Hôm nay,  

Hổ Nằm, Rồng Lặn

21/04/200500:00:00(Xem: 5353)
Phàm khi nói chuyện bên Tầu, người Việt Nam thường nhớ đến chuyện Sơn Đông Mãi Võ. Mấy chục năm qua, chúng ta đã thích chuyện kiếm hiệp chuyện chưởng, nhất là của Kim Dung. Ở Mỹ gần đây nhiều người đã xem phim “Phục Hổ Tàng Long” trên màn ảnh. Phục hổ có nghĩa là con hổ phục xuống nấp kín, còn tàng long có nghĩa là con rồng ẩn hình, ý nói những đại hiệp võ công cao nhất chốn giang hồ ít khi xuất đầu lộ diện, chỉ khi nào thấy cần hành hiệp trượng nghĩa mới ra tay cứu khổn phò nguy. Thế nhưng xét chiến lược mới của mấy anh Tầu Cộng sản ngày nay, câu châm ngôn lý tưởng đó đã biến dạng thành những thứ mưu mô thâm hiểm, có ý đồ xấu.

Trước hết nó đã trở thành “Hổ Cười, Rồng Bơi”. Tại sao con rồng Tầu không núp kín như mấy ông hiệp sĩ mà lại bơi và bơi đi đâu" Hồi đầu tháng này, tầu chiến Trung Quốc đã trở lại Ấn độ dương và vịnh Ả rập, nơi các loại tầu này đã vắng bóng mấy trăm năm qua kể từ thời nhà Minh. Từ 1993, Trung Quốc khát dầu lửa vào cỡ lớn trên thế giới, đã phải gia tăng nhập cảng dầu thô của Trung Đông. Con rồng phải trườn mình lên cho thiên hạ thấy nanh vuốt của nó, bởi vì phần lớn đường tiếp vận dầu chạy qua eo biển Mã Lai Á, nếu đường này bị kẹt, nền kinh tế của nó sẽ gặp cảnh hỗn loạn thê thảm. Nhưng nếu con rồng diễn võ, con hổ lại cười giả lả. Thủ tướng Uông Gia Bảo đến thăm Hồi Quốc vào dịp này, ký kết một số thỏa ước, như trao đổi thương mại và đưa dụng cụ cùng chuyên viên đến giúp Hồi đào sâu thêm hải cảng Gwadar, một dịch vụ nhằm mở rộng giao thương đường biển, nhưng cũng nhằm làm biểu tượng cho sự có mặt của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển này. Kế đó họ Uông đến Ấn Độ ký kết một hiệp ước quan trọng, giải quyết cuộc tranh chấp biên giới dai dẳng từ lâu để sự trao đổi thương mại nở rộ giữa hai nước. Biên giới này dài 2,200 dậm từ Miến Điện đến Kashmir, và năm 1992 chiến tranh Trung-Ấn đã từng bùng nổ, kết quả Trung Quốc đã thắng.

Sự hòa giải lần này có ý nghĩa gì" Trung Quốc và Ấn Độ mỗi nước có trên 1 tỷ dân, họp lại chiếm một phần ba dân số thế giới. Thủ tướng Ấn Manmohan Singh nói: “Ấn độ và Trung Quốc từ nay có có thể định lại nền trật tự thế giới”. Ngoại trưởng Ấn nói hai nước đã tiến đến một mức độ trưởng thành và nay là bạn đồng hành chớ không phải thù nghịch. Ấn Độ cũng xác nhận lại Tây Tạng thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Ấn Độ muốn chiếm ghế nước lớn, hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và cho biết Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ Ấn Độ trong ý đồ này. Hai bên ký kết 12 thỏa hiệp, từ vấn đề biên giới cho đến việc hợp tác làm phim điện ảnh, gia tăng mậu dịch, mở rộng các chuyến bay hàng không và trao đổi quân sự. Tóm lại trong khi con rồng mãi võ, con hổ lại cười... cầu tài. Một mặt nó kiếm được sự ổn định ở sau lưng để kiếm lợi về buôn bán với cả hai nước Ấn-Hồi, mặt khác nó chiếm được một thế đứng quan trọng về sách lược chính trị ở Nam Á khi kết thân được với cả Ấn và Hồi, vốn là hai nước thù nghịch với nhau từ lâu nay đang nỗ lực giải quyết xung đột.

