Hôm nay,  

NHÌN LẠI & HƯỚNG TỚI

14/03/201800:05:00(Xem: 4684)
BuiVanPhu_20171218_BauCu2018_H01_UCBProtest
Biểu tình phản đối chính quyền Donald Trump ở California (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump trong ngày bầu cử 8/11/2016 đã gây ngạc nhiên cho giới quan sát chính trị Mỹ.

Nhiều người đã không thể tin và chấp nhận được rằng một tỉ phủ giầu lên nhờ kinh doanh bất động sản, không có kinh nghiệm chính trường vì chưa bao giờ được bầu chọn vào một chức vụ dân cử hay tham gia chính quyền mà lại đánh bại được một ứng viên dày dạn kinh nghiệm của Đảng Dân chủ từng là thượng nghị sĩ, là bộ trưởng ngoại giao, đó là là cựu Đệ Nhất Phu nhân Hillary Clinton.

Trump thắng với số phiếu đại cử tri đoàn 304 và Clinton được 227, trong khi số phiếu phổ thông thì Trump thua Clinton gần 3 triệu trong tổng số 129 triệu phiếu bầu.

Từ khi có kết quả bầu cử, những người ủng hộ Hillary Clinton đã phản đối dữ dội qua nhiều cuộc biểu tình gần như liên tục cho đến những tuần sau khi Tổng thống Donald Trump đã nhậm chức.

Nhưng với kết quả đã được xác định nên dù không tin tưởng vào ứng viên Trump với những phát biểu gây sốc, đụng chạm đến các sắc dân thiểu số, người tàn tật, nhục mạ những ai không đồng quan điểm hay ông có bị cáo buộc sờ mó sàm sỡ với phụ nữ, thì Donald Trump vẫn là tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Phe thua bị chỉ trích là vì còn cay đắng với thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua và Bạch Ốc và cũng không chiếm được đa số ở quốc hội nên đã không chịu chấp nhận kết quả, tiếp tục khuấy động các phong trào nổi lên chống lại chính quyền Trump.

janet-nguyen-1
Sau một năm điều hành quốc gia, thăm dò dư luận đưa ra cho thấy mức ủng hộ dành cho Tổng thống Trump trong thời gian qua đã xuống thấp, chưa đến 40%. Nhưng ông thì không tin vào những con số đó và tiếp tục hoạch định chính sách theo quan điểm và tầm nhìn riêng, có khi cũng chẳng phù hợp với quan điểm truyền thống của Đảng Cộng hòa. Ông đã nhiều lần phủ nhận những kết quả thăm dò như là những tin dổm vì kinh nghiệm của riêng ông là trước bầu cử hầu hết các thăm dò đưa ra cho thấy ông sẽ thua.

Sự thắng cử của Donald Trump cũng làm dấy lên nghi ngờ về việc Nga Sô đã nhúng tay vào, tìm cách ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ, có thể ở những tiểu bang Wisconsin, Michigan, Pennsylvania là những nơi mà ứng cử viên Clinton tin mình sẽ thắng nên không chú tâm vận động và kết quả là Trump thắng với tỉ số sít sao.

Vì thế ngay từ đầu năm 2017 đã có điều trần tại quốc hội, cùng lúc một công tố viên đặc biệt đã được chỉ định là ông Robert Mueller để điều tra về những cáo buộc Nga Sô đã tìm cách ảnh hưởng vào bầu cử Mỹ. Cho tới lúc này Tổng thống Trump vẫn phủ nhận việc cho rằng ông có can dự.

Từ khi lên nhận chức lãnh đạo quốc gia vào ngày 20/1/2017 Tổng thống Donald đã gây sôi động và ngạc nhiên, qua phong cách lãnh đạo không giống các vị tiền nhiệm. Nhưng nội bộ chính quyền của ông có nhiều lủng củng ngay từ đầu.

