Hôm nay,  

Tin Tức Úc Châu

18/08/200100:00:00(Xem: 4154)
CẢNH SÁT CANBERRA BẮT ĐƯỢC MA TÚY TẠI MỘT HỘP ĐÊM

CANBERRA: Cuối tuần qua, cảnh sát ACT, trong nỗ lực bài trừ ma túy tại các hộp đêm, đã bố ráp một hộp đêm tại khu Kingston. Đây là cuộc bố ráp đầu tiên trong Chiến dịch Skeet, nhắm vào các hộp đêm trong nỗ lực bài trừ nạn bào chế, cung cấp và tiêu các loại ma túy như ecstasy, amphetamine, cocaine. Chiến dịch cũng đồng thời ngăn chận những vi phạm luật lệ tại các hộp đêm này như bán rượu cho trẻ vị thành niên, vượt quá số quy định những người có thể vào hộp đêm vv..

Cảnh sát đã tìm thấy 21 gói bao gồm đủ loại ma túy được vất lại trên sàn nhảy sau khi cảnh sát bố ráp Lot 33 ở Kingston.

Tư Lệnh Hành Động của cảnh sát liên bang, ông Ben Mcdevitt cho biết, theo các nguồn tình báo của cảnh sát thì phần lớn các vụ mua bán cocaine, ecstasy và amphetamines tại ACT đều xảy ra tại những hộp đêm ở Canberra.

Ông nói: "Những người hoạt động trong lãnh vực hộp đêm đã được cảnh cáo rồi. Cảnh sát sẽ tập trung nỗ lực bài trừ những hoạt động phi pháp này".

Thám tử Ray Sweeny cho biết việc bào chế, cung cấp và tiêu thụ các loại ma túy tân thời, đặc biệt là ecstasy, đã gia tăng trầm trọng tại ACT. Ông cho biết: "Tin tức tình báo cho thấy, cứ mỗi một người thử xài ecstasy 5 năm về trước, bây giờ có 10 người. Các loại ma túy này bây giờ rất thông dụng trong giới thích nhảy nhót ở hộp đêm. Mục đích của chúng tôi trong chiến dịch này, ngoài việc lùng bắt và tống giam những kẻ buôn bán các loại ma túy này, còn là để cho công chúng biết việc sử dụng chúng là một việc phi pháp và nguy hiểm".

HỌC SINH ĐƯỢC KHUYẾN DỤ DÙNG INTERNET ĐỂ TỐ CÁO TỘI ÁC

SYDNEY:học sinh tại NSW được khuyến dụ hãy dùng Internet để tố cáo hành vi phạm pháp của những thanh thiếu niên khác.

Hàng ngàn bích chương và thiệp đã được phân phối tới các trường học và trung tâm thanh thiếu niên toàn NSW để khuyên dụ thanh thiếu niên hãy góp phần trong việc bài trừ các tội ác nhắm vào thanh thiếu niên. Chủ đề chính của những bích chương này là dùng Internet để báo cáo vấn đề hoặc chiều hướng thay đổi của các loại tội ác.

Chính Sách Về Thanh Thiếu Niên của cảnh sát, được công bố ngày hôm qua, lưu ý rằng phần lớn các vụ phạm pháp mà thanh thiếu niên là nạn nhân đều do những người cùng trang lứa gây nên.

Khi được hỏi là việc tố cáo như vậycó phải là chuyện đâm thọt vốn dĩ không nằm trong phong cách đúng đắn của người Úc không thì ông Whelan, bộ trưởng cảnh sát cho biết: "Tội ác là tội ác. Nếu các em là nạn nhân của một cuộc hành hung hay một tội ác nguy hiểm nào khác, các em phải mạnh dạn và hãnh diện đi trình báo với cảnh sát."


KHÔNG ĐƯỢC THƯỜNG TRÚ VÌ CON BỊ ĐIẾC

CANBERRA: Đơn xin hộ chiếu thường trú nhân của gia đình một thương gia người Đài Loan đã bị từ chối vì con trai ông bị điếc, và tổng trưởng Di trú Phillip Ruddock từ chối không cứu xét, giúp đỡ. Ông Tony Yang bị buộc phải trở về Đài Loan trong vòng hai tuần tới sau khi nỗ lực xin thường trú cho con lớn của ông bị thất bại vì Johnny bị điếc.

