Hôm nay,  

Dung Nhan

15/02/201100:00:00(Xem: 11975)

1-contentMai Kim Ngọc là bút hiệu của Bác sĩ Vũ Đình Minh, nguyên giáo sư y khoa tại đại học University of California.Về văn học, ông đã xuất bản các tập truyệnMột Chút Riêng Tư, Nụ Tầm Xuân, Trong Phòng Hồi Sinh, Thuyền Nhân, Nước Mắt Chảy Xuôi. Ông đã dịch một số truyện ngoại quốc nhưLa Symphonie Pastorale của Gide,Tuyển Tập của Lỗ Tấn, Mis Putas Tristes của Gabriel Garcia Marquez, và một số thơ của PabloNeruda. Ông hiện sống với gia đình tại Long Beach, California, và làm cố vấn y tế cho tòa án hành chánh liên bang. Tác phẩm đang viết là truyện dàiBộ Lạc Buồn .

*

"Đẹp hay xấu không phải là chuyện dung nhan. Có những người đàn bà thủa đi học là hoa khôi trường, hoa khôi lớp, có khi còn là hoa khôi tỉnh hoa khôi vùng, nhưng lớn lên trở thành vô duyên. Cũng mắt bồ câu ấy cũng mũi dọc dừa ấy, nhưng cái đẹp ngây thơ trong sáng của cô gái nhỏ không được nối tiếp bằng cái đẹp đậm đà của người đàn bà. Mà đàn bà không đậm đà thì không thể gọi là đẹp được... Ngược lại có những người khuôn mặt bình thường, phân tích ra chẳng có gì trên trung bình, nhưng gặp một lần, nhìn một lần, nói chuyện một lần, ta nhớ mãi không quên..."

Ngồi gọt xoài với Mai Liên, tôi lắng nghe câu chuyện vọng lại từ phía đàn ông. Tôi nghĩ khẩu khí người khách hơi đại cà sa, nhưng ông ta đã ngưng nói và tôi chỉ còn nghe thấy cái yên lặng chờ đợi của cử tọa. Tôi nói khẽ với bạn:

"Mai Liên à, người ta đang bàn về chị em phụ nữ chúng mình."

2-contentTôi ngạc nhiên thấy Mai Liên lúng túng. Lại sốt ruột nữa. Nhăn cái mũi xinh xắn, cô nàng đảo mắt về phía phòng khách rồi nói gọn lỏn:

"Đàn ông ba hoa, bà nghe làm gì."

Tôi mất hứng, ít khi Mai Liên ăn nói nhát gừng với tôi như vậy. Ngoài phòng khách người đàn ông tiếp tục:

"Người đàn bà đã sống mang trên mặt mình cái kinh nghiệm sống đã trải qua, và quan trọng nhất là kinh nghiệm sống với đàn ông..."

Tôi còn suy nghĩ về lời phát biểu, ông ta đã giải thích:

"Đúng ra, tôi muốn nói cái kinh nghiệm được đànông đối xử. Ông hoàng lấy cung cách vương giả đãi ngộ Lọ Lem, thì chẳng cần phép lạ của chiếc đũa thần nào Lọ Lem cũng trở thành cao sang vương giả. Ngược lại, lá ngọc cành vàng mà lấy chồng phàm phu tục tử, thì sớm muộn cũng sẽ thô lỗ như chồng..."

Người đàn ông xem ra có nội dung, và bây giờ thì tôi tò mò. Mới từ Hawaii dọn về, tất nhiên là tôi không biết ông ta. Ngay cả chủ nhà tôi cũng đã tưởng không quen, vợ chồng tôi được mời là do Mai Liên xắp đặt. Cô bé không biết do tình cờ nào đã rõ chuyện ông chủ nhà là bạn học trung học với chồng tôi ba mươi năm trước, về sau học y và hiện hành nghề tạitỉnh này. Được cô nàng cho biết chúng tôi mới dọn về quận Cam, ông ta bèn gọi điện thoại cho Công khẩn khoản mời chúng tôi tới dự buổi họp bạn hôm nay.

Mai Liên rất tế nhị. Sợ tôi không quen ai, cô tới sẵn trước để khi tôi vừa bước vào cổng thì dẫn thẳng vào giới thiệu với chủ nhà. Rồi như tránh cho tôi phải đột ngột nhập vào đảng các bà đang xúm xít trong bếp,
cô bé xí phần cho hai chị em tôi việc gọt thùng xoài vĩ đại để làm món tráng miệng.

Để tôi giới thiệu Mai Liên. Cô là bạn cùng phòng với tôi tại sở Xã Hội Tiểu Bang, nơi tôi may mắn kiếm được việc tương tự với việc cũ bên Hawaii. Tôi rất hợp với Mai Liên, hợp như hai chị em. Thật ra khó mà không thích Mai Liên. Cô nhỏ hơn tôi vài tuổi, nhưng trông chỉ trên bốn mươi là cùng. Mai Liên cao dong dỏng, da trắng, tóc đen và mượt. Cô ăn mặc rất sang, cái sang kín đáo, đàn ông mới trông không nghĩ Mai Liên đã tiêu rất nhiều cho việc may mặc. Nhưng lầm về giá cả thì lầm, không ai có thể lầm cái thanh tú lịch sự toát ra từ quần áo của Mai Liên, và nhất là cách Mai Liên mặc những quần áo ấy.

À tôi quên chưa nói về dung nhan của bạn tôi. Mai Liên lưỡng quyền cao, mắt lá dăm đen và sáng, mày đậm tự nhiên, miệng hơi rộng nhưng có duyên. Vẻ đẹp của Mai Liên rất đặc thù, sắc sảo mà lại dịu hiền, hai nét thường khó đi đôi với nhau nơi người nữ. Tôi nghĩ cuộc đời Mai Liên như thế có thể gọi là lý tưởng. Có nhan sắc, có gia đình, có việc tốt, được xếp và đồng nghiệp quý mến... Điều duy nhất Mai Liên có thể than phiền, là không được lái xe vì chứng kinh phong. Nhưng thật ra Mai Liên chưa bao giờ phải nghỉ làm vì bệnh, và phương tiện giao thông công cộng tỉnh này cũng thuận lợi với bến xe buýt đậu ngay cổng sở Xã hội chúng tôi...

Tất nhiên là như mọi người, Mai Liên có những cái chướng của Mai Liên. Phải nói ngay là những cái chướng ấy cũng nhẹ thôi. Có lúc Mai Liên đành hanh, nhưng chỉ đành hanh vừa đủ, không làm mất đi cái dễ thương của người đàn bà trẻ. Ngoài ra, Mai Liênmềm mỏng. Đặc biệt với những thân chủ phụ nữ thua thiệt, Mai Liên ân cần giúp đỡ, nhiều khi quá bổn phận mình. Tóm lại, nói chung mọi người đều quý Mai Liên.
Trường hợp thân chủ sáng nay là một ngoại lệ kể như không bao giờ tái diễn. Anh ta nguyên họa sĩ, bị Mai Liên ép vào nghề trang trí đồ gốm rẻ tiền của một hãng Mễ, đã cự nự. Lời qua tiếng lại, sự bất bình leo thang đến chỗ anh ta đã xém hành hung Mai Liên, nếu tôi không nhanh trí bấm chuông gọi trật tự viên tới can thiệp. Sự việc thật ra phức tạp, có dịp tôi sẽ trở lại...

Người đàn ông ngoài phòng khách nói tiếp câu chuyện bỏ dở lúc nãy:

"Tôi nghĩ cái chuyện dung nhan phụ nữ nó là như thế này..."

Tôi lắng tai nghe, nhưng trong bếp có bà chạy máy Cuisinart rào rào, có lẽ để xay đậu phụng, nên tôi đành chịu thua. Tôi nhìn quanh căn nhà sang trọng của chủ nhân, thấy Việt kiều ở đây cũng giống như bên Hawaii. Trong những cuộc họp mặt như thế này, đàn ông ngồi riêng đàn bà ngồi riêng. Các ông thì quây quần ngoài phòng khách. Còn các bà thì tụ họp trong bếp, hoặc xúm nhau sửa soạn bữa ăn, hoặc chạo chuyện, thường thường thì làm cả hai việc một lúc. Tôi mừng là nhờ Mai Liên mà tôi khỏi phải ngồi nghe chuyện thị phi của một đám phụ nữ chưa quen, liên hệ đến những đối tượng hoàn toàn xa lạ.