Sau khi nhậm chức chưa đầy một tháng ông đã phải cách chức Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn vì ông này không thành thật với tổng thống trong những tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Mỹ khi làm việc trong ban chuyển giao quyền hành của tổng thống đắc cử. Ông Flynn đã nói dối khi bị FBI điều tra và nay đang bị công tố viên đặc biệt tra vấn.

mai-khanh-tran-
Ứng Viên Mai Khanh Trần


Giám đốc FBI, Cục Điều tra Liên bang, là James Comey cũng bị cho thôi việc vì tỏ ra dễ dãi với vụ điều tra Hillary Clinton dùng email riêng cho công vụ và đã để mất hàng chục nghìn email.

Rồi văn phòng báo chí của phủ tổng thống gặp những xáo trộn khiến phát ngôn viên Sean Spicer phải từ chức chỉ sau 6 tháng.

Chính sách của Tổng thống Trump sẽ như thế nào, ít người biết rõ vì nhiều khi những phát biểu của giới chức cao cấp trong nội các phản ánh những quan điểm trái ngược. Ngoại trưởng Rex Tillerson nói sẵn sàng tiếp xúc với Bình Nhưỡng, trong khi Bạch Ốc lại nói không.

Căng thẳng với Bắc Hàn trong năm qua với các vụ thử phi đạn liên lục địa, cho đến nay Hoa Kỳ chỉ đề nghị các quốc gia giao thương với Bình Nhưỡng, quan trọng nhất là Trung Quốc, hãy chấm dứt buôn bán để áp lực Chủ tịch Kim Jong-un từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí nguyên tử. Nhưng dường như mọi áp lực từ bên ngoài không làm suy chuyển ý định của ông Kim.

Trong khi đó vị trí chiến lược của Hoa Kỳ tại châu Á đang bị Trung Quốc thách thức qua việc mở rộng ảnh hưởng quân sự và quyền kiểm soát biển Đông ngày một gia tăng. Những gặp gỡ lãnh đạo các nước trong chuyến công du châu Á đến Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, hồi tháng 11 của Tổng thống Trump dường như không làm thay đổi cục diện khu vực mà Bắc Kinh đang quân sự hóa vùng biển này.

BuiVanPhu_20171218_BauCu2018_H04_NghiVienTamNguyen
Nghị viên thành phố San Jose Tâm Nguyễn


Hai quyết định khác của Tổng thống Trump cũng đã gây chú ý trong chính sách đối ngoại, đó là giới hạn lại quan hệ với Cuba đã được mở ra dưới thời Tổng thống Obama và công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái và sẽ đưa đại sứ quán Mỹ từ Tel-Avis về đó. Quyết định thừa nhận Jerusalem đã làm nổ ra những cuộc biểu tình đến phản đối từ nhiều quốc gia Hồi giáo. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc ra nghị quyết không chấp nhận chính sách của Mỹ liên quan đến Jerusalem là nơi đang có tranh chấp giữa Do Thái và Palestine. Hoa Kỳ đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết này.

Trong quan hệ mậu dịch quốc tế, chính quyền Trump không đưa ra chính sách rõ ràng, mà là những phát biểu với ý định sẽ quân bình cán cân giao thương, không chỉ với Trung Quốc mà gồm nhiều nước khác trong đó có Việt Nam, Mexico, Canada.

Với chủ trương “America First” chính quyền Trump đang chú trọng nhiều hơn vào đối nội, điều mà các lãnh đạo trên thế giới đã nhìn ra. Những cường quốc như Nga Sô, Trung Quốc đang muốn qua mặt Mỹ trong việc tạo ảnh hưởng trên thế giới đang nhìn ra cơ hội để qua mặt Hoa Kỳ. Các nước từng đặt tin tưởng vào Mỹ như Philippines, Nam Hàn nay cũng phải xét lại chính sách đối ngoại của mình.

Về đối nội, những ưu tiên của chính quyền Trump là phát triển kinh tế, cải tổ di dân và thay đổi chính sách bảo hiểm y tế hiện nay.

