Hôm nay,  

‘Một Xuân Bao Dung Ai Cũng Là Người’

20/06/202500:00:00(Xem: 365)

HOME-Matlovich-(hình-chính-trang-nhất)-

HOME-Matlovich: Ngôi mộ của Trung sĩ Leonard Matlovich. (Ảnh: Kalynh)

Bao dung – một từ nghe thật thanh thoát. Âm tiết của nó cũng thật bình dị, thốt ra từ thanh quản nhẹ nhàng không cần uốn nắn, như cỏ mọc từ đất, như mưa từ trời. Vậy mà ngày nay, trong một xã hội đứng đầu thế giới về tự do, về quyền con người, hai từ “bao dung” bỗng dưng khó tìm.

Chính trong tháng Sáu này, tháng gọi là Pride Month, những câu chuyện thương tâm về cộng đồng LGBTQ+ bị chìm trong bóng tối. Có lẽ trong sáu tháng qua, nước Mỹ có quá nhiều những phát ngôn, biến cố, thay đổi mà đối với truyền thông, đó là điều cần phải nói, và nói mỗi ngày. Hoặc cũng có lẽ, trong một chính quyền đang nỗ lực bác bỏ DEI, đóng chặt cửa với di dân, thì truyền thông cũng không dám đào sâu về những gì thuộc về cộng đồng yếu thế. Cho dù, đó là một án mạng lấy đi cuộc sống một con người, hoặc chấm dứt những nguyên tắc vốn đã được nhìn nhận hàng thập kỷ.

Ngay ngày thứ hai của tháng Pride Month, diễn viên Jonathan Joss, người chuyển âm nổi tiếng cho vai John Redcorn trong phim “King of the Hill,” bị bắn chết ngay bên cạnh người chồng đồng giới của ông ở San Antonio, Texas. Sở Cảnh Sát San Antonio loan báo trên trang mạng xã hội: “Mặc dù trên mạng, người ta nói đây là tội ác thù ghét, nhưng theo điều tra tới lúc này, chúng tôi không thấy bằng chứng như vậy… Ông Joss bị sát hại liên quan tới xu hướng tình dục của ông.” Trong thông cáo này, không hiểu được Sở Cảnh Sát San Antonio phân biệt giữa “tội thù ghét” và “bị sát hại vì xu hướng tình dục” khác nhau như thế nào.

Chồng của Joss là ông Tristan Kern de Gonzales, cáo buộc ông bị giết tại khu vực nhà cũ của họ vì bị kỳ thị đồng giới. Anh loan báo trên Facebook cho bạn bè, người thân biết sự việc: “Chồng tôi, Jonathan Joss và tôi là nạn nhân của vụ nổ súng khi đang kiểm tra thư tại nhà cũ của chúng tôi. Ngôi nhà đó đã bị thiêu rụi sau hơn hai năm bị những người trong khu vực đe dọa. Họ liên tục nói với chúng tôi rằng họ sẽ đốt nhà chúng tôi. Chúng tôi đã báo những lời đe dọa này với cơ quan thực thi pháp luật nhiều lần nhưng cảnh sát không phản ứng gì.”

Trong suốt thời gian đó, chúng tôi thường xuyên bị quấy rối từ những người nói rõ rằng họ không chấp nhận mối quan hệ của chúng tôi. Phần lớn hành vi quấy rối đều công khai kỳ thị người đồng tính.”

Chồng của Joss kể lại chi tiết vụ án mạng trên mạng xã hội, điều mà cảnh sát và các tập đoàn truyền thông lớn không nói đến: “Khi chúng tôi quay lại nhà để kiểm tra thư, chúng tôi phát hiện hộp sọ của một trong những con chó của chúng tôi và dây nịt của nó. Điều này khiến cả hai chúng tôi vô cùng đau khổ. Chúng tôi bắt đầu khóc vì đau đớn trước những gì nhìn thấy. Một người đàn ông tiến đến gần chúng tôi. Anh ta bắt đầu hét lên những lời lăng mạ kỳ thị người đồng tính. Sau đó, anh ta giơ khẩu súng và bắn.

