
WASHINGTON, DC - NGÀY 26 THÁNG 3: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu với báo chí sau khi ký lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục Bạch Ốc vào ngày 26 tháng 3 năm 2025 tại Washington, DC. Tổng thống Trump công bố mức thuế 25% đối với tất cả ô tô sản xuất ở nước ngoài. (Ảnh của Win McNamee/Getty Images)
Hãy bắt đầu niềm tin này với câu nói của John Kelly, tướng thủy quân lục chiến hồi hưu, cựu Bộ trưởng Nội an, cựu chánh văn phòng của Donald Trump (2018): “Người phát điên vì quyền lực là mối đe dọa chết người đối với nền dân chủ.” Ông phát biểu câu này tại một hội nghị chuyên đề về nền Dân chủ ở Mount Vernon vào tháng 11/2024, ngay tại ngôi nhà của George Washington, vị tổng thống đầu tiên, người mở ra con đường cho nền dân chủ và tự do của Hoa Kỳ.
Không đùa đâu!
Tướng Kelly muốn nói, những người phát điên vì quyền lực ấy có thể giữ các chức danh khác nhau, thậm chí là Tổng Thống, nhưng trong thâm tâm họ là bạo chúa, và tất cả các bạo chúa đều có cùng một đặc điểm: Họ không bao giờ tự nguyện nhượng quyền lực.
Trong cuộc điện vào sáng Chủ Nhật với NBCNews, Donald Trump nói ông ta “không có ý đùa” về kế hoạch tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, dù “vẫn còn quá sớm để nghĩ đến điều đó.”
Đây không phải là lần đầu tiên Trump ngỏ ý về ý định xé rào Hiến Pháp, tìm kiếm (nhiều) nhiệm kỳ nữa. Tháng 6/2019, Donald Trump lúc đó là tổng thống thứ 44, đã viết trên Twitter: “Một tổng thống nên tự do quyết định rời vị trí hay không (Free Pass – theo cách dùng từ của Trump) trong nhiệm kỳ đầu tiên nếu ông ta bị đảng đối lập theo dõi.” Tháng 7/2019, tại Rose Garden, Trump trả lời phỏng vấn: “Đến một lúc nào đó, mọi thứ cứ diễn ra như hiện tại. Một số người thích ý tưởng này.”
Ngày 17/8/2020, tại chiến dịch vận động ở Mankato, Minnesota, Trump nói: “Chúng ta sẽ chiến thắng bốn năm nữa. Và sau đó, chúng ta sẽ có bốn năm tiếp theo, bởi vì họ đang theo dõi chiến dịch của tôi. Chúng ta nên làm lại bốn năm này.”
Từ rất lâu, Trump đã có một cách hiểu kỳ lạ về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đối với ông ta, vai trò tổng thống Mỹ và cuộc bầu cử theo hiến pháp của Mỹ không khác với cuộc đàm phán kinh doanh mà Trump không thể lỗ. Ông ta phải lấy lại, được bù đắp lại những phần ông ta cho rằng đã bị thiệt thòi.
Tháng 7/2024, khi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Turning Point Action Believers ở Florida, Trump mạnh dạn nói với những người Công giáo: “Hãy đến phòng phiếu và bỏ phiếu cho lần này. Bạn sẽ không phải làm điều đó nữa. Bốn năm nữa, mọi thứ sẽ được giải quyết. Bạn sẽ không phải bỏ phiếu nữa.”
Và gần đây nhất, trong cuộc phỏng vấn sáng Chủ Nhật 30/3 với NBC News, Trump không dấu khả năng sẽ ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba – “Tôi không nói đùa đâu,” Trump nói với Kristen Welker của NBC News. Lý do của ông ta là “rất nhiều người muốn tôi làm điều đó.” Từ đây, hình như báo chí đã bắt đầu giật mình, nên đã gọi đó là những lời dứt khoát và nghiêm túc nhất từ trước đến nay.
Có lẽ vì vậy, Trump khẳng định “có nhiều phương pháp để làm như thế,” bao gồm cả kịch bản Phó Tổng thống JD Vance sẽ ra tranh cử, đắc cử, và sau đó chuyển giao vai trò này cho Trump.
Trump đã nói: “Đó là một cách, nhưng cũng có những phương pháp khác nữa.” Sau đó, trên Không Lực Một, Trump từ chối xác nhận với báo giới rằng ông sẽ rời Tòa Bạch Ốc ngày 20/1/2029.
Donald Trump không có ý định “về nhà.” Lần này thì truyền thông Mỹ hoảng sợ thật sự, vì hàng loạt tờ báo lớn đều loan tin.
Washington ‘về nhà,’ nhưng Trump thì không
Ngay cả trước khi trở thành tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington đã nhận đề nghị nắm giữ quyền lực tối thượng, nhưng ông không nghĩ đến điều đó. Khi nhiệm kỳ tổng thống thứ hai sắp kết thúc, các cố vấn của ông một lần nữa đề nghị ông ở lại chức vụ, lập luận rằng nền cộng hòa có thể không tồn tại nếu không có ông. Washington từ chối. Ông trở về Mount Vernon, sau hai nhiệm kỳ phục vụ quốc gia. Ông trở về nhà như một công dân bình thường, từ bỏ quyền lực với tư cách là nguyên thủ quốc gia. Bài Diễn Văn Từ Nhiệm nổi tiếng của ông, đăng trên các tờ báo vào ngày 19/9/1796.
