Hôm nay,  

Một Sự Đối Xử Khĩ Hiểu

14/02/199900:00:00(Xem: 15305)
MỘT SỰ ĐỐI XỬ KHÓ HIỂU

Kính gửi đồng chí Tổng bí thư, các uỷ viên Bộ chính trị và các
Uỷ viên Trung ương Đảng.

Tới dự cuộc họp chi bộ ngày 3/10/98, tôi và các đảng viên được
nghe phổ biến bản thông báo về bản "Kết luận của hội nghị TW 5
khóa VIII về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bảo vệ
cương lĩnh, điều lệ và đường lối của Đảng" cùng bản hướng dẫn,
yêu cầu chi bộ thảo luận và tỏ thái độ. Đến mục này thì thời
gian cũng gần hết, một vài đồng chí nói đại khái là đồng ý
thôi, chứ thông báo chung chung như vậy thì thảo luận sao được.
Tôi cũng muốn phát biểu ý kiến của mình và tỏ thái độ theo yêu
cầu, nhưng cảm thấy không đúng chỗ, đúng đối tượng nên thôi,
không nói gì. Nay tôi xin biên thư này gửi tới các đồng chí để
tỏ thái độ về việc đó với đầu đề là một sự đối xử khó hiểu.

I/ Quá trình diễn biến của sự việc đó:

1/ Báo Nhân dân ngày 9/3/98 mở màn để cùng một số báo khác nữa
phê phán những quan điểm được coi là sai lầm, hoặc sai trái với
đường lối, cương lĩnh, điều lệ đảng như: "bài bác chủ nghĩa
Mác Lê", "phủ nhận vai trò lãnh đạo toàn diện của đảng, đòi bỏ
nguyên tắc dân chủ tập trung", "từ bỏ CNXH", "phủ nhận vai trò
của XN quốc doanh", "đòi thực hiện tự do dân chủ tư sản"... của
các lực lượng cơ hội, thù địch (nội tung ngoại hứng) nhằm mục
đích tác động đến các đồng chí lãnh đạo chủ yếu mới, hòng
thay đổi đường lối; gây mất ổn định chính trị; tạo dư luận và
xây dựng lực lượng chính trị v.v... Đợt tấn công bằng báo chí
này dồn dập trong 2 tháng là tháng 3 và 4 năm 1998 với thái độ
thật tàn ác là đã cố tình cắt xén để xuyên tạc ý kiến, quan
điểm lẫn động cơ của bản kiến nghị của một lão thành cách mạng
đến mức coi như thù địch.

2/ Khi biết các bài báo hoàn toàn tập trung công kích bản kiến
nghị với Bộ chính trị (BCT) của đ/c Trần Độ, tôi đã qua điện
thoại hỏi đồng chí Phạm Thế Duyệt thì đ/c cho biết bộ chính trị
chưa có ý kiến gì, đó là quyền của báo họ làm. Sau đó tôi viết
thư riêng cho đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Thủ tướng để
phản đối thái độ và hành động dối trá đó của các báo. Chủ
trương đó của cá nhân hay tập thể đều là sai lầm. Trong đấu
tranh tư tưởng, Đảng ta không bao giờ dùng đến những biện pháp,
thủ đoạn dối trá như vậy.

3/ Vào cuối tháng 3/98, tác giả của bản kiến nghị đó cũng có
biên thư cho các đ/c Thường vụ BCT về thái độ không đúng đắn
của báo chí.

4/ Khoảng tháng 4/98, theo công điện của thường vụ BCT, thành uỷ
Hà Nội và thành uỷ Hồ Chí Minh có thông báo đến các chi bộ về
tình hình có một số người viết hồi ký hoặc viết kiến nghị và phát
tán với nội dung sai trái có hại, không nêu tên ai nhưng khi phổ
biến thông báo đó thì lác đác ở một số phường ở hai thành phố,
người phổ biến tự tiện nêu một số tên cụ thể như Trần Quỳnh, Trần
Độ, Phan Đình Diệu, Nguyễn Trung Thành, có nơi lại nêu cả Dương
Thu Hương... rất lộn xộn mỗi nơi một khác về số người và tên
người. Tôi có hỏi đồng chí Lê Xuân Tùng qua điện thoại thì
đồng chí cho biết: "Thông báo không hề nêu tên ai. Để khi có
cuộc họp với các quận huyện tôi sẽ nói về những phát ngôn tuỳ
tiện về nguyên tắc đó".

5/ Ngày 25/5/98, đ/c Phạm Thế Duyệt cùng 3, 4 đồng chí lãnh
đạo khác đã gặp tác giả khoảng 2 tiếng đồng hồ, không phải để
đối thoại, tranh luận về quan điểm sai trái mà chỉ trả lời gọn
là không thể chấp nhận bản kiến nghị đó chỉ vì lẽ nó trái với
cương lĩnh, đường lối, điều lệ của Đảng và pháp luật nhà nước.