Jonathan và tôi không có vũ khí. Chúng tôi không đe dọa bất kỳ ai. Chúng tôi đứng cạnh nhau. Khi người đàn ông đó nổ súng, Jonathan đã đẩy tôi ra khỏi đường. Anh ấy đã cứu sống tôi. Anh đã bị giết bởi một người không thể chịu đựng được tình yêu của hai người đàn ông.

Jonathan đã cứu mạng tôi. Tôi sẽ ghi nhớ điều này trong quãng đời còn lại. Tôi sẽ bảo vệ những gì anh ấy đã xây dựng.”

Bản tin cuối cùng về Jonathan Joss mà tờ báo địa phương cho biết là nghi can Sigfredo Alvarez Ceja, 56 tuổi, bị bắt vì tội giết người.

Sang ngày hôm sau, 3/6/2025, tờ báo Military Times cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã ra lệnh cho Hải Quân đổi tên con tàu tiếp dầu mang tên Harvey Milk, một nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính đã bị sát hại. Quyết định này đồng nghĩa với việc tước bỏ những vinh danh lịch sử đã dành cho Harvey Milk, người đã từng là thủy thủ trong Korean War.

Năm 2016, theo đề nghị đặt tên cho các con tàu chở dầu thuộc lớp John Lewis theo tên của các nhà lãnh đạo đấu tranh cho dân sự và nhân quyền, Bộ trưởng Hải quân lúc đó là Ray Mabus chọn Harvey Milk, người đã phục vụ trong Hải Quân trong bốn năm trước khi bị buộc phải giải ngũ vì là người đồng tính. Sau đó, ông trở thành một trong những ứng cử viên đồng tính công khai đầu tiên được bầu vào văn phòng chính phủ. Milk phục vụ trong Hội đồng Giám sát San Francisco và đã tài trợ cho một dự luật cấm phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục nơi công cộng, nhà ở và việc làm. Dự luật được thông qua và Thị trưởng San Francisco George Moscone đã ký thành luật.

Vào ngày 27/11/1978, Milk và thị trưởng Moscone đã bị ám sát. Hung thủ là Dan White, một cựu giám sát viên thành phố, người đã bỏ phiếu duy nhất chống lại dự luật của Milk.

Bộ Hải Quân đã chấp nhận xóa bỏ một trang lịch sử của Hải Quân để vuốt ve, ủng hộ chính sách “tái lập văn hóa chiến binh” của Donald Trump và cả Hegseth.

Khu mộ trong Nghĩa Trang Quốc Hội Mỹ

Phía Đông của Capitol Hill, Washington, D.C., có một nghĩa trang hơn 200 năm tuổi, tên gọi Historic Congressional Cemetery – Nghĩa trang Quốc hội Hoa Kỳ. Tại đây, là chốn an nghỉ của những nhân vật lịch sử, đáng chú ý như nhiếp ảnh gia nội chiến Mathew Brady; Giám đốc FBI đầu tiên của Hoa Kỳ – J. Edgar Hoover, cựu Tổng thống Mỹ William Henry Harrison – người hiện diện trong Tòa Bạch Ốc “ít hơn thời gian lưu lại nghĩa trang”; nhạc trưởng/nhà soạn nhạc huyền thoại của ban nhạc Marine Corps – ông John Philip Sousa. Nơi này còn có những ngôi mộ của nạn nhân đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1819…

Nghĩa trang này có một đặc điểm được chính quyền Hoa Kỳ công nhận là độc nhất trong các nghĩa trang trên toàn thế giới: “A Gay Corner” – Khu mộ của cộng đồng LGBT, nằm ở hướng Tây Bắc của Congressional Cemetery.

Ngôi mộ đầu tiên của khu vực LGBT thuộc về Trung sĩ Leonard Matlovich, cựu chiến binh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, phục vụ trong lực lượng Không Quân suốt 12 năm. Matlovich là người hướng dẫn xây dựng, điều hành các khoá huấn luyện cho quân lính đa sắc tộc hội nhập cuộc sống chung trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.

Vào tháng 3/1974, Matlovich đọc được một bài báo của Air Force Times, viết về một người của cộng đồng LGBT phục vụ trong quân đội Mỹ. Matlovich không ngờ rằng, chính bài báo đó đã thay đổi cuộc đời của ông. Ông tự hỏi: “Tại sao những bài giảng, những khoá huấn luyện về sắc tộc mình đang truyền đạt cho các phi công khác lại không được áp dụng cho những người đồng giới?” Từ đó, Matlovich đưa ra một quyết định lớn: Công khai xu hướng tính dục, bản dạng giới của mình.


