Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới không chỉ định hình tương lai chính trị của quốc gia trong vài năm tới mà còn đặt ra những câu hỏi căn bản về bản sắc và tương lai của chính nước Mỹ. Trong khi kết quả bầu cử sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng, những xung đột sâu sắc về bản chất của nước Mỹ đã được phản ảnh rõ nét qua đường lối, chính sách nêu ra tại hai đại hội Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vừa qua.
Một trong những xung đột cơ bản nhất xoay quanh câu hỏi: Điều gì thực sự định nghĩa Hoa Kỳ? Hay ai mới là người Mỹ thực thụ? Liệu quốc gia này có phải là hiện thân của một ý tưởng, một lời hứa chính trị về tự do và cơ hội gầy dựng giấc mơ Hoa Kỳ, hay chỉ là một cộng đồng sắc tộc được xác định bởi những gốc rễ văn hóa và lịch sử cụ thể? Có lẽ đây không chỉ là một câu hỏi về chính sách, mà còn là một cuộc đấu tranh về hình ảnh và bản sắc của quốc gia.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Hoa Kỳ nổi tiếng với câu được nhắc đến nhiều nhất trong bản Tuyên ngôn Độc lập từ năm 1776: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng”, tuyên bố này tự khẳng định Hoa Kỳ là một quốc gia khác biệt, một sự khác biệt cơ bản cốt lõi so với mọi quốc gia khác trên thế giới. Lời hứa của nước Mỹ không chỉ là về quyền tự do và dân chủ, mà còn là sự khẳng định về một bản sắc quốc gia dựa trên những giá trị phổ quát hơn là sự ràng buộc thuần túy về sắc tộc hay nguồn gốc. Đây là một ý tưởng trước đây đã từng được chia sẻ bởi cả hai đảng chính trị lớn – Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này đang chứng kiến một sự đối lập rõ rệt về định nghĩa bản sắc Mỹ. Tại các buổi đại hội toàn quốc của hai đảng, những chi tiết về tiểu sử của JD Vance và Kamala Harris được nêu ra không chỉ đơn giản để giới thiệu về cuộc đời của các ứng cử viên, mà đây là một phần trong chiến lược của hai đảng nhằm giải thích cho công chúng nguyên do nào họ lại dẫn dắt đất nước đi theo những chính sách hoàn toàn khác hướng như vậy.
Đảng Dân chủ, với Kamala Harris ở vị trí lãnh đạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị và ý tưởng cốt lõi mà Hoa Kỳ đã xây dựng từ thời lập quốc. Kamala Harris giới thiệu mình là con của gia đình di dân nhập cư từ Ấn Độ và Jamaica, với câu chuyện vượt khó của họ và ước mơ trở thành khoa học gia để giúp họ tìm ra cách chữa trị bệnh ung thư vú. Bài phát biểu của Harris tại đại hội toàn quốc tập trung nhấn mạnh rằng câu chuyện của bà – về một đứa trẻ sinh ra thuộc thế hệ đầu tiên của một gia đình di dân đa chủng tộc vươn lên vị trí cao – cho thấy ‘miền đất hứa’ Hoa Kỳ đã không hề ‘nuốt lời’ và vẫn luôn là nơi bất kỳ ai, bất kể xuất thân như thế nào, cũng có cơ hội để thành công.
Harris đưa ra đề nghị về các chính sách trợ giúp toàn diện cho người dân, cắt giảm thuế cho các bậc cha mẹ, trợ giúp cho người mua nhà lần đầu và cung cấp vốn cho những người làm ăn nhỏ, nhằm giúp đỡ những người kém may mắn, ít cơ hội để phát triển. Bà cho biết có một điều bà đã thấm thía từ khi còn nhỏ, đó là “không phải ai cũng có cơ hội để thành công trong cuộc sống. Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ tạo ra một nền kinh tế cơ hội, mọi người đều có cơ hội cạnh tranh và cơ hội thành công.”
