Hôm nay,  

Gs Lê Văn Lan Lên Bbc: Không Đòi Bạch Hóa Gì Cả

03/03/200600:00:00(Xem: 5202)
Một lá thư được lưu truyền ở Hà Nội -- và rồi lưu truyền trên Internet, và rồi đăng trên một số báo hải ngoại, trong đó có Việt Báo -- nội dung về một số góp ý sử học với Đảng CSVN.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan hôm Thứ Năm đã lên đài BBC để nói rằng lá thư ký tên ông đang lưu truyền rộng rãi đó thực ra không phải là ông viết. Để phổ biến tiếng nói chính thức từ nhân vật chính, nơi đây xin đăng toàn văn bản tin BBC về cuộc phỏng vấn giáo sư như sau:

“Nhà sử học bác bỏ thư mạo danh

Giáo sư sử học Lê Văn Lan, từ Hà Nội, đã nói với đài BBC rằng ông không phải là tác giả của một bức thư “đòi bạch hóa một số điều bí ẩn” về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mới đây, trên mạng internet đã lan truyền nội dung một lá thư gồm bốn điểm, trong đó yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam công nhận một người, Nguyễn Tất Trung, là con ruột của ông Hồ Chí Minh.

Lá thư cũng đề nghị ông Nông Đức Mạnh “trả lời rõ ràng trước báo chí thế giới và trong nước về vấn đề nghi vấn đồng chí Nông Đức Mạnh là con của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn không có cơ sở lịch sử cũng như sinh học.”

Tác giả lá thư được nói là của giáo sư Lê Văn Lan, Viện Sử học Việt Nam.

Nhưng trả lời phỏng vấn đài BBC hôm nay, giáo sư Lê Văn Lan hoàn toàn bác bỏ văn bản này.

“Người đã gán cho tôi là tác giả bài viết trên mạng, họ thật thiếu hiểu biết. Ở Việt Nam hiện nay không có tổ chức nào tên là Hội Khoa học Lịch sử miền Bắc, thế mà lại cho tôi làm chủ tịch cái hội không hề có.”

“Tôi là chuyên gia về cổ sử, nhưng trong bài trên mạng, họ bảo tôi nghiên cứu lịch sử cận đại. Cái bài cũng đầy lỗi ra. Tôi có ngốc đến mức viết sai nhiều lỗi chính tả như vậy.”

Giáo sư Lê Văn Lan thường xuất hiện trên một số chương trình truyền hình ở Việt Nam. Ông nói có thể việc ông xuất hiện nhiều trên truyền thông đã làm ai đó mạo danh ông.

“Thời gian gần đây, tôi có một số công trình có lẽ được nhiều người để ý, và xuất hiện đây đó trên phương tiện truyền thông. Có thể điều đó khiến tôi lọt ‘mắt xanh’ của người mà tôi không thể cảm ơn.”

Thời gian qua, nhiều tài liệu lưu hành nội bộ ở Việt Nam, bằng nhiều cách, đã được lưu hành trên internet.

Một số trong đó, của những tác giả như Lê Đăng Doanh, Phan Đình Diệu, Đoàn Duy Thành… được xác nhận là có thật.

Nhưng như trường hợp ‘lá thư của giáo sư Lê Văn Lan’ cho thấy, người ta cũng cần thận trọng xác minh những thông tin được phát tán rộng rãi qua internet.”

Việt Báo trân trọng cáo lỗi với giáo sư nếu tin này không đúng, và đang phối kiểm với nguồn gửi ban đầu để tìm hiểu giữa một thời bưng bít thông tin như thế này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.