Hôm nay,  

NỤ HỒNG ĐẤT VIỆT

11/09/201912:32:00(Xem: 4309)

Nu Hong Dat Viet                                 


Là những nữ sinh của một trong ba trường nữ trung học công lập lớn nhất của miền Nam Việt Nam trước 1975 mang tên của một vị công thần giúp vua Gia Long khởi nghiệp xây dựng đất nước, chiều ngày 7 tháng 9 năm 2019 tại Orange County, những chiếc áo dài màu xanh lá cây đẹp mắt của các  các chị cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt đang tung bay trước nhà hàng Diamond Seafood Palace. Tấm “banner” với những giòng chữ “ Hội Ái Hữu Trường Trung Học Lê Văn Duyệt” và giòng chữ nhỏ “ 96 đại lộ Lê Văn Duyệt” gợi nhớ hình ảnh mái trường xưa và quãng đời học sinh áo trắng.

Chúng tôi bước vào hội trường đã thấy không khí đông vui của ngày hội lớn. Các bàn tiệc xếp chung quanh sân khấu ; đèn, hoa trang trí rực rỡ ;  những tà áo dài đủ màu, đủ kiểu của các chị lượn qua lại như những cánh bướm ; tiếng cười nói reo vui của bạn hữu tình cờ gặp nhau hay của những người bạn lâu ngày gặp lại ; hòa lẫn với âm thanh của  những bài hát vang lên trước giờ khai mạc làm cho người tham dự cảm thấy lòng mình hân hoan, chan hòa với niềm vui hội ngộ.

Năm ngoái chủ đề của chương trình Đại Hội Lê văn Duyệt 2018 là “Kỷ Niệm Dấu Yêu”. Năm nay, chủ đề của chương trình là “ Nụ Hồng Đất Việt”. “Nụ Hồng” là hình ảnh các chị em cựu học sinh Lê văn Duyệt, các chị sẽ thi thố và biểu diễn những tài năng còn tiềm ẩn, hứa hẹn đêm nay sẽ  cống hiến cho khán giả hình ảnh người phụ nữ Việt nam lồng trong một chương trình văn nghệ độc đáo và phong phú.

Mở đầu, hai MC duyên dáng của hội là chị Thanh Hằng và Kim Kiểm  thay phiên nhau điều khiển chương trình gồm có ba phần, phần nghi thức khai mạc, kế đó là nhập tiệc, văn nghệ, xổ số và cuối cùng là phần dạ vũ.

Cũng như các buổi lễ trang trọng khác, nghi thức khai mạc là những lời chào mừng quan khách, phần chào và hát  quốc kỳ Hoa Kỳ và Việt Nam và phút mặc niệm. Ba mươi chị cựu nữ sinh Lê văn Duyệt xinh đẹp, vui tươi, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi cùng với màu áo đồng phục xanh lá cây vang lên lời bài hát “Về Mái Trường Xưa” của tác giả Kim Ân hay còn gọi là bài “Lê Văn Duyệt Hành Khúc “ Trao nhau tình bạn thân thương từ trường cũ ...Mênh mông bao la nhớ ơn Cô Thầy ...Lòng ta luôn nhớ tháng năm xưa...với áo trắng nên thơ...Ôi Lê Văn Duyệt mến yêu...”

Phần tiếp theo là giới thiệu thành phần quan khách tham dự gồm có  các Thầy Cô trong ban cố vấn như cô Vũ Ngọc Mai, Cô Lê Thu và phu quân ; các thầy Nguyễn Ngọc Đường và phu nhân, cô Nguyễn Hồng Nhung, thầy Phó Đức  Long, cô Nguyễn Thanh Hương, cô Nguyễn Thị Thục, cô Nguyễn Thị Tịnh và phu quân. Ngoài ra còn có các hội đoàn, các trường bạn, các nhà Mạnh Thường Quân, các cơ quan truyền thông, các chị cựu nữ sinh Lê văn Duyệt và phu quân cùng các thân hữu. 

