Hôm nay,  

Nàng Kiều, Nhân Chứng Hữu Tình Bên Cạnh Cuộc Tao Ngộ Chiến Giữa Phạm Duy Và Lê Hữu Mục

15/02/199900:00:00(Xem: 10518)
Nàng Kiều, Nhân Chứng Hữu Tình Bên Cạnh Cuộc Tao Ngộ Chiến Giữa Phạm Duy Và Lê Hữu Mục
Bài và Ảnh: LÝ KIẾN TRÚC
SANTA ANA (Việt Mercury)- Đúng như lòng mong đợi của
nhiều người yêu sinh hoạt văn học nghệ thuật từ lâu ở Quận Cam,
cuộc kỳ phùng không hẹn mà gặp, giữa một nhà soạn ca-trường
khúc thiên tài Nhạc sĩ Phạm Duy và một nhà ngôn ngữ uyên bác
Giáo sư Lê Hữu Mục, diễn ra tại hội trường mới tinh của Việt
Báo Kinh Tế tại Santa Ana hôm Chủ Nhật 6-2-98, trong một khoảnh
không gian chật ních người với từng chùm sáng treo vàng ấm tỏa
xuống những bức tranh ấn tượng siêu thực của Họa sĩ Nguyên Khai.
Theo dư luận tham dự, lượng khách đến mục kích có đến dư 400.
Có thể vì sự tò mò mà khách đến tận mục hai nhà đấu xảo
lừng danh đã từng so gươm mới cách đây năm ngoái, có tiếp tục
vung dao, hay tạm đình chiến, tạm hòa giải, bây giờ ngồi lại
cùng nhau sinh hoạt nghệ thuật-vinh danh Nguyễn Du. Nhưng phần
lớn, khách đến cũng để chúc mừng trụ sở mới khai trương của tờ
Việt Báo sau 7 năm hiện diện truyền thông tại Quận Cam.
Thế nhưng, một trong hai cái đinh của buổi hội ngộ là
Nhạc sĩ Phạm Duy trong buổi tiếp xúc với đặc phái viên Trúc Ly
của tờ Việt Mercury News rằng:
"Tôi nhận lời mời trân trọng của hai ông Trần Dạ Từ Và
Hà Thúc Như Hỷ, nhưng trước đó một tuần, chính là ở cú điện đàm
của ông Lê Hữu Mục gọi đến nhà tôi chuyện dài gần tiếng đồng hồ,
ngỏ ý muốn gặp tôi trong buổi Vinh Danh Nguyễn Du; đây là một
đề tài hay, nó hợp với "Minh Họa Kiều" nên tôi không từ chối."
Như vậy, buổi "tao ngộ" giữa hai ông Lê Hữu Mục và Phạm
Duy là hệ quả từ ở suốt cuộc điện đàm vốn đã ẩn tàng dấu hiệu
"hòa" hay "chiến" giữa hai tên tuổi lớn ở hải ngoại. Tuy nhiên,
với thái độ rất mực tình cảm, Phạm Duy nói tiếp: "Một phần lớn
trong câu chuyện điện đàm là ông Mục đã có lời xin lỗi tôi và
hầu như ông ta nhận ra rằng ông ta đã bị khai thác"...
Giáo sư Mục đến Quận Cam trước buổi hội mấy ngày. Ông từ
Canada xuống nên bận bịu thăm bè bạn đồng liêu. Ai cũng có thể
nghĩ đến cuộc "đối đầu" giữa ông và NS Phạm Duy khởi đi từ bài
tường thuật của Nguyên Hương viết trong tờ Làng Văn xuất bản tại
Ontario, bài tường thuật được viết sau khi có cuộc điện đàm giữa
Nguyên Hương với GS Mục về mấy câu nói của Phạm Duy. (Tạp chí Văn
Hóa xuất bản tại Little Saigon Nam California có đăng tải một số
bài về "vụ chạm lửa của giới văn học nghệ thuật nước ngoài" này
trong số báo tháng 10-97).
Dù rào đón cẩn thận, người ta vẫn "ngửi" thấy "trận" đã
dàn ra. Đề tài "Vinh Danh Nguyễn Du" trở nên kích thích lạ thường
từ người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc. Khách tấp nập đến mục
trận. Khéo cho con tạo xoay vần, người túc trí, kẻ thiên tài, mặt
đối mặt trăm tơ nghìn mối. May thay giải cấu tương phùng, nhờ vào
tài điều hợp tài tình tâm lý, cử tọa được một phen thưởng thức
một buổi sinh hoạt đặc sắc, đúng là nghệ càng già càng nồng, gừng
càng già càng cay.
