Hôm nay,  

Tính Chất Của Các Tổ Chức Bất Tư Lợi (non Profit)

26/01/200000:00:00(Xem: 4628)
LTS. Gần như tất cả các hội đoàn người Việt đang hoạt động tại Hoa Kỳ đều là hội bất tư lợi, non-profit organization, nhưng các chia rẽ và tranh chấp lại thường không giải quyết theo nội quy mà là theo kiểu rất là cá nhân (điều theo luật chỉ có thể xảy ra ở tiểu bang Delaware, nơi một người ra một hội cũng được). Dưới đây là một bài viết của Mục sư Tiến Sĩ Nguyễn Quang Minh, Phụ Khảo Môn Tổ Chức Học tại Far Eastern University 1962, nói về cách tổ chức hội bất tư lợi, và giải thích rằng đó là cơ chế dân chủ nhất của Hoa Kỳ mà người Việt chưa tận dụng hết.

Bài như sau.

Tổ chức Bất Tư Lợi ta thường quen gọi là Bất Vụ Lợi hay Non Profit Organization. Đó là một tổ chức, một hội đoàn, một cơ chế mà một số người ngồi lại với nhau để làm một việc có ích lợi chung. Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do hội họp, cho nên chỉ cần 2 người ngồi lại với nhau là đã có được một hội đoàn để tư lợi hay bất tư lợi. Tư lợi thì gọi là For Profit như là một tiệm buôn. Còn Bất Tư Lợi thì là Non Profit, và nếu có sanh lời thì tiền sẽ thuộc về của Hội chớ không của hội viên.

Cái đặc biệt hay ở nước Mỹ là chánh quyền muốn khuyến khích người dân lập càng nhiều tổ chức bất vụ lợi. Vì đó chính là dân chủ thực hành. Nói theo tôn giáo thì đó là đạo vào đời. Bởi vì quả thật là người dân được làm chủ. Làm chủ các sinh hoạt của đất nước, chịu trách nhiệm việc mình đóng góp cho nước chớ không phải chỉ có quyền để bầu ra các công bộc (như Tổng Thống, Quốc Hội, Thống Đốc, Thị Trưởng...) của mình mà thôi rồi khoán trắng mọi việc cho họ.
Thí dụ thấy trong thành phố có nhiều người homeless (không nhà) một số người trong cộng đồng đứng ra thành lập một hội lo cho người homeless. Thì tự động hội này trở thành một tổ chức bán chính quyền. Có nghĩa là, hội có tư cách một phân nửa công quyền! Việc dân không nhà ở cần có nhà đó là trách nhiệm của chánh quyền. Nơi đây, một số công dân đứng ra lo công việc này thì đương nhiên họ trở thành bán công là vì vậy. Nên họ mới được hưởng quyền khỏi đóng thuế và các tiền tặng cho Hội cũng được miễn thuế là vậy.

Nhờ vậy chánh quyền vừa được tản quyền cho nhẹ bớt gánh nặng mình, lại vừa được hợp lòng dân, lọt vào “bẫy” dân chủ của dân; bởi vì người dân họ biết người dân của họ cần cái gì. Nguời Mỹ không chủ trương là chánh quyền phải lo hết mọi việc của nước, mà là người dân phải phụ với chánh quyền là vì vậy. Đó cũng nằm trong tinh thần nhân quyền, tôn trọng con người và giá trị của nó. Cho nên dân chủ không phải chỉ là quyền đi bầu, quyền ứng cử mà còn là biết để cho dân phụ lực với mình nữa.

Nước Mỹ là một tổ chức bất vụ lợi lớn nhất. Người dân tức là hội viên của tổ chức này hay hội này. Người dân đóng thuế tức là đóng niên liễm cho Hội để trả lương cho Tổng Thơ Ký Hội (hay Ban Chấp Hành Hội) là Bill Clinton, cho Quốc Hội, cho FBI, CIA, NSC, v.v…

Rồi dân California thì thuộc Hội California, đóng thuế tiểu bang để trả lương cho Hội Trưởng là Thống Đốc... Đó là chưa nói tới các hội nhỏ hơn như là Quận Hạt và rồi Thành Phố hay Thị Xã mình rồi đến các Trường Đại Học Công cũng đều là các tổ chức Bất Vụ Lợi nằm dưới Tiểu Bang.

