Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

Chuyện ăn

12/09/202309:59:00(Xem: 2357)
Phiếm

IMG_7124

Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
    Vì tôi sinh ra với cái nốt ruồi trên khóe miệng nên máu “ăn hàng” có trong tôi từ bé, đâu phải tự dưng má gọi tôi là con “Mỏ Khoét”. Nhà tôi có quán nước giải khát, má bận cả ngày với khách hàng, tôi vẫn tranh thủ xin tiền má rồi chạy biến qua các hàng quà vặt trong xóm với các món hàng mê mẩn bất cứ đứa bé nào: kẹo bột, bánh tráng, bánh sữa mặt trăng, bánh tay cùi... để rồi ngày nào tôi cũng chán cơm vì bụng đã no nê. Có lần má cầm cây roi, rồi để cái bánh bông lan bên cạnh, bắt tôi phải ăn xong chén cơm nếu muốn có bánh bông lan, hoặc là ăn roi. Tôi còn ganh tỵ với cả đứa cháu trai nhỏ hơn tôi bốn tuổi, bữa nào tôi đi học về mà thấy cái miệng nó ướt ướt, tôi sà vào hít hà miệng nó, thấy mùi xá xị là lên cơn õng ẹo đòi má phải khui cho tôi một chai, nhưng má cương quyết không cho, nào vì tiếc chai xá xị, mà má ra điều kiện “Mỏ Khoét” phải ăn cơm xong mới có xá xị. Thích nhứt là khi ấm đầu sổ mũi, tôi có “đặc quyền” điểm danh các hàng phở, mì gõ trong xóm để má sai người đi mua về cho tôi dưỡng bệnh.
    Lớn lên vào tuổi niên thiếu tung tăng đến trường thì chuyện ăn hàng là... đương nhiên. Có cô học trò nào không say sưa ăn vặt? Các quán xá trước cổng trường, vỉa hè lề đường suốt con đường đi học, lũ chúng tôi rành rọt còn hơn thuộc bài. Cóc ổi xoài ngâm chấm muối ớt cay xè, kem chuối lạnh có đậu phộng giã nhuyễn bùi bùi, khoai mì trộn dừa ôi mê ly, khoai lang chiên giòn, hôm nào có nhiều tiền thì vào hàng chè nóng, ôi các thau chè bắt mắt làm chảy nước miếng của những tâm hồn đam mê ăn uống: chè táo xọn, chè đậu, chè thưng, chè khoai môn, chè bà ba thơm ngọt ngất ngây.
    Khi tôi lên trung học, mức độ ăn hàng cũng... tăng theo cấp lớp. Ngày ngày đạp xe ra Sài Gòn học thêm luyện thi đại học, chúng tôi không bỏ sót bất cứ lời đồn nào về các món ăn khắp bốn phương trời. Nào gỏi đu đủ khô bò trước Chùa Xá Lợi, chè đá đậu Lý Chính Thắng (trước 1975 là Chè Yên Đổ lừng danh), bún bò Kỳ Đồng, bánh cuốn Văn Hoa ĐaKao, bột chiên hẻm Chu Mạnh Trinh Phú Nhuận. Các nẻo đường ăn hàng luôn luôn là hình bóng ấp ủ trong trái tim tôi, chớ hổng phải hình ảnh... thằng bạn nào hết á!
    Đó là các quán ăn bên ngoài, còn các món ăn vặt trong xóm thì khỏi nói, tôi cũng có mặt đầy đủ. Sát bên nhà tôi là chị hàng xóm có tủ trái cây, khoảng giờ trưa là chị bày hàng, các miếng xoài, dưa hấu, đu đủ được cắt gọn gàng tươi mát, phủ một lớp đá bào lên trên, là món giải khát tuyệt vời của mùa nóng bức. Thấy tôi vừa dắt xe khỏi cổng nhà chuẩn bị đi học thêm, chị cười duyên với tôi:
    – Mở hàng giùm chị đi em, đu đủ mới cắt nè, ngọt lịm luôn đó.
    Tôi vội vàng:
    – Thôi chị, em phải đi học ngay, kẻo trễ giờ.
    – Nhưng em ơi, “vía” của em rất tốt, lần trước nhờ em mở hàng mà chị bán sạch tủ trái cây trong vài tiếng đồng hồ, em làm ơn đi mà.
