Hôm nay,  

Tưởng Niệm Quốc Hận Lần Thứ 40 Trở Về Thăm Camp Murray, Washington Sau 40 Năm

14/04/201500:00:00(Xem: 6091)

Một may mắn bất ngờ hay do cơ duyên đưa tới, tôi được tiếp đón ông Đường Bình tại tư gia vào lúc 11 giờ sáng Thứ Tư, ngày 8/4/2015. Chúng tôi hàn huyên trò chuyện về hàng trăm ngôi chùa trên thế giới mà ông Bình đã có dịp thăm viếng, chụp hàng ngàn tấm ảnh giới thiệu trên trang nhà của ông. Miên man câu chuyện, tôi trở về dấu ấn 40 năm tỵ nạn trên đất Hoa Kỳ của người Việt. Đặc biệt về người Việt đến định cư ở Tiểu Bang Washington 40 năm trước. Chủ đề hấp dẫn này như gợi nhớ cho ông Bình về những ngày đầu tiên đặt chân đến căn cứ Camp Pendleton, California và sau đó Camp Murray, Washington.

Vào một ngày thượng tuần tháng 5/1975, ông Đường Bình, một người di tản đang tạm trú tại trại #1, Camp Pendleton, California được loa phóng thanh của bộ chỉ huy trại gọi tên lên trình diện. Ông Bình phân vân không biết có chuyện gì đây, khi lên bộ chỉ huy thì thấy ông Mornahan, một người bạn cùng làm việc chung với ông Bình ở cơ quan DAO, Sàigòn, đứng cùng hai người Mỹ khác. Ông bạn Mornahan liền giới thiệu hai ông Ed Burke và ông Joe Argaga với ông Bình. Hai ông Burke và Argaga là đại diện của Thống đốc Dan Evans, tiểu bang Washington có sứ mạng đến Camp Pendleton tuyển mộ người tỵ nạn đưa về định cư tại tiểu bang nhà. Ông Burke hỏi ông Bình:

- Do you know where Washington State is? (Ông biết tiểu bang Wahington ở đâu không?)

- Yes. Washington D.C. (Biết. Thủ Đô Washington.)

Hai ông Burke và Argaga phá ra cười. Ông Burke mở brief case lôi ra một tấm bản đồ ngước Mỹ, hai tay mở tấm bản đồ, nhấp nháy ngón tay về hướng Tây. Tiểu bang Washington nằm trên bờ TâyThái Bình Dương, đối diện phía bên kia, Thủ Đô Wahington nằm về phía Đông.

Kể lại chuyện lầm lẫn dí dỏm mà điếng hồn này, ông Bình vui cười hồn nhiên, sảng khoái, nói vào lúc đó, ông mắc cỡ vô cùng, gương mặt đang vui tươi bỗng chuyển màu. Ông nói, khi ở Việt Nam, làm việc cho DAO, ông đâu để ý đến tiểu bang Washington ở đâu, chỉ biết Wahington D. C. thôi.

blank
Phải: Thống Đốc Daniel J. Evans, ông Dương Bình, Program Manager. (Photo: Binh Duong)

Chuyện này đã qua 40 năm, ông vui vẻ nói:

- “Tôi vẫn giữ trong lòng, chưa báo cáo cho Thống đốc Evans biết,” nói tới đây, ông Bình bật cười giòn tan!

Trong cuộc tiếp xúc lúc đó, ông Bình được tuyển làm công chức của tiểu bang Washington, phụ trách chương trình tỵ nạn Đông Dương của tiểu bang.

Một trớ trêu khó hiểu là Camp Pendleton, California là nơi tiếp cư chính thức cho mấy chục ngàn người tỵ nạn, nhưng Thống đốc Jerry Brown tuyên bố ông không muốn thấy người tỵ nạn ở tiểu bang Washington (36 năm sau, năm 2001, ông Jerry Brown tái trúng cử Thống Đốc California, và tiểu bang California nơi có Little Saigon nổi tiếng lại là tiểu bang có người Việt tỵ nạn cư ngụ đông nhất trong nước Mỹ).

