Hôm nay,  

Miêu Hoặc Luận

09/02/201100:00:00(Xem: 9583)
1

Miêu hoặc luận: Mèo ta


Mèo chủ hôn cho đám cưới chuột
Chuột vợ nuôi chồng đi thi
Chuột chồng đậu trạng nguyên
vinh qui bái tổ
Mèo tử tế quá, coi hình bên
tranh mộc bản dân gian làm chứng
Vậy mà mèo lãnh đủ tiếng ác
Vì đâu đâu nên nỗi"


Miêu hoặc luận: Mèo tây

Trong các truyện cổ tích của Âu Châu, nổi tiếng nhất có truyện "Con Mèo Đi Ủng" - Le Chat Botté - của Charles Perrault. Hình bên dưới là bìa sách của Đức, đã thành nhạc kịch, thành phim hình, dịch ra đủ các ngôn ngữ.

2Trong các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, duy có Việt Nam lại chọn tướng tinh năm Mão là con Mèo. Tại Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, con giáp của năm Mão là con Thỏ. Đi vào các tiệm ăn Tầu loại rẻ tiền, nhìn tờ giấy lót đĩa có in 12 con giáp thì ta có thấy điếu ấy!

Vì sao như vậy"

Theo truyền thuyết - là lời đồn hoặc... bình luận thiếu cơ sở - của Trung Quốc, ngày xưa đã có một cuộc chạy thi giữa các con vật. Con chuột láu cá mới lừa con mèo ngái ngủ bằng cách nói lùi ngày đua vào hôm sau, khiến con mèo thoải mái ở nhà và không có mặt. Phần mình, đến ngày ra sức, con chuột dưỡng sức trên lưng con bò. Gần tới đích mới nhảy lên giật giải, và đứng đầu thập nhị chi là Tý, Sửu, Dần, v.v... Ai tin thuyết đó thì ráng chịu!

Chỉ thương con mèo là khi tới dự thi thì... ăn thịt thỏ.

Nhưng, "ăn thịt thỏ" là thành ngữ của... Tây, vào thế kỷ 19, nguyên thủy hàm nghĩa là lỗi hẹn. Mà là lỗi hẹn với phụ nữ: tương đương với chữ "quất ngựa truy phong" của ta! Lại một con vật bị hàm oan! Dù sao thì con thỏ ngự trị trên các tấm lịch năm Mão của Đông Á, trừ Việt Nam là có con mèo.

Dân ta có mèo từ đó! Câu này nghe đáng nghi quá.

Nói về lịch và trò lẩm cẩm xoay quanh tấm lịch thì cần ghi thêm rằng tướng tinh năm Sửu tại Trung Quốc là... con bò. Riêng tại Việt Nam thì nó là con trâu, "thủy ngưu", chứ không phải "hoàng ngưu" - water buffalo chứ không phải con ox. Tại sao ư" Xin đón xem Việt Báo Xuân năm Tân Sửu... 2021!

Hoặc năm Mùi tại Trung Quốc hay Ấn Độ là năm con cừu, riêng có ta thì gọi là năm con dê. Vì con cừu thông dụng hơn con dê trong nền văn minh Hoa hạ hay vùng Tây vực là nơi xuất phát lịch pháp của Trung Hoa" Có thể lắm. Nhưng tại sao dân ta lại thích dê"

Thích dê" Câu hỏi này nghe cũng đáng nghi quá!

Những chuyện linh tinh như vậy cho thấy một chân lý sáng ngời: các con vật tượng trưng cho 12 con giáp chỉ có ý nghĩa rất xa so với thực tế. Chẳng phải sinh năm con rồng là có chân mạng đế vương, hoặc sinh năm con ngựa là có khi vừa đi vừa ngã, vì thành... đĩ ngựa, chạy xe Citroen "deux chevaux". Ngoài con dê xồm, lại thêm một con vật nữa bị hàm oan vì chứng tật của con người.

Bây giờ đến chuyện con mèo.

Đầu tiên là chuyện lừa đảo. Vì bị chuột lừa cho ăn thịt thỏ, con mèo từ đấy mới ghi vào sổ lương thực tên con chuột trong miếng ăn hàng ngày. Vồ chuột là nghề của mèo.

Chẳng vậy mà dân gian của ta mới có bài đồng dao, là ca dao của con nít...

Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đằng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.


Đối xử với kẻ thù như thế mới là cao điệu!