Máy Cuisinart đã ngưng. Ngoài phòng khách có người phát biểu:

"Tôi đồng ý mà cũng không đồng ý với anh Hùng về ảnh hưởng của phái nam trên nhan sắc phụ nữ. Vấn đề là anh giới hạn đề tài trong phạm trù vợ chồng... Ngoài ra, tôi nghĩ anh Hùng nên ghi nhận diện sinh lý của câu chuyện. Gái trinh đẹp theo gái trinh, đàn bà có chồng đẹp theo đàn bà có chồng. Có chồng rồi, lại còn chuyện gái một con trông mòn con mắt. Một chút hoóc-môn của nam giới làm da thịt người nữ nở hoa...”

Đám đàn ông cười ròn rã, cái cười vừa vô tư lự vừa vô ý thức khi đàn ông tụ họp nhau nói về đàn bà. Một người giới thiệu đĩa dê sào lăn ông ta đã đích thân mang tới, ồn ào quảng cáo cho món nhậu mà khả năng bồi dưỡng nam tính còn mạnh hơn nhân sâm.“Ông khen ngon, bà khen sướng...”, ông ta nham nhở pha trò và cả bọn lại cười lớn. Tôi nhăn mặt. Những chuyện sàm sỡ về đàn bà mà giới đàn ông mỗi khi tụ họp thường kể với nhau bao giờ cũng làm tôi khó chịu.

Tôi mừng là chồng tôi không hưởng ứng những câu chuyện như vậy, ít nhất là khi có tôi quanh quẩn bên cạnh. Mà dù vắng mặt tôi, chắc Công cũng vậy thôi. Nói năng sàm sỡ không phải là bản tính của anh. Anh rất nghiêm túc, thật ra hơi quá nghiêm túc... Nghĩ đến sự nghiêm túc của chồng, lòng tôi se lại khi liên tưởng tới con trai chúng tôi, và sự thất bại của thằng bé mặc dù nó đã ráng hết sức để vừa lòng bố...
Ngoài phòng khách có người đòi nợ ông Hùng:

“Anh Hùng chưa trả lời câu hỏi của anh Xuân đấy nhé. Chuyện gì ấy ư" Chuyện yếu tố đàn ông trên nhan sắc phụ nữ.”

Cử tọa yên lặng, chờ đợi. Tôi chợt thấy mình cũng chờ đợi, tay dao gọt xoài của tôi ngưng lại giữa chừng. Trong khóe mắt tôi thấy Mai Liên nhìn trộm tôi, và vừng trán của người đàn bà nhăn lại một cách khó hiểu. Còn tôi, tôi cảm thấy hồi hộp. Tôi vừa tò mò vừa sợ phải nghe câu chuyện sắp tới của ông và đám bạn đàn ông. Tôi lo ông Hùng sẽ theo đà mà phát biểu một câu gì dung tục ngang với băng tần của bè bạn. 3-contentTôi lo ông sẽ khai triển thêm về ba vòng thân thể phụ nữ, về hoóc-môn đàn ông, về sinh lý nam nữ. Thậm chí ông có thể không ngần ngại gọi tên cúng cơm của từng bộ phận đàn bà ra... Và mọi chuyện sẽ hỏng hết, vì tôi mơ hồ tin ông là người tế nhị và tôi không muốn thấy ông rơi vào cái thô bạo chung của đàn ông.

Ông Hùng hắng giọng. Tôi co mình lại, chờ đợi, sẵnsàng chịu trận. Ông nói:

“Ông bạn chí lý lắm. Nhưng trong hay ngoài lãnh vực vợ chồng cũng thế thôi...”

Và ông khai triển câu chuyện của ông. Ông bảo ông xin dành đề tài hoóc-môn cho y giới. Còn vấn đề nam giới và nhan sắc phụ nữ thì đúng, người chồng không phải là người đàn ông độc nhất trong đời người đàn bà. Còn những người đàn ông khác cũng vô cùng quan trọng. Họ là cha, là anh trai, em trai... Cư xử đúng, họ tạo ra cho người đàn bà một vẻ đẹp lành mạnh trong sáng. Còn ngược lại, người cha nghiện ngập bạt tai con gái vì cô bé đánh đổ cút rượu của bố, người anh ăn cắp vàng xuyến của em gái để cờ bạc, người em dối chị để xin tiền tiêu pha nhảm nhí... tất cả những thê thảm ấy ít nhiều sẽ để lại dấu ấn nơi dung nhan người đàn bà bất hạnh.

Tôi thở phào, sung sướng vì mình đã quá lo xa. Ôngkhông thô tục chút nào. Đang căng thẳng tôi trở lại an bình, và bầu không khí trở lại lành mạnh sạch sẽ như mấy lát xoài chúng tôi đã xếp gọn ghẽ trong chiếc đĩa lớn men trắng minh họa hai con gà trống màu xanh dương. Nhưng tôi lại thấy có gì trống trải. Câu nói phải đạo của ông Hùng nhạt nhẽo như trích đoạn từ Lục Vân Tiên, không sắc sảo như phần đầu câu chuyện.

Và tôi suy đoán, là ông đã tự kiềm chế, đã nhịn phát biểu những lời thông minh tinh nghịch nhưng suồng sã. Tế nhị, ông đã nghĩ đến những người đàn bà bảo thủ như tôi trong buổi họp mặt này... Rồi tôi mỉm cười một mình, tự riễu mình đã vơ vào một liên hệ tưởng tượng với người đàn ông lịch thiệp...

"Bà ơi, tay dao của bà ghê quá", tiếng Mai Liên đưa tôi trở về thực tại. Quả thật, mải ngóng chuyện bên xóm đàn ông, lưỡi thép lá lan của tôi lưng chừng trong không khí đã trở thành một mối nguy hiểm cho bạn. Tôi hạ tay xuống tiếp tục gọt xoài, mà đầu óc vẫn suynghĩ về người đàn ông lạ. Ông ta không vung vít haykhinh bạc. Đề tài ông đang nói có khả năng làm cho người ta dễ vấp phải những lỗi đó, nhưng không, câu chuyện của ông về phái đẹp đậm có nhạt có, nhưng đậm hay nhạt cũng không thô, lại có duyên nữa. Không nhịn được, tôi hỏi Mai Liên:

"Ai vậy bà""

Thấy Mai Liên không trả lời, tôi quay sang nhìn bạn. Mai Liên như không hiểu câu tôi hỏi. Nét mặt cau cau, Liên như hoàn toàn chăm chú vào việc gọt xoài.

Ngoài phòng khách câu chuyện lông bông một lát rồi lại quay về ông Hùng. Một người hỏi ông:

"Tôi nghe anh vừa khám phá được một tài năng đặc biệt về nhiếp ảnh phải không""

"Không phải một mà hai, anh ạ," ông Hùng trả lời."Trong kỳ thi của tuần báo Trở Về, tôi chọn được hai tấm tuyệt vời. Hai chân dung phụ nữ. Tôi chủ tâm mang theo hôm nay để các anh xem, hóa ra lại đúng với đề tài chúng mình đang bàn."

Ông ra xe mang vào chiếc cặp da tài liệu. Có tiếng khóa bật ra, rồi tiếng ông Hùng nói:

"Đây là giải nhì... Về kỹ thuật ánh sáng và bối cảnh thì tấm ảnh chỉ trên trung bình. Nhưng xuất sắc là cái thần trên gương mặt người đàn bà..."

4-contentNgồi xa tôi không thấy tấm ảnh, chỉ nghe tiếng mọi người trầm trồ ngợi khen.

Ông Hùng giải thích:

"Các anh thấy đấy, ảnh chụp trong một tiệc cưới. Bối cảnh là một tiệm ăn Tàu, chạm rồng trổ phượng sơn son thiếp vàng. Cô dâu chú rể và tứ thân phụ mẫu đứng góc này, trên khán đài, và vị chủ lễ đang nói ở máy vi-âm. Phần này rất mờ vì nằm ngoài tiêu điểm. Thật ra tất cả đều ngoài tiêu điểm, chỉ trừ đối tượng. "Các anh coi, gương mặt nàng như bông hồng xinh tươi đặt trên một đống rơm cũ, trong khoảng trống giữa mái tóc hoa râm của một ông già đeo kính trắng to gọng và chiếc khăn nhung của một bà cụ cùng bàn.

"Nụ cười làm khuôn mặt người đàn bà trẻ rạng rỡ như buổi sáng mùa xuân. Tấm ảnh của một người, mà rõ ràng là câu chuyện của hai người, người chụp và người được chụp... Chỉ cần lưu ý một chút, các anh sẽ thấy rõ liên hệ giữa hai người chính là tình yêu. Vì về hình thể, người đàn bà này không đẹp, từ cái mắt cái mũi, cái trán cái tóc. Nhưng nàng đẹp một cách không chối cãi được, rạng rỡ bởi nụ cười ánh mắt của người yêu được gặp người yêu...