Ông Tony Yang đã định cư tại Úc từ năm 1995, sau khi xin được hộ chiếu với tư cách doanh nhân độc lập. Bây giờ, ông phải trở lại Đài Loan, rồi sau đó chờ đủ ba tháng trước khi làm một đơn khác chỉ có vợ và hai đứa con nhỏ của ông. Bộ di trú đã cho ông biết Johnny không bao giờ xin được hộ chiếu nào, ngoại trừ hộ chiếu du khách.

Phát ngôn viên của tổng trưởng di trú Phillip Ruddock cho hay ông không thể nào can thiệp được trừ khi gia đình ông Yang nộp một đơn mới. Phát ngôn viên này cho biết thêm rằng ông Yang đã không chống lại quyết định đầu tiên của bộ Di trú khi họ cho rằng bệnh điếc của Johnny sẽ có thể là một gánh nặng cho hệ thống y tế Úc.

Phát ngôn nhân đối lập về di trú, ông Con Sciacca gọi quyết định của bộ di trú là "một sự nhục mạ", ông nói rằng không có lý do nào mà Johnny không thể có một cuộc sống bình thường được. Ông nói: "Bị điếc không phải là chuyện tận thế. Cả ngàn người Úc bị điếc đó, nhưng họ có phải là gánh nặng của ai đâu".


TUỔI TRẺ TÀI CAO: TỔ CHỨC HƠN 66 VỤ CƯỚP!

MELBOURNE: Một người đàn ông 25 tuổi đang hầu tòa vì đã tổ chức những vụ cướp bạo động trong suốt ba năm và bắn cảnh sát khi bị truy đuổi trong thời gian ông ở tuổi từ 15 đến 18.

Jason Ghiller, 25 tuổi, bị cáo buộc rằng đã dính líu vào quá nhiều vụ cướp đến độ chính hắn cũng đếm không xuể. Hắn bị buộc tội mưu toan sát hại hai cảnh sát viên khi họ chặn hắn năm 1994 tại Hallam. Hắn cũng bị buộc tội mưu sát một nạn nhân và 66 vụ cướp trong khoảng thời gian 1991-1994.

Công tố viên Jeremy Rapke QC trình bày trước tòa rằng kẻ tòng phạm lớn tuổi hơn Ghiller là kẻ cầm súng bắn.

Ghiller mới 15 tuổi khi bắt đầu sự nghiệp phạm pháp của hắn, và 18 tuổi khi một nạn nhân biết được bảng số xe của hắn, một sơ hở đã chấm dứt chuỗi ngày trộm cướp của hắn.

Hắn bị tố đã nói rằng: "Tôi sợ vãi c... ra quần khi chúng tôi làm vụ đầu. Vụ thứ nhì cũng tệ nữa. Nhưng từ vụ thứ ba trở đi thì quá dễ".


BỊ ĐUỔI VÌ GỞI E-MAIL CON HEO

SYDNEY: Hôm đầu tuần qua, trong một phiên tòa khiếu nại quyết định sa thải một nhân viên của Tòa Bồi Thường NSW, người ta được biết rằng việc nhân viên của Tòa Bồi Thường gởi cho nhau những điện thư kèm nội dung tục tĩu, khiêu dâm là chuyện xảy ra rất thường xuyên.

Nội dung của những lá thư này bao gồm những hình ảnh có tính xúc phạm, những câu chuyện tiếu lâm tục tĩu hoặc kỳ thị. Chuyện này chỉ vỡ lở ra khi ban giám đốc phát hiện được một điện thư do anh Peter Gavrilovski, nguyên đơn trong phiên tòa, gởi cho một nhân viên của WorkCover bị một nhu liệu của máy nơi người nhận chận lại.

Anh Gavrilovski làm việc tại Tòa Bồi Thường hơn 16 năm, và gần đây được thăng lên chức phụ tá giám đốc, đã bị sa thải sau một cuộc điều tra dài 12 tháng của bộ Tư Pháp. Và anh khiếu nại chống lại quyết định này.

Phiên tòa được nghe rằng thoạt đầu, điện thư được áp dụng để tiết kiệm thời giờ mà nhân viên phải dùng điện thoại, thế nhưng, sau đó, những khúc điện thư ngắn ngủi dần dà leo thang thành những bức thư có kèm nội dung khiêu dâm, tục tĩu.