Thống đốc Washington, Daniel J. Evans chính là một trong hai vị thống đốc đầu tiên đáp ứng lời kêu gọi của tổng Thống Gerald Ford tiếp nhận người định cư tại tiểu bang của ông. Vị thống đốc kia là của tiểu bang Nebraka. Cả hai tiểu bang đã mở rộng trái tim cho người tỵ nạn Việt Nam.

Ngay sau khi trở thành người phụ trách chương trình tỵ nạn của tiểu bang Washington, ông Bình bắt tay vào công việc tuyển mộ 500 người tỵ nạn đưa đi định cư tại tiểu bang Washington theo sự cho phép của chính quyền liên bang. Công tác tuyển mộ khá đơn giản, chỉ cần đủ con số 500 người; người tình nguyện điền một mẫu đơn xin đến định cư, không cần tiêu chuẩn. Sau khi làm thủ tục nhập cư là người di dân có thể di chuyển đi đến nơi lập nghiệp.

Chương trình định cư người tỵ nạn tại tiểu bang Washnigton bắt đầu ngày 19/5/175. Chiếc vé máy bay đi theo nhóm mang số 0164721160052 của United Airlines được đóng dấu Camp Pendleton SATO May 1975, với hàng chữ Indo China Evacuated ghi số lượng người đi gồm có năm gia đình mang tên họ Nguyễn, Đoàn, Lê, Huỳnh, Bùi, Trần, Phạm vàVũ do ông Bình hướng dẫn.

Với tựa đề Wellcome To America, Now Smile For The Camera (Chào Mừng Đến Nước Mỹ, Nụ Cười Trước Ống Kính) tác giả Jeff Larsen tường thuật một đạo quân báo chí đã tụ tập trong hơn 45 phút gần cổng số B-5 nơi cánh phía nam trong phi trường SeaTac International Airport để chờ đợi ông Bình và 33 người tỵ nạn khác từ Camp Pendleton đến đây. Máy bay dự trù đáp xuống phi trường lúc 4:00 chiều.

Giang tay chào đón đội ngũ đầu tiên của hơn 500 người đã quyết định từ California để tái định cư tại Washington là khoảng 20 người vợ lính Mỹ gốc Việt ở căn cứ Fort Lewis, tình nguyện chào đón người mới đến và hành động như những người thông dịch.

Trước khi nhóm người tỵ nạn đến, đoàn quân báo chí đến tham gia lên tới khoảng 40 người. Một số phóng viên truyền hình thì thầm với người quay phim của họ. Lập kế hoạch chiến lược khi người tỵ nạn đến. Không một ai trong số họ muốn loan tin trễ hơn các hãng tin, báo chí, truyền hình khác.

Lời cổ vũ bùng nổ ngay khi ông Bình đi vào phòng chờ đợi và nhóm người chờ đợi vỗ tay nồng nhiệt. Sau đó, ông Bình và những người tỵ nạn khác nói rằng họ ghi khắc sâu xa lời chào nồng ấm của người dân Hoa Kỳ.

Một phóng viên của hãng AP chụp cánh tay áo trái ông Bình đi cùng ông qua một hành lang, hầu như ghim cứng ông vô một bức tường, hỏi: “Thưa ông, tên ông là gì? Đánh vần như thế nào?”

Vợ con ông Bình bị khóa cứng bởi các phóng viên, nhiếp ảnh viên và phóng viên quay phim đổ xô đến do hành động của phóng viên AP, ép sát vào một vòng tròn chung quanh người tỵ nạn nhỏ bé. Đèn chiếu, máy thu âm đẩy vào mặt ông Bình – phóng viên bắt đầu phóng ra các câu hỏi ngạc nhiên với ông Bình; “Ông rời Việt Nam khi nào? Tại sao ông bỏ đi? Ông làm gì để sống ở đó?” Ông Bình chỉ mỉm cười và ân cần trả lời các câu hỏi.