"Nhưng chưa hết. Niềm vui trên mặt người đàn bà thanh thoát quá, nên chi tình yêu ở đây phải là tình yêu không trọng lượng, không nhục dục. Nói một cách khác, đó là "Amour platonique", tình yêu của những người "yêu nhau mà không phải là nhân tình của nhau", nếu tôi được phép mượn lời của ông Võ Phiến..."

Ngưng một giây, ông nói tiếp:

"Nhìn tấm ảnh ta thấy cái rộng lượng của Thượng đế. Các anh hãy coi, cả một chợ người dự tiệc, tuy lờ mờ ngoài tiêu điểm nhưng cái náo nhiệt đông đúc vẫnlộ ra. Ông nói bà cười, ông ăn bà uống... Và xuyên qua cái đám đông không liên hệ ấy, chỉ có một hành lang không gian hẹp và độc nhất còn trống để nối liền đối tượng với ống kính, để người yêu thấy được người yêu... Chỉ một bàn tay giơ lên, chỉ một thực khách đứng dậy là cái hành lang này sẽ đóng lại, cái nhiệm màu của một giây ngắn ngủi cho hai người tìm được nhau đã không xảy ra, và tấm ảnh đã không được sáng tạo..."

Cử tọa im phăng phắc. Tôi nghĩ họ đang tiêu hóa nhũng kiến thức nghệ thuật ông Hùng vừa giảng cho họ. Mà có lẽ họ đang xúc động, vì nhờ ông Hùng họ đã bắt được những cái gì quá đẹp từ tấm ảnh tưởng như tầm thường.

Tôi cũng lặng đi trong thú vị bất ngờ. Tôi nhìn quanh phòng ăn phòng khách rộng thênh thang của chủ nhân, sang trọng một cách vật chất tiện nghi nhưng vô hồn, với đồ đạc bằng da, bằng nhom, bằng kính, rồi ngạc nhiên thấy một câu chuyện như câu chuyện của ông Hùng đã không lạc điệu ở đây. Nhất là kể cho một cử tọa đàn ông ham vui và yêu đời một cách dễ dãi. Tình yêu phi trọng lượng, tình yêu platonique, yêu nhau mà không phải là tình nhân của nhau... tôi nhẩm trong đầu. Tôi đoán ông Hùng phải là một nhân vật khả kính trong cộng đồng, hay có rất nhiều tự tin, mới có thể hồn nhiên nhắc đến những cụm từ có thể bị hiểu là ủy mị cải lương mà không cần kèm theo giọng riễu cợt bông đùa.

Rồi nhớ lại lời ông Hùng vừa nói về liên hệ giữa người chụp và người được chụp, tôi chợt nghĩ tới những tấm ảnh Công chụp cho tôi để trong mấy cuốn albums cất ở nhà. Tôi chưa bao giờ bằng lòng với ảnh chân dung của mình. Tôi nghĩ mắt tôi to và trong, mũi tôi thẳng, và da tôi mịn, và khuôn mặt tôi trái soan. Tôi không nghĩ dung nhan tôi nhạt nhẽo, nhưng trong ảnh, sao bao giờ tôi cũng có chút gì sượng sùng, thiếu hồn nhiên. Và tôi giật mình. Phải chăng sự sượng sùng này phản ánh liên hệ vợ chồng của tôi với Công, hay đúng hơn phản ánh cách Công đối xử với tôi, như ông Hùng vừa nói.

5-contentTôi chột dạ... Chồng tôi đối đãi tôi như thế nào nhỉ. Tôi vội vã trả lời cho câu hỏi của chính mình, tự nhủ liên hệ vợ chồng tôi hoàn toàn tốt lành. Công cao ráo, gương mặt trí thức, có công việc tốt, không cờ bạc rượu chè, không lẳng lơ trắc nết. Anh không bần tiện mà cũng không xa hoa. Anh biết lo cho con cái cho gia đình. Anh là một người đàn ông nghiêm túc. Tôi giật mình thấy tôi đang tự trấn an, và tôi cần sự trấn an này.

Rồi tôi lại nghĩ Công quá nghiêm túc. Công đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân, cho người thân, và ít khi tôi thấy anh hoàn toàn vừa ý. Tôi tìm ra chân lý: gương mặt tôi sượng sùng thật ra không phải không có lý do. Nó không thư giãn vì tựa hồ như tôi không bao giờ yên chí, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ Công thấy mình có gì sơ sót...

Tôi chợt nhớ tôi cũng có chụp ảnh ở sở trong những buổi liên hoan cuối năm với bạn và xếp. Tuy không mang về cất trong album gia đình, nhưng tôi khẳng định là tôi không có gương mặt bất an trong những tấm ảnh ấy. Tôi biết ngoài xã hội, sự có mặt của tôi đem lại an vui cho người xung quanh. Phải chăng chỉ khi đối diện với chồng, tôi mới có cái mặt lo âu gần như vất vả của những tấm ảnh Công chụp cho tôi... Tôi xua đuổi ý nghĩ không vui, tự nhủ câu chuyện trà dư tửu hậu chẳng đâu vào đâu của một người đàn ông không quen, tôi lại đem vận vào mình. Nhưng dù sao tôi cũng thấy ông Hùng là người có phẩm chất, có đầu óc. Tôi tính một khi nhà cửa ổn định, đồ đạc đâu vào đấy, chúng tôi sẽ mời đám bạn mới về nhà mộtbữa. Tất nhiên là sẽ mời ông Hùng. Ông ta không những có nội dung mà còn lịch lãm có duyên. Một người như ông sẽ đem lại ý nhị cho những buổi họp bạn. Tôi quay sang Mai Liên, định nhắc lại câu hỏi về lai lịch ông Hùng. Mai Liên không bắt mắt tôi, vẫn cặm cụi gọt xoài, thái độ cô nàng xem ra còn căng hơn lúc trước.

Tôi đổi ý nghĩ sang người đàn ông chưa quen, và thán phục cái bản lĩnh của ông đã cho phép ông tạo được không khí đúng cho câu chuyện của ông, giữa môi trường không đúng với đồ da, đồ nhom, đồ kính của chủ nhân... Tôi chia sẻ với Mai Liên lòng thán phục của tôi với ông Hùng. Tôi nói:

"Mai Liên à, ông nào mà nói chuyện hay quá Mai Liên nhỉ."

Mai Liên bốp chát ngắn gọn:

"Bà nghe mấy ông nghệ sĩ thì đổ thóc giống ra mà ăn."

Mai Liên dằn giọng xuống hai chữ nghệ sĩ. Bây giờ thì tôi hiểu vấn đề của Mai Liên. Vảy ngược của Mai Liên là đàn ông nghệ sĩ. Quả thật, thân chủ bị Mai Liên gây gổ sáng nay là một họa sĩ. Quang cảnh sáng nay tại sở làm trở lại rõ ràng trong đầu tôi. Mai Liên đã tấn công ngay khi người họa sĩ mới bước vào văn phòng:

"Xin ông đừng hút thuốc. Bên Mỹ này, công sở là tối kỵ chuyện này. Mà họ cấm là đúng ông ạ. Hại cho mình đã đành, nhưng cái hại cho người phải hít khói thuốc ô nhiễm của mình là chuyện không chấp nhận được."

Người đàn ông trung niên lúng túng tìm chiếc gạt tàn thuốc nhưng không thấy. Anh ta lại lúng túng xin lỗi, trở ra ngoài đường để vứt điếu thuốc cháy dở.
Khi anh ta tạm thời vắng mặt, Mai Liên bảo tôi:

"Thằng cha này là họa sĩ, việc gì cũng chê là lao động tay chân không thích hợp. Việc cuối cùng, em gửi hắn đi vẽ đồ gốm cho một hãng Mễ... Chị chờ xem em xử lý hắn..."

Khi anh ta trở vào than phiền về công việc đương làm, Mai Liên nghiêm giọng cắt ngang:

6-content"Đây là sở thứ ba họ sa thải ông. Tái tam ba bận phải không ông" Tôi nghĩ ông phải cố gắng một chút, may rủi ở đời là một chuyện, nhưng mình phải cố gắng trước rồi chúa hay xã hội mới cố gắng giúp mình."

Co mình lại trên chiếc ghế sắt nệm nhựa màu vàng nhạt, người đàn ông nói rất nhỏ:

"Thưa bà tôi là họa sĩ chân chính, mà vẽ đồ gốm Mễ thì... Bà cho phép tôi dài dòng. Người nghệ sĩ đáng tên nghệ sĩ phải có cái tôi của mình, cái tôi ấy đòi hỏi sự trân trọng cái nghề..."

