Hôm nay,  

Chị Xíu của tôi

12/09/202309:55:00(Xem: 2403)

Truyện


ao tim ben cua

 

Ở nhà thường gọi là chị Xíu. Tên của chị là Lan Vy, chị họ của tôi. Chị em tôi chơi thân với nhau như chị em ruột. Tôi không có chị gái nên hình mẫu để tôi học hỏi chính là chị. Chị nổi tiếng xinh đẹp và hiền thục ngay từ lúc còn là nữ sinh đệ nhất cấp. Khi vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) bác tôi có mời một anh sinh viên tên là Vinh về kèm cho chị học. Anh ấy nhiệt tình, kiến thức vững và tính cách cũng đàng hoàng. Năm tháng trôi đi học xong đệ nhất cấp, chị thi đỗ vào trường Nữ trung học Thành Nội. Mẹ chị là một người phụ nữ đẹp, phúc hậu và đặc biệt là có giọng hát ru và những làn điệu dân ca xứ Huế rất hay. Ngoài giờ học chị được mẹ kèm cặp, nữ công gia chánh như đan lát, thêu thùa, làm các loại bánh trái, nấu được những món ăn đặc trưng xứ Huế rất ngon. Những năm học ở trường nữ Thành Nội chị càng xinh xắn hơn. Làn da trắng hồng, mái tóc vàng mơ bồng bềnh, ôm lấy khuôn mặt khả ái, rất có duyên. Đôi mắt to, lúc nào cũng long lanh với ánh nhìn ấm áp. Nhìn chị có vẻ đài các của phụ nữ Á đông nhưng có chút gì Tây Tây rất sang. Vì vậy, mỗi lần đi học về không thiếu “những cái đuôi” theo về tận ngõ và cũng không biết bao anh chàng trồng cây si trước cổng trường.
    Tuy vậy chị Xíu vẫn chăm lo học hành và về nhà phụ việc cho mạ. Tốt nghiệp tú tài, chị thi vào sư phạm. Lại nói về anh Vinh (thầy dạy kèm từ lớp 6 của chị) kèm cặp chị học từ đệ nhất cho đến đệ nhị, không ai khiến cũng tự nguyện kiêm luôn cả việc đưa đón chị đi học. Vì vậy mấy “cây si” không có cơ hội tiếp cận, cũng chỉ đứng nhìn từ xa mà thôi! Thế rồi, chị thi đậu vào sư phạm cũng là lúc anh Vinh thưa với gia đình bác tôi xin đưa ba mạ anh ấy sang thăm để bàn chuyện dạm ngõ. Bác tôi thấy anh Vinh là người có thể tin cậy để gửi gắm con gái mình, vì anh ấy học thức, con nhà đàng hoàng, lại một lòng yêu thương chị Xíu. Anh kiên trì đeo đẳng cũng đã 5-6 năm trời, xem ra cũng có vẻ hợp với chị Xíu.
    Bác tôi bảo:
    – Nếu con Xíu thuận thì bác cũng đồng ý cho gia đình hai bên qua lại nhưng hãy để Xíu học xong sư phạm đã rồi mới tính đến chuyện hỏi, cưới.
    Ngày lành tháng tốt, chị tôi xem như hoa có chủ. Chị vẫn chăm chỉ học hành cho đến khi cầm bằng tốt nghiệp sư phạm và được bổ đi dạy ở một trường trong Nội Thành. Đám cưới được cử hành trọng thể sau đó không lâu. Nhìn anh chị thật đẹp đôi và tràn đầy hạnh phúc trong ngày lễ vu quy. Bà con ai cũng vui! Rồi chị về làm dâu nhà chồng, gia đình chồng rất mực yêu mến bởi sự đảm đang, giỏi giang, tháo vát và nhân hậu của chị. Ba mẹ chồng thương chị như con gái trong nhà, anh chị em nhà chồng thì thân thiết với chị không khác gì anh chị em ruột. Mỗi lần em út trong nhà có chuyện gì cũng tâm sự với chị và chị tìm cách an ủi, tháo gỡ cho các em. Chị về làm dâu cũng góp phần cùng với ba mẹ, chồng chị để nuôi các em ăn học nên người. Anh Vinh là con đầu, sau anh còn có bảy người em đang tuổi ăn tuổi học.
