BẮC KINH (Reuters) - Ít nhất cũng có 15 người thuộc phong trào Pháp luân công đã bất chấp lệnh cấm của nhà nước, đứng ra biểu tình phản kháng ở Thiên an môn hôm thứ ba 16-11, trương biểu ngữ trong dịp Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đến Bắc Kinh.
Các nhân chứng cho biết Công an đã bắt giữ những người này sau khi họ trương ra một biễu ngữ bằng vải đỏ dài 3 mét trên có ba chữ “Pháp luân đại pháp”.
Một tổ chức theo dõi nhân quyền trụ sở đặt ở Hong Kong nói 30 thành viên của Pháp luân công đã bị bắt trong buổi sáng và thêm 2 người nữa trong buổi chiều.
Đây là một cảnh hiếm có về sự thách thức luật pháp nhà nước ngay giữa quảng trường rộng lớn ở Bắc Kinh, mặc dù đã có hàng chục thành viên Pháp luân công phản kháng trong thầm lặng tại Thiên an môn kể từ khi chính quyền Trung Quốc liệt môn phái này vào loại tà giáo hồi tháng trước.
Công an đã hạ biểu ngữ xuống, kéo những cánh tay đang giơ cao cầm gậy giữ biểu ngữ của các đệ tử Pháp luân, có vẻ như họ đang ở trong một tư thế vận dụng khí công Pháp luân - một môn phái tập trung chân khí phối hợp theo sự chỉ dậy của đạo Phật và đạo Lão.
Công an lôi mấy người đó nhét vội họ lên xe van, rồi mở máy vọt đi, chẳng may lại đụng phải một phụ nữ Trung Quốc và cũng suýt đụng phải một du khách người Gia Nã Đại.
Theo một nhân chứng tại chỗ, người phụ nữ Trung Quốc té và la lên nhưng không có vẻ bị thương trầm trọng. Không rõ bà này có phải là một đệ tử Pháp luân hay không.
XIẾT CHẶT AN NINH QUANH VĂN PHÒNG UNDP Ở BẮC KINH
Công an đã xiết chặt an ninh quanh tòa nhà trụ sở của Chương trinh Phát triển LHQ (UNDP) ỏ Bắc kinh, đặt người canh gác và các nút chặn ngoài đường lộ đi đến đây, trong khi hàng rào dây kẽm gai được chăng quanh tòa nhà, để ngăn ngừa đệ tử Pháp luân công đến đây trình kiến nghị lên ông Annan.
Trung tâm Thông tin của Phong trào Nhân quyền và Dân chủ ở Trung Quốc, có trụ sở tại Hong Kong, cho biết những thành viên Pháp luân công, trong một bức thư ngỏ, đã yêu cầu ông Tổng thư ký LHQ chú ý đến những vi phạm nhân quyền.
Bức thư này có chữ ký của 3,000 thành viên ở ba thành phố, đã ghi rõ chi tiết 200 vụ đàn áp Pháp luân công mà Công an bị cáo giác là đã phạm phải.
Sau hai tiếng đồng hồ họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Toàn, Tổng thư ký Annan nói ông đã được nghe sự giải thích đầy đủ của chính quyền Bắc Kinh về quan điểm của họ đối với Pháp luân công.
Annan nói với các phóng viên: “Tôi nghĩ tôi rời khỏi nơi đây với sự hiểu biết tốt hơn về những vấn đề liên quan”.
Annan thuật lại lời họ Đường nói: “Trong việc giải quyết vấn đề này, những quyền căn bản của công dân sẽ được tôn trọng và một số biện pháp được áp dụng chỉ là để bảo vệ các cá nhân”.
Các thành viên Pháp luân công và các tổ chức nhân quyền quốc tế tố cáo Công an Trung Quốc xuống tay tàn bạo trong chiến dịch phá vỡ phong trào này.
Một nguồn tin khác cho biết hơn 100 người lãnh đạo phong trào Pháp luân công bị bắt trong chiến dịch đàn áp sẽ bị đưa ra tòa xử. Nhiều người khác bị bắt và đưa đi cải tạo mà không có tòa xử.
Chính quyền Trung Quốc quy lỗi cho Pháp luân công đã làm 1,400 người thiệt mạng vì Pháp luân công khuyên các đệ tử không nên dùng thuốc chữa bệnh.