Thất bại đầu tiên của Tổng thống Trump là đã không thay thế được Obamacare bằng một chính sách mới, dù cả hai viện quốc hội đều do Đảng Cộng hòa nắm đa số.

Bee Nguyen
Dân biểu Tiểu bang Georgia Bee Nguyễn


Về chính sách di dân, một tuần sau khi nhậm chức Tổng thống Trump ký ngay một sắc lệnh cấm cho vào Mỹ những công dân từ bảy quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi là Sudan, Iran, Iraq, Yemen, Syria, Lybia và Somalia.

Quyết định đó đã gây phản ứng mãnh liệt từ những tổ chức bảo vệ dân quyền đến những nhà ngoại giao Mỹ và đã bị tòa liên bang cho là vi hiến nên không được thi hành.

Sau đó Tổng thống Trump ký một sắc lệnh khác, không còn khắc khe như trước và bỏ Iraq ra khỏi danh sách. Lúc đầu sắc lệnh này cũng bị tòa cho là vi hiến, nhưng cuối cùng theo một phán quyết từ Tối cao Pháp viện thì sắc lệnh này hợp hiến.


Tổng thống Trump cũng đã thu hồi sắc lệnh DACA, được Tổng thống Obama ký trước đây để cho phép trẻ vị thành niên đã theo cha mẹ vào Mỹ bất hợp pháp được tiếp tục đi học và đi làm, trong khi chờ đợi có chính sách mới về di dân gọi là DREAM Act mà từ năm 2010 đã được đưa ra quốc hội mà không thông qua.

Nếu không có thỏa hiệp giữa hành pháp và quốc hội để đưa ra luật mới giải quyết khoảng 800 nghìn hồ sơ di trú của những di dân trong diện DACA, tương lai họ có thể bị trả về nguyên quán, mà đại đa số là người từ Mexico và châu Mỹ Latinh.

Về bức tường ở biên giới phiá nam, việc xây dựng đã được khởi động và kinh phí là tiền từ ngân sách Mỹ, không từ Mexico theo như ứng cử viên Donald Trump đã đề nghị khi tranh cử.

Về kinh tế, chính sách của Tổng thống Trump có những điểm tích cực là đã tạo ra nhiều việc làm, đưa mức thất nghiệp tại Hoa Kỳ xuống còn dưới 5%, là mức thấp nhất trong một thập niên qua. Sự tăng trưởng của nền kinh tế, nếu căn cứ vào chỉ số chứng khoán cũng đã tăng từ gần 20 nghìn lên đến gần 25 nghìn điểm trong năm 2017.

Sau cùng là thuế. Những ngày cuối năm 2017 tổng thống đã ký ban hành luật mới về cắt giảm thuế. Doanh nghiệp sẽ được giảm thuế từ 37% xuống 21%, thay vì 15% như đề nghị của ông Trump khi tranh cử. Đối với thuế cá nhân, nhiều người cũng sẽ được giảm theo như chính sách mới. Đây là thành công lớn nhất của Tổng thống Donald Trump sau một năm vào Bạch Ốc.

BuiVanPhu_20171218_BauCu2018_H03_KathyTran
Dân biểu Tiểu bang Virginia Kathy Trần


Về phong cách lãnh đạo, Tổng thống Trump rất khác với những vị tiền nhiệm. Ông ít gặp gỡ truyền thông, ít họp báo mà liên tục dùng Twitter để lên tiếng ngay khi có sự kiện, vấn đề gì liên quan đến các chính sách mà ông đã nghe, xem thấy trên truyền hình hay đọc được trên báo, trên mạng.
Ông cho rằng nhiều đài truyền hình như CNN, MSNBC hay đưa tin không trung thực để gây khó khăn và làm giảm uy tín của tổng thống. Theo ông, đài FOX là đáng tin cậy nhất.

Twitter của Tổng thống Trump có tới 45 triệu người theo và như thế đã cho ông cơ hội tiếp xúc thẳng với người dân, đưa ra những thông tin ông muốn mà không cần phải qua các cơ sở truyền thông chính mạch. Điều này khiến cho những đài truyền hình, hãng tin, những tờ báo lớn mất đi khả năng thông tin đến đại chúng. Với 36 nghìn tuýt (tweet) ông đã gửi ra cũng có thông tin không trung thực.

