Hôm nay,  

Allan Hunter & Hollywood, Một Thế Giới Khác

27/03/201800:05:00(Xem: 2746)
Alan va tac gia
Allan Hunter và tác giả John Finley, chụp năm 1973.


John Finley

Tác giả sách Ravishing Love
viết về Allan Hunter gửi riêng cho Việt Báo
Giới thiệu, trích dịch: Cung Mi

Những năm 1930’, nước Mỹ và thế giới chênh vênh giữa cuộc đại suy thoái và bờ vực thế chiến. Một ngày, có người lính Mỹ mặc quân phục tìm tới Hollywood. Sau lễ chủ nhật tại nhà thờ, được Allan Hunter thăm hỏi, người lính nói “Tên tôi là Jimmy Roosevelt,” và hai người kết bạn. Tình bạn lâu dài của họ liên hệ tới lịch sử.

Anh lính Jimmy là con trai của Franklin D. Roosevelt, vị Tổng Thống Hoa Kỳ thời thế chiến II, người duy nhất cầm quyền liên tục ba nhiệm kỳ (1933 -1945). Cũng chính TT Roosevelt đã mở đường cho Hollywood vào thời hoàng kim. Và suốt thời kỳ này, người lãnh đạo tinh thần tại kinh đô điện ảnh là Dr. Allan A. Hunter, mộât nhà tu nhập thế viết văn, sứ giả của hòa bình, hòa giải.

Sang thập niên 60’, khi đã là một Thượng Nghị Sĩ, Jimmy Roosevelt cố vấn cho Tổng Thống Kennedy rằng nên chú ý và lắng nghe tiếng nói từ Hollywood. Đây là lúc Allan Hunter từ Hollywood đang chống việc Hoa Kỳ cam thiệp vào tình hình xung đột ở Việt Nam. Lời cố vấn bị JFK bỏ qua. Sau đó là Sàigon đảo chính, anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết. Chiến tranh VN nổ lớn. Sau trận chiến Mậu Thân 1968, nước Mỹ bị xô vào hoảng loạn và hậu quả là Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ rơi, cả miền Nam tự do bị dìm vào thảm họa.

John Finley, tác giả sách Ravishing Love, đồng ý rằng đây là thành tích của phong trào phản chiến tại Mỹ. Thay vì bị lèo lái bởi mấy tay trí thức khuynh tả, số phận miền Nam VN và thế giới ngày nay đã khác hẳn, nếu phong trào phản chiến thời ấy được dẫn đường bởi một người chân chính thực sự chống chiến tranh. “Đúng vậy. Người dẫn đường đúng nhất là Allan Hunter, bạn tôi.” John Finley nói, và trao cuốn sách cho Việt Báo.

Gandhi - Muriel Lester 1931
Tinh thần, ý chí Gandhi tới với Hollywood: Nữ sứ giả hòa bình người Anh Muriel Lester, người từng đồng hành cùng Mahatma Gandhi, thành
bạn thân nhất của Alan.



Allan Hunter, vị thầy của Tình Yêu Tình Bạn

Đó là cách viết về Allan Hunter của tác giả sách Ravishing Love / Transformation Through the Power of Love -- Tình Yêu Tuyệt Đẹïp / Chuyển hóa bằng Năng lượng Yêu thương.

John Finley nhà giáo văn chương Anh ngữ, từng là một trưởng ban nhạc --lead guitar-vocalist. Từ những năm 60’, khi còn là một chàng hippy choai choai, John đã tìm đến dự các khóa tu tập tâm linh với Allan Hunter. Vị lãnh đạo tinh thần của Hollywood luôn nhắc người bạn trẻ tuổi, “Không gọi mục sư hay ông cha ông thầy. Gọi là bạn. Sau này có nhớ, hãy gọi là “Allan Hunter bạn tôi”.

“Đây là hình chụp với bạn tôi.” John Finley nói.


