Hôm nay,  

Một Cuốn Phim Dài

14/08/200300:00:00(Xem: 4845)
Màn ảnh khác với cuộc đời khá xa, vì một bên là hư cấu kịch cỡm, một bên là thực tế trần truồng. Màn ảnh còn cách chính trị xa hơn nữa, vì một đàng là mua vui và một đàng là tranh sống, có khi đến vãi máu. Trong các cuốn phim do Arnold Schwarzenegger thủ vai chính, tôi thích cuốn "Total Recall" (Phục hồi Toàn bộ), trong phim khoa học giả tưởng này người anh hùng phải trở lại Hỏa tinh để phục hồi trí nhớ chống lại một Công ty khai mỏ đại gian ác. Đây không phải là cuốn phim hay nhất, nhưng chữ "recall" đang gây vui nhộn ở California vì có cuộc bầu cử nhằm "thu hồi" chức Thống đốc Tiểu bang của ông Gray Davis và người có hy vọng thay thế là Arnold, vị tài tử trứ danh giầu sụ, đóng phim hay và kinh doanh giỏi. Cuốn phim chót ông vừa đóng là Terminator 3 đã đem lại cho ông 30 triệu đô-la. Nếu ông đắc cử Thống đốc vào ngày 7-10 sắp tới như nhiều người dự đoán, đây sẽ là cuốn phim chót trong đời tài tử của ông chăng" Tôi không nghĩ như vậy vì ông còn đóng thêm một phim cũng gọi là "Recall" nhưng với hiện thực trần truồng trên sân khấu chính trị tranh cử hiện nay. Cuốn phim khá dài vì phải chờ đến hơn 50 ngày nữa mới có chữ "Hết phim" để biết kết quả.
Cuốn phim vui nhộn vì có khoảng gần 200 ứng cử viên muốn đoạt chức của ông Davis. Nhưng số ứng viên kỷ lục này cũng gây nhức đầu cho người đi bỏ thăm vì phải dò một danh sách quá dài để tìm người. Bởi vậy màn đầu là một cuộc xổ số chọn trong 26 chữ cái (A, B, C...), chữ nào ra trước chữ nào ra sau. Chữ cái đó ứng vào chữ đầu của tên họ mỗi ứng viên để sắp đặt trước sau trên bảng danh sách. Kết quả vị nào có họ khởi đầu bằng chữ R đi tiên phong và chữ L cầm đèn đỏ đi sau rốt. Nhưng bảng này còn được hoán chuyển lần luợt trong 80 quận hạt bầu cử ở California. Thí dụ ở quận #1, chữ R đi trước, nhưng đến quận #2, chữ thứ hai là W được lên trước còn vị tiên phong R rút xuống cầm đèn đỏ chót bảng. Đến quận #3 và các quận kế tiếp, sự hoán chuyển cũng làm theo thể lệ như vậy cho có thêm công bằng.
Tuy nhiên ở cuộc đời nhiễu nhương phức tạp này, công bằng hay công lý không thể có tuyệt đối. Nhất là dân chủ cũng không tuyệt đối. Khi bỏ thăm bằng cách xuyên phiếu, cử tri sẽ có 2 sự lựa chọn. Trước hết là câu hỏi "thuận" hay "không thuận" truất phế Thống đốc Davis. Nếu "không thuận", coi như bỏ phiếu xong. Tuy nhiên dù bỏ thăm "không thuận" vẫn có thể dò danh sách để chọn một người có khả năng thay thế nếu cho rằng phiếu "không thuận" của mình không đủ thắng. Như vậy là công bằng chăng" Chưa chắc. Thí dụ ông Davis không hội đủ đa số quá bán nên mất chức, vậy khoảng 150 ứng viên sẽ ganh đua chiếm bảng vàng và ở đây chỉ cần tương đối có nhiều phiếu nhất là đắc cử. Trong đám ứng viên quá đông có nhiều nhân vật sáng giá, nhưng vì phiếu phân tán trải dài nên có thể vị có nhiều phiếu nhất lại không bằng số phiếu ủng hộ ông Davis trong câu hỏi đầu.