Mai Liên bất ngờ mất bình tĩnh, đột ngột ngắt lời người đàn ông. Bằng một giọng cửa quyền hiếm thấy nơi bạn, Liên nói:

"Tôi nghĩ quan trọng nhất cho cái tôi, của nghệ sĩ cũng như của thường dân là tự trọng trong tự lực tự cường. Còn đây, việc nặng ông chê, việc nhẹ lại đúng nghề ông cũng chê nốt thì thú thật tôi không hiểu được ông nữa. Cái tôi hay cái anh gì cũng vậy, nghệ sĩ hay thường dân cũng như nhau thôi... Vấn đề là nếu đủ tay đủ chân mà không chịu làm việc để ngồi tiếp tục hưởng trợ cấp thì không đúng. Tiền trợ cấp chẳng phải trên giời rơi xuống, mà là từ đồng thuế của những người chịu khó làm việc gom lại..."

Không ngờ mấy câu triết lý vụn của người họa sĩ về nghệ thuật, về cái tôi của nghệ nhân lại chọc tức Mai Liên đến như vậy. Người đàn ông cúi mặt chịu đựng cơn thịnh nộ như đợi nó rồi cũng tự qua đi. Bất ngờ, Mai Liên đổi giọng, dịu dàng hỏi:

"Bà nhà làm gì""

Người đàn ông trả lời:

"Nhà tôi làm hãng điện tử, tối về may vá thêm. Nhưng đã thưa với bà, tuy ở chung một căn hộ nhưng chúng tôi đã ly dị..."

Như mèo vờn chuột, Mai Liên sẵng trở lại:

"Sao lại ly dị bà Tú Xương" Ly dị hành chánh phải không" À, tôi muốn nói ly dị để tiện việc hành chánh, để ông đủ lý do hưởng trợ cấp."

Bấy giờ người đàn ông ngắt lời Mai Liên:

"Không phải." Giọng ông ta như hét lên vì uất ức, "Bà không được phép vu khống tôi gian lận quỹ an sinh..."

Như đã kể lúc nãy, tôi đã nhanh tay bấm nút chuông gọi trật tự viên mới tránh được chuyện xô xát đáng tiếc. Thân chủ về rồi, Mai Liên ngồi viết biên bản. Viết xong, cô thản nhiên bảo tôi:

"Hắn ta chắc sẽ đi kiện. Nhưng chị đừng lo cho em. Em vẫn được tiếng là ân cần với thân chủ, không ai tin hắn đâu..."

Rồi chặc lưỡi, Mai Liên nói tiếp:

"Thứ đàn ông này làm như chỉ vì họ đã có lần nặn được pho tượng đẹp, viết được cuốn truyện hay, vẽ được bức tranh lạ, là cuộc đời mắc nợ họ đủ mọi thứ. Thứ đàn ông này, từ sáng đến khuya ngồi than thân trách phận, mặc cho vợ may thuê ngày mười lăm mười sáu tiếng cho các hãng thời trang với đồng lươngbóc lột... Ở văn phòng mình mà họ còn như vậy, tưởng tượng ở nhà với vợ con họ còn khó chịu đến đâu. Em thương những người đàn bà vô phúc phải làm vợ họ."

Bây giờ nghĩ lại sự việc ban sáng tại sở, tôi tò mò nghệ nhân nào trong quá khứ đã tạo cho Mai Liên chừng ấy ác cảm. Thật là uổng, chỉ vì một kinh nghiệm không may lại đi khước từ liên hệ vói cả một lớp người mà mục đích bình sinh là làm cho cuộc sống đẹp hơn. Tôi nghĩ trong tương lai, nếu Công và tôi có cơ duyên được thân với ông Hùng, tôi sẽ nhờ ông gỡ cho Mai Liên cái thành kiến sai lầm của cô bé.
Ngoài phòng khách, ông Hùng đưa tấm ảnh thứ hai cho mọi người xem.

Ông nói:

"Giải nhất là tấm này. Cũng như giải nhì, tấm ảnh thành công ở chỗ đã ghi được chân dung người mẫu lại còn nói lên được liên hệ giữa người chụp và người được chụp... Nó hơn giải nhì ở chỗ là ảnh vẫn đẹp dù tình yêu đã nảy nở toàn vẹn, như hoa đã thành quả..."

Một phút yên lặng như cho mọi người kịp ngắm, ông Hùng nói tiếp:

"Người đàn bà trông như bông mẫu đơn vừa đến độ, thiếu một chút mới hàm tiếu, thừa một chút thành mãn khai. Ta chỉ được thấy gương mặt, nhưng ngắm nét thư giãn hoàn toàn với mái tóc buông lơi lòa xòa trên gối trắng, ta biết nàng đang nằm khỏa thân trên đệm... Tình yêu đã đón nhận tục lụy, nhưng tục lụy đã thăng hoa. Hạnh phúc chứa chan niềm hoan lạc của đón nhận mà cũng của ban phát. Gần gũi đến tột cùng, nhưng suồng sã thì không...

"Kỳ lạ là không xuất hiện trong bức ảnh nhưng tấm thân người nữ hiển hiện qua liên tưởng với những đường nét vô vàn mỹ miều. Nó đã thăng hoa lên quá đôi cánh tay tròn, cặp đùi thon, cái lưng ong thắt đáy, để trở thành món quà trân trọng mà khuôn mặt rạng rỡ tình yêu này đem dâng tặng tình lang... Dục tình mà đẹp như vậy, tôi nghĩ chưa tranh hay tượng nào ghi được. Có lẽ phải tìm sang bên thi ca mới thấy..."
"Thi ca nào"" có người như buột miệng hỏi:

"Cung Oán của Ôn Như Hầu..." ông Hùng ôn tồn trả lời.

Và ông đọc:

Sênh ca mấy khúc vang lừng

Tấm thân Tây tử lên chừng điện Tô

Tôi giật mình. Mãi về sau tôi mới tìm lại được bình tĩnh để phân tích cảm nghĩ của mình, còn ngay lúc ấytôi như rơi vào cơn địa chấn tạo ra bởi hai câu thơ Ôn Như Hầu và những lời bình của ông Hùng về tấm ảnh. Quả thật chuyện chăn gối vợ chồng hóa ra có thể tuyệt vời. Tôi bất ngờ hiểu được cái lâng lâng của người nữ đang bồng bềnh trổi lên đến chín tầng mây của hoan lạc mà bản thân tôi chưa bao giờ thật sự trải qua.
Thời trung học tôi thuộc lòng Cung Oán, nhưng chỉ hiểu đại khái đủ để đi thi, là cung nữ được chúa yêu thì hạnh phúc lắm. Lúc ấy tôi hoàn toàn không bắt được khúc hoan ca sôi động như thủy triều khi dục tình nam nữ nhờ đúng bối cảnh mà lên đến thiên đỉnh... Tôi thú nhận về sau có chồng, hoan lạc có xảyra đôi lần trong tuần trăng mật với Công trên Đà Lạt. Nhưng bấy giờ cũng như bây giờ nhớ lại, những giây phút ấy không là gì cả so với cảnh trời long đất lở mà thơ Cung Oán và lời ông Hùng bình tấm ảnh cho tôi thoáng thấy. Rồi sau tuần trăng mật về lại Sài Gòn, sự gần gũi vợ chồng tức thì trở thành một sinh hoạt nội trợ thường nhật, tuy không khốn khổ nhưng cũng không có gì đặc biệt. Công như cho thế là đã đầy đủ, còn tôi vì e thẹn không tỏ ý kiến hay thái độ gì. Tôi chỉ thỉnh thoảng âm thầm thắc mắc tại sao cuộc sống lại phải như vậy, nhưng không tìm lỗi tại ai mà chuyện luyến ái chăn gối thoái hóa đến chỗ tầm thường như việc nấu cơm rửa bát...

Ngoài phòng khách, ông Hùng kết luận về tấm ảnh được giải nhất.

Ông nói:

"Đây đúng là hiện thân của tình vợ chồng hoàn toàn thành công."

Có người chơi chữ:

"Thế còn những tấm ảnh hiện thân của tình vợ chồng hoàn toàn thất bại""

Tôi khó chịu vì sự cắt ngang, hy vọng ông Hùng sẽ bỏ qua cho xong chuyện và không thèm cho kẻ vô duyên một câu trả lời nghiêm túc. Nhưng không, thấp giọng xuống một cung, ông chậm rãi:

"Tôi không nghĩ những cặp vợ chồng bất hòa thích chụp ảnh cho nhau. Nhưng nếu có chụp thì vẫn định luật cũ áp dụng, áp dụng theo âm bản."