6/ Cuối tháng 5/98, tác giả lại biên thư ngỏ gửi cho tòa soạn của
các báo có liên quan, nhưng điều đáng hổ thẹn là không nơi nào
chịu đưa lên báo của mình.

7/ Các chi bộ họp thường kỳ tháng 10/98 được nghe phổ biến bản
kết luận của Ban chấp hành Trung ương nhằm phê phán những quan
điểm sai trái (giống như các báo đã nêu và công kích) và hành
động tán phát tài liệu, việc tiếp và trả lời phóng viên nước
ngoài một cách vô nguyên tắc. Kèm theo thông báo này còn có bản
hướng dẫn của Ban văn hóa tư tưởng trung ương yêu cầu các chi bộ
thảo luận và tỏ thái độ. Qua hơn 10 cán bộ lão thành sinh hoạt ở
các chi bộ khác nhau đến chơi thì được biết ý kiến của đa số
chi bộ là không thảo luận gì, chỉ nghe trên nói thì biết vậy
thôi, chung chung như thế thì thảo luận làm sao được! Chỉ có một
chi bộ muốn biết đồng chí nào đã phạm sai lầm như vậy, TW đã
sử trí như thế nào thì thông báo cho biết. Ở một chi bộ khác, đa
số là cựu chiến binh muốn có bản kiến nghị đó để thảo luận thì
mới thật dân chủ.

II/ Tác giả của bản kiến nghị gửi BCT đó là ai" Quan điểm và
hành động thực của đồng chí đó như thế nào"

1/ Tác giả của bản kiến nghị đó là Trung Tướng Trần Độ (TĐ)
sinh năm 1923 quê Thái Bình, vào Đảng năm 1940 đã qua các chức
vụ như: bí thư quân khu uỷ, phó chính uỷ quân giải phóng miền
Nam, 2 lần Trưởng ban văn hóa văn nghệ của Trung ương Đảng, Phó
chủ tịch Quốc hội, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khóa
3,4,5,6.

2/ Thực chất của các quan điểm được coi là sai trái đó là như
thế nào"

Bản kết luận của hội nghị trung ương lần thứ 5 khóa 8 về đấu
tranh chống các quan điểm sai trái của bản kiến nghị đó như
sau:

a/ Bài bác chủ nghĩa Mác Lê, cho rằng "giữ vai trò độc tôn của
CN Mác Lê chỉ đưa tới sự trì trệ về trí tuệ".

b/ Phủ nhận định hướng XHCN, cho rằng định hướng XHCN "là thất
bại, là ngõ cụt", "kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, giữa
2 cái phải chọn một, không thể bắt cá hai tay".

c/ Phủ nhận sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, cho rằng sự lãnh
đạo hiện nay của Đảng là "Đảng trị" là "nguồn gốc của sự tham
nhũng", phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

d/ Muốn đòi tự do dân chủ tư sản, tư nhân được ra báo và xuất
bản, "tự do" bầu cử theo kiểu tư sản.

Đem đối chiếu với bản kiến nghị của TĐ thì sự tiếp thu và
đánh giá của tôi khác hẳn với tinh thần của bản kết luận trên.
Tôi xin lần lượt đối chiếu từng điểm một cách cụ thể như sau:

Về điểm a/ Với chủ nghĩa Mác Lê (CNML):

Nguyên văn của bản kiến nghị của đ/c TĐ như sau: "Về hệ tư
tưởng, ta vẫn giữ vai trò độc tôn của CNML, không những trong
Đảng mà cả trong toàn xã hội. Tôi hoàn toàn thừa nhận vai trò
của CNML trong lịch sử cách mạng nước ta, nó đã đóng góp quan
trọng. Nhưng hiện nay, ngoài CNML ra, còn có rất nhiều trào lưu
tư tưởng rất đáng nghiên cứu và tiếp thu một cách phù hợp với
điều kiện nước ta. Giữ vai trò độc tôn của CNML chỉ đưa tới sự
trì trệ về trí tuệ". Một sự đánh giá rất khách quan và đầy trí
tuệ như vậy là đúng, có gì là bài bác CNML"

Về tinh thần nó không khác gì với Nghị quyết của Bộ chính trị
ĐCSVN số 01/NQ-TW 28/03/1992 về công tác lý luận trong giai
đoạn hiện nay:

"...Trong nhiều năm qua, nội dung đào tạo đội ngũ cán bộ lý
luận hầu như chỉ bó hẹp trong các bộ môn khoa học Mác-Lênin, chưa
coi trọng việc nghiên cứu các trào lưu khác và tiếp nhận những
thành tựu khoa học của thế giới. Hậu quả là số đông cán bộ lý
luận thiếu hiểu biết rộng rãi về kho tàng tri thức của loài
người, do đó khả năng phát triển bị hạn chế. .... Đối với những
học thuyết khác - ngoài CNML - về xã hội, cần được nghiên cứu
trên quan điểm khách quan, biện chứng. .... Đảng phát huy tự do
tư tưởng, tạo mọi điều kiện cần thiết cho hoạt động nghiên cứu
và các mặt công tác khác trên lĩnh vực lý luận..."