Harris nhìn Hoa Kỳ là một nơi mà mọi người có thể vượt qua những rào cản về chủng tộc và kinh tế để biến “giấc mơ Mỹ” thành hiện thực. Bất kỳ ai, bất kể nguồn gốc hay xuất xứ, đều có thể trở thành một phần của nước Mỹ nếu họ chấp nhận và bảo vệ những giá trị cốt lõi của Hoa Kỳ. Một khẩu hiệu trong chiến dịch của bà là "chúng ta nhất quyết không lùi bước," nhất định không quay trở lại một thời kỳ hạn chế quyền lợi và phân biệt đối xử, một thời kỳ lạc hậu đã thuộc về quá khứ.
Ngược lại, Đảng Cộng hòa, dưới sự ảnh hưởng của Donald Trump, lại nhấn mạnh vào một bản sắc nước Mỹ dựa trên yếu tố sắc tộc và nguồn gốc lịch sử cụ thể.
Tại Đại Hội Đảng ngay trước khi Trump nhận đề cử của Đảng Cộng Hòa, cựu đô vật Hulk Hogan lên sân khấu, mặc áo có dòng chữ “Real American” (Dân Mỹ thực thụ), và phát biểu: “Tôi nhận ra rằng tôi đang ở trong một căn phòng đầy những người Mỹ thực thụ,” đề cập đến khán phòng nơi diễn ra hội nghị và các dân biểu trung thành với Trump. Trong tiếng la ó ủng hộ, Hulk Hogan nói tiếp: “Khi Donald J. Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ, tất cả những người Mỹ thực thụ sẽ được gọi là Trumpites, và tất cả Trumpites sẽ sống thật nhiệt huyết, thật hết mình trong suốt bốn năm tới.”
Cũng trong đại hội đảng Cộng Hòa, khi JD Vance chấp nhận đề cử của đảng để trở thành ứng cử viên phó tổng thống, ông đã nhấn mạnh rằng bản sắc Mỹ không phải là một ý tưởng mà là một mối quan hệ huyết thống gắn liền với địa lý. Vance nói: “Hoa Kỳ không phải là một ý tưởng, mà là một cộng đồng của những con người có chung một lịch sử và cùng hướng về một tương lai.” Với Vance, Hoa Kỳ là một quốc gia bắt nguồn từ một địa điểm cụ thể với những truyền thống lịch sử và văn hóa cụ thể. Vance đã nói về quê hương của mình ở vùng Appalachia, nơi, trên một nghĩa trang trên núi ở Kentucky, có "quê hương" của ông, nơi bảy thế hệ trong gia đình ông đã được chôn cất. Với Vance, “cội nguồn sức mạnh vĩ đại của Hoa Kỳ” nằm ở sự gắn bó lâu đời của người dân và quê hương qua nhiều thế hệ. Vì vậy, bảo vệ sự vĩ đại của Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc bảo vệ người dân bản địa khỏi các yếu tố ngoại lai như lao động nước ngoài, năng lượng nhập cảng, và các thỏa thuận thương mại quốc tế đã đẩy nhiều công ăn việc làm ra khỏi đất nước.
Từ nhiều năm qua, Donald Trump đã tích cực tham gia vào cuộc tranh luận về “bản sắc Mỹ”, Ông ngang nhiên tuyên bố rằng tổng thống Obama không phải công dân Hoa Kỳ, và cho rằng bản thân Harris cùng các chính sách của bà không thuộc về con đường chính thống. Trump giễu cợt gọi kế hoạch kinh tế của Harris là kiểu Liên Xô, và liên tục gọi bà là “Đồng chí Kamala,” và còn đăng một hình ảnh ví von hội nghị của Đảng Dân Chủ giống hội nghị của Đảng Cộng Sản. Ông còn ám chỉ rằng Harris đã không thành thật về xuất thân của mình, và cố tình thay đổi cách thể hiện bản thân để nhận được sự ủng hộ từ cử tri gốc da đen.