Matlovich đã ba lần làm tình nguyện viên chiến đấu ở chiến trường Việt Nam. Ông được trao tặng huân chương Bronze Star và Purple Heart vinh danh cuộc đời binh nghiệp của mình. Nhưng, việc tuyên bố mình là một người lính “gay” cũng đồng nghĩa với việc, có thể ông phải “xuất ngũ trong khổ nhục”?
Bằng mọi cách, Matlovich liên lạc với Frank Kameny – nhân vật được phỏng vấn trong bài báo. Kameny vốn cũng là một cựu chiến binh Thế chiến thứ II. Ông là người đấu tranh không mệt mỏi cho quyền của cộng đồng LGBT. Sau khi rời nhiệm vụ trong quân đội, Kameny – một nhà thiên văn học, đã làm việc tại Cục Bản đồ Quân đội. Nhưng, sau khi phát hiện Kameny là một người đồng tính, ông bị sa thải.

Khi Matlovich gọi cho Kameny, cũng chính là thời gian người cựu chiến binh này đang thực hiện một “cuộc cách mạng” luật pháp – thay đổi lệnh cấm những người đồng tính phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.

Vài ngày sau khi diễn ra cuộc nói chuyện, Matlovich gọi là cho Kameny và nói: “Có lẽ tôi chính là người mà ông đang tìm kiếm.” Quyết định cuối cùng được đưa ra sau vài tháng chuẩn bị (bắt đầu từ tháng 6-1974.) Matlovich đích thân viết và gửi thư cho các cấp chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Không quân, nơi ông đang phục vụ.

Những gì diễn ra sau đó đúng như Matlovich đã dự đoán – ông bị sa thải khỏi lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Thời đại Matlovich “come out” là thời đại khắc nghiệt của cộng đồng LGBT. Quy định của quân đội lúc bấy giờ ghi rất rõ: “Đồng tính luyến ái (homosexuality) không được chấp nhận trong Không Quân.” Lá thư của Matlovich được mang ra bàn luận trong một phiên điều trần. Cố vấn chính phủ lúc ấy đặt câu hỏi với một… bác sĩ tâm thần, là ông Money, rằng nếu Trung sĩ Matlovich tiếp tục hiện diện trong quân đội thì có làm “lệch lạc xu hướng tình dục của các quân nhân bình thường khác không?” Câu trả lời của Bác sĩ Money là “KHÔNG!”

Nhưng, cuối cùng, Matlovich vẫn bị sa thải khỏi lực lượng Không Quân. Tháng 9/1975, Matlovich xuất hiện trên trang bìa của tạp chí TIME – trong bộ quân phục, cùng với câu tiêu đề: “TÔI LÀ NGƯỜI ĐỒNG TÍNH (I AM HOMOSEXUAL)”

Sứ mệnh lịch sử của tấm ảnh này chính là thay đổi cái nhìn phiến diện đối với cộng đồng LGBT trong quân đội. Không chỉ vậy, 1981, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố cộng đồng LGBT phải được đối xử công bằng, không thể sa thải họ chỉ vì họ là người đồng tính.

Lịch sử sang trang! Matlovich trở thành người đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi của cộng đồng LGBT trong lực lượng vũ trang. Ông qua đời tháng 6/1988 và được chôn cất tại Congressional Cemetory. Một trong những di sản của cuộc chiến mà ông đã đánh đổi bằng sự nghiệp quân ngũ của mình chính là “Gay Corner.”

Năm 1984, Matlovich chuẩn bị cho chuyến đi “về nơi sẽ đến” của mình bằng việc mua hai mảnh đất liền kề trong Congressional Cemetery, một cho ông và một cho bạn đời tương lai. Matlovich chọn vị trí này vì nó gần với hai ngôi mộ của hai người nổi tiếng, đó là J. Edgar Hoover – Giám đốc đầu tiên của FBI, và Clyde Tolson, Phó Giám đốc FBI (1930-1972.)

