Hôm nay,  

Kế Hoạch Kinh Tế Của Trump Sẽ Đẩy Hoa Kỳ Vào Tình Trạng Suy Thoái Và Lạm Phát Cùng Lúc.

08/09/202409:05:00(Xem: 1194)

trump nqk

 

Cựu Tổng Thống Donald Trump đã trình bầy kế hoạch kinh tế của ông tại Economic Club of New York trước đám đông các kinh tế gia, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà báo vào 5-9-2024 vừa qua. Buổi nói chuyện này nằm trong chiến dịch tranh cử.

 

Kế hoạch kinh tế trong nhiệm kỳ 2 nếu ông thắng cử bao gồm nhiều chính sách mà ông đã thi hành trong bốn năm đầu cầm quyền. Ông tuyên bố sẽ loại bỏ nhiều chương trình của chính quyền Biden. Ứng cử viên tổng thống của Cộng Hòa quảng cáo chương trình của ông với thuế nội địa thấp, thuế nhập cảng cao chưa từng thấy, giảm bớt luật lệ, và kinh tế phát triển mạnh. Nhưng nhiều chuyên viên đã nghi ngờ giá trị của chương trình kinh tế này. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích đề xuất kinh tế của Trump như chúng ta sẽ thấy trong những phần dưới đây của bài báo này.

 

Kế hoạch của Trump có vài nét chính sau đây.

 

THUẾ NHẬP CẢNG VÀ THUẾ LỢI TỨC

 

Cựu tổng thống Trump cho biết ông sẽ gia hạn các đợt cắt giảm thuế cá nhân được ban hành vào năm 2017 và ​​sẽ hết hạn vào năm 2025. Ông cũng cho biết ông sẽ thúc đẩy việc giảm thuế doanh nghiệp nhiều hơn luật năm 2017 đã ấn định từ 21% xuống tới 15%.

 

Theo ước tính từ mô hình Penn Wharton, việc mở rộng các điều khoản về thuế lợi tức cá nhân chỉ từ luật thuế năm 2017 sẽ tốn $3.4 nghìn tỷ trong một thập niên. Việc giảm thuế doanh nghiệp xuống 15% đòi hỏi một phí tổn khác là $1.2 ngàn tỉ.

 

Ngoài việc gia hạn cắt giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp, Trump còn đề xuất loại bỏ thuế đối với phúc lợi an sinh xã hội. Theo Penn Wharton, việc này sẽ tốn $1.2 nghìn tỷ trong một 10 năm.

 

Kế hoạch giảm thuế của cựu Tổng Thống Trump đòi hỏi một chi phí khổng lồ tổng cộng là $5.8 ngàn tỉ trong một thập niên. Ông trông cậy thuế nhập cảng sẽ bù đắp vào ngân sách những thiếu hụt do việc giảm thuế lợi tức gây ra.

 

Trump nói rằng việc sử dụng thuế quan sẽ khuyến khích các công ty đặt cơ sở hoạt động tại Hoa Kỳ để tránh phải trả thuế nhập cảng đáng kể nếu họ chuyển sản xuất ra nước ngoài. Ông đã thử kế hoạch này vào nhiệm kỳ đầu, nhưng đã thất bại.

 

Trump đề xuất áp thuế sâu rộng đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ trị giá $3 nghìn tỷ, bao gồm thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế chung 10% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác.

 

Gần đây, Trump đã tăng cường đe dọa, nói rằng ông đang xem xét mức thuế quan lên tới 20% đối với hầu hết hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ công việc của tầng lớp lao động và trừng phạt những gì ông cho là hành vi giao dịch không công bằng. Các biện pháp thuế quan tương tự được thi hành trong thời gian ông ngồi trong Nhà Trắng đã gây ra thương chiến và làm thiệt hại cho chính nước Mỹ.

 

Theo ông Douglas Holtz-Eakin, Chủ Tịch American Action Forum, từng làm cố vấn kinh tế cho cựu Tổng Thống George H.W. Bush và cho chiến dịch tranh cử của cựu TNS John McCain, những dự án thương mại của Trump lần này sẽ có tác dụng của một cuộc tăng thuế lớn lao $3 ngàn tỉ đối với người tiêu thụ.

