Hôm nay,  

Bùng Binh Saigon Trên Đất Pháp

09/02/201100:00:00(Xem: 12098)

1
Tượng Đài Thuyền Nhân

Năm 2005, Bia Tỵ Nạn của thuyền nhân Việt tại Galang-Indonesia và tại Bidong, Mã Lai bị cộng sản Việt Nam áp lực chính quyền địa phương đục bỏ. Từ thời điểm này, cộng đồng Việt hải ngoại đã liên tiếp dựng lên hàng loạt tượng đài thuyền nhân tại khắp các châu lục. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả Đoàn Thị hiện sống tại Pháp, kể về bùng binh và tượng đài thuyền nhân Việt tại Pháp.


Lang thang trên website trường trung học cũ, tôi thấy một cái tên khó có thể lẫn với những người khác, Trịnh Nghĩa, đúng là tên hàng xóm ngày trước đây rồi. Hắn nhắn tin tìm cô bạn học năm xưa, không biết "em kia" có hồi âm chăng, thư của tôi không hẹn vẫn được hắn đón nhận thân tình.

Những năm sáu mươi chúng tôi là hàng xóm chung vách trong cư xá gần Nhà thờ Ba Chuông đường Trương Minh Ký, sau đó gia đình Nghĩa dọn đi nơi khác, tình láng giềng bặt tăm từ đó.

Hơn ba mươi năm sau, tuổi đời đứa nào cũng bước qua năm mươi năm cuộc đời, muốn dừng lại, đi lùi vài thập niên cho trẻ ra cũng đành chịu. Câu đầu tiên chắc chắn không phải "tiền đâu", mà chúng tôi hăm hở hỏi thăm gia cảnh của nhau.

Sau bao thăng trầm của đất nước, không hẹn mà gặp lại nhau trên đất khách, thư qua thư lại, chúng tôi hẹn nhau ra mắt, vợ và hai con gái của Nghĩa với chồng và hai con trai của tôi, nhiều kỷ niệm xưa được ôn lại.

Bussy Saint Georges là một thành phố nhỏ có hơn hai mươi ngàn dân, đa số cư dân thuộc cộng đồng Á châu, người Việt mình cũng khá đông. Thị trưởng thành phố, ông Hugues Rondeau, luôn ủng hộ cộng đồng gốc Á hội nhập vào xã hội Pháp, đặc biệt ông rất thân thiện với người Việt.

Hôm đến nhà Nghĩa tôi được biết Nghĩa nay đã là Christophe Nguyễn, chủ tịch Hội Bussy- Saigon, và đã hết lòng hết sức vận động đồng hương làm một cái gì đó để ghi nhớ dấu vết của người Việt tha hương, những thuyền nhân Việt đầu tiên tới được vùng đất này sau biến cố 30 tháng tư 75.

2Một tượng đài thuyền nhân trong một " Bùng Binh Sàigòn " là ước mơ của Nghĩa và các bạn trong hội. Dự kiến nầy đã bắt nguồn từ vài năm nay. Chị Trần Dung Nghi và Anh Christophe Nguyễn Trịnh Nghĩa, chủ tịch Hiệp Hội Bussy - SàiGòn, đã đến trình bày cùng Ông Hugues RONDEAU, thị trưởng thành phố Bussy Saint Georges, ý định muốn thực hiện một tấm bia hay một tấm biển kỷ niệm để tỏ lòng tri ân nước Pháp đã tiếp đón thuyền nhân Việt Nam và cũng để tưởng niệm hải trình dài đầy gian khổ nầy. Kỷ vật tưởng niệm này sẽ đuợc hiến tặng cho thành phố Bussy.

Sự vận động để thực hiện dự án nầy được Ông thị trưởng lập tức tán thành. Từ đầu năm nay ý định đó được xúc tiến nhanh chóng và Anh Christophe Nguyễn đã đề nghị cùng các Hiệp Hội, thay vì thực hiện một bia tưởng niệm, nêu lên sáng kiến nhờ một hoạ sĩ và điêu khắc gia Việt Nam có tiếng tăm - Anh Vũ Đình Lâm, đã từng tham dự cuộc thi tuyển tem thư Marianne của nước Pháp vào năm 2004 (với kết quả được xếp hạng vào 10 tuyển sinh xuất sắc nhất trong 50.000 thí sinh tham dự ) và đang sinh sống tại Bussy - thực hiện một "tác phẩm nghệ thuật" vừa có giá trị tưởng niệm, vừa tô điểm mỹ thuật cho Thành phố.

