Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

30/08/200400:00:00(Xem: 5134)
Hỏi: (Ông Nguyễn Phúc Hạnh): Tôi thành lập công ty xuất nhập khẩu để nhập cảng hàng hóa từ Việt Nam và Trung Quốc sang các quốc gia Âu Mỹ. Từ trước tới nay chúng tôi thường ký hợp đồng cif để chuyên chở hàng hóa từ Á Châu nhập cảng sang các quốc gia khác. Nay một vài người bạn đề nghị với chúng tôi là nên ký kết hợp đồng “ex ship”với các nhà sản xuất tại Trung Quốc hoặc Việt Nam để hàng hóa được vận chuyển sang các quốc gia Úc Châu hoặc Hoa Kỳ vì nghe đâu loại hợp đồng này có nhiều điểm lợi cho các công ty chuyên nhập cảng hàng hóa như công ty của chúng tôi.
Xin LS cho biết sự khác biệt giữa hai loại hợp đồng này, và loại hợp đồng “ex ship” có đúng là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các loại công ty xuất nhập cảng như công ty của chúng tôi hay không"
Trả lời: C.I.F. contract (Cost, Insurance, Freight contract) (hợp đồng bao gồm giá cả, bảo hiểm, và cước phí chuyên chở): Theo luật mậu dịch quốc tế, thuật từ được dùng để chỉ hợp đồng mua bán hàng hóa mà trong đó tổn phí người mua phải trả bao gồm giá của hàng hóa và phí tổn bảo hiểm cùng phí tổn chuyên chở đến nơi quy định. (In international trade law, the term used to denote a contract for the sale of goods in which the price that the buyer has to pay includes the cost of the goods and the insurace and the freight to the named destination).
Ex ship contract (hợp đồng bán hàng chở bằng tàu giao tận nơi cho người mua): Theo luật mậu dịch quốc tế, thuật từ được dùng để chỉ hợp đồng mua bán hàng hóa mà trong đó người bán chịu trách nhiệm sắp xếp để hàng hóa được chuyển bằng tàu đến bến cảng tại quốc gia của người mua và chuyển giao hàng hóa đó cho người mua bằng cách bốc dỡ hàng và chuyển giao quyền sở hữu cho người mua. (In international trade law, the term used to denote a contract for the sale of goods in which the seller is obligated to arrange for the shipment of the goods to a port in the buyer’s country and to deliver the goods to the buyer by having them unloaded into the buyer’s possession).
Theo hợp đồng “ex ship” thì mọi sự rủi ro và quyền sở hữu hàng hóa vẫn thuộc về người bán cho đến lúc hàng hóa được bốc dỡ xuống tàu và chuyển giao cho người mua như đã được quyết định trong vụ Pyrene Co Ltd kiện Scindia Navigation Co Ltd [1954] 2 QBD 402. Ngược lại, trong hợp đồng “cif,” quyền sở hữu về hàng hóa được chuyển sang cho người mua vào lúc chuyển giao văn kiện mua hàng, điều này xảy ra khá lâu trước khi hàng hóa thực sự được chuyển giao cho người mua.
Vì thế, trong hợp đồng “ex ship” người mua không có “quyền lợi về bảo hiểm” “insurable interest” trong suốt thời gian hàng hóa được vận chuyển và không có quyền khiếu nại đòi công ty bảo hiểm bồi hoàn về sự thất lạc hàng hóa.
[Ghi chú: insurable interest (quyền lợi có thể bảo hiểm được): Thuật từ được dùng để chỉ quyền lợi pháp lý hoặc quyền lợi do công lý tự nhiên được nắm giữ bởi người đóng bảo hiểm liên hệ đến tài sản được bảo hiểm. Quyền lợi này cung ứng cho người đóng bảo hiểm quyền buộc phải thi hành hợp đồng. Ví dụ; nếu một người có sự trông đợi chính đáng về lợi ích tài chánh đối với mạng sống của một người khác, chẳng hạn như người phối ngẫu, thì người đó có quyền lợi có thể bảo hiểm được dựa trên hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. (The term used to refer to the legal or equitable interest held by the insured person in relation to insured property. This interest provides the person insured with the right to enforce the contract. For example; if a person has a reasonable expectation of financial benefit from the life of another, such as spouse, that person then has an insurable interest on which to base a life insurance policy).