Sau đó đám đông di chuyển đến xe buýt của hãng Western Tour đậu bên ngoài nhà chờ đợi, sẽ chở những người tỵ nạn đến nhà ở tạm thời tại Camp Murray. Những cuộc phỏng vấn, chụp ảnh và quay phim tiếp tục đến khi người tỵ nạn cuối cùng lên xe buýt. Hai nhà báo đã dàn xếp trước với giới hữu trách của trại được phép lên xe buýt. Vì vậy, cuộc phỏng vấn tiếp tục trên đường đi Tacoma.

blank
Thống Đốc Daniel J. Evans, và báo chí, truyền thông đón dân VN tỵ nạn tới Washington từ Camp Pendleton, California. (Photo: The Olympian Sunday)

Khi những người tỵ nạn đến Camp Murray, quang cảnh không khác với phòng khách của phi trường SeaTac nhiều. Thực tế, có rất nhiều nhà báo quen thuộc trong đám đông, chào mừng những người tỵ nạn ở đó.

Thống đốc Evans chào mừng và nói vài nhận xét ngắn sau khi người tỵ nạn đến nơi. Sau đó, họ được chuyển đến một phòng ăn đôi và ăn một bữa cơm Việt Nam gồm cơm, thịt gà, cá, rau, chuối và các loại trái cây khác. Trong suốt bữa ăn, báo chí tiếp tục chụp ảnh và quay phim. Hầu hết các phóng viên thoải mái trong khi người tỵ nạn dùng bữa.

Những ngôi nhà nhỏ màu xanh tại Camp Murray, bộ chỉ huy của Vệ Binh Quốc Gia Washington không có gì đặc biệt để trông vào, nhưng với một vài người đã trải qua những ngày trong một chiếc lều ở Camp Pendleton, California, những ngôi nhà màu xanh trông không quá tệ.

Ba mươi bốn người tỵ nạn Việt Nam, đội tiên phong của hơn 500 người tỵ nạn đến Washington theo lời mời của thống đốc, đến trại tạm trú Camp Murray ngày 19 tháng 5, không đầy một tháng sau khi CS Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam.

Ba mười bốn người chỉ là một phần nhỏ trong số khoảng 130,000 người Việt Nam đào thoát trước sụ sụp đổ của miền Nam, nhưng họ lại là những người đầu tiên tìm thấy một sự chào đón thực sự tại Hoa Kỳ.

Thống đốc Daniel J. Evans đã mở những cánh cửa của tiểu bang cho người tỵ nạn cũng như tiểu bang Nebraska, và ra lệnh cho Sở Các Dịch Vụ Khẩn Cấp Tiểu Bang (DES) chăm lo cho người tỵ nạn Viêt Nam cho đến khi họ có thể tìm được nhà cửa và việc làm.

Tất cả các cơ quan tiểu bang được lệnh hợp tác với DES – và bao gồm cả lực lượng Vệ Binh Quốc Gia.

Trong khi đại diện của Bộ Xã Hội và Y Tế (DSHS) tiểu bang bay xuống Califoria để tuyển mộ những công dân tương lai đến Washington, DES bắt đầu tìm kiếm một nơi để làm nhà tạm trú cho người Việt tỵ nạn khi họ đến.

DES đã ngừng công tác tìm kiếm nơi tạm trú khi tìm ra Camp Murray.

Camp Murray đã có nhiều cơ sở để ở và nuôi một số lớn người dân, có thể cung cấp sự tách biệt và riêng tư cho người Việt Nam, và nằm gần trung tâm dân cư lớn của tiểu bang, đó là lưu vực Puget Sound, nơi mà hầu hết những người tỵ nạn có thể sẽ định cư.

Tướng hai sao MG Howard S. McGee, phụ tá tiểu bang thích ý tưởng chọn Camp Murray là nơi tạm cư, và bộ chỉ huy Quân đội Vệ Binh Quốc Gia trở thành Trung Tâm Hỗ Trợ Người Việt.

Một phòng học lớn và một văn phòng đôi ở kho vũ khí trong trại được dành cho DSHS va DES dùng làm văn phòng, các phòng phỏng vấn, và các cơ sở báo chí.

Những nhà ở có kích thước cỡ tiểu đội nằm trên đồi, một phía tách biệt của Camp Murrray đã được chuyển cho người tỵ nạn để sinh hoạt.

Tốc độ hoạt động tại trại tăng nhanh khi biết rằng người Việt đang tới.