    – Chị làm em khó xử quá, thôi chị đưa đây, chút em ăn sau, tiền bạc em không có sẵn nhe.
    – Ối, em đừng lo, khi nào rảnh thanh toán luôn một thể.
    Từ đó, trưa nào chị cũng rình tôi vừa dắt xe ra là quăng liền 1 bịch đu đủ đá bào lên giỏ xe đạp của tôi (chính xác không thua gì các cầu thủ bóng rổ ném banh), kèm theo một nụ cười mãn nguyện sung sướng.
    Ở ngôi chợ nhỏ trong xóm, có bác Mộc là người còn giữ nét Bắc Kỳ dù di cư vào Nam đã lâu, bác vẫn vấn khăn trên đầu, mắc áo yếm lót bên trong chiếc áo cánh màu trắng mỏng. Bác bán các món Bắc thanh lịch như xôi vò, chè bồ cốt, rượu nếp, bánh trôi. Hôm đó bác làm món mới, là bánh cam ngào đường (không phải loại bánh cam nhận đậu xanh ngọt có mè bên ngoài, mà bánh cam nhân đậu xanh mặn xào hành lá, bên trên vỏ bánh là một lớp đường ngả màu óng ánh), là món ... ruột trong vô vàn món ruột của tôi, nên tôi có mặt từ sớm để mua trước khi đi học. Được vài hôm không thấy tôi mua nữa, bác gặp tôi trong xóm, liền hỏi:
    – Sao mấy hôm nay cô không mua bánh cam, ngán rồi ư?
    Tôi nhăn mặt tiếc nuối:
    – Thú thiệt với bác, đêm nào con cũng học bài đến khuya, sáng ngủ dậy chỉ kịp giờ đi học, con không thể thức dậy sớm hơn để ra chợ mua bánh, dù lòng con rất muốn, rất thèm.
    Bác Mộc hớn hở:
    – Tưởng gì! Vậy thì mỗi sáng sớm trên đường dọn hàng ra chợ, tôi tạt qua nhà đưa bánh cho cô, tiền bạc cứ để đấy, tính sau.
    – Dạ thôi, phiền lắm bác ơi.
    – Có phiền gì đâu, chỉ thêm vài phút thôi mà, cái chính là tôi muốn được cô... mở hàng.
    Tôi kêu thầm trong bụng “ nữa hả? cái vụ mở hàng !?” rồi hỏi bác:
    – Mà sao bác cần con mở hàng chớ, xóm này thiếu gì người?
    – Ối dào, chỉ có cô mới có cái nốt ruồi ngay khóe miệng, mở hàng là bảo đảm đắt như tôm tươi, cấm có sai nhé.
    Cũng giống như với chị bán đu đủ đá bào, tôi đành ngoan ngoãn dạ vâng, coi như đôi bên cùng có lợi, tôi có bánh cam ăn sáng, bác có tôi mở hàng. Ngày hôm sau bác đến gọi cổng khi tôi còn ngủ, may mà có ông anh sáng nào cũng dậy sớm tập tạ trước sân nhà, nên anh nhận bánh cam giúp tôi vì anh nghĩ chắc có chuyện đột xuất, hoặc tôi không được... khỏe. Nhưng vài ba ngày sau nhận bánh liên tiếp, anh liền mắng tôi:
    – Em học đâu ra cái thói “con nhà lính tính nhà quan” thế kia? Từ đây ra chợ vài chục bước chân, sao lại hành người ta như thế.
    Ui choa, cái này là “oan thị Kính” chớ không phải “oan Thị Màu”, nhưng dù tôi có phân bày thế nào, anh vẫn lạnh lùng ra lệnh: “dẹp ngay!”
    Tôi và bác Mộc đều rất buồn, nhưng biết làm sao hơn. Để bù lại, vào cuối tuần, sau khi ngủ nướng đã đời, tôi đi bộ ra chợ, ngoài phần bánh cam bác đã để dành như tôi dặn, tôi còn ngồi xuống ăn bát xôi vò trộn chè bồ cốt, dù tôi không còn mở hàng nhưng bác Mộc rất vui vì tôi vẫn là khách hàng thân quen.