Anh Gavrilovski phủ nhận việc cố tình gởi bức điện thư đó. Anh nói anh gởi nhầm, vì anh nhận được hình ảnh khiêu dâm ấy, mà không biết gốc ngọn từ đâu, nên anh đã giữ lại trong máy, để điều tra! Hiện phiên xử vẫn còn tiếp diễn.

CHÁNH PHỦ TÂY ÚC TRÁM MIỆNG CÔNG CHỨC

PERTH: Chánh phủ Gallop đã chi ra $4 triệu Úc kim trong việc sa thải 32 công chức cao cấp hầu buộc họ không được quyền chỉ trích thượng cấp cũ của mình.

Một trong những thỏa ước giữa các nhân viên cao cấp này và chính phủ là họ sẽ không công khai chỉ trích sở, bộ hoặc bộ trưởng nơi họ đã làm việc cho đến sau kỳ bầu cử tới.

Trung bình, mỗi người trong số họ được lãnh $125,000 tiền bồi thường bị sa thải, và phải chấp thuận theo bốn điều kiện sau đây:

Thứ nhất, tất cả những điều kiện của thỏa ước được giữ bí mật. Thứ nhì, tất cả mọi dữ kiện nằm trong lá thư mời gọi chấp nhận về hưu non không được dùng vào bất cứ mục đích gì khác. Thứ ba, người chấp nhận về hưu non không trở lại làm việc cho chính phủ trong khoảng thời gian tương đương với thời gian lãnh tiền bồi thường nếu không được chính thủ hiến cho phép. Thứ tư, họ đồng ý không công khai phát biểu ý kiến của mình về cách điều hành công việc tại nơi làm cũ về những việc xảy ra trước khi họ nhận tiền bồi thường, kể cả phong cách làm việc của bộ trưởng.

Thủ hiến Gallop cho biết điều khoản yêu cầu bảo mật đó là điều khoản bình thường giữa một cá nhân và một tổ chức khi họ không còn hợp tác nữa. Tuy nhiên, khi còn là lãnh tụ đối lập, ông đã từng chỉ trích chính phủ Court, và cho rằng điều khoản ấy không thích hợp cho các công sở.


THAY ĐỔI LUẬT ĐỂ BẢO TỒN VĂN NGHỆ!

SYDNEY:Chính phủ tiểu bang NSW có thể thay đổi đạo luật Liquor Act nhằm có thể bao gồm chuyện "người đến trước" trong các vụ tranh cãi về tiếng động ồn ào giữa những quán rượu và cư dân gần đó.

Những thay đổi này sẽ làm giảm quyền hành của những người mua nhà ở gần những quán rượu đã có sẵn chương trình văn nghệ nhạc sống từ trước khi họ dọn vào. Đó là thành quả của chiến dịch vận động lâu dài của Hiệp hội Quán Rượu Úc Châu (Australian Hotels Association) trong nỗ lực hồi sanh sinh hoạt văn nghệ trong thành phố, và giúp cho chủ quán rượu có thêm sức mạnh trong việc đương đầu với những lời khiếu nại từ cư dân trong vùng.

Ông Willmott, chủ nhân quán "Cat & Fiddle" ở Balmain, cho biết: "Thiên hạ mua những ngôi nhà với giá rẻ, vì chúng ở gần những quán rượu, và rồi sau đó thì lại muốn dẹp quán rượu để tăng giá trị căn nhà của mình. Thí dụ như quán của tôi đây, nó ở đây hơn 30 năm rồi, và ai cũng biết là chúng tôi có nhạc sống tại đây". (Quán ông đã bị buộc phải cắt giờ hoạt động vì cư dân than phiền).

Bà Kay la Forest, chủ nhân quán Monkey Bar cũng ở Balmain nói: "Họ muốn là dân sõi đời, họ muốn ở gần tất cả mọi phương tiện, nhưng họ muôn đổi luật chơi".

Cho đến bây giờ, chiếu theo luật Liquor Act, thì chỉ cần ba cư dân than phiền là quán rượu phải giảm âm thanh hoặc cắt giờ hoạt động. Trong những trường hợp tệ hại nhất, thì bar sẽ bị LAB buộc phải đóng cửa vĩnh viễn.