Chị trưởng ban tổ chức Trần An Hảo là  cựu học sinh Lê Văn Duyệt thế hệ 1974 gửi lời cảm ơn quan khách và chị  Mỹ Đà hội trưởng đã giới thiệu Ban Chấp Hành mới.Chị đọc bài diễn văn khai mạc  nhắc lại những kỷ niệm của ngôi trường Lê Văn Duyệt năm xưa, bày tỏ niềm tự hào là người phụ nữ Việt Nam trong đời thường và qua những biến động lịch sử từ quá khứ cho đến gần đây nhất là sau 75 vẫn giữ được khí tiết thủy chung, kiên cường, tài giỏi để quán xuyến gia đình và tham gia công việc xã hội.

 Sau đó, Chị MC giới thiệu Ban Chấp Hành  mới niên khóa 2019- 2020 gồm các chị Đinh Mỹ Đà (hội trưởng), Vũ Thị Đan (phó hội trưởng), Cao Minh Châu (tổng thư ký), Trần An Hảo (thủ quỹ), Hạ Lan Anh ( trưởng ban văn nghệ), Nguyễn Kim Oanh (trưởng ban xã hội). Chị Mỹ Đà tặng hoa cho chị cựu hội trưởng Đặng Kim Kiểm và các chị trong ban chấp hành. Với những cành hồng trên tay, các chị đã nhận những tràng pháo tay cỗ võ nồng nhiệt của quan khách.  

Cô Vũ Ngọc Mai , cựu giáo sư Lê Văn Duyệt, con chim đầu đàn và cũng là giáo sư cố vấn của Hội, tuy đã lớn tuổi nhưng giọng nói cũng như tiếng hát của cô còn khỏe lắm, cô đã đã được mời lên phát biểu vài cảm nghĩ về đại hội năm nay. Cô đã nhắc đến hình ảnh “nụ hồng” của người phụ nữ Việt Nam  kiên cường và bất khuất trong lịch sử chống ngoại xâm như Bà Trưng, bà Triệu, đảm đang, tài năng trong đời thường. Sau 1975, với đức tính thủy chung, kiên nhẫn và hy sinh, các chị lao vào kiếm sống nuôi chồng trong nhà tù Cộng sản. Sang đến xứ Mỹ, các chị thể hiện sự cần cù, chịu khó học hỏi  thành công trong việc xây dựng đời sống mới ở xứ người. Đó cũng là kết quả của nền giáo dục con người trước 1975, Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng, tạo nên chất keo kết nối tình bằng hữu, tình thầy trò thể hiện trong buổi đại hội hôm nay. 

Tiếp theo, các chị cựu hội trưởng và các chị cựu nữ sinh Lê văn Duyệt lên tặng hoa cho các thầy cô giáo.  Màn văn nghệ khai mạc là hai ca khúc nổi tiếng “Mẹ Trùng Dương” của nhạc sĩ Phạm Duy và “Mẹ Việt Nam Ơi Con Vẫn Còn Đây”, thơ Hoàng Phong Linh, nhạc Nguyễn Ánh 9.

 Chúng ta rời bỏ xứ sở, ra đi mang theo quê hương là hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Trên sân khấu là hai mươi hai chiếc áo dài vàng và đỏ xếp  xen kẽ theo đội hình lá cờ gợi nhớ đến những đứa con ra đi từ biển khơi nhưng vẫn hội tụ về bà mẹ trùng dương Việt Nam bao la và khẳng định chúng con “mang dòng họ của Lê, Nguyễn, Lý, Trần vẫn còn đây”, vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu “một lòng đập tan lũ hung tàn” Cộng sản.