Vì hàng hóa vẫn thuộc về quyền sở hữu của người bán cho đến lúc chúng được bốc dỡ và chuyển giao cho người mua tại bến cảng quy định, người bán phải chịu toàn bộ sự rủi ro trong suốt thời gian chuyên chở. Vì thế, người bán có “quyền lợi về bảo hiểm” đối với toàn bộ hàng hóa. Cũng vì lý do này, mà người mua trong hợp đồng “ex ship” hoàn toàn không chịu trách nhiệm về sự mất mát của hàng hóa trong lúc vận chuyển, đồng thời người mua có quyền đòi lại tất cả tiền đặt cọc mà đương sự đã trả cho người bán.
Trong hợp đồng “cif” nếu hàng hóa bị thất lạc hoặc thiệt hại trong lúc vận chuyển, thì người mua có quyền khiếu nại để đòi bồi hoàn về việc thất lạc hoặc thiệt hại đó theo sự quy định của “hóa đơn vận chuyền” (bill of lading).
[Ghi chú: bill of lading (hóa đơn vận chuyển): Hợp đồng được làm giữa người gửi hàng và người nhận hàng nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa bằng tàu đến nơi đã được định rõ. Hóa đơn vận chuyển ghi tên người chuyển và người nhận, miêu tả các chi tiết của hàng hóa, ghi rõ nơi đến và các điều kiện của hợp đồng vận chuyển chúng. Hóa đơn vận chuyển thường được gởi đi trước khi tàu rời bến và trao chứng thư về bằng khoán cho người gởi. (A contract made between the consignor and consignee to transport goods by ship to a specified destination. It names consignor and consignee, describes the particulars of goods, states the place of destination and conditions of contract to transport them. The bill of lading is often sent ahead of the ship and gives proof of title to the consignor)].
Trong vụ Yangtzu Insurance Association kiện Lukmanjee [1918] AC 585. Trong vụ đó, người mua điều hành thương nghiệp tại Colombo, mua gỗ tếch của Miến Điện được chở bằng tàu theo hợp đồng “ex ship.” Người bán chuyển gỗ bằng tàu từ Bangkok đến Colombo và đóng bảo hiểm cho công ty bảo hiểm. Gỗ được chở đến Colombo và bốc dỡ xuống địa điểm được đồng ý bởi người mua, và chuyển sang các chiếc bè nhỏ để chở vào nhà kho. Trong lúc chở vào nhà kho thì sóng to gió lớn nổi lên làm một số gỗ đã bị nước cuốn trôi mất. Người mua bèn dựa vào bảo hiểm của người bán để khiếu nại về sự mất mát này. Tòa quyết định là công ty bảo hiểm phải bồi hoàn sự mất mát cho người mua. Công ty bảo hiểm bèn kháng án.
“Cơ Mật Viện” (the Privy Council) đã đồng ý với lập luận của công ty bảo hiểm và chấp thuận đơn kháng án, vì cho rằng người bán chỉ đóng bảo hiểm cho hàng hóa trong thời gian vận chuyển trên biển khơi. Một khi hàng hóa đã được chuyển giao cho người mua thì người mua phải chịu trách nhiệm về việc bảo hiểm hàng hóa đó.
Dựa vào luật mậu dịch quốc tế cũng như phán quyết vừa trưng dẫn ông có thể thấy được rằng sự khác biệt giữa việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển theo hợp đồng “ex ship” và hợp đồng “cif” có những điểm khác nhau như sau: người mua hàng hóa theo hợp đồng “cif” chịu trách nhiệm về sự mất mát của hàng hóa ngay vào lúc các văn kiện mua bán được chuyển giao cho người mua. Ngược lại, trong hợp đồng “ex ship” người mua chỉ chịu trách nhiệm khi đương sự nhận hàng tại bến cảng được chỉ định. Chủ quyền của hàng hóa trong hợp đồng “cif” thuộc về người mua ngay vào lúc giấy tờ được chuyển giao cho đương sự. Trong lúc đó, theo hợp đồng “ex ship” thì chủ quyền của hàng hóa vẫn thuộc về người bán cho đến lúc chúng được bốc dỡ và chuyển giao cho người mua tại bến cảng quy định.
Hy vọng sự giải thích trên đây giúp ông hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa hai loại hợp đồng, để ông có thể quyết định được loại hợp đồng nào thuận tiện cho công việc thương mãi của ông. Nếu ông còn thắc mắc xin gọi điện thoại cho chúng tôi để được giải đáp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.