Đương nhiên, từ lâu, đã có nhiều sách và phim tài liệu về Allan Hunter và Mout Hollywood Church. Nhưng với John Finley, người đã nhiều năm tu tập trực tiếp cùng Allan Hunter, cộng thêm sự lãnh hội tinh thần Phật Giáo Tây Tạng qua lời Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng dạy sau này, trong sách Ravishing Love của ông, vị thầy của tình yêu tình bạn xuất hiện trong một tầm nhìn khác. Ngay lời mở đầu sách, tác giả John Finley viết:

“Chúng ta đang sống trong tiếng kêu cứu trước các cuộc chiến vì xung đột cực đoan kéo dài. Rõ ràng chưa hề có một giải pháp thỏa đáng. Tại Hoa Kỳ, cũng như tại nhiều phần đất khốn khó trên thế giới, các nhu cầu tinh thần của nhân loại không hề được đáp ứng. Trọng tâm của sách này là những bài học về sức mạnh chuyển hóa yêu thương từ Allan Hunter. Ông đã thức tỉnh trước tiếng kêu cứu trong những điều kiện ác mộng của thực tại, và đã chỉ ra cách tự tu tỉnh giản dị mà mạnh mẽ, thành thực mà thiết thực và mang đến cho chúng ta, từng cá nhân, những trải nghiệm thực sự từ cuộc sống.”

Aldous Hexley, 1936
Aldous Huxley, tác giả Brave New World, đã cảnh báo một tương lai khủng khiếp cho nhân loại. Tuy gọi nhà thờ là nơi bán toàn thần thoại cũ, ông vẫn tìm tớiõ với Allan và Hollywood.



Ơn thiêng: Từ Người Tù Binh Thế Chiến Một tới nhà thơ Tagore bên cửa sổ

Allan Hunter sinh năm 1892, con trai một mục sư, sớm mồ côi mẹ. Lớn lên, tốt nghiệp tại Princeton, chàng sang Ai Cập nhận việc làm. Sau hai năm dạy đại học, Allan chuyển sang làm quản lý cho một tổ chức Hồng Thập Tự. Đó là thời trên 19 triệu người bị giết vì đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Công việc của Allan thường ở ngay tuyến đầu, để kịp thời tiếp tế nhân đạo tới các nạn nhân cả hai phe lâm chiến.

Năm 1918, khi thế chiến đang kết thúc, một ngày nóng nực, trên con đường bụi mù bên sông Jordan ở Jericho, Allan đối mặt với đám tù binh Thổ Nhĩ Kỳ vừa bị bắt. Khi nhìn vào người lính Thổ thuộc phe bị đánh bại và nhạo báng, đột nhiên Allan nghe thấy một tiếng kêu, "Cha ơi, tha thứ cho họ vì họ không biết mình làm gì." Ngay lập tức Allan nói thành tiếng, "Và tha thứ cho tôi nữa, tôi cũng không biết tôi phải làm gì, tôi cũng dự phần gây tội vì đã không nhận ra tình yêu." Chính là từ khoảnh khắc của tiếng kêu ấy, Allan nhận ra ơn tha thứ của Thiên Chúa tràn ngập trong chàng. Ơn thiêng ấy mạnh mẽ tới mức chàng thấy mình như vừa được tái tạo thành một người khác. “Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống,” câu nói của Mahatma Gandhi tức thì hiện ra trong đầu chàng. Thời ấy, gỉai văn chương Nobel 1913 đã được trao tặng Rabindrana Tagore. Và trong giới giáo sĩ phương tây, E. Stanley Jones từng ngợi ca “Gandhi là một trong số các Đấng Christ, giống như những linh hồn của lịch sử cận đại."

schweitzer
Dr. Albert Schweitzer Nobel Hòa Binh 1952. 



Cũng như cuộc gặp gỡ của Phao-lô với Jêsus trên đường đi Damascus, cuộc gặp gỡ với người lính Thổ tù binh tại Jericho đã khiến Allan hiểu ra ơn thiêng mà ông nhận chính là tình yêu. Từ bên sông Jordan, dòng sông trong vùng đất thánh Do Thái-Palestine, ngay khi Thế Chiến Một kết thúc, Allan tìm đường sang Ấn Độ. Tại đây, sau khi thăm trường học đầu tiên của nhà thơ, Allan trực tiếp gặp Rabindranath Tagore. Câu chuyện tới hồi liên quan đến Thượng đế, thay vì trả lời một câu hỏi, Tagore đứng lên đưa Allan tới bên một cửa sổ đang mở ra vườn cây xanh tươi. Nhà thơ đạo Hindu râu tóc trắng xóa như đạo sĩ trang trọng đặt tay lên vai chàng Allan 26 tuổi và nói, “Thiên chúa muốn thấy cảnh này cũng như muốn thưởng thức mọi vẻ đẹp khác từ cuộc sống, thông qua đôi mắt bạn.”