Nhưng coi chừng cũng oan cho mèo lắm. Mời đọc truyện cổ tích “Con Mèo Trèo Cây Cau” của nhà văn Doãn Quốc Sỹ có trong báo xuân năm nay, sẽ hiểu “nỗi khổ tâm” của mèo. Trăm cái khổ là do lão phú ông gây ra. Mà phú ông bắc kỳ truyện cổ này cũng chính là... con người. Vậy mà có người còn trách mèo. Oan cho nó lắm.

Bây giờ mời cùng dân nam coi nói chuyện mèo.

Thế thì vì sao bà con trong Nam của chúng ta ưa dùng chữ "mèo chuột" để nói về quan hệ tình cảm bất chính" Có nên giải thich một cách uyên bác vì mèo và chuột là hai loài không thể sống chung, cho nên "giao du thân mật" là chuyện bất chính, như trong câu thành ngữ Tầu - lại Tầu - là "miêu thử đồng miên""

Khi mèo và chuột mà sống chung và lại còn ngủ chung - đồng miên - thì có cái gì đó đáng nghi ngờ lắm. Hay là giữa nhà nước cường hào ác bá ở trên - biểu tượng là con mèo - và thần dân khiếp sợ ở dưới là con chuột, mà có sự giao du đàm phán thì đấy là triệu bất tường. Nói theo kiểu Hà Nội ngày nay, đó là một quan hệ "xin-cho" rất xấu xa.

3
"Con Mèo Đi Ủng" - Le Chat Botte1 - của Charles Perrault trên sân khấu

Xin giành câu trả lời cho các bậc thức giả. Chứ người viết chỉ để ý đến khía cạnh tình cảm trong cách nói của dân trong Nam. Hình như miền Trung miền Bắc ít nói vậy, cùng lắm thì có người Bắc di cư dè bỉu chuyện "chim chuột" khi nói về mối tình vụng trộm. Cũng lại vu cáo súc vật nữa.

Nhưng, ta đang nói chuyện mèo cơ mà"

Mà vì sao bà con ta lại dùng chữ "mèo" để nói về người tình không công khai"

Anh này hay chị kia mà "có mèo" là có mối tình chưa kịp khai báo đã lọt vào tai mắt của nhân dân. Vì khả năng giấu diếm của con mèo" Không đáng tin đâu! Khi nghe thấy mèo kêu mái ngói vào mùa... động đực thì ta biết là trong giây phút nóng bỏng như vậy chúng có khả năng... trực tiếp truyền thanh cao độ. Các nhà khoa học thì chỉ cho ta biết rằng võ khí của mèo đực có gai, với công dụng sinh lý là... gãi cho trứng rụng. Nhưng hậu quả cũng sinh lý là làm con cái đau thấu trời - tội nghiệp ông trời! Nên nó mới gào thảm thiết như vậy.

Đúng là tình yêu như trái phá!

Hay là vì cái vòng lễ giáo nghiêm khắc thời xưa mà khi âm dương trái đạo là bị xuyên tạc thành chuyện súc sinh" Không trò "chim chuột" thì tật "mèo chuột" của phường "mèo mả gà đồng", hay ngựa chứng thích làm dê cụ và giở trò con heo... Ngần ấy con vật bị lôi ra trước vành móng ngựa và vòng đám tiếu để minh diễn khả năng bê bối cao điệu của con người. Nhưng vẫn chưa giải thích được vì sao "có bồ" lại là "có mèo". Vì người tình được cưng chiều như con mèo" Ai giải trúng thì có thể được thưởng một năm báo... Xuân.

Thật ra, mối tình của dân ta với mèo lại không mấy đậm đà thắm thiết lắm đâu. Người viết không dám nói đến thịt mèo giả thịt thỏ trong món "sốt vang" - nấu với rượu đỏ. Cũng chẳng dám nhắc đến món đặc sản là năm con mèo chung nồi với con rắn, là đặc sản Trung Hoa, giả làm con rồng và ngũ hổ!

Dân ta có một truyện có hậu về súc vật, là "Lục súc Tranh công". Nhưng bói mãi cũng chẳng ra một con mèo trong đám này. Rõ là mối tình ít thắm thiết với con mèo. Hay là vì truyện ấy lấy cảm hứng từ... Tầu, qua cách gọi Hán-Việt đó" Mà nói của đáng tội, truyện cổ tích hay ngụ ngôn của ta về mèo cũng không có nhiều, quả là một con vật gần gũi và kín đáo nhất trong các loài gia súc của người mình.


Đếm đi đếm lại thì chỉ có dăm truyện. Một truyện rất dễ phạm thượng là Con Mèo Ăn Chay.