Rồi ông nói tiếp, như thú nhận:

"Thật ra tôi cũng có thấy những tấm ảnh như vậy. Chưa bao giờ giá lạnh có thể đạt đến được mức ấynhư nơi người nữ khi tình yêu đã chết... Đó là những chân dung đàn bà thờ ơ đến chán chường, hay mất kiên nhẫn đến cau có, hay u uẩn đến lạnh xươngsống. Ấy là chưa kể đến nét miệt thị khinh khi, khi cái oai, cái nam tính, cái khả năng kiếm sống cho gia đình của người chồng đã thành chuyện quá khứ... Chỉ người chồng cầm máy ảnh lúc ấy mới phát hiện được những nét tiêu cực đến thế trên mặt người đàn bà."

Tôi thoáng buồn vì ý nghĩ cuộc sống có thể xấu xí đến thế. Có lẽ ngoài phòng khách có người cũng cảm thấy như tôi nên đổi đề tài:

"Bữa nào anh Hùng cho xem những tấm ảnh mới chụp năm nay của anh đi. Từ khi sang Mỹ, em chưa được xem ảnh mới của anh, chỉ có mấy bức trúng giải trước 75 mà người ta cứ in đi in lại..."

Giọng người nói nghe khoảng trung niên, lễ phép lịch sự, phản ánh sự thán phục lâu ngày dành cho nhà nhiếp ảnh nổi tiếng. Ông Hùng trả lời:

7-content8-content

"Năm nay, tôi không có ảnh mới..."

Khách vớt vát:

"Vậy thì ảnh năm ngoái vậy."

Ông Hùng trả lời tiếp:

"Năm ngoái cũng không có... Tôi không chụp gần ba năm nay rồi..."

Khách ngậm ngùi:

"Tại sao" Anh không chụp ảnh nữa thì uổng lắm..."

Ông Hùng không nói gì, nhưng khách nài nỉ:

"Tại sao hở anh" Anh có biết quần chúng ngưỡng mộ anh đến thế nào không" Anh tha lỗi sự đường đột, cho em thú nhận một chuyện. Thế hệ đàn em như em mê ảnh anh chụp lắm. Bản thân em hồi còn sinh viên tất nhiên là không có tiền mua nguyên bản, đã nhịn xi-nê cả tháng để mua cuốn catalogue chụp lại tác phẩm của anh.

"Mà không cứ thế hệ em, con gái em nó cũng mê ảnh anh chụp. Út Lan ấy, tấm Nắng Chiều Trên Bãi Sa Huỳnh chiếm một chỗ trang trọng trong phòng riêng của nó... Anh ơi, anh sáng tác nữa đi anh."

Ông Hùng miễn cưỡng nói:

"Cảm ơn cậu. Nhưng mà chuyện này dài dòng lắm..."

Rồi như thấy câu trả lời quá ngắn gọn phụ lòng kẻ tri âm, ông Hùng nhân nhượng:

"Thôi được, sự việc nó là như thế này. Cụ thể nhấtlà sang đây, ảnh tôi không bán được. Đồng hương chưa có phương tiện mua, những tấm in lại đại khái trong một tờ tuần báo cũng tạm đủ. Còn người Mỹ địa phương sung túc nhưng không đồng văn nên không thiết tha với cách nhìn cảnh vật của tôi. Tấm ảnh treo trong phòng cháu, người chủ trương in lại không trả cho tôi một xu tác quyền, không phải vì tham, mà vì chính anh ta lỗ vốn trong thương vụ này...

"Cháu Lan là trường hợp hiếm có. Có lẽ cháu bị ảnh hưởng của cậu. Cậu quý tôi, và cái quý của cậu lây sang cháu... Mà có lẽ cậu quý bãi Sa Huỳnh, và đã tả bãi Sa Huỳnh cho cháu, nên cháu nhập tâm, và Nắng Chiều Trên Bãi Sa Huỳnh tìm được đồng vọng...

"Cậu có thể hỏi vặn tôi, là thiếu gì bãi biển khác, thiếu gì nơi thiên nhiên đẹp như mơ như mộng ở MỹQuốc này, sao tôi không chụp" Đúng, chỉ riêng bang Cali, thắng cảnh đếm không hết. Chỉ từ đây lên San Francisco thôi, ta có nào Laguna, nào Big Sur, nào Carmel, nào Monterey.

"Hồi mới sang tôi có chụp những cảnh đó, nhưng bán không được... Mới đầu tôi than thân trách phận, cho là người ta kỳ thị. Nhưng bây giờ nghĩ lại, Mỹ nó không mua cũng phải. Cậu biết không, bãi biển nào tôi chụp, xem ra lại cũng giống như bãi Sa Huỳnh của thời tôi được huy chương vàng. Thậm chí sa mạc tôi chụp cũng giống Bãi Sa Huỳnh nữa. Ngắm Big Sur, ngắm Laguna, Mỹ mong đợi cái Big Sur cái Laguna của nó, và nó không mong thấy bãi Sa Huỳnh của tôi trong một khung cảnh hoàn toàn lạc điệu..."

Tiếng mấy bà chạo chuyện trong bếp vọng ra làm tôi bực mình. Họ ồn quá, và tôi không nghe được hết lời phát biểu của ông Hùng. Tôi càu nhàu trong đầu, tại sao phụ nữ đồng hương tại hải ngoại lại cứ phải quanh quẩn trong thế giới của thị phi hay chuổi cùn rếrách" Ở đây chỉ có Mai Liên là hợp với tôi. Tôi quay sang bạn:

"Ông nhiếp ảnh gia ngoài kia thật là có tâm hồn, Mai Liên nhỉ. Mà có tài và nhũn nhặn nữa. Nhưng nếu mình không lầm thì những nghệ sĩ thành công nhất bao giờ cũng nghiêm khắc với bản thân."

Mai Liên không bắt chuyện, vỏn vẹn nói:

"Gọt xoài đi bà, cứ ngồi đấy mà nói vớ vẩn."

Câu trả lời sẵng giọng làm tôi lại phải ngẩng lên nhìn bạn. Mặt Mai Liên đanh lại, có thể gọi là dữ dằn. Tôi nghĩ cô nàng lại nhớ đến chuyện bực mình sáng ngày ở sở, và tôi tức cười. Mai Liên không biết là Mai Liên đẹp bao nhiêu nếu đừng nhăn nhó. Mà nhăn nhó vì chuyện không đâu. Tôi tinh nghịch nghĩ giá có sẵn máy ảnh tôi sẽ chụp Mai Liên nhiều tấm, bây giờ cũng như sáng nay, rồi đưa cho ông Hùng coi, bắt ôngđoán ai là người bấm máy. Ông sẽ lầm tác giả xấp ảnh là một người chồng bất hạnh, mà sự kiến diện với vợ chỉ tạo ra đủ mọi nét xấu trên dung nhan bình thường xinh đẹp của vợ... Nào thờ ơ đến chán chường, nào mất kiên nhẫn đến cau có, nào u uẩn đến lạnhxương sống... Ấy là chưa kể đến nét miệt thị khinh khi... Ông Hùng ơi, ông sai rồi. Cô bé này trong lúc bực mình, dung nhan có thể có tất cả những cái xấu ông kể, nhưng thật ra vẫn là một người đàn bà đẹp, tốt, và nhất là đầy đủ hạnh phúc gia đình. Tôi chưa được gặp, nhưng ở sở họ đồn chồng Mai Liên tài hoa và bảnh trai lắm...

Nhưng mặc Mai Liên, chướng tính như vậy thì phải chịu lấy một mình thôi. Ngày mai, sau một đêm ngủ ngon, Mai Liên sẽ xinh đẹp như bình thường. Mọi việc sẽ qua đi, kể cả chuyện Mai Liên sẽ bị xếp rầy nhẹ vì chuyện sáng ngày. Còn lúc này tốt nhất là tôi cứ mặc Mai Liên với nỗi bực mình vô lý của cô nàng. Tôi phải nghe cho hết câu chuyện nghệ thuật của người nghệ sĩ tài hoa.

Ông Hùng không còn nói về sự cách ly với môi trường bẩm sinh, và đang đề cập tới những thử thách khác của đời nghệ sĩ. Theo ông, hãi hùng nhất là khi lực bất tòng tâm... Khi ấy nhìn vào sự vật, nhìn vào đối tượng, người nghệ sĩ tuy khám phá được một cái nhìn mới, cơ sở cho một nghệ thuật mới để đạt tới những chân trời mới của mỹ học, nhưng anh ta đã mất tự tin. Anh ta cứ bị ám ảnh rằng dù có cố gắng đến đâu cũng không thực hiện được những tác phẩm anh ta đã thấy rất rõ ràng trong tim trong óc, thấy rõ từng đường nét cho đến cả chữ ký của mình ở dưới tác phẩm... Thấy vậy mà tác phẩm vẫn ngoài tầm tay.

