
Trump muốn kết thúc chiến tranh Ukraine bằng cách nhượng bộ Nga để lôi kéo họ chống lại TQ, nhưng điều này rất khó thành hiện thực vì Moscow ngày càng lệ thuộc vào Bắc Kinh. Thay vì gây chia rẽ Nga-Trung, chiến lược của Trump có nguy cơ làm phương Tây mất đoàn kết và để cho TQ thừa cơ bành trướng thế lực. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
Liệu Hoa Kỳ có đang tính khơi gợi lại rạn nứt giữa Nga và TQ?
Trong buổi phỏng vấn ngày 31 tháng 10 năm 2024 với bình luận gia cánh hữu Tucker Carlson, Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng dưới thời Joe Biden, Hoa Kỳ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi vô tình đẩy Nga và TQ lại gần nhau. Theo Trump, một trong những ưu tiên hàng đầu khi ông quay trở lại Tòa Bạch Ốc sẽ là phá vỡ liên minh này.
Khi đó, Trump tự tin tuyên bố: “Tôi sẽ phải tách họ ra, và tôi tin mình sẽ làm được.”
Và ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ thứ hai, Trump đã tỏ rõ mong muốn đàm phán với Nga nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Ukraine. Một cách giải thích cho chính sách này là: Trump đang làm đúng những gì từng nói trong cuộc trò chuyện với Carlson. Việc rút Hoa Kỳ khỏi cuộc xung đột tại Âu Châu và khôi phục quan hệ với Moscow, kể cả khi phải bỏ rơi Ukraine, là một phần trong chiến lược tập trung đối phó với TQ.
Sau cuộc điện đàm gần đây với Putin, Trump nói với Fox News: “Là một người am hiểu lịch sử, và cũng đã chứng kiến mọi thứ diễn ra, bài học quan trọng ở đây là không bao giờ để Nga và TQ bắt tay nhau.”
Có vẻ như Trump đang nhắc đến một chiến lược ngoại giao từng được áp dụng trong thời Nixon. Khi đó, Mỹ chủ động bắt tay với TQ để ứng phó với Liên Xô, tránh để hai quốc gia này quá thân thiết với nhau.
Nhưng nếu mục tiêu cuối cùng của Trump là tái diễn kịch bản của Nixon để chia rẽ Moscow và Bắc Kinh, thì phải nói là quan điểm của ông vừa ngây thơ vừa thiển cận. Tại sao? Bởi vì Nga không có lý do gì để từ bỏ mối quan hệ với TQ; còn trong mắt Bắc Kinh, chính sách đối ngoại của Trump (đặc biệt là cách giải quyết cuộc chiến Nga – Ukraine) không phải là biểu hiện của sự cứng rắn, mà là dấu hiệu của sự bạc nhược.
Thế giới đã thay đổi
Mặc dù trong lịch sử, Nga và TQ từng có lúc đối đầu vì lợi ích riêng, nhưng tình hình địa lý chính trị hiện tại đã khác xa so với thời Chiến Tranh Lạnh. Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh ngày càng bền chặt, với mục tiêu chung là chống lại phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Trong những năm gần đây, cả TQ và Nga đều gia tăng sức ảnh hưởng của mình trên toàn cầu. TQ thì mở rộng sức mạnh quân sự ở Biển Đông và gia tăng áp lực lên Đài Loan. Còn Nga thì tìm cách củng cố quyền kiểm soát ở các nước từng thuộc Liên Xô, điển hình là Ukraine.
Đáp lại, các quốc gia phương Tây siết chặt hợp tác để đối phó với cả TQ và Nga, nhưng hành động này lại vô tình khiến họ càng xích lại gần nhau hơn.
Giao hảo muôn đời?
Trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Putin và Tập Cận Bình chính thức tuyên bố “tình hữu nghị không giới hạn,” thể hiện rõ lập trường chung nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây.