Những doanh trại được sửa chữa lại cho thích nghi với những người ở vùng khí hậu nhiệt đới không quen với gió mưa ở Washington.

Sáu người thợ bảo trì của Vệ Binh được tăng cường sáu người của các cơ quan khác để làm cho mọi sự được sẵn sàng.

Bảy tòa nhà được cách ly, thay thế những bức tường lửng, cửa sổ, mắc lại dây điện, máy sưởi, sơn mới trong vòng một tuần.

Những tấm bảng bằng bìa cứng sơn màu trong khu người Việt để chỉ đường đến khu vực sinh sống, các tiện nghi khác và các văn phòng của Trung Tâm Hỗ Trợ, và những người vợ lính Mỹ gốc Việt cư ngụ tại Tacoma đã giúp thêm các biểu tượng phát âm mà máy móc đục bìa cứng của Mỹ không thể sản xuất được.

Cũng những phụ nữ Việt này đã hành động như một thông dịch viên khi người tỵ nạn đến.

Những người tình nguyện thuộc Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ và tổ chức cứu tế Salvation Army cống hiến dịch vụ của họ, giúp quần áo và chăm sóc cho người mới đến, và họ cũng được cung cấp địa điểm trong khu vực kho võ khí hoặc trên đồi để dùng làm văn phòng.

Trung Tá Jim Kramer, sĩ quan thiết trí của Vệ Binh, phụ trách hầu hết sự cung cấp của Vệ Binh Quốc Gia cho người tỵ nạn. Ông nói: “Tôi là sĩ quan tiện nghi. Điều đó làm cho tôi thành người chủ nhà.” Có khoảng 90 người thuộc các cơ quan khác nhau tham gia vào dự án Camp Murray. Văn phòng của Trung tá Kramer xắp xếp mọi thứ như dịch vụ điện thoại, và văn phòng làm việc cho họ.

Một số yêu cầu của những người này không thể thực hiện đầu đủ, nhưng “Chúng tôi không có bất cứ cuộc khủng hoảng nào,” Trung Tá Kramer nói.


Nhân viên kỹ thuật của Vệ Binh từ các xưởng bảo trì dụng cụ chuyển đến giường và nệm từ nơi gần căn cứ fort Lewis, và mở đầu làm công việc quản gia cho khu vực sinh sống của người tỵ nạn.

blank
Trẻ em VN ở Camp Murray. (Photo: Bruce Kellman The News Tribune Photographer, and The Associated Press)

Nguồn cung cấp bình thường được thông qua một mức độ lớn, bởi vì sự hợp tác của các cơ quan liên bang và tiểu bang thay vì của các nguồn quân sự.

Ăn uống cho người tỵ nạn không đơn giản. Thực phẩm cho người Việt Nam thông qua một văn phòng mua sắm của tiểu bang chứ không phải là hệ thống phức tạp của Quân đội. Và những người đầu bếp, Vệ Binh chọn ra những người thợ máy để nấu ăn.

Một cuộc kêu gọi những người tình nguyện, và có khoảng 10 người đáp ứng. Một vài người là chuyên viên điện tử thuộc các cơ sở hàng không, và những người thợ máy, chuyên viên viên khác và những gì trại có.

Mặc dù với kinh nghiệm, những người nấu bếp không hoàn toàn sẵn sàng cho việc nấu nướng mệt nhọc mà họ đối mặt. Vì người Việt ăn uống khác với tiêu chuẩn của thực đơn của Quân đội, một số ứng biến đã được thực hiện. Cơm được phục vụ ngày ba bữa. Một đầu bếp nói người Việt không muốn ăn sáng với món khoai tây sắt nhỏ chiên, và một ít món khác thường như nước mắm, măng và giá phải được tìm ra.

Ý tưởng của trại làgiữ người Việt tại Camp Murray một thời gian ngắn có thể được cho đến khi họ có thể định cư ở nơi khác. Sau đó, những người khác sẽ thế chỗ của họ.

Những ngôi nhà nhỏ màu xanh trên đồi, tuy nhiên vững chắc hơn những chiếc lều ở California, chỉ là trạm dọc theo con đường đến cuộc sống mới ở nuớc Mỹ.