 

Mark Zandi, kinh tế gia trưởng của Moody's Analytics, nhận định "Thuế quan là một ý tưởng rất tồi tệ. Nếu có điều gì mà hầu hết các nhà kinh tế có thể đồng ý thì đó là thuế quan rất tệ."

 

Trên lý thuyết, tăng thuế nhập cảng lên mức chưa từng thấy có thể thu về được hàng ngàn tỉ USD để bù vào ngân sách thiếu hụt do kế hoạch cắt giảm thuế. Tuy nhiên việc tăng thuế quan có thể phản tác dụng nghiêm trọng như làm tăng giá hàng hóa đối với người tiêu thụ, giảm số việc làm, và gây ra chiến tranh thương mại như đã xẩy ra dưới thời Trump, 2017-2021.

 

Theo U.S. Customs and Border Protection, thuế quan do Trump áp đặt đối với các tấm pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm và hàng hóa do Trung Quốc nhập khẩu đã khiến người Mỹ thiệt hại hơn $230 tỷ.

 

Dưới thời Trump, ngân sách thiếu hụt gia tăng đáng kể liên tục, từ $585 tỉ, $665 tỉ, $779 tỉ, $984 tỉ, và $3,132 tỉ trong các tài khóa 2016-2020.

 

Trong cuộc tranh luận sơ bộ của Đảng Cộng Hòa gần đây, cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố rằng Tổng Thống Trump đã thêm $8 nghìn tỷ vào khoản nợ quốc gia trong khi Thống Đốc Florida Ron DeSantis nói rằng Tổng thống Trump đã bổ sung $7.8 nghìn tỷ vào khoản nợ này. Những tuyên bố này là đúng, tùy thuộc vào cách bạn đo lường khoản nợ bổ sung. U.S. Budget Watch 2024 ước tính chi phí 10 năm cho các đạo luật và quyết định hành pháp mà Tổng Thống Trump đã ký thành luật là khoảng $8.4 nghìn tỷ, bao gồm cả lãi suất.

 

Theo ước tính được công bố vào tháng trước của Peterson Institute for International Economics, biện pháp của Trump về việc tăng mức thuế toàn diện lên tới 20% và mức thuế đối với Trung Quốc 60% sẽ khiến mỗi gia đình Mỹ có thu nhập trung bình điển hình phải chi hơn $2,600/năm. Nếu gộp chung cả thiệt hại do chiến tranh thương mại tạo ra, chi phí này còn cao hơn nữa.

 

Cũng theo Peterson Institute, gia đình có lợi tức thấp sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất và giới 1% giầu nhất vẫn lời vì được giảm thuế nhiều.

 

David Kelly, trưởng chiến lược toàn cầu tại JPMorgan Asset Management nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn rằng kế hoạch kinh tế của Trump thực sự có thể gây ra lạm phát, đồng thời làm kinh tế trì trệ (stagflation). Ông cảnh báo rằng thuế quan là một bộ máy hoàn hảo để tạo ra "stagflation".

 

GIẢM LÃI SUẤT

Trump cũng hứa sẽ giảm lãi suất nhưng không có lời giải thích vì chính sách tiền tệ là công việc của Federal Reserve, không thuộc thẩm quyền của Nhà Trắng. Trump đã từng đe dọa sẽ phá vỡ nguyên tắc lâu đời về sự độc lập của ngân hàng trung ương. Ông nói rằng ông muốn có một “tiếng nói” lớn hơn. Trump từng có những mâu thuẫn trực tiếp với chủ tịch Federal Reserve trong nhiệm kỳ đầu khi ông bất đồng với chính sách của cơ quan này.

 

BỎ MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH KINH TẾ THỜI BIDEN

 

Cựu tổng thống cho biết ông sẽ “hủy bỏ tất cả các khoản tiền chưa chi tiêu” theo Đạo luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act), một đạo luật trị giá $740 tỷ được thông qua vào năm 2022.

