Hôm nay,  

Dịch thơ, giữa dở và hay

22/11/202400:00:00(Xem: 249)
Capture

…một tác giả tài danh, trong một tác phẩm đỉnh cao, cũng có lúc dễ dãi với chữ, với thơ và, do đó, cái khó của người dịch là, trong ngôn ngữ khác, cũng phải truyền đạt cho được sự lạc chữ hay mất thần đó. 

 

Dịch thơ, nói theo Bùi Giáng, là “điều khảm kha nhất” và đó phải là thơ hay bởi, trừ những ngoại lệ đặc biệt, chẳng dịch giả nào phí thì giờ với thơ dở. [1] Sự “khảm kha”, như thế, phải thuộc về cái nghệ thuật chuyển đạt, sao cho giữ được hồn cốt làm nên cái hay của bài thơ trong một ngôn ngữ khác.
 
Tuy nhiên nhà thơ Chế Lan Viên, trong “Sổ tay thơ”, nhận xét:
 
Thơ dở không dịch được
Thơ hay như người đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng.
 
nên, theo logic này, dịch thơ dở còn “khảm kha hơn” việc dịch thơ hay, ngàn vạn lần.
 
“Khảm kha hơn” vì sự bất khả: “thơ dở không dịch được”.
 
Và “khảm kha hơn” do phận “ế” so với thơ hay.
 
Nếu “thơ hay” cũng như người đẹp “ở đâu đi đâu cũng lấy được chồng”, thì phần số của “thơ dở”, như là một cô gái xấu, sẽ rất là long đong một khi dạt đến những “bến” ngôn ngữ khác. Thơ hay, có lưu lạc đến vùng văn hóa khác, dẫu không nguyên vẹn thì ít nhiều vẫn lưu lại được vài nét “xuân sắc” để thu hút người đọc mới, nghĩa là kiếm chồng xứ lạ. Thơ dở thì không may mắn thế, nếu không nói là… vô phương!
 
Nhưng thơ dở thì chán vạn, cả triệu và đâu phải tất cả đều lọt mắt các dịch giả? Không kể đến thứ thơ chỉ dịch để tâng công, để kiếm bổng lộc, nói cho gọn là để nịnh như thơ lãnh tụ, thơ quan trên; thơ dở mà được dịch thì phải là thơ đáng đọc hay cần phải đọc.
 
Thơ đó có thể dở do tác giả... đánh mất chính mình: một tác giả tài danh, trong một tác phẩm đỉnh cao, cũng có lúc dễ dãi với chữ, với thơ và, do đó, cái khó của người dịch là, trong ngôn ngữ khác, cũng phải truyền đạt cho được sự lạc chữ hay mất thần đó.
 
 
Cũng có thể là thơ dở theo quan niệm thẩm mỹ, như bài thơ “Con Cóc”. Bao thế hệ đã xem đó là biểu trưng của thơ dở thế nhưng, theo nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, đó lại là một bài thơ hay. Diễn đạt cho gọn thì, khi “Con Cóc” là đỉnh cao của thơ dở trong cách cảm thụ văn chương đã lỗi thời thì, qua một cuộc đảo chính mỹ học, bài thơ sẽ ngời ngời ánh sáng thẩm mỹ mới, nghĩa là … hay!
 
 
Hoặc có thể thơ chưa đạt đến mức tinh hoa của ngôn ngữ nhưng lại là tác phẩm biểu trưng cho một thời kỳ lịch sử, một giai đoạn hay một vùng miền văn học.
 
Thí dụ bài thơ “Tình Già” của Phan Khôi. Đây không phải là bài thơ hay, nhưng nếu muốn giới thiệu lịch sử phát triển của Thơ Việt Nam với người ngoài, tất nhiên phải dịch bài thơ được xem là phát pháo đầu tiên của phong trào Thơ Mới. Hay những vần thơ thật thà trong Lục Vân Tiên, của Nguyễn Đình Chiểu, như là biểu trưng của văn học miền Nam, một thời.