Từ đây cho tới suốt quãng đời còn lại, khi cầm bút viết văn cũng như làm công việc một nhà tu nhập thế, năng lượng và sức mạnh từ tình yêu luôn được Allan vận dụng trong việc tạo ra những phương cách tu tỉnh để sống yêu, sống đẹp cho mình và cho đời.

Từ 1926, Allan Hunter trở thành vị mục sư duy nhất liên tục 37 năm lãnh đạo nhà thờ đỉnh đồi Hollywood, dẫn đầu Hội đồng giáo đoàn Thiên Chúa Giáo Presbyteriant tại Nam California.

Odetta's profound influence on American folk music. For over 50 years
Và đại danh ca Odetta tiếng hát của 7 thế hệ.



Hollywood và Một Thế Giới Khác

Với 37 năm thời Allan Hunter, Hollywood mau mở ra một thời hoàng kim, từng được coi là “cuộc cách mạng truyền thông” trong những năm 30’. Đó là một Hollywood khác hẳn ngày nay.

Thời ấy, những tên tuổi tài ba nhất của hơn một thế hệ nghệ sĩ gắn bó với giáo đoàn và tận tụy phụng sự xã hội. Thay vì chỉ là tiệc cưới tại lâu đài xa hoa, đại tài tử John Barrymore mang cô dâu tới nhà thờ đỉnh đồi Hollywood nhờ Alan làm lễ. Cũng tại đây, Alan đứng bên Spencer Tracy --2 giải Oscar, 9 lần được đề cử-- hỗ trợ việc bà vợ Louise Tracy xây bệnh viện phi lợi nhuận giúp người điếc. Tiếng hát dân ca bất tử của Odetta dẫn đầu ban hợp xướng nhà thờ. Đạo diễn Hugh Beaumont, cha đẻ phim bộ truyền hình "Leave it to Beaver" lừng lẫy thời 1950’, phụ trách hướng dẫn chương trình thanh thiếu niên của nhà thờ.

Mt. Hollywood Church trở thành nơi phụng sự chân lý chứ không phải giáo điều. Nhà thờ nhấn mạnh việc thiền định, tu tỉnh tinh thần, chấp nhận kiểm soát sinh sản, tin tưởng vào giá trị của tư vấn hôn nhân, bảo vệ quyền hôn nhân giữa các chủng tộc, chống kỳ thị màu da hay giới tính.

Thời thế chiến Hai, từ 1941, Mt. Holywood đã mạnh mẽ chống việc bắt giam người Mỹ gốc Nhật. Allan Hunter thường xuyên thăm khu trại tập trung Manzanar, nơi giam giữ hơn 100,000 người gốc Nhật. Ông cũng phát biểu trước Ủy Ban Nhà Nước Hoa Kỳ, tranh đấu cho quyền của người Mỹ gốc Nhật. Nhà thờ là nơi lo bảo vệ tài sản, lo nơi tạm trú cho người gốc Nhật.

220px-Ralph_Bunche_-_1963_March_on_Washington
Ralph J. Bunche, nhà ngoại giao Mỹ gốc Phi châu đầu tiên nhận Nobel hòa bình 1950.



Hollywood đã trở thành diễn đàn chung cho tất cả những ý tưởng tiến bộ và đột phá của thế giới trí tuệ và tinh thần. Nhà văn Nhật Toyohiko Kagawa, người 3 lần bị cầm tù vì công khai đối diện Nhật Hoàng kêu gọi chống quân phiệt, đã tìm đến với Allan. Cùng lên tiếng từ Mt. Hollywood còn có Mục sư Heinrich Gruber, nguyên là nhà lãnh đạo giáo đoàn Berlin, từng che chở người Do Thái, công khai chống Hiler và phát xít. Thêm Ralph Johnson Bunche, người Mỹ gốc Phi châu đầu tiên nhận Nobel hòa bình năm 1950.

Trong cuốn sách Three Trumpets Sound viết năm 1940, Allan Hunter chọn nhà thần học, nhà văn, triết gia và bác sĩ người Đức gốc Pháp Albert Schweitzer là anh hùng. Chín năm sau, khi Schweitzer tới Colorado, hai người gặp nhau. Sau đó ba năm, Dr. Albert Schweitzer được trao tặng Nobel Hòa Binh 1952 về triết học “Tôn Vinh Sự Sống” và về việc ông lập ra Bệnh viện Albert Schweitzer ở tây nam trung tâm châu Phi.