Dù không đồng ý với những phát biểu, việc làm cùng các chính sách của chính quyền Trump, truyền thông báo chí hay người dân cũng không có thể làm gì ngoài lên tiếng, biểu tình và phải chờ cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2020, khi đó cử tri sẽ bầu chọn một lãnh đạo mới.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống vào cuối 2018 sẽ là dấu chỉ cho thấy người dân có ủng hộ cách chính sách của Tổng thống Trump hay không. Hiện hai viện quốc hội do Đảng Cộng hòa đang nắm đa số, tại Thượng viện với tỉ số mong manh 51-49 và 241-194 tại Hạ viện. Tháng 11 năm nay cử tri sẽ bầu chọn lại 34 nghị sĩ thượng viện và toàn thể 435 dân biểu hạ viện.

Từ sinh hoạt chính trường toàn quốc, nhìn đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì kết quả bầu chọn tháng 11/2016 đã có những thành công đến với ứng cử viên gốc Việt. Ở tiểu bang Florida, lần đầu tiên một phụ nữ gốc Việt là bà Stephanie Murphy, tên Việt là Đặng Thị Ngọc Dung, theo Đảng Dân chủ, đã được bầu vào quốc hội liên bang và là dân biểu gốc Việt thứ nhì. Trước đó đã có Dân biểu Joseph Cao Quang Ánh, người Đảng Cộng hòa từ tiểu bang Louisianna, nhưng ông chỉ phục vụ được một nhiệm kì hai năm rồi tái tranh cử nhưng không thành công.

Trong năm 2017, qua bầu cử ở các tiểu bang, một số ứng viên gốc Việt cũng đã thành công.

Bang Virginia có bà Kathy Trần, theo Đảng Dân chủ, được bầu chọn vào hạ viện tiểu bang. Bang Georgia có bà Bee Nguyễn, theo Đảng Dân chủ, cũng trúng cử vào hạ viện của tiểu bang này. Ở bang Massachusetts có ông Dean Trần, theo Đảng Cộng hòa, trúng cử vào thượng viện tiểu bang. Ở thành phố New Orleans có bà Cyndi Nguyễn trúng cử vào hội đồng thành phố.

Cho đến nay số dân cử gốc Việt đông nhất vẫn là từ bang California nơi tập trung khoảng nửa trong số 1 triệu 500 nghìn người Việt ở Mỹ. Ở đây có Thượng Nghị sĩ tiểu bang Janet Nguyễn, người Đảng Cộng hòa, là dân cử cao cấp nhất.

Nhiều thành phố ở Quận Cam và San Jose là hai khu vực tập trung người Việt đông nhất của California cũng có nhiều dân cử gốc Việt. Thành phố Westminster có thị trưởng Trí Tạ và trong hội đồng thành phố có các nghị viên Tyler Diep và Kimberly Ho.

Thành phố Garden Grove kế bên có các nghị viên Phát Bùi, Thu-Hà Nguyễn và Kim B. Nguyễn.

Trên San Jose có các nghị viên Tâm Nguyễn và Lân Diệp trong hội đồng thành phố. Thành phố Milpitas ở kế bên có thị trưởng Richard Trần và nghị viên Anthony Phan.

Ngoài ra còn nhiều người gốc Việt khác trong các hội đồng giáo dục các cấp hay hội đồng tiện ích công cộng về nước, rác là những chức vụ dân cử cấp dưới thành phố.

Theo khảo sát của National Asian American Survey đưa ra năm 2017, số cử tri gốc Việt có 17% theo Đảng Dân chủ và 17% theo Đảng Cộng hòa, còn lại 66% coi mình là cử tri độc lập, không thuộc đảng nào. Trong kỳ bầu chọn tổng thống năm 2016, 61% cử tri gốc Việt chọn Hillary Clinton, 34% chọn Donald Trump.