Về việc này khiến tôi nghĩ tới mặt trận lý luận, tư tưởng ngày
nay. Thế giới ngày nay có nhiều thay đổi lớn lao so với thời Mác
sống, kể cả bản thân giai cấp công nhân lẫn tư bản, nhưng một số
cán bộ nòng cốt của mặt trận lý luận, tư tưởng của ta gần đây
trên một số sách báo vẫn còn giới thiệu những quan điểm đánh
giá như sau:

- Tuyên ngôn CS 1848 vẫn còn nguyên giá trị.

- Giai cấp tư bản vẫn bóc lột, ăn bám, hủ bại, sắp suy tàn.

- Quốc tế xã hội, các đảng xã hội dân chủ vẫn là lực lượng cải
lương, đánh lạc hướng giai cấp công nhân để duy trì chế độ tư
bản.

- Không có CNXH thì không có độc lập thực sự.

v.v...

Nên vẫn có thái độ muốn gắn chiếc "mũ kim cô" lên đầu mọi
người. Những nhà Mác xít giáo điều như vậy chỉ có khả năng bôi
nhọ chủ nghĩa Mác, chứ không thể phát triển, bảo vệ được những
tinh hoa của chủ nghĩa Mác để giúp loài người phát triển.

Thật đáng lo ngại!


Về điểm b/ Về định hướng XHCN:

Trần Độ đã phân tích khá dài với ý muốn tham gia nghiên cứu một
mô hình XHCN phù hợp với Việt Nam, rất tâm đắc với đường lối
"phát triển kinh tế, dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng văn
minh", coi đó như là mô hình XHCN của Việt Nam. Đúng là TĐ có
chỗ nói"định hướng XHCN là thất bại, là ngõ cụt" hoặc "kinh tế
thị trường theo định hướng XHCN, giữa 2 cái phải chọn một, không
thể bắt cá hai tay". Nhưng CNXH mà Trần Độ nói ở đây là mô hình
XHCN cổ điển mà mọi người vẫn hiểu nội dung của nó là: kinh tế
hiện vật, công hữu hóa, vô sản chuyên chính; mô hình XHCN đó đã
thất bại, đã đổ vỡ nên không thể đi đôi với kinh tế thị
trường được. Tinh thần thực của quan điểm đó là như vậy, ý tác
giả muốn xây dựng mô hình XHCN phù hợp với nước ta, khắc phục
được những suy nghĩ giáo điều và tránh hiểu lầm là rất đúng.
Quả là Trần Độ muốn phủ nhận, nhưng là phủ nhận định hướng XHCN
theo mô hình cổ điển đã thất bại ở Liên Xô và các nước Đông
Âu. Về vị trí kinh tế quốc doanh, tài liệu cũng đã phân tích khá
dài, ý muốn coi các thành phần kinh tế như là phương tiện và cần
biết đánh giá sử dụng đúng, nhằm mục đích đạt hiệu quả và
phát triển nhanh kinh tế và đời sống. Sau khi phân tích những
mặt tiêu cực khách quan trong thành phần kinh tế quốc doanh, Trần
Độ đã khẳng định: "không thể bỏ kinh tế quốc doanh, vì trong
một số lĩnh vực nó vẫn là cần thiết, nhưng đặt nó làm chủ đạo
thì chỉ có nghĩa là làm triệt tiêu hoặc suy yếu các thành phần
kinh tế khác, nhất là kinh tế tư nhân". Theo tôi, nên coi đây là
vấn đề cần tiếp tục theo dõi và kịp tổng kết, thực tiễn để
điều chỉnh các thành phần kinh tế sao cho đạt hiệu quả cao
nhất, không nên bác bỏ một cách giản đơn, chủ quan.

Về điểm c/ Sự lãnh đạo của Đảng:

Đúng là Trần Độ có nói cách lãnh đạo của Đảng hiện nay là
"Đảng trị" là "nguồn gốc của lạm quyền và tệ tham nhũng". Trần
Độ đã phân tích khá dài và rất tâm huyết về vấn đề Đảng lãnh
đạo, trong tài liệu này có những đoạn nói: "Tôi vẫn tán thành
và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò đó là cần thiết, nhưng
lãnh đạo không có nghĩa là thống trị, không có nghĩa là Đảng
trị. Kinh nghiệm lịch sử trong nước và trên thế giới đã chứng
minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều dẫn tới thoái hóa,
ruỗng nát, tắc tị, không những của cơ thể xã hội mà còn của cơ
thể Đảng nữa". Ở một đoạn khác đã khẳng định một cách mạnh
mẽ: "Hiện nay có thể nói một cách chắc chắn rằng, không có một
thế lực nào trong nước cũng như ngoài nước có thể phá được Đảng
CSVN, chỉ có Đảng không tự mình thích ứng làm suy yếu mình đi
thôi.".