Thật thà là đức tính của con người trong mối quan hệ xã hội tuy nhiên, trong nghệ thuật, có khi, lại là điểm yếu. Trong Hồi ký song đôi, Huy Cận kể chuyện ông cậu mình bỏ ra đến mấy năm trời để học chơi đàn nguyệt từ một tay đờn điêu luyện, chuyên chơi nhạc chầu văn hay hầu đò, thế nhưng, bất kể bao nhiêu công sức, thời gian và đam mê bỏ ra, tiếng đàn ông cậu vẫn chưa làm lay được lòng ai, vẫn “không có nhụy” mà lý do là, theo nhận xét của ông thầy, “tiếng đàn còn thật quá”![2]
 
Nhưng làm sao để truyền đạt những “phong cách” như thế trong một ngôn ngữ khác? Nghệ thuật này có giống với nghệ thuật diễn tả phụ nữ không đẹp, như khi Vũ Trọng Phụng tả chị Doãn hay Nam Cao tả Thị Nỡ? Nếu hai nhà văn này tả sự không đẹp một cách tài tình thì, khi dịch một bài thơ không hay, một dịch giả tài hoa phải truyền đạt sao cho được thần thái của cái sự không hay đó?
 
Lấy thí dụ sự thật thà chữ nghĩa trong Lục Vân Tiên, từ cảnh đối đáp giữa người đẹp Nguyệt Nga và đấng anh hùng:
 
“Đưa trâm chàng đã làm ngơ,
“Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ.”
Vân Tiên ngó lại rằng: “Ừ!
Làm thơ cho kịp bấy chừ chớ lâu
 
Chẳng oai phong theo kiểu lẫm liệt, sang trọng đã đành, bậc anh hùng thậm chí còn ngờ nghệch khi “ngó lại rằng: ‘Ừ!’’. Đến lúc chuyển vai “văn nhân”, khen người đẹp làm thơ xuôi lọt dưới áp lực thời gian, nhân vật này trông còn... chán hơn nữa:
 
“Thơ rồi này thiếp xin dâng,
“Ngửa trông lượng rộng văn nhân thể nào?”
Vân Tiên xem thấy ngạt ngào,
Ai dè sức gái tài cao bực nầy.
Đã mau mà lại thêm hay...
 
Toàn là việc khó cả, từ việc truyền đạt cho được cách xã giao thật thà của nhân vật, đến quan niệm thật thà về thơ “Đã mau mà lại thêm hay”. Nghĩa là khó nhưng vẫn chưa là gì so với việc truyền đạt cái thần trong sự dở của một câu thơ lạc thần, giữa một rừng thơ hay.
 
Câu thơ dở, trong ngữ cảnh đặc biệt của một tác phẩm đỉnh cao của một tác giả tài danh, sẽ có một thần thái đặc biệt. Chuyển dịch thần thái của sự dở này sang một ngôn ngữ khác, khiến người đọc phải cảm được điều đó, cũng chẳng khác gì phải làm sao để một cô gái xấu lấy được chồng mà không phải son phấn màu mè, đừng nói là giải phẩu thầm mỹ.
 
Như câu thơ có lẽ là dở nhất trong Truyện Kiều mà tôi từng bàn đến trong bài “Phải học Tú Bà”:
 
 
“… đến cả Nguyễn Du cũng đã một thoáng đánh mất chính mình trong cái cảnh đoàn tụ này. So với cảnh chia tay đau đớn vô cùng đẹp đẽ trong ngôn ngữ:
 
Đoạn trường thay lúc phân kỳ!
Vó câu khấp khểnh bóng xe gập ghềnh.
 
thì, cũng trên khía cạnh ngôn ngữ, cái cảnh chuẩn bị đoàn tụ trông nhếch nhác, vô duyên thế nào:
 
Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên,
Bộ hành một lũ theo liền một khi
 
Truyện Kiều là cả một sự chắt lọc ngôn ngữ mà, nói theo Phan Kế Bính, là “không có một tiếng nào là tiếng đục, không một câu nào là câu non” thế nhưng cái câu trên, câu tám, nghe cũng đục đục thế nào. Nó quá mức thật thà, thật thà đến ngô nghê, y như cái cảnh ngô nghê lúc Lục Vân Tiên hối người đẹp làm thơ, “Vân Tiên ngó lại rằng Ừ! / Làm thơ cho kịp bấy chừ chớ lâu”.
 