Ông nói:

"Bây giờ, tất nhiên là tôi có thể tạo lại dễ dàng những tác phẩm cùng trình độ mỹ học như "Nắng Chiều Trên Bãi Sa Huỳnh." Nhưng làm vậy thì tôi không phải là tôi nữa, mà là cái tôi của thời gian chụp tấm ảnh đó. Tất nhiên là đề tài có thể chọn khác đi để sự giống nhau không lộ liễu, nhưng cái tôi của tác phẩm sẽ dứt khoát không phải là cái tôi bây giờ. Người thưởng lãm tinh ý sẽ thấy ngay sự giả mạo, là tôi sáng tác với cái tôi không còn là tôi...

"Còn nữa, nếu tôi lì lợm mà cứ bằng lòng với cái tôi hồi ấy, thì hệ luận thê thảm là cả cuộc sống mấy chục năm nay từ ngày "Bãi Sa Huỳnh...” cho đến bây giờ kể như là chưa bao giờ xảy ra. Và tôi đã không sống suốt bấy lâu, đi qua cuộc đời như một thây ma biết đi..." Tôi thấy lý thú quá. Mai Liên dù khó tính đến đâu cũng phải thấm những ý nghĩ độc đáo thâm trầm của ông Hùng. Tôi ngẩng lên quan sát thái độ của bạn, trong khi cái giọng đàn ông trầm và ấm từ ngoài phòng khách vọng vào như rót vào tai tôi:

"Sự thật là nếu có về lại bãi Sa Huỳnh bây giờ, tôi sẽ thấy một bãi Sa Huỳnh khác, một bãi Sa Huỳnh đã theo sự trưởng thành cảm quan cũng như nội tâm của tôi mà bội phần đẹp hơn... Nhưng bãi Sa Huỳnh ấy, tôi chưa tìm được một ống kính, một mắt lọc, một thứ giấy in, một loại phim đúng hạt, một góc cạnh, hay trung thực hơn, một nghệ thuật đủ cao độ để chụp..."

"Thối như c.," Mai Liên bất ngờ lẫm nhẩm. Tôi giật mình, rồi bực mình với bạn. Mặt Liên bây giờ rất khó thương, xấu xí và lạnh như lưỡi dao sắc đang cắt sâu vào quả xoài. Mai Liên quá đáng, cãi nhau với thân chủ đã là bậy, chuyện đã qua rồi mà còn để tâm và hung hãn như vậy thì còn con nít nữa.

Lại vô phép."Thối như c.", tôi không ngờ một người đàn bà ăn học lịch sự như Mai Liên lại ăn nói thô tục và rẻ tiền như vậy. Nhất định ngày mai khi ăn trưa, tôi phải chỉnh con bé mới được. Tôi quay lại nghe đám đàn ông trầm trồ tán thưởng câu chuyện sâu sắc của ông Hùng. Qua những lời họ bàn, tôi nghĩ họ cũng như tôi không tin là ông Hùng thực sự tự phê bình như vậy, mà chỉ nhũn nhặn giả thử rằng mình thất bại để khai triển những cảm nghĩ sâu sắc về đời sống, về đề tài lớn là cái đau của người nghệ sĩ di tản trăn trở với đời sống không hội nhập.

Vậy mà tôi nghe thấm thía cái đau ông nói. Tôi nhớ đến thằng Thành, con trai đầu của tôi. Hồi 75 khi chúng tôi sang đây, nó mới 9 tuổi. Nó là đứa con ngoan, học hành chăm chỉ, vâng lời bố mẹ. Nuôi nó chỉ có một vấn đề. Là nó thờ ơ với mọi chuyện. Nó học chăm, học giỏi, được phần thưởng mỗi năm, nhưng tất cả chẳng qua là để vui lòng cha mẹ. Bản thân nó, nó chẳng quan tâm đến những thành tích học đường. Chỉ có nhạc là nó thích. Có lúc tôi hối hận là sinh nhật thứ sáu của con, tôi đã cho nó cây vĩ cầm và đã ghi tên cho nó học đàn...

Tôi nhớ có hôm đang đi chơi với bố mẹ bên bờ suối Trị An, nó bỗng thẫn thờ như người mất hồn. Chồng tôi hỏi, nó bảo nó đang nghe nhạc. Công ngạc nhiên:

"Nhạc gì, làm gì có nhạc hả con""

Nó nói:

"Nhạc mấy con ve sầu, nhạc suối, nhạc gió, nhạc con chuồn chuồn bay không có tiếng động trên mặt nước... Con thích nhất là nhạc của mấy bông hoa tim tím trôi dưới suối kia kìa... Hoa ấy là hoa gì hả bố""
Tôi biết con tôi bấy giờ chưa biết gì về nhạc lý, lại quá bé ðể biết nói những câu cầu kỳ phức tạp hay làm dáng. Chẳng qua là nó vụng về khi phát ngôn. Nhưng tôi nghĩ chính lúc ấy nó đã bắt được một mặc khải gì lớn lắm...

Bất ngờ Công trả lời cộc lốc:

"Bèo lộc bình đấy mà, thứ này băm ra cho lợn ăn tốt lắm."

Trong mắt chồng, tôi thấy nỗi bất an. Anh bao giờ cũng để lộ một nỗi bất an khó hiểu khi nghe ai nói về những cái đẹp nhân văn hay nghệ thuật mà anh không liên hệ được.

Về lại Sài gòn, những cơn thẫn thờ của con tôi thường xuyên hơn. Cả những khi không có suối, không có gió, không có ve sầu, mà ngay giữa bữa ăn gia đình, có lúc nó cũng thẫn thờ như đang lắng nghe một bản nhạc mà cả nhà không ai nghe thấy... Công lo, anh rủ nó chơi tennis, hy vọng thể thao sẽ đánh lạc hướng sự ham mê nhạc nơi con. Nhưng Công thất bại.

Sang đây, Công muốn hướng nó vào khoa học, nhất là y khoa, nhưng nó cương quyết chống lại. Công dọa sẽ cắt trợ cấp. Thành cũng bướng như bố, nhất định học nhạc bằng cách vay tiền học bổng của chính phủ và bán Hamburger. Ba tháng sau, Công nhượng bộ. Nhưng chồng tôi trợ cấp con với điều kiện. Là Thành phải thành công.

Cái điều kiện bố đặt cho con thực chất không có gì ràng buộc, nhưng nó tạo cho thằng Thành một gánh nặng tâm lý. Công không bao giờ nghĩ rằng chính cái gánh nặng này đã nghiền nát đứa con trai độc nhất của chúng tôi. Biết bao lần, Thành về tỉnh nhà, lén lên sở vào giờ ăn trưa tâm sự với mẹ, ban đầu về cái mất tự tin tạm thời, về sau về cái mất tự tin mãn tính của nó. Và tôi đau chung với con cái đau của con.

Cái đau ấy bây giờ vẫn gậm nhấm tôi, mỗi khi tôi nghĩ đến sự thất bại cuối cùng của nó... Có lúc tôi mong được như chồng tôi, yên ổn với niềm tin là bất hạnh của con hoàn toàn do những lỗi lầm của nó. Công không nói ra, nhưng tôi biết anh nghĩ gì. Cá không ăn muối cá ươn, không có tài mà có tham vọng, câu chuyện chỉ giản dị như vậy. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, nhưng chuyện thằng Thành là vết thương lớn không bao giờ lành hẳn giữa hai vợ chồng tôi.

Ngoài phòng khách, người bạn trẻ mộ điệu lại hỏi ông Hùng :

"Sao anh không lấy chị làm người mẫu mà sáng tác. Về người phụ nữ Việt Nam, nhất là về một phụ nữ đặc biệt như chị, nghệ thuật nào khai thác cho hết""

Đề tài đột ngột, cả đến Mai Liên cũng phải chú ý lắng nghe. Tôi không thấy ông Hùng trả lời, chỉ có tiếng lon bia từ mặt kính bàn được nhấc lên. Lát sau, tôi lại nghe tiếng lon bia được đặt xuống lại. Rồi ông Hùng nói như cho có nói:

"Kể như chuyện họa sĩ vẽ vợ, phải không""

Ông Hùng né câu hỏi. Tôi không trách ông, đời tư của mình không phải là chuyện dễ nói. Nhưng người đối thoại với ông không chịu bỏ cuộc:

"Em nói thật đấy. Em phục tài anh, và chị là người đàn bà đặc biệt đứng sau sự thành công của anh. Em nghĩ ảnh anh chụp chị chắc sẽ thành những kiệt tác.Áp dụng những điều anh vừa giảng cho em về chân dung đàn bà, em tưởng tượng những nét anh bắt được nơi chị chắc phải kỳ diệu vô vàn..."