Như vậy, nói về Đảng trong tài liệu này cũng như trong bản kiến
nghị đổi mới Đảng toàn diện gửi cho tất cả uỷ viên trung ương
năm 1995, Trần Độ chỉ muốn Đảng chỉ nên lãnh đạo chính trị,
nghĩa là về đường lối chính sách, những vấn đề quan trọng, chứ
không phải lấy phương châm lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, cụ
thể, để đi tới bao biện, làm thay công việc của nhà nước, biến
Đảng với nhà nước là một ở tất cả các cấp, các ngành, khiến hai
bộ máy cồng kềnh, chồng lấn lên nhau, biến Đảng với nhà nước là
một, thành chế độ chuyên chế, toàn trị mà gọi gọn lại là "Đảng
trị", là nguồn gốc của tệ lạm quyền và tham nhũng hiện nay, là
nguyên nhân của hiện tượng đạo đức, lối sống thoái hóa mà hội
nghị TW 5 đã phải nêu lên.

Bác Hồ cũng đã nói, một tổ chức cũng như cá nhân, lúc này tốt,
lúc khác có thể trở nên xấu nếu mắc chủ nghĩa cá nhân. Để hiểu
đầy đủ câu đó ta cần suy rộng thêm: một tổ chức hay cá nhân
nếu không có môi trường tốt để tu dưỡng, nếu không bị giám sát
bởi lực lượng nào thì vì quyền lợi nó sẽ bị thoái hóa dần. Phân
tích một cách cụ thể hơn là chế độ toàn trị, Đảng với chính
quyền là một, khách quan đã tạo ra và khuyến khích một tầng lớp
đảng viên có chức, có quyền ở tất cả các cấp, dễ lộng quyền,
tham nhũng mà không có cách nào ngăn được, chỉ trừ khi phải thay
đổi chế độ lãnh đạo đó.

Với nội dung chung và bao quát như vậy thì không thể kết luận
Trần Độ phủ nhận sự lãnh đạo toàn diện của Đảng mà ngược lại,
tôi hiểu cả ý và tâm của Trần Độ là lo đổi mới Đảng cho đúng
mới có thể thực sự tăng cường, giữ vững được vai trò lãnh đạo
của Đảng, khôi phục được uy tín và hình ảnh đẹp đẽ của Đảng
trong lòng dân như trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, Đảng
với dân thực sự là một.

Về điểm d/ Sai lầm muốn đòi tự do dân chủ tư sản:

Tôi hiểu là Trần Độ muốn nhà nước ta thực hiện chế độ dân chủ
mà lâu nay nhiều người thường gọi là "dân chủ tư sản" đó thật,
mà tôi cũng như nhiều người, nhất là gìới trí thức (vì họ có
trình độ nghiên cứu, hiểu biết nhiều) cũng đương mong có một
chế độ tự do dân chủ như vậy với sự phân tích khoa học như sau:
Tự do, dân chủ, nhân quyền là nguyện vọng muôn đời của loài
người mà không phải tự nhiên mà Bác Hồ kính yêu đã kết luận mạnh
mẽ: "không có gì quý hơn độc lập tự do" hoặc "độc lập mà không
có tự do hạnh phúc thì cũng không có ý nghĩa gì". Cũng vì mục
tiêu cần thiết và chính đáng đó mà nước ta đã ký vào công ước
quốc tế và nhân quyền; Hiến pháp năm 1992 của nước ta đã ghi rõ
các quyền tự do ngôn luận, tổ chức, lập hội... của công dân.

Các quyền dân được tự do ra báo, xuất bản, tự do bầu cử, hội
họp, mít ting, biểu tình, thi hành chế độ đại nghị với pháp
quyền... là kết quả đấu tranh quyết liệt của nhân dân lao động
chống các chế độ chuyên chế độc tài của giai cấp phong kiến mà
trong phong trào đó tầng lớp trên là tư sản có học thức, thông
minh đã giành được quyền lãnh đạo, khéo léo biết lợi dụng
thành quả đó thiết lập chế độ dân chủ ở các nước tư bản phát
triển, nên đến nay vẫn còn có người ngộ nhận, gắn thành quả dân
chủ đó với chế độ tư bản để có thành kiến là rất sai. Một hiện
tượng ở Mỹ khiến nhiều người quan tâm là Tổng Thống Mỹ mắc tội về
quan hệ nam nữ mà phải ra hầu tòa, có dư luận đòi phải từ chức
và các luật gia tuyên bố không thể đặt Tổng Thống lên trên pháp
luật. Mặc dù 2 chế độ khác nhau nhưng dân ta không thể không
khao khát nét dân chủ đó. Chính cả phe XHCN đã ngộ nhận gắn cả
chế độ kinh tế thị trường vốn xuất hiện từ trong chế độ phong
kiến là của riêng chế độ tư bản nên đã thực hiện chế độ kinh