Trên đây chỉ là những thí dụ giả tưởng, theo các cuộc thăm dò vào tuần này ông Arnold vẫn có hy vọng thắng lớn. Dân Mỹ vốn chuộng anh hùng lẫm liệt, nhất là loại có bắp thịt phi thường kể cả người máy robot hay người khổng lồ do khoa học tạo ra, nên mấy ông làm phim Hollywood chừa một lỗ hổng ở chữ "Hết phim" để có cơ hội hốt thêm bạc bằng hạ hồi phân giải. Bằng cớ là phim Terminator đã hốt bạc trong đó tài tử Arnold đóng vai người "máy ác", nhưng đến Terminator II ông đóng vai người "máy thiện" nên càng ăn khách. Và bây giờ đúng lúc ông ra tranh cử, Terminator 3 đã hoàn tất nhưng chưa thể chiếu vì các ứng cử viên khác ganh tỵ. Vai trò anh hùng cứu khổn phò nguy trong phim thật đáng mến, người ta đã quen với bộ mặt anh hùng lúc nào cũng lầm lầm lì lì khiến thiên hạ phải kính nể. Nhưng cũng bộ mặt anh hùng đó đột nhiên biến đổi để cười cuời, giả lả câu phiếu ở cuộc đời ô trọc này, người ta tự nhiên cảm thấy quái đản. Phim ảnh tạo ra ảnh hưởng lạ lùng, vì người ta linh cảm cái cười của người máy không thể xuất phát từ con tim như người thật.
Arnold Schwarzenegger không phải là người hùng không tim, kể cả khi đóng vai người máy. Ở ngoài đời ông là một nhà triệu phú làm nhiều việc thiện đóng góp những khoản tiền lớn. Vì thế nhiều người tin là ông có tương lai chớ không phải hết phim là hết tất cả. Người ta nhắc nhở đến một vị tài tử khác không nổi danh trên màn ảnh nhưng lại nổi danh trên chính trường là ông Ronald Reagan. Ông Reagan đã được bầu làm Thống đốc California rồi sau làm Tổng Thống Mỹ 8 năm trong thập niên 80. Nhưng nếu so sánh Arnold với Reagan có lẽ không đúng lắm, vì trước khi được bầu làm Thống đốc, ông Reagan đã nhập chính trường với những bài diễn văn chính trị dọn đường của ông trong suốt 10 năm trường. Ông Arnold cũng không thể làm Tổng Thống vì ông ông gốc di dân Áo, chỉ là công dân nhập tịch. Dù vậy người ta tin rằng những anh có nhiều tiền và đóng trò giỏi vẫn đắc cử. Thống đốc Minnesota, ông Jesse Ventura, trước là đô vật và cũng đã đóng phim, hỏi ông bạn Arnold: "Bỏ Hollywood để nhẩy vào chính trị làm cái gì vậy"". Ai cũng biết chính trị Mỹ là cái lò cừ luộc người. Còn báo chí rất ác, vẫn biết Arnold có "thiết bố sam" nội công thâm hậu, nhưng ông sẽ phải chống lại những cái còn khủng khiếp hơn các loại thú vô hình "predators" trong các phim của ông.
Đây có thể là lời tiên đoán cuốn phim "Recall" sẽ vô cùng hấp dẫn. Một ông nhà báo Mỹ viết nay muôn việc đủ cả, chỉ còn thiếu một bịch bắp rang cho khán giả. Người coi không mất tiền, chỉ cần trả thuế vì cuốn phim "Recall" có thực này tốn hết 66 triệu đô-la cho công quỹ, giữa lúc ngân sách California đã thâm thủng 8 tỷ. Một Thượng nghị sĩ tiểu bang nói "Cái giá của Dân chủ không thể đo bằng tiền". Câu này thật chí lý, vì nếu "làm" dân chủ ở ngoài nước Mỹ, cái giá thường còn đo thêm bằng xuơng máu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.