Hôm nay,  

TT Thiệu Liều Mạng Giúp Ông Nixon Lên Tổng Thống

20/03/201800:05:00(Xem: 10835)
Nguyen_Van_Thieu_with_map_(cropped)
Tổng Thống Thiệu và tấm bản đồ


Chiếc xe limousine đậu sẵn ngoài sân cỏ. Khách bắt tay tạm biệt chủ, thong thả bước xuống bậc thềm. Đùng một cái, một trái pháo rơi nổ ngay phía trước mặt. Khách vội vã bước vào xe, tài xế đóng sập cửa. Chiếc xe mầu đen có còi hụ phóng đi vun vút. Đoàn tùy tùng theo sau.

Chắc là một điềm gở? Ông Nguyễn Văn Thiệu vừa thắng cử, Tổng thống Lyndon Johnson gửi Phó Tổng Thống Hubert Humphrey sang Sàigòn dự lễ tấn phong. Sau phần nghi lễ, ông Humphrey vào gặp ông Thiệu ở Dinh Độc Lập. Trong giây phút huy hoàng của ngày đăng quang, ông Thiệu vui vẻ tiếp vị quốc khách. Chắc rằng Phó Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ có những lời chúc tụng, an ủi, làm yên lòng vị tổng thống đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hoà.

Thế nhưng, vừa uống xong ly trà, Humphrey đã chậm rãi: "Ngài cần biết về tình hình chính trị ở Hoa Kỳ, hiện nay đã đến lúc cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp để Miền Nam có thể tự lực, tự cường."

"Vâng tôi hiểu," ông Thiệu đáp, "nhưng chúng tôi còn cần phải có sự hiện diện của Hoa Kỳ với mức độ hiện tại."

"Thêm vài năm nữa với cùng một mức độ viện trợ quân sự và kinh tế như hiện nay thì chắc không thể có!" Humphrey nói tiếp. Ông Thiệu lắng nghe, tàn than điếu thuốc lá Gauloise ông đang hút dở rớt ngay xuống tấm thảm dầy. Nói xong, phái đoàn ông Humphrey tạm biệt. Ông Thiệu tiễn đưa khách quý ra thềm Dinh Độc Lập. Vừa bước xuống thềm, chính ông Humphrey đã mục kích cảnh pháo kích rơi ngay trước Dinh.

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 42 năm mà dư âm của nó vẫn còn phảng phất đâu đây: cuộc điều tra việc TT Putin giúp ông Trump lên chức tổng thống (giống như câu chuyện trong bài này) đang diễn ra hàng ngày, và chắc phải kết thúc vào năm 2018.

TT Thiệu kể lại với chúng tôi rằng từ sau cuộc gặp gỡ, ông đã có một ấn tượng rất rõ rệt về ông Humphrey: ông này mà làm Tổng Thống thì Mỹ sẽ rút hết, để cho Miền Nam "tự lực, tự cường."

Nguyen Tien Hung
Tác giả bài viết: Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng Trưởng Kế Hoạch VNCH, tác giả “The Palace File (Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập) và “Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Tâm Tư Tổng Thống Thiệu...”. Hình: Giáo sư Hưng ra mắt sách tại Little Saigon.


Tết Mậu Thân

Tết Mậu Thân (31 tháng 1, 1968) là cái mốc lịch sử quan trọng. Sau khi mọi chuyện đã ngã ngũ, giới quân sự Mỹ thì coi đó như một thành công lón lao, nhưng đối với giới truyền thông và nhân dân Mỹ thì lại là một thất bại lớn.

Nhiều nhà bình luận cho rằng biến cố Mậu Thân là Điện Biên Phủ đối với Tổng Thống Johnson. Ông bị bại trận về tâm lý. Mệt mỏi, chán chường, ngày 31 tháng 3, đúng hai tháng sau Mậu Thân, ông tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ II. Đồng thời ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt từ trên vĩ tuyến 20 để kêu gọi đình chiến. Đình chiến xong là rút quân về.

- Bầu cử, bầu cử: Hãy đi Paris!

Tổng Thống Johnson đề cử Phó Tổng Thống Humphrey thay ông ra tranh cử . Humphrey tranh cử với lập trường chấm dứt chiến tranh, đem lại hoà bình. Nhưng nếu chấm dứt bằng cách đơn phương rút quân thì Hoa Kỳ sẽ bị cả thế giới cười cho, vì như vậy là đã thua cuộc rồi! Cho nên phải có một Hiệp Định Đình Chiến do chính Việt Nam Cộng Hoà ký kết vào thì mới có danh chính ngôn thuận cho việc giải giới.