tế phi thị trường đồng thời thực hiện chế độ chính trị chuyên
chế (vô sản chuyên chính), nghĩa là đã xây dựng một chế độ kinh
tế, chính trị cho khác hẳn với chế độ tư bản nên đã dẫn đến
tan rã toàn bộ mà cả thế giới đã biết. Đảng ta mới sửa được
một vế kinh tế, trước sau rồi cũng phải sửa về hệ thống chính trị
nếu muốn phát triển nhanh, vững chắc. Phải xây dựng được một nhà
nước thực sự là của dân. Nhất là ngày nay, ta đã hội nhập vào
thế giới, chấp nhận một cuộc cạnh tranh gay gắt về kinh tế với
tất cả các nước, trong khi nước ta về trình độ kinh tế cũng như
kinh nghiệm quản lý nền kinh tế trị trường thua xa các nước hàng
10, hàng 100 lần. Cho nên chỉ có một nền chính trị thật sự dân
chủ thì mới có khả năng động viên được hết nhiệt tình, tính
sáng tạo, phát huy được hết trí tuệ của nhân dân thì mới có thể
nhanh chóng khắc phục được sự chênh lệnh quá lớn đó.

Đến đây tôi vẫn cảm thấy mình trình bày không hết được tinh
thần của bản kiến nghị đó, nên tôi mong những ai thật quan tâm
tới việc này thì tìm đọc toàn văn tài liệu đó. Trong tài liệu
cũng có một số ý tôi không tán thành nhưng là mặt phụ không cần
nói ra đây.

Có thể nói tinh thần cơ bản và tổng quát của bản kiến nghị đó là
muốn dân chủ hóa hệ thống chính trị cho cân đối với dân chủ trên
mặt trận kinh tế, cho phù hợp với bản chất của chế độ XHCN của
nước ta. Đó là đòi hỏi của tình hình khách quan, của dư luận xã
hội hiện nay mà một vài tiêu biểu như: "hiện tượng Thái Bình"
1997 và một hiện tượng thường xuyên nữa cũng đáng được quan
tâm: nhân dân "ngày nằm vườn hoa, đêm ra nhà thủ tướng". Tinh
thần bản kiến nghị đó đáng được cơ quan lãnh đạo coi trọng và
nghiên cứu. Nếu coi ý kiến đó là sai lầm, có hại thì cũng cần có
thái độ trung thực (đạo đức quan trọng nhất của mỗi tổ chức
cũng như cá nhân) giới thiệu và phân tích nó trong phạm vi nội bộ
hoặc nhân dân để mọi người biết mà tránh sai lầm đó, chứ không
phải bằng cách xuyên tạc để đả kích một cách hết sức độc đoán
và nhẫn tâm như đã làm.

3/ Thực chất của việc phân phát tài liệu, tiếp và trả lời phóng
viên nước ngoài vô nguyên tắc là gì"

Bản kiến nghị đó, TĐ có gửi Đảng, Chính phủ, Quốc Hội và các
bạn quan tâm. Tôi hiểu đây là ý tốt, muốn đóng góp ý kiến với
lãnh đạo đồng thời trao đổi với một số bạn quan tâm, điều này
hoàn toàn theo đúng luật pháp, điều lệ Đảng.

Không hề có luật pháp nào cấm người Việt Nam quan hệ trao đổi
với người nước ngoài kể cả các phóng viên báo chí. Vậy tại sao
lại bảo Trần Độ là vô nguyên tắc. Thực chất phải xem xét nội
dung đã trao đổi và trả lời là gì" Ngày 4/3/98 nhân dịp gặp
đồng chí Phạm Thế Duyệt, tôi có thuật lại cuộc gặp gỡ của tôi
với một Việt kiều không quen biết qua điện thoại đồng thời cũng
nói giá có người nước ngoài nào xin gặp thì tôi cũng vui lòng vì
nếu từ chối thì là hạ sách, tự thú nước tôi không có dân chủ. Họ
khai thác được gì để phản tuyên truyền hay không là do mình
quyết định. Nghe xong đồng chí Duyệt không có can ngăn gì cả.

Nhân đây tôi cũng xin nói thêm là nhiều người quá lo ngại địch
lợi dụng những mặt tiêu cực mà ta nêu trên các bản kiến nghị hoặc
báo cáo để phản tuyên truyền, để đi tới không dám nói thẳng
nói thật với nhân dân để cùng nhau khắc phục những khó khăn tiêu
cực. Cố nhiên nên tránh nói những gì không cần thiết để địch có
thể lợi dụng, nhưng mối quan tâm chính của chúng ta phải là dân
chủ, công khai bàn bạc các ý kiến khác nhau để đi tới thống
nhất, tăng thêm sức mạnh. Nếu ta mạnh, địch có gây giông tố cũng
không bị đổ, ngược lại ta yếu, họ hắt hơi thôi ta cũng khó đứng
yên. Cần nhắc lại ở đây câu trả lời rất hay của người phát ngôn
bộ ngoại giao ta hồi tháng 2/98 khi có phóng viên báo phương tây
hỏi về 3 tài liệu (có bản kiến nghị của TĐ) mà các đài phương
tây đã nêu thì đã trả lời: "đó là chuyện bình thường, trong
năm có hằng ngàn tài liệu góp ý kiến như vậy gửi tới các cơ quan
lãnh đạo quản lý".