    Cái thuở “sống để ăn” ấy đã trôi qua lâu rồi, vì ngày nay, khi bước qua tuổi 50 trở đi, nhìn bạn bè và anh chị em trong nhà bắt đầu có dấu hiệu “cao nọ cao kia”, bác sĩ dặn dò “kiêng nọ kiêng kia”, tôi bắt đầu bước vào giai đoạn...“ ăn để sống”. Người may mắn được tôi chọn đồng hành “ăn để sống” chính là chồng tôi, vì dù sao anh ấy cũng già hơn tuổi hai tuổi, còn lưu luyến gì cái thời “sống để ăn” nữa chớ.
    Thế là chương trình được áp dụng ngay luôn, bớt mỡ bớt đường, ăn nhiều rau, uống nhiều nước, đi bộ mỗi ngày ít nhất 30 phút, ăn bánh mì nâu, nhiều hạt, tránh thịt đỏ, bổ sung nhiều vitamin vân vân và vân vân.
    Thời gian đầu, chồng tôi cũng hăng hái tham gia nhưng rồi có ngày bỗng than thở:
    – Hễ em xem google nói gì là bắt anh thực hành, uống sữa uống nước, rồi nước chanh, nước artichoke, probiotic Kefir yogurt, bột nghệ, riết bụng anh no ngang, còn ăn được gì nữa đâu.
    – Chẳng phải đó là mục đích của chúng ta, ăn ít cơm ít thịt đó sao?
    – Em còn kiểm soát cả lunch bag mỗi khi anh xong việc về nhà, có hôm gần tới giờ đi ngủ, anh đang xem trận hockey chung kết gay cấn, em bỗng xuất hiện ở cửa phòng với ly nước trong tay, bảo rằng anh chưa uống đủ tám ly, làm anh chia trí lỡ một pha ghi bàn trên ti vi.
    Nói tới lunch bag, đúng là tôi có theo dõi chặt chẽ vì tôi biết tiệm quá bận rộn, chuyện quên ăn, quên uống đôi khi vẫn xảy ra. Có hôm, thấy trái quít còn trong lunch bag đem về, tôi hỏi lý do, anh bảo vì gấp gáp nên không có thời gian lột vỏ. Chuyện nhỏ, lần sau tôi lột sẵn trái quít, bọc plastic wrap gọn gàng, chồng đừng hòng lý do lý trấu gì nữa nhé.
    Rồi chồng tôi hờn mát:
    – Ở tiệm thuốc, anh là người hướng dẫn khách hàng vấn đề sức khỏe, còn về nhà thì phải... nghe lời em!
    Sao bữa nay anh ấy “mong manh dễ vỡ” vậy cà? Mà thôi, các đấng đàn ông cũng là con người biết buồn biết vui biết chạnh lòng, và nhất là đều... hảo ngọt, tôi bèn tung kế “dịu dàng”:
    – Anh thừa biết em làm vậy vì lo cho anh quá bận không còn thời giờ chăm sóc bản thân, đúng không? Thôi anh hãy ráng cùng em tiếp tục ăn uống “kham khổ” trong tuần, đến cuối tuần em lại nấu những món phở, bún chả giò, bánh canh, hủ tíu. À, tuần này nhà có nhiều rau thơm ngoài vườn, em sẽ làm món bánh xèo anh yêu thích đấy nhé.
    Nói đến bánh xèo là tôi nhức đầu, vì thỉnh thoảng tôi mới đổ bánh xèo nên nhân tiện làm luôn hai bịch bột, để cả nhà cùng ăn, rủ thêm hai người bạn thân thiết cho vui. Một người là cô bạn single mom ăn chay trường, còn người kia là nhỏ em cùng xóm mà tôi là má đỡ đầu hai đứa con gái của nó, chồng nó đi làm xa. Đổ bánh tuy có mệt, nhưng chưa mệt bằng việc phải nhớ đổ bánh cho đúng ý từng người, này nhé:
    – Đầu tiên phải đổ mấy cái chỉ có nấm và tàu hũ cho cô bạn ăn chay.
    – Tiếp theo, con gái tôi: nhiều tôm, ít thịt, không giá.
    – Thằng fiance của con gái: không onion, không mushroom, nhiều giá.
    – Con trai tôi: không mushroom, không tôm, ít giá.
