Hôm nay,  

Tôn Giáo Và Chính Quyền

18/08/200100:00:00(Xem: 3973)
Việc Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi chính thức đến viếng thăm ngôi đền Thần đạo Yasukuni đã gây ra phẫn nộ từ các nước Đông Á, nhất là Nam Hàn và Trung Quốc bởi vì ngôi đền có thờ cả các phạm nhân chiến tranh Nhật thời Thế chiến II. Phản ứng này rất dễ hiểu, nếu xét theo những hành vi bạo ngược của quân đội Nhật khi chiếm đóng các nước đó. Tại sao Koizumi lại đến đó sau khi đã bị cảnh cáo nhiều lần" Có thể là vì một lời hứa của ông trước khi được bầu làm Thủ tướng để lấy lòng các phe cực hữu bảo thủ. Ông không thể nuốt lời hứa vào lúc này khi chính quyền của ông đã lung lay, nhưng ông khôn khéo chọn ngày 14 thay vì ngày 15-8 là ngày kỷ niệm quân đội Nhật Bản đầu hàng đồng minh. Nước nào cũng có quyền kỷ niệm những tử sĩ của mình, nhưng nếu chờ đến ngày đó ông theo Hoàng đế Nhật Bản Akihito đến đặt vòng hoa trước đài tử sĩ vô danh thì đã không xẩy ra chuyện gì. Koizumi đã phạm vào một lỗi lầm tai hại.

Thần đạo là một tôn giáo truyền thống của Nhật có từ thời xa xưa cả ngàn năm, trước khi Nhật du nhập Phật giáo và Thiên chúa giáo. Thần đạo không liên hệ gì đến chiến tranh, các ngôi đền chỉ thờ Thái Dương Thần Nữ, theo truyền thuyết là con gái của thần Mặt trời xuống trần tạo ra nòi giống Nhật Bản, đồng thời cũng thờ những vua chúa và những vị anh hùng có công với đất nước. Trong lịch sử Nhật thời chiến quốc kéo dài 700 năm, Thần đạo chỉ giữ vai trò khiêm tốn, dù các ngôi đền nhiều khi là những nơi ẩn náu của các samurai thất thế hay về già. Vậy tại sao đền Thần đạo ngày nay lại thờ tử sĩ chiến tranh" Việc này bắt đầu từ năm 1868 khi Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji) tóm thâu quyền lực của phủ “tướng quân” để trở thành một vị vua cai trị thực sự.

Minh Trị là một ông vua giỏi, quyết canh tân đất nước lạc hậu trước họa xâm lăng của người Tây phương. Ưu tiên của ông là phải làm cho nước Nhật Bản mạnh về quân sự. Trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội ngang bằng Tây phương, vua thôi thúc tinh thần quốc ái quốc của người dân bằng cách ra lệnh cho các đền thờ Thần đạo phải tôn thờ các vị anh hùng liệt sĩ tử trận. Đến khi Nhật thắng Nga năm 1905, các tướng sĩ tử trận được đưa vào đền thờ trọng thể. Nhật Bản chỉ có một giòng họ làm vua từ gần hai ngàn năm nay. Sử ký có văn bản ghi khoảng năm 400 sau Công nguyên, giòng họ Yamato ở Kyoto thống nhất các bộ lạc lúc đó, lên làm vua tự xưng là giòng dõi Thái dương Thần nữ. Các vua Nhật đến nay vẫn thuộc giòng họ đó nên được dân chúng gọi là “Thiên hoàng Bệ hạ”. Vì chỉ có một giòng vua, Minh Trị đã có uy quyền đưa Thần đạo lên một thế tín ngưỡng mạnh yểm trợ cho tinh thần ái quốc. Nếu Việt Nam có một giòng vua liên tục từ thời Hùng vương, và nếu Việt Nam cũng ở trên đảo như Nhật, không có biên cương đất liền dính với một nước nào, tôi nghĩ dân tộc Việt Nam vốn sùng bái tổ tiên cũng có thể giữ được một truyền thống thờ cúng như Thần đạo.

Sau khi Nhật bại trận năm 1945, vai trò của Thần đạo xuống thấp, nhất là vì ảnh hưởng Âu hóa đã tràn vào rất mạnh. Không ai nghĩ đến việc đưa các tử sĩ Nhật trong Thế chiến II vào các ngôi đền Thần đạo. Nhưng năm 1978, không biết do sự thúc đẩy nào các đạo sĩ của ngôi đền Yasukuni đã lặng lẽ đưa vào đền bài vị của 14 phạm nhân chiến tranh đã bị Tòa án đồng minh xét xử. trong số này có 7 người bị xử giảo và 7 người chết trong tù. Một năm sau chuyện này mới được tiết lộ ra ngoài, lúc đó đã có nhiều dư luận kêu gọi nên bỏ các bài vị đó ra ngoài, nhưng các đạo sĩ Thần đạo không chịu. Tội ác chiến tranh chỉ là phó sản của chiến tranh. Từ thời xa xưa, chiến tranh nào cũng có những kẻ đã phạm vào những tội như giết tù binh, hại thường dân, hãm hiếp hay cướp bóc, nhưng không bị đem ra xử. Trí tuệ con người ngày nay đã mở rộng. Dù không thể tránh chiến tranh, cộng đồng thế giới đã quyết trừng trị những kẻ tội phạm chiến tranh để làm gương. Không những kẻ cầm súng ngoài mặt trận bị kết tội mà những kẻ chỉ huy theo hệ thống quân giai, cả những kẻ cầm đầu trên cấp cao nhất cũng bị truy nã. Chúng ta đã thấy vụ xử các phạm nhân chiến tranh trong quá khứ ở Tokyo và Nuremberg, và trong hiện tại ở The Hague mới đây.

Ở Nhật Bản ngày nay dân trí đã khác. Những lớp người sinh sau Thế chiến cả chục năm không chấp nhận quá khứ tàn bạo của quân đội Nhật dưới thời quân phiệt, họ coi đó là một vết nhơ trong lịch sử. Chỉ có một số nhỏ những kẻ già lão còn mơ đến quá khứ gọi là “chí làm trai giòng Thái Dương Thần Nữ” đầy ảo tưởng. Những bóng ma của quá khứ đó đang biến dần ra khỏi thế giới hữu hình này. Thế nhưng các thế lực bảo thủ cực đoan trên chính trường Nhật vẫn dựa vào mộng tưởng này để duy trì quyền lực, bởi vì phần lớn quyền lợi kinh tế trong tay họ. Vậy tại sao không một chính quyền Nhật nào ra lệnh cho những đạo sĩ đền Yasukuni hủy bỏ những bài vị phạm nhân chiến tranh" Đây là một thế kẹt, trong chế độ dân chủ không một chính quyền nào có thể làm như vậy. Vì khi bắt buộc một tôn giáo phải làm gì, chính quyền đã thao túng tôn giáo, chớ không còn là vấn đề “chính trị hóa” hay “không chính trị hóa” quá khứ. Không ai có thể lợi dụng một truyền thống dân tộc đã được đưa lên hàng tín ngưỡng, để mưu cầu lợi riêng cho phe đảng về chính trị. Tôn giáo và chính quyền phải riêng biệt.

Anh là chính quyền nếu anh thọc tay vào việc của tôn giáo, anh chỉ có chết. Ngược lại nếu anh để tôn giáo xâm nhập lèo lái chính quyền, anh cũng chết. Tôi nghĩ đây là bài học cho những kẻ ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Và cả những người ở bên này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.