Để đáp ứng, Ông thị trưởng Hugues RONDEAU có nhã ý hiến tặng Cộng Đồng VN một quảng truờng vòng tròn trong thành phố để đặt bức tượng, sẽ mang một tên trân quí đối với người Việt. Cùng nhau, mọi người đều nghĩ đến danh xưng Sàigòn và đề nghị đặt tên là Quảng truờng Sàigòn.

Cộng đồng người Việt ở Bussy Saint Georges cũng như tại nhiều nơi khác trên đất Pháp từng xuống đường, căng biểu ngữ nhiều lần: biểu tình phản đối bạo quyền áp bức tại quê hương; Đòi hỏi nhân quyền, đòi hỏi tự do cho dân tộc; Tưởng niệm ngày 30 tháng Tư. Nhưng thực hiện hẳn một công trình gì đó thì chưa.

Sau nhiều trăn trở, từ ước mơ đến hiện thực có khi phải mất vài thập niên. Dự án tượng đài Bùng Binh Sàigòn hôm nay đã biến giấc mơ ủ mầm thành hiện thực. Ngày mong đợi đã đến, hôm 12 tháng Chín 2010, tượng đài được chính thức khánh thành.

Lần đầu tiên một " di tích để đời " ra mắt quần chúng sau bao trắc trở, mọi người tham dự ngày hôm nay đều tự hào, dù chưa từng đóng góp như những người chủ xướng hoặc những vị ân nhân, nhưng sự hiện diện của họ đã nói lên tấm chân tình đối với cộng đồng, quê hương.

Vài trăm người có mặt hôm đó, tuy ít so với tổng số người việt sống ở Pháp và Châu Âu vì chương trình thành lập tượng đài chưa có phương tiện quảng bá đến toàn thể đồng hương khắp nơi.

Mở đầu buổi lễ, Nghĩa đại diện cộng đồng đã tóm tắt quá trình hình thành Bùng Binh Sàigòn, cảm tạ nước Pháp, BS KOUCHNER đã cứu vớt và đón nhận thuyền nhân chúng ta, các vị dân cử địa phương, bà Chantal Brunel, nghị sĩ vùng Seine et Marne và tất cả ân nhân Pháp Việt đã góp công góp của để tượng đài được ra mắt ngày hôm nay.

Sau đó ông thị trưởng Huges Rondeau tán thưởng sự đồng tâm nhất trí của cộng động kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu từ mấy năm nay, và rất vui mừng đã đồng hành với cộng đồng chúng ta từ ngày đầu.

Bà nghị sĩ vùng Seine et Marne phát biểu : "Hôm nay quý vị có mặt đông đủ không chỉ để khánh thành tượng đài, mà còn muốn nhắc lại cách đây 65 năm VN đã dành được độc lập sau hơn một trăm năm chịu sự bảo hộ của nước Pháp. Tượng đài vươn cao về phía trước biểu hiện tính nhẫn nhục, can đảm của thuyền nhân đã vượt hành trình thảm khốc mà có người đã mất cha, mẹ, anh, em, con cháu ...

Nước Pháp không quên thời kỳ mà dân việt nam bị bức chế, đàn áp bởi chính quyền hiện hành khiến hơn ba trăm ngàn người phải ra đi và chịu nhiều thảm họa trên đường vượt biển.

Lịch sử nước nào cũng có những vùng tối mà ai cũng muốn quên, nhưng nhà văn Anatole France đã nói " với quá khứ chúng ta làm nên tương lai ". Với tượng đài này các bạn đã chấp nhận quá khứ thương đau để chuẩn bị cho tương lai, một hành động mạnh mẽ vượt qua mọi chia rẽ tỵ hiềm trong quá khứ đã dìm nước việt trong máu lửa.