   – Hai đứa con gái đỡ đầu: không giá, không onion, không đậu xanh, không mushroom, không thịt, nhiều tôm và tàu hũ.
    – Cuối cùng mới đổ cho vợ chồng tôi và nhỏ em hàng xóm thuộc nhóm thích đủ thứ, hổng chừa thứ gì.
    Ăn bánh xèo trong nhà mà còn phức tạp, chín người mười lăm ý, thì nói chi cuộc đời, người ta bất đồng ý kiến, goánh nhau chửi nhau như mổ bò rồi tha hồ “chụp mũ” cho nhau. Có lần đổ xong bánh, tôi bày la liệt trên kitchen counter, rồi đi dọn dẹp mọi thứ, lúc quay lại không thể nhớ dĩa nào là dĩa nào, là của ai, báo hại tôi phải mò mẫm, vạch từng cái bánh xèo ra dòm cho kỹ, xong ngồi thở hổn hển, nổi đóa tuyên bố: “Tôi thề, năm sau mới đổ lại bánh xèo”.
    Vậy mà cũng tới một năm rồi đó, là hôm nay, tôi xin dừng bài viết tại đây để đi pha bột bánh xèo nha quý vị!

—Kim Loan

(Edmonton, 9/2023)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong số các bạn, có những người đã ra đi không bao giờ trở lại, em tôi là một trong những người đó. Người dân Miền Nam vẫn luôn giữ hình ảnh hào hùng của các bạn trong trái tim với lòng biết ơn bao la. Thầy Năng Tĩnh ở một mình trong ngôi Chùa nhỏ vùng ngoại ô, rất xa thành phố. Ngôi Chùa chỉ là chiếc “mobile home” trên vài mẫu đất, trước kia là một nông trại bé tí teo, có hàng rào kẽm gai chung quanh để trại chủ nuôi bò. Từ ngày lập Chùa, Thầy chỉ nuôi một con chó nhỏ để làm bạn và mấy con gà trống, thả chạy tự do đặng nghe tiếng gáy cho vui. Sát hàng rào Thầy trồng mấy dây mùng tơi, khổ qua, giàn bầu và mướp trái xum xuê, bên cạnh đó là mấy luống cải xanh, rau thơm, cà pháo. Sân trước, Thầy đào chiếc hồ xinh xinh, có hòn non bộ, đầy đủ cảnh “Sơn Thủy Tùng Đình” với “Ngư Tiều Canh Mục”, trông cũng vui mắt
Tôi có cảm giác mọi người trong xưởng rất thương mến anh em ông chủ hơn sợ chủ đuổi việc, và anh em ông chủ cũng thương mến mọi người như anh em chứ không chủ thợ rạch ròi. Việc đến phải đến, ông chủ mướn người vô chạy máy sỏi đá mà tiếng Anh gọi là “deburr machine” thay cho ông Mỹ đen đã qua đời. Ông này dị tướng nên anh em chờ xem tài của ông vì ông bà mình nói những người dị tướng thường có tài. Nhưng một tuần trôi qua, chỉ có tuần tới tiếp tục chứ không có gì lạ về ông trọ trẹ. Ai cũng biết ông người miền trung nhưng ai hỏi ông là người tỉnh nào ngoài trung thì ông gắt gỏng chứ không trả lời. Ông lên lớp giảng giải cho người miền bắc, người trong nam hiểu ra chính sách chia để trị của thực dân Pháp chứ đất nước Việt nam liền một dải, người dân từ bắc vô nam nói chung một ngôn ngữ là tiếng Việt từ đời cha ông để lại giang sơn gấm vóc nước Việt cho con cháu. Sao người Việt lại nô lệ tự nguyện cho Pháp, đi phân biệt bắc trung nam để chia rẽ chính dân tộc mình…
Ba chục năm trước, Bê đã bắt đầu sự nghiệp thể thao của Bê. Số là, Ba vừa học xong lớp chuyển nghiệp. Thời gian chuẩn bị thi cử, Ba dạy kèm cho một người bạn cùng lớp. Thi đậu, người bạn tạ ơn Ba một cặp vé Musik Konzert. Lúc đó, Bê ở trong bụng Mẹ đã hơn sáu tháng. Mẹ kể, Mẹ đang năm đầu ở đại học. Trời mùa đông, Mẹ đi học, mặc áo khoác dày cui. Bởi vậy, bạn học không ai biết Mẹ sắp sửa có em bé, chỉ ngỡ Mẹ hơi lên cân, zugenommen. Bác bạn của Ba có lẽ không dè vợ của bạn là bà bầu nên mới mời đi Rock Pop Konzert của ca sĩ Jennifer Rush.