CÔNG CHÚNG VICTORIA CÓ THỂ GÓP Ý TRONG VIỆC TUYÊN ÁN TỘI PHẠM

MELBOURNE: Một bản tái duyệt xét việc tuyên án do chính phủ yêu cầu giáo sư Arie Frieberg, ngành tội phạm học tại đại học Melbourne thực hiện, vừa được công bố hồi đầu tuần. Bản báo cáo đề nghị rằng một Ủy Ban Cố Vấn về việc Tuyên Án nên được thành lập và nên có sự tham gia của công chúng trong Ủy ban này.

Theo đề nghị từ bản tái duyệt xét thì Ủy ban này bao gồm các viên chức tư pháp, đại diện của ngành luật sư, giới học giả trong các ngànnh liên quan và đại diện của công chúng.

Nhiệm vụ của Ủy ban là giáo dục quần chúng về những chuyện liên quan đến việc tuyên án, nghiên cứu, liên lạc với cộng đồng, thu thập dữ kiện và soạn thảo dữ kiện về việc tuyên án.

Tòa án sẽ không bị ép buộc phải thi hành những đề nghị của Ủy ban cố vấn và do đó tính độc lập của tòa vẫn không bị xâm phạm. Ông Hull, bộ trưởng tư pháp Victoria, cho biết rằng mục đích chính của Ủy ban là "để có những phương thức đặc biệt nhằm vào việc cho phép quần chúng cơ hội đóng góp ý kiến vào phương cách tuyên án".

Ủy ban sẽ hoạt động theo sự yêu cầu của Tòa Kháng Án Hình Sự hoặc của bộ trưởng Tư Pháp. Nó có thể đề nghị lên Tòa Kháng Án về "những điều tổng quát mà tòa nên để ý đến, liên quan đến một loại tội phạm nhất định".

Các cuộc thảo luận công cộng sẽ là một phần trong quá trình tham khảo ý kiến công chúng về vấn đề tuyên án trong vòng hai tháng tới. Bản báo cáo sẽ được đúc kết và đệ trình lên bộ trưởng tư pháp vào cuối năm nay.


HỐI HẢ ĐI LÀM DỄ GÂY TAI NẠN

MELBOURNE: Một bản nghiên cứu cho biết rằng hơn 30 người bị thiệt mạng hàng năm trong những tai nạn giao thông trên đường đi làm.

Trong khoảng thời gian 1996-2000, có 2396 người tử thương trong các tai nạn xe cộ, và 156 người, 7% của tổng số, chết trên đường từ nhà đến sở hay ngược lại.

Theo con số của Ủy Ban Nghiên Cứu về Tai Nạn Giao Thông thì cũng trong cùng khoảng thời gian đó, có 98,868 đơn đòi bồi thường bảo hiểm về những thương tật do tai nạn giao thông gây ra và 15% tổng số, 15,140 vụ, liên quan đến tai nạn trên đoạn đường giữa nhà và sở.

Ông Nathan Nivan, phụ tá tổng thư ký của Liên Đoàn Lao động tiểu bang (Trades Hall Council) cho rằng đó là những con số thật bất ngờ. Ông cho biết trung bình cứ bốn người thì có một người lái xe đi làm. Ông nói thêm: "Người ta thường chạy xe vượt tốc độ vì áp lực từ chỗ làm. Bây giờ người ta thường phải làm việc nhiều giờ hơn xưa và có ít thì giờ dành cho gia đình, vì thế khi tan sở, họ cố gắng về nhà cho nhanh. Buổi sáng thì vì người ta không dành đủ thì giờ chuẩn bị, cho nên phải lái xe quá tốc độ để đến sở đúng giờ".

Quyền tổng giám đốc Hội Đồng Thương Mãi Victoria, ông Neil Coulson thì nói rằng: "Tôi không nghĩ rằng giới chủ nhân lại tạo áp lực cho nhân viên như thế. Đấy chính là vì người ta bay giờ thường luôn luôn hấp tấp, thế thôi".


HỆ THỐNG GIÁO DỤC NAM ÚC TRÊN ĐÀ TUỘT DỐC

ADELAIDE: Một cuộc điều tra của tờ The Advertiser đã khám phá ra rằng các trường công lập tại Nam Úc hiện đang trên đà đi xuống vì sự gia tăng sĩ số học sinh trong lớp, cơ sở mục rã và tinh thần giáo chức suy giảm.

