Hôm nay,  

Biển Đông Sôi Động

31/03/201600:00:00(Xem: 6913)

Liên tục, không ngừng... Biển Đông sôi động...

Mỹ không công nhận vùng định dạng không phận ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu chính phủ Bắc Kinh tuyên bố lập vùng đó. Tuy nhiên, Việt Nam có thê không công nhận hay không? Vì nếu công nhận, là cho TQ quyền lực chính thức làm chủ ở khu vực Biển Đông của VN và của Philippines. Nếu không công nhận, rủi phi cơ Vietnam Airlines bay ngang bị phi đạn từ tàu chiến TQ bắn rớt thì sao?

VOA ghi lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work hôm 30/3 cho biết Hoa Kỳ đã nói với Trung Quốc rằng Washington sẽ không công nhận nếu Bắc Kinh âm mưu công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền trong các khu vực có tranh chấp, và gọi đây là động thái gây bất ổn....

Trong khi đó, bản tin RFI cho biết chính phủ Philippines đang lo trang bị tàu ngầm để đối phó với Trung Quốc.

RFI ghi rằng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng bá quyền gây căng thẳng trên Biển Đông, hôm 30/03/2016, tổng thống Philippines Benigno Aquino thông báo Manila có kể hoạch thành lập đội tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Philippines là quốc gia nằm giữa Biển Đông có nhiều tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Tuy nhiên lực lượng hải quân Philippines nói chung còn rất yếu kém, chưa có lực lượng tàu ngầm. Sức mạnh quốc phòng của đất nước phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp quân sự của Mỹ.

Trong một cuộc họp hôm Thứ Tư tại thủ đô Manila, tổng thống Aquino đã nói rằng Philippines đang có nguy cơ sẽ mất toàn bộ vùng duyên hải phía tây nếu thỏa mãn các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Ông tuyên bố: «Chúng ta phải đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội vì những đòi hỏi cấp bách để tự vệ». Tổng thống Philippines nói thêm, «Chúng ta ở vị trí chuyển tiếp qua Thái Bình Dương và chúng ta đang nghiên cứu liệu có cần đến lực lượng tàu ngầm hay không».

Lo ngại trước tham vọng của Bắc Kinh, những năm qua, Philippines cũng đã gia tăng mạnh chi tiêu quân sự. Ngân sách quốc phòng của Philippines cho năm 2016 là 2,5 tỷ đô la, thực sự là chưa thấm vào đâu so với con số 146 tỷ đô la của Trung Quốc.

RFI cũng cho biết:

“...Vài năm gần đây Bắc Kinh ngày càng tỏ rõ tham vọng muốn chiếm gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, liên tục có những hành động quân sự hóa nhằm xác quyết chủ quyền của họ ở những khu vực biển đảo đã chiếm hoặc đang còn tranh chấp với các nước trong khu vực, trong đó có nhiều đảo mà Philippines đòi chủ quyền.

Manila đã kiện lên Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tòa sẽ ra phán quyết về vụ kiện này trong năm nay...”

Trong khi đó, một bản tin VOA cho biết tuần duyên Trung Quốc hộ tống tàu cá vào biển Đông vét cá.

Nhà chức trách hàng hải Malaysia hôm Thứ Ba cho biết rằng tàu tuần duyên Trung Quốc đã hộ tống khoảng 100 tàu cá của nước này vào lãnh hải của Malaysia gần cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông hồi tuần trước.

Đô đốc Ahmad Puzi Abdul Kahar, Tổng giám đốc Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) nói rằng việc làm của Trung Quốc "chưa có tiền lệ" nên "phải tiếp cận một cách thận trọng".


Đây là lần đầu tiên cơ quan này cho biết thêm chi tiết về vụ việc mà trước đó được tiết lộ bởi ông Shahidan Kassim, bộ trưởng phụ trách an ninh quốc gia, hôm thứ Năm tuần trước.

Ông Puzi đưa ra một bản đồ cho thấy các tàu Trung Quốc đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và đã bị phát hiện thực hiện các hoạt động từ hôm thứ Năm đến Chủ nhật với số lượng các tàu từ 40 đến 100 chiếc và dàn trải trong khu vực 1.931 km vuông.

Bản tin VOA viết:

“Ông Puzi cho biết các tàu cá không có bất cứ lá cờ hoặc số đăng ký nào nhưng họ nhận thấy có một tàu tuần duyên Trung Quốc đang hộ tống trong khi một chiếc khác neo đậu gần bãi cạn Luconia.

MMEA đã cố gắng liên lạc với các tàu nước ngoài nhưng không nhận được hồi đáp. Tuy nhiên, họ đã đi theo khi những tàu này di chuyển về phía tây. Đến thứ Ba, các “vị khách không mời”, như ông Puzi gọi họ, đã không còn xuất hiện.

Ông Puzi cho biết, họ đã không thể cố gắng lên bất cứ con tàu nào để kiểm tra vì biển động. Tuy nhiên, cơ quan này đã lấy bằng chứng hình ảnh.

Ông Puzi nói: “Chúng tôi sẽ đưa [bằng chứng hình ảnh] cho Bộ Ngoại giao để có những hành động thích hợp. Chúng tôi muốn gửi thông điệp rằng họ đang ở trong vùng lãnh hải của chúng tôi”.

Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Reezal Merican cho biết họ đang xem xét vấn đề này. Ông nói với các phóng viên trong một sự kiện riêng biệt: “Hãy để chúng tôi tìm hiểu đầy đủ các dữ kiện trước khi hành động".

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nói trước Quốc hội hôm thứ Năm tuần trước rằng quyền sở hữu cụm bãi cạn Luconia là điều không thể chối cãi...”(ngưng trích)

Phía Bắc Kinh nói gì về chuyện tàu tuần duyên TQ hộ tống tàu cá TQ vào vét cá Biển Đông?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói hôm 25 tháng 3 rằng “không biết chi tiết” về những gì mà Chính phủ Malaysia nêu lên.

Trong khi đó, Việt Nam chơi một màn “lăng ba vi bộ”...

Bản tin VOA nói rằng Việt Nam chủ động mời tàu Trung Quốc vào cảng Cam Ranh...

Bản tin NÀY viết:

“Việt Nam chủ động mời tàu hải quân Trung Quốc vào thăm các cảng biển, trong đó có cảng Cam Ranh, của Việt Nam và hưởng các dịch vụ như các nước khác.

Thông tin trên được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho báo giới biết bên lề giao lưu hữu nghị quốc phòng Việt-Trung đang diễn ra tại Lạng Sơn và Quảng Tây.

Theo giới chức của Bộ Quốc phòng Việt Nam, để thúc đẩy việc hợp tác hiệu quả hơn giữa hai nước, Việt Nam và Trung Quốc đã có những kế hoạch cụ thể như việc Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, sang hội đàm tại Hà Nội từ ngày 37 – 31/3, tăng cường giao lưu các học viện, cơ quan nghiên cứu về chính trị, quân sự, quốc phòng. Đặc biệt, phía Việt Nam đã chủ động mời tàu hải quân Trung Quốc thăm các cảng biển của Việt Nam, trong đó có cảng Cam Ranh....”(ngưng trích)

Phải chăng đó cũng có ý nghĩa của chữ “cộng sản” là “tài sản xài chung”?

Cam Ranh trở thành chỗ để VN, TQ xài chung?

Nhưng vét cá Biển Đông là đặc quyền của tàu cá TQ?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.