Ngày 4/3/1797, Washington chính thức trao lại chức tổng thống cho John Adams, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực hòa bình đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Quyết định từ nhiệm của ông đã tạo ra tiền lệ mà hầu hết các tổng thống đều tuân theo. Mãi cho đến khi thế giới xuất hiện Adolf Hilter và Mussolini, giành được quyền lực không giới hạn ở quốc gia của họ, người ta lo ngại rằng điều tương tự có thể xảy ra ở Hoa Kỳ. Mối lo ngại trở nên nặng nề hơn khi Franklin D. Roosevelt lên nắm quyền bốn nhiệm kỳ liên tiếp, vi phạm chuẩn mực vốn có trong nền chính trị Hoa Kỳ.
Sau đó, với sự ủng hộ áp đảo của người dân, Tu chính án thứ 22 của Hiến Pháp được phê chuẩn vào năm 1951 chính thức đưa ra giới hạn hai nhiệm kỳ tổng thống.
Tính đến nay, 44 người đã kế nhiệm Tổng Thống Washington. Một số trong họ trở thành những tổng thống lỗi lạc; những người khác hoàn thành nhiệm kỳ của họ một cách tốt đẹp; một số ít đã kết thúc sứ mệnh của họ cho đất nước trong những lỗi lầm. Nhưng tất cả họ đều biết rằng, sẽ đến một ngày, khi nhiệm vụ và vinh dự phục vụ quốc gia của họ phải kết thúc, trả lại chức tổng thống cho nhân dân – quyền tự do biểu quyết, quyền con người.
Chỉ trừ một người – Donald Trump, một người theo chủ nghĩa độc đoán.
Phần lớn các tổng thống Mỹ đều có một số kinh nghiệm quân sự. Còn một số ít, như Washington, là những anh hùng thực thụ bước ra từ chiến tranh. Tất cả họ đều hiểu rằng sự tuân thủ của quân đội đối với pháp quyền và quyền lực dân sự là nền tảng cho sự tồn tại của nền dân chủ. Một lần nữa, chỉ có một người không hiểu những chuẩn mực này. Đó là Donald Trump – một người thừa kế gia sản, một tài phiệt cả đời chạy theo lợi nhuận và đam mê vật dụng mạ vàng.
Trump không quan tâm đến Hiến pháp hay pháp quyền, cũng như chính quyền của ông ta hay các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng hòa. Trump coi thường các chuẩn mực và thể chế. Trump đánh thẳng vào những điểm yếu của con người để chọn đồng: lòng trung thành, danh dự và phẩm giá. Tất cả ba yếu tố này đều quy ra thành đô-la dưới đế chế của ông ta.
Trong bài Diễn Văn Từ Nhiệm, vị công thần khai quốc Washington từng viết: “Sớm hay muộn thì người đứng đầu của một phe phái nào đó đang thắng thế sẽ thao túng cảm xúc của người dân và lòng trung thành với đảng phái của họ vì mục đích giữ vững vị thế của chính mình, trên đống hoang tàn của quyền tự do công cộng.”
Washington đã thấy trước mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ từ một người như Trump.
Donald Trump không hề che dấu kịch bản tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba liên quan đến JD Vance – kịch bản Vance đắc cử và sau đó nhượng quyền lại cho Trump. “Đó là một cách,” Trump trả lời NBC News. Donald Trump đã quá nhuần nhuyễn trong cách “nhử mồi” để tìm kiếm quyền lực vượt qua ranh giới pháp lý.
Bài viết trên Minnesota Law Review năm 1999 có tên “The Twice and Future President” giải thích rằng một tổng thống được bầu hai lần có thể trở thành phó tổng thống và sau đó, nếu tổng thống hiện tại bị cách chức, từ chức hoặc qua đời, thì phó tổng thống trở lại làm tổng tư lệnh.
Brian Kalt, một giáo sư luật tại Michigan State University, người đã viết về một tổng thống có hai nhiệm kỳ được đề cử để tranh cử phó tổng thống trong Constitutional Cliffhangers: A Legal Guide for Presidents and Their Enemies, gọi đó là một lỗ hổng trong giới hạn hai nhiệm kỳ của Tu chính án thứ 22. NPR đã kể lại lỗ hổng này từng được Dwight Eisenhower, tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên bị hiến pháp cấm tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, đã ám chỉ đến vào năm 1960.
Với tất cả những điều trên, thì rõ ràng Donald Trump không nói đùa. Theo phân tích của Stephen Gillers, giáo sư danh dự của New York University School of Law, là kịch bản “Trump đạt được thỏa thuận với Vance trước cuộc bầu cử năm 2028, nếu họ giành chiến thắng, Vance sẽ từ chức và Trump sẽ trở thành tổng thống.”
Lỗ hổng của Tu chính án thứ 22 tạo cơ hội để khi người dân đặt một tổng thống cao hơn sự hiểu biết chung về Hiến pháp, thì họ sẽ nhảy qua bất kỳ lỗ hổng nào có thể để vi phạm điều luật. “Chúng ta đã thấy điều đó ở các quốc gia khác. Ở đâu có giới hạn nhiệm kỳ, ở đó có những điểm yếu,” giáo sư Kalt nói.
Không ít người Mỹ vào năm 2020 đã bỏ qua lời cảnh báo này, để Donald Trump ngày càng phản bội di sản lớn nhất của Washington trong lịch sử Hoa Kỳ. Bây giờ, có thêm cơ hội, ông ta sẽ phản bội di sản đó một lần nữa, nặng nề hơn, thiệt hại hơn, có thể là không thể khắc phục được.
Tướng John Kelly kết thúc bài diễn văn năm 2024 của ông bằng câu: “George Washington đã về nhà.”
Nhưng Donald Trump thì không!
Kalynh Ngô
Gửi ý kiến của bạn