Giới giáo chức, phụ huynh và phe đối lập tin rằng tình trạng này sẽ ngày càng tệ hại hơn, nếu chính phủ không có những hành động thỏa đáng. Theo cuộc điều tra thì:

Hơn 50 trường học đang cần được tu bổ, nhiều trường bị dột, có cửa sổ kính bị vỡ, tường lở, thậm chí có cả chuột sinh sống nhưng không được bộ Giáo dục đoái hoài đến. Phụ huynh các trường công lập, cả tiểu học và trung học, hiện còn nợ chính phủ tiểu bang gần $1 triệu Úc kim tiền lệ phí hàng năm, khiến cho nhiều trường học không có ngân quỹ cần thiết để mua những nhu liệu cần yếu như máy điện toán, hoặc sách cho thư viện.

Học sinh phải bị dồn vào những lớp với sĩ số lớn hơn so vơi 10 năm về trước. Sĩ số trung bình của các lớp tiểu học bây giờ là 30, các lớp trung học từ lớp 8 đến lớp 10 là 29.

Có nhiều sự căng thẳng giữa những giáo viên lớn tuổi và những giáo viên trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm. Thêm vào đó, con số giáo viên làm việc trên căn bản giao kèo thay vì được một công việc có tính lâu dài hơn lại tăng lên, khiến cho gần 300 giáo viên đã tìm việc làm vững chãi hơn ở những trường tư.

Thế nhưng, chính phủ tiểu bang thì cho rằng hệ thống giáo dục công cộng Nam Úc ở vào hàng đầu trên thế giới.


THỦ LÃNH CHÁNH PHỦ ACT DẬP TẮT BẤT MÃN NỘI BỘ

CANBERRA: Ông Gary Humphries, thủ lãnh chánh phủ ACT, đã phải dập tắt những sự bất mãn trong nội bộ đảng Tự Do về việc ông tuyên bố tuần qua rằng ông dự tính sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề tổ chức những trung tâm xử dụng bạch phiến an toàn. Tuyên bố này đã bị thủ tướng John Howard lớn tiếng chỉ trích và gây dư luận xôn xao.

Cuối tuần qua, ông Humphries một lần nữa lập lại quan điểm của ông rằng đảng Tự Do ACT tuyệt đối ủng hộ ông trong việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, và việc ấy sẽ được xem như là một cuộc bỏ phiếu lương tâm.

Ông liên kết chương trình thử nghiệm tổ chức phòng chích an toàn với những vấn nạn nan giải về những tội ác liên quan đến ma túy, và nói rằng vấn đề chống tội phạm sẽ là một trong những đề tài nóng bỏng của kỳ bầu cử lãnh thổ ACT sắp tới, ngang hàng với những vấn đề y tế và giáo dục.

Ông nói: "Ma túy đi đôi với tội ác, và chúng tôi sẽ xem tội ác là một vần đề quan trọng. Chúng tôi liên kết nó với những phương cách đối phó khác về tệ nạn ma túy".

Tuy nhiên, chủ tịch hạ viện, ông Greg Connell tuyên bố rằng chương trình thử nghiệm bạch phiến cũng như phòng chích an toàn là "hai vấn đề rồ dại". Ông ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, nhưng đó là chỉ để cho "đa số thầm lặng" có thể "đập cho thật nát" ý tưởng rồ dại ấy.


DÂN NAM ÚC MÊ NUÔI CHÓ HƠN CÓ CON

ADELAIDE: Một kiểu gia đình mới đang xuất hiện tại Nam Úc vì những cặp vợ chồng trẻ đình hoãn việc có con.

Tuy không có con số thống kê chính xác, nhưng từ những dữ kiện thâu thập được từ các văn phòng của hội bảo vệ súc vật, từ các phòng mạch thú y, thì dường như gần đây có phong trào các cặp vợ chồng trẻ muốn luyện tập các ngón nghề cần thiết trong việc giáo dục con cái bằng cách mang chó về nuôi.

Theo bà Christine McLeod, một chuyên viên dạy thú vật tại Hội Huấn Luyện Gia Súc Nam Úc thì so với vài năm trước đây, con số những cặp vợ chồng trẻ nuôi thú tại nhà gia tăng gấp bội. Bà nói: "Họ cho mình là phụ huynh và cố gắng nuôi nậng chúng đúng đắn bằng cách cho chúng được giáo dục huấn luyện hẳn hoi".