Edgar Hoover nổi tiếng với cuộc chiến chống lại những người đồng tính vào những năm 50, 60. Ông ra lệnh theo dõi bất cứ nhân viên nào của chính phủ bị nghi là đồng tính và Hoover xem họ là “những kẻ lệch lạc tình dục.” Tuy là thế, Hoover không thể che dấu lịch sử. Người nằm trong ngôi mộ cạnh ông, Clyde Tolson lại được lịch sử biết đến và ghi nhận như là “người tình” của Hoover. Trang web tài liệu Crime Libary – thư viện lưu trữ những vụ án hình sự lớn, các tội phạm quốc gia, những phiên toà đặc biệt… viết về mối quan hệ giữa Hoover và Tolson: “Mối quan hệ gần gũi, bền chặt và tình cảm đến mức đã thay thế cho cuộc hôn nhân của hai người trưởng thành. Họ lái xe đi làm cùng nhau; dùng bữa trưa với nhau; đi công tác cùng nhau; và thậm chí đi nghỉ dưỡng cùng nhau.”

HOME-Hoover

HOME-Hoover: Ngôi mộ của J. Edgar Hoover – Giám đốc đầu tiên của FBI (Ảnh: Kalynh)


Trở lại câu chuyện của Matlovich. Ông thiết kế tấm bia bằng đá đen tuyền trên phần mộ của mình như một thông điệp vinh danh và tưởng nhớ những cựu chiến binh LGBT. Mũi tên màu hồng hướng xuống với dòng chữ “Never Again” và ngày tháng năm sinh của ông (6/7/1943. “Bất Tái Sinh” – có lẽ Matlovich nghĩ rằng ông chỉ hiện diện trên cõi đời này một lần và duy nhất. Mũi tên màu hồng thứ hai hướng lên với lời “Never Forget” – ngày ông từ giã cõi tạm (22/6/1988.)

Giữa tấm bia là hàng chữ hoa in lớn, trang trọng, tự hào: A GAY VIETNAM VETERAN. Phía dưới là câu di chúc nổi tiếng in hoa: “WHEN I WAS IN THE MILITARY THEY GAVE ME A MEDAL FOR KILLING TWO MEN AND A DISCHARGE FOR LOVING ONE.” (Khi tôi trong quân đội, họ trao cho tôi huân chương vì đã bắn chết hai người lính khác và sa thải tôi vì đã yêu một người.)

Leonard Matlovich qua đời năm 1988 vì bệnh AIDS, 44 tuổi. Mộ của ông có ảnh hưởng rất lớn đến những cựu chiến binh LGBT và cộng đồng LGBT. Năm 2016, Paul Williams, Giám đốc Congressional Cemetory cho biết, khoảng 35 người đã chọn chôn cất trong khu vực LGBT để bày tỏ lòng tưởng nhớ người lính Không Quân Matlovich. Cựu chiến binh Frank Kameny – người đã “mở đường” cho cuộc đấu tranh của Matlovich, cũng chọn khu đất gần đó. Ngôi mộ của ông có dòng chữ “GAY IS GOOD.”

Một trong những giá trị cao đẹp, tự hào của nước Mỹ, đó là tự do, tôn trọng quyền sống, quyền con người. Những giá trị ấy không phải tự nhiên hình thành, mà nó sinh ra và tồn tại vì những cuộc đấu tranh không mệt mỏi của người dân. Pride Month của cộng đồng LGBTQ+ là một hành trình lịch sử của sự kiên cường và khát vọng được sống thật với chính mình.

Một nước Mỹ vĩ đại là một nước Mỹ bao dung, tôn trọng sự khác biệt. Một nước Mỹ khỏe mạnh là một nước Mỹ giang tay với những người yếu thế, nói với họ rằng: “Các bạn không thừa thãi, gãy vỡ, bạn tuyệt đẹp trong sự khác biệt” – đó là một nước Mỹ hùng mạnh mà thế giới biết đến trong hơn 250 năm qua.