Tôi biết danh từ " Thuyền Nhân " ghi phía dưới tượng đài đã làm ông lãnh sự việt cộng khó chịu, tôi đã lập lại, hai chữ Thuyền Nhân thuộc về lịch sử, cũng không hàm ý chống đối chế độ hiện hành. Buổi lễ ngày hôm nay có mục đích tưởng niệm một biến cố đau thương mà người VN tỵ nạn đã trải qua một cách hãi hùng và là cơ hội gặp gỡ giữa những người Việt Nam dù không cùng chính kiến ".

Buổi lễ tiếp diễn với phần nghi thức cầu an của các hòa thượng chùa Khánh Anh, sau đó đại diện chính quyền và hội Người Việt tại Bussy, hội Sàigòn Bussy cắt băng khánh thành tượng đài " Niềm ước mơ của Mẹ " và kết thúc buổi lễ với phần dâng hoa lên tượng đài của mọi người.

Sau phần khánh thành tượng đài, bà đại biểu đi vào đám đông thăm hỏi đồng hương, đi ngang qua tôi bà bắt tay chào, tôi cảm ơn bà đã ủng hộ và đến chung vui với chúng tôi ngày hôm nay.

3Bà kể, trước đó sứ quán việt cộng tại Paris đã phản đối công trình này, và không tán thành buổi lễ ngày hôm nay, " Thuyền nhân " là một yếu tố lịch sử, và lịch sử không thuộc phe phái chính trị nào cả mà là một sự kiện của nhân loại, cho dù sứ quán Việt cộng có phản đối, rất tiếc họ không hiểu " khái niệm thuyền nhân " đã đi quá xa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam từ lâu rồi.

Bà đã bỏ công giải thích với ông cán cộng, nước Pháp cũng có "vết nhơ của chính phủ Vichy" khi thống chế Pétain cộng tác với Đức quốc xã thời đệ nhị thế chiến, nhưng không vì thế mà nhân dân Pháp chối bỏ sự kiện lịch sử đó. Bà tiếp, rất tiếc ông quan đỏ vẫn khư khư lắc đầu phản đối, mà phản đối cái gì khi danh xưng " Boat People " đã đi vào tự điển thế giới, được quốc tế thừa nhận như một thảm họa của dân tộc Việt Nam khi chiến tranh chấm dứt vào năm 75.

Bà lắc đầu ngao ngán than, hình như cán cộng trong ngành ngoại giao không rành lịch sử thế giới, nên khi bà nhắc đến chế độ Vichy ông ta ngẫn ngơ không hiểu, hay ông không muốn hiểu. Tôi cười méo xẹo, nói với bà, cả hai, nghi vấn nào cũng đáng " tin cậy ", bà cười tinh nghịch chào tôi. Bà thuộc đảng cánh hữu, bà và tôi đều không ưa chủ nghĩa xã hội chung chung, muốn gì, ở phe phái nào thì quyền lợi Tổ Quốc phải vượt trên mọi tỵ hiềm đảng phái và danh lợi cá nhân.

Vào sứ quán ở Paris gặp toàn cán cộng rất " ít lời ", không phải vì thời giờ là vàng bạc, mà vì trình độ ngoại ngữ của họ rất hạn hẹp, đôi khi phải diễn đạt tư tưởng bằng mười ngón tay thiên thần. Mang tiếng trong ngành ngoại giao, nhưng có người chả tốt nghiệp trường lớp nào cả, họ được bổ nghiệm theo " phong bì bồi dưỡng " cấp trên, kinh tế thị trường mở cửa mà lị, hiệu quả kinh tế đạt mức kỷ lục đến chóng mặt.

Biết nói gì khi mấy ông cán cộng giờ này còn ra rả hô khẩu hiệu Mác Lê, khi mà nước đầu têu Liên Xô và cả khối Đông Âu đã tan đàn rã nghé từ lâu. Dĩ nhiên họ phải " chịu đấm ăn xôi ", phải ôm cứng cái chủ nghĩa đã phá sản ấy mới có cớ để bộ máy chuyên chế của họ tiếp tục độc quyền cai trị 8o triệu dân Việt. Miệng nói chống tư bản, nhưng chính họ cũng đã phải ra mặt chạy theo tư bản, làm ăn buôn bán theo kiểu tư bản. lời nói phản lại hành động, bọn phản động lúc này là mấy cán đỏ đấy nhé. Càng lố bịch hơn khi họ kêu gọi xóa bỏ hận thù, hòa giải dân tộc, mà chính họ lại đàn áp những buổi lễ biểu dương tinh thần quốc gia.