 

Luật cho phép Medicare thương lượng giá một số loại thuốc và tăng cường trợ cấp bảo hiểm y tế, khuyến khích các hoạt động bảo vệ khí hậu - như sử dụng tấm năng lượng mặt trời và xe điện - đồng thời phân bổ hàng tỷ đô la cho IRS (Internal Revenue Service) để điều tra các cá nhân và công ty giàu có trốn thuế.

 

Trump và các đảng viên Đảng Cộng Hòa khác đã chỉ trích đạo luật này, cho rằng nó góp phần làm tăng chi phí hàng tạp hóa, năng lượng và các hàng hóa khác.

 

Nhờ được tăng cường ngân sách, vào năm 2023 và 2024, IRS đã đưa ra một loạt sáng kiến ​​nhằm truy đuổi những cá nhân giàu có nhưng không trả nợ thuế. IRS cho biết chiến dịch này tập trung vào những người nộp thuế có thu nhập trên $1 triệu và nợ thuế hơn $250,000.

 

Các viên chức IRS cho biết kể từ khi chương trình bắt đầu, gần 80% trong số 1,600 triệu phú bị IRS nhắm đến vì không trả được khoản nợ thuế quá hạn hiện đã thanh toán, dẫn đến thu hồi được hơn $1.1 tỷ. Và trong sáu tháng đầu tiên của sáng kiến ​​mới vào tháng 2 năm 2024, IRS đã thu được $172 triệu từ 21,000 người nộp thuế giàu có chưa khai thuế kể từ năm 2017.

 

Trump và Cộng Hòa MAGA cảnh báo nhiều lần rằng họ sẽ cắt giảm ngân sách của IRS nếu chiếm được Nhà Trắng. Mục tiêu không phải để chống lạm phát mà giản dị là làm cho IRS không có phương tiện để truy lùng những triệu phú và các đại công ty thiếu thuế chính phủ.

 

HỦY BỎ CÁC QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

 

Cựu Tổng Thống Trump dự định đảo ngược các quy định của chính quyền Biden nhằm hạn chế ô nhiễm và chống biến đổi khí hậu.

 

Ông sẽ phê duyệt nhanh chóng những hoạt động khoan dầu, xây dựng đường ống dẫn dầu, nhà máy lọc dầu, nhà máy điện và lò phản ứng. Ông cho rằng làm như vậy sẽ cắt giảm đáng kể giá năng lượng.

 

Trump cho rằng Hoa Kỳ có trữ lượng dồi dào các khoáng sản hiếm được sử dụng để sản xuất một số hàng hóa nhưng không thể khai thác được vì các quy định bảo vệ môi trường.

 

Cựu Tổng Thống Trump cũng tuyên bố sẽ loại bỏ các quy định của chính quyền Biden nhằm cắt giảm lượng khí thải làm nóng lên hành tinh và ô nhiễm độc hại từ các nhà máy điện.

 

Đây không phải là chuyện mới lạ. Trong bốn năm ngồi trong Nhà Trắng, Tổng Thống Trump đã hủy bỏ hơn 100 quy định về môi trường. Trump cũng đã từng rút Hoa Kỳ ra khỏi Paris Climate Agreement vào 2017.

 

Trong nhiệm kỳ II nếu Trump thắng cử, Trump sẽ lại hủy bỏ những quy luật về môi trường và thúc đẩy việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh. Những kế hoạch đó bao gồm cả việc dỡ bỏ Environment Protection Agency.

 

GS Michael Gerrard, giám đốc Sabin Center for Climate Change tại Columbia School of Law, nói: “Tôi nghĩ chống việc bảo vệ môi trường sẽ rất tai hại."

 

TRẤN ÁP DI DÂN

 

Trump xem di dân là một gánh nặng cho Hoa Kỳ. Ông mô tả những người di cư đến biên giới phía nam là mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc làm và sự thịnh vượng của người Mỹ.