Với chủ đề "Vinh Danh Nguyễn Du", chương trình được chia
làm hai phần rõ rệt. Phần đầu là phần nói chuyện của Giáo Sư Lê
Hữu Mục về đề tài "Thông Điệp Văn Hóa của Nguyễn Du". Riêng phần
này, Giáo Sư Mục đã chiếm một thời lượng lớn: hơn hai tiếng đồng
hồ thuyết trình.
Giáo sư Mục với khả năng hùng biện sẵn có của một nhà
giảng dậy, ông lôi kéo cử tọa từ trạng thái thưởng lãm nghệ thuật
đến trạng thái đối chiếu thời cuộc qua sự phân tích xã hội - nhân
sinh quan trong Đoạn Trường Tân Thanh, đồng thời ông cũng đưa ra
nhiều chi tiết lý thú trong lịch sử đời sống văn học. Chẳng hạn
như khi nói về tình yêu đôi lứa của một công chúa Việt cách đây
vài trăm năm và ngay cả khi phân tích nàng Kiều từ thuở chớm yêu
chàng Kim, ông đưa ra tính bình đẳng, tính dân chủ tự quyết của
phụ nữ Việt Nam đã thể hiện từ thế kỷ 17-18, người phụ nữ khi xưa
tự định đoạt lấy tình cảm và hôn nhân chứ không hoàn toàn bị ép
dầu ép mỡ như thói thường, và ngược lại, gia đình cha mẹ đôi khi
cũng đành thuận thảo với sự đòi hỏi tình cảm của con cái.
Chen lẫn với phần thuyết trình, thỉnh thoảng, ban tổ chức
lại thay vào những tiết mục khác như phần trình diễn của ca sỹ
Kim Tước với "Ngàn Năm Mây Bay" của Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Bích
Liên với "Dạ Lai Hương" của Phạm Duy, phụ họa bởi tiếng dương
cầm Thụy Khanh, một tài năng trẻ, Thùy Hạnh ngâm Kiều, phụ họa
bởi tiếng sáo Ngọc Nôi, tiếng đàn tranh Châu Nguyễn, Kiều Chinh
lúc nào cũng "ăn ảnh", bà lên tặng hoa cho các nghệ sĩ và thay
mặt ban tổ chức cảm tạ diễn giả và cử tọa tham dự.
Diễn giả Lê Hữu Mục tiếp tục bài thuyết trình ứng khẩu
của ông một cách mạch lạc. Diễn giả đưa ra các đặc tính dân chủ
và bình đẳng của tầng lớp phụ nữ đã sẵn có trong xã hội thời xưa
mà người đời nay lại ưa gán ghép rằng thời xưa "trọng nam khinh
nữ", thậm chí ngay về vấn đề tình yêu trai gái, tình cảm hôn
nhân, người con gái Việt khi xưa đã không có lệ thuộc sắt đá vào
luật phụ mẫu gia đình. Diễn giả nói về phát kiến của ông xuyên
qua những vần thơ của cụ Nguyễn Du, đặc biệt về chất liệu diễn
tấu âm nhạc trong những tấu khúc mà nàng Kiều chơi đàn, đáng chú
ý ở chỗ diễn giả phân tích nhạc cụ của Thúy Kiều mà ông cho rằng
Kiều biết chơi thiện nghệ nhiều loại đàn, và những tông phổ Kiều
chơi mang âm hưởng giai điệu Việt chứ không hoàn toàn là của Tầu.
Diễn giả cho biết, ông đã nhiều lần có những trao đổi với Giáo
sư Trần Văn Khê về nhạc điệu dân tộc Việt, nhạc cụ Việt, cách
chơi đàn của người Việt v.v... những ý kiến của Giáo sư Khê rất
đáng lưu ý.
Phát kiến về tiếng đàn, tiếng nhạc, và nhạc cụ của nàng
Kiều qua những lần nàng chơi đàn cho Kim Trọng, Mã Giám Sinh và
Từ Hải nghe là một phát kiến đáng ghi nhận của Giáo sư Lê Hữu Mục.