Phát ngôn nhân của hội Bảo vệ súc vật, bà Sarah Harris cho biết chó "được đối xử như trẻ con trong gia đình". Bà nói thêm: "Họ muốn có một cái gì đó để nuông chiều, để yêu mến, và họ mua chó hoặc mèo về nuôi".

Bà Moira Joyce, giám đốc của cơ quan cố vấn về các mối liên hệ gia đình Relationships Australia thì cho rằng nuôi thú, nhất là chó, tạo cho một cặp vợ chồng cái cảm tưởng rằng họ thực sự là một gia đình đầm ấm. Bà nói: "Nó có nghĩa là họ có một cái gì đó để chăm sóc, đó là một nhu cầu căn bản của con người".

Bà Kay Schaffer, giáo sư môn giới tính học tại đại học Adelaide cho biết việc này phản ảnh sự thay đổi trong đời sống dân chúng hiện nay: "Vì người ta phải làm việc nhiều hơn, lâu hơn, không ai có thì giờ để có con cả".


NGUY CƠ BỘC PHÁT CÁC BỆNH ẤU THỜI TẠI QUEENSLAND

Ỵdoanbai-1 =BRISBANE: Bệnh phong chẩn (rubella) và ho gà (whooping cough) đang bộc phát tại Queensland, kết quả của một thế hệ không được chủng ngừa đúng đắn chống lại các loại bệnh ấu thời.

Con số của những người bị hai loại bệnh này vượt xa con số của năm ngoái, và cơn dịch bộc phát trong số người lớn tuổi hơn. Giới chức thẩm quyền cho biết những người không bao giờ chích ngừa hoặc không tái chủng cũng dự phần trong việc bệnh dịch lan tràn.

Cho tới 17 tháng 6 năm nay, số người bị bệnh ho gà tại Queensland là 507 trong khi tổng số của năm ngoài là 481. Theo bác sĩ John Scott, giám đốc dịch vụ y tế cộng đồng thuộc bộ Y tế Queensland thì những người trong lứa tuổi 10-15 dễ nhiễm bệnh nhất, bởi vì hiệu quả của thuốc ngừa đã bị giảm xuống. Ông nói: "Thuốc ngừa ho gà, khác với những loại thuốc ngừa khác, không có tác dụng lâu dài. Thông thường nó chỉ có hiệu quả từ 7 đến 10 năm mà thôi".

Ông cho biết trong khi các trẻ em lứa tuổi này không có nguy cơ thiệt mạng vì bệnh này, chúng có thể tạo nên những "khu truyền nhiễm" có thể tạo nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Những tác động quá mạnh bạo của cơn ho có thể làm vỡ mạch máu, khiến máu chảy vào não và giết đứa trẻ. Ông nói: "Một đứa bé lên cơn ho gà trông thật thảm não. nó cứ liên tục ho, cho đến lúc ngất đi mới thôi".

Còn về phong chẩn, thì lứa tuổi 18-30 dễ bị truyền nhiễm nhất. Cho tới tháng 7 năm nay đã có 50 vụ, so với 45 trong suốt năm ngoái.


CẢNH SÁT VICTORIA BÃI CÔNG

VICTORIA: Từ thứ hai vừa qua, cảnh sát Victoria sẽ bãi công và từ chối không biên giấy phạt, không ra tòa, không rửa phim tại các máy chụp đèn đỏ hoặc máy chụp tốc độ và không hiện diện tại các trận đấu thể thao.

Trong 22 khoản bãi công của họ sẽ bao gồm luôn việc cảnh sát viên làm việc một mình, ngoại trừ đó là công việc thường xuyên của mình.

Thế nhưng, phát ngôn nhân của công đoàn cảnh sát đã lên tiếng trấn an công chúng rằng an ninh công cộng vẫn sẽ được duy trì. Tổng Thư Ký Nghiệp Đoàn Cảnh Sát, ông Paul Mullet cho biết những người chạy xe quá tốc độ vẫn bị gọi lại, nhưng cảnh sát công lộ có thể sẽ cảnh cáo họ, hoặc sẽ ra lệnh cho họ ra thẳng tòa. Ông cũng cho biết rằng những cuốn phim sẽ không được rửa, nhưng có thể sau kỳ bãi công sẽ được rửa.