 

Ông lặp lại nhận định sai lầm rằng 100% việc làm được tạo ra dưới thời chính quyền Biden đều về tay di dân. Ông sẽ yêu cầu Quốc Hội thông qua luật cấm tất cả các phúc lợi cho những người nhập cư bất hợp pháp. Cựu tổng thống đã nhiều lần tuyên bố sẽ thực hiện nỗ lực trục xuất quy mô di dân nếu ông đắc cử.

 

Chiến dịch tranh cử của Trump lập luận rằng trục xuất di dân hàng loạt sẽ là một sự gián đoạn thị trường lao động được các công nhân Mỹ ủng hộ vì họ sẽ được hưởng lương cao hơn với phúc lợi tốt hơn khi thay thế những di dân bị trục xuất. Trên thực tế, trục xuất quy mô di dân có thể làm tình trạng khan hiếm nhân công hiên nay nghiêm trọng hơn và như vậy sẽ làm tăng lạm phát.

 

Theo một cuộc nghiên cứu của Peterson Institute of International Economics, những người nhập cư bất hợp pháp trong mục tiêu bị trục xuất là huyết mạch của một số khu vực kinh tế Hoa Kỳ. Việc trục xuất họ có thể sẽ khiến các chủ doanh nghiệp Mỹ cắt giảm hoạt động hoặc bắt đầu kinh doanh mới ít hơn. Trong một số trường hợp họ chuyển đầu tư sang khu vực công nghệ sử dụng ít lao động hơn, đồng thời thu hẹp quy mô sản xuất vì số người tiêu thụ giảm. Dưới thời George W. Bush và Barack Obama, nửa triệu di dân đã bị trục xuất trong khoảng thời gian 2008 - 2014 cho thấy vấn đề không đơn giản.

 

KẾT LUẬN

 

Nếu Trump thắng cử vào tháng 11 sắp tới, chính sách kinh tế của Trump sẽ đẩy nước Mỹ vào một chiến tranh thương mại, vực dậy lạm phát và làm suy yếu nền kinh tế. Những kinh tế gia tại công ty Goldman ước tính rằng trong trường hợp như vậy, ảnh hưởng tiêu cực của thuế quan và chính sách nhập cư chặt chẽ sẽ lấn át ảnh hưởng tích cực của việc giảm thuế cho các công ty. Họ dự đoán rằng tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt tối đa 0.5 % vào năm 2025 và sẽ yếu đi dần vào năm 2026.

 

Ngược lại, Goldman dự đoán rằng nếu Phó Tổng Thống Kamala Harris chiếm được Nhà Trắng và Đảng Dân Chủ thắng lớn, “chi tiêu mới và mở rộng tín dụng thuế cho người thu nhập trung bình sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn một chút so với mức đầu tư thấp hơn do thuế suất doanh nghiệp cao hơn, dẫn đến đầu tư GDP trung bình tăng rất nhẹ trong giai đoạn 2025-2026.”

 

THAM KHẢO

 

(1) Rachel Siegel, “What are Donald Trump’s plans for the economy?” Washington Post, June 28, 2024.

(2) Fatima Hussein, “Treasury recovers $1.3 billion in unpaid taxes from high wealth tax dodgers,” The Independence, September 6, 2024.

(3) Matt Egan, “The Trump policy that scares economists the most,” CNN, September 5, 2024.

(4) Nikki Mccann Ramirez, “Goldman Sachs Says Trump Win Would Lead to Economic Downturn,” RollingStone, September 4, 2024.