Sau khi đại diện chính quyền địa phương và quan khách đi vào hội trường để tiếp tục buổi lễ, bên bùng binh đồng hương phát cờ vàng ba sọc đỏ Việt Nam Cộng Hòa, các thượng tọa đã cầm cờ chụp hình kỷ niệm trước tượng đài. Trước đó cảnh sát tây đã yêu cầu một đồng hương không được phát cờ khi đại diện chính quyền chưa rút vào hội trường, điều này Nghĩa đã nói trước với tôi, để tránh sự cố ngoại giao giữa hai nước.

Ông Jean-Claude Lamagnère Phó Thị Trưởng Bussy Saint -Georges, trong một bài viết, đã hết lời ca ngợi công trình tượng đài " Le Rêve de la Mère / Niềm Ước Mơ của Mẹ ", của Vũ Đình Lâm, và ghi nhận là Ông Christophe Nguyễn Trịnh Nghĩa (Chủ tịch Hiệp Hội Bussy Saigòn) đã khéo léo thuyết phục khi trình bày dự án, đạt được sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương. Ngay trong bài này, ông nhắc lại rằng "những lá cờ biểu thị bất cứ bè phái chính trị nào sẽ không có chỗ phô trương bên cạnh bức tượng nầy. Vậy, chỉ có một lá cờ và luôn một lá cờ quốc gia Pháp là có thể qui tụ chúng ta.

Sự trung lập của thành phố và của những đại diện thành phố là và sẽ là nguyên tắc xử sự liên quan đến vấn đề nầy trước bất cứ những mưu toan làm lũng đoạn nào, " ông Lamagnère nhắc lại.

Thú thực, việc ông phó thị trưởng này nhấn mạnh tới " sự trung lập của thành phố " tôi thấy không lọt tai. Đành rằng Pháp đang bang giao với Việt cộng, họ thừa hiểu có hàng triệu người lưu vong vì không cùng chính kiến, nếu chúng ta có cầm lá cờ vàng ba sọc đỏ trong buổi lễ tưởng niệm này cũng là điều hiển nhiên.

Ăn cơm tây đến mòn răng, nhưng tôi không yêu nổi xứ tây ở điểm này. Họ đã nhận người Việt tị nạn cộng sản, nhưng chỉ vì muốn giao hảo làm ăn gì đó với nhà nước cộng sản VN, họ không dám công khai thừa nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là quốc kỳ của chúng ta.

4
“Tác phẩm Niềm ước mơ của Mẹ muốn chia xẻ tâm tư, suy nghĩ để tỏ lòng biết ơn với Mẹ Việt Nam tỏa lan đến tất cả các bà mẹ trên thế giới. Để nhắc nhở cho lớp trẻ Việt sinh ra và lớn lên bên ngoài đất mẹ, sẽ hiểu được tình mẹ, sự hội nhập, lòng biết ơn và chia sẻ nỗi niềm đó với miền đất mình tạm dung.”

(Trích lời Điêu khắc gia Vũ Đình Lâm, tác giả tượng đài)


Ông tây lúc này như con cọp giấy. Khỏi so với chú sam Mỹ quốc, Canada, Úc... Chỉ cần so với mấy nước Âu châu như Đức, Thụy Sĩ, đặc biệt là Bỉ -nhỏ yếu thua Pháp xa- ... những nước ấy, tuy vẫn bang giao với việt cộng, nhưng họ vẫn thẳng thắn thừa nhận có cộng đồng người việt tị nạn mà họ đã cưu mang, và luôn ủng hộ những sinh hoạt chính trị của chúng ta.

Một cái bùng binh nhỏ tưởng niệm người vượt biển đi tìm tự do, mà không cắm được quốc kỳ Tự Do, không hát được bài quốc ca, chỉ được cầm lá cờ trong giây lát, khuất mặt đại diện chính quyền địa phương, ức quá, lúc này tôi thấy ông tây thuộc địa hiện hình như bóng ma quá khứ chưa bao giờ biến mất trong tim óc chúng ta.