    Anh Vinh là công chức nhà nước. Lúc thời bao cấp khó khăn, lương hai anh chị cũng không đủ đắp đổi, nên anh chị đều phải chạy vạy làm thêm mới nuôi con ăn học và trang trải gia đình, hiếu sự với cha mẹ đôi bên. Ba đứa con anh chị lần lượt ra đời, đứa nào cũng khôi ngô tuấn tú và chăm lo học hành. Lúc này anh chị mua được miếng đất cách trường chị dạy khoảng 1km, rồi làm một cái nhà nhỏ đơn sơ nhưng ấm cúng, ríu rít tiếng trẻ thơ và lúc nào cũng tràn ngập hạnh phúc. Anh lúc này làm quản lý một cơ quan, có vẻ bận rộn hơn, thời gian dành cho cơ quan nhiều hơn. Ngoài việc quản lý anh còn được mời dạy kỹ năng sống cho các lứa tuổi vì anh ăn nói lưu loát, nghe rất xuôi tai bởi vì anh có kiến thức và tỏ ra rất am hiểu. Rồi năm tháng trôi đi cũng có thuyên chuyển đảm nhiệm một vài chức vụ khác trong thành phố. Chị dạy gần nhà và chị còn phát huy tài nấu nướng của mình mà lúc nhỏ mạ chị đã dày công bày vẻ. Ngoài giờ dạy chị làm thêm bằng cách nhận hợp đồng nấu đám cưới, đám hỏi, tiệc tùng cho người ta. Công việc đem lại cho chị thu nhập cũng rất đáng kể ngoài đồng lương nhà giáo thời bao cấp. Chị cũng thay nhà cũ, xây lại được một ngôi nhà hai tầng khang trang với trang thiết bị hiện đại, đủ tiện nghi ngay trên mảnh đất ngày xưa anh chị đã tạo dựng. Làm thì có tiền thật nhưng vất vả, tất bật lắm để tròn cả hai vai. Ai từng đi dạy sẽ không lạ gì các áp lực công việc. Tới lớp lo dạy đủ tiết, về nhà còn phải chấm bài, soạn bài và ghi chép các loại sổ sách. Có khi giáo án, và cả những loại sổ sách rườm rà, không thiết thực gì cho việc dạy học mà chỉ là phục vụ thanh tra kiểm tra mà thôi. Ngoài ra còn phải thao giảng, dự giờ… đủ các kiểu. Chị dậy đi làm từ 3 giờ sáng, đến 7 giờ sáng, sau đó giao lại cho bộ phận khác trong nhóm dịch vụ của chị tiếp tục công việc rồi chị lại hối hả tới trường cho kịp giờ dạy. Trong lúc chồng con chị vẫn còn yên giấc điệp. Có lần chị dậy lật đật, đánh răng rửa mặt và trang điểm qua quýt tới chỗ làm. Chị vớ lấy cây bút chì kẻ viền môi màu đỏ mà chị tưởng là bút chì kẻ lông mày. Chị đưa tay quệt nhanh 2 vệt trên đôi lông mày rồi tất tả lên xe, tới chỗ làm. Tới nơi ai cũng lo công việc của mình: người gọt rau củ quả, kẻ tỉa bông trang trí, người hông xôi, luộc gà… Đến lúc gần sáng bỗng có một em nhân viên cười nghiêng ngửa vì nhìn thấy đôi lông mày của chị màu đỏ. Nó la lên:
    – Ôi trời! Chị Xíu hôm nay trang điểm độc và lạ quá! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, em chưa thấy ai kẻ lông mày màu đỏ chót rứa tề!
    Thế là cả nhóm phá lên cười, đau cả bụng.