Giới hữu trách của tiểu bang tiên đoán rằng những người tỵ nạn sẽ ở tối đa tại trại tạm trú Camp Murray một tuần trước khi người bảo trợ sẽ bảo vệ cho họ. Tuy nhiên, kể từ khi đó, tiểu bang được biết rằng 80 -90 % người muốn bảo trợ dân tỵ nạn chỉ muốn bảo trợ cho hai người, hoặc hầu hết muốn bảo trợ 3 người. Vì thế, thống đốc tiểu bang đã nài nỉ các tổ chức dịch vụ trong tiểu bang để bắt đầu bảo trợ cho vài gia đình lớn. Một số gia đình ở Camp Murray có thể có từ 10 hoặc 11 thân nhân. Một giới chức tiểu bang cho biết một gia đình trung bình có năm người.

Một phát ngôn viên của DES tại trại nói gia đình “hoàn toàn có tiếng nói sau cùng ai là người bảo trợ cho họ.” Người phát ngôn còn nói thậm chí có một gia đình từ chối sống với người bảo trợ bởi vì “tất cả những gì người bảo trợ muốn họ là làm việc xung quanh nhà như giúp việc gia đình.”

Công việc tái định cư cho người tỵ nạn tất bật, những người phụ trách chương trình ngoài việc đi đón người tỵ nạn tại Camp Pendleton về Camp Murray còn bay đến các thành phố, quận hạt trong tiểu bang như Spokan, Ykima, Pasco … để tìm kiếm người bảo trợ.

Cựu Thủ tướng Việt Nam và cũng là cựu Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố khi ông tới Camp Pendleton đầu tháng 5 rằng ông thích dân tỵ nạn định cư ở vùng “nông thôn” vì vậy họ sẽ không phải đối phó với các thành phố lớn. Nhưng một giới chức của tiểu bang ở Camp Murray nói hầu hết người tỵ nạn đến đây “rất đô thị.” Ông nói họ chỉ biết đời sống thành phố. Thực vậy, đa số người tỵ nạn đều nói muốn định cư ở thành phố để có thể đi học và tìm việc làm.

Hầu hết các gia đình người Việt sẵn sàng cho đời sống ở đây nhưng cũng có một số người cay đắng buồn phiền. Khi được một nhiếp ảnh viên chào hỏi, cô Van, Tong Thi De, đầm đìa nước mắt, nói: “Tôi không thể cười được.”

Người phụ nữ tỵ nạn độc thân 27 tuổi duyên dáng từ Saigon đến, không vui vẻ nhiều bởi vì cô đã buộc phải bỏ hầu hết gia đình phía sau, phải đối mặt với sự bao vây của cộng sản.

“Tôi rất buồn, Tôi đã viết thư cho mẹ tôi nhưng cộng sản đã cắt tất cả mọi liên lạc,” cô Tống nói. Cô đã rời Saigon bằng máy bay trong ngày 23/4/1975.

Là cựu thư ký đánh máy tại phái đoàn DAO, thuộc bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, cô Tống cho biết anh trai cô, làm việc cho hãng máy bay Pan American World Airways, là thành viên duy nhất của gia đình ở Saigon trốn chạy thành công.

Có thể nói trang sử của người Việt tỵ nạn, từ làn sóng tỵ nạn đầu tiên trong tháng 4, tháng 5 năm 1975, đến là sóng thuyền nhân thứ hai, rồi làn sóng trẻ em về quê cha và làn sóng những người tù đến Mỹ định cư theo chương trình H.O. đều mang đậm một tình cảnh đau buồn, u hoài và tiếc nuối. Không có gia đình nào là trọn vẹn, không có cá nhân nào là trọn vẹn. Nếu cả đại gia đình gồm ông, bà, cha, mẹ, con cháu ra đi đầy đủ thì cũng phải bỏ lại quê cha, đất Tổ, mồ mả của tổ tiên; huống chi còn biết bao gia đình khác, kể đi người ở, bị phân tán, thất lạc, có thân nhân tử trận, mất tích, bị bắt, bị giết trên đường chạy giặc, bỏ mình trong các trại lao tù, trong rừng sâu, trên biển cả. Đó là những bi ai khôn cùng, những mất mát thương đau, những tan vỡ chia ly, những cay đắng ngậm ngùi, những niềm nhớ không nguôi, những dằn vặt ray rức, những thương nhớ miên viễn đầy ắp trong lòng mỗi người người tỵ nạn xa quê hương.