Kế hoạch của ứng cử viên Humphrey được thành hình vào tháng 5, 1968, khi ông Cyrus Vance đại diện cho Hoa Kỳ và ông Hà văn Lâu đại diện cho Bắc Việt đến họp tại Paris để thảo luận về chi tiết những cuộc hoà đàm bốn bên gồm Hoa Kỳ, Bắc Việt, Nam Việt và Mặt Trận Giải Phóng. TT Thiệu từ chối không gửi phái đoàn VNCH tham dự hòa đàm vì điều kiện của ông là trực tiếp đàm phán với Hà Nội, còn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì chỉ được tham gia như một phần của phái đoàn Bắc Việt mà thôi.

Nhưng nếu không có phái đoàn VNCH tham dự thì ông Humphrey không thể thắng cử vì viễn tượng hoà bình sẽ không ló rạng vào ngày bầu cử 5/11/1968. Cho nên, càng gần ngày bầu cử, áp lực từ Washington đến với Sài Gòn càng mạnh. Đại Sứ Ellsworth Bunker tìm mọi cách thuyết phục TT Thiệu gử iphái đoàn sang Paris trước ngày bầu cử.

- Bầu cử, bầu cử: Đừng Đi Paris!

3-1024x682_Nixon-Madam Chennault
Tổng Thống Nixon và Anna Chennault.



Cùng lúc ấy, ông Thiệu lại nhận được những lời ve vãn từ phía đối thủ của ông Hubert Humphrey, đó là ứng cử viên Richard Nixon. Thông điệp phía Nixon lại trái ngược hẳn với thông điệp của TT Johnson: "chớ có tham gia hoà đàm Paris, cố trì hoãn càng lâu càng tốt để đợi ông Nixon lên Tổng Thống, mọi chuyện sẽ tốt đẹp."

Nhân vật chính yếu làm trung gian lúc đó là bà Anna Chennault. Bà Chennault rất được ông Thiệu tin cậy. Bà là người gốc Trung Hoa, quả phụ của tướng Claire Chennault, chỉ huy đoàn Phi Hổ (Flying Tigers) chống Nhật hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Bà đóng một vai trò chủ yếu trong nhóm "Vận động cho Trung Hoa" (China Lobby) ở Washington và gây quỹ tranh cử cho đảng Cộng Hòa.

Trong năm 1968, Anna Chennault thăm viếng Sàigòn thường xuyên để thông tin cho TT Thiệu về sự tranh cử của Nixon và về những quan điểm của ông ta đối với Việt Nam. Bà nói với ông Thiệu rằng Nixon sẽ là một người ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ hơn Humphrey nhiều.

Khi viết cuốn sách The Palace File (\“Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập” - do Cung Tiến và Nguyễn Cao Đàm dịch sang tiếng Việt) chúng tôi gặp lại bà nhiều lần để yêu cầu bà cho biết rõ về câu chuyện bí mật này. Bà đã đáp lại yêu cầu, có thể là vì –trong cương vị là Tổng Trưởng Kế Hoạch của VNCH -chúng tôi đã tiếp đón bà nhiều lần tại Sài Gòn theo như ý muốn của TT Thiệu trong những năm 1974-1975 để thôi thúc bà tiếp tục vận động viện trợ cho VNCH.

Bà kể lại là trong kỳ bầu cử 1968 ông Thiệu đã liều mạng giúp ông Nixon lên chức tổng thống,“Ông bị phe Dân Chủ làm áp lực rất nặng nề. Công việc của tôi hồi ấy là cố giữ cho ông ta đừng gửi phái đoàn đi Paris tham dự hòa đàm." Bà được chỉ thị của chính ông Nixon là cứ phúc trình thẳng cho ông John Mitchell, người phụ trách ban vận động tranh cử cho Nixon.

Mưu lược của ông Thiệu

Kế hoạch của ông Thiệu là cố gắng trì hoãn quyết định của Tổng Thống Johnson về việc ngưng oanh tạc Bắc Việt và về việc Việt Nam Cộng Hòa tham dự Hoà đàm Paris.

