùng, Đinh Nho Liêm và Hà Xuân Trường đề
cao Trường Chinh (qua đời 9 năm về trứớc). Họ ám chỉ Lê Duẩn, Lê
Đức Thọ , Nguyễn Văn Linh và bè cánh đã "làm hư" Đổi Mới của
Trường Chinh . Hà nội về sau cố noi theo đường lối thực tiễn "Mèo
Trắng Mèo Đen" của Đặng Tiểu Bình nhưng đến nay không thành công vì
thiếu người lãnh đạo giỏi, vì tham nhũng quá nặng và không thanh
toán nổi 6000 công ty quốc doanh thua lỗ. Chính sách thậm thụt và
dậm chân tại chổ làm cho cải tổ kinh tế thất bại. Canh tân chánh
trị và mở rộng dân chủ cần đi đôi với việc chấn chỉnh kinh tế. Việc
đề cao chậm trễ Trường Chinh là dấu hiệu rạn nứt trong đảng CS.

VKS: Hiện công luận bàn rất nhiều về vụ CS khai trừ tướng Trần Độ.
Luật sư nghĩ gì về lý do và hậu quả của quyết định này "

LLT: Ngày 4 tháng giêng vừa qua, hai tuần trước phiên họp khoáng
đại của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (170 ủy viên), các chóp
bu trong Chánh trị bộ, sau nhiều tháng do dự, đã mượn tay Chi bộ
Vụ Văn hoá Giáo dục thuộc Văn phòng Quốc hội, khai trừ tướng Trần
Độ, 76 tuổi đời và 58 tuổi đảng, vì ông tán phát ra nước ngoài tài
liệu bài bác Đảng. Vài hôm sau, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Phan
Thủy Thanh giải thích lúng túng trong một bản tuyên bố rằng Trần Độ


bị "phê bình,..trừng phạt" và tránh không dùng chử khai trừ. Đến
nay, Đảng chỉ xử lý kín đáo trong nội bộ các cán bộ cao cấp chệch
hướng. Thí dụ, Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Hộ, Nguyễn
Văn Trấn.... Trần Độ là trường hợp điển hình đầu tiên bị truất đảng
tịch. Hơn hai năm sau khi ông công khai đòi hỏi dảng CS phải dứt
khoát đổi mới ("đổi mới hay chết"!) bằng cách ban hành tự do, sửa
đổi luật lệ và tổ chức bầu cử. CS chưa dám mạnh tay với Trần Độ vì
chức vụ cũ và uy tín của đương sự trong Bộ Quốc phòng, Chánh phủ
và quần chúng. Qua internet và điện thơ, Trần Độ là một gương mặt
công cộng được thế giới bên ngoài kính nể. Đặc biệt, nhiều giới
hoan nghinh những quan điểm can đảm của ông trình bày trong lọat
bài "Một cái nhìn trở lại" và bức thơ trần tình "Mấy Lời", phổ
biến ngày 6.1.1999. Tình trạng lục đục trong Đảng và bất mãn trong
nước khiến Bắc bộ phủ phải thận trọng. Nhiều cán bộ , cựu sĩ quan,
nhà văn, v..v... đã lên tiếng binh vực Trần Độ như Hoàng Tiến, Hoàng
Hữu Nhân, Vũ Huy Cương, nguyên đại tá Phạm Quế Dương, Phạm Vũ Sơn,
Trần Tiến Dũng... Một số tuyên bố sẳn sàng trả lại thẻ đảng. Điều
đáng lưu ý là Hà nội hành động ăn nhịp - một lần nửa! - với Bắc kinh
hiện đàn áp cứng rắn hơn trước cánh đối kháng, đối lập và ly khai.
Việc gì sẻ xãy ra cho Trần Độ sau khi bị hăm doạ, rình rập, bôi
nhọ và khai trừ " Chờ xem.