Giáo sư Mục cho rằng dù Kiều chơi khá nhiều nhạc cụ, nhưng chính
của nàng Kiều là cây đàn Nguyệt, tức đàn Kìm của Việt Nam. (ct
thêm của tòa soạn: Đàn Nguyệt là nhạc cụ chính trong tổ nhạc chầu
văn, mặt đàn Nguyệt thường làm bằng gỗ ngô đồng). Nhận xét về âm
nhạc Việt và tân nhạc Việt, Ông Mục cho rằng là một số nhạc sĩ
Việt Nam khi sáng tác vẫn chưa cách biệt được ảnh hưởng của

nhạc Tầu vào trong nhạc Việt, hơn nữa, một nhạc sĩ, trước hết
phải là một nhạc công trình tấu tuyệt xảo với một hoặc hai
nhạc cụ, ví như Mozart, Chopin, Beethoven, Tchaikovski là những
nghệ sĩ dương cầm cự phách tuyệt diệu.
Sau phần thuyết trình của Giáo Sư Lê Hữu Mục, cây đinh
thứ hai được mời lên trong tràng pháo tay nhiệt tình. Không khí
đổi thay hẳn, hào hứng và râm ran dù thời tiết ngoài trời Quận
Cam tiếp tục "dọa mưa" và gió rét từng cơn.
Lời giới thiệu của điều hợp Hà Thúc Như Hỷ vang lên:
"Nhạc sĩ Phạm Duy... nếu trời xanh quen thói má hồng đánh ghen mà
ông trời đã không ghen với Phạm Duy thì không ai có thể ghen với
Phạm Duy được..." và đây, Phạm Duy với "Minh Họa Kiều".
Suốt từ đầu giờ, Phạm Duy vẫn ngồi đó, trông ông không có
vẻ gì suy suyển, không một nụ cười nở ra suốt hai giờ liền, lại
còn tỏ lộ trầm tư với phần phân tích tiếng đàn Kiều đến nỗi có lúc
"nhắm cả mắt lại qua cặp kính râm nâu".
Những con mắt chú mục vào cây cổ thụ trong nền âm
nhạc Việt Nam như sẵn sàng đáp ứng mọi phản ứng từ phía đối lưu.
Phạm Duy, với những động tác đột ngột chuyển động linh hoạt của
người nghệ sĩ bắt đèn sân khấu, ông đã tạo hấp dẫn ngay từ
phút đầu tiên. Trên bục diễn, "người hát rong khắp nẻo cái quan"
vẫn luôn chứng tỏ ông là một nghệ sĩ ăn khách nhất từ trước đến
nay, dù ở bất cứ nơi đâu, dù ở bất cứ tuổi nào.
Nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu người con trai của ông, nhạc
sĩ nghiên cứu và sáng tác Duy Cường, đã từng bỏ ra rất nhiều thời
gian lang thang từ Bắc chí Nam Việt Nam để thu thập âm thanh của
hàng chục nhạc cụ dân tộc Kinh, dân tộc thiểu số, bổ sung vào kho
tàng âm nhạc Việt, những âm thanh mới của Duy Cường sẽ làm sáng
thêm "Minh Họa Kiều" một cách hệ thống.
Phạm Duy mở lời rằng: "để có thể kết thúc cuộc đời ca nhân
của ông một cách đẹp đẽ, ông cố gắng thực hiện một tác phẩm lớn
mang tên "Minh Họa Kiều". Truyện Kiều, minh họa ở đây Phạm Duy dịch
là Illustration, có nghĩa là hiển dương, là làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn
có của thi phẩm, là làm cho thơ có thêm mầu sắc...". Tác phẩm được
gọi là "Minh Họa Kiều" có nghĩa là không phổ nhạc truyện Kiều,
mà chỉ dùng nhạc "minh họa" truyện Kiều mà thôi.
Cũng theo lời giới thiệu của Phạm Duy thì công trình "Minh
Họa Kiều" sẽ gồm có bốn phần tương ứng với bốn giai đoạn của cuộc
đời Thúy Kiều: Kiều cảm nhận số phận của mình qua cuộc gặp gỡ Đạm
Tiên. Kiều biết hương vị tình yêu qua mối tình đẹp với Kim Trọng.
Kiều long đong thân thế qua cuộc đoạn trường 15 năm. Kiều gặp
người tương tri Từ Hải.
Phạm Duy, với những động tác diễn tả linh động của một
nhạc trưởng, ngôn từ trầm bổng đôi lúc pha trò dí dỏm về thân
phận Kiều, nhan sắc Kiều, tính tình Kiều, thỉnh thoảng lại kể
chuyện đi đây đi đó như dịp đi thăm Bắc Kinh, Tô Châu, mê Kiều
đến nỗi lặn lội đến tận Giang Châu chèo thuyền qua sông Tiền
Đường tìm làn nước nơi Kiều tự trầm, nghe lại những dàn nhạc
dân tộc vĩ đại của Trung Quốc biểu diễn âm nhạc truyền thống để
so sánh nhạc Việt nhạc Tầu, v.v..