Ông Hùng cười lớn, cái cười không hẳn vui vẻ nhưng lịch duyệt, của người biết cách duyên dáng khi cần phải tránh chuyện riêng tư.

Nhưng bất ngờ ông đổi ý. Ông bắt đầu, chậm rãi, như nửa đùa nửa thật:

"Cậu chắc không nào" Cậu nghĩ chị phục tài anh như vậy sao" Cậu không sợ chuyện bụt chùa nhà không thiêng à""

Không đợi người đàn ông trẻ trả lời, ông Hùng nói tiếp:

"Nguy hiểm nhất là cậu có thể sẽ thất vọng, vì những nét tâm lý anh bắt được có thể lại là... xem nào... những nét tiêu cực của một tấm ảnh chồng chụp vợ khi liên hệ phu thê thất bại... Biết đâu cậu sẽ
thấy..."

Ông Hùng chưa hết câu thì mọi người đã cười tán thưởng. Mà tán thưởng là phải, tôi nghĩ. Những người nổi danh nơi cố quốc sang đây, mấy ai có thể hồn nhiên và dễ thương như vậy khi ưu thế cũ không còn. Chỉ có người thành công tự tại mới dám bông đùa về bản thân như vậy.

Chính lúc ấy, tôi khám phá ra một điều quan trọng. Là nghệ nhân như ông Hùng quả là làm cuộc sống đẹp hơn. Cũng chuyện chăn gối, không có ông sao mà nhày nhụa. Có lẽ với đa số đàn ông như vị khách mang món dê sào lăn tới góp cỗ, chuyện ấy có tốt ra cũng chỉ là "ông khen ngon bà khen suớng". Hình ảnh yêu đương trở thành dung tục với cảnh ông ăn uống nhồm nhoàm hay bà ngụp lặn buông thả trong bùn hạgiới. Ông Hùng cũng như Ôn Như Hầu trả lại cho tình yêu cái thanh lịch cao sang của nó, và thấy được niềm hoan lạc của phụ nữ đẹp như áng mây hồng bay ngang điện Cô tô.

Tôi bỗng tò mò nghĩ trong đám mấy bà đang lao xao trong bếp, ai là phu nhân của người đàn ông này. Tất nhiên phải là một người đàn bà đặc biệt và may mắn. Liên hệ vợ chồng của bà chắc phải đẹp lắm.Đàn ông ít người trân trọng đàn bà, trân trọng đời sống, trân trọng tình yêu như ông Hùng. Tôi nghĩ ông hiểu được rằng tấm thân thể của người nữ chúng tôi chỉ đạt được tất cả cái nữ tính của nó nếu được gắn liền với một dung nhan rạng rỡ hạnh phúc và hoan lạc. Và tôi nghĩ ông biết cách đem lại hoan lạc ấy, rạng rỡ ấy cho dung nhan của người đàn bà ông yêu... Hình ảnh quá đẹp làm tôi xao xuyến ruột gan. Tôi bỗng tha thiết muốn làm quen với người đàn bà đã được chừng ấy ơn sủng của cuộc sống. Không đừng được, tôi ghé sát tai Mai Liên, hỏi khẽ:

"Bà Hùng là bà nào hở Mai Liên""

Mai Liên nhích xa khỏi tôi một gang tay và nhìn tôi ngơ ngác. Tôi không hiểu phản ứng của bạn. Tôi lập lại câu hỏi:

"Ông Hùng là chồng của ai vậy hả Mai Liên""

Mặt Mai Liên bây giờ là bức tượng ác phụ, xấu và cứng đến nỗi tôi phải quay đi. Vừa lúc ấy, tiếng ông Hùng từ phòng khách vang lại, lời ông vô tình mà như đang tả cái dung nhan khó thương tôi đang chứng kiến:

"Đúng, biết đâu cậu sẽ thất vọng. Biết đâu cậu sẽ thấy nét chịu đựng, nét chán chường, nét cay đắng, thậm chí cả nét miệt thị khinh khi..."

Mai Liên kêu lên thất thanh làm tôi giật mình. Tiếng kêu tuy có kìm hãm nhưng rõ ràng biểu lộ đau đớn. Miếng xoài mới cắt lăn lóc trên mặt bàn, mặt xoài vàng mịn như lụa hoen đỏ vệt máu tươi. Mai Liên ôm ngón tay vừa đứt lên miệng mút. Mặt người đàn bà không còn khó thương nữa, mà trở thành chân dung của đớn đau. Không, đúng ra dung nhan của Mai Liên là hiện thân của nỗi niềm khốn khổ đã cất giấu từ lâu giờ đây mới hiện nguyên hình. Toàn thân run rẩy, đôi mắt hốt hoảng nhìn tôi qua làn nước mắt, Mai Liên vừa chậm rãi lắc đầu... Cô lý nhí nói, "Không, không phải chồng em..."

Biến cố nhỏ trong kíp gọt xoài của tôi làm mọi người quay lại. Lần đầu tiên tôi thấy mặt ông Hùng. Một vừng trán rộng, một cặp lông mày lưỡi mác, và đôi mắt... Chao ôi, đôi mắt nghệ sĩ, hiền lành mà thông minh, sắc sảo mà đằm thắm, vừa phản chiếu lại những cảnh đẹp vô vàn từ ngoại giới mà ông đã thấy, vừa mở cửa phô bày thế giới nội tâm của một tâm hồn
nhậy cảm đã từng đau những cái đau lớn, cũng như đã từng hưởng những niềm hoan lạc bao la.

Ông Hùng đứng lên, cao lớn thanh lịch như ônghoàng của truyện cổ tích. Ông bước những bước dàilại phía chúng tôi. Ông tới sát bên Mai Liên. Một tay đỡ cánh tay có ngón vừa đứt, ông đặt nhẹ bàn tay kia lên lưng Mai Liên, âu yếm nói:

"Miêng, Miêng ơi... Đau không em..."

Mai Liên cho đến bây giờ thẫn thờ như người mộng du, giãy nảy như bị điện giật khi bàn tay ông Hùng chạm tới. Xô ông sang bên, Mai Liên hét lớn:

"Có buông người ta ra không."

Rồi toàn thân nàng co giựt trong cơn kinh phong cấp tính. Mọi người xúm lại giúp tôi chuyển Mai Liên lên sofa bên phòng khách, trong khi chủ nhà lanh lẹn mang hộp đồ nghề ra bắt mạch rồi chích thuốc cho bệnh nhân. Mấy giây sau, Mai Liên thôi giựt, nằm thiêm thiếp như người ngủ.

Tôi lấy chiếc mền mỏng đắp cho Mai Liên. Quay lại tôi thấy ông Hùng mà suýt nữa không nhận ra ông.Ông đứng thẫn thờ, vô dụng, hai tay thừa thãi buôngxuôi bên hông. Ông như thấp đi, lùn đi so với lúc ông vừa đứng dậy. Vừng trán ông bây giờ đầy vết nhăn, và tôi không ngờ trán đàn ông lại có thể nặng nề u uẩnđến thế. Đôi mắt ông không điều tiết và đầy phiền não, niềm vui và sự sống như đi vắng đã lâu...
Tôi tự giới thiệu và đưa tay ra cho ông bắt:

"Tôi là bạn cùng sở với Mai Liên."

Như nhờ thói quen lâu đời, ông lịch thiệp nắm tay tôi. Bàn tay ông dài và những ngón tay ông ám vàngnhựa thuốc. Ông vụng về nói:

"Miêng có kể... Tôi muốn nói Mai Liên có kể bà từ Hawaii mới đổi qua. Mai Liên cũng kể là bà quý em lắm."

Lát sau xe hồng thập tự tới, và nhân viên cứu thương mang băng ca vào chở Mai Liên đi. Trước khi theo vợ lên xe, ông Hùng từ giã tôi:

"Bà yên chí, nhà tôi sẽ bình phục... Chứng kinh phong là vậy, hễ có gì bực mình là bệnh dễ phát hiện... May là đau như thập tử nhất sinh đấy, rồi lại bình thường đấy..."

Xe hồng thập tự đã khuất dạng, các bà bắt đầu chạo chuyện. Một bà nói:

"Tội nghiệp Mai Liên, nó làm gì có máu kinh phong. Chẳng qua uất quá mà thành bệnh."

Bà khác kết án ông Hùng rành mạch hơn:

"Mai Liên nó khổ vì chồng. Sang từ 75 mà không trụ một việc gì. Lúc nào cũng mơ tưởng hão huyền. Lúc nào cũng phim với ảnh. Lại thuốc sái."