VKS: Trong những vụ như Trần Độ, người quốc gia chúng ta ở nước
ngoài rút tỉa được kinh nghiệm gì và cần phản ứng ra sao "

LLT: Trong việc đấu tranh dân chủ tại VN, cần phân biệt Vận dộng
và Tiến triển. Đến nay, có nhiều dấu hiệu khích lệ về Vận động:
Dân chúng nhiệt liệt tham gia và cán bộ mạnh mẽ lên tiếng. Về Tiến
triển, đang gặp khó khăn vì CS đàn áp cứng rắn hơn trước. CS sợ
đối kháng kết khối. Họ chia rẽ để rỉa lần.

Nhiều thập niên đấu tranh chống Cộng tại VN đã mở mắt chúng ta
(nhưng không quá muộn) về bản chất phi nhân và bất tín của họ. Kêu
gọi đề phòng Hà nội tạo đối lập cuội với tay sai cò mồi vì thế không
có gì quá đáng. Tuy nhiên, cũng phải nhận thức cẩn trọng và sáng
suốt những dữ kiện và nhu cầu mới trong bối cảnh quốc tế hiện tại:
CSVN đã thành công thôn tính toàn đất nước VN, họ được Liên Hiệp
Quốc công nhận, mặt khác xã hội chủ nghĩa đã mất hấp lực hoàn toàn,
phong trào thế giới đẩy mạnh dân chủ đang lên, kinh tế thị trường
được toàn cầu hoá và mở rộng tự do, mạng lưới truyền thông sớm
muộn gì củng sẻ gỡ tung các bức màn tre/sắt hay lửa của các chế độ
chuyên quyền.... Thời thế mới, phương tiện mới , kỹ thuật mới -
trong tay của thế hệ trẻ đang lên trong một tinh thần cởi mở và đại
đồng hơn -đòi hỏi chánh sách và chiến thuật đấu tranh mới. Không thể
mải áp dụng những đường lối lỗi thời và cục bộ.

Tôi không đồng ý với chủ trương hoà giải hoà hợp của Hà nội. Không
thể có vấn đề xoá bỏ hận thù đối với chủ thuyết CS, nguồn gốc của
bao nhiêu điêu linh và gãy đổ của đất nước. Tuy nhiên cần khẩn cấp
- và bằng mọi cách - hàn gắn mọi vết thương, mặc cảm và thành kiến
giữa người quốc gia và các đồng bào CS hồi tỉnh và dứt khoát rời bỏ
hàng ngũ CS để nhiệt thành và can đảm đấu tranh cho dân chủ tự do.
Họ và chúng ta cùng ở chung một chiến hào và nhắm chung môt mục
tiêu: chấm dứt cái ác và cái bất công của xã hội chủ nghiã, thâu
ngắn chế độ đảng trị. Tuyệt đối không nên, bằng các cư xử hay
những phê phán thiếu suy nghĩ, thiển cận, vô trách nhiệm và bất
công, đẩy họ trở lại vòng tay của Hà nội. Như thế, khác nào giúp
giáo cho giặc. Như thế, kéo dài cuộc đấu tranh vốn đã gay go. Chúng
ta cần tạo thêm đồng minh và đồng chí. Hiện nay, lớp người can đảm
chống cộng trong nước là tiền tuyến. Họ không có những tự do ăn
nói và không dể dàng hoạt động như chúng ta ở hải ngoại. Đòi hỏi
quá đáng và quá nhiều nơi họ là điều không hợp lý. Người Việt di
tản là chất xám kỹ thuật, là hậu phương. Cần hổ trợ hết lòng tiền
tuyến để tạo thực lực có tổ chức, lãnh đạo và đường lối. Công cuộc
đấu tranh không dễ, đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn. Cần ngay bây
giờ đặt câu hỏi và ngồi chung nghiên cứu để đồng thuận giải
quyết: Chấm dứt đảng trị CS tại VN rồi sẽ thay bằng loại dân chủ
nào " Chúng ta hiểu dân chủ ra sao" Chúng ta hiện có áp dụng nghiêm
chỉnh dân chủ giữa người quốc gia với nhau hay không, trước khi
đòi và buộc CS thực hành dân chủ"