    Chị vui tính, hòa nhã lại siêng năng nên chị em ai cũng thương. Tới trường chị cũng rất được lòng đồng nghiệp. Bởi chị tốt tính, nhân hậu, thương yêu học trò và làm việc lúc nào cũng đầy trách nhiệm. Duy chỉ có sếp là giữ thái độ khó hiểu. Khi thấy chị làm việc như thế mà việc trường vẫn tròn vành vạnh. Nếu muốn tìm cơ hội để làm khó nhau thì không có dịp nào tốt hơn là thanh, kiểm tra trong đó có dự giờ và soi hồ sơ sổ sách. Mỗi lần thanh tra cấp trên về trường, họ thường dự giờ 3-5 người. Sếp chỉ ai thì họ dự giờ người đó (Nay thì bỏ rồi, giờ chỉ còn gọi là thanh tra nội bộ trong trường. Nhưng có người cả đời dạy học ít ai dự giờ vì những lý do khác nhau.)
    Thế là có lần vào lúc 12 giờ trưa mà sếp báo chị là chiều nay lúc 1 h 30 có đoàn thanh tra về và chị là một trong những GV cần dự giờ. 1 giờ chiều chị hớt hơ hớt hải tới trường, vừa chuẩn bị hồ sơ, sửa soạn tiết dạy, chị vừa làm vừa khóc vì thấy có vẻ như bị ép. Nhưng cuối cùng chị cũng hoàn thành các tiết dạy thành công và đạt kết quả tốt. Kể sơ sơ vậy để biết cô giáo, người chị của tôi đã vất vả như thế nào của để có cơ ngơi như ngày hôm nay. Trong lúc anh rể tôi thì với đồng lương nhà nước, nhưng đi về quần áo bao giờ cũng bảnh bao, càng ngày càng trẻ đẹp, ra dáng đàn ông trí thức, lịch lãm lắm!
    Các con chị được học hành nên người, đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định. Anh chị cũng đã hoàn thành việc dựng vợ gả chồng cho con. Cũng là lúc sức khỏe chị ngày càng xuống sắc. Da dẻ không còn nõn nà, mái tóc không óng mượt như hồi trẻ nữa. Những năm tháng việc vàn bù đầu đã in dấu lên khóe mắt và khuôn mặt của chị. Tuy vậy chị bước vào thu vẫn là một phụ nữ đẹp. Chị làm việc vất vả là vậy nhưng cũng rất chiều chuộng anh. Ngay cả những việc như anh muốn trở lại “chiến trường xưa” ở một tỉnh khác thăm cô bồ cũ mà chị cũng đồng ý và cùng đi với anh. Chị nói cho anh thăm một lần cho anh khỏi eo oóc vì chị biết cô ấy nay cũng lớn tuổi rồi, nhan sắc cũng đã phai tàn. Khi gặp lại quả thật, sau mấy chục năm anh nhìn người cũ không ra. Chị ấy già nua quá, thế là từ đó về sau anh không còn muốn nhắc lại chuyện đi thăm người cũ nữa.
    Anh chị giờ đã về hưu, sau khi nghỉ hưu chị vẫn tiếp tục đi nấu nướng một thời gian nữa. Nay có lẽ cũng mệt mỏi rồi, sức người có hạn mà! Chị cũng không còn đi làm thêm nữa. Con cái đã lập gia đình ra riêng và có cuộc sống ổn định, những tưởng chuyện hôn nhân của anh chị đến đây có thể gọi là viên mãn. Không ngờ, bẵng đi khoảng chục năm không gặp chị vì tôi ở xa, gọi điện thăm chị thì chị nói anh chị đã li thân vì anh có người khác. Tôi nghe qua vậy không thể tin nổi nên an ủi chị rằng:
    – Chắc anh say nắng thôi, ít bữa nữa chán thì anh lại về. Chứ anh chị đã sống với nhau gần trọn cuộc đời thế cơ mà.
    Chị nói:
    – Họ bây giờ say nhau quá rồi, không thể cứu vãn. Người đàn bà mới của anh là người trẻ hơn chị tuy cũng đã có hai con riêng. Bây giờ chuyện này vỡ lỡ đã 2 năm.