'Lửng lơ con cá vàng,' ông không hề nói "không" với Đại sứ Bunker, mà luôn nói "có, với điều kiện." Cứ cù nhày để mua thời giờ cho ứng cử viên Cộng Hoà Richard Nixon. Trong tuần lễ chót trước ngày bầu cử, John Mitchell "hầu như mỗi ngày" đều liên lạc với bà Chennault để thuyết phục ông Thiệu đừng thay đổi lập trường trước áp lực, đe loi của Chính phủ Johnson. Cả hai người (Chennault và Mitchell) đều biết là cơ quan FBI vẫn nghe lén những cú điện thoại của họ, cho nên bà Chennault nói đùa với Mitchell qua điện thoại: "Ai đang nghe đầu dây bên kia đấy?" Mitchell thì không cho câu rỡn đó là hài hước và nói: "Bà nên dùng điện thoại công cộng, đừng nói chuyện ở sở." Lời nhắn nhủ mà Mitchell chuyển cho bà lúc nào cũng giống như nhau: "Đừng để cho ông Thiệu gửi phái đoàn sang Paris."

Một vài ngày trước bầu cử, Mitchell điện thoại cho bà Chennault, nhờ chuyển một thông điệp khác cho ông Thiệu. "Anna, tôi nói đây là theo lệnh của Nixon. Điều quan trọng là những người bạn Việt của chúng ta cần phải hiểu rõ quan điểm của Đảng Cộng Hoà, và tôi mong bà giải thích cho họ như thế."

Thieu Johnson OK
Năm 1968, Đại sứ Bunker bất lực, TT Johnson phải bay sang Honoluu gặp lại TT Thiệu... Nhưng sứ giả của Nixon còn bám sát hơn. Bà Chennault kể trong hồi ký “Công việc của tôi hồi ấy là cố giữ cho ông ta đừng gửi phái đoàn đi Paris.”



Ông Thiệu 'án binh bất động', tiếp tục không nhúc nhích, nhưng cho phía Mỹ cảm tưởng mập mờ là trước sau rồi ông cũng sẽ nghe theo để dự hoà đàm. Vào buổi trưa ngày 30 tháng 10, TT Johnson nhận được hồi âm của ông Thiệu nói sẽ chấp nhận nếu các điều kiện của ông được thỏa mãn.

Như vậy là ông Thiệu cũng chưa dứt khoát, nhưng tới đây thì TT Johnson không còn chờ đợi được nữa, nên đã thông báo ngay cho ông Thiệu về việc quyết định hành động một mình.

Johnson ấn định ngày giờ loan báo trên TV việc ngưng oanh tạc là 8 giờ tối ngày 31 tháng 10 và Hòa đàm Paris sẽ bắt đầu ngày 6 tháng 11 – chỉ một ngày sau bầu cử.

Khi TT Johnson tuyên bố về hòa đàm sắp bắt đầu, ông Humphrey vô cùng phấn khởi vì cho rằng vào lúc chót ông Johnson đã đi được một nước cờ tuyệt diệu, vừa chấm dứt chiến tranh, vừa bầu lên được người kế vị thuộc đảng Dân Chủ.

Nhưng Nixon thì khác vì ông đã giăng sẵn một cái bẫy cho Humphrey rơi vào. Nixon thừa biết rằng ông Thiệu đã quyết định không tham gia hòa đàm, cho nên cứ để cho Humphrey biểu diễn.

Lá bài tẩy

Ba ngày trước cuộc bầu cử, áp lực của Johnson gia tăng mạnh. Ông gửi một thông điệp riêng cho ông Thiệu thúc giục "Chúng ta không nên bỏ nhau trong giờ phút nghiêm trọng này."

Lá bài chót của ông Thiệu là bài diễn văn ông sẽ đọc vào Lễ Quốc Khánh, ngày 1 tháng 11trong phiên họp Lưỡng Viện Quốc Hội VNCH. Ông dùng mọi cách để giấu cho thật kín nội dung bài diễn văn để CIA không biết trước vì họ có thể chận ông bằng bất cứ cách nào. Cho nên ông đã tự viết lấy bản thảo, rồi cho ba người thư ký khác nhau đánh máy, mỗi người chỉ đánh một số trang chẳng theo thứ tự nào. Cả ba thư ký đều phải ở lại luôn trong dinh, không được đi đâu.