Mèo kia giả dạng bậc tu hành và tuyên bố kiêng thịt. Giống chuột thấy thế thì ngờ. Nhưng thăm dò mãi thì thấy là quả như vậy. Từ đó, bầy chuột nhởn nhơ, từ trong hang túa ra từng chùm như thơ. Mà vẫn vô sự. Sau đó khá lâu, khi kiểm điểm quân số thì lại cứ thấy thiếu mất một con: con chuột đi sau cùng trong hàng ngũ chuột. Lần đó, chuột già mới thử đi bọc hậu qua chỗ con mèo đang lim dim như một thiền sư.

4

Miêu Nhĩ (Nekomiki), cô bé có đuôi và tai mèo trong loại hình "Hạn Hoạ" (Manga) của Nhật Bản

"Choé" một tiếng mới biết là con mèo đã ngả mặn, và bầy chuột bỗng thành mồ côi lãnh tụ!

Truyện hơi chua, gần bằng cứt mãn.

Một truyện cổ tích khác về mèo và chuột mang ý nghĩa hiện đại hơn. Xin kể lại cổ tích hiện đại ấy, theo miệng lưỡi Hà Nội:

Chuột kia làm thủ kho trên Thiên đình - bộ Chính trị thời nay. Vì thủ kho to hơn thủ trưởng, nó tung hoành đến thủng nồi trôi dế. Đồng chí Ngọc hoàng Tổng bí thư mới hạ tầng công tác, cho nó tham quan thực địa và đi thực tế lao động. Nhưng đồng chí chuột này tiếp tục tung hoành, phá nát mua màng đất đai của quần chúng nhân dân lao động dưới hạ thế. Dân oan bèn nộp đơn khiếu kiện tập thể lên Thiên đình ở khu Ba Đình. Truyện cổ tích mà!

Bộ Chính trị bèn họp khẩn và vì không thể đưa một đồng chí trung ương ủy viên ra khỏi đảng nên mới thả xuống một con mèo. Chủ tịch Viện Kiểm Sát Nhân Dân đấy, chứ không nhỏ. Và dặn rằng nếu đảng viên cán bộ hạng chuột mà gây thiệt hại cho tài sản thì cứ gào lên hai chữ "nghèo! nghèo!" Chuột nghe cứ tưởng là mèo thì dân sẽ tai qua nạn khỏi! Dân nghe cứ tưởng là đảng ưu lo cho người nghèo thì... cũng tốt thôi.

Kết quả của lối diệt trừ tham nhũng kiểu đó ra sao thì ta đã biết: nghèo vẫn hoàn nghèo.

Truyện này khiến ta nhớ tới một ngụ ngôn Trung Hoa. Con chuột xã tắc. Xã tắc là nơi tối linh thiêng, nhưng cũng hơi tối. Chuột làm ổ trong đó là không ai dám làm gì vì phạm vào nơi thờ phụng. Ngụ ngôn ấy vẫn còn ý nghĩa hiện đại: tham nhũng trong đảng là cực kỳ khó trị vì đảng là lãnh đạo, xúc phạm vào đảng cũng khó như đục nền xã tắc để diệt chuột vậy. Nhưng lại lạc đề mất rồi, vì năm nay là năm Mão mà!

Ngày xưa, ta thường thấy một bức tranh dân gian vẽ cảnh "đám cưới chuột".

Tấm tranh này giờ đây đã được hiện đại hóa cho đẹp - mà tối vẫn hoàn tối. Thứ nhất, nghệ nhân ngày nay hết viết chữ Nôm chữ Hán, dù là nguệch ngoạc, nên bôi bác trên tranh mà không giúp gì cho ý nghĩa cả. Thứ hai, ý bức tranh cũng tối vì thật ra gồm có hai phần khác biệt.

Phần trên vẽ cảnh bầy chuột đem của đút - con gà và con cá - để hối lộ mèo già, theo sau còn có phường kèn. Bầy chuột nộp tiền mãi lộ cho chú mèo già" Phần dưới thật ra là cảnh vinh quy bái tổ của quan tiến sĩ chuột, chứ không hẳn là màn rước dâu. Chi bằng, xé ngang bức tranh mà bán thành hai tấm, có khi còn có ý nghĩa....

Ra khỏi trời ta nhìn qua trời tây thì mình lấy một chuyện lạ.