III/ Dư luận của dân chúng và thái độ của tác giả (chỉ nói những
gì trong phạm vi thông tin tôi nhận được):

1/ Dư luận: Vì các báo lẫn thông báo chỉ nêu lên phê phán những
quan điểm lớn một cách xuyên tạc nhưng lại không nêu tên ai nên
nói chung họ không quan tâm nhiều và không có phản ứng rõ ràng.
Cũng có một số người do mù tịt tin tức, không đọc bản kiến nghị
của TĐ nên cũng a dua phê phán TĐ là đã đánh giá tình hình
quá đen tối, phát tán tài liệu, đưa ra cả nước ngoài, đứng
ngoài chửi đổng hoặc đã chê chế độ ta không bằng chế độ thực
dân Pháp trước đây. Một ông bạn bệnh nhân nằm cạnh phòng tôi
cũng phê phán TĐ nhiều điểm, tôi hỏi đã đọc tài liệu của TĐ
hay sao mà biết nhiều thế thì đồng chí nói đã đọc đâu, chỉ
nghe dư luận. Tôi đưa tài liệu của TĐ cho đồng chí đó đọc.
Đọc xong đồng chí đó chỉ nói: "Sao lại hiểu sai nhau đến thế
nhỉ". Còn những người được trực tiếp đọc bài của TĐ thì một số
cao hứng viết thư ngỏ gửi lãnh đạo và bạn bè tỏ đồng tình với
TĐ, có người coi TĐ như Chu Văn An ngày nay. Một thư ngỏ của 10
đảng viên lão thành sinh hoạt ở các chi bộ khác nhau đã tỏ thái
độ gay gắt không cần thiết như "Nếu khai trừ TĐ chúng tôi xin
trả thẻ đảng, nếu bắt TĐ, chúng tôi sẽ xuống đường, không phải
10 người mà là hàng ngàn, hàng vạn".

2/ Thái độ của TĐ: Ngoài 2 lần biên thư cho thường vụ BCT và
cho các báo như đã kể trên, TĐ ngồi viết bút ký, đã viết xong
2 bài bút ký khá dài có nội dung rất bổ ích, đặc biệt với cán bộ
lãnh đạo (hình như có gửi tặng TBT).

Trước sóng gió, thái độ của TĐ như thế đấy. Qua cuốn hồi ký,
biết TĐ đã qua nhiều sóng gió nhưng luôn luôn giữ được tự tin
và ứng xử phù hợp với nhân cách của mình. Trước sóng gió đầu
tiên là mật thám Thái Bình, muốn buộc TĐ phải khai, đã dùng
hình thức đưa ra một bát cơm và một bát cứt để TĐ tự chọn, nếu
không khai thì phải ăn cứt, TĐ chọn ngay bát sau, lấy đũa ngoáy
đưa lên miệng, bọn mật thám vội ngoảnh mặt đi. Sau 2 lần như
vậy thì kẻ đầu hàng lại là lũ mật thám đó.

Qua nỗi lo lắng và những hoạt động của TĐ trong những năm hưu
trí, càng thấy rõ anh TĐ là một Đảng viên cộng sản gương mẫu,
suốt đời lo làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc, dân tộc thân yêu, là
tấm gương về các mặt: học tập nghiên cứu, hiểu biết rộng, nắm
vững tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, liên hệ chặt lý luận
với thực tiễn, tác phong giản dị, chân chất, cởi mở, dễ hòa vào
mọi người và rất có nhân cách.

Tôi đã thuật lại quá trình đối xử với bản kiến nghị và thành
thật đánh giá TĐ như vậy không phải để thanh minh hay bảo vệ
TĐ mà để nêu lên vấn đề lớn hơn nhiều mà tôi sẽ trình bày dưới
đây. Tôi tự biết mình dù có muốn cũng không có uy tín thế lực
để bảo vệ nổi TĐ một khi cả ban chấp hành TW Đảng đã kịch
liệt phê phán. Tôi tin chắc rằng nhân dân và đông đảo cán bộ
đảng viên sẽ lên tiếng. Lịch sử rất công minh.
IV/ Vì đâu mà xảy ra cách và thái độ đối xử rất khó hiểu, đáng
buồn, đáng tiếc như vậy"