VKS: Trong những ngày tháng sắp đến, chúng ta phải làm gì để đạt
tới mục tiêu " Cần đặt trọng tâm vào những điểm nào"

LLT: Hiện nay có hai luồng dư luận trong cộng đồng Việt hải ngoại: Một
số người bi quan vì cho rằng bộ máy kềm kẹp của CS trong nước còn
quá mạnh, quốc tế dầu sao cũng tiếp tục giúp họ, đối kháng còn quá
rời rạc, thiếu lãnh đạo và đường lối chung, phe chống cộng không
ngưng chia rẽ và dân chủ tiến quá chậm, vì thế CS sẽ ngự trị thêm
nhiều năm nữa. Một lớp người khác lại tỏ ra lạc quan thái quá. Họ
quả quyết CS sắp chết đến nơi, chết không còn một móng, đây chỉ là
vấn đề ngày tháng vì quần chúng nổi loạn khắp nơi, cán bộ ly khai
hàng hàng lớp lớp và sớm muộn gì sẽ có một cuộc cách mạng, một vụ
đảo chánh cung đình. Hai thái độ vừa nói đều nên tránh vì không có
lợi. Chúng ta cần thận trọng và khách quan trước tình hình hiện
tại, theo dõi sít sao biến chuyển trong nước, cổ động hô hào dân
chủ ở bên ngoài, tạo áp lực với Hà nội dưới mọi hình thức, khuấy
động, nuôi dưỡng và đẩy mạnh phong trào đối kháng bằng đủ phương
thức truyền thông đại chúng... Trọng tâm số một vẫn là liên kết
trong ngoài bằng cách gạt qua một bên vì đại cuộc các tị hiềm và
thành kiến nhỏ nhen và cá nhân. Không một đế quốc nào có thể tồn
tại vĩnh cửu. Huống hồ CSVN hiện là một nước nghèo rớt mồng tơi
trên thế giới. Hơn nữa, tổng số người Việt thất vọng và ngao ngán
CS nay cao hơn gấp bội, sánh với năm 1975, vì gồm dân cả hai miền
Nam , Bắc. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật: CS không bao giờ
chịu sửa đổi và tự ý rút lui nếu không bị bắt buộc. Không bao giờ!

Hồ Chí Minh trước đây thường nhắc các đồng chí :"Phải giữ gìn sự
đoàn kết trong đảng như tròng con mắt của mình!". Tròng mắt CS
đang hư nặng, Hàng ngũ lãnh đạo tại Bắc bộ phủ phân tán trầm trọng
vì ngày 21 tháng này, Ban Chấp hành Trung ương CS tuyên bố nhóm để
"xây dựng lại đảng". Nếu đảng mạnh, hành động tốt và được lòng dân
thì việc gì phải xây dựng"

Yeltsin từng tuyên bố:"Không thể sửa đổi CS. Chỉ có thể thay thế
CS". Điều này đúng hoàn toàn đối với CSVN. Trách vụ kết thúc xã hội
chủ nghĩa phi nhân đè nặng trên vai tất cả người Việt chúng ta .
Không ai có thể lẩn tránh. Bất chấp tuổi tác, bất luận thuộc thành
phần và khuynh hướng nào.

VKS: Rất tiếc thời giờ giới hạn cho cuộc phỏng vấn vì thế không
thể đi sâu vào nhiều vấn đề theo như ý muốn. Đa tạ Luật sư đã chia
xẻ với thính giả Đài Tiếng Nói Việt Nam Hải ngoại nhiều nhận xét
sắc bén về đất nước. Mong có dịp tái ngộ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.