Ơn nghĩa với nước Pháp vẫn còn đó, quê hương thứ hai đã tiếp nhận và cho chúng ta dung thân từ bao nhiêu năm nay, nhưng trong tôi " thần tượng " đã sụp đổ, một buổi lễ như thế mà họ không dám ra mặt ủng hộ lá cờ VNCH, xứ tây còn phải học hỏi nhiều nữa mới mong tìm lại vị trí cường quốc của thời xa xưa.

Khánh thành tượng đài, bà con các nơi về dự đông đảo. Đây là dịp nhiều người gặp lại thăm hỏi nhau. Bên này bùng binh, tôi gặp anh Hưng, cựu thuyền nhân đã được tàu " Đảo Ánh sáng " của Doctor Kouchner vớt trên biển năm xưa, được đưa vào trại tỵ nạn, trên đường vượt biển anh gặp chị và họ kết hôn khi đặt chân lên đất Pháp.

Tôi quen anh qua một người bạn, dạo đó anh vừa tậu căn nhà mới xây, vợ anh sinh đứa con thứ hai, gia đình bên vợ định cư bên Mỹ. Qua lại vài lần, vợ anh đề nghị cả nhà sang Mỹ theo diện cha mẹ bảo lãnh, anh tự ái nhất định không đi, đang có việc làm, sợ qua bên đó không tìm được việc. Không thuyết phục anh được, chị bế hai con về bên ngoại, họ ly dị.

Bây giờ, gặp lại nhau tại Bùng Binh Saigon này, trông anh héo hắt quá. Anh trạc tuổi tôi, tóc bạc nửa mái đầu, gầy nhom như người thiếu ăn. Anh cho biết sau khi anh ly dị vợ, căn nhà hạnh phúc đã bán mấy năm nay, may là chưa mất việc.

Các con anh đã lớn, thỉnh thoảng anh qua Mỹ thăm các con. Chị đã tái giá, anh vẫn phòng không, dù đã có vài mối tình hờ. Anh chưa dám về Sàigòn cưới vợ, sợ kẹt cái rờ mọt " sáng ốm, chiều đau, tối đi cứu cấp " của cư dân bên nớ dễ đổ bệnh trầm kha khi tiếp cận với Việt kiều.

Bên kia Bùng Binh tôi gặp anh Sầu Đông. Anh tên Đông nhưng biệt danh này xuất phát từ câu chuyện thường xảy ra trong đời tỵ nạn. Từ con thuyền của Doctor Kouchner, anh vào trại tỵ nạn, học bỏm bẻm vài câu tiếng tây, anh nhảy ra làm bếp nhà hàng, để gửi tiền về nuôi vợ con còn kẹt ở Nha Trang. Nhờ hồi trước chuyên làm đồ nhậu với chiến hữu trong quân đội nên tay nghề của anh cũng khá.

Ngày anh ra mắt đầu bếp cũ để bàn giao công việc, bà chủ nhà hàng giới thiệu đôi bên :

- Giới thiệu với anh Mến, anh Đông sẽ thay anh vào bếp cuối tuần này.

Bà nói tiếp giọng bùi ngùi :

- Tội nghiệp anh Mến đây, hồi trước là thiếu tá hét ra lửa, chẳng qua thời thế đổi thay nên phải lăn vào bếp.

Bà chủ " cố tình tội nghiệp " hay vô tình mà mặt anh Mến tái mét đến tội nghiệp khi cặp mắt anh Đông ngừng hơi lâu trên khuôn mặt thấy quen quen, ôi thôi " dĩ vãng tếu ngạo nhân gian " quay về làm cả hai ngỡ ngàng.

Ngày ấy binh nhì Mến " đào tẩu " bị binh nhì quân cảnh Đông đi ruồng với cấp trên ở phố Nha Trang tóm gọn, gặp nhau dạo đó anh Mến đã thấy buồn, bây giờ tái ngộ " cố nhân ", anh gọi đầu bếp mới là Sầu Đông đâu có sai. Từ đó hai người kết thân đến bây giờ.

Hôm nay anh Đông đi cùng gia đình vợ con và các cháu, anh có đứa cháu ngoại tây lai mặc áo dài thật dễ thương. Anh đã nghỉ hưu, nghe nói anh chị ở nhà trông cháu nội ngoại, phòng khách có nôi, vài thùng đồ chơi, anh làm xếp bếp nhà trẻ tại gia.