Cuộc bãi công cũng cấm thành viên nghiệp đoàn làm giờ phụ trội không lương, dùng email để liên lạc với cấp trên, cung cấp các dữ liệu thống kê cho các cơ quan chánh phủ, hành xử các trát tòa, ngoại trừ những tội nguy hiểm, phân phát thuốc cho tù nhân hoặc canh gác tù nhân trên đường giữa tù và tòa.

Trung sĩ thâm niên Mullet cho hay cuộc bãi công có thể gây tí phiền phức cho công chúng nhưng được thực thi với mục tiêu làm sáng tỏ vấn đề thiếu hụt tài nguyên của cảnh sát. Ông tuyên bố: "Hãy đưa trách nhiệm về lại cho chính phủ. họ là những kẻ đã tạo nguy hiểm cho quần chúng khi họ không muốn có một lực lượng cảnh sát dồi dào tài nguyên".


GƯƠNG GIÀ HIẾU HỌC

WAGGA WAGGA: Châm ngôn sống của bà Imelda Burgman rất giản dị: không ai quá già để học hỏi cả. Và bà là bằng chứng điển hình: bà bắt đầu theo học khóa Chứng Chỉ Giáo Dục Người Điếc năm bà 72 tuổi, và năm nay, khi tròn 80 tuổi, bà bắt đầu theo khóa điện toán khi gia đình bà tặng bà một máy điện toán làm quà sinh nhật.

Hồi đầu tuần, bà đã được phong tước hiệu Công Dân Úc Lão Niên Trong Năm của tiểu bang NSW để công nhận quyết tâm phụng sự giáo dục của bà.

Sau bao nhiêu thập niên là giáo viên tiểu học và mẫu giáo, kể cả lúc bà sáng lập một vườn trẻ theo phương pháp Montessori khi bà 60 tuổi, bây giờ bà vẫn bỏ ra mỗi tuần một ngày dạy cách đọc khi người ta nhép, và đồng thời, bà cũng vẫn theo học những lớp đối thoại bằng dấu hiệu.

Kinh nghiệm thuở nhỏ, khi bà phải dạy các em học vì là chị cả trong gia đình, đã thúc giục bà theo đuổi ngành giáo dục. Khi bà bắt đầu bị lãng tai, bà bèn đi học cách đọc môi. Chẳng bao lâu sau bà được tổ chức Better Hearing Australia mời về dạy cách đọc môi cho những người lãng tai khác, và thế là bà bắt đầu theo đuổi khóa Chứng Chỉ Giáo Dục Người Điếc và lãnh bằng năm bà 75 tuổi.

Bà Burgman sẽ đại diện NSW để tham dự buổi phát thưởng Công Dân Lão Niên Trong Năm Toàn Quốc vào tháng 9 tới đây tại Canberra.

Imelda Burgman Công Dân Lão Niên Trong Năm


CẢNH SÁT BÁO ĐỘNG VỀ NGUY CƠ BỊ CHUỐC THUỐC TRONG CÁC HỘP ĐÊM

CANBERRA: Cảnh sát ACT tin rằng trong vòng sáu tháng qua có hơn trăm người bị chuốc thuốc ngủ Rohypnol, những loại thuốc có toa khác cũng như ma úy ecstasy trong thể lỏng tại các hộp đêm ở Canbera.

Trung sĩ Sharpe cho biết có hơn 70 vụ được báo cáo trong vòng sáu tháng qua, nhưng đó chỉ là một con số "hết sức khiêm tốn". Ông nói: "Chúng tôi tin rằng có vài trăm vụ như thế xảy ra, cho cả đàn ông và đàn bà".

Theo cảnh sát thì những trường hợp được báo cáo "chỉ là một bách phân rất nhỏ" trong tổng số vụ đã xảy ra, bởi vì nhiều nạn nhân sợ xấu hổ nếu bị khám phá về tình cảnh của mình hoặc họ không nhớ chuyện gì đã xảy ra, hay họ cho đó là một lỗi lầm do uống quá nhiều rượu bia.