Thầy giáo  Nguyễn Ngọc Đường với số tuổi vào khoảng “thất thập cổ lai hy” nhưng giọng hát của Thầy vẫn còn phong độ . Thầy lên sân khấu kể lại  kỷ niệm sống với Hà Nội thật là ít ỏi khi Thầy chỉ là cậu bé 6 tuổi nhưng với ca khúc “Hà Nội Ngày Tháng Cũ” của nhạc sĩ miền Nam sinh tại Ba Xuyên, Song Ngọc đã gợi lại cho Thầy những hình ảnh đẹp, cổ kính và lãng mạn về thủ đô  Hà Nội ngàn năm văn hiến xa xưa. 

Nếu nước Áo có con sông Danube và  ca khúc nổi tiếng trên thế giới là Giòng Sông Xanh (Le Beau Danube Bleu) thì ở miệt Hậu giang, Long Xuyên, nhạc sĩ Anh Việt Thu đã sáng tác một ca khúc đẹp và  nên thơ trong lời nhạc và âm điệu đó là ca khúc Giòng An Giang. Ca khúc này tiếp nối chương trình văn nghệ với tiếng hát của hai cô giáo cố vấn của Hội là cô Lệ Thu và Ngọc Mai cùng các chị cựu hội trưởng của những năm về trước như Vũ Đan, Thúy Lan, Đặng Cần, Hoàng Nga, Kim Kiểm và Bạch Yến phụ họa.

“Giòng Sông Hát” ca khúc của nhạc sĩ Tô Vũ gợi nhắc giai đoạn lịch sử của Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán được các chị Mai Lan, An Hảo, Nguyệt Hằng, Lan Anh, Phi Yến trình bày , phụ họa là màn múa lụa của hai vũ công cũng là hai mẹ con là chị  Ngoc Dung và cháu Nguyên Trân 

Hoạt cảnh “Cánh Hoa Thời Loạn”sáng tác vào thập niên 60 của nhạc sĩ Y Vân gợi nhớ hình ảnh đất nước chia đôi, người phụ nữ Việt  Nam như “cánh hoa” trong “thời loạn”, đặt hết niềm tin và hy vọng vào người chiến sĩ xông pha ngoài mặt trận bảo vệ quê hương và gia đình nhỏ của mình. Các chị  Minh Nguyệt, Vũ Đan, Kim Loan, Minh Châu trình bày, phụ diễn chị Kim Phượng và anh Hòa Hiệp cùng cháu Kenrich.

Một trong những tiết mục trang phục đẹp, dàn dựng bài bản, nội dung ý nghĩa cảm động và diễn xuất tự nhiên đó là màn nhạc cảnh “Thiếu Phụ Nam Xương” kể lại câu chuyện của người vợ thủy chung bị người chồng hiểu lầm về tiết hạnh nên tự tử ở bến sông Hoàng giang để giải tỏa nỗi oan ức. Bài thơ tuyệt tác “Miếu Vợ chàng Trương” của vua Lê Thánh Tông do giọng ngâm trữ tình của chị Kiều Nguyên dẫn đến bài hát “Thiếu Phụ Nam Xương” nổi tiếng một thời của nhạc sĩ Thẩm Oánh làm sống lại một câu chuyện có thật ngày xưa. Anh Đỗ Thái , Ngọc Lân và  các chị Phi Yến, Lan Anh, Bình Hòa, Thanh Hằng trình bày với sự phụ diễn của hai chị Phượng Hồng, Khanh Hồng và bé Kenrick trong vai đứa con đã làm cho không khí đại hội trở nên trầm lắng vì câu chuyện thương tâm.


Nu Hong Dat Viet 02
Để thay đổi  là tiết mục vui nhộn “Bà Rằng Bà Rí”.  Hai chị Hoàng Nga và Bùi Mỹ mặc áo tứ thân và khăn mỏ quạ trông dễ thương, ra vẻ  các cô thiếu nữ nhà quê miền Bắc vừa hát vừa diễn tả những động tác múa vui, kể lại hủ tục tảo hôn ở thôn quê, các cô gái  trẻ bị ép lấy chồng là các cậu bé con “chồng gì mà chồng bé...bé tẻo tèo teo” đưa đến cảnh tượng cười ra nước mắt “lúc khóc phải bồng”, “lúc đi phải cõng” làm khổ cuộc đời thanh xuân của các cô.