Từ đó đến nay, TQ đã trở thành đối tác quan trọng nhất của Nga, là thị trường xuất cảng và nhập cảng lớn nhất của Moscow. Đến năm 2024, thương mại song phương giữa hai nước đạt mức 237 tỷ MK, cao nhất từ trước đến nay. Khi Nga bị phương Tây trừng phạt, Bắc Kinh trở thành khách hàng lớn nhất của ngành dầu khí Nga, giúp Moscow duy trì nền kinh tế bất chấp áp lực cấm vận từ Hoa Kỳ và Âu Châu.
Sự lệ thuộc ngày càng lớn của Nga vào TQ khiến cho Bắc Kinh có lợi thế đàm phán rõ rệt, và biến mọi toan tính của Trump nhằm kéo Nga ra khỏi quỹ đạo của TQ trở nên phi thực tế.
Nhưng như vậy không có nghĩa là quan hệ Nga-Trung là không thể lay chuyển. Vẫn còn tồn tại những điểm bất đồng và khác biệt trong chính sách giữa hai nước. Nếu muốn tìm cách chia rẽ mối quan hệ này, Trump có thể khai thác một số yếu tố.
Chẳng hạn, Nga có thể thấy có lợi khi giúp Mỹ kiềm chế TQ và hạn chế tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Một cách để làm điều đó là thông qua mối quan hệ chiến lược giữa Moscow với Ấn Độ – một đối thủ của TQ trong khu vực Á Châu. Bắc Kinh luôn cảnh giác trước Ấn Độ, đặc biệt khi hai nước này đã có nhiều lần xung đột tại biên giới.
Ngoài ra, giữa TQ và Nga vẫn tồn tại những tranh chấp biên giới kéo dài từ thời Liên Xô. Dù hiện tại mối quan hệ song phương có vẻ ổn định, nhưng về lâu dài, những “xích mích” trong tương lai có thể bắt nguồn từ đây.
Putin rất rõ ai là bạn, ai là địch
Putin không hề ngây thơ và luôn hiểu rõ tình hình. Ông ta thừa hiểu rằng sự trở lại của Trump không đồng nghĩa với việc phương Tây sẽ gỡ bỏ lập trường cứng rắn với Nga.
Dù Trump từng thể hiện sự thân thiện với Putin trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng trên thực tế, chính quyền Trump lại áp đặt các lệnh trừng phạt còn mạnh tay hơn so với chính quyền Obama hay Biden.
Vì vậy, dù sẽ hoan nghênh một thỏa thuận hòa bình do Trump làm trung gian (thậm chí là hy sinh lợi ích của Ukraine) theo hướng có lợi cho Nga, điều đó không có nghĩa là Putin sẽ quay lưng lại chống TQ.
Ông ta thừa biết là Moscow đang phụ thuộc vào Bắc Kinh cả về kinh tế lẫn quân sự. Như một chuyên gia phân tích từng nhận xét rằng Nga giờ chẳng khác gì một “chư hầu” của TQ, hoặc không thì cũng là “kèo dưới.”
Đừng “vạch áo cho người xem lưng”
Từ góc nhìn của TQ, việc Trump muốn làm trung gian đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine là dấu hiệu của sự yếu thế.
Mặc dù một số viên chức trong chính phủ Hoa Kỳ, như Ngoại trưởng Marco Rubio, vẫn giữ quan điểm cứng rắn với TQ (thậm chí còn coi Bắc Kinh là “mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với sự thịnh vượng của nước Mỹ”), nhưng bản thân Trump lại không vững lòng.
Dưới thời Trump, Mỹ có lúc áp đặt thuế quan lên hàng hóa TQ, khơi mào một cuộc chiến thương mại mới. Nhưng cũng có lúc Trump cân nhắc việc gặp Tập Cận Bình để cải thiện quan hệ.
Bắc Kinh hiểu rõ Trump thường ưa cái lợi trước mắt hơn là chiến lược dài hơi, và sẽ tìm mọi cơ hội khai thác điểm yếu trong các chính sách đối ngoại của Trump.