Từ trước tới nay có nhiều cán bộ lãnh đạo gửi thư cho các đ/c
lãnh đạo kiến nghị vấn đề này, vấn đề khác chứ không riêng đ/c
TĐ. Cách giải quyết thông thường là chấp nhận để tham khảo,
nghiên cứu. Hoặc với vấn đề cấp bách thì có thư trả lời hoặc tổ
chức gặp gỡ đối thoại trực tiếp. Như trường hợp đối với các bản
kiến nghị chính của tôi, một số đ/c uỷ viên BCT đã trả lời bằng
thư hoặc gặp gỡ trực tiếp đặc biệt cuộc gặp gỡ ngày 3/6/98 với
các đồng chí Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Phú Trọng,
Hữu Thọ v.v... Tôi đã nói lên nỗi xúc động trước thái độ trân
trọng của các đồng chí đó và còn hứa tiếp tục viết 5 vấn đề mà
tôi hằng nung nấu bấy lâu nay để các đ/c lãnh đạo tham khảo. Với
bản kiến nghị của TĐ, nếu lãnh đạo cũng tổ chức gặp gỡ ngay từ
đầu để hiểu rõ hơn các quan điểm, trao đổi xem những gì có thể
nhất trí được, còn lại thì giao cho ban có liên quan nghiên cứu.
Nếu tiến hành như vậy thì rất ổn và đã không gây ra biết bao
nhiêu lãng phí trong non một năm qua về thời gian, giấy tờ, công
sức, do một quá trình đối xử tóm tắt như sau:

Bản kiến nghị của TĐ gửi cho các cơ quan lãnh đạo từ cuối tháng
12/97 nhưng cho đến nay chưa đồng chí lãnh đạo hoặc cơ quan nào
gặp TĐ để trao đổi về các quan điểm của bản kiến nghị đó. Chỉ có
lần gặp chính thức ngày 25/5/98 để trả lời về bản kiến nghị đó,
nhưng không có trao đổi gì về quan niệm đúng, sai mà chỉ trả lời
gọn ghẽ: "những ý kiến của bản kiến nghị đó trái với cương lĩnh,
đường lối, điều lệ Đảng và luật pháp của nhà nước nên không thể
chấp nhận được." Đó là lý do. Đ/c TĐ chỉ còn biết ngậm ngùi:
"nếu giống thì còn viết làm gì để mất thì giờ người khác."

Bỗng nhiên báo chí mở một cuộc tranh luận chỉ có một bên với nội
dung cắt xén, xuyên tạc, vu khống như đấm vào không khí làm cho
mọi người khó phân biệt thực hư, đúng sai. Đó là cách đối sử thô
bạo, dối trá.

Rồi cuối cùng đã tranh thủ được cả ban chấp hành TW ra bản kết
luận đại thể cũng với nội dung về các quan điểm mà các báo đã
nêu.

Đến ngày 19/11/98 lại diễn ra cuộc gặp của đồng chí TBT với TĐ.
Đồng chí TĐ đã phàn nàn về tình trạng bị công an bao vây theo
dõi, về bản thông báo kết luận của ban chấp hành TW Đảng. Hai
đồng chí đã trao đổi thẳng thắn cởi mở với nhau.

Được các thông tin đầy đủ như trên tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi để
tìm lời giải đáp:

Tại sao hiện tượng đối xử không dân chủ, không tôn trọng nhau,
thiếu trung trực, thiếu nhất quán, thực thực, hư hư, úp úp, mở mở
đến như vậy" Và tôi đặt ra các giả thuyết như sau:

a/ công việc lãnh đạo ngày nay khó khăn, phức tạp hơn trước rất
nhiều nên các đồng chí lãnh đạo thiếu thì giờ để tự đọc các tài
liệu dày nhiều trang, nên chỉ dựa vào thư ký tham mưu. Trường hợp
của TĐ có lẽ đã không may gặp phải tham mưu "rởm" để họ dẫn dắt
lãnh đạo đi tới quyết định sai lầm. Nhưng tôi lại tự hỏi chẳng lẽ
lại không một đồng chí lãnh đạo nào đọc bản kiến nghị đó sao"

b/ Trong tài liệu đó, TĐ có viết một đoạn "không có gì khổ và
nhục cho bằng khi người dân tự nhiên thấy trên đầu mình chễm chệ
những vị tai mặt lớn thiếu nhân cách, thiếu trình độ hiểu
biết..." mà tôi không tán thành cách đánh giá "vơ đũa cả nắm" như
vậy. Có lẽ đoạn văn này đã khiến cho các đồng chí đương quyền
không bằng lòng dẫn tới cách đối xử như vậy chăng. Nhưng chẳng lẽ
tất cả các đồng chí lãnh đạo đều thiếu rộng lượng để đi tới "giận
chuột mà đập cả lọ lộc bình."

c/ Có lẽ chính là vì xung đột quan điểm chăng" Quan điểm chính
toát ra trong bản kiến nghị của TĐ về kinh tế chủ yếu xử dụng các
thành phần kinh tế đặc biệt là đổi xí nghiệp quốc doanh xí nghiệp
tư nhân sao cho có hiệu quả nhất, coi thành phần kinh tế là biện
pháp chứ không phải là mục đích. Về hệ thống chính trị và sự lãnh
đạo của Đảng, yêu cầu đổi mới toàn diện theo hướng dân chủ hóa
làm cho chính quyền thực sự là của dân dưới sự lãnh đạo của Đảng,
không duy trì chế độ "Đảng trị" như hiện nay. Có thể các đồng chí
lãnh đạo cho rằng quan điểm đó là xét lại, có thể gây mất ổn định
chính trị, làm yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Có lẽ quan điểm
khác nhau lớn đó đã khiến các đồng chí lãnh đạo đối xử gay gắt để
nhanh chóng dẹp các quan điểm mà mình cho là sai" Nhưng khi nghĩ
tới ý kiến của đồng chí TBT đã phát biểu ở đôi nơi: "dân chủ là
chìa khóa vạn năng", "Tôi hoan nghênh những người có ý kiến trái
với mình" thì tôi lại không tin sự phán đoán như trên của mình
nữa.