    Chị cũng đã giấu cho anh chừng ấy năm nhưng nay có lẽ không cần thiết nữa nên chị thật thà kể cho tôi nghe! Tôi rụng rời cả người vì tôi không thể ngờ câu chuyện có kết cục tệ như vậy. Thật bất công cho chị khi mà một con người vừa đẹp người, vừa đẹp nết, lại giỏi giang, tháo vát đem hết cả sức mình chăm lo chồng con, lo tròn hiếu đạo với nội ngoại hai bên mà tuổi xế chiều lại đau khổ như vậy. Chị giờ về nhà mẹ đẻ sống, hàng ngày tụng kinh niệm Phật với mạ. Để lại cho anh một ngôi nhà khang trang với tiện nghi đầy đủ, chị gởi lại anh cho cô con gái đã có gia đình chăm sóc. Còn anh cứ qua lại hàng ngày vui bên tình mới.  
    Tôi không biết nói gì để động viên chị cả, bởi tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ họng vì thấy đời bất công quá! Tôi vẫn không tin vào câu: “Hồng nhan đa truân” mà chỉ vận vào người chị của tôi xem như là môt câu nói để mà an ủi thôi! Chứ tôi vẫn nghĩ chị khổ vì không may vướng phải chữ bạc tình. Có người ta vụng về bao nhiêu, nhan sắc cũng không lấy gì làm nổi trội nhưng họ may mắn gặp người chồng tử tế, chung thủy, hết mực trân trọng, thương yêu cả đời. Nhưng anh thì có lý của anh, anh than vãn với bạn của chị là “Xíu ít quan tâm đến anh”. Tôi nghe kể như vậy thì tôi cũng không ngạc nhiên gì trước lý lẽ biện minh này. Khi chán người ta có thể đưa ra cả 1001 lý do chứ chừng đó mà nhằm nhò gì. Nhưng sao anh không nghĩ ngược lại là anh đã quan tâm đến chị chưa? Đã thấu hiểu vất vả một gánh hai vai, đi sớm về trưa, giấc ngủ không tròn của chị chưa? Lẽ ra anh phải đỡ đần chị thì mới đúng, chị việc ngập đầu thế kia mà, nhiều khi đi làm không kịp ăn uống gì, chị có để ý gì cho bản thân đâu vì chị bận lo cho gia đình. Chị ngủ không đủ giấc. Mỗi lần trường đi tham quan, đồng nghiệp thấy chị nằm đâu ngủ đó, Khi di chuyển trên thuyền, hay trên xe… mọi người khen chị dễ ngủ nhưng tôi nghe kể mà xót xa lắm! Tôi hiểu chị thiếu ngủ, thèm ngủ vì chị thường dậy sớm mỗi ngày trong một thời gian dài năm này qua năm khác như thế. Thời diểm 2-4 giờ sáng là thời gian người ta ngủ ngon nhất mà chị lại phải dậy rồi. Điều này đối với tôi thì chị phi thường quá. Tôi thì không thể học chị điều này. Vì tôi đêm nào lỡ  bận việc gì mà buộc phải hoàn thành cho xong như vậy chỉ  thiếu 1-2 tiếng đồng hồ trong giấc ngủ là ngày mai tôi cứ lờ khờ như con gà dịch rồi. Còn chị vẫn tươi mươi, đi làm năng nổ, nhiệt tình, việc nào ra việc nấy trọn vẹn thật đáng nể. Sức khỏe trời cho chị như vậy như thể là để bù đắp cho chị.
    Thôi giờ chỉ cầu mong cho chị và mẹ thật an lành, sức khỏe, thâm tâm an lạc tuổi già. Thỉnh thoảng có mấy chị bạn học cũ về chơi, chuyện trò với chị cho khuây khỏa phần nào. Tôi nay ở cách chị cả ngàn cây số, ít khi có dịp trở về để lại bên chị tỉ tê như ngày nào. Tôi cảm thấy mình thật có lỗi với chị, nhất là như lúc này. Nhưng tôi vẫn tin chị tôi luôn mạnh mẽ như chị đã từng như thế!