Những diễn biến hiện tại khiến người ta phải tự hỏi lại xem Mỹ sẵn lòng trả giá đến mức nào để bảo vệ Đài Loan? Không giống như những người tiền nhiệm, Trump thường đánh trống lảng, không đưa ra bất kỳ hứa hẹn nào về việc Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng Đài Loan.
Thay vào đó, Trump gợi ý rằng nếu TQ tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm “tái thống nhất” Đài Loan, ông sẽ không chọn cách đưa quân can thiệp mà sẽ dùng các biện pháp kinh tế như tăng thuế và cấm vận. Lập trường này, cùng với thái độ sẵn sàng cắt đất Ukraine để đổi lấy hòa bình hiện nay, đã khiến Đài Loan cảm thấy bất an về việc Mỹ có còn giữ đúng lời hứa với các nguyên tắc quốc tế lâu đời hay không.
Bài học từ cuộc chiến Ukraine: TQ đã chuẩn bị mọi thứ
Nhìn vào cuộc chiến Ukraine, TQ có thể rút ra một bài học quan trọng: các lệnh trừng phạt kinh tế do Hoa Kỳ và phương Tây áp đặt có những giới hạn nhất định và không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Thực tế đã chứng minh rằng, dù bị phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt mạnh tay, Nga vẫn trụ vững nhờ các chiêu trò né tránh và sự hỗ trợ từ những quốc gia đồng minh như TQ và Bắc Hàn. Trong khi đó, Bắc Kinh có quan hệ kinh tế gắn bó với phương Tây hơn hẳn Nga, và vị thế kinh tế toàn cầu hiện nay giúp họ có đủ sức mạnh để chống lại bất kỳ chiến dịch cô lập kinh tế nào do Mỹ khởi xướng.
Trong những năm gần đây, khi căng thẳng địa lý chính trị gia tăng khiến phương Tây dần tháo gỡ mối ràng buộc kinh tế với TQ, Bắc Kinh đã kịp thời ứng phó bằng cách tập trung thúc đẩy tiêu dùng nội địa và phát triển nền kinh tế tự lực trong những ngành trọng yếu.
Sự điều chỉnh này cho thấy tiềm lực kinh tế mạnh mẽ và ảnh hưởng văn hóa sâu rộng của TQ. Không chỉ vậy, họ còn tích cực mở rộng chiến lược đối ngoại có chủ đích, củng cố quan hệ với các nước thuộc thế giới phương Nam (Global South). Đến nay, họ đã thuyết phục được 70 quốc gia chính thức công nhận Đài Loan là một phần của TQ.
TQ đang thu mình chờ “gió Đông”?
Với tình hình hiện tại, những toan tính của Trump khi tìm cách chấm dứt xung đột ở Ukraine, thông qua việc vuốt ve Nga để dụ họ bắt tay chống lại TQ, rất dễ phản tác dụng.
Dù có thể âm thầm dè chừng trước sự trỗi dậy của TQ, Nga vẫn sẽ coi trọng mục tiêu chung: đối đầu với trật tự quốc tế do phương Tây dẫn đầu. Cộng với đó là sự lệ thuộc kinh tế vào TQ ngày càng sâu sắc, nên mọi nỗ lực chia rẽ mối quan hệ này đều là chuyện viển vông.
Đó là chưa kể chiến lược của Trump vô tình để lộ ra những lỗ hổng mà Bắc Kinh có thể tận dụng. Lối ngoại giao vụ lợi và tự cô lập, cùng với việc cổ vũ cho các thế lực cánh hữu tại Âu Châu, dễ làm căng thẳng quan hệ với Liên Âu và khiến các đồng minh nghi ngờ cam kết an ninh của Washington.
Trong mắt TQ, đây là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đang dần mất đi sức ảnh hưởng, và là thời cơ để họ mở rộng quyền lực, đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan.
Rốt cuộc, thay vì chia rẽ Nga và TQ, Trump lại đang vô tình làm suy yếu chính liên minh phương Tây – điều mà Bắc Kinh mong muốn hơn cả.
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “Trump’s desire to ‘un-unite’ Russia and China is unlikely to work – in fact, it could well backfire” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn