Hôm nay,  

Ngựa Về Ngược

16/05/200200:00:00(Xem: 4450)
Những cuộc biểu tình công khai đòi nhà đất đã thường xẩy ra ở Việt Nam từ ít lâu nay, nguời ta đã quen mắt không còn lấy làm lạ. Nhưng gần đến ngày bầu cử quốc hội, các cuộc biểu tình đó đã nở rộ như hoa xuân khiến ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh bỗng thấy nóng lòng phải nói lên một chuyện lạ đời. Ông nói: "Dân chúng đi biểu tình cầm biểu ngữ là bất bình thường. Các nước khác không cho phép làm như vậy. Nền dân chủ của chúng ta đã nhiều đến quá mức".

Tôi không biết ông Mạnh có phải bật cuời vì câu nói khôi hài của chính ông hay không. Ở các nơi khác, khi dân biểu tình để nói lên ý nguyện của họ một cách ôn hòa, không nước nào cấm trừ những nước độc đảng như Việt Nam. Tuy nhiên lời nói của Mạnh cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Ông ta nói tranh chấp nhà đất không thành vấn đề nếu được giải quyết đúng, bởi vì "những chuyện đó không liên quan đến chính trị". Ông Tổng bí thư nói đúng, mối âu lo của đảng chỉ là tranh chấp chính trị, nghĩa là sợ có ai đó phê phán chính sách hay thách thức tư thế cầm quyền của đảng. Dân chúng đòi nhà đòi đất bị cưỡng đoạt bất công không có liên hệ đến chính trị nên đảng khỏi phải lo. Tất cả đều tốt... trừ một chữ "nếu". Mạnh nói "nếu giải quyết đúng thì không thành vấn đề". Vậy nếu không giải quyết đúng thì sao".

Chẳng cần phải có câu trả lời của một ông Tổng bí thư, ai cũng biết "nếu không được giải quyết đúng", vấn đề nhà đất sẽ nổ lớn, và khi nó nổ, nó sẽ trở thành vấn đề chính trị mấy hồi. Và tự nó sẽ thành chính trị chớ không phải vì ảnh hưởng từ bên ngoài hay những tay "cơ hội chủ nghĩa" bên trong lợi dụng như Mạnh đã tỏ ý lo ngại. Không biết có phải Mạnh nói như vậy là có ý chơi sỏ, ngầm cảnh cáo những kẻ có trách nhiệm đã không chịu giải quyết những đơn từ khiếu nại chất đống hay không, nhưng ít ra đây cũng là một cách biện minh cho lập luận của ông khi nói vấn đề tham nhũng là vấn đề ưu tiên số 1 trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Đầu tuần này, những người biểu tình đòi nhà đất trước trụ sở Thành ủy Hà Nội đã trương biểu ngữ lớn: "Vạch mặt bọn tham nhũng".

Hãy nhìn đến những con số chính thức do đảng và nhà nước đưa ra. Chỉ trong trong thời gian nửa năm vừa qua, đã có đến 97,952 đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chính phủ. Và theo sở Thanh tra Nhà nước, 80% những vụ khiếu nại đó liên quan đến vấn đề nhà đất. Đây là con số lớn đến độ chính những người vẫn thường chỉ trích và phê phán chế độ cũng không ngờ tới. Ông Mạnh nói đến cái "quá nhiều dân chủ ở Việt Nam", sự thật ông phải nói đến "quá nhiều vụ cướp đất cướp nhà" thì đúng hơn, bởi vì những vụ này đã làm nẩy ra những cuộc biểu tình ngay trước mắt ông khiến ông phát hoảng la lên "quá nhiều dân chủ". Một ngày trước khi ông lên tiếng, một nhóm khoảng từ 30 đến 40 người dân giương cờ chăng biểu ngữ biểu tình ngay gần trụ sở đảng Cộng sản ở Ba Đình để phản đối vụ 100 gia đình ở quận Đống Đa bị đuổi nhà lấy đất làm công viên mà không được bồi thường. Cũng cần phải nói thêm, đây không phải lần đầu tiên người biểu tình tiến đến sát trụ sở đảng để đòi nhà đòi đất và cũng không phải chỉ có dân Hà Nội làm như vậy. Hồi năm ngoái những người dân từ Đông Tháp ở miền Nam đã kéo nhau ra đến Hà Nội biểu tình trước trụ sở đảng để phản đối các vụ cướp nhà cướp ruộng đất của họ.

Ông Mạnh đã thấy hoảng nên khuyên dân chúng nếu có điều gì khiếu nại nên làm đơn đến các cơ quan nhà nước, không nên đi biểu tình như vậy. Nhưng chính vì dân đã làm đơn nhiều rồi, đơn vẫn mất tăm như muối bỏ bể không thấy giải quyết được việc gì nên họ mới phẫn uất xuống đường. Vào ngày chủ nhật này, dân chúng Việt Nam đã sẽ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa mới và Tổng bí thư Mạnh nói tham nhũng là vấn đề số 1 cho cuộc bầu cử này. Các giới quan sát bên ngoài cũng như các cơ quan thông tấn ngoại quốc ghi nhận có nhiều vụ biểu tình phản kháng tranh chấp trước ngày bầu cử. Nhưng tôi nghĩ các cuộc tranh đấu của người dân không chấm dứt ở cuộc bầu cử này. Nó còn tiếp diễn dài dài và cũng không thiếu gì cơ hội bùng nổ lớn trong tương lai. Nguyên nhân vì "bọn xấu" ở bên ngoài hay bọn "cơ hội" ở trong nước xúi dục chăng" Không phải, nó chỉ do áp lực của một nồi hơi có tên là thương ước Mỹ-Việt.

Thương ước đã bắt đầu được thi hành từ tháng 12 năm ngoái và kết quả rất hồ hởi là xuất cảng của Việt Nam gia tăng mạnh. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm nay số mậu dịch song phương đã tăng 75% so với 2 tháng trước đó. Những mặt hàng như tơ sợi vải vóc và quần áo, nghĩa là toàn những mặt hàng Việt Nam xuất cảng sang Mỹ, gia tăng đến 95%. Trong khi đó số cá tra của Việt Nam nhập vào Mỹ đã lên đến 30 triệu đô la trong 2 tháng đầu năm, tính cả năm ngoái cũng chỉ có 22 triệu đô. Nhưng thương ước cũng có mặt trái của nó. Tiền vô như nước thì tham nhũng cũng lắm như rươi, vì tham nhũng là sản phẩm tự nhiên của mọi chế độ độc tài đảng trị.

Chế độ cai trị ở Việt Nam là một chế độ độc đảng. Khi đã độc đảng, không thể nào có dân chủ. Việt Nam không có đối lập, không có tự do ngôn luận, mọi tiếng nói chỉ trích phê phán sự độc quyền của đảng đều bị chụp mũ bằng những tội danh hình sự để đàn áp, bắt bớ, bỏ tù, rồi rêu rao "không có tù chính trị". Tóm lại trong cuộc chay đua tiến đến dân chủ, Việt Nam đứng hạng bét trên thế giới. Vậy mà ông Tổng bí thư đảng ngày nay nói Việt Nam có quá nhiều dân chủ, khác nào nói ngựa Việt Nam về nhất. Đây chỉ là chuyện "ngựa về ngược" trong ảo tưởng của mấy anh đánh cá ngựa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.