Allan sùng kính Mahatma Gandhi. Năm 1919, khi ở Ấn Độ, ông không thể gặp vì Gandhi đang bị cầm tù, nhưng bù lại, nhà hoạt động hòa bình Muriel Lester, người phụ nữ Anh cao quí đã đồng hành bền bỉ cạnh Gandhi trong bộ phim về cuộc đấu tranh bất bạo động khắp Ấn Độ, sau này trở thành người bạn thân nhất của Alan. Muriel tin Thiên chúa, thường tranh cãi gay gắt với nhà văn Aldous Huxleyưa chế riễu nhà thờ. Họ khác nhau nhưng cùng đến với Allan Hunter.

Với những trải nghiệm từ hai cuộc thế chiến, Allan Hunter hiểu biết về chế độ chuyên chế tại Nga, Trung Quốc và kinh nghiệm về đòn phép cộng sản. Ngay tại Hollywood, một phụ nữ trẻ nghiêm nghị đã chăm chỉ tham gia giáo đoàn. Sau đó, trong một buổi cầu nguyện, Allan nhẹ chàng yêu cầu cô chia sẻ câu chuyện thật. Người phụ nữ đứng lên khóc nức nở và thừa nhận là đảng cộng sản gửi cô tới để gây ảnh hưởng tới giáo đoàn, cô thành khẩn xin tha thứ và ra đi...

Louise-Spncer Tracy_OK
Vợ chồng tài tử Louisie & Spencer Tracy.



Còn đó, kinh nghiệm và cảnh báo

Đó là sơ lược về Allan Hunter với tầm nhìn khác. Có thể đúng như John Finley thấy, Allan biết ứng xử trước đòn phép cộng sản. Nhưng sau khi JFK bỏ qua lời cố vấn của TNS Roosevelt năm 1963, Allan phải rời Hollywood về hưu và tình hình đã khác. Dù sao, còn đó, kinh nghiệm và cảnh báo.

Một trong những cảnh báo mà Allan mang tới Hollywood là Aldous Huxley, tác giả cuốn tiểu thuyết Brave New World từ 1932 đã dự báo về tương lai nhân loại trước bước tiến hung hãn của khoa học, chính trị: Ngay giữa thiên kỷ này, trẻ sơ sinh biến đổi di truyền được sản xuất trên dây chuyền lắp ráp, các chế độ độc tài mọc như nấm, nước Mỹ hợp pháp hóa hố phân biệt xã hội và kinh tế theo giàu nghèo, trí thông minh nhân tạo thay thế con người, sự bất mãn bị dập tắt bằng quảng cáo, thuốc an thần, các trò giới tính và giải trí./.

Cung Mi sơ lược.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Agneta Pleijel, sinh tại Stockholm năm 1940, là nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, người viết film, giáo sư kịch nghệ, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng của Thụy Điển.
Đầu 1950’, sau khi chúng tôi dọn nhà từ phố Hàng Đậu về phố Gia Long, một ngày ông bố tôi hớn hở khoe với bạn bè và các nhân viên trong công ty: Này, thằng Phúc con moa nó đỗ Bắc oong rồi (Tú Tài một).
Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa
Tôi là nhân chứng của sự hình thành tạp chí Sáng Tạo, nhìn thấy ít nhất một phần những yếu tố đã làm cho Mai Thảo trở thành con chim đầu đàn của nhóm văn chương lừng lẫy của thời kỳ văn học chạy dài suốt từ một chín năm tư đến một chín bẩy lăm.
Thế giới có triệu điều không hiểu Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chào bạn, người khách trẻ của tôi Đặt chân vào cõi tan tác này
Chúng tôi cũng như mọi người thường suy nghĩ về Cái chết, về Linh hồn, về cõi đời sau khi chết, nhưng hơi nhiều hơn mọi người.
Chiếc xe limousine đậu sẵn ngoài sân cỏ. Khách bắt tay tạm biệt chủ, thong thả bước xuống bậc thềm. Đùng một cái, một trái pháo rơi nổ ngay phía trước mặt.
chim bay rớt khăn tang. người về soi dấu tích.
Đào Hiếu và Hoàng Cầm, hai con người, hai thế giới nhưng lại có những nét tương đồng rất ngộ nghĩnh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.