Năm đó, 1999, miền Trung Việt Nam nhất là ở Huế đang chịu trận thiên tai bão lụt lịch sử lớn nhât từ trước cho đến thời điểm bấy giò. Trong hội chợ tết, người Việt ở đây San Jose vui Xuân nhưng không quên đồng bào ở quê nhà. Từng đoàn Hướng Đạo Sinh Việt Nam được phân phối nhiệm vụ cầm những thùng lạc quyên để quyên tiền cứu trợ. Đang lang thang trong hội chợ, hai em bé trong đồng phục Hướng Đạo chận tôi lại. Một trai một gái. Bé gái cao hơn bé trai non nữa cái đầu, chửng chạc nói “Chú ơi, ủng hộ đồng bào bảo lụt đi chú”. Trọn một câu tiếng Việt, tuy phát âm không trọn vẹn, nhưng khá rõ ràng. Tôi nhìn hai em, nhất là bé gái đang thắt cái nơ trên đầu cái nơ mầu đỏ! Tôi bỗng thấy lòng bâng khuâng man mác.
Qua sự giới thiệu của phụ huynh học sinh, chiều nay tôi có thêm học trò mới. Tuy tin tưởng vào người giới thiệu, nhưng tôi cũng có sự dè dặt thường lệ. Đây không phải là lớp dạy thêm bình thường, mà là lớp dạy kèm “Anh văn chui” tại nhà. Nếu bị bắt “tại trận”, tôi có thể bị đuổi việc (nhẹ) hoặc cả vào trại tù "miệt thứ" dài hạn như chơi. Tuy rất nguy hiểm, nhưng được sự “bảo mật” của học trò lẫn phụ huynh và nhất là khoản tiền thù lao rất hậu. Lương giáo viên cấp 3 lúc đó (1978-1979) mỗi tháng $70 đồng cộng nhu yếu phẩm, thì mỗi học sinh "dạy thêm" tôi nhận được $80/ tháng. Chỉ cần ba học trò là mỗi tháng tôi có thêm đến $240 đồng. Đối với giáo viên lúc đó không phải nhỏ! Cà phê cà pháo, cơm hàng cháo chợ cuối tháng vẫn dư tiền bỏ ống. Phần nữa, học trò lớp “Anh văn chui” của tôi thông thường chỉ vài ba tháng là “ra đi”, nên cũng thường xuyên thay đổi.
Vừa đi vừa ngắm lá vàng vừa suy nghĩ chuyện cũ mà đến nhà Sarah hồi nào hổng hay. Sarah mở cửa với nụ cười thật tươi, Lệ thấy ngay phòng khách những giỏ táo đầy ắp, Sarah giải thích: - Hễ cuối hè đầu thu là nhà tớ hái toàn bộ các trái táo ngoài vườn sau, một phần để sên mứt, phần sấy khô, và phần làm bánh táo nướng.