Ông Ben McDervit, tư lệnh hành động cảnh sát liên bang nói: "Vào các hộp đêm, bỏ ly nước của mình trên bàn rồi ra sàn nhảy là một điều tối nguy hiểm. Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng việc này xảy ra thường xuyên tại các hộp đêm ở Canberra". Ông lên tiếng kêu gọi những người nào nghĩ mình là nạn nhân của các vụ chuốc thuốc cũng như nhân viên tại các hộp đêm nếu biết về vấn đề này hãy liên lạc cảnh sát.


ĐÙA VỚI SÚNG LÀM CHẾT BẠN

HOBART: Một người đàn ông bị buộc tội ngộ sát bạn mình đã phủ nhận rằng đó là hậu quả của một trò đùa bất cẩn.

Trong một cuộc phỏng vấn được quay video với cảnh sát, Phillip Lynd 19 tuổi phủ nhận rằng mình đã cầm súng chĩa cây súng trường 22 vào đầu bạn mình.

Anh bị buộc tội ngộ sát Shawn Thomas Harvey vào ngày 23/3 năm nay.

Tại tòa thượng thẩm Hobart hồi đầu tuần, Lynd đã khẳng định: "Tôi không bao giờ cố ý chĩa súng vào đầu bạn tôi cả".

Nhân viên xe cấp cứu Phillip Lovell Taylor trình bày rằng khi ông đang cứu thương cho Harvey thì Lynd kể cho ông nghe chuyện gì đã xảy ra. Ông nói Lynd thuật lại với ông rằng họ đang đùa giỡn, rồi thì Lynd chĩa súng vào đầu Harvey và bóp cò. Lúc đo, Lynd nói với ông rằng anh nghĩ súng không có đạn và "vô cùng hoảng sợ và kinh ngạc" khi biết rằng súng có đạn.

Lynd nói trong cuộc phỏng vấn với cảnh sát rằng trước khi anh đem súng đi trả cho chủ nhân của nó, anh quay lại để nói cho Harvey biết ý định của mình, và khi anh quay lại thì súng bị cướp cò và nổ.

Anh nói, sau khi súng nổ anh nghĩ: "May quá. Thế rồi bỗng nhiên mắt nó nhắm nghiền lại và máu rỉ xuống mặt. Khi đó tôi mới biết rằng mình đã bắn trúng nó".


DỰ ĐỊNH THAY ĐỔI LUẬT DI TRÚ BỊ CHỈ TRÍCH

CANBERRA: Các nhóm bênh vực người tỵ nạn đã lớn tiếng chỉ trích dự định của chính phủ Liên bang trong vấn đề ban hành thêm những ngăn cấm khắt khe khác đối với người xin tỵ nạn tại Úc.

Họ nói rằng những sửa đổi đó sẽ gây thêm nhiều trở ngại khó khăn cho người tỵ nạn. Chính phủ muốn hợp thức hóa quan điểm của họ về Thỏa Ước Tỵ Nạn Quốc Tế vào trong luật lệ hiện hành tại Úc. Nếu những dự luật này được quốc hội thông qua, chính phủ sẽ được quyền buộc người tỵ nạn phải chứng minh lý lịch của mình, nếu họ không có giấy tờ chứng minh rõ rệt.

Những thay đổi này sẽ bao gồm việc thử nghiệm về chuyện bị đàn áp và sẽ ngăn cản những người có án hình sự tại Úc không được quyền xin cấp hộ chiếu bảo bọc vĩnh viễn (permanent protection visa).

Nếu người nộp đơn không tuyên thệ sẽ trung thành được bằng những phương pháp thích hợp với tôn giáo của họ, diều này cũng sẽ được xem là một bằng chứng phủ nhận tư cách của họ.

Chính phủ cũng muốn ngăn chận việc thành viên của một gia đình nộp quá nhiều đơn cũng như muốn định nghĩa lại định nghĩa áp bức của Thỏa Ước tỵ Nạn LHQ.

Điều hợp viên của Trung Tâm Luât Pháp Di Trú Và Tỵ Nạn tại Melbourne, ông Martin Clutterbuck nói: "Như vậy sẽ tạo khó khăn hơn cho người xin tỵ nạn trong việc thông qua các thủ tục và được chấp nhận tư cách tỵ nạn".

Hội Đồng Độc Lập Bênh Vực Tỵ Nạn cũng lớn tiếng chỉ trích những dự tính nêu trên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.