– Hoàng Thị Bích Hà

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mùa lễ cuối năm ở Mỹ là mùa sum vầy, ai rồi cũng nhớ nhà, người thân vào mùa lễ cuối năm đã về, ai cũng muốn trở về, gặp lại người xưa chốn cũ nên gọi là mùa sum vầy cũng không có gì là quá đáng, nhưng không phải ai cũng có một nơi để về trong trời đất bao la chỗ đến, nhưng về đâu là câu hỏi muôn đời của kiếp nhân sinh...
Cho đến lúc này, tôi tự hỏi có bao nhiêu con đường mình đã đi qua suốt những năm tháng có mặt trên đời? Nhiều lắm, những con đường quên lãng mất hút với thời gian. Và cũng có những con đường đã vạn lý xa, nhưng trăm năm đằm đắm nhớ nhung nếu như được sống trọn hết một kiếp người...
Một buổi chiều, cũng như mọi buổi chiều khác, tôi được nghe từ loa phóng thanh, một bài hát có tên Tình Khúc Thứ Nhất được xướng ngôn viên giới thiệu tác giả là Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn...
Hình ảnh của tôi và Thi không thể tách rời nhau và cũng không thể tách rời ra khỏi thành phố Hà Nội. Thành phố này đã ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm kể từ những ngày chúng tôi vừa mới thân nhau...
Chúng ta khi sống trên xứ người, đều mang theo một chút quê hương theo mình. Có thể là một con đường, một góc phố, hay một xóm nhỏ yêu thương đã gắn bó một quãng đời dài. Tôi cũng có một quê hương trong trái tim mà mỗi khi nhớ đến vẫn làm tôi thổn thức, rạo rực khôn nguôi...
Mưa Saigon chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến, Mai Thảo xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội…
Sài Gòn Nhỏ được mệnh danh là thủ đô của người Việt hải ngoại, một thủ đô nhỏ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sài Gòn Nhỏ hình thành từ sau khi những lớp người Việt di tản đầu tiên được đưa về quận Cam (Orange County)… và từ đó dần dần thành hình vóc dáng và tầm cỡ như ngày nay. Ở đây hầu như tụ hội đầy đủ các cơ quan truyền thông Việt ngữ, các văn nghệ sĩ danh tiếng một thời của miền Nam, trong số đó có tờ Việt Báo là một tờ báo lớn nhất, lâu đời nhất của người Việt hải ngoại. Sáng lập tờ Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ...
Có lúc nào anh ngộ ra rằng: Tại mình mua lấy những đa đoan?
“Tánh anh nóng nảy, nổi cộc lên thì coi hung lắm, phải đi chùa cho nó trầm tính lại”. Đã một thời, nhiều lần vợ tôi đã nhận xét và đề nghị như vậy...
Lâu lắm rồi chúng tôi – Nguyễn Hoàng Văn, Nguyễn Hưng Quốc, Lê Văn Tài và Võ Quốc Linh – mới có dịp hẹn nhau ở Sydney, tâm tình qua tô phở nóng và ly cà phê lạnh. Đang nhâm nhi cà phê, Võ Quốc Linh bảo phải chụp chung mấy tấm hình bởi, biết đâu được, đây có thể là lần cuối!
Có một dạo tôi thắc mắc mãi về dung mạo của Cúc Tiểu Muội, người đàn bà khiến Nguyễn Tuân, dù chỉ nghe kể qua thôi, cũng phải thốt lên: “Tôi hết sức bị kích thích. Chắc nàng phải đẹp quá. Đẹp hơn cả Mỹ Thuật”...
Tôi đã chuẩn bị mọi thứ để ngày mai chiên chả giò tham dự tiệc lễ Tạ Ơn với lớp ESL do cô giáo Linda tổ chức. Lớp học ESL gần 20 người, một nhóm người Lào thì hùn tiền nhau order món gà tây nướng lò bán trong chợ, còn lại kẻ thì mang giấy napkin, mang nước ngọt, trái cây, bánh kẹo...