Sáng Thứ Bảy, ngày 1 tháng 11, 1968 một buổi sáng êm ả ở Sàigòn, khí trời khô ráo và dễ chịu vì mùa mưa vừa hết. Ông Thiệu kể lại với chúng tôi là trên đường từ Dinh Độc Lập tới Quốc Hội, ông hết sức lo ngại vì có thể ông sẽ bị CIA ám sát nếu Johnson và Humphrey biết trước được là ông sắp sửa phản phé và bác bỏ kế hoạch của Johnson, ngầm phá hoại cơ hội thắng cử của Humphrey. "Và nếu họ muốn ám sát tôi thì cũng dễ thôi. Rồi sau đó cứ đổ cho Việt Cộng hoặc là do 'âm mưu đảo chính' là xong," ông Thiệu nói, rồi ông thêm rằng một khi ông đã tới được toà nhà Quốc Hội và đọc diễn văn công khai rồi thì hết phải lo.

Khi ông Thiệu tới, máy quay phim của ba hệ thống truyền hình Mỹ đều hướng vào ông và cử tọa đồng loạt đứng dậy vỗ tay. "Này Công Dân ơi, Quốc gia đến ngày giải phóng," mọi người nghiêm chỉnh chào quốc kỳ.

Khi bắt đầu đọc diễn văn, ông Thiệu xúc động rõ rệt, nhưng cương quyết. Sau phần mở đầu ngắn ngủi, ông cất cao tiếng nói. Bằng một giọng đanh và sắc, ông đòi Bắc Việt trực tiếp đàm phán với Việt Nam Cộng Hòa. Việt Cộng sẽ chỉ tham gia như một phần của phái bộ Bắc Việt mà thôi. Nhấn mạnh từng chữ, ông nói:

"Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa rất tiếc là không thể tham dự những cuộc hòa đàm sơ bộ hiện nay tại Paris."

Cả Quốc Hội nghe đến đó đều đồng loạt đứng dậy vỗ tay thật lâu. Đèn chiếu và máy quay phim bỗng đổ dồn về phía Bunker. Sau này, ông Thiệu kể lại : "Tôi còn nhìn thấy rõ là ông Bunker lúc ấy cố làm ra vẻ bình tĩnh mà không được. Ông toát cả mồ hôi ra. Nhìn gương mặt ông, tôi không khỏi ái ngại, nhưng tôi không thể làm gì khác hơn được. Tôi không thể chấp nhận tình trạng có thể đưa mình tới chỗ liên hiệp với Mặt Trận Giải Phóng." Bài diễn văn của ông Thiệu kéo dài 27 phút và bị những tràng pháo tay làm gián đoạn mười tám lần.

Nixon_Thieu_South VN 1969
Và đây là cách Ông Thiệu nhìn Ông Nixon. khi hai vị Tổng Thống gặp mặt năm 1969.



Tờ Washington Post đăng tít hàng đầu: "NAM VIỆT NAM TẨY CHAY HÒA ĐÀM NGÀY 6 THÁNG 11", và phần tin tức của bài báo ghi rằng: "Hậu quả hành động của ông Thiệu là làm cho người ta nghi ngờ về những nước cờ của Mỹ nhằm mở cuộc thương thuyết với Cộng Sản để chấm dứt chiến tranh."

Vì ánh sáng của hòa bình bất chợt bị lu mờ cho nên ông Nixon đã thắng cử, dù chỉ với 43.4% tổng số phiếu toàn quốc, so với 42.7% cho Humphrey, hơn nhau chỉ nửa triệu phiếu. Nếu tính cho tròn theo phương pháp thống kê thì mỗi người được bằng nhau là 43%.

Sau này, chính Tổng Thống Johnson đã xác định trong cuốn hồi ký của ông "The Vantage Point" rằng: "Ngày 1 tháng 11, sau khi cho hay là sẽ đi dự Hoà Đàm Paris, nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa lại quyết định không tham dự. Tôi tin chắc rằng sự việc đó đã làm cho ông Humphrey thất cử."

Câu hỏi là tại sao TT Johnson đã có bằng chứng là chính ông Nixon chỉ thị việc nhờ cậy TT Thiệu giúp thắng cử mà không truy tố hay cho điều tra (như vụ Trump-Putin hiện nay)? Đó là vì há miệng mắc quai, nếu truy tố thì lại rõ là TT Johnson cho lệnh nghe lén điện thoại!

Sau này trong tape mới được giải mật, TT Johnson còn dùng chữ “phản quốc” (treason) để nói về biến cố này.

Tính mạng ông Thiệu lung lay

Nếu như tin ông Nixon thắng cử có làm cho ông Thiệu hài lòng đôi chút thì nó cũng chỉ là trong chốc lát. Đại sứ Bunker và cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vô cùng bực tức về ông.