“Bộ hành một lũ” là toàn gia cha mẹ dâu rể. Hẳn nhiên, “lũ” ngày ấy không như là “lũ” thời nay, như trong “bè lũ bành trướng bá quyền Bắc Kinh” hay trong “bè lũ diệt chủng Pôn Pốt Iêng-xa-ri” của cuối thập niên 1970. Dẫu biết rằng “lũ” ngày ấy ngụ ý tôn trọng – như là “Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ” khi Nguyễn Đình Chiểu chiêu hồn những nghĩa sĩ trận vong ở Cần Giuộc – nhưng cái cảnh “một lũ theo liền một khi” này trông vẫn lôi thôi, nhếch nhác thế nào mà, thậm chí, còn làm chúng ta liên tưởng đến một đám đá cá lăn dưa hê nhau đi hôi của, đi liền kẻo hết. [3]
 
Trong số những dịch giả nổi tiếng nhất của Truyện Kiều có học giả Huỳnh Sanh Thông và, trong tiếng Anh, hai câu trên, qua nghệ thuật chuyển ngữ của ông, là:
 
All knelt and bowed their thanks to old Giác Duyên,
Then in a group they followed on her heels. [4]
 
Tra cứu thêm các bản dịch khác, của Phan Huy MPH:
 
Together gratefully to Giác Duyên they bowed,
And without delay in her walk they followed. [5]
 
hay của Mica Huynh:
 
They bow to Giác Duyên, and
Follow her steps, finding the girl. [6]
 
sẽ nhận ra rằng, tất cả, chẳng thể nào thể hiện trọn vẹn cảnh tượng lôi thôi nhếch nhác của “bộ hành một lũ”.
 
Vậy đã thấy khó, đến “Thơ Con Cóc” có lẽ còn khó hơn:
 
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi
 
Bài thơ có cái đẹp “trần trụi” mà nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đề cập trong bài “Thơ Con Cóc: Một bài thơ hay”, in trong Thơ, vân vân và v.v..., xuất bản năm 1996:
 
Bài Thơ Con Cóc, ngược lại, trần trụi tuyệt đối. Như một cành gai. Không có đến lá, đừng nói gì là hoa. Nó thô tháp. Nó mạnh bạo. Nó sần sùi. Và cũng có thể nói, tàn nhẫn nữa. Nó xoá bỏ hết mọi phấn son và loại trừ hết tất cả cảm xúc thừa thãi để bắt người đọc một minh sửng sờ đối diện với sự vô nghĩa của cuộc đời. Không thể nào có thứ ngôn ngữ nào giản dị hơn thế nữa...
 
Cũng như sự khác nhau trong quan niệm về cái đẹp giữa một khu vườn thừa thãi sắc màu, rộn rã tiếng chim ca, giàu sắc giàu âm đến mức... nhốn nháo lòe loẹt với một vườn thiền u tịch. Người mê hoa lá, sắc màu, tiếng chim và cánh bướm sẽ phát chán với một khoanh cát đơn sơ có thêm vài tảng đá, bất quá thêm cây tùng, cây bách, thoang thoảng từ xa là tiếng nước róc rách, và ngược lại, người thích thơ haiku sẽ phát ngán với bài thơ đầy ắp chi tiết như “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ. Dịch sao để thấy được sự trái ngược như thế, cái dở của bài thơ theo góc nhìn của người bên này nhưng lại thu hút được niềm say mê của người phía bên kia? [7]
 
Thật là khó quá nhưng có phải vì thế mà chúng ta có quyền kết luận rằng dịch thơ dở khó hơn là dịch thơ hay?
 
Ít ra, về mặt logic thì, chúng ta đã trở nên bất bình thường, hay nói theo ngôn ngữ của Kim Dung là mấp mé bên bờ vực của tình trạng “tẩu hỏa nhập ma” khi làm cho trật tự không gian rối lên. Từ đầu, đã chấp nhận khẳng định của Bùi Giáng rằng việc dịch thơ (hay) là điều “khảm kha nhất”, bây giờ thì lại kết luận rằng việc dịch thơ dở (đáng đọc hay phải đọc) còn “khảm kha hơn”, vậy thì cái nào khó hơn cái nào?
 
Chúng ta bị thế bởi đã dở hơi khi đặt ra một vấn đề không nên đặt. So sánh thế thì có khác nào bảo phải so sánh là, giữa vĩ cầm và dương cầm, nhạc cụ nào có âm thanh hay hơn? Hay, thậm chí, phải so sánh giữa nước tương và nước mắm, giữa phở và bún bò Huế, thứ nào ngon hơn?
 
Nhưng có vậy thì chúng ta mới gặp lại một Chế Lan Viên – người đưa ra quan niệm “thơ dở không dịch được” và từng mang những chiến công hiển hách của cha ông ra so đo hơn kém:
 
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...
(“Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”, 1965)
 
So sánh một cách dở hơi như thế nên, cũng có lúc, nhà thơ này lâm vào tình trạng suýt bị tẩu hỏa nhập ma.
 