BuiVanPhu_20171218_BauCu2018_H02_DeanTran
Thượng Nghị sĩ tiểu bang Massachusetts Dean Trần


Hai chính đảng hiện đang chuẩn bị để đưa ứng cử viên ra tranh chức vào Quốc hội. Riêng ở Quận Cam, từ lâu nay là đất của Cộng hòa nhưng đang có khuynh hướng chuyển dần qua Dân chủ. Trong kỳ bầu chọn năm nay, có ứng viên Mai-Khanh Trần, theo Đảng Dân chủ, ra tranh cử với hy vọng đánh bại dân biểu Cộng hòa đương nhiệm Ed Royce, nắm giữ chức này từ hơn hai thập niên qua.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump không khí chính trị Hoa Kỳ trong năm qua thật sôi nổi với nhiều thay đổi làm ảnh hưởng đến đời sống của dân mà có người cho là tốt đẹp, có người cho là làm nước Mỹ đi xuống. Người ủng hộ Tổng thống Trump nhìn vào kinh tế, vào công việc và mức lương đang có. Người phản đối nhìn vào các chính sách di dân khó khăn, về bảo hiểm y tế không còn.

Phản đối chính sách của Tổng thống Trump, nhiều dân cử của Đảng Dân chủ ở Hạ viện đã đòi đàn hạch để truất phế tổng thống. Lý do thì nhiều, từ nghi ngờ tổng thống đã bắt tay với Nga Sô tạo ảnh hưởng làm thay đổi kết quả bầu cử 2016 hay công việc đầu tư của gia đình ông cho đến những cáo buộc về hành vi sàm sỡ, sách nhiễu tình dục trong quá khứ.

Với Quốc hội có đa số cùng đảng với tổng thống, tất cả những cố gắng đưa Tổng thống Trump ra đàn hạch đều là vô vọng. Trong gần nửa thế kỷ qua, hai lãnh đạo bị đưa ra đàn hạch là Tổng thống Richard Nixon, năm 1974,và Tổng thống Bill Clinton, năm 1998, thì khi đó quốc hội đều do đảng đối lập với tổng thống chiếm đa số.

Bầu cử tháng 11/2018 sẽ hé mở cho biết lộ trình chính trị nước Mỹ đi về đâu trong hai năm cuối của chính quyền Trump.

Bùi Văn Phú

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Agneta Pleijel, sinh tại Stockholm năm 1940, là nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, người viết film, giáo sư kịch nghệ, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng của Thụy Điển.
Những năm 1930’, nước Mỹ và thế giới chênh vênh giữa cuộc đại suy thoái và bờ vực thế chiến.
Đầu 1950’, sau khi chúng tôi dọn nhà từ phố Hàng Đậu về phố Gia Long, một ngày ông bố tôi hớn hở khoe với bạn bè và các nhân viên trong công ty: Này, thằng Phúc con moa nó đỗ Bắc oong rồi (Tú Tài một).
Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa
Tôi là nhân chứng của sự hình thành tạp chí Sáng Tạo, nhìn thấy ít nhất một phần những yếu tố đã làm cho Mai Thảo trở thành con chim đầu đàn của nhóm văn chương lừng lẫy của thời kỳ văn học chạy dài suốt từ một chín năm tư đến một chín bẩy lăm.
Thế giới có triệu điều không hiểu Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chào bạn, người khách trẻ của tôi Đặt chân vào cõi tan tác này
Chúng tôi cũng như mọi người thường suy nghĩ về Cái chết, về Linh hồn, về cõi đời sau khi chết, nhưng hơi nhiều hơn mọi người.
Chiếc xe limousine đậu sẵn ngoài sân cỏ. Khách bắt tay tạm biệt chủ, thong thả bước xuống bậc thềm. Đùng một cái, một trái pháo rơi nổ ngay phía trước mặt.
chim bay rớt khăn tang. người về soi dấu tích.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.