"Minh Họa Kiều" được phụ họa bởi ngón đàn và đôi tay kỹ
thuật điện tử của Duy Cường. Nhạc sĩ hòa âm Duy Cường đã mê hoặc
cử tọa bằng âm thanh của tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kèn sáo,
tiếng đàn Nguyệt, tiếng trúc tơ, tiếng tranh, tiếng bầu, tiếng
phách... mà ông đã bỏ công lặn lội khắp nước Việt thu thập và học
hỏi. Nhạc tùy lúc, tùy đoạn mà giai điệu trỗi lên diễn tả dòng thơ;
nhạc khi khoan thai trong sáng, khi dồn dập nghẹn ngào, khi ma
quái, khi mượt mà êm ái mênh mông. Bố cục minh họa được diễn tả
sáng sủa từ phần Giáo Đầu (Prologue) để giới thiệu bối cảnh và nhân
vật cho đến phần Vĩ Thanh (Epilogue) kết thúc tác phẩm, với kỹ
thuật áp dụng các hình thức phổ nhạc mới mẻ từ đơn điệu (monophonic)
lên hình thức đa điệu (polyphonic).
Với cung cách trình bày này, thực sự, Phạm Duy đã cuốn
hút toàn bộ không khí và trạng thái thưởng lãm của hàng trăm cử
tọa chăm chút theo dõi.
Vòng qua ý kiến của một vài thân hữu hiện diện, một nha
văn tên tuổi cho biết, nếu Giáo sư Lê Hữu Mục nói nhiều về những
phát kiến Kiều, đặc biệt về các phần tấu khúc, nhạc cụ của Kiều,
ta còn tra cứu lại, thì Nhạc sĩ Phạm Duy đã "minh họa Kiều" như là
một sáng tạo bức phá và thách đố với tuổi đời của một nghệ sĩ,
tuy nhiên, "Minh họa Kiều" có thuyết phục được người đời hay không
thì còn tùy thuộc vào trình độ thưởng lãm.
Đấy là những chuyện bên lề Vinh Danh Nguyễn Du, chuyện
bên lề còn nhắc tới sau dư âm của cuộc "tao ngộ chiến" giữa Phạm
Duy và Lê Hữu Mục.
Tiếp xúc với Nhạc sĩ Phạm Duy sau buổi diễn, ông vẫn tiếp tục
giữ vững lập trường là yêu cầu ông Lê Hữu Mục phải làm sáng tỏ vụ
án Làng Văn.
Ông cung cấp các chi tiết về cuộc điện đàm giữa ông và
Giáo sư Lê Hữu Mục. Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, tinh thần toàn
cuộc của câu chuyện là vài lần ông Mục ngỏ ý xin lỗi Phạm Duy
về sự sơ xuất trước đó. Tuy nhiên, cũng qua câu chuyện, tư cách
xử sự của Giáo sư Lê Hữu Mục chứng tỏ ông là một nhà mô phạm đầy
tự trọng, nhân cách ôn hòa, tự chế trong từng lời nói, ngay cả
lúc việc ông Mục nhắc lại trong một lần nói chuyện về ông Hồ Chí
Minh có mặt Phạm Duy, Phạm Duy đã gạt đi và bảo rằng, người chết
rồi không nên đề cập tới nữa. Ông Mục không đồng ý quan niệm này
của Phạm Duy và có ý cho rằng Phạm Duy bênh vực ông Hồ. Phạm Duy
biện hộ rằng ông không bênh vực Hồ Chí Minh, ngược lại ông thù
Hồ Chí Minh, nhưng với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam,
người chết rồi không nên nhắc lại.
Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, ta thường gọi là Truyện
Kiều gồm 3254 câu thơ lục bát do Nguyễn Du trước tác. Cụ Nguyễn
Du (1765 - 1820) tự là Tố Như, người làng Tiên Điền huyện Nghi
Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1802, Vua Gia Long xuống chiếu chiêu dụng
cựu thần nhà Lê, ông nhận chức Tri Huyện Phú Đức, sau về kinh
Huế thăng dần lên tới Đông Các Học Sĩ, Cần Chánh Điện Học Sĩ,
Chánh Sứ Trung Hoa, Lễ Bộ Hữu Tham Tri và cuối cùng mất ngày 16
tháng 9 năm 1820 tại Huế.
Cách đây mấy năm, UNESCO đã vinh danh Đại Thi Hào Nguyễn
Du và liệt Truyện Kiều vào hàng thi tập bất tử của nhân loại.

LÝ KIẾN TRÚC

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.