 Có lẽ màn trình diễn áo dài  qua các thời đại là màn dàn dựng công phu của chị An Hảo, Lan Anh và Kiều Nguyễn được nhiều người ca ngợi, qua đó những chiếc áo dài Việt nam biến đổi theo thời gian và lịch sử. Dưới ánh đèn rực sáng, các chị người mẫu Lê văn Duyệt từ từ xuất hiện tiến ra sân khấu kèm theo lời dẫn giải xuất xứ  và “hành trình” của chiếc áo. Khởi đầu là chiếc áo “giao lãnh” đơn sơ, giản dị cùa chị Băng Khanh đến chiếc áo “tứ thân” của chị Kim Hứa, sau đó được chế thêm phần nối phía tà trước thành chiếc áo “ngũ thân” của chị Phương Hồng.  

Khoảng thập niên 1930 trở đi, chiếc áo dài cổ điển này được cách tân như tay phồng, nối vai thành cái tên “Le Mur” của nhà thiết kế Cát Tường do hai chị Minh Nguyệt và Bích Liên trình diễn. Sau đó chị Phi Yến mặc chiếc áo kiểu của nhà thiết kế Lê Phổ ra đời sau chiếc áo  “Le Mur”. 

Từ năm 1940 đến 1950, chiếc áo vải ren , bên trong lót vải màu sáng ra đời làm cầu kỳ thêm cho chiếc áo dài Việt Nam của người mẫu  Thanh Hằng và Bình Hòa. Chiếc áo dài càng ngày càng được biến chế thành loại áo “raglan” nối vai, eo suông , vạt vừa ngắn. Chưa ngừng ở đó, chiếc áo dài chuyển hướng đúng nghĩa của nó là dài chấm gót, chít eo hai bên hông làm lộ đường cong thân hình của người phụ nữ. Đó  là áo dài của các chị Kim Loan, Kim Phương và Mỹ Bùi.

Năm 1960, chiếc áo dài hở cổ hay còn gọi là cổ thuyền, còn được gọi là kiểu áo dài của  bà Ngô Đình Nhu, đệ nhất phu nhân thời đệ nhất Cộng Hòa được giới phụ nữ Sài-gòn hâm mộ và tiếp đón nồng nhiệt.  Chiếc áo dài hở cổ này cho đến bây giờ vẫn được ưa thích và được hai chị Quý Trương và Bích Lan làm sống lại trên sân khấu. 

Lại thêm một sáng kiến mới, một sự đổi mới về màu sắc pha trộn sặc sỡ và hoa văn trải đều trên nền vải  là chiếc áo dài “Cô Ba Sài Gòn”, tô điểm thêm chiếc băng- đô cùng màu trên tóc càng làm cho các người mẫu Bích Thủy, Ngọc Thủy  trông trẻ trung hơn.

Chiếc áo dài  “hippy” tà nhỏ, gọn gàng, vạt ngắn quá đầu gối, còn gọi là  áo dài “mini” thích hợp cho các cô trẻ có thân hình nhỏ nhắn. Hai chị Nguyệt Hằng và Kim Thanh trình diễn kiểu áo quen thuộc nhưng lạ mắt này. Cuối cùng là chiếc áo dài dạ hội màu đỏ rực rỡ dài chấm gót thiết kế theo kiểu  áo dạ hội Tây Phương của chị An Hảo là mục cuối cùng chấm dứt màn trình diễn áo dài Việt Nam của các người mẫu Lê Văn Duyệt.