(5) Brett Samuels, “5 takeaways from Trump’s economic address in New York,” The Hill, September 5, 2024.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hãy bắt đầu niềm tin này với câu nói của John Kelly, tướng thủy quân lục chiến hồi hưu, cựu Bộ trưởng Nội an, cựu chánh văn phòng của Donald Trump (2018): “Người phát điên vì quyền lực là mối đe dọa chết người đối với nền dân chủ.” Ông phát biểu câu này tại một hội nghị chuyên đề về nền Dân chủ ở Mount Vernon vào tháng 11/2024, ngay tại ngôi nhà của George Washington, vị tổng thống đầu tiên, người mở ra con đường cho nền dân chủ và tự do của Hoa Kỳ. Không đùa đâu! Tướng Kelly muốn nói, những người phát điên vì quyền lực ấy có thể giữ các chức danh khác nhau, thậm chí là Tổng Thống, nhưng trong thâm tâm họ là bạo chúa, và tất cả các bạo chúa đều có cùng một đặc điểm: Họ không bao giờ tự nguyện nhượng quyền lực.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng chính sách áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ, trước đó Trump cũng đã áp đặt biện pháp trừng phạt chung đối với Liên Âu, Canada, Mexico và Trung Quốc, nhưng lại tạm hoãn trong 30 ngày để cho Canada và Mexico thương thuyết. Các biện pháp bất nhất này gây nhiều hoang mang cho chính giới và doanh nghiệp các nước đối tác.
Trong buổi phỏng vấn ngày 31 tháng 10 năm 2024 với bình luận gia cánh hữu Tucker Carlson, Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng dưới thời Joe Biden, Hoa Kỳ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi vô tình đẩy Nga và TQ lại gần nhau. Theo Trump, một trong những ưu tiên hàng đầu khi ông quay trở lại Tòa Bạch Ốc sẽ là phá vỡ liên minh này. Khi đó, Trump tự tin tuyên bố: “Tôi sẽ phải tách họ ra, và tôi tin mình sẽ làm được.” Và ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ thứ hai, Trump đã tỏ rõ mong muốn đàm phán với Nga nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Ukraine. Một cách giải thích cho chính sách này là: Trump đang làm đúng những gì từng nói trong cuộc trò chuyện với Carlson. Việc rút Hoa Kỳ khỏi cuộc xung đột tại Âu Châu và khôi phục quan hệ với Moscow, kể cả khi phải bỏ rơi Ukraine, là một phần trong chiến lược tập trung đối phó với TQ.
Cuộc đua vào Tòa án Tối cao Wisconsin rất quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn đến các vấn đề pháp lý và chính sách trong tiểu bang. Wisconsin là một bang chiến địa quan trọng trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tòa tối cao tiểu bang có thể đóng vai trò lớn trong các tranh chấp liên quan đến luật bầu cử, quyền tiếp cận lá phiếu và các thách thức đối với kết quả bầu cử. Cuối cùng, sự lo lắng có cơ sở của người dân cuối cùng đã được hóa giải. Số tiền “đầu tư” $20 triệu của Musk đã không thắng được sự lựa chọn của Wisconsin.
Lịch sử là sự lập lại, nhìn ngược về thời gian: Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 211 (trước Công Nguyên) Ông đã nghe lời vị Tể Tướng Lý Tư đốt tất cả các ghi chép của Sử Gia không thuộc nước Tần, kể cả Kinh Thi. Bất cứ ai thảo luận về Kinh Thi và Kinh Thư sẽ bị xử tử. Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, vụ đốt sách chôn Nho được gọi là “Phần thư khanh nho”, bao gồm việc đốt sách và chôn sống hơn 460 học giả. (1) Năm 1958, Mao Trạch Đông đã liên hệ bản thân ông với Tần Thuỷ Hoàng. Khi ông ta chôn sống 460 học giả ông nói trong một bài phát biểu với các đồng chí của mình: “Các bạn (những nhà trí thức) căm ghét chúng tôi, coi chúng tôi là những Tần Thuỷ Hoàng. Các bạn nhầm rồi. Chúng tôi thậm chí còn vượt Tần Thuỷ Hoàng một trăm lần”.(2) Năm 1975 khi CS miền Bắc, chiếm Việt Nam Cộng Hòa, phong trào đốt sách cũng xảy ra ngay tại miền Nam, Việt Nam. Hàng trăm cuốn sách được người Cộng Hòa mang đi giấu hay mang ra nước ngoài và hàng ngàn cuốn sách bị đố