Tôi gọi anh, Sầu Đông, bữa ni lên chức ông ngon lành nhe, có gặp " thiếu tá " Mến không. Anh cười chỉ hướng trước mặt, " thiếu tá " đang suy tư bên tượng đài. Lần đầu tiên tôi diện kiến " thiếu tá ", anh đã ngoài sáu mươi, đầu bạc phơ, hiền như ri làm răng hét ra lửa, cái bếp gaz của anh khè lửa thì có. Tôi không chào anh vì anh không biết tôi, càng không dám tự giói thiệu, tôi biết anh qua "giai thoại" của Sầu Đông, đành chào " thiếu tá " trong cổ họng, nghẹn ngào thương anh lỡ gặp Sầu Đông trên đường tha hương để bị " lột lon " oan.

Mà thôi, binh sĩ hay tướng tá gì chúng ta đều là người quốc gia, dân lưu vong, có miếng đất đỡ đôi chân để tay ta cầm lá cờ vàng là đủ rồi. Chiến cuộc đã tàn, vai vế kia chả làm nên cơm cháo. Cái chính là chúng ta đoàn kết và giữ một lòng trung trinh với tổ quốc đã cất công bảo vệ Tự Do và Chủ Quyền quê hương.

Trong đám đông quanh ngày hội bùng binh Saigon, tôi còn gặp nhiều thuyền nhân khác. Đã là 35 năm sau ngày 30 tháng Tư 1975 rồi, chuyện thuyền nhân, cộng đồng Việt đã được sách báo, phim ảnh nhắc đi nhắc lại, nhiều đến nhàm chán. Nhưng ngày họp nhau khánh thành tượng bà mẹ thuyền nhân hôm nay, mỗi thuyền nhân Việt lại có dịp ôn lại biết bao hãi hùng về chuyến đi định mệnh. Những thuyền nhân ấy làm sao có thể quên " những ngày vô tận " trên biển cả.

Với người Việt tại hải ngoại, Việt Nam xưa tuy là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng nay lại là đất khách. Việt kiều quay về xa lạ như khách trú. Chủ quyền đất nước đang được "sang nhượng " cho Trung quốc vĩ đại. Sản phẩm quốc doanh là băng keo dán mấy cái miệng đòi Dân Chủ Tự Do. Nghĩ đến quê nhà buồn quá, buồn như kẻ thua bạc phải cầm cố gia sản, buồn như đứa mất tất cả sắp thành đứa " vô sản" thứ thiệt.

Và những người đã chết ngoài khơi xa xăm, chết trên đảo, ai sẽ nhớ thay họ, ai sẽ nhớ đến họ, ngoài gia đình người thân, thế hệ lưu vong chúng ta sẽ lưu truyền thảm họa này đến thế hệ thứ mấy, để con cháu biết chúng từ đâu đến, những câu hỏi làm trăn trở thế hệ tóc muối tiêu, tóc muối trắng.

Hôm nay chúng ta đã có một tượng đài Thuyền Nhân, có Bùng Binh Saigon. Đây là một di tích chung của dân ta ở Pháp, nơi mọi người có thể rủ nhau về để nhớ đến hành trình đi tìm Tự Do của chính gia đình mình.

Nhân đây, xin vinh danh bà mẹ Việt Nam, bà mẹ Pháp quốc đã cưu mang chúng ta, tất cả đã không quên thảm họa năm xưa và mãi nhớ Việt Nam có thủ đô Sài Gòn, có bùng binh Sài Gòn. Hẳn nhiên, cũng phải vinh danh cộng đồng Việt nhỏ bé ở Bussy Saint Georges, và đặc biệt là Christophe Nguyễn Trịnh Nghĩa cùng các bạn của anh, đã kiên trì với công trình chung này. Tôi rất vui tìm ra tên láng giềng xóm cũ ngày xưa. Giỏi lắm bạn hiền ơi, bạn đã " cắm sào " cái Bùng Binh Sàigòn trên đất khách. Tết năm nay, chắc bà con mình sẽ rủ nhau tới Bùng binh thăm bà mẹ thuyền nhân và chụp hình kỷ niệm.

Đoàn Thị
Oct 10, 2010

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.