Có hai câu chuyện đặc biệt quan trọng liên qua đến người Việt tỵ nạn tại tiểu bang Washington. Một trích dẫn từ ông Ed Burk, trưởng văn phòng dịch vụ cựu chiến binh của Bộ Xã Hội và Y Tế Washington, và một câu chuyện khác về bản tuyên bố của ông Daniel Evans, thống đốc tiểu bang.

Ông Burk, một cựu binh TQLC, tức giận khi ông nghe người ta phê phán chương trình tỵ nạn. Ông Burk đã phục vụ ở Việt Nam như là một tiền sát viên trong năm 1967, khi đại đội của ông bị phục kích ở phía bắc thành phố Huế. 75% quân nhân trong đơn vị của ông bị tử trận hoặc bị thương.

Trong khi chiến đấu với người Việt Nam, ông đã bộc lộ sự ngưỡng mộ lớn lao về người Việt và văn hóa của họ.

blank
Trẻ em VN ở Camp Murray. (Photo: The Olympian Sunday)

Vì vậy, ông tỏ ra tức giận về những phê bình chương trình tỵ nạn. Ông Burk nói:

“Tôi nghĩ nhiều người ở nước này là người kỳ thị chủng tộc.” Ông là người dẫn đầu tiến hành công việc lo nhà ở tạm thời cho người tỵ nạn tại Camp Murray. Ông nói:

“Tôi nghĩ họ quên rằng, họ, chính họ, là những người di dân. Họ không nhận thức rằng những người đến đây với hai bàn tay trắng, bởi vì họ sợ, bởi vì họ nghĩ họ sẽ phải chết ở Việt Nam.” (I think they forget that they, themselves, are immigrants. They dont realize that these people came here with nothing, because they were afraid, because they thought they might die in Vietnam.)

Thống đốc Daniel Evans, vị thống đốc mở cửa tiểu bang cho người tỵ nạn định cư, cho rằng những lời chỉ trích sự nhập cư của những người tỵ nạn là “sự tồi tệ nhất của đạo đức giả” (the worst kind of hyprocrisy).

Thống đốc Evans nói: “Mọi người ở đất nước này, đến đây như là người tỵ nạn, ngoại trừ người da đỏ.” (Everybody in this country except for the Indians came here as refugees.)

Báo chí nói rằng người dân thực sự tự hào rằng Washington là một trong hai tiểu bang (tiểu bang kia là Nebraska) mở ngỏ trái tim của mình cho người Việt Nam.

Một đại tá quân đội hồi hưu và phu nhân đã chở những bó quần áo và thực phẩm. Một chiếc van gần đó chở đầy một gia đình Việt Nam đi chơi công viên Spanaway.

Các nhà bảo trợ của nhà thờ đã chu đáo tăng thêm thực phẩm điển hình của buổi du ngoạn ngoài trời như hotdogs, ham, khoai tây, salad với cơm và bất cứ thứ gì khác mà một gia đình người Việt có thể chọn tại một siêu thị. Nhiều chiếc xe khác hiến tặng quần áo và thực phẩm, Có người tặng những quả bóng chuyền, một người cho dụng cụ giải trí. Máy điện thoại và nhiều cống hiến khác.

Việc làm tình nguyện của hai chục phụ nữ Mỹ gốc Việt là vợ của các chiến binh Hoa Kỳ sinh sống tại căn cứ Fort Lewis, thông dịch giúp đỡ cho người tỵ nạn buổi đầu đến trại tạm cư Camp Murray cho thấy một tình cảm cao quý, tình đồng hương thân thiết làm ấm lòng người nơi quê hương mới. Việc làm hữu ích của các chị xứng đáng được trân trọng ghi lại với lòng biết ơn sâu xa của đồng hương.