Mỗi câu, mỗi chữ của Chế Lan Viên là cả một sự trau chuốt, đầu tư, vậy mà, trong bài “Trận tuyến này cao hơn cả màu da”, công bố vào tháng Tám năm 1967, nhà thơ trở nên bất bình thường, làm rối tung trật tự không gian:
 
Vinh quang nhất là những người nổ súng
Vinh quang hơn là những kẻ đi đầu
 
Nhìn lại, chúng ta biết rằng bài thơ được công bố chỉ bốn tháng trước biến cố Mậu Thân và “thần thái” trong cái dở của nhà thơ cực kỳ chỉn chu về chữ này, phải nói, là sự mất thăng bằng, mất hết nghĩa lý thông thưòng. Đó, phải chăng, là do nhà thơ quá hối hả, quá gấp gáp trong nỗ lực bày tỏ nhiệt tình cách mạng, hối thúc người khác xông vào tử địa?
 
Nói cách khác là, phải chăng, do nôn nóng lập công về chính trị mà nhà thơ dễ dãi với chữ nghĩa nên, nếu dịch thì, với ngữ cảnh của bài thơ, người dịch cũng phải làm sao để toát lên cái sự sốt sắng quá mức cần thiết của một nhà thơ phò chính thống?
 
Tuy nhiên bài thơ, như có thể thấy được cái tên, “Trận tuyến này cao hơn cả màu da”, là cả một sự lên gân và, hơn thế nữa, suy tưởng theo chính tác giả trong “Di cảo thơ”, nó nhất định phải là thứ thơ thuộc về “một nửa” mà hậu thế phải “Trừ đi”: [8]
 
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
 
Nên, may cho những người dịch thơ thời ấy khi đó là một bài thơ không đáng để dịch, còn Chế Lan Viên cũng chưa phải là một quan chức chính trị cỡ bự để phải bợ đỡ bằng cách dịch một bài thơ mà, từ đầu, đã bị bị chính tác giả tàn sát chất thơ!
  
Tài liệu tham khảo:
  1. Bùi Giáng, “Một đường lối dịch thơ”
2. Huy Cận (2003), Hồi ký song đôi, Nhà xuất bản Hội nhà văn, trang 32
4. Huynh Sanh Thong (1983), The Tale of Kieu, Yale Univeristy Press, New Haven, trang 155
5. https://truyenkieuinenglish.wordpress.com/episode-xxvi/
7. Bản dịch của Tiểu Vĩnh Lạc:
From its hole, the toad is hopping out
The toad is hopping out, and then crouching there
The toad is crouching there, and then hopping away …!
8. Bài thơ “Trừ đi” của Chế Lan Viên:

“Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
Tôi giết cái cánh sắp bay...trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời trên biển,
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi - người có lỗi!
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình!”
 