 Xen kẽ màn trình diễn  áo dài và màn trình diễn văn nghệ  là màn xổ số gây quỹ cho Hội Lê văn Duyệt . Bảy lô trúng và một lô độc đắc hai trăm đồng tiền mặt làm tăng thêm niềm vui và  háo hức của khán giả hy vọng mình sẽ là kẻ may mắn đêm nay.

 Chương trình văn nghệ vẫn tiếp tục kéo dài  khi nhạc đệm cất lên âm thanh quen thuộc “…Triệu Trưng xưa đẹp gương sáng muôn đời. Giòng máu thiêng còn đượm nồng bao trái tim…” “Gánh sơn hà còn trọng hơn xương máu. Dù thành thị hay thôn trang ai ơi. Lòng hẹn lòng bạn gái ta xây đời.”. Ca khúc  “ Cô Gái Việt” của nhạc sĩ Hùng Lân đã làm nức lòng bao trái tim của người phụ nữ Việt Nam noi gương hai Bà “quyết lập công” để “tô thắm giang sơn Việt Nam” được trình bày qua tiếng hát của các chị Minh Nguyệt, Bích Ngọc, Lê Ngọc, Bảo Công, Mai Lan, Y Bình và cô Lan.

 Chị Bình Hòa và Thanh Hằng đã hát thành công bài hát “Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi” của nhạc sĩ Phạm Duy nói lên nỗi lòng của  công chúa Huyền Trân nghe lời vua cha Trần Nhân Tông hy sinh lấy chồng xa là Chế Mân vua nước Chiêm Thành để đổi lấy hai châu Ô, Lý cho nước Việt và tạo nền hòa bình cho hai nước Mân -Việt. “Cây quế giữa rừng” giờ đây “đi vào lòng muôn dân”. Hình ảnh “ Đất nước cháy theo với ngọn lửa thiêng”, nhà vua sai Trần khắc Chung đem thuyền ngụy trang là đến điếu tang nhưng thật ra để cứu Huyền Trân không bị  thiêu sống trên giàn hỏa theo tục lệ nước Chiêm, tạo nên huyền thoại về mối tình đẹp giữa nàng công chúa nước Việt và vị tướng nhà Trần.

Hoạt cảnh sinh động “Cô Hàng Nước” của tác giả  Vũ Minh là một màn hài hước vui và ngộ nghĩnh của chàng trai nghèo nhưng si tình “bán nốt” cây đàn còn lại để theo người đẹp “đâu mà duyên dáng” làm chàng ta “say đắm bao tháng ngày” và mơ ngày đám cưới cùng nàng sống đến bạc đầu. Đoạn kết không có hậu của chuyện tình này là hình ảnh chàng trở về tìm nàng nhưng hàng quán lạnh lẽo, người xưa không thấy  đâu. Tiếng hát của Đỗ Thái, Minh Nguyệt, Kim Phương cùng các anh chị Ngọc Lân, Phượng Hồng, Khanh Hồng, Bích Liên, Kim Oanh cùng phụ diễn làm tăng thêm phần duyên dáng cho một bài hát hay, âm điệu trữ tình.

Hình ảnh “Bà Mẹ Quê” là bài hát như Phạm Duy  tâm sự đó là hình ảnh thiêng liêng của mẹ ông được sáng tác khi ông còn rất trẻ, ông viết lại để nhớ về công lao của những “bà mẹ quê” . Hình ảnh “bức họa đồng quê” tươi mát vào buổi bình minh có rau xanh, đàn gà con theo gà mẹ đi kiếm ăn, trong đó nổi bật “bà mẹ quê” Việt Nam đảm đang “vất vả trăm chiều” việc nhà, việc chợ , “chắt chiu” nuôi một đàn con. Các chị Lê Văn Duyệt thế hệ năm 1976 như Tuyết Trinh, Bích Thủy, Thùy Vân, Ngọc Thủy, Ngọc Lan đã hợp ca một bài hát nhạc điệu nhanh, vui mang đến những tình tự lạc quan và ca ngợi tình mẫu tử.

