Hôm nay,  

2 Nhà Văn Cả Đời Tình Nhân: Anais Nin Và Henry Miller

23/02/200300:00:00(Xem: 10877)
gd_02232003_1
Họ là hai nhà văn nổi tiếng, gặp nhau ở Pháp trong thời kỳ trung tâm triết học và văn chương thế giới như dường đã tụ về ở Paris, và một mối tình lớn xảy ra - cho cả hạnh phúc và đau đớn. Đó là chuyện giữa Anais Nin và Henry Miller, hai ngòi bút gây nhiều phẫn nộ đối với các hội nhà thờ thế giới.
Vào tháng 11-1931, Anais Nin, người vợ buồn nản của một chuyên gia ngân hàng Hoa Kỳ, đón tiếp Henry Miller, một nhà văn chưa có tên tuổi gì vừa được giới thiệu với nàng, vào bữa ăn tối tại nhà nàng ở Louveciennes, gần Paris.
Nàng mới 28 tuổi, và chàng 40, và họ ngay lập tức ưa thích nhau. Chàng thích nàng ở vẻ trầm lắng và tinh tế. Nàng thích chàng ở vẻ ngoài thô bạo; nhưng bề trong thì, như nàng viết trong nhật ký, "Chàng y hệt như tôi." Nàng đã giữ một cuốn nhật ký từ khi cha nàng, một dương cầm thủ Tây Ban Nha, rời nhà khi nàng mới 11 tuổi. Sự mất mát đau đớn này, cùng với nền giáo dục nghiêm khắc Công Giáo của nàng, là các yếu tố quyết định cho thái độ dè dặt trầm lắng phức tạp của nàng đối với nam giới.
Henry Miller, con trai của một di dân Đức tại Brooklyn (New York), đã sống một cuộc đời đầy gian nan. Chàng đã ly dị, rời vợ và con gái để sống với một cô giáo dạy vũ tên là June; cũng chính June là người mua vé cho chàng đi Paris để theo sự nghiệp viết văn (thời mà ai cũng tin Paris là thủ đô văn hóa) và rồi bắt đầu cuộc đời mới.
Quan hệ giữa chàng và Anais Nin bắt đầu ở mức thuần túy trí thức; tại Louveciennes hay trong các quán cà phê ở Montparnasse (Paris), họ để nhiều giờ ngồi bên nhau, phân tích những kinh nghiệm của nhau và nói chuyện về văn chương hay triết học. Sự dan díu giữa họ chỉ khởi đầu từ tháng 3-1932, khi June bay đi New York; tình trạng cô June lưỡng tính, nghiện ma túy và mắc bệnh nói dối là một nguồn kinh ngạc cảm hứng cho cả hai người. Khi June về lại Paris tháng 10-1932, họ lại bị cô June thu hút lần nữa và một quan hệ tay ba khởi sự; chuyện này kéo dài cho tới khi cô June ra đi vào cuối năm 1933.
Anais Nin và Henry Miller như dường hai mẫu người đối nghịch nhau. Ngay sau khi họ dan díu, Nin nghiên cứu thêm môn học phân tích tâm lý. Chàng thì mạnh khỏe và cứng rắn, trong khi nàng thì yếu đuối và mong manh. Chàng thì nói ồn ào với ngôn ngữ thô bạo, còn nàng thì chọn lời rất dè dặt. Chàng thì sống vô trật tự và luông tuồng, còn nàng sống một đời rất mực trật tự. Nhưng cả hai đều bị ám ảnh bởi sex, do vì thời niên thiếu trưởng thành trong nền giáo dục nghiêm khắc.

Anain Nin nuôi dưỡng Henry Miller, trả tiền thuê nhà của chàng và trao tiền cho chàng xài trong nhiều năm. Tiền này tới từ người chồng, người mà nàng luôn dối gạt, bí mật giấu mối tình này. Nàng không có ý định ly dị, và chỉ in các phần nhỏ trong cuốn hồi ký của nàng với các phân tích về các kinh nghiệm tình dục và trí thức của nàng. Và cặp nhà văn này cũng không trung thành với nhau, trong khi Miller phiêu lưu với nhiều cô gái giang hồ, thì Anais Nin cũng có một loạt ngoại tình với nhiều người khác. Và Anais Nin vừa dan díu lung tung, vừa theo dõi phân tích tâm lý, và rồi lại viết xuống giấy.
Năm 1934, Anais Nin phá thai, cho rằng làm mẹ sẽ là "một hy sinh cực kỳ lớn, một chối bỏ tối hậu chính mình." Thay vào đó, nàng và Miller xem Lawrence Durrell, nhà văn trẻ Anh Quốc người mà hai người khuyến khích vào nghề văn và hướng dẫn tận tình, như là "đứa con văn chương" của họ. Họ giành hết năng lực sản xuất cho văn chương: họ trao đổi hàng trăm lá thư; nàng xuất bản tập Diary với các mô tả đáng chú ý về chàng, và chàng viết Black Spring ("Mùa Xuân Đen," cuốn này đã được dịch ra Việt ngữ từ trước năm 1975 tại Sài Gòn), đề tặng cho nàng. Nàng cũng viết tiểu thuyết (các tác phẩm The House of Incest, The Winter of Tricks).
Năm 1939, Thế Chiến bùng nổ, buộc họ rời Paris để tới New York, nơi họ viết chung nhau một loạt truyện đầy sắc dục. Sau đó, Miller về sống ở California và muốn Anais Nin về cùng; nhưng nàng không có ý định rời người chồng, nên vẫn ở New York. Từ đó, quan hệ giữa họ tan vỡ. Miller kết hôn lần nữa. Và Anais Nin thường xuyên dan díu với các nghệ sĩ trẻ, trong đó có một số người đồng tính.
Đối với cả một thế hệ, Henry Miller và Anais Nin là biểu tượng của cuộc nổi loạn lãng mạn và cuộc cách mạng tính dục. Nàng chết năm 1977 và chàng chết năm 1980, nhưng chỉ tới sau khi người chồng của Anais Nin chết năm 1986 thì những chi tiết thầm kín về mối tình của nàng với Henry Miller mới được tiết lộ toàn bộ trên báo chí.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.