Gần đời sống chúng ta nhất, đụng chạm hằng ngày với chúng ta như là nhà thờ, chùa chiền, trường học, hội xe hơi 3 chữ A, nghĩa trang, Hội Hồng Thập Tự, Hội Hướng Đạo, Hội Ái Hữu, Phòng Thương Mại, Ban Đại Diện Cộng Đồng, các cơ quan thiện nguyện cung cấp dịch vụ v.v.. đều là các tổ chức bất vụ lợi Non-profit cả. Tất cả những cơ quan này đều là cơ quan bán chính phủ (para-government) cả.

Tại đa số các tiểu bang, cần ít nhất 3 người công dân Mỹ (hoặc có ý định thành công dân Mỹ) thì mới được đăng ký thành một hội đoàn hay tổ chức bất vụ lợi. Muốn hưởng quyền lợi trừ thuế, thì 3 người nầy không được phép là bà con hay vợ chồng với nhau. Nếu không cần mở trương mục tại ngân hàng thì không cần đăng ký. Nếu lập một hội bất vụ lợi mà không cần Hội Đồng Quản Trị, không cần thu nạp hội viên, chỉ muốn một mình một chợ, thì chỉ đăng ký tại Tiểu bang Delaware là đủ.

Nên nhớ trong bất cứ một hội đoàn hay tổ chức nào muốn hưởng quy chế trừ thuế, nhất là quy chế giáo dục và từ thiện 501 (C) 3 thì Hội Đồng Quản Trị (Board of Directors) là cơ chế cao nhất, có quyền uy tối hậu. Bởi vì nó đại diện cho toàn thể hội viên đã bầu ra nó. Toàn thể hội viên không thể họp mỗi tháng một lần v.v.. nên mới cử ra HĐQT đó. Tiếng nói của HĐQT tức là tiếng nói của toàn thể Hội. Vì vậy Chủ tịch của HĐQT tức là tiếng nói của toàn thể Hội. Vì vậy chủ Tịch của HĐQT muốn làm gì, muốn tuyên bố gì thì phải phù hợp với ý kiến của đa số HĐQT (chớ không thể tự ý Chủ Tịch được).

HĐQT vì được cái ưu thế đó cho nên khó có thể bị mang tiếng độc tài. Chẳng may HĐQT mang tiếng là “ngu dốt” hay bất tài, bất lực... thì đó là vì cả hội ngu dốt hay cả hội bất tài, bởi vì vốn liếng Hội chỉ có chừng ấy người “tài” mà thôi và Hội đã bầu ra họ mà. Nếu muốn có người tài giỏi hơn thì phải chờ đến nhiệm kỳ sau. Mà nhiệm kỳ sau thì không ai dám chửi ai cả vì là ứng cử đơn danh chớ không phải liên danh. Nếu chẳng may HĐQT làm một nghị quyết (Resolution) sai thì cũng đành chịu vì đó là một quyết định tập thể (Collective) không do lỗi một cá nhân nào. Ai nói khoa học xã hội nếu dùng đúng không có cái hay của nó"

Cái ưu thế đó của HĐQT vì vậy có quyền chọn bất cứ ai làm chấp viên (executive hay CEO tức là Chief Executive Officer) không nhất thiết phải là người từ trong HĐQT. Nếu HĐQT được tiền thì có ai cấm HĐQT nầy mướn nhân viên tài giỏi, có bằng MBA để điều hành Hội" Nếu một ai mà là thành viên của HĐQT lại vừa là thành viên của Ban Chấp Hành (Executive Committee) thì vị đó phải đội đến 2 cái nón. Một nón khi họp HĐQT có một lá phiếu của riêng mình và một nón khi ngồi trong Ban Chấp Hành để thi hành “lệnh” của HĐQT. Không nên lẫn lộn 2 cái nón nầy. Nên nhớ cái nón của BCH có thể bị HĐQT lấy lại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.