Tôi giật mình :

"Xì-ke""

"Không, thuốc lá ba con năm. Nhưng ngày ba bao, hại kém gì xì-ke""

"Ông Hùng bây giờ làm gì""

"Tôi cũng không biết rõ. Việc nghệ thuật, việc cộng đồng thì nhiều, nhưng việc có lương có tiền ổn định thì không... Tháng trước thấy quảng cáo nhận chụp ảnh đám cưới, không biết bây giờ còn chụp nữakhông. Ông này chẳng có việc gì là bền..."

Rồi chặc lưỡi bà ta nói tiếp:

"Đã không giúp ích được gì, lại khó tính... Liên nó bảo, có khi ổng cả tuần lủi vào phòng riêng, ủ rũ như con gà cúm, cậy răng cũng không nói một tiếng với vợ..."

"""

"Bà mới dọn về đây nên không biết. Hôm nay ba hoa như vậy là rượu nói đấy..."

Bữa tiệc liên hoan chậm mất gần một tiếng vì cơn bệnh cấp kỳ của Mai Liên. Khi ngồi vào bàn, mọi người đều đói, và người ta không còn bàn về vợ chồng ông Hùng nữa. Rượu ngon, đồ ăn ngon, câu chuyện bàn ăn nở như pháo rang. Chồng tôi ngồi bên tôi vui vẻ ăn uống như thường lệ.

Nhưng tôi ăn cho lấy lệ, miếng cơm nghe bã trong miệng như rơm như rạ. Tôi nghĩ đến bệnh tình của Mai Liên. Chứng kinh phong chắc có thật, nhưng sự khinh rẻ ruồng rẫy chồng lúc trước cơn kinh phong cũng thật không kém.

Tôi nhớ lại gương mặt của ông Hùng sau khi bị Mai Liên hắt hủi. Và tôi chợt nhớ trong câu chuyện nghe trộm tối nay từ đám đàn ông về dung nhan và liên hệ vợ chồng, không ai nói lên cái ảnh hưởng của sự dằn vặt đay nghiến thậm chí khinh khi của người đàn bà trên người đàn ông. Chắc không ai tưởng tượng nổi một người đàn bà như Mai Liên có thể tạo nên chừng ấy tàn phá trên mặt người đàn ông tốt và tài hoa này. Cái u uẩn của vừng trán ấy, cái thê lương chết chóc của đôi mắt ấy, không phải một ngày mà có, mà Miêng của ông phải năm này qua năm khác nỗ lực mới tạo ra nổi...

Tôi nghĩ đến sự độc ác của hắt hủi, nhất là khi hắt hủi tới từ người thân yêu. Chồng tôi đã hắt hủi thằng Thành, không phải bằng những lời lẽ nặng nề, mà bằng thái độ, yên lặng khẳng định rằng con tôi mặc dầu đam mê mặc dầu thiết tha với âm nhạc, chỉ là một nhạc sĩ tầm thường. Và dưới mắt Công từ lâu, sự tầm thường ấy vẫn là một sự thật chắc như đinh đóng cột.

Chỉ có Công và sở cảnh sát và hãng bảo hiểm là tin rằng cái chết của con tôi một đêm về sáng trên xa lộ New Jersey Turnpike là do tai nạn xe cộ thuần túy. Họ không biết tâm trạng con tôi, họ không thấy sắc diện nó ba tháng trước khi chết, khi nó chấp nhận là tài vĩ cầm của nó chỉ đủ kiếm cho nó một chức nhạc công hạng trung trong một dàn hòa tấu hạng trung tạimột đô thị hạng trung bên miền Đông. Nó chấp nhận bản án ấy ba năm sau lễ tốt nghiệp trường nhạc và một thứ bảy sau buổi tâm sự với bố trong một tiệm nước ngoài Laguna.

Bữa ăn đã dọn đến món tráng miệng. Tôi nhìn đĩa xoài đã gọt với Mai Liên, tất nhiên là thiếu miếng xoài dính máu đứt tay của bạn. Những miếng xoài trông bình thường và ngon lành, không còn dấu vết gì những tư lự của tôi khi tôi gọt chúng. Cũng không còn dấu vết gì của sự bực bội của Mai Liên khi nghe lỏm câu chuyện chồng kể với đám bạn đàn ông, sự bực bội mỗi lúc một tăng để sau cùng nổ tung thành cơn kinh phong cấp tính.

Tôi xót xa nghĩ, những câu chuyện duyên dáng và thâm trầm của ông Hùng đã chinh phục cô sinh viên năm nào trong một buổi triển lãm trưng bầy tác phẩm của huy chương vàng quốc gia, bây giờ vì thiếu khả năng gây lợi nhuận thực tế mà cũng vì bị nghe quá nhiều trong cảnh mòn mỏi vợ chồng, thâm trầm ấy duyên dáng ấy chỉ còn được đón nhận bằng chán chường và thậm chí khinh khi...

Tôi nhìn quanh đám thực khách. Mọi người, kể cả chồng tôi, hoàn toàn bình thường, ăn uống nói cười vui vẻ. Bệnh nhân đã được chở đi khuất mắt, xe hồng thập tự với đèn nháy với còi hụ chỉ còn là chuyện đã qua, miếng xoài dính máu đã nằm yên nơi đáy sọt rác...

Tôi cảm như lạc vào một thế giới khác, thế giới của những người bình thường, những người mà hệ thống cảm quan không bén nhậy đã che chở cho khỏi thương tổn vì những chuyện họ cho là phù phiếm. Thế giới này, con tôi và ông Hùng và một phần nào cả chính tôi nữa không có hộ chiếu để vào, nói chi đến hộ khẩu vững chắc để ở lại thoải mái...

Từ chối lát xoài bà chủ nhà tiếp cho, tôi ăn miếngbánh ngọt. Đậu xanh nhân bánh nghẹn nơi ngực làm tôi nhớ lại cảm giác nằng nặng khi tôi ôm đầu con tôi vào lòng trong nhà đòn một thị trấn nhỏ bên xa lộ New Jersey Turnpike, sau một chuyến bay ròng rã từ Hawaii về. Tôi nhớ đến khuôn mặt thông minh của con, cái thanh thoát thường lệ của nó mà sự phê bình không thành lời của Công có thể xóa đi dễ dàng để thay thế bằng ưu tư dằn vặt. Tôi tự an ủi là vẻ thanh thoát cuối cùng thấy hôm ở nhà đòn sẽ vĩnh viễn là của con tôi, và không phụ bạc nào, dù phụ bạc của tình phụ tử có thể cướp đi được.

Tôi liên tưởng đến vẻ thanh thoát của ông Hùng trước khi Mai Liên lên cơn kinh phong. Có lẽ bây giờ ông đang ngồi bên Mai Liên trong bệnh viện. Có lẽ ông đang cầm tay Mai Liên, Miêng của ông. Có lẽ ông đang vuốt ve vai vợ. Tôi cầu mong Mai Liên còn thiếp đi trong cơn mê hậu kinh phong sẽ không hắt hủi đẩy tay ông ra.

Tôi nghĩ đến ông với ba bao thuốc lá một ngày, với những chai bia uống để quên sầu muộn... và tôi tự hỏi bao giờ ông sẽ khám phá ra một cách tự hủy hữu hiệu hơn, như cách của con trai tôi.

Lòng se thắt, tôi nghe ngực tôi nằng nặng như đầu con tôi vẫn còn đè nơi ấy. Không, đúng ra ngực tôi không nặng, mà thao thức như đói tình mẫu tử, như muốn ôm lại con tôi, như tôi đã ôm nó trong căn nhà đòn nơi thành phố xa lạ ấy... Nhưng tôi chưa hoàn toàn thực với tôi. Thật ra không những tôi khao khát tình mẫu tử, mà tôi còn khao khát cảm thông, khao khát chia sẻ, khao khát được ban phát yêu thương... Tôi lại nghĩ đến Hùng. Bất giác tôi nhìn trộm chồng tôi, người chồng tôi đã chung thủy suốt đời. Công vừa nhấp xong ngụm cà phê Ban Mê Thuột mà chủ nhà đã cầu kỳ gửi mua từ quốc nội. Anh cười nói vui vẻ với vị thực khách đối
diện.

Anh vẫn bình thường trong thế giới bình thường của anh... Còn tôi, tôi cảm thấy vô cùng cô đơn, và thâm sâu nơi đáy lòng, tôi nghe xót xa lẫn với ngậm ngùi. Và êm đềm lẫn với sợ hãi, tôi đón nhận sự bất lực của tôi với ý niệm tội lỗi...


MAI KIM NGỌC
16 August 1996



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.