Tờ New York Times thuật lại việc Bộ Trưởng Quốc phòng Clark Clifford đã không đè nén được sự nổi giận của ông về việc ông Thiệu đã chống lại cuộc đàm phán vào giây phút chót. Ở Sàigòn, lời cảnh cáo của Clifford được giải thích là Johnson đang nổi sùng với ông Thiệu và có thể quyết định lật đổ ông. Ông Thiệu kể lại: "Nếu Johnson lật đổ tôi trước khi Nixon nhậm chức, thì cái đó hẳn là một giải pháp êm đẹp nhất cho Nixon: ông ta sẽ khỏi phải đích thân lật đổ tôi. Tôi đâu có căn cứ chính sách của VNCH vào một cá nhân duy nhất, mà vào chính sách của Hoa Kỳ.”

Sau này, khi lên truyền hình đọc bài diễn văn từ chức vào ngày 22 tháng Tư, 1975, ông Thiệu còn nhắc lại rằng: "Vào những ngày vô cùng khó khăn năm 1968, áp lực của Mỹ đè lên chúng ta không phải là nhỏ." Ông đã không nói đến việc là chính tính mạng của ông cũng đã lung lay. Tác giả nổi tiếng Seymour Hersh trong cuốn "The Price of Power", sau khi đúc kết các tài liệu về vụ này cho hay rằng sau cuộc bầu cử 1968, chính ông Kissinger đã báo động cho phía Nixon về mưu đồ của Bộ Trưởng Quốc Phòng Clark Clifford và cảnh cáo: "Nếu ông Thiệu chịu chung một số phận với ông Diệm thì tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nghĩ rằng làm kẻ thù của Mỹ có thể là nguy hiểm, chứ làm bạn với Mỹ thì chắc chắn là chết."

Ball_Of_Confusion_Chennault_3_tx800
Anna Cheng, nhà báo Trung Quốc thời thế chiến hai thành góa phụ Tướng Mỹ Claire Lee Chennaut, một sứ giả lợi hại...



Về phía ông Nixon thì bà Channault kể lại với chúng tôi rằng: chỉ vài ngày sau khi Nixon thắng cử, cố vấn của Nixon là Mitchell đã điện thoại yêu cầu bà nói với ông Thiệu là "nên tham dự ngay các cuộc hòa đàm ở Paris." Bà vô cùng tức giận, cho rằng Nixon đã phản bội. Bà còn nhớ trước ngày bầu cử, Mitchell đã gọi các cuộc hòa đàm ở Paris là "giả mạo", xúi ông Thiệu đừng tham dự, lúc nào cũng giục "hãy cố thủ" (please hold on!) mà bây giờ lại trở mặt, cho việc gửi đại diện tham dự là quan trọng.

Thế nhưng, Nixon đã lên lưng ngựa rồi, bây giờ lại có cố vấn Henry Kissinger ngồi bên cạnh, đâu còn cần ai nữa! "Đường ta, ta cứ đi" - Kissinger thúc đẩy ông Nixon phóng ngựa trực chỉ tới đích.

Nguyễn Tiến Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Agneta Pleijel, sinh tại Stockholm năm 1940, là nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, người viết film, giáo sư kịch nghệ, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng của Thụy Điển.
Những năm 1930’, nước Mỹ và thế giới chênh vênh giữa cuộc đại suy thoái và bờ vực thế chiến.
Đầu 1950’, sau khi chúng tôi dọn nhà từ phố Hàng Đậu về phố Gia Long, một ngày ông bố tôi hớn hở khoe với bạn bè và các nhân viên trong công ty: Này, thằng Phúc con moa nó đỗ Bắc oong rồi (Tú Tài một).
Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa
Tôi là nhân chứng của sự hình thành tạp chí Sáng Tạo, nhìn thấy ít nhất một phần những yếu tố đã làm cho Mai Thảo trở thành con chim đầu đàn của nhóm văn chương lừng lẫy của thời kỳ văn học chạy dài suốt từ một chín năm tư đến một chín bẩy lăm.
Thế giới có triệu điều không hiểu Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chào bạn, người khách trẻ của tôi Đặt chân vào cõi tan tác này
Chúng tôi cũng như mọi người thường suy nghĩ về Cái chết, về Linh hồn, về cõi đời sau khi chết, nhưng hơi nhiều hơn mọi người.
chim bay rớt khăn tang. người về soi dấu tích.
Đào Hiếu và Hoàng Cầm, hai con người, hai thế giới nhưng lại có những nét tương đồng rất ngộ nghĩnh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.