Cuộc đời chúng ta, từ ngày “kêu lên hơi thở tuyệt vời”, sao không thể “một Xuân, bao dung ai cũng là người”?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nelson Mandela (1918-2013), quán quân Giải Nobel Hòa Bình năm 1993, nhà hoạt động chống chế độ phân biệt chủng tộc bị tù 27 năm, và là vị tổng thống người da đen đầu tiên được bầu trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của nước Nam Phi vào năm 1994, đã từng nói rằng, “Giáo dục là vũ khí có sức mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới.” Hơn ai hết, Nelson Mandela là người không những hiểu rõ giá trị thực sự của nền giáo dục mà còn áp dụng kiến thức đó trong việc làm thay đổi đất nước và dân tộc Nam Phi của ông. Ông đã dẫn dắt Nam Phi từ một quốc gia ngập chìm trong bóng tối của thù hận, phân hóa và lạc hậu để vươn mình lên trong ánh sáng của đoàn kết, hòa bình và phát triển.
Hoa Kỳ đã tấn công Iran. Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng có thể trì hoãn bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ trong nhiều tuần, ông tuyên bố vào ngày 21/6 rằng máy bay Mỹ đã tấn công ba địa điểm hạt nhân của Iran, bao gồm cả cơ sở bị chôn sâu ở Fordow. Các quan chức Iran xác nhận rằng các cuộc không kích đã diễn ra. Mặc dù ông Trump khẳng định rằng các địa điểm này đã bị "xóa sổ", nhưng vẫn chưa rõ các cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại gì.
Jena, Louisiana – một thị trấn 4.000 dân lọt thỏm giữa rừng thông – nơi bảng hiệu đầu làng ca ngợi đội bóng nữ vô địch của bang, nhưng cách đó chỉ ba dặm, sau hàng rào kẽm gai và lời Kinh Thánh treo lủng lẳng, là Trại Giam ICE đồ sộ - do GEO Group điều hành. Nơi đây hiện giam giữ hơn 1000 người – phần lớn chưa từng bị kết tội hình sự, nhiều người chỉ là dân đang xin tị nạn hợp pháp, số còn lại chưa kịp hiểu vì sao mình bị bắt...
Tại sao Trump lại vội vàng ban hành hàng loạt sắc lệnh hành pháp và chính sách mới như vậy?AI: Có hai lý do.Đầu tiên, tổng thống vội vàng vì nếu có bất kỳ điều gì sai trái xảy ra vào đầu nhiệm kỳ, ông có thể đổ lỗi cho chính quyền trước và nhà nước (những người làm việc cho ông). Nếu để lâu, những điều sai trái sẽ là trách nhiệm của ông, và Trump không thích chịu trách nhiệm.Thứ hai, ông biết trong hai năm nữa, đảng Cộng hòa sẽ mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử quốc hội và ông sẽ trở thành què quặt. Ông cần phải hoàn thành mọi việc ngay bây giờ. Ông muốn tập trung vào các doanh nghiệp của mình trong hai năm cuối nhiệm kỳ tổng thống,
“Nơi nào người ta bắt đầu đốt sách, nơi đó người ta rồi cũng sẽ thiêu người.”— Heinrich Heine. Câu nói nổi tiếng từ thế kỷ XIX của thi sĩ Heinrich Heine, tưởng chỉ là tiếng vọng u ám của bóng ma lịch sử nhưng hôm nay, giữa thế kỷ XXI, lời cảnh báo ấy lại trở nên rúng động – ngay trên đất nước từng được xem là ngọn hải đăng của tự do học thuật. Oái oăm thay, những dấu hiệu đầu tiên của bóng tối không phát xuất từ một chế độ độc tài phương Đông, mà từ chính nước Mỹ – xứ sở từng được xem là ngọn hải đăng của giáo dục tự do.
Donald Trump không đội vương miện, nhưng ông đã luyện được cách bắt cả một đảng chính trị quỳ gối. Và cũng như các ông vua cổ đại, ông không cần luật – ông chính là luật. Nếu Toà Tối cao chống đối, ông sẽ gọi đó là “phản quốc.” Nếu truyền thông phản biện, ông gọi đó là “tin giả.” Nếu có cuộc bầu cử mà ông thua, ông sẽ bảo đó là “gian lận.” Và nếu có ai dám nói điều gì khác, ông sẽ gửi quân đội tới – như ông đã làm ở Los Angeles, để dạy cho đám biểu tình “hỗn xược” ấy một bài học về dân chủ... bằng đạn cao su và lựu đạn cay.