Nhà thơ Trần Mộng Tú gửi tới tôi bài “Mùa Hạ Đom Đóm và Dế Mèng” khi tôi muốn cùng các ông bạn đồng lứa tuổi trở về những ngày xưa thật xưa. Chị Tú hình như cũng cùng tâm trạng với các bạn không còn trẻ của tôi: “Tháng sáu, tôi đến chơi với anh tôi ở Virginia. Cái nóng rịn mồ hôi trên thái dương, và khó ngủ lắm, buổi tối, tôi với anh ra ngồi ở bực thềm, nói chuyện. Tôi bỗng thấy thỉnh thoảng có những chớp nho nhỏ như lân tinh sáng lóe lên rồi lại biến mất trong bụi cây thấp trước mặt, hỏi anh tôi, cái gì thế? “Đom Đóm” Tôi lặng người đi một lúc như nghe thấy ai nhắc tên một người bạn thân cũ, nó làm tôi xúc động. Xúc động một cách rất mơ hồ, chẳng có nguyên nhân gì cả, chỉ là cái tên của một loại côn trùng bé tí được gọi lên. Cái tên nhắc nhở một quê hương xa lắc, một dĩ vãng nằm dưới tấm chăn phủ dầy lớp bụi thời gian. Trong bóng tối, tôi ngắm những cái chấm lửa nhỏ nhoi, lóe lên rồi tắt ngóm với trái tim nôn nao trong ngực. Có đến cả hơn bốn mươi năm tôi không được nhìn thấy những đố
Tọa lạc trong vùng ngoại ô Saint Maur, kề bên là bờ sông Marne hàng hiên ngang cửa nhà chú, chú đổ đầy đất đen đất vụn phải đi mua từng bao ở siêu thị bán cây trồng đất mua chú đổ vào lưng một cái bac ciment rộng lớn chạy ngang hàng hiên nhà. Trong bac chú trồng đầy hoa vàng, hoa nở thì lớn bằng đồng 50 xu, có năm cánh y hệt mai vàng ở Việt Nam, lá xanh non to bằng bàn tay con nít 5, 3 tuổi. Lá cũng rất thưa, hoa rất đẹp, vàng trong như mai ngày tết. Khi nắng gắt, mầu vàng có đậm thêm tí chút, sáng hé nở, trưa ấm nở rộ. Chiều chiều hoa cúp lại ngủ, ngày mai sáng sớm lại mãn khai, thân cây hoa chỉ cao lắm là đến đầu em bé 5, 6 tuổi. Nên hoa và cây không che vướng tầm nhìn từ trong nhà ra ngoài trời. Chú Phương yêu quý những cây hoa đó lắm. Vun tưới thường xuyên. Hỏi tên hoa đó là hoa gì? Chú trả lời ngon ơ: Đó là hoa vông vang của Đỗ Tốn, Chúng tôi không nhớ và cũng không biết ông Đỗ Tốn là ai
Trong sự bồi hồi xúc động, tay bắt mặt mừng, họ được gặp lại để trò chuyện với những người họ hàng thân yêu, những bạn bè xa gần thân thiết, nhìn thấy tận mắt những làng xưa chốn cũ, nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp từ thuở thơ ấu cho đến ngày tạm thời phải rời bỏ những nơi này ra đi, ôi biết bao nhiêu nỗi xúc động trộn lẫn niềm sung sướng vô biên, nói làm sao cho hết được.
Những yếu tố lôi cuốn du khách đi du lịch đến một đất nước bao gồm cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, thành phố lớn với những lối kiến trúc độc đáo, cuộc sống sôi động, ẩm thực, hoạt động phiêu lưu, kỳ thú ngoài trời, những buổi hòa nhạc, thể thao, nghệ thuật, hay lễ hội, địa điểm hành hương tôn giáo, phương tiện giao thông, vấn đề an ninh và bình yên; trong văn hóa, yếu tố con người chiếm một phần rất lớn khiến du khách khi rời xa, vẫn lưu luyến muốn trở lại lần nữa.
Nếu quý vị độc giả nào đã đọc câu chuyện tình cảm éo le, oan trái tràn đầy nước mắt: "Thằng Cu Tí và Thằng Cu Tèo" và nếu quy vị nào chưa đọc, thì xin hãy mở Google.com sẽ thấy đế tài này thuật lại 2 vị cao niên về thăm VN để hưởng tuần lễ trăng thanh gió mát quê nhà, sau nhiều năm phải rời bỏ quê hương để sống tha hương ngàn trùng xa cách nơi đất khách quê người đi tìm sự tự do. Nay mới có dịp được quay trở về thăm quê cha đất tổ, đồng thời còn được thưởng thức những món ăn đặc sản quê hương
Tôi lắng nghe, ngạc nhiên nhiều hơn thương cảm. Một người như Tầm mà bị lường gạt về lãnh vực 'xương máu' của mình. Tôi có thể hiểu và cảm thông an ủi trong mọi hoàn cảnh đau buồn, thất vọng của người thân chung quanh. Nhưng tôi lại rất vụng về khi phải đề cập đến mọi giao cảm đối với những con số. Tôi không có duyên phận và chung đường với nó. Nên tôi chỉ biết yên lặng, chờ đợi.
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.