Nguyễn Hoàng Văn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phòng triển lãm "For Me and You" ở Gallery One trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đa ngành của Ann Phong và Gloria Gem Sánchez trình bày sự giống nhau về ý tưởng của hai họa sĩ Ann Phong và Sanchez khi cả hai đều sử dụng vật liệu hỗn hợp tạo dựng tác phẩm để phản ánh sự suy nghĩ về cách sống, cách quản lý môi trường của chúng ta đồng thời thu hút sự chú ý đến tác động chung của chúng ta đối với hệ sinh thái mà chúng ta đang sinh sống và truyền lại cho các thế hệ tương lai. Triển lãm "For Me And You" tại: Irvine Fine Art Center: 14321 Yale Ave, Irvine, CA 92604. Khai mạc vào thứ Bảy 16 tháng 11, 2024. Từ 2-4 giờ chiều. Cuộc triển lãm kéo dài từ 16 tháng 11, 2024 đến 25 tháng 1, 2025. Ngày giờ mở cửa: Thứ Hai-Thứ Năm 10am-9pm. Thứ Sáu-Thứ Bảy: 10am-5pm. Đóng cửa Chủ Nhật.
Trong thế hệ ca nhạc sĩ trẻ của nền âm nhạc Sài Gòn trước 1975, cặp uyên ương Lê Uyên - Phương có một chỗ đứng đặc biệt, độc nhất. Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phương kéo dài từ đầu thập niên 1970s ở Miền Nam sang đến tận Hoa Kỳ sau 1975, cho đến khi ông mất vào năm 1999. Nhiều ca khúc Lê Uyên Phương cho đến nay vẫn chưa được chính thức phổ biến, phát hành. Để tưởng nhớ 25 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa, ca sĩ Lê Uyên sẽ tổ chức đêm nhạc chủ đề “Lê Uyên Phương 25 Năm Cuộc Đời– Tình Yêu – Âm Nhạc” tại Saigon Grand Center thành phố Fountain Valley vào ngày 7 tháng 12 2024.
Cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ và trên toàn thế giới đang tiến tới một cột mốc quan trọng: 50 năm ly hương kể từ sau biến cố Tháng Tư Đen 1975. Nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật được thực hiện có liên quan đến sự kiện này. Tại đại hội điện ảnh Viet Film Fest 2024 vừa được tổ chức vào đầu tháng 10, bộ phim đoạt giải Trống Đồng dành cho phim dài xuất sắc nhất là New Wave của nữ đạo diễn Elizabeth Ai. Bộ phim tài liệu này ghi nhận lại một hiện tượng âm nhạc quan trọng của thế hệ người Việt trong thập niên 1980s: dòng nhạc new wave. Thế nhưng bộ phim không chỉ dừng lại ở khía cạnh âm nhạc, mà đào sâu hơn vào mâu thuẫn trong những gia đình Việt Nam trong những ngày đầu định cư ở Mỹ.
Thời gian là thứ được người ta ví như vó câu, vụt một cái là biến mất, chẳng bao giờ trở lại, có muốn níu cũng vô ích. Họa sĩ Phan Nguyên không dại chi mà níu, anh ghi lại rồi mặc cho nó sổng ra chạy đi. Tôi muốn nói tới anh, một người đã âm thầm lưu giữ những mảnh vụn thời gian của giới văn học nghệ thuật bằng cách ghi lại trong “Mượn Dấu Thời Gian”, tên tiếng Pháp là “Emprunt Empreinte”. Anh tâm tình: “Là một “sân chơi” rất riêng của Phan Nguyên từ khá lâu với giới văn nghệ sĩ, thân hữu gần xa, trong và ngoài nước, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến gì cả, miễn là họ đã có những tác phẩm hay, đẹp để lại cho đời và cho thế hệ mai sau, miễn là họ đã đóng góp cái phần tinh túy nhất của con người, của chính mình cho văn học nghệ thuật Việt Nam hay thế giới nói chung”.
Để ta cùng vượt thời gian, không gian. Một trăm năm nữa, nếu có cơ duyên hội ngộ, vẫn chuyện trò tự nhiên, vui vẻ, như từng gặp gỡ tự bao giờ. Vui vẻ, vì cả đời chỉ thích viết văn, làm thơ. Viết văn, trừ trường hợp bất khả kháng, tôi vẫn cố gắng viết vui, cho bạn đọc đỡ nản. Nay tự nhiên lâm cảnh ngặt nghèo, phải đem chuyện vật lý, khoa học, Vũ trụ càn khôn, vừa nhàm chán vừa khó hiểu, ra trình làng… nên càng phải cố viết vui, viết giễu. Để may ra vớt vát được phần nào.
Trong lãnh vực sáng tác từ ngôn ngữ cho đến tác phẩm trực quan, các chuyên gia và các tác giả đang quan tâm đến khả năng sáng tạo của AI, sự hiện diện và tác dụng của trí thông minh nhân tạo sẽ làm thay đổi quan niệm và phương pháp, kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống. Các chuyên gia về máy học dự đoán rằng AI sẽ "viết" một cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times vào năm 2049 (Grace và cộng sự, 2018; Hall, 2018). Lãnh vực sáng tạo tính toán đã được xác định là biên giới tiếp theo trong nghiên cứu AI (Colton & Wiggins, 2012) và có ý nghĩa hấp dẫn đối với ngành công nghiệp văn học. Các thuật toán có khả năng tạo ra ngôn ngữ tự nhiên (Gatt & Krahmer, 2018) Các nghiên cứu về sáng tạo tính toán tập trung vào việc xác định các yếu tố cốt lõi của các hình thức sáng tạo (như văn học, nghệ thuật thị giác và âm nhạc) theo góc nhìn thuật toán, với mục đích sao chép hoặc kích thích sự sáng tạo của con người (Turner, 2014; Besold và cộng sự, 2015; Veale và cộng sự, 2019).
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.