Hai tháng đã trôi qua. Trên những diễn đàn mạng xã hội và cả trong những cuộc đối thoại đời thường, rất nhiều người thổ lộ về một thói quen vừa xuất hiện: đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa kết thúc nhiệm kỳ bốn năm của chính quyền hiện tại. “Đếm thời gian trôi” vốn không phải là một thói quen tích cực trong đời sống. Nó phản chiếu tâm trạng chán nản, buông xuôi, thậm chí là sợ hãi. Hàng loạt câu hỏi “Chúng ta phải làm gì?”; “Rồi chuyện gì nữa?”; “Chúng ta đang sống ở thời đại nào?”… Trong đó, câu hỏi lớn nhất, và biểu lộ sự phẫn nộ của người dân nhất, đó là: “Đảng Dân Chủ đang làm gì?”
Người tị nạn đã không còn được chào đón tại Hoa Kỳ kể từ ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Ngay trong ngày nhậm chức 20 tháng 1 năm 2025, ông đã ký một sắc lệnh hành pháp đình chỉ Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn của Hoa Kỳ (U.S. Refugee Admissions Program, USRAP) trong vòng 90 ngày. Dù vào tháng 2 năm 2025, tòa án liên bang đã ra phán quyết yêu cầu khôi phục chương trình tái định cư người tị nạn, chính quyền Trump vẫn khẳng định rằng không thể thực hiện điều đó ngay lập tức, do hệ thống tiếp nhận người tị nạn đã bị giải thể gần như toàn bộ.
Trong bài diễn văn dài 90 phút trước Quốc hội Hoa Kỳ, Donald Trump nhắc lại tham vọng “giành lấy” Greenland “bằng cách này hay cách khác.” Trump tuyên bố rằng Greenland có ý nghĩa “sống còn đối với an ninh quốc gia” của Hoa Kỳ. Dù nhấn mạnh rằng chính phủ của mình “hoàn toàn ủng hộ quyền tự quyết của Greenland,” ông vẫn không quên mời gọi “nếu các bạn đổi ý, chúng tôi sẵn sàng chào đón các bạn gia nhập Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Khi Ukraine từ bỏ kho vũ khí nguyên tử và tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT Nuclear Nonproliferation Treaty) với tư cách là một quốc gia phi hạt nhân vào năm 1994, họ đã thi hành một phần của Bản ghi nhớ Budapest (Budapest Memorandum), gồm một số các đảm bảo an ninh bởi Nga, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Những đảm bảo này nhằm bảo vệ chủ quyền của Kyiv, và biên giới của họ sẽ được tôn trọng. Nhưng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, những cam kết đó đã chứng tỏ là vô nghĩa. Ukraine thấy mình đơn độc, sự sống còn phụ thuộc vào thiện chí của phương Tây và nằm trong tay một kẻ thù được trang bị bằng chính những vũ khí mà Kyiv đã giao nộp. Những tác động này không dừng tại Ukraine mà lan rộng. Trên toàn cầu, các chính phủ đang đánh giá lại ý nghĩa thực sự của các bảo đảm an ninh.
Trong thế giới đấu tranh sinh tồn của loài vật, chuyện cá lớn nuốt cá bé là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trong xã hội loài người ngày nay dù đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba hơn hai thập niên và được mệnh danh là thời đại văn minh tiến bộ vượt bực vẫn không thiếu chuyện kẻ mạnh ăn hiếp người yếu trong mối quan hệ giữa người với người. Tình trạng mạnh hiếp yếu còn diễn ra khốc liệt hơn trong mối quan hệ ở cấp quốc gia: nước lớn bắt nạt hay xâm lăng nước nhỏ. Ở đây cũng xin giải thích một chút về cách dùng chữ nhược tiểu trong tiêu đề của bài viết này. Chữ nhược tiểu dùng trong bài này hoàn toàn không có ý nghĩa đánh giá tiêu cực về quốc gia được đề cập đến. Chữ nhược tiểu dùng trong bài này là để chỉ cho sự yếu kém về quân sự và kinh tế so với những nước mạnh về quân sự và kinh tế đi xâm lược. Sự yếu kém về quân sự và kinh tế không đồng nghĩa với sự yếu kém về quyết tâm và đồng lòng bảo vệ đất nước của quốc gia bị xâm lược. Ngược lại, cuộc chiến tại Ukraine hiện nay và Việt Nam
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.