Sarah Longwell, một chiến lược gia của Đảng Cộng Hòa nhưng không ủng hộ Trump, cho biết: “Ông ấy cố gắng tô vẽ hình ảnh của Kamala Harris thành kẻ nào đó xa lạ chứ không phải là con dân Hoa Kỳ,” và Harris đã đáp lại bằng cách nhấn mạnh rằng câu chuyện cuộc đời bà là minh chứng cho thấy giấc mơ Mỹ có thể trở thành hiện thực. Và đó là câu trả lời của Harris dành cho nỗ lực của Trump nhằm biến bà thành kẻ dị tộc.
Cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã phản bác rằng: “Donald Trump muốn chúng ta nghĩ rằng đất nước này bị chia rẽ sâu sắc, giữa chúng ta và họ, giữa những người Mỹ thực thụ – dĩ nhiên là ủng hộ ông ta – và ai không ủng hộ ông ta thì bị xem là người ngoài,” và kêu gọi mọi người bác bỏ ý tưởng đó.
Michelle Obama cũng đã phản bác cáo buộc của Trump rằng Harris là “ứng viên DEI”, chữ viết tắt của Diversity, Equity, Inclusion, hay đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, ám chỉ các nhóm sắc tộc thiểu số lợi dụng những ưu tiên về chủng tộc để vượt trội hơn người khác. Bà nhấn mạnh rằng chính Trump mới là người được ưu ái hưởng cái số “đẻ bọc điều” mà không phải ai cũng được.
Hạn chế nhập cư cũng là một trong những vấn đề quan trọng nhất của Donald Trump kể từ khi ông ra tranh cử tổng thống vào năm 2015. Trump muốn trục xuất hàng triệu người và đã cố gắng ngay từ khi làm tổng thống để ngăn chặn nhập cư từ một số quốc gia nhất định, bằng cả luật pháp và xây dựng bức tường biên giới. Việc hạn chế nhập cư, bảo vệ biên giới và duy trì bản sắc dân tộc được coi là những biện pháp cần thiết để bảo vệ bản chất của quốc gia.
Trong khi Vance kết thúc bài phát biểu với lời khẳng định rằng gia đình ông là đại diện cho “những thế hệ đã chiến đấu cho đất nước này, xây dựng đất nước này, và tạo ra mọi thứ trên đất nước này,” Trump đã nói thêm là ông sẽ ưu tiên đặt lợi ích quốc gia trên hết: “Chúng ta sẽ không để các nước khác vào đây, cướp đi sinh kế của đồng bào chúng ta và ăn xài trên tài nguyên của đất nước chúng ta.” Mặc dù lời tuyên bố kiểu “nước Mỹ trên hết” này nghe có vẻ hợp lý, nhưng người di dân hiểu chuyện như người Việt chúng ta nên nhìn rõ ý nghĩa đằng sau con chữ là tông điệu phân biệt chủng tộc, bài trừ di dân, gây chia rẽ nhằm kêu gọi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc quá khích,
Liệu Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một biểu tượng của tự do và cơ hội, hay sẽ trở thành một quốc gia khép kín, dựa trên sự bảo vệ một bản sắc dân tộc cố định? Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama khi nhắc đến câu chuyện của Harris đã nói: “(đây là) câu chuyện của rất nhiều người dân Hoa Kỳ đang cố gắng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và không ai sinh ra với đặc quyền quyết định ý nghĩa của một công dân Hoa Kỳ.”
Cuộc bầu cử năm 2024 không chỉ là một cuộc trưng cầu về chính sách hay lãnh đạo, mà còn là một cuộc đấu tranh về linh hồn của quốc gia. Dù ai thắng ai thua, cuộc xung đột về bản sắc này sẽ còn diễn ra dai dẳng và tiếp tục định hình chính trị và xã hội Mỹ trong nhiều năm tới.
Nina HB Lê
Tham khảo: “Campaign Lays Bare Debate Over What It Means to Be a ‘Real American’” được đăng trên trang WSJ.com.
Gửi ý kiến của bạn