Giống mèo được tôn sùng trong các nền văn minh thời Thượng cổ, từ Trung Đông tới biển Địa trung hải. Trong nhiều ngôi mộ cổ, mèo cũng được ướp xác bên người chủ quý tộc. Nhưng nó lại bị Âu Châu ghét bỏ trong suốt thời Trung Cổ. Con mèo là loài hắc ám - nhất là mèo đen. Ban đêm, mắt nó hình như sáng rực: văn hóa Công giáo thời ấy cho rằng đó là ánh sáng của hỏa ngục. Người ta nói đến con mèo có chín đuôi, sống tới chín kiếp và coi nó là con vật bí hiểm, gần với quỷ hơn là người.

Khá lâu sau thời Phục Hưng vào thế kỷ 16, có lẽ do ảnh hưởng của văn hoá Trung Đông, con mèo mới hết bị thù ghét. Qua thời lãng mạn, nó được Âu Châu ca tụng, trân quý. Cho đến ngày nay.

Nhiều người chúng ta đã quên mất một nhãn hiệu thuốc lá rất thịnh hành tại Việt Nam sau Thế Chiến II, đó là thuốc Craven "A", gốc từ Canada, với nhãn hiệu là đầu con mèo đen. Mèo đen hết là con vật xui xẻo... Craven là tên một nhà quý tộc người Anh.

Nói đến quý tộc, xin đừng quên Hầu tước Carabas... nhân vật hư cấu của một con mèo đảm đang.

Trong các truyện cổ tích của Âu Châu, nổi tiếng nhất có truyện "Con Mèo Đi Ủng" - Le Chat Botté - của Charles Perrault.

Một người gia chủ có máy xay lúa và ba con trai. Khi mất, ông để lại cho con trưởng cái máy xay lúa, con thứ được con lừa, và con út chỉ có con mèo. Quan niệm coi trọng người trưởng mà khinh thường các đứa con sinh sau là một nét đáng chú ý. Cậu út chỉ ăn gia tài có một con mèo thì bật khóc vì sợ chết đói. Mèo ta lại rất ung dung: "ông chủ đừng lo, cho em một cái bị và đôi ủng bằng da là sẽ thấy."

Có dụng cụ hành hiệp rồi, con mèo đi trước, bày ra một loạt những trò phét lác và lường gạt để cuối cùng thì cậu út được gặp vua. Cậu được vua ban cho mũ mãng áo quần tương xứng với tước vị Hầu tước Carabas - một tước hiệu giả do con mèo bịa ra. Cậu nghinh giá Hoàng thượng trong lâu đài của một con yêu tinh đã bị con mèo vật chết bằng mưu vặt, rồi cậu lấy công chúa làm vợ.

Truyện "Con mèo đi ủng" xuất hiện năm 1695, được lưu truyền khắp nơi, dịch ra nhiều thứ tiềng, được dựng thành kịch, diễn thành nhạc, đóng thành phim, mặc dù có một nội dung luân lý đáng ngờ.

Luân lý câu truyện là gì" "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ" vì cậu út này không chút tài cán nào mà vẫn được làm phò mã" "Láu cá mà nên chuyện"" Vì từ đầu đến cuối chỉ là một chuỗi mưu vặt của con mèo.

"Ông vua khờ khạo"" Cũng đúng, vì chính ông là người bị lừa nặng nhất! "Công chúa ngây ngô"" Không sai vì trong cả truyện nàng chỉ thủ vai trâu gỗ ngựa đá. Không phát biểu một lời, trừ cái chớp mắt phóng qua chàng trai có vẻ phong nhã dưới bộ vó giả hiệu của một Hầu tước!

Truyện cổ tích này không nêu cho con trẻ một tấm gương phấn đấu nào cả. Hay là nó hàm ý chế nhạo các bậc vua quan quyền quý là cực kỷ ngây dại và chỉ ưa chuộng bề ngoài" Truyện khá lạ khi mà giống mèo vẫn chưa được Âu Châu coi là con vật đáng quý....

Nhưng hình như là Đông và Tây có gặp nhau ở một điểm là... ngợi ca sự láu cá. Vào đầu bài phiếm này là truyện con chuột láu cá đã lừa được con mèo, đến cuối bài thì con mèo láu cá đã lừa được cả yêu tinh và nhà vua.

Năm Mão mà nói chuyện mèo thì phải nhắc đến con mèo của Perrault. Như vậy cũng đủ. Trong mùa gạo châu củi quế và giấy báo đắt như giấy bạc thì cũng nên biết dừng. Với một câu hỏi thôi: con cá làm gì nên tội khi chẳng có mặt trong 12 con giáp mà lại bị dính vào tật... láu cá"... Mâu Thúc

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.