Trái tim nước Mỹ vẫn còn nhịp đập với sự ấm áp, tình thương và lòng nhân ái. Các bất đồng chính kiến, những kẻ đạo đức giả, những người phân biệt chủng tộc có thể gây ra sự lỗi nhịp, lúc này, lúc khác. Nhưng mà trái tim Mỹ vẫn còn vĩ đại và mạnh khỏe như thường hằng, khi nó chào đón những người tỵ nạn đầu tiên trong nhiều năm trước đây.

Và chúng ta ở trong Tiểu Bang Washington là những người may mắn nhất. Vì ở đây, chúng ta có thể cảm nhận và kinh nghiệm hoàn toàn về nhịp đập của trái tim Hoa Kỳ.

Ngày 19/5/1975, Camp Murray đón nhận người Việt tỵ nạn đến tạm trú chờ định cư.

Tháng 12/1975, Camp Murray đóng cửa chấm dứt công tác cung cấp nơi chốn tạm trú cho người Việt.

Một số khuôn mặt tiêu biểu trong chính quyền Tiểu Bang Washington phụ trách chương trình tỵ nạn:

Thống đốc Daniel J. Evans, mở ngỏ cửa tiểu bang đón người tỵ nạn. Ông Ralp Munro, phụ tá đặc biệt của thống đốc phụ trách phối trí chương trình, tiếp xúc các lãnh đạo tôn giáo, các hội từ thiện, các tổ chức cộng đồng sắc tộc, khuyến khích mọi người giúp đỡ người tỵ nạn. Ông Tom Price, Bộ Trưởng Bộ Dịch Vụ Khẩn Cấp (DES) lo chỗ ở với Camp Murray. Ông Mike Edward, phụ trách đón tiếp người tỵ nạn từ SeaTac đưa về Camp Murray. Ông Gerald Thomas, Bộ Trưởng Tài Chánh, lo về dịch vụ và tài chánh với chính phủ liên bang. Ông Ed Burke, Trưởng Phòng Cựu Chiến Binh (DSHS) lo về quản lý chương trình. Ông Đường Bình, Program Manager, phụ trách tuyển chọn người tỵ nạn từ Camp Pendleton, California đưa đến Camp Murray, Washington. Ông Joe Argaga(DES) quản lý chương trình, phối hợp với liên bang cho người tỵ nạn ra trại, sắp xếp máy chở người tỵ nạn đi Washington. Ông Jerry Kay và bà Janet Mandela (ESD) cùng phụ trách tham gia tuyển chọn người tỵ nạn từ Camp Pendleton. Và Linh mục John Houston, đại diện U.S. Catholic Conference (U.S.C.C.) phụ trách liên lạc với tất cả giáo hội trong tiểu bang bảo lãnh người tỵ nạn.

40 năm trôi qua, ngày 26 tháng Tư tới đây, cộng đồng người Việt quốc gia sẽ trân trọng, vui vẻ xen lẫn bồi hồi trở lại thăm Camp Murray, để ngỏ lời cảm tạ quý vị ân nhân đã mở rộng vòng tay thân ái đón tiếp, cưu mang người tỵ nạn và thăm lại nơi tạm trú thân yêu đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời người ly hương.

Viết trong mùa Quốc Hận 30/4 năm thứ 40

Từ bàn viết Tacoma- Bùi Quốc Hùng

Souces: The Sunday Olympia, Sunday, June 8, 1975 * The Progress, June 27, 1975 * Daily Pilot, A5 –Sunday, May 11, 1975 * The News Tribune Tacoma, Thursday, May 22, 1975 * The Sunday Olympia, Sunday, August 15, 1976 * Od Vo.5 – N2 Spring 1975.

Ý kiến bạn đọc
14/04/201521:53:14
Khách
K/G Ong Bui Quoc Hung ,
Ngay truoc toi co quen Ong Duong Binh o Saigon , sau nam 1975 thii mat lien lac (vi thang 7/75 toi den trai ty nan Camp Pêndlton thi Ong Binh da xuat trai ) Vay neu khong co gi bat tien,ong co the cho toi biet so phone hoac dia chi Email cua Ong Duong Binh duoc khong ?
Da ta
Sen Luu (408) 988 4992
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.