Ryanne Mena là một nhà báo đưa tin về tội phạm và an toàn công cộng cho Southern California News Group. Thứ Sáu, 6/6, ngày đầu tiên diễn ra cuộc biểu tình phản đối chính sách nhập cư của chính quyền Trump, chống lại các cuộc bố ráp của Cảnh Sát Di Trú (ICE), Mena đã có mặt ngay trên đường phố Los Angeles, bên ngoài Trung tâm giam giữ Metropolitan,L.A. Tại đây, cô bị trúng đạn hơi cay ở đùi bên trái Ngày kế tiếp, nữ phóng viên này bị trúng đạn cao su của các đặc vụ liên bang bắn vào đầu, bên phải, cách tai của cô chỉ khoảng 1 inch. Những tấm ảnh Mena và các đồng nghiệp khác bị thương lan tỏa khắp Instagram, Twitter.
Giữa lúc Tòa Bạch Ốc đang tìm mọi cách cứu vớt mối quan hệ Trump-Musk thì các cựu quan chức an ninh y tế cho biết chính quyền Trump hủy bỏ $766 triệu trong các hợp đồng nghiên cứu phát triển vaccine mRNA để chống lại các loại đại dịch cúm. Với họ, đây là đòn giáng mới nhất vào quốc phòng quốc gia. Họ cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể phải nhờ đến lòng trắc ẩn của các quốc gia khác trong đại dịch tiếp theo. ABC News dẫn lời Beth Cameron, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đại dịch thuộc Brown University Pandemic Center, và là cựu giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, cho biết: “Các hành động của chính quyền đang làm suy yếu khả năng phòng ngừa của chúng ta đối với các mối đe dọa sinh học. Việc hủy bỏ khoản đầu tư này là một tín hiệu cho thấy chúng ta đang thay đổi lập trường về công tác chuẩn bị ứng phó với đại dịch. Và điều đó không tốt cho người dân Mỹ.”
Ăn mặc đẹp là nói về thời trang. Lịch sử “thời trang cao cấp” thuộc về truyền thống của Pháp: Haute couture từ thế kỷ 17. Đến thế kỷ 19, ngành thời trang cao cấp đã phát triển thành một phương tiện kích thích tăng trưởng trong nền kinh tế Pháp. Trong thời gian này, các nhà tạo mốt như Dior, Chanel và Balenciaga đã được thành lập. Tuy nhiên, vào thế kỷ 20, ngành thời trang cao cấp ở Pháp đã mất đi phần lớn sự huyền bí của mình và phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các thị trường quốc tế khác, đặc biệt là ở Ý và Hoa Kỳ. Sự thành công của bối cảnh thời trang quốc tế và tiềm năng lợi nhuận đã thu hút sự chú ý của các tập đoàn hàng xa xỉ, được tiên phong bởi ông trùm kinh doanh người Pháp và người sáng lập LVMH Bernard Arnault vào năm 1987. Ngày nay, các tập đoàn này vẫn tiếp tục duy trì hoạt động lịch sử của các nhà thời trang xa xỉ thông qua việc bổ nhiệm các giám đốc sáng tạo, những người diễn giải và chỉ đạo triết lý thiết kế của thương hiệu.
Chiều Thứ Sáu cuối cùng của Tháng Năm 2025, tỷ phú nhất thế giới Elon Musk, người đứng đầu Bộ Hiệu Quả Chính Phủ (DOGE) bước vào Phòng Bầu Dục. Musk đội nón kết đen có chữ MAGA, mặc áo thun đen có chữ “The Dogefather,” vest đen, đứng kế Tổng thống Trump – chỗ đứng quen thuộc của Musk từ khi Trump tái đắc cử. Hình truyền thông từ Phòng Bầu Dục đưa đi cho thấy, thỉnh thoảng, đôi mắt của Elon Musk nhắm nghiền với vết bầm trên mắt phải chưa tan, đầu lắc lư, lắc lư. Không biết là ông ta đang tận hưởng không khí phủ đầy vàng của Bạch Cung hay tâm hồn đang…phiêu diêu ở Sao Hỏa? Đó là ngày cuối cùng được cho là ngày làm việc của Musk trong Tòa Bạch Ốc, theo cách chính quyền Trump thông báo.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.