Cùng với “bức họa đồng quê” ấy là  bài hát “Lối Về Xóm Nhỏ” của nhạc sĩ Trịnh Hưng. Tiếng hát của ban tam ca Phi Yến, Mai Lan và Lan Anh đã diễn tả hình ảnh thôn quê miền Nam với “lối về xóm nhỏ”, hai bên là những cánh đồng “lúa đã đơm bông”, “bờ dâu xanh”, tiếng hát, tiếng hò bên giòng sông Cửu Long vang vọng xa xa, “đôi má hồng” của cô gái khi chiều xuống, đôi mắt sáng của người mẹ già đón con về. Đó là niềm vui  của chàng trai quay gót phiêu du trở về thôn xưa nơi đó có mái ấm gia đình đang chờ đợi chàng.

Trịnh Hưng được biết là một nhạc sĩ sáng tác  những bài hát hay có chủ đề chan chứa tình tự quê hương . Một lần nữa, nhạc của ông được trình diễn trong  màn hợp ca cuối cùng “Tôi Yêu” như một lời tạ từ chương trình âm nhạc kéo dài ba tiếng đồng hồ. Các chị Lê Văn Duyệt lên sân khấu cùng cất lên tiếng hát yêu lũy tre dài, con sông xanh, cát vàng hoe, trăng buông lơi, nhịp cầu tre. mái tranh nghèo, con đê xưa, tiếng hò khoan. Nơi đó còn có mối tình  nghèo mà đẹp, đầy chất thơ và lãng mạn”, nơi đó còn là hình ảnh “anh chờ em về” cũng là lời hát cuối cùng của chương trình văn nghệ của Đại Hội Lê Văn Duyệt 2019 để tiếp theo đó là chương trình dạ vũ.

                                         ***

Ba tiếng đồng hồ tràn ngập trong tiếng hát, điệu múa, các màn nhạc cảnh, hoạt cảnh của những tà áo dài xanh đồng phục, của những tà áo dài thời trang và cổ điển đủ sắc màu trên sân khấu, chương trình Đại  Hội Lê văn Duyệt 2019 chủ đề “Nụ Hồng Đất Việt” đã thành công rực rỡ.

Với chủ đề “Nụ Hồng Đất Việt”, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại được thể hiện rõ nét xuyên qua dòng lịch sử trong  các bài hát thấm đượm tình tự quê hương và tình tự dân tộc .Với sự chọn lọc và sắp xếp cẩn trọng, khéo léo các bài hát hay và nổi tiếng, sự chuẩn bị tập dượt chu đáo và nghiêm túc, trang phục đẹp mắt và thích hợp với nội dung bài hát, diễn tiến chương trình nhịp nhàng liên tục cùng với sự tổ chức chu đáo, những ca sĩ  “không chuyên” của Hội Lê văn Duyệt đã hát, múa và nhập vai diễn trên sân khấu, dẫn khán giả từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhờ các ý tưởng sáng tạo, độc đáo trong các tiết mục của chương trình.

Thức ăn  của nhà hàng  Diamond Seafood Palace cũng là yếu tố góp phần cho buổi hội ngộ của Hội Lê văn Duyệt thêm phần ngon miệng và hấp dẫn khiến người xem phải ngồi lại cho đến cuối chương trình.

Là một thân hữu lần đầu tiên đến với Hội Lê Văn Duyệt, chúng tôi xin chia sẻ sự thành công mỹ mãn của các chị và cảm ơn sự trình diễn nhiệt tình của các chị . Các chị đã tặng cho chúng tôi một buổi chiều được ăn các món ngon của nhà hàng và thưởng thức một chương trình văn nghệ đặc sắc, “cây nhà là vườn”, đầy tính văn hóa nghệ thuật còn đọng mãi trên đường về.

Hẹn gặp lại ngày rày... năm sau.

                                      Cali ngày 9 tháng 9 năm 2019

                                                Phùng Annie Kim 


 




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.