Thế nhưng hai tuần sau, nhìn đến sách lược của Trung Quốc ở Đông và Nam Hải, người ta lại thấy một hình ảnh khác. Đó là thế “Hổ nằm, Rồng lặn”. Sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong mấy tuần gần đây có nhiều nguyên nhân, nó đã bắt đầu từ vụ tầu ngầm Trung Quốc mò vào hải phận Nhật Bản mấy tháng trước đây, bị Hải quân Nhật phát hiện ra lệnh đuổi, rút cuộc Bắc Kinh phải xin lỗi. Sở dĩ con rồng phải lặn vì nó muốn dò tìm thế bố trí quân sự của Nhật ở đảo Điếu ngư ở Nhật Bản hải. Đảo này vốn là mục tiêu tranh chấp từ lâu giữa Nhật Bản và Trung Quốc, vì vùng biển quanh đảo này có mỏ dầu lửa. Từ dầu tháng này, các cuốn sách giáo khoa mới in của Nhật Bản chỉ tóm tắt hay bỏ qua những ghi nhận của các sách cũ về việc quân đội đế quốc Nhật thời Thế chiến đã sử dụng vũ khí vi trùng và bắt phụ nữ các nước bị Nhật chiếm đóng làm nô lệ tình dục cho lính Nhật. Còn vụ “hãm hiếp” Nam Kinh, trong đó có hàng chục ngàn thường dân Trung Hoa bị quân Nhật giết hại, chỉ được nhắc lại sơ qua. Mượn những cớ đó nhà cầm quyền Cộng sản Bắc Kinh đã thúc đẩy một phong trào nhân dân biểu tình chống Nhật, lúc đầu còn ít người sau đã leo thang dữ dội và lan ra cả chục thành phố lớn có hàng chục ngàn người tham dự.

Nước cờ biểu tình đả đảo đã được mấy anh Cộng sản Tầu mượn thời thế chơi đến sát ván. Việc chống “quá khứ quân phiệt Nhật” chỉ là cái cớ bề ngoài, mục tiêu chính của Bắc Kinh là chống việc Nhật liên minh quân sự với Mỹ, nhất là chống việc Nhật Bản vận động ngồi vào ghế thường trực Hội Đồng Bảo An LHQ, nên đã xúi một toán người biểu tình đến đập phá cửa kính tòa nhà phái bộ Ngoại giao của Nhật Bản ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Người ta có thể hiểu Trung Quốc hứa giúp Ấn Độ được làm hội viên thường trực tại Hội đồng đó chỉ là một âm mưu kỳ đà cản mũi Nhật Bản. Đó cũng là cách gián tiếp gây trở ngại cho chiến lược của Mỹ ở Á châu. Đầu tuần này mối quan hệ Trung-Nhật càng căng thẳng thêm. Nhật Bản đòi Trung Quốc xin lỗi việc đập phá Sứ bộ ngoại giao, Bắc Kinh từ chối. Tokyo cũng leo thang một bước, loan báo các dân biểu Nhật dự tính đến thăm ngôi đền Yasukuni, nơi thờ các liệt sĩ, kể cả 2.5 triệu tử sĩ trong Đệ nhị Thế chiến. Rồng lặn xúi dân đòi, nhưng tại sao Hổ chỉ nằm chớ không phục xuống để sẵn sàng nhẩy đến chụp con mồi"

Nếu Rồng lặn hay thì Hổ cũng nằm giỏi để gầm gừ hù dọa cho đã. Trên thực tế, chuyện đánh đấm là chuyện không thể có trong thời điểm này. Bởi vì nếu có chiến tranh, nền kinh tế mới vuơn lên của Trung Quốc sẽ tan vỡ trước tiên với tất cả hậu quả ghê rợn của nó. Chỉ riêng việc leo thang đánh võ mồm hay biểu tình đập phá cũng có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ giao thương giữa hai nước có nền kinh tế lớn nhất Á châu, với mậu dịch và đầu tư hai chiều lên tới 200 tỷ đô-la/năm. Bởi vậy Rồng phải lặn kỹ, còn Hổ rút cuộc cũng nằm im. Tấn tuồng Tầu biểu tình chống Nhật sắp hạ màn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.