Tóm lại tôi suy nghĩ nhiều, nêu ra nhiều giả thuyết nhưng rồi
cuối cùng quả thật vẫn không hiểu nỗi, khó đoán trúng được. Chỉ
có những ai chỉ đạo quá trình đối xử đó thì mới nắm chắc được
nguyên nhân của nó.

Kết luận

Đây chỉ là một việc nhỏ đối xử với một cá nhân, nhưng nó lại phản
ánh một phong cách, một thái độ của cơ quan lãnh đạo đối với
những kiến nghị đầy trí tuệ, đầy tâm huyết của một lão thành có
bề dày cách mạng, do vậy nó đã ảnh hưởng rất lớn đến sự lãnh đạo,
đến uy tín của TW nên tôi phải báo cáo với TW với mục đích duy
nhất là để hành động như vậy không bao giờ diễn lại nữa và tôi
tha thiết đề nghị TW xem xét lại sự đối xử vừa qua với anh TĐ
bằng hành động đơn giản như sau:

1/ Đại diện BCT cùng với các ban tham mưu có liên quan tổ chức
cuộc gặp gỡ, đối thoại với TĐ về các quan điểm của bản kiến nghị,
về vấn đề phát tán tài liệu, về việc tiếp và trả lời phóng viên
báo nước ngoài.

2/ Trên cơ sở kết quả, kết luận của cuộc gặp gỡ trên, BCT báo cáo
lại với TW để làm một bản thông báo khác gửi đến các chi bộ cơ
sở. Nếu xét thấy cần thì cho đăng thông báo đó trên báo Nhân Dân.

Tôi cho làm như vậy là xóa được những sai lầm vừa qua, đồng thời
nêu một tấm gương về tự phê bình.

Tôi thẳng thắn báo cáo và kiến nghị như trên xuất phát từ lòng
kính trọng của tôi với BCH TW khóa 8 cũng như khóa 7 đã lãnh đạo
thực hiện thành công đường lối đổi mới của Đại hội 6, nhất là
trên mặt trận kinh tế và đối ngoại mà một biểu hiện gần đây là sự
thành công của hội nghị cấp cao ASEAN VI tại Hà Nội. Các vị đứng
đầu 8 nước đã đánh giá cao sự điều khiển sáng suốt của lãnh đạo
nước chủ nhà trong việc dàn xếp các công việc của hội nghị cấp
cao ASEAN VI. Đối ngoại ta biết thực hiện chính sách đoàn kết tốt
như vậy, chẳng lẽ đối nội lại dở. Tôi tin là các đồng chí sẽ đánh
giá lại đúng mức giá trị bản kiến nghị của TĐ cũng như tôi tin
rằng các đồng chí sẽ chuẩn bị cho đại hội 9 tới đây có kết quả
như đại hội 6 nghĩa là cũng nhìn thẳng vào sự thật để đổi mới lần
thứ 2, tạo ra một bước ngoặt nữa trong sự nghiệp phát triển đất
nước, mà nhiều đồng chí cũng như tôi dự đoán là đổi mới hệ thống
chính trị sẽ là chính đi đôi với hoàn chỉnh đường lối đổi mới
kinh tế.

Thưa các đồng chí,

Quá trình hoạt động vì độc lập hạnh phúc của Tổ quốc thân yêu,
tôi thấy mình luôn luôn có nhiệt tình nhưng lại kém tài, là một
tiêu chuẩn không kém gì đức, nên để khắc phục một phần mặt yếu đó
của mình, tôi luôn luôn quan tâm phát hiện và nâng đỡ tài năng dù
lớn dù nhỏ của mọi người, tôi quý đ/c Trần Độ là vì thói quen đó.

Được dịp trình bày ý kiến của mình với trung tâm lãnh đạo của
toàn Đảng, tôi đã thành thật thổ lộ hết lòng dạ của mình, nếu có
gì không hợp, mong được lượng thứ.

Xin chúc các đồng chí mạnh khỏe luôn.


Chào kính trọng


một cán bộ lão thành hưu trí sinh năm 1920,
hoạt động cách mạng từ năm 1936,
được tặng huân chương Hồ Chí Minh

Hoàng Hữu Nhân


TB: Khi nhận được xin đ/